Trích dịch từ báo Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải) số tháng 4, 2010 (số đặc biệt kỷ niệm 40 năm phát hành nguyệt san Vajra Bodhi Sea – Kim Cang Bồ Đề Hải). Trang 82 – 84.

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT: Thầy Hằng Lai là một trong các Chủ Bút và là người thiết kế hình bìa cho nguyệt san Vajra Bodhi Sea thuở ban đầu. Xin xem thêm bài Bài Học Quý Giá trích dịch từ Reflections by Successive Editors and Staff Members

HayTha2

Lời Ban Biên Tập báo Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải): Bài Con Trai Tôi Trở Thành Gì Vậy? này được in lại từ báoVajra Bodhi Sea, số ra tháng 8 năm 1977 (lúc đó là nguyệt san chỉ dùng tiếng Anh) để các độc giả người Hoa và độc giả gần đây được đọc. Đây là những đoạn trích từ bài viết do thân mẫu của pháp sư Hằng Lai (Heng Lai) viết cho lớp Tâm Lý Học Bất Thường của bà, đưa ra cách nhìn đặc biệt về những sự kiện trong cuộc đời con trai bà. (Pháp sư Hằng Lai có thế danh là Eric Weber và pháp danh là Quả Hồi).

 

ConTra3

Anh Quả Hồi (Eric Weber)

Mẹ của pháp sư kể lại: “Eric chào đời vào một buổi sáng tháng tư đầy giông bão năm 1946”. Ca đẻ rất đau đớn (Xem trong Vajra Bodhi Sea số 67, trang 26). “Chúng tôi luôn nghĩ rằng sự nhạy cảm của con trai mình có thể liên quan đến sự chào đời đau đớn này. Eric là một đứa bé gần như hoàn hảo, trầm lặng, khỏe khoắn và rất cảnh giác. Đầu của Eric không bao giờ gục xuống và Eric giống như một miếng bọt biển không ngừng hấp thu mọi thứ xung quanh mỗi khi còn thức. (Để tránh có vẻ quá ngớ ngẩn, tôi nói rõ thêm rằng Eric có một chị gái và ba em trai. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy những hành vi thời thơ ấu của Eric rất khác thường).

“Khi Eric lớn lên, có một điều về con trai mình đã khiến chúng tôi phiền muộn. Khả năng chịu đựng sự đau đớn, áp lực hay những lời khiển trách của Eric rất kém. Bởi vậy, Eric là một đứa trẻ cẩn thận và ngoan ngoãn nhưng tôi vẫn còn kinh hãi nhớ lại cái lần duy nhất Eric bị cha đánh vào mông lúc bốn tuổi. Kết quả là con trai tôi đã chết ngất. Sau lần đó, chúng tôi nhận ra rằng đối với con trai mình, chỉ được dùng những lời ôn hòa nhất”.

“Chồng tôi là viên chức Sở Di Trú và cứ ba năm thì chúng tôi lại chuyển chỗ một cách mãnh liệt. Tôi nói mãnh liệt có nghĩa là từ Mexico đến miền bắc Maine đến New York đến Bahamas đến New Mexico, v.v… Gia đình chúng tôi vì thế rất gần gũi với nhau. Nhưng đến Bahamas thì Eric tách khỏi gia đình vì tình yêu dành cho biển. Eric dong buồm ra khơi ở vùng Caribean trong ba năm trên một chiếc thuyền buồm dài 68 bộ anh (khoảng 20,7 mét) và làm phụ việc trên thuyền”.

“Khi con trai tôi được 15 tuổi thì gặp một sự việc kỳ lạ. Lúc đó Eric đang ở Miami để giúp đại tu bổ chiếc thuyền theo định kỳ hàng năm. Eric phải ở lại để lái thuyền quay về sau ba tuần, nhưng vào một buổi sáng, mới chỉ bắt tay vào việc được ba ngày thì Eric bảo thuyền trưởng rằng mình phải về nhà ngay lập tức. “Nhà” thì ở vùng ngoài đảo Eleuthera ở Bahamas. Muốn về thì cần một chuyến bay tới Nassau và một chuyến bay nữa để tới Eleuthera – khá đắt và không cần thiết. Vị thuyền trưởng (Chúa phù hộ cho ông) không bao giờ chất vấn mà tạm dừng công việc để chở Eric ra sân bay. Bốn giờ sau đó khi Eric bước vào nhà thì hay tin người chị yêu quý của mình đã qua đời trong một tai nạn ô tô vào sáng hôm đó. Mọi người giải thích điều này sao đây? Điều lạ lùng này thường xảy ra với những sự việc liên quan đến những chấn thương trong gia đình. Có lần, một đứa em của Eric bị mất con mắt trong một tai nạn. Eric nghỉ học, về nhà và hỏi: “Đã xảy ra chuyện gì vậy?” Lúc đó tôi còn chưa nhận được tin gì”.

