Chinese and English | Vietnamese

Chúng Ta Đang Dần Đánh Mất Quy Củ

 Bài nói chuyện của Tỳ Kheo Ni Hằng Vân, ngày 16 tháng 7 năm 2013 tại Hội In Kinh Phật Giáo Pháp Giới, Đài Bắc.

Báo Vajra Bodhi Sea, số 520, tháng 9, 2013, trang 31-36

 

Hôm nay là kỷ niệm ngày Hòa Thượng nhập Niết bàn lần thứ 18. Đã 18 năm rồi mà vẫn có nhiều người đến tham dự lễ tưởng niệm Hòa thượng. Như mọi người thấy, giáo pháp của Hòa Thượng Tuyên Hóa đã thâm nhập vào tâm mỗi người.

Một lát nữa thôi, chúng ta sẽ bắt đầu cử hành đại lễ Truyền Cúng. Đại lễ Truyền Cúng đặc biệt này khởi thủy nhân dịp gì? Khi Hòa thượng còn sống, lễ Truyền Cúng được tổ chức mới một lần tại Chùa Kim Sơn, lúc bấy giờ là Kim Sơn Thiền Tự. Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh về buổi lễ nhưng lúc đó tôi không tham gia. Hòa thượng đã chỉ dạy những người tham dự buổi lễ không có nhiều người tham dự này. Mọi người xếp thành vòng tròn lớn trước tượng Phật và chuyền phẩm vật truyền cúng. Vào năm 1983, tôi chuyển đến cư trú tại Vạn Phật Thành và tôi đã không nhìn thấy nghi thức cúng dường này nữa. Vì Hòa thượng viên tịch vào năm 1995, chúng ta đã tổ chức một Pháp Hội Tưởng Niệm Niết Bàn (Niết Bàn Truy Tư Pháp Hội) để tưởng niệm Hòa Thượng. Đến lúc đó Lễ Truyền Cúng mới được khôi phục; hầu hết những vị Đại đức Tổ sư Khai Sơn được tôn vinh trong các buổi lễ như vậy vào ngày các vị nhập Niết bàn. Vượt quá mong đợi của tôi, với nhân duyên đó, đại lễ Truyền Cúng đã tiếp tục hàng năm kể từ đó.

Trong những năm qua, tôi nhận thấy mọi người không còn nói rằng họ sẽ đến tham dự lễ Tưởng Niệm Niết Bàn Hòa Thượng Tuyên Hóa, mà thay vào đó là tham dự Đại lễ Truyền Cúng. Dấu hiệu đó đã cho thấy người ta đã quên đi ý nghĩa thực sự của sự tưởng niệm ngày Hòa Thượng Tuyên Hóa nhập Niết Bàn và biến Đại lễ Truyền Cúng trở thành lễ chủ yếu của ngày đó. Tại sao tôi đặc biệt nói về hiện tượng này? Là vì tôi không muốn ngày tưởng niệm trở thành ngày lễ ẩm thực cho tất cả chúng ta. Nếu như vậy, tôi thực sự cảm thấy buồn cho Hòa Thượng.

Khi tôi còn là một Sa-di-ni, thực ra là một nữ cư sĩ, công việc của tôi là quản lý nhà bếp. Vì thế, đôi khi tôi cần chuẩn bị bữa ăn trưa cho Hòa Thượng. Ngài ăn thức ăn rất đơn giản. Tôi nhớ lúc đó tôi và một đạo hữu khác cùng quản lý nhà bếp. Một ngày nọ, người đạo hữu này phát tâm hiếu thuận với Sư Phụ. Cô ấy đã dành thời gian để tỉa trái cây rất đẹp và xếp một đĩa trái cây đẹp để dâng lên Hòa Thượng. Cuối cùng, cô ấy bị Ngài la mắng “Thế này là đang coi thường tôi!”, Hòa Thượng không chạm vào bất kỳ thứ gì trên đĩa trái cây đó.

