Sự liêm khiết

Sự liêm khiết được biểu thị cho việc không tồn tại của lòng tham. Thường một người liêm khiết không tùy tiện cho ai bất cứ vật gì dù là nhỏ nhất, cũng như không tùy tiện nhận bất cứ vật gì dù là nhỏ nhất từ những người khác. Vật nhỏ nhất có thể là một ngọn cỏ. Người đó cũng sẽ chẳng tùy tiện cho một ngọn cỏ cho một ai đó hay tùy tiện lấy vật của người khác. Đây là ý nghĩa của sự liêm khiết, là thanh tịnh và không có lòng tham. Một con người có đặc tính như vậy được coi là rất cao quý.

Vào thời kỳ cổ đại, Vua Nghiêu, ở tuổi về già mong muốn thoái vị và tìm kiếm một bậc hiền nhân để nhường ngôi. Vua mong muốn tìm được một người kế vị để có thể trao ngai vàng. Nhà vua từng nghe đến Sào Phủ và Hứa Do là hai bậc hiền nhân có phẩm hạnh thanh tịnh và cao thượng. Sào Phủ (người cha ở tổ chim) có tên như vậyvì là người hoàn toàn không cần bất cứ thứ gì; và ông trú ngụ trên cây trong chỗ ở tương tự như một tổ chim. Ông không có bất kỳ lòng tham nào. Khi ông muốn uống nước, ông dùng hai lòng bàn tay để hớp nước uống. Một lần, có một người biếu ông một quả bầu khô dùng để uống nước.  Ông treo nó lên cây khi không cần dùng. Tuy nhiên mỗi khi có gió thổi qua thì quả bầu khô đó đập vào cây và tạo nên những âm thanh ồn ào, do đó ông đã tháo quả bầu khô xuống và vứt bỏ. Ông ta cao quý như vậy đó. Ông không muốn bất kỳ thứ gì. Nhan Uyên (*) sinh sống tại một hẻm nghèo còn dùng một mảnh sành để ăn và dùng quả bầu để uống nước; ngược lại, Sào Phủ thậm chí không cần một quả bầu hay một miếng sành. Ông ta thanh khiết như vậy đó. Ông và người bạn là Hứa Do cả hai đều không có lòng tham, mặc dù Hứa Docòn có một con trâu. Hứa Do  yêu thích con trâu và cưỡi nó đi khắp mọi nơi.

Hai bậc hiền nhân này nhân cách vô cùng cao quý. Tư tưởng của họ không ẩn chứa chút lòng tham nào. Họ cũng không hề có bất kỳ sự sợ hãi nào. Khi quý vị không có chút lòng tham nào, quý vị sẽ không phải sợ bất cứ điều gì.

Và rồi vua Nghiêu đã đích thân viếng thăm họ. Khi vua Nghiêu gặp Sào Phủ tại nơi ở của ông ta trên cây, vua Nghiêu đã giải thích về việc nhường ngôi cho Sào Phủ. Nhà vua nói rằng “Ông là người rất tốt, và vương quốc này cần những người như ông để trị vì. Ta muốn trao giang sơn này cho ông. Ta không còn muốn tiếp tục làm hoàng đế nữa”. Nhà vua đã phải nói rất nhiều lời, đại loại như: “Ta muốn ban cho ông ngai vàng. Ông không nên quá nhàn nhã như vậy. Ông hãy nên làm một ít việc cho dân chúng!”. Khi nghe được những lời này, Sào Phủ đã bịt đôi tai lại và chạy xuống dòng sông để rửa sạch tai. Ông nghĩ rằng, “Những lời dơ bẩn của vua đã làm bẩn đôi tai của ta”. Đời nay nếu người ta nghe được những cuộc nói chuyện dơ bẩn, họ rất háo hứng lắng nghe. Họ sẽ lắng nghe một cách rất hăng hái và vui vẻ.Tuy nhiên ở trường hợp Sào Phủ, khi ông ta được ban tặng cả vương quốc thì ông cảm thấy đôi tai của mình bị ô nhiễm. Mỗi người chúng ta đều nên tự hỏi đôi tai mình có thật “sạch sẽ” hay không. Khi quý vị nghe được những chuyện tầm phào, quý vị có tiếp tục lắng nghe hay không. Nhưng Sào Phủ thì lập tức bỏ đi ngay đến dòng sông để rửa sạch đôi tai của mình. Sào Phủ đã không để ý rằng Hứa Do cũng đang ở đó để cho con trâu của ông ta uống nước.

Hứa Do tình cờ có mặt tại hạ nguồn bên bờ sông, đang cho trâu uống nước, ông ta đã ngạc nhiên và tìm hiểu về hành động lạ thường này. Ông ta thắc mắc “ Này sao ông rửa đôi tai mình làm gì?”. Sào Phủ chưa nói với ai về thỉnh cầu của nhà vua, lúc bấy giờ mới trả lời cho ông bạn già của mình “Đức vua Nghiêu đã vừa đề nghị tặng vương quốc này cho tôi. Những ngôn từ đó đã làm dơ bẩn đôi tai tôi và tôi đang rửatai”.

Hứa Do đáp “Ông rửa đôi tai ông tại đây sẽ làm ô uế dòng nước. Làm sao tôi có thể để con  trâu của tôi uống những thứ nước dơ bẩn này? ”. Ngay sau đó, ông dẫn con  trâu của mình ngược dòng lên thượng nguồn, vì dòng nước dơ chảy xuống hạ nguồn. Hứa Do không muốn để cho con trâu của ông phải uống những thứ nước dơ bẩn này. Chà! Hai người này thật thanh khiết!. Họ thật trong sạch và cao quý.

 

Chú Thích của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ Vạn Phật Thánh Thành:

(*) Nhan Uyên: Nhan Hồi, họ Nhan, tên Hồi, tự là Tử Uyên, nên cũng gọi là Nhan Uyên, là con của ông Nhan Do, người nước Lỗ. Nhan Hồi theo học với Đức Khổng Tử, và là học trò giỏi nhứt trong số các học trò của Đức Khổng Tử.

Nhan Hồi nhà nghèo, ở trong ngõ hẹp, sống thanh bần với giỏ cơm bầu nước, vui vẻ học đạo. Đức Khổng Tử khen là người hiền và có nhân. Năm Nhan Hồi 29 tuổi thì tóc đã bạc trắng. Nhan Hồi mất lúc còn rất trẻ, mới 31 tuổi.