English | Vietnamese

Chào Mừng Quý Vị Đến Tu Viện

Hướng Dẫn Cho Khách Mới ViếngThăm

Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới 2006

 

 

 

Chào Mừng

 

Chào mừng quý vị đến một tu viện Phật giáo. Quý vị đã tới nơi đặc biệt dành trọn cho việc tu hành tâm linh và chuyển hóa bản thân. Đó là nơi mà quý vị có thể xả bỏ những lo lắng của thế gian và chú tâm về một số những nghi vấn sâu thẳm hơn trong đời sống như: “Tôi là ai? Tôi sẽ đi đâu? Và, làm thế nào tôi có thể quên mình mà đem lợi ích cho mọi người? ”

 

Tu viện cũng là nơi ở của các tăng ni đã cống hiến cuộc đời của họ theo con đường Phật giáo để đi đến giác ngộ. Cuộc sống của họ rất giản dị, giúp họ tập trung vào việc nghiên cứu và thực hành Phật giáo. Cũng có nhiều cư sĩ và du khách thường xuyên đến tu viện. Một số người thường xuyên ủng hộ tu viện, còn một số khác chỉ đơn thuần tò mò về cuộc sống ở đây.

 

Chúng tôi chào mừng quý vị và hy vọng chuyến viếng thăm của quý vị có ý nghĩa và giá trị. Tập sách này được phác hoạ để cung cấp một số thông tin căn bản cho quý vị là những vị khách mới và một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống trong tu viện giống như thế nào.

 

Phật giáo: Bối Cảnh Lịch Sử

 

Hàng ngàn năm trước đây, Sĩ Đạt Ta họ Cù Đàm được sinh ra là Hoàng tử trong một vương quốc nhỏ. Khi ra đời, một nhà đạo sĩ tiên đoán Hoàng tử sẽ trở thành một bậc  Đạo sư tâm linh hay một vị đại Hoàng Đế. Vua Cha muốn con trai mình là người nối dõi dòng họ, do đó, ông đã cố gắng che chở cho con trai mình tránh khỏi mọi điều không vui trong cuộc đời. Tuy nhiên, khi Thái tử Tất Đạt Đa hai mươi chín tuổi, Thái tử đã chứng kiến ​​bệnh, già và chết, nên quyết tâm tìm câu trả lời cho những nỗi khổ đau phổ cập này.

 

Thái tử rời khỏi cung điện và học đạo với các thiền sư thời bấy giờ, nhưng sau khi thông suốt những kỹ năng của họ, ngài thấy rằng ngài vẫn chưa trả lời được những câu hỏi căn bản của mình. Sau đó Ngài thực hành tu khổ hạnh nghiêm ngặt, đến mức gần chết mà vẫn chưa gần đến sự giải thoát. Suy ngẫm về kinh nghiệm trước đây của mình, Ngài nhận ra con đường Trung Đạo, tránh những thái cực của sự sa ngã và tự hành xác.

 

Sau đó, Ngài phát nguyện ngồi dưới cội cây bồ đề cho đến khi đạt đến sự hoàn toàn giải thoát. Trong đêm đầu tiên, Thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ về các Pháp, hiểu về vạn vật thật sự như thế nào, và trở thành Đức Phật, “Người Giác Ngộ”.

 

Sau khi giác ngộ, Thái tử Tất Đạt Đa nhận ra rằng tất cả chúng sanh đều có khả năng để hoàn toàn giác ngộ, nhưng vì tự tánh chúng sanh bị tà kiến và chấp trước vào thế gian che mờ. Do đó, sự giáo hóa của Ngài trong bốn mươi chín năm tiếp theo nhằm mục đích giúp chúng sanh trở về với tự tánh giác ngộ ban đầu của họ.

 

Qua mấy ngàn năm, sự giáo hóa của Đức Phật đã lan đến nhiều vùng Châu Á. Tại Tích Lan, Miến Điện, Campuchia, và Thái Lan, hình thức Phật giáo tu hành được gọi là truyền thống Nguyên Thủy, hay ” Trưởng Lão Giáo .” Ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Đại Hàn và Tây Tạng, sự giáo hóa của Đức Phật trải rộng tu hành trong truyền thống được gọi là Đại thừa, “Cỗ Xe Lớn.”

 

Trong một trăm năm vừa qua, tất cả những hình thức dị biệt về văn hóa và truyền thống Phật giáo khác nhau này đã đến nước Mỹ.  Phật giáo đã luôn luôn tự thích nghi vào nền văn hóa của các quốc gia mà Phật giáo truyền đến, Phật giáo phát triển ở Mỹ như vẫn còn được thấy.

 

Giới Thiệu về Người Sáng Lập

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa (1918-1995), người sáng lập tu viện này, được sinh ra trong một gia đình nghèo ở một ngôi làng nhỏ ở Mãn Châu. Ngài theo học ở trường chỉ có hai năm trước khi phải trở về nhà để chăm sóc người mẹ ốm đau của mình. Ở nhà, ngài mở một trường học miễn phí cho cả trẻ em lẫn người lớn là những người thậm chí còn có ít cơ hội hơn cả ngài. Khi còn là một cậu bé, ngài đã lần đầu tiên chứng kiến cái chết và trở nên nhận thức được sự vô thường của cuộc sống. Nhận biết rằng Phật giáo có một phương pháp đoạn diệt vòng sanh tử, ngài quyết định trở thành một tu sĩ.

 

Mẹ ngài qua đời khi ngài được mười chin tuổi, và sau đó ngài đã dành ba năm thiền định bên cạnh mộ của mẹ. Sau đó ngài bước vào đời sống tu sĩ tại chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân. Nhìn thấy tận mắt những người đói và nghèo khổ, ngài bắt đầu thực hành ăn mỗi ngày một bữa, mong muốn rằng các thức ăn mà ngài không ăn sẽ để nuôi dưỡng những người khác. Ngài cũng tinh tấn nghiên cứu kinh điển Phật giáo, trong khi duy trì tu hành miên mật. Ngài cảm thấy rằng cả hai đều cần thiết để đạt đến sự hiểu biết dung hòa trong Phật giáo.

