“Con Đáng Lẽ Không Làm Mẹ Trong Kiếp Này!”

Bài nói chuyện của Sư Cô Hằng Trì  vào ngày 7 tháng 3, 2002 tại Chánh điện Vạn Phật Thánh Thành

Varja Bodhi Sea July. 2008 p. 28-31

Tôi rất bướng bỉnh, Sư Phụ cũng biết điều đó. Trong suốt 20 năm sau khi xuất gia, tôi không gặp lại ba mẹ tôi, và trong 17 năm, tôi đã không gặp lại con trai tôi. Hôm nay tôi sẽ nói chuyện về mối quan hệ của tôi với gia đình tôi như một người xuất gia.

Con đang nghĩ gì?

Tôi đã ở Giảng Đường Phật giáo San Francisco trên đường Waverly. Trong thời gian đó Sư Phụ giảng Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa, và các kinh khác. Tôi không nhớ rõ hôm đó chúng tôi làm bài tập gì vào ngày đặc biệt đó. Vào giữa ngày, có một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Lúc đó, những người đến chùa đều là người Mỹ, chúng tôi đều đang phơi nắng trên ban công, bầu không khí rất sống động. Bởi vì ban công lầu 4 đối mặt với phố Tàu, chúng tôi có thể nghe tiếng ban nhạc Trung Hoa, tiếng rao của những người bán rong cố gắng bán sản phẩm của họ, và các tiếng ồn khác. Rất nhiều tiếng ồn trên ban công. Bởi vì là lúc nghỉ ngơi, mọi người đều nói chuyện với nhau. Vào lúc đó, tôi chìm đắm trong suy tư, có lẽ quý vị không biết lúc đó tôi đã lập gia đình và có một con trai – tôi suy nghĩ, “Tôi đã là một người mẹ, một người vợ – thay đổi nghề nghiệp ngay bây giờ, đó như là …? ” Vào thời điểm đó, tôi không biết về khái niệm “nghiệp chướng”, mặc dù tôi đã nghe kinh, nhưng lúc đó tôi đã không hoàn toàn hiểu lý do tại sao tôi đã trở thành một người vợ và một người mẹ. Vào thời điểm đó, tôi không thể buông bỏ tư tưởng đó: Tôi nên quyết định nhanh chóng là tôi phải là một người mẹ thực sự . Chẳng ai biết được Sư Phụ đi đến – ngài có một căn phòng nhỏ phía sau. Thông thường khi chúng tôi nghỉ giải lao, Sư Phụ không cần thiết ra khỏi phòng. Nhưng vào ngày hôm đó, ngài đã ra khỏi phòng và bước về phía tôi. Không ai để ý đến điều này vì có rất nhiều người ở ban công và bầu không khí rất sinh động. Vào lúc đó, tôi không nói được tiếng Hoa, và Sư Phụ thì chưa bao giờ tiết lộ khả năng tiếng Anh của ngài với chúng tôi, vì thế tôi đã không biết là ngài có biết tiếng Anh hay không. Nhưng vào ngày hôm đó, ngài đã nói hai chữ tiếng Anh với tôi, “What thinking?” – Con đang nghĩ gì? Lúc đó là một giây phút quan trọng: Tôi sắp thối tâm tu hành. Khi Sư Phụ hỏi tôi, tôi không thể trả lời, vì thế Sư Phụ đã nói bằng tiếng Anh, “Con đáng lẽ không làm mẹ trong kiếp này!”. Đúng chính xác câu nói này: Con đáng lẽ không làm mẹ trong kiếp này – trong kiếp này, con không nên là một người mẹ. Chỉ với một câu nói đó, tôi đã trở thành một Tỳ Kheo Ni đến nay đã 33 năm. Thật không dễ dàng chút nào! Tôi lúc đó rất quan tâm về con trai tôi và nó còn quá nhỏ. Đó là lần đầu tiên.

Tôi Đã Lỡ Chuyến Thăm Của Em Gái Mình Như Thế Nào?