Eric tốt nghiệp, gia nhập hải quân và đi biển trong hai năm rưỡi. Bà mẹ viết tiếp : “Nhưng giờ tôi sẽ đi vào trọng tâm của vấn đề. Chính quãng thời gian lênh đênh trên biển đã cho Eric KINH NGHIỆM làm thay đổi cuộc đời mình. Lúc đó Eric đã ở ngoài khơi Tây Ban Nha ba tuần rồi với nhiệm vụ không mấy hứng thú, kiểm tra phao nổi; phiên trực thì đơn điệu cứ 4 giờ làm việc thì được nghỉ 8 giờ. Eric đang ở trên đài chỉ huy vào khoảng 2 giờ sáng trong cảnh giới tâm trí trống rỗng thì toàn thân bị bao quanh bởi ánh sáng của vũ trụ, hòa hợp và hoàn toàn hiểu biết. Những ngôi sao sáng chói khắp chân trời này sang chân trời kia, mặt biển và con tàu là một phần của Eric và Eric cũng là một phần của chúng. Theo như Eric diễn tả, Eric cảm thấy một sự sống động, một sự thăng hoa và một sự “thân thuộc” mà trước đó cũng như về sau chưa bao giờ cảm nhận tương tự như thế. Eric nói cảm giác đó yếu dần nhưng rất từ từ. Nó vẫn còn tồn tại vào những ngày sau đó và thật lạ, cảm giác an bình và một loại năng lực đã tự truyền sang những thuyền viên và các nhà khoa học trên con tàu. Họ dường như tìm gặp và trở nên gần gũi với Eric và họ đối với Eric khác với cách cư xử bình thường trên tàu.

Tìm sự lý giải cho việc này, Quả Hồi đã tìm thấy Phật giáo và cuối cùng gặp Hòa Thượng (Tuyên Hóa) sau một năm nghiên cứu thiền tại một trung tâm khác. Sau khoảng hai tuần thì Eric bị nguyện lực vĩ đại của Hòa Thượng làm cho kinh hãi và trở về Bahamas. Nơi đây, Eric làm thuyền trưởng gần một năm. Bà kể: “Thuyền phó và đầu bếp của Eric là một cô gái Thụy Điển xinh đẹp và cả gia đình thở phào nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa, Eric không còn quay lại với Phật giáo nữa!”. Nhưng rồi một đêm, Eric kể rằng đang ngồi một mình phía đuôi tàu thì Hòa Thượng xuất hiện ngay cạnh. Eric thề đó là cảnh giới có thật. Hòa Thượng khuyên rằng đã đến lúc Quả Hồi quay về. Nỗi lo âu và sợ hãi của Quả Hồi không biết mình có khả năng làm một đệ tử xứng đáng và đối mặt với sự tu hành chánh pháp khởi lên như một đám mây đen che mờ kinh nghiệm bản thân. Nhưng sự hiện thân của Hòa Thượng, đang rất rõ ràng đây, đã vượt qua sự hoài nghi trong tâm Quả Hồi. Trong vài ngày, sự hiện diện từ bi của Hòa Thượng lan tỏa đến tất cả mọi thứ và những người xung quanh Quả Hồi. Điều đó đã xua tan sự sợ hãi của Quả Hồi và Quả Hồi đã quay trở về – lần này là ở lại”.