 

Năm 1962, Hòa Thượng Tuyên Hóa đến Hoa Kỳ, và đến năm 1968, Ngài thành lập Giảng Đường Phật Giáo ở San Francisco, nơi Ngài giáo hóa nhiều thanh niên Mỹ. Năm 1969, năm đệ tử người Mỹ của Ngài phát nguyện trở thành tu sĩ do đó đã tạo thành Tăng đoàn Phật giáo Đại Thừa đầu tiên gồm những người phương Tây. Trong những năm tiếp theo, Hòa Thượng đào tạo và giám sát việc thọ giới cho hàng trăm tăng ni đến từ khắp nơi trên thế giới để học hỏi với Ngài.

Nhận thấy tầm quan trọng cho Phật tử tự đặt nền tảng trong truyền thống kinh điển, Hòa Thượng giảng giải rõ ràng và thiết thực các Kinh điển. Ngài cũng khuyến khích việc phiên dịch Kinh sang các ngôn ngữ phương Tây.

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa suốt đời quan tâm đến giáo dục. Ngài tạo dựng một số trường học và khuyên các nhà giáo và học sinh xem trường học không chỉ là một nơi để trau giồi kỹ năng kiến thức, mà là một nơi để phát triển đạo đức.

 

Với trái tim rộng mở, Ngài hoan nghênh những người thuộc các nguồn gốc và tín ngưỡng đa dạng . Có lần Ngài hỏi nhà lãnh đạo Công giáo La Mã là Đức Hồng Y Vưu Bình có thể là “một người Phật giáo giữa những người Công giáo” không và ngài nói thêm “còn tôi sẽ là một người Công Giáo giữa các Phật tử. Nếu làm việc cùng nhau, chúng ta có thể mang lại hòa bình giữa các tôn giáo của chúng ta.” Đức Hồng Y Vưu Bình sau đó đã giúp Hòa Thuợng lập ra Viện Tôn Giáo Thế Giới. Là một khách diễn giả  tại buổi họp mặt liên tôn, Hòa Thuợng khuyên mọi người hãy là những tín đồ chân thực với tôn chỉ của vị sáng lập ra tôn giáo của họ mà không tranh với nhau.

 

Hòa Thuợng Tuyên Hóa là một người nói chuyện tuyệt vời với tính khôi hài, một hình tượng người cha tốt đã khuyến khích mọi người trong những lúc khó khăn, là một vị thầy nghiêm khắc, người đưa các đệ tử đạt tới các tiêu chuẩn cao. Trong suốt cuộc đời của mình, Ngài hy vọng phục vụ như là một chiếc cầu cho những người khác bước qua, để họ có thể đi từ vô minh và đau khổ đến trí huệ và hạnh phúc. Năng lực của Ngài vẫn tiếp nối tại tu viện.

 

 

 

Các Nghi Lễ:

 

Nhịp tim của Tu viện

 

Các nghi lễ có thể được coi là nhịp tim của tu viện vì chúng cung cấp một cấu trúc và nhịp điệu cho cuộc sống hàng ngày. Cũng có khi đại chúng tập hợp lại với nhau để tu hành, do đó mang lại tinh thần của sự đồng tu và hài hòa cho tu viện. Nhiều du khách thường ngạc nhiên khi thấy rằng những ký ức đầy ý nghĩa nhất trong chuyến viếng thăm của họ là tham dự vào các nghi lễ. Một sinh viên đại học, sau khi tham dự một buổi lễ lạy, nhận xét rằng cô cảm thấy như cô đang kết nối tới một lối tu cổ xưa mà truyền thống của chính cô chưa từng bao giờ mang lại.  Thêm một số lợi ích được mô tả trong một bài viết “Giới Thiệu về Các Nghi Lễ Phật giáo.”

  1. Nghi Lễ đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người đi tìm một điểm tựa, một nơi nương tựa với một tầm nhìn cao hơn và thanh tịnh hơn vượt ngoài sự bất toàn của con người.

 

  1. Nghi Lễ đưa chúng ta đến với cội rễ của mình, vì chúng ta tham dự vào sự hành trì nghi lễ đã được truyền lại từ nhiều thế hệ, trải dài qua nhiều mô hình văn hóa, ngôn ngữ, và âm nhạc kế tục. Nghi lễ đem chúng ta đến giữa trời và đất. Đặc biệt lễ lạy làm tâm được quân bình và hàng phục thân.

 

  1. Nghi Lễ có thể khai mở trí huệ vốn có của chúng ta, và có thể dẫn đến một tiến trình thăng hoa của cái nhìn sáng suốt và bén nhạy.

 

Nghi Lễ là một cách để chuyển hóa thân tâm và tinh thần của chúng ta, và điều tốt nhất để tìm hiểu sự chuyển hóa này xảy ra như thế nào là chính mình tự hành trì và tự kinh nghiệm. Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản về cách tham dự nghi lễ. (Một cách khác là chỉ quan sát hoặc làm theo những người có vẻ biết họ đang làm gì.)

 

 

Đầu tiên, buổi lễ bắt đầu với ba lạy và một xá. Bái lạy là một sư thực hành về khiêm nhường, cũng như một cử chỉ kính trọng. Trong đạo Phật, bái lạy thường bị hiểu lầm ở phương Tây như lạy các tượng thần, nhưng thực sự đó là một phương pháp để chế phục bản ngã và tìm ra chân tánh của chúng ta.   Chư Phật không phải là những chúng sanh tách biệt với chúng ta, mà là những biểu tượng của tiềm năng giác ngộ của chúng ta. Khi quý vị chánh niệm trong lễ lạy, hạt giống của sự khiêm tốn và kính trọng trong tâm mình được nuôi dưỡng và tưới nước.

 

Quý vị bắt đầu với hai lòng bàn tay chắp lại, và trong khi cúi xuống, đặt tay phải vào trung tâm của tấm đệm (hoặc trực tiếp ở phía trước của quý vị trên mặt đất), rồi trong khi thân cúi xuống về phía trước, quý vị hạ thấp hai đầu gối xuống trên băng ghế hoặc sàn nhà đồng thời đem tay trái để trên đệm. Với trọng lượng cơ thể bây giờ chủ yếu là nơi đầu gối của quý vị, điều chỉnh tay để có khoảng trống cho đầu của quý vị cúi thấp hơn lên tấm đệm hoặc trên sàn giữa hai bàn tay của quý vị. Trong khi đầu chạm vào đệm, quý vị lật hai bàn tay ngửa lên trên. Đứng dậy sau khi lạy xuống là một tiến trình cũng giống như vậy nhưng ngược lại. Quý vị lật bàn tay úp lại, trong khi nâng đầu lên khỏi tấm đệm, rồi đặt tay phải ở trung tâm của đệm. Nếu cần thiết, đặt tay trái lên đầu gối trái của quý vị để hỗ trợ trong khi đứng lên. Đẩy mạnh thân để đưa mình trở lại tư thế đứng với lòng bàn tay chắp lại một lần nữa. Quý vị đã hoàn thành một lạy.