Những thứ Hòa Thượng ăn và mặc đều rất đơn giản. Ngài không ăn muối hay dầu ăn mà chỉ ăn đơn giản. Ngài đã ăn gì? Ngài thường ăn một tô cháo, hay một bát cơm và một bát canh rau đơn giản cùng với vài loại trái cây và hạt. Như tôi đã nói, Ngài không cho phép bày biện thức ăn đặc biệt hay cầu kỳ, mà chỉ để thức ăn như nó vốn vậy nếu không thì Ngài sẽ không ăn. Ngoài ra, chúng ta không thể để ra quá nhiều thức ăn cho ngài vì ngài không muốn ăn nhiều. Phương cách ăn của Ngài rất giản dị. Vì lý do này mà chúng ta không nên thưởng thức một bữa tiệc ăn uống vào ngày Ngài nhập Niết Bàn, bởi vì làm như vậy chúng ta đã làm những chuyện vặt vãnh mà bỏ qua những yếu tố quan trọng, có nghĩa rằng chúng ta quên đi ý nghĩa thực sự của lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng.

Đôi khi, những người tu sĩ chúng ta cũng sẽ quên điều này và thông báo cho các Phật tử rằng “Hãy nhớ tham dự Lễ Truyền Cúng!” Thay vào đó, chúng ta nên nói “Đây là ngày tưởng niệm Hòa Thượng nhập Niết Bàn. Hãy cùng tưởng nhớ Ngài”.  Trong dịp tưởng niệm này, chúng ta nên nhìn lại quá khứ và nhìn về triển vọng tương lai. Chúng ta nên xét lại bản thân: “Hòa Thượng Tuyên Hóa đã nhập Niết Bàn 18 năm rồi, chúng ta đã làm gì trong những năm qua, chúng ta nên làm gì trong những năm tới?”. Nếu chúng ta tổ chức lễ Tưởng Niệm với thái độ như vậy, thì buổi lễ sẽ ý nghĩa hơn và lợi ích hơn. Ngày lễ Tưởng Niệm không nên là ngày để chúng ta “ăn mừng” ngày Hòa thượng qua đời. Nếu làm như vậy, chúng ta đã đánh mất ý nghĩa thực sự của buổi lễ.

Chúng ta cũng nên suy nghĩ về những lời chỉ dạy của Hòa Thượng, xem rằng mình đã thực hiện được chưa? Hôm nay, chúng ta tụng phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, trong đó có một đoạn kinh văn nói rằng “Tu hành đúng theo lời Phật dạy để cúng dường”. Chúng ta đã tu hành đúng theo lời Phật dạy chưa? Chúng ta đã thực hành theo lời Phật dạy chưa? Nếu chúng ta tu hành đúng theo lời Phật, thì đây chính là cúng dường. Cúng dường không chỉ có nghĩa là mang thức ăn đến cúng cho tu viện. Khi Hòa thượng còn tại thế, Ngài luôn nhắc chúng ta không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có tranh với người khác không? Hòa thượng đã dạy chúng ta không giặt đồ cho người khác. Chúng ta có thường giặt đồ dơ của người khác không? Đây là những lời giáo huấn ích lợi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và là nền tảng tu hành của mình. Chúng ta nên tẩy rửa tâm mình và soi xét mình hàng ngày. Hãy tự hỏi bản thân “Tôi có tranh không? Tôi có tham không? Khi làm Phật sự, tôi có tham công đức không?”. Lấy thí dụ, nếu tôi làm giỏi một việc gì đó hay muốn làm một việc gì đó thì mong muốn rằng những người khác không nên làm, không thể làm, trừ tôi ra. Tôi là người sẽ làm tất cả.

Không tranh, không tham, không ích kỷ, không nói dối, không tự lợi về căn bản là 5 giới. Hòa thượng giải thích “không mong cầu” là không theo đuổi người khác phái. Xét từ quan điểm này, chúng ta đã có chánh tri và chánh kiến chưa? Ngày xưa, truyền thống của chúng ta bảo thủ hơn ngày nay. Nam nữ ít giao tiếp với nhau. Các Ni sư ít khi nói chuyện với người nam. Nếu có việc của chùa cần bàn bạc thì phải có hai ni sư hiện diện trong suốt cuộc nói chuyện đó.