Lần thứ hai là tại chùa Vạn Phật. Tôi nghĩ ai cũng có cùng mong muốn là chuyển hóa và cứu giúp gia đình và bạn bè của mình. Tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Em gái tôi, chồng cô ta và con gái họ lúc đó sống tại nhà dành cho cư sĩ ở Vạn Phật Thánh Thành. Ở đó, con gái em tôi thường hay chơi với con gái của cô Terri (Nicholson). Vào ngày em gái tôi dọn đến, nhưng trước khi em tôi đến, Sư Phụ nói với tôi, “Quả Tu! Chúng ta có một vị khách ở San Francisco, một vị Tỳ Kheo. Có chuyện gì đó xảy ra với vị ấy và vị ấy hiện đang nằm trong bệnh viện. Ta muốn con đến lãnh trách nhiệm lo cho vị ấy.” Xin quý vị đừng hiểu lầm: tôi không chăm sóc vị Tỳ Kheo trong phòng ông ấy mà chỉ giúp ông lo những vấn đề khác.

Thật sự tôi rất cứng đầu! Nhưng những gì Sư Phụ nói thì tôi đều nghe lời; ngài bảo tôi đi đâu thì tôi đi đó. Vì thế mà tôi đã không gặp em gái tôi. Khi em tôi đến, tôi đã đi rồi. Em gái tôi rất bối rối “Những người Phật giáo quý vị sao mà kỳ vậy? Em đến đây để thăm chị, nhưng chị thì lại đi San Francisco!” Lúc đó, em gái tôi đã ở lại chùa Vạn Phật tmột tuần, và tôi cũng ở lại San Francisco một tuần.


Tôi Đã Lỡ Buổi Lễ Xuất Gia Của Con Trai Tôi Như Thế Nào?


Sư Cô Hằng Trì  và con trai Quả Đồng


Lần thứ ba, con trai tôi Quả Đồng sắp bắt đầu cuộc sống tu hành. Hòa thượng bảo tôi: “Quả Tu, có hai buổi lễ chúng ta cần làm: một là lễ xuống tóc Xuất Gia , và hai là lễ phóng sanh. Con hãy đi và hướng dẫn lễ phóng sanh.”

Tôi Đã Lỡ Chuyến Thăm Của Em Gái Tôi Lần Thứ Hai Như Thế Nào: Thành Lập Một Học Viện Phật học Tại Đài Loan

Lần thứ tư, cũng người em gái lần trước đến thăm tôi. Nó đã gia nhập giáo phái Quaker. Giao phái Quaker là một nhánh của Thiên chúa giáo và cũng có một số điểm tương đồng với đạo Phật ví dụ như những người theo giáo phái Quaker cũng thích thiền. Em gái tôi đang sống và làm việc trong một cộng đồng giáo phái Quaker và làm việc tại một trường học ở vùng bờ biển phía Đông, và cô ta đã viết một bức thư mời Hòa thượng đến đó thuyết giảng.

Quý vị có nhớ cô ta cũng đã mời Liễu Fong-Ming (pháp danh Hằng Đạo) và Meng Yi-Ping (người đã xuất gia và có pháp danh Hằng An); họ đều đã đi cùng Hòa Thượng. Tôi cũng muốn đến đó: vì dẫu sao thì đó cũng là trường đại học của em gái tôi mà! Nhưng quý vị có biết Hoà Thượng đã gởi tôi đi đâu không? Đến tu viện Đông Tịnh ở Hoa Liên, Đài Loan để giúp thành lập Học viện Phật Giáo – thế là tôi đã không thể trở về vùng bờ biển phía Đông để thăm em gái mình và tham gia sự kiện đó chỉ bởi vì tôi phải đi Đài Loan. Đây là lần thứ tư. 