 

Lạy xong ba lạy, theo sau là một xá cúi xuống cho tới lưng. Bất cứ lúc nào quý vị bước vào để tỏ lòng tôn kính chư Phật và chư Bồ Tát, đúng nghi thức là lạy ba lạy và một xá. Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ thấy lễ lạy là điều dễ học và có ý nghĩa để thực hành. Do đây có lẽ là lần đầu tiên tới tu viện, quý vị nên tham khảo sách Kinh Nhật Tụng để làm theo trong buổi lễ.

 

Tụng kinh là một phần quan trọng của việc tu hành trong tu viện. Để có được một kinh nghiệm đầy đủ của tụng kinh, điều quan trọng là chánh niệm và chú tâm tập trung. Quý vị sẽ thấy rằng nếu tập trụng tâm ý tụng thì khi kết thúc, quý vị sẽ cảm thấy thân tâm khôi phục năng lực và tràn đầy sinh lực.

 

Nếu tụng kinh bằng tiếng Anh thì khá dễ dàng để tụng theo, nhưng nếu tụng bằng tiếng Phổ Thông Trung Hoa thi phải mất công sức thêm một chút (trừ khi quý vị biết tiếng Phổ Thông Trung Hoa). Đừng nản chí nếu vài lần đầu tiên quý vị bị lạc hoặc không biết đang tụng đọan nào, bởi vì thật khá khó khăn trong việc tụng theo vài lần đầu tiên. May mắn thay, có một số điều có thể giúp quý vị tìm ra chỗ đang tụng trong sách. Trước tiên, tiếng mõ (một khối gỗ có hình dáng như một con cá) tạo nhịp điệu và tốc độ của bài tụng. Mỗi tiếng gõ mõ là một chữ Trung Hoa (hoặc một âm). Đôi khi, trên trang Kinh Nhật Tụng có một biểu tượng là một vòng tròn nhỏ trong một vòng tròn lớn hơn, đó là biểu thị tiếng gõ của chiếc chuông lớn. Đây là những dấu hiệu hữu ích trong trường hợp quý vị bị lạc lúc tụng. Ngoài ra, những người khác sẽ rất hoan hy để chỉ cho quý vị chỗ đang tụng trong sách. Nếu không thể làm theo hoặc theo kịp, quý vị có thể tập trung vào các âm điệu hoặc đọc các phần dịch bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt

 

Có ba nghi lễ chính diễn ra trong tu viện: công phu khuya, cúng ngọ, và công phu chiều. Tất cả ba nghi lễ này là cơ hội cho đại chúng tu hành cùng nhau. Cũng như nhiều loại thuốc khác nhau cần thiết để chữa lành các loại bệnh khác nhau, các nghi lễ này bao gồm nhiều cách thực hành để mỗi người tìm thấy có cái gì đó có ý nghĩa và giúp chuyển hóa. Chúng tôi sẽ mô tả một số cách thực hành khác nhau trong phần tiếp theo.

 

 

 

Tu Hành Hàng Ngày Tại Tu Viện

 

Những tiếng bảng gỗ lúc 03:30 sáng đánh thức tất cả mọi người dậy để chuẩn bị tụng công phu khuya từ 4 tới 5 giờ sáng. Lúc bốn giờ sáng, các ngôi sao vẫn còn chiếu sáng và thế giới còn ngủ yên. Bởi vì vào lúc đó tiến trình suy tư của chúng ta chưa khởi sự làm việc toàn lực nên dễ dàng tập trung chú tâm hơn một chút., vào lúc sáng sớm như vậy thì chúng ta thường sang suốt hơn để quan sát những gì đang xảy ra trong tâm trí của mình.

 

Buổi lễ bắt đầu bằng tụng Chú Lăng Nghiêm, là một trong những thần chú dài nhất và mạnh mẽ nhất trong Phật giáo. Các áp dụng của thần chú này rất nhiều, như bảo vệ thế giới khỏi thảm họa, xóa bỏ nghiệp xấu của quá khứ, và rốt ráo là phát triển mực độ tập trung không lay chuyển.

 

Buổi lễ tiếp tục với Tâm Kinh, được xem như là tinh túy của trí tuệ Phật vượt qua tất cả phân biệt nhị nguyên. Vì Tâm Kinh nói về tánh không của mọi hiện tượng, nên có chức năng như một lời nhắc nhở cho hành giả không bám chấp vào công đức tích tụ được từ việc hành trì trong nghi lễ.

 

Thâm nhập được trí huệ siêu việt này đòi hỏi phải có một tâm trí tập trung và thành tâm; do đó, trong tu viện, viêc nhớ thuộc lòng và tụng kinh là một cách tập trung tâm trí. Trong Phật giáo, trí huệ không đến từ việc thu nhập thông tin kiến thức (vì chúng là vô tận), mà trí tuệ có được là bằng cách khám phá ra trí huệ bên trong vốn có của quý vị (đã sẵn có đầy đủ rồi).

 

Công phu khuya kết thúc với Lễ Lạy các Tổ Sư. Mỗi vị Tổ có một câu chuyện gây cảm hứng cho thấy các Ngài đã chịu đựng bao gian nan và  khó khăn để giữ cho Phật Pháp còn trụ thế như thế nào. Nếu không có sự khổ nhọc và cống hiến của các Ngài, những giáo pháp để đưa chúng ta ra khỏi khổ đau sẽ không còn tồn tại như hiện nay. Do đó, để ghi nhớ công ơn khó nhọc của các Ngài, chúng ta lạy để tỏ lòng biết ơn.