Trong những năm 80, đã xảy ra một chuyện. Lúc bấy giờ, các vị Tỳ Kheo làm việc tại văn phòng quản trị Vạn Phật Thành. Tất cả thư từ đều được gửi đến văn phòng này trước tiên. Vì vậy, các ni sư phải đến đó để nhận thư từ. Một trong những Tỳ Kheo Ni thường dùng giờ thọ trai để đến văn phòng quản trị lấy thư. Trong một buổi giảng kinh vào một tối nọ, một vị Tỳ Kheo đã lên bục giảng và la mắng vị Tỳ Kheo Ni đó và điều khó khiến ai nấy đều kinh ngạc. Không lâu sau, vị Tỳ Kheo Ni hoàn tục. Sau này Hòa thượng có nói chuyện với chúng tôi về việc đó. Ngài nói cho chúng tôi biết về lý do mà vị Tỳ Kheo kia la mắng vị Tỳ Kheo Ni đó là vì mỗi lần đi lấy thư từ, vị Tỳ Kheo Ni lại luôn nở một nụ cười với vị ấy. Vị ấy không thể chịu được.

Dù tu sĩ là người đã từ bỏ duyên thế gian để tu hành nhưng chúng ta chưa phải là thánh nhân. Chúng ta chỉ đang đi trên con đường Đạo, vì thế, chúng ta chưa cắt đứt được mọi tình cảm. Vì vậy, chúng ta phải hiểu quy củ. Các tu viện chi nhánh hầu hết do nữ giới quản lý. Chúng ta cũng không tránh khỏi những khi cần phải nói chuyện với cư sĩ nam về việc chùa. Vì vậy, cư sĩ nam phải biết cách làm một người hộ pháp chân chánh. Để đào tạo thành tựu một người xuất gia không phải là chuyện dễ dàng. Về phần nữ giới, trước tiên người nữ cư sĩ phải sống và làm việc trong tu viện trong 2 năm đầu, gọi là tịnh nhân (Ghi chú: Đây là giai đoạn huấn luyện để trở thành một Sa Di Ni). Sau 2 năm, nữ cư sĩ này cần có đầy đủ phẩm hạnh về hành vi và quyết tâm tu đạo. Nếu có đầy đủ thì vị ấy có thể gia nhập đời sống tu viện, làm một Sa Di Ni ít nhất 3 năm trước khi thọ giới cụ túc. Tổng cộng, sẽ mất 5 năm huấn luyện. Do đó, để đào tạo một người trở thành tu sĩ không phải việc dễ làm.

Người hộ pháp cần biết giới hạn của mình. Nếu một cư sĩ nam phải nói chuyện với một nữ tu sĩ thì phải tìm một nam hay nữ cư sĩ nữa để cùng tham gia cuộc nói chuyện. Đây là yêu cầu tối thiểu. Ngày xưa, quy củ mà Hòa thượng đặt ra là nếu một Tỳ Kheo Ni cần đến văn phòng quản trị, vị ấy phải đi cùng một Tỳ Kheo Ni khác để đến văn phòng có người nam làm việc. Mặc dù Hòa thượng đã viên tịch lâu nhưng chúng ta vẫn phải tbiết những quy củ về lãnh vực này.

Bây giờ chúng ta thường liên lạc qua thư điện tử trên internet. Ngày xưa, chỉ có một chiếc điện thoại bàn đặt tại văn phòng quản trị của Vạn Phật Thành. Không hề có thư điện tử hay điện thoại di động. Thời đó, điện thoại rất phổ biến. Nhưng Hòa Thượng không bao giờ đặt thêm điện thoại ở bất cứ nơi nào, dù có bất tiện thế nào đi nữa. Sau này, mọi thứ trở nên cởi mở hơn. Bây giờ là thời đại kỹ thuật số. Chúng ta không thể không sử dụng thư điện tử để thảo luận về các vấn đề của tu viện. Quy tắc ứng xử dành cho những tu sĩ sử dụng thư điện tử để liên lạc là gì?