Các Đệ Tử Lâu Năm Hơn Nhường Chỗ Cho Các Đệ Tử Mới Đến

Lần thứ năm là liên quan đến ba tôi. Như đã nói ở trên, tôi đã không gặp cha mẹ mình trong suốt 20 năm – thậm chí lần có một cuộc họp mặt gia đình quan trọng, tôi cũng không đến dự. Quý vị cũng nên biết rằng quý vị lần đầu tiên đến đây, Hòa Thượng sẽ dành nhiều thời gian quan tâm đến quý vị. Cũng như thế, ngài đã dành nhiều thời gian quan tâm đến chúng tôi. Nhưng một thời gian sau, ngài không làm việc ấy nữa, và quý vị phải tự nghĩ cách tự chăm lo. Sư Phụ cũng từng nói “Tất cả những quý vị mới đến phải biết rằng khi có những người mới đến sau các quý vị, ta sẽ không thể chăm sóc quý vị được nữa. Quý vị phải nhường chỗ cho những người mới đến.” Phương pháp của Sư Phụ là như thế, và như quý vị thấy, tôi là một trong những người đến đầu tiên, nhưng về sau tôi có rất ít cơ hội gần Sư Phụ vì những người mới đến sau này là những người có thể gần với Sư Phụ hơn.

Vì thế mà vào ngày tôi nghe tin cha mình bị đột quỵ, đã chết đi và được làm tỉnh lại, tôi đã không có cách nào báo trực tiếp cho Sư Phụ và phải thông qua người đi theo sư phụ, một cô Sa Di. Tôi đã báo với cô Sa Di đó về tình trạng của ba tôi và nhờ cô ta chuyển tin lại cho sư phụ. Lúc đó, vào buổi tối ở Chùa Vạn Phật, chúng tôi nghe kinh Đại Bát Niết bàn. Hòa Thượng dạy chúng tôi phương pháp phát triển trí tuệ  sẵn có bên trong. Đầu tiên chúng tôi phải học thuộc kinh. Sau đó chúng tôi phải giải thích từng đoạn kinh, trước tiên là sử dụng ngôn ngữ thứ hai của mình (với tôi là tiếng Hoa) rồi mới sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (với tôi là tiếng Anh). Chúng tôi không biết trước sư phụ sẽ gọi ai để đọc kinh thuộc lòng và giảng giải kinh.  

Vì tôi đã không gặp ba tôi trong nhiều năm, tình cảm bám chấm của tôi dành cho ông sẽ rất cạn cợt và ít oi, đúng không? Không phải thế. Do tình cảm của tôi dành cho ba tôi, tôi đã chạy đến chánh điện trong Hỷ Xả Viện và không ngừng niệm thánh hiệu “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” , cầu mong sự gia hộ của Quán Thế Âm Bồ Tát. Thực tế là Hòa Thượng không hề quên tôi; ngài bảo một Tỳ Kheo Ni đến nói với tôi “Con có định chết theo ba con không?” Sư phụ hiểu rõ cá tính của tôi, vì thế chỉ câu nói đó là đủ. Vì thế, tôi quay về chuẩn bị việc học thuộc lòng đoạn kinh Niết bàn. Tối đó, Sư Phụ vào lớp, đến chỗ tôi và hỏi “Ba con thế nào rồi?” Tôi gật đầu. Tình cảm cha con sâu nặng 20 năm đã không cho phép tôi ngẩng đầu lên – Tôi chỉ ngồi đó cúi đầu. Hòa Thượng nói “Hãy thành tâm tụng Nam mô A Di Đà Phật.” Tôi đã không thể đáp lời – Tôi thật sự rất buồn nhưng tôi tự nhủ “Tôi không muốn niệm danh hiệu Phật A Di Đà – Tôi muốn niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm” (Ghi chú: Lúc đó tôi cho rằng nếu tôi niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thì tôi đã chấp nhận việc ba tôi có thể qua đời, trong khi nếu tôi niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, tôi hy vọng ba tôi có thể được cứu sống.) Mặc dù tôi không nói ra lời, nhưng Sư Phụ đã thuận theo mong ước của tôi, ngài nói “Vậy thì con hãy niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.” Tôi đã không về nhà gặp mặt cha tôi. Nhưng tôi đã hết sức mình thành tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, và ba tôi đã sống thêm được 7 năm nữa.  

Sau kinh nghiệm phi thường này, đức tin của tôi tăng trưởng. Do đó theo nhân duyên của cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng tốt nhất nên để lại gia đình ở phía sau một khi quyết định đi theo con đường tu Đạo.