 

Sau công phu khuya , mọi người bắt đầu công việc thường ngày. Làm việc trong tu viện được xem là một phước đức, bởi vì chúng ta có thể tạo ra nhiều nhân duyên kiên cố hơn với Phật Pháp. Ngoài ra điều này là gieo trồng nhân lành cho tương lai bởi vì hành vi tốt sẽ gặt hái kết quả tốt. Bằng cách hỗ trợ đạo tràng và những người đang tu hành trên đường tâm linh trong hiện tại, chúng ta sẽ được hỗ trợ bởi những người khác trong tương lai.

 

Nghi lễ quan trọng tiếp theo là nghi thức cúng ngọ trước giờ ăn trưa. Các thực phẩm được cúng dường cho chư Phật, Bồ Tát, và tất cả chúng sanh với hy vọng họ cũng có thể cùng hưởng những gì chúng ta có. Trong tu viện, hành vi ăn uống đơn giản trở thành một cơ hội để thực hành Phật Pháp. Trong bữa ăn, mọi người được khuyến khích giữ chánh niệm trong ngũ quán (măm điều quán niệm). dưới đây:

 

  1. Quán xét công khó liên quan đến việc có được thức ăn này.
    2. Xét xem mình có đủ đức hạnh để thọ nhận cúng dường này hay không.
    3. Đề phòng tâm tham quá mức, tham là nhân căn bản gây tạo nghiệp tội.
    4. Dùng thức ăn vừa đủ cho mình, thực phẩm chỉ là thuốc để thân khỏi héo gầy.
    5. Tho nhận thức ăn này chỉ để thành Đạo nghiệp.

Vì vậy, hôm nay chúng ta quán tưởng trong yên lặng về sự cúng dường này.

 

Tất cả những thực phẩm mà chúng ta thọ dụng trong tu viện là do từ lòng hảo tâm của mọi người khác. Vì thế, các thực phẩm, được dùng với lòng biết ơn. Để trân quý phước của mình thì không lãng phí thức ăn. Mọi người đều được khuyến khích ăn no đủ như ý muốn (nếu cần thì trở lại lấy thêm lần thứ hai hoặc thứ ba), nhưng cần phải ăn hết những gì mình đã lấy.

 

Các thực phẩm đều là thức ăn chay, và cũng cho cả những người chọn ăn chay thuần khiết (vegan – ăn chay không trứng sữa). Có nhiều lý do để những người trong tu viện ăn chay: từ bi đối với thú vật, bảo vệ môi trường, duy trì sức khỏe cá nhân lành mạnh, và tạo nghiệp lành.  Chúng ta cố gắng giảm thiểu những khổ đau tạo ra qua lối sống và thói quen ăn uống. Đạo Phật cũng dạy rằng thực phẩm có quan hệ sâu xa với những suy nghĩ và ham muốn của chúng ta, việc ăn chay giúp chúng ta có tâm sáng suốt hơn và lòng nhân ái hơn.

 

Trong Phật giáo, các tu sĩ có truyền thống ban một Pháp thoại vào cuối bữa ăn. Có một mối quan hệ hỗ tương giữa cư sĩ và tu sĩ, cư sĩ thì cung cấp phương tiện sinh sống và trợ giúp vật chất (theo truyền thống: giường, quần áo, thực phẩm, và thốc men), còn các tu sĩ thì ban phát lại những giáo huấn cho cư sĩ. Tùy theo tu viện, có khi là pháp thoại hay thay vào đó là bài giảng đã ghi âm của Hòa Thượng Tuyên Hóa. Những khai thị của Ngài nhắc nhở mọi người tu hành siêng năng và tinh tấn. Đối với nhiều người, vì sự kính trọng lớn lao họ dành cho Ngài, lời dạy của Ngài có tầm ảnh hưởng đặc biệt và có sức mạnh giúp hăng hái và khuyến khích.

 

Sau bữa ăn ngọ, có Đại Bi Sám, đó là một nghi lễ chuyên chú về Bồ Tát Quán Thế Âm vĩ Bồ Tát Đại Bi. Sám hối là trọng tâm tu hành trong Phật giáo bởi vì sám hối  chuyển chúng ta thành một người mới –  nhận ra những điều sai chúng ta đã làm, để sám hối những lỗi lầm của mình và sửa đổi mình cho tốt hơn. Nghi lễ cho ta một hình thức sám hối cá nhân. Sám hối trong một đạo tràng càng tăng thêm sức mạnh. Nhiều người tường thuật rằng nghi lễ đem lại cho họ cảm giác thanh tịnh thân, khẩu, ý. Cụ thể hơn là thân được thanh tịnh qua bái lạy, miệng được thanh tịnh qua tụng kinh, và ý được thanh tịnh qua tâm ý tích cực và chú tâm.

 

Công phu chiều là thời gian tiếp theo đại chúng tập hợp lại. Buổi lễ bắt đầu với Dâng Hương và theo sau là tụng Kinh A Di Đà hay Sám hối Tám mươi tám vị Phật. Kinh A Di Đà là một giáo lý về Đức Phật A Di Đà và cõi Tịnh Độ của Ngài là cõi Cực Lạc. Kinh mô tả sự huy hoàng chiếu sáng của cõi Cực Lạc, được trang hoàng bằng nhiều bảo báu khác nhau. Ngoài ra, âm nhạc và cảnh giới giúp cho cư dân tại đó luôn có chánh niệm về Phật, Pháp,Tăng. Đây là một nơi thanh tịnh cho tu hành, và những người tới đây được bảo đảm rằng sẽ không thối chuyển trên đường đi đến Phật quả. Sau đó, với sự phát nguyện kiên cố của một đại Bồ Tát, cư dân tại đó có thể trở lại thế giới này để giúp những chúng sanh khác giác ngộ và buông xả tất cả tham, sân, si.

 

Một cách khác để đến với giáo pháp Tịnh Độ là quán sát áp dụng trong từng tâm niệm. Mỗi tâm niệm từ, bi, và vô ngã thì giống như đang ở trong cõi Tịnh Độ, và mỗi tâm niệm tham, sân, si thì giống như đang ở trong thế giới khổ đau. Lúc đó cõi Tịnh Độ hiện hữu trong tâm cảnh hiện tại của chúng ta.

 

Giữa buổi lễ, cả đạo tràng tụng Bốn Đại Nguyện của Bồ Tát. Đó là:

 

  1. Chúng sanh vô biên thề độ hết.
  2. Phiền não vô tận thề cắt bỏ.
  3. Pháp môn vô lượng thề nguyện học.
  4. Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.