Khi tôi còn là một nữ cư sĩ hay một Sa Di Ni, tôi thường gặp phải những tình huống sau đây. Một Tỳ Kheo Ni đến và nói với tôi rằng “Cô có thể ký cho tôi với dòng chữ “đã xem” được không?” (Đó là một cách để cùng ký một bức thư ngắn). Vì vị ấy muốn viết một bức thư ngắn (note) đến ai đó nên phải tìm một người khác để ký vào là “đã xem” có nghĩa rằng đây không phải là bức thư ngắn vị đó gửi riêng mà đã có một người khác nữa đã đọc nội dung của nó. Từ việc này, quý vị có thể thấy rằng các tu sĩ hồi đó ý thức rõ vấn đề này. Ngày nay, dù chúng ta không ký “đã xem” khi chuyển gửi những thư ngắn đến một người nữ khác, nhưng ở mức tối thiểu, các nữ tu sĩ phải cùng ký tờ giấy khi muốn chuyển đến người khác giới. Đừng gửi thư điện tử đến phía nam giới một mình. Cư sĩ nam cũng phải biết điều này: đừng tự mình liên lạc với nữ tu sĩ qua thư điện tử. Khi cuộc liên lạc chỉ có một người với một người thì ai biết họ nói gì trong thư điện tử?

Vì vậy, khi tôi gửi thư điện tử đến phía nam giới, tôi sẽ gởi kèm thêm đến địa chỉ điện thư của một Tỳ Kheo Ni khác. Đây là cách để tôi bảo vệ sự tu hành của mình. Xuất gia không phải chuyện dễ làm. Tôi đã là một nữ tu sĩ trong suốt những năm qua và tôi thực sự không tu hành mấy. Nhưng ít nhất tôi hy vọng sẽ tiếp tục cuộc sống tu sĩ. Người tu sĩ phải có tư lương, và biết vị trí và bổn phận của mình. Chúng ta phải biết bảo vệ sự tu hành của mình. Ngày xưa, nếu chúng tôi đùa giỡn với nam giới, Hòa thượng sẽ chỉ trích chúng tôi nặng nề. Ngoài ra, ngay cả việc giao tiếp liên lạc giữa những người cùng giới, chẳng hạn nữ cư sĩ không nên gửi thư điện tử không quan trọng và thư linh tinh đến các nữ tu sĩ để khiến họ phân tâm trong việc tu hành, hay cúng dường các nữ tu sĩ điện thoại Iphone hay máy tính bảng Ipad. Nếu tu sĩ không thể tự kỷ luật bản thân thì họ rất dễ thối thất tâm Bồ đề.

Lý do tôi nói chuyện với quý vị về việc này là vì những người tham gia hôm nay có cả tu sĩ và cư sĩ. Tôi hy vọng sẽ giúp các cư sĩ hiểu làm thế nào để bảo vệ tu sĩ, đó thật ra chính là bảo vệ lẫn nhau. Cư sĩ không nên chỉ hỗ trợ một tu sĩ, nếu không, cư sĩ đó sẽ “hỗ trợ đọa theo” xuống địa ngục. Đây là gieo nhân rất bất thiện. Trong tương lai, người tu sĩ này và người hộ pháp sẽ trở thành quyến thuộc trong gia đình. Trong quyển Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ, có kể đến nhân duyên kiếp trước của một người bán nhang. Kiếp trước của người bán nhang đó là một Tỳ Kheo, còn vợ của người bán nhang trong kiếp này chính là một nữ cư sĩ trong kiếp trước. Vì người vợ (nữ cư sĩ) đã cúng dường chồng (vị Tỳ Kheo) một chiếc y trong quá khứ nên kiếp này họ trở thành vợ chồng. Do đó, có loại nhân duyên này.