ConTra2

Hòa Thượng cùng với Thầy Hằng Không (đứng), Hằng Quán (đứng) và cư sĩ Quả Hồi Weber (ngồi), những người thực hiện 36 ngày tuyệt thực vào tháng 11 năm 1975 để hồi hướng công đức cho hòa bình thế giới.

img_2713_small

Thầy Hằng Lai và Thầy Hằng Thật trong chuyến Hoằng Pháp tại Trung Quốc (2007)

Mẹ của pháp sư nói tiếp “Lần này Quả Hồi nhất tâm dụng công. Thầy hoàn thành 21 ngày tuyệt thực với nỗ lực đả phá các “cánh cửa” đã khiến cho tâm mình phải làm nô lệ cho thân. Thầy nói với chúng tôi rằng Thầy nhớ từng chi tiết về các bữa ăn mình đã từng ăn, bất kể là ngon hay dở. Sự bận tâm về thức ăn không còn ở mức độ khẩu vị mà tồn tại trong tâm trí Thầy. Thầy thuật lại chi tiết mọi thứ trên bàn vào một ngày lễ Tạ Ơn lạnh giá ở Maine hồi 10 tuổi. Thầy đã gặp khó khăn trong việc phá những cánh cửa trong viêc nhịn ăn này! Thầy tăng cường thêm nữa và tiếp tục đợt tuyệt thực thứ hai. Lần này là 35 ngày. Như vậy là 35 ngày không ăn uống gì ngoài việc uống một tách nước mỗi ngày. Eric cao 6’2 (1.9 mét) và nặng khoảng 160 lbs (72,6 kg). Sau đợt tuyệt thực, Eric chỉ còn 120 lbs (54,4 kg) (Xem trong Vajra Bodhi Sea , số 67, trang 36). Thầy cho biết không phút nào là Thầy có ảo giác hay mất nhận thức về những gì xung quanh mình; có chăng là việc tuyệt thực còn nâng cao nhận thức của mình”.

Vào tháng 12 năm 1976, Quả Hồi chuyển về Vạn Phật Thánh Thành để trợ giúp việc xây dựng ngôi chùa. Thầy xuất gia vào ngày 6 tháng 4 năm 1976, thọ mười giới Sa Di, cạo tóc và khoác tấm y của một tu sĩ Phật giáo. Vào tháng 5, Thầy tăng cường công phu hàng ngày bằng cách phát nguyện lạy Đại Bi Sám mỗi ngày, lạy Kinh Hoa Nghiêm mỗi ngày và bớt ăn, bớt đọc và không nói những lời vô ích. Vào ngày 30 tháng 8 năm 1976, tại Giới Đàn đầu tiên tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành, Quả Hồi đã thọ Cụ túc giới và trở thành một tu sĩ thọ Cụ túc giới của Tăng Đoàn. Trả lời cho câu hỏi “Tại sao thầy làm vậy?, Quả Hồi nói “Quyết định chính cho việc xuất gia đến trong đợt tuyệt thực 35 ngày, khi tôi nhận ra đời người quá ngắn ngủi và vô cùng quý giá và cơ hội tìm được một người như Sư phụ có lẽ là một phần bốn tỷ” (1).

ConTra1

Pháp sư Hằng Lai

Ghi chú:
(1) Vào năm 1976, tổng dân số trên địa cầu khoảng 4 tỷ người https://en.wikipedia.org/wiki/World_population_estimates

Bài Học Quý Giá

Tỳ Kheo Hằng Lai (Heng Lai)
(Chuyên viên thiết kế hình bìa/ Giám Đốc báoVajra Bodhi Sea – Kim Cang Bồ Đề Hải) từ tháng 11 2002 đến nay)
Trích dịch từ báo Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải) số tháng 4, 2010 (số đặc biệt kỷ niệm 40 năm phát hành nguyệt san Vajra Bodhi Sea – Kim Cang Bồ Đề Hải). Trang 38 trong bài Reflections by Successive Editors and Staff Members.
Câu chuyện duy nhất có liên quan đến báo Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải) là một bài học kinh nghiệm từ Sư phụ. Chuyện xảy ra trong thời gian tu sửa Tu viện Kim Sơn Tự đầu tiên (tại số 1731 đường 15th, khu Mission). Hồi đó, tôi còn là cư sĩ và đang chỉ dẫn cho các vị Tỳ Kheo Ni cách quét hợp chất nối kẽ hở (joint compound) lên tấm ván lát tường sau khi học được pháp này từ một người thiên nguyện. Cuối ngày hôm đó