 

Bốn Đại Nguyện này liên quan đến Tứ Diệu Đế do Đức Phật giáo hóa.  Đầu tiên là khổ đế trở thành nguyện của Bồ Tát để độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau. Diệu đế thứ hai là nhận ra vô minh và ái dục là nguồn gốc của khổ đau, Bồ Tát nguyện chuyển hóa tất cả các phiền não. Nguyện thứ ba là học tất cả Pháp môn (là các phương pháp để chấm dứt khổ đau) liên quan đến diệu đế thứ tư tuân theo Bát Chánh Đạo. Và cuối cùng, diệu đế thứ ba là khổ có thể diệt tận được trở thành nguyện thứ tư của Bồ Tát là thành Phật, có khả năng hướng dẫn tất cả chúng sanh được hoàn toàn giác ngộ.

 

 

Sau Công phu chiều là giảng kinh,là một cơ hội để nghe những lời của Đức Phật được giảng trong một khung cảnh truyền thống. Các bài giảng bắt đầu bằng Thỉnh Pháp, có một người (đôi khi nhiều hơn) thỉnh pháp theo nghi thức bằng cách nhiễu quanh giảng sư ba lần. Khoãng thời gian yên lặng này là một cơ hội để lắng đọng tâm thức trước khi lắng nghe giáo pháp. Các bài giảng rất khác nhau tùy theo Kinh, giảng sư, và đại chúng. Nói chung, buổi giảng Kinh là một cơ hội để sử dụng Phật Pháp như một công cụ để quán chiếu mình trong ngày và phát triển trí huệ của mình. Cuối bài giảng là phần Hồi Hướng Công Đức:

Nguyện đem công đức này

Trang nghiêm cõi Tịnh Độ,

Trên đền bốn ơn nặng

Dưới cứu khổ tam đồ.

Nếu có ai thấy nghe

Đều phát tâm Bồ Đề

Khi mãn báo thân này,

Đồng sanh Cực Lạc Quốc.

Hồi hướng này là một hình thức cầu nguyện trong Phật giáo, tất cả công đức của chúng ta được hồi hướng vì lợi ích cho tất cả chúng sinh.

 

Buổi lễ cuối cùng trong tu viện hội tụ lại tất cả các năng lượng và công việc trong ngày. Bắt đầu là tụng Tâm Chú Lăng Nghiêm 108 lần với tốc độ khá nhanh (học thuộc lòng phần chú này thì sẽ tụng theo dễ dàng hơn). Cuối cùng, một ngày trong tu viện kết thúc với bài Kệ Sách Tấn khuyến khích đại chúng tinh tấn và quán niệm về vô thường. Có ai biết được hôm nay sẽ là ngày cuối cùng mình có thể tu hành hay không? Với tâm ý đó, mọi người tuần tự ra khỏi chánh điện và niệm ” Nam Mô A Di Đà Phật.” Một ngày đã hết, nhưng ngày hôm sau lại sắp đến để bắt đầu vào lúc 4:00 sáng.

 

 

Những Hướng Dẫn Thăm Viếng

 

Cách biệt giữa phái nam và phái nữ

 

Thông thường điều đầu tiên người ta hay để ý khi đến thăm ở đây là sự cách biệt giữa phái nam và nữ. Lý do về  sự cách biệt này nhằm giúp cho mọi người tập trung vào sự tu hành mà ít bị phân tâm.

 

Áo Quần Thoải Mái và kín đáo

Cách ăn mặc trong tu viện nên thoải mái, đơn giản, kín đáo. Quần áo thoải mái thích hợp cho việc ngồi thiền và tu hành vì quý vị có thể lễ lạy và ngồi kiết già dể dàng hơn.  Ăn mặc đơn giản là quan trọng vì ít gây chú ý cho người khác.  Là một khách viếng thăm, xin quý vị hãy tránh mặc váy ngắn, quần đùi, áo cánh.  (Nếu quý vị đã lỡ mặc rồi cũng không nên lo ngại. Chúng tôi cũng rất vui được quý vị đến thăm nhưng xin quý vị cố gắng để ý cho lần sau.)

 

Trân quý tất cả các sự sống.

 

Xin đừng giết hại bất cứ sinh vật nào trong tu viện, ngay cả các loài côn trùng nhỏ như nhện, kiến, ruồi, hay muỗi. Người Phật tử nên thực tập không gây hại để hành trì tâm từ bi và cảm thông cho kẻ khác. Trong đạo Phật, tất cả các sinh vật đều có quan hệ liên kết với nhau, tất cả chúng sanh đều được xem như là “gia đình”.

 

Tôn Kính Kinh Sách Phật

 

Kinh sách Phật bao gồm các lời chỉ dạy của bậc thánh nhân Phật Giáo hướng dẫn chúng ta làm sao được thức tỉnh, giác ngộ; vì lý do đó nên kinh sách cần được tôn kính tối đa.  Ngoài ra, thái độ cư xử của chúng ta đối với thánh văn ảnh hưởng đến sự ngộ nhập đối với các lời dạy trong đó. Vì thế chúng ta không nên để kinh sách trên sàn nhà hay đem vào các nơi bất tịnh như phòng tắm hay nhà vệ sinh. Những thông lệ khác ở tu viện là luôn giữ gìn kinh sách thật tốt đẹp và bảo đảm tay mình sạch sẽ trước khi đọc Kinh sách. Nói chung thì tất cả các thông lệ chỉ vì một mục đích, là để bày tỏ sự thánh kính đối với thánh văn.

 

 

Những Thứ Không Được Đem Vào Tu Viện

 

Xin đừng đem các thứ bia, rượu, thịt (kể cả thịt gia cầm, gà vịt và cá ), trứng gà, các lọai thuốc ma túy hay thuốc lá vào trong tu viện.

 

 

 

Những Câu Hỏi Thường Gặp

 

H: Các loại y và giới y nhiều màu khác nhau có ý nghiã gì?

Đ: Áo tràng màu vàng với giới y màu nâu hay vàng là dành cho chư tăng ni đã thọ toàn giới ( giới cụ túc của tỳ kheo và tỳ kheo ni). Áo tràng màu xám với giới y màu nâu dành cho các sa di và sa di ni, những vị phát tâm bắt đầu tu tập để trở thành tỳ kheo hay tỳ kheo ni. Những vị cư sĩ có quy y và thọ ngũ giới thì mặc áo tràng đen với giới y màu nâu. Với áo tràng đen không có giới y thì ai cũng có thể mặc được.