Khi cúng dường, phải cúng cho tăng đoàn. Không được do quý mến một vị pháp sư mà chỉ cúng dường riêng vị đó mà thôi. Cúng dường như vậy không có lợi cho tu sĩ và sẽ hại sự tu hành của họ. Cư sĩ không nên hành xử như vậy vì tu sĩ sẽ quen dần với việc đó và trở thành tập quán.  Có thể kiếp này họ vẫn là tu sĩ. Nhưng do sai lầm nơi nhân địa nên kiếp sau họ sẽ không thể trở thành tu sĩ nữa. Những ai đang ngồi đây có lẽ đã từng là tu sĩ trong kiếp trước, nhưng do không đủ nhân duyên nên kiếp này mới phải làm cư sĩ. Quý vị cảm thấy nuối tiếc có phải không? Dù đời này quý vị không thể xuất gia nhưng vẫn có thể tạo nhân để tương lai trở thành tu sĩ. Nhân mà quý vị gieo trồng này giúp thiết lập và duy trì gia phong của Hòa thượng tại các tu viện của chúng ta, là sự cúng dường như pháp chân chánh. Quý vị có thể gieo trồng những nhân này.

Đây là những điểm nhỏ về quy củ nhưng giảng ra lại là rất nhiều. Về phương diện quy củ, có một số đang dần mất đi. Ngày xưa, nếu có ai đó không tới dự buổi giảng kinh tối, người đó bị xem như sắp rời khỏi tu viện và sẽ hoàn tục. Nếu tu sĩ không mặc áo giới thì cũng như họ không mặc gì cả. Chúng ta phải hiểu Hòa thượng muốn chúng ta lúc nào cũng mặc áo giới. Hòa Thượng đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện thật trước đây. Tại Mã Lai có một pháp sư nọ tên là Văn Kiến đã xuất gia tu hành ở một tu viện khác. Pháp sư Văn Kiến muốn giữ hạnh luôn mặc áo giới nhưng vị thầy của Pháp sư lại không cho phép vì tại nhiều tu viện khi một tu sĩ mặc áo giới thì bị xem là kỳ quái.  Vì vậy, Hòa thượng đã chỉ bày Pháp sư Văn Kiến phương pháp để nói với thầy mình rằng “Hãy nói với thầy con là nếu con không mặc áo giới thì sẽ có dục tâm và nghĩ đến phụ nữ. Hãy hỏi thầy con như vậy và xem ông ấy có cho con mặc áo giới không”. Pháp sư Văn Kiến về hỏi thầy mình như vậy. Sau đó, thầy vị ấy đã cho phép Pháp sư Văn Kiến mặc áo giới vào mọi lúc.

Quý vị thấy đó, những người không có cơ hội đắp áo giới đã cố gắng bằng nhiều cách để mặc áo giới. Hòa thượng đã mang đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội mặc áo giới hàng ngày để gieo trồng nhân Bồ Đề vô thượng, chúng ta chắc chắn nên bảo vệ tăng tướng và tự tôn trọng mình là người xuất gia. Còn đối với cư sĩ, khi mặc áo tràng màu đen và áo giới với đoan tướng oai nghi, thì đây được coi là tôn trọng tánh linh của mình, và tự tôn trọng mình là một người tu hành. Quý vị không nghĩ là có điểm khác biệt giữa hành xử đoan chánh và hành xử với tâm tán loạn hay sao?

Vì sao chúng ta lại nói về vấn đề này? Là vì tông chỉ “không mong cầu” bao gồm việc không theo đuổi người khác giới. Vì vậy, ranh giới giữa nam nữ phải rõ ràng. Hơn nữa, đối với tông chỉ “không ích kỷ” và “không tự lợi”, chúng ta cũng nên tự hỏi mình có ích kỷ hay có theo đuổi tự lợi không. Chẳng hạn như tôi muốn có được tất cả đồ ăn ngon, tôi muốn cúng dường phẩm vật tốt nhất trong đại lễ Truyền Cúng hôm nay. Khi cư sĩ làm công đức, đôi khi sẽ xuất hiện những tình huống này. Thêm nữa, lấy việc xây đạo tràng chùa chiền làm thí dụ. Nếu mọi người nghe nói về việc tạo tượng Phật, ai cũng tranh để được công đức đó. Nếu là xây nhà vệ sinh thì không ai phát tâm trả tiền cả. Đây chính là tâm phân biệt.