 

H: Ý nghĩa của sự quy y và thọ ngũ giới là gì?

Đ: Quy y Tam Bảo (được giải thích trong mục “Các Từ Ngữ Phật Giáo Hữu Ích) là một buổi lễ chánh thức để trở thành người Phật tử. Sau khi quy y người ta nhận Đức Phật làm vị thầy tinh thần và là nơi nương tựa rốt ráo, nhận Phật Pháp làm giáo lý cung cấp những phương pháp chấm dứt sự khổ đau, và Tăng đoàn là cộng đồng của người xuất gia thọ giới thể hiện sự tu đạo.

 

Ngũ giới bao gồm: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không sử dụng chất gây nghiện độc hại. Những giới luật này được xem là những hướng dẫn cho cuộc sống. Do thấu hiểu sự vận hành của Nghiệp, Đức Phật đã truyền dạy những giới luật này như là cách để giúp con người chấm dứt việc gieo các hạt giống đau khổ trong đời sống của mình.  Những hành vi đức hạnh vững chắc cũng là nền tảng cho bất cứ sự phát triển trí huệ nào. Người thọ giới thì phát tâm nguyện suốt đời luôn luôn giữ giới.

 

H: Tại sao trong các chùa Phật giáo có chữ Vạn?

Đ: Câu hỏi này cần được giải thích bằng lịch sử ngắn như sau: Chữ Vạn là biểu tượng cổ xưa được sử dụng trong nhiều nền văn hoá khác nhau tại Ấn độ, Trung hoa, Nhật bản, Âu Châu, và thổ dân Mỹ châu và nhiều nước khác nữa. Biểu tượng này tiêu biểu cho sự sống, sự thịnh vượng, may mắn, sức mạnh; và trong Phật giáo đó là một trong những tướng tốt của Đức Phật, biểu tượng cho sự vẹn toàn của đức hạnh. Tuy nhiên trong thời thế chiến thứ hai, Adolf Hitler đã lấy chữ Vạn này, xoay ngược lại và làm biểu tượng cho chế độ Quốc Xã (Nazi), ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa phát xít, của thù hận và chết chóc. Sự đồi trụy của dấu hiệu này thật sự là thảm kịch cho nhiều Phật tử nhìn thấy chữ Vạn theo chiều hướng tốt đẹp và tích cực. Về một phương diện, đây cũng là cơ hội tốt đẹp để thấy tâm chúng ta tạo nên thực tại cho mình như thế nào, vì hai nhóm người có thể có hai cách nhìn đối nghịch nhau về biểu tượng này.

 

H: Khi nào tôi nên đến viếng thăm tu viện?

Đ: Xin vui lòng xem thời biểu mở cửa viếng thăm của tu viện. Ngoài ra cũng có một số khóa tu cuối tuần,  những thất cả tuần, và nhiều ngày để làm thiện nguyện hay tham dự các buổi lễ. Quý vị có thể đến quày bàn ở ngoài văn phòng đề xem lịch trình Thất và Pháp Hội của chùa, và quý vị rất được hoan ngênh tham dự bất kỳ buổi lễ nào thích hợp với quý vị. Ngoài ra trên trang mạng www.drba.org/events thường có thông báo các chương trình Thất và Pháp Hội, nhưng quý vị cũng nên tham khảo lại với văn phòng cho chắc chắn vì có khi ngày giờ có thể thay đổi.

 

H: Nếu có thêm thắc mắc, tôi sẽ hỏi ở đâu?

Đ: Xin vui lòng hỏi người tiếp tân ở văn phòng. Thông thường lúc nào cũng có người trực tại đó trả lời điện thoại và chào đón khách thập phương. Ngoài ra để trả lời những thắc mắc thường gặp quý vị cũng có thể vào các trang nhà www.drba.org , www.drbu.org và www.drby.net hay có thể gởi câu hỏi bằng điện thư về Info@drba.org.

 

H: Tôi có thể học hỏi nhiều hơn về Phật pháp ở đâu?

Đ: Quý vị có thể tìm hiểu thêm về các lời dạy của Hòa Thượng Tuyên Hoá bằng cách đọc những quyển sách “Words of Wisdom: Beginning Buddhism and Dharma Talks in Europe” (Những Lời Trí Huệ: Đạo Phật Căn Bản và Khai Thị ở Châu Âu). Về pháp môn Thiền thì Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn có những sự tích và giáo huấn của tổ sư Huệ Năng ở Trung Hoa. Nếu quý vị muốn tìm hiểu thêm về Thiền hay Niệm Phật thì hãy tìm đọc sách “Listen to Yourself, Think Everything Over” (Lắng nghe chính mình, Suy nghĩ thật kỹ ) tập hai. Để hiểu biết nhiều hơn về khái niệm về thực tại của Đức Phật, xin hãy tìm đọc “The Ten Dharma Realms Are Not Beyond a Single Thought” {Mười Pháp Giới Không Lìa Một Tâm Niệm”. Một quyển sách khác được yêu chuộng ghi lại kinh nghiệm trực tiếp của hai vị sư người Mỹ về chuyến hành hương tam bộ nhất bái dọc theo bờ biển California là  “News From True Cultivators” Thư Chân Hành Giả “ (của thầy Hằng Thật và Hằng Triều). Những cuốn sách này có thể thỉnh tại Tu Viện hoặc trên mạng ở www.bttsonline.org . Những phần thu âm và phim cũng như phần chiếu hình trực tiếp trên mạng (webcast) có thể tìm thấy ở trang www.dharmaradio.org.

 

Để nghiên cứu Phật Giáo Nam Tông chúng tôi đề nghị tham khảo sách “Tứ Diệu Đế” của Thầy Ajahn Sumedho, một vị sư người Mỹ được huấn luyện  theo lối tu truyền thống của ngôi chùa trong rừng ở Thái Lan. Tu viện Abhayagiri (Vô Úy Sơn) cũng có trang mạng với nhiều buổi thuyết pháp và các chỉ dẫn tu thiền. ( www.abhayagiri.org ).

Ở Hoa Kỳ còn nhiều nguồn tài liệu khác, chúng tôi khuyến khích quý vị nên tham dự các thiền thất hay thất niệm Phật được tổ chức tại nhiều chùa khắp nơi, xin vào www.drba.org, www.drbu.org và www.drby.net để biết thêm chi tiết.

 

Nguời ta thường bảo nếu quý vị chỉ đọc về Phật pháp thôi mà không thật sự áp dụng vào cuộc sống thì cũng giống như người chỉ đọc tờ giấy hướng dẫn uống thuốc nhưng lại không uống thuốc. Vì thế quý vị sẽ không bao giờ thấy bệnh tình thuyên giảm hay hiệu quả của thuốc.  Nói một cách khác, phương pháp tốt nhất để học Phật pháp là thực hành.

 

H: Tôi có thể giúp được gì ở tu viện không?

Đ: Có thể. Xin vui lòng vào trang nhà www.drbavolunteers.org để biết thêm thông tin về công tác thiện nguyện.

 

 

Một buổi thuyết giảng kinh ở chùa Berkeley được phát chiếu khắp thế giới.

 

 

 

Những Danh Từ Phật Pháp Hữu Ích

 

Amitabha Buddha: A Di Đà Phật là vị Phật Vô Lượng Quang. Trong quá khứ Đức Phật A Di Đà là một hành giả, sau khi nhận thấy sự tu hành ở thế gian này quá gian nan cực khổ, Ngài đã phát 48 đại nguyện để tạo nên thế giới Cực Lạc là nơi chúng sanh có thể tu hành dễ hơn và tiến triển trên con đường tu. Bằng cách luôn chuyên tâm về Phật A Di Đà, người ta có cơ hội được vãng sanh về cõi Cực Lạc sau khi qua đời. Mặc dù chưa được biết đến nhiều ở Hoa Kỳ, pháp môn Tịnh Độ rất thịnh hành tại Á Châu. Thật vậy, khi người ta gặp nhau tại nơi chùa chiền, họ thường chắp tay chào nhau bằng câu “A Di Đà Phật”.

 

Bodhisattva: Bồ Tát có thể chia thành hai phần – Bồ Đề nghĩa là “Giác ngộ” và Tát Đỏa nghĩa là “Hữu Tình”. Gộp hai ý nghĩa này, Bồ Tát là chỉ cho bậc hữu tình được giác ngộ hay là bậc giúp giác ngộ kẻ khác.

 

Bodhi Resolve: Phát Bồ Đề Tâm là sự quyết tâm trở thành người giác ngộ hoàn toàn để cứu độ chúng sanh.

 

Buddha: Phật là vị đã chứng được Giác Ngộ và nhận thức được chân tướng của mọi việc, do đó mà vượt qua khỏi mọi khổ đau. Đức Phật đã đoạn tuyệt hết tam độc là tham, sân và si.

 

Buddha-nature: Phật Tánh là tiềm năng bẩm sinh, có sẵn trong mỗi chúng sanh để trở thành một vị Phật.

 

Cultivation: Tu Hành nghĩa chủ yếu là “thực hành”. Tu đạo nó rất giống như là chăm sóc làm vườn. Chúng ta trước hết cần phải chuẩn bị đất, nhổ cỏ, gieo trồng các hạt giống, rồi tưới nước hằng ngày và cuối cùng sau một thời gian thì các hạt giống sẽ nảy nở. Tu hành bao gồm nguyên tắc kiên nhẫn, ngày ngày siêng năng chăm chỉ làm việc để đạt được các thành quả tu hành theo Phật pháp.

 

Dharma: Pháp là những lời giáo huấn của Đức Phật. Một ý nghĩa khác nửa là thực tại mà Đức Phật đạt được sau khi giác ngộ. Nhưng chữ “pháp” khi không viết hoa là nói đến tất cả các hiện tượng, dù là trừu tượng hay cụ thể.

 

Dharma Realm: Pháp Giới bao gồm toàn thể vũ trụ vô tận. Hệ thống vũ trụ của Phật Giáo không phải chỉ nói đơn giản về một thế giới hay một vũ trụ mà nói đến hệ rất nhiều thế giới trùng trùng điệp diệp vượt qua khỏi ranh giới của không gian và thời gian. Tuy nhên thực tại vô cùng tận này không ra ngoài một tâm niệm.

 

Dharma Protectors: Hộ Pháp là những vị phát tâm bảo vệ Phật Pháp. Những cư sĩ làm công quả và bảo hộ cho chùa cũng được xem là “Hộ Pháp”.  Ngoài ra “Hộ Pháp” cũng dùng để nói đến các vị thần linh bảo vệ cho chùa và những chúng sanh thành tâm tu Đạo.

 

Eightfold Path: Bát Chánh Đạo gồm có Chánh niệm, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

 

False Thinking: Vọng Tưởng là những ý nghĩ phân tán và ngẫu nhiên phát khởi làm che mờ trí huệ có sẵn trong chúng ta. Khi tu hành đạt đến sự nhất tâm, chúng ta có thể xuyên thủng vô số các vọng tưởng đó để nhìn thấy thực tại đúng thật.

 

Karma: Nghiệp là những hành vi tạo nên từ thân, khẩu ý, mỗi hành vi là cái nhân sẽ đưa đến một cái quả tương ứng trong tương lai. Những hành vi chúng ta làm cũng là hậu quả của những nghiệp của chúng ta trong quá khứ. Đạo Phật dạy là những lựa chọn của chúng ta đều có tác động đến nghiệp của mình. Có câu nói sau: Chúng ta là kết quả những gì ta đã làm và những gì chúng ta đang làm sẽ trở thành chúng ta trong tương lai.

 

Namo: Nam Mô có nhiều ý nghĩa, một trong số đó là “Quy mạng” hay “Quay về”. Câu này thườnng được dùng lúc trì tụng như là “Nam Mô A Di Đà Phật”.

 

Sangha: Tăng Đoàn nghĩa là “Đoàn thể” và trong truyền thống Phật Giáo dùng để nói đến cộng đồng những vị xuất gia có thọ giới.

 

Shakyamuni Buddha: Thích Ca Mâu Ni Phật là tên của vị Phật lịch sữ đã từng sống tại Ấn Độ. Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là vị thánh của dòng họ Mâu Ni.