Vì vậy, chúng ta nên khởi động lại sáu đại tông chỉ – không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối – và chân thật vận dụng trong cuộc sống hàng ngày để phù hợp với ý của Hòa thượng. Chúng ta không nên có đại lễ ẩm thực vào ngày Hòa thượng nhập Niết Bàn. Đó là một việc hết sức sai lầm.

Một lát nữa chúng ta sẽ làm đại lễ Truyền Cúng. Đồ cúng dường thường có hương, hoa, đèn, trái cây, rau cải, trà, đá quý và sáp thơm. Đây là loại sáp mà người Ấn Độ bôi lên cơ thể, ở Trung Hoa không có. Vì vậy, chúng ta chỉ có 7 loại đồ cúng dường.

Nhang thơm – Đầu tiên là cúng dường nhang thơm. Đây là sự cúng dường mang ý nghĩa tượng trưng. Nó nhắc nhở chúng ta về “giới hương”. Kệ Tán Hương nói rằng “Lư hương sạ nhiệt, Pháp Giới mông huân. Chư Phật hải hội tất diêu văn..” Dòng tiếp theo nói rằng : Tùy xứ kiết tường vân, Thành ý phương ân, Chư Phật hiện toàn thân” Những câu này muốn chỉ ra rằng hương thơm của tâm nay đã mở ra, không còn những thứ hôi thối như tham, sân, si trong tâm. Đây là ý nghĩa của giới hương. Vì vậy những loại phẩm vật cúng dường này đều có ý nghĩa đặc biệt của chúng.

Hoa – Hoa Bồ đề của mọi người phải nở và được trang nghiêm với Bồ đề bên trong và bên ngoài, chứ không chỉ được trang nghiêm ở bề ngoài.

Đèn – ánh sáng của tâm tỏa sáng mãi mãi. Một bóng đèn có thể xua tan bóng đêm đã tồn tại cả ngàn năm. Năng lượng tối tăm như sự ganh ghét, đố kỵ, phá hoại và sự bất hạnh đều bị phá tan. Ánh sáng của tâm phải chiếu sáng. Khi ánh sáng này tỏa ra, nó chính là sự cúng dường thành tâm.

Quả – có nghĩa là kết quả Bồ đề. Tất cả mọi người phải kết quả Bồ đề.

Rau cải – chúng có thể nuôi dưỡng cơ thể chúng ta và là biểu tượng của Pháp thân mạnh mẽ. Ngoài ra, nó cũng có nghĩa là Pháp thân và Tuệ mạng của chúng ta sẽ gia tăng và phát triển.

Trà – nó làm mát và có thể làm dịu cơn khát. Do đó, khi phiền não nóng rực từ thân và tâm biến mất, chúng ta sẽ có cảm giác mát mẻ.

Đá quý – chúng ta nên hiển lộ kho tàng giáo pháp trong tự tánh. Khi chúng ta cúng dường, thì không những cúng dường chư Phật mười phương mà còn nên cúng dường chúng sanh khắp mười phương. Không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn hay trong 12 loại chúng sanh (từ trứng sanh, từ thai sanh, loại thấp sanh, loại hóa sanh, loài có sắc, loài không sắc, loài có tư tưởng, loài không có tư tưởng, v.v…) chúng ta đều nên phát tâm cúng dường.

Vì hôm nay chúng ta sẽ tiến hành lễ Truyền Cúng nên tôi hy vọng mọi người có thể thực sự hiểu được ý nghĩa của việc cúng dường này. Tôi nghĩ, làm theo cách này thì Hòa thượng sẽ vui lòng hơn. Ngài sẽ không cảm thấy “Hôm nay là ngày tôi nhập Niết Bàn mà quý vị lại có đại tiệc ở đây!” Nếu chúng ta có thể y giáo phụng hành thì đây chính là hiếu đạo vậy.