 

Sutras: Kinh là những lời dạy của chư Phật, chư Bồ Tát hay của những bậc giác ngộ đã được Phật ấn chứng.

 

The Three Refuges / Triple Jewel: Tam Quy / Quy Y Tam Bảo là quy y với Phật, Pháp và Tăng. Tam Bảo là nơi nương tựa, quy y, với ý nghĩa Tam Bảo là sự hướng dẫn đáng tin cậy mà chúng ta nương tựa vào trong cuộc sống. Tam Bảo được gọi là Bảo (Quý báu) vì Tam Bảo được xem là hiếm vá quý giá.

 

 

Kết Luận

 

Chúng tôi mong rằng quyển sách nhỏ này hữu ích cho quý vị để làm quen với cuộc sống trong tu viện. Chúng tôi muốn chấm dứt bằng một đảo lý khác của đạo Phật – là không có gì là cố định cả. Đừng lo ngại khi quý vị cảm thấy lúng túng hay không chắc là phải hành xử như thế nào. Chúng ta khi mới bắt đầu đều như vậy cả. Nhiều người trong chúng ta đến đây vì sự tò mò, vì đi tìm kiếm tâm linh hay chỉ là đơn giản tìm một nơi an toàn yên tịnh trong cuộc sống tân thời đầy bận rộn này. Chúng ta không thể nào liệt kê đủ các lý do mà người ta đi đến chùa, nhưng nói một cách đơn giản, tu viện là một nơi chúng ta có thể buông xả những lo âu của thế gian và có thể tìm những giải đáp cho những thắc mắc sâu xa hơmn trong đời sống. Chúng tôi hy vọng quyển sách nhỏ này giúp quý vị hiểu thêm chút ít về tinh thần và mục đích của tu viện này. Xin vui lòng thưởng thức chuyến viếng thăm của quý vị.

 

 

 

Danh Sách Tu Viện:

 

The City of Ten Thousand Buddhas – Vạn Phật Thánh Thành
P.O. Box 217 / 4951 Bodhi Way, Ukiah, CA 95482 U.S.A.
Tel: (707) 462-0939 Fax: (707) 462-0949
Website: www.drba.org

 

The International Translation Institute – Viện Dịch Kinh Quốc tế
1777 Murchison Drive, Burlingame, CA 94010-4504
Tel: (650) 692-5912 Fax: (650) 692-5056

 

Berkeley Buddhist Monastery / Institute for World Religions – Tu Viện Phật Giáo Berkeley / Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Pháp Giới
2304 McKinley Avenue, Berkeley, CA 94703 U.S.A.
Tel: (510) 848-3440 Fax: (510) 548-4551
E-mail: paramita@drba.org www.berkeleymonastery.org

 

Gold Mountain Monastery – Kim Sơn Thánh Tự
800 Sacramento Street, San Francisco, CA 94108 U.S.A.
Tel: (415) 421-6117 Fax: (415) 788-6001

 

Gold Sage Monastery – Kim Thánh Tự
11455 Clayton Road, San Jose, CA 95127 U.S.A
Tel: (408) 923-7243 Fax: (408) 923-1064
E-mail: gsm@drba.org

 

The City of Dharma Realm – Pháp Giới Thánh Thành
1029 West Capitol Ave., West Sacramento, CA 95691 U.S.A
Tel/Fax: (916) 374-8268

 

Gold Wheel Monastery – Kim Luân Thành Tự
235 N. Avenue 58, Los Angeles, CA 90042 U.S.A
Tel/Fax: (323) 258-6668 E-mail: drbagwm@pacbell.net

 

Long Beach Monastery – Long Beach (Trường Đê) Thánh Tự
3361 East Ocean Boulevard, Long Beach, CA 90803 U.S.A
Tel/Fax: (562) 438-8902

 

Blessing, Prosperity, & Longevity Monastery – Phước Lộ Thọ Thánh Tự
4140 Long Beach Blvd. Long Beach, CA 90807
Tel: (310) 595-4966

 

Avatamsaka Vihara – Tịnh Xá Hoa Nghiêm
9601 Seven Locks Road, Bethesda, MD 20817-9997 U.S.A.
Tel/Fax: (301) 469-8300 E-mail: hwa_yean88@msn.com

 

Gold Dharma Monastery – Kim Pháp Thánh Tự
3645 Florida Avenue, Kenner, LA 70065 U.S.A.
Tel: (504) 466-1626 E-mail: golddharma@drba.org

 

Gold Summit Monastery – Kim Phong Thánh Tự
233 1st Avenue West, Seattle, WA 98119 U.S.A.
Tel: (206) 284-6690 Fax: (206) 284-6918
Email: gsmseattle@netzero.com

 

Avatamsaka Monastery – Hoa Nghiêm Thánh Tự
1009 4th Avenue S.W., Calgary, AB T2P 0K8 Canada
Tel: (403) 234-0644 Email: avatamsaka@drba.org

 

Gold Buddha Monastery – Kim Phật Thánh Tự
248 E. 11th Avenue, Vancouver, B.C. V5T 2C3 Canada
Tel: (604) 709-0248 Fax: (604) 684-3754
E-mail: drba@gbm-online.com www.gbm-online.com

 

Dharma Realm Buddhist Books Distribution Society – Hội In Kinh Phật Giáo Pháp Giới
11th floor, 85 Chung Hsiao E. Road, Sec. 6, Taipei, Taiwan.
Tel: (02) 2786-3022, 2786-2474 Fax: (02) 2786-2674

 

Amitabha Monastery – A Di Đà Thánh Tự
7, Se Chien Hui, Chih Nan Village, Shou Feng, Hualien, Taiwan.
Tel: (03) 865-1956 Fax:(03) 865-3426

 

Ci Xing Monastery – Từ Hưng Thánh Tự
Man Cheung Po Lantau Island, Hong Kong
Tel: 985-5159

 

Prajna Guan Yin Sagely Monastery – Bát Nhã Quan Âm Thánh Tự
Batu 5 1/2, Jalan Sungai Besi, Salak Selatan, 57100 K.L., Malaysia
Tel: (03)7982-6560 Fax: (03) 7980-1272
E-mail: shengh@pd.jaring.my

 

Lotus Vihara – Liên Hoa Tịnh Xá
136, Jalan Sekolah, 45600 Batang Berjuntai, Selangor, Malaysia
Tel: (03) 3271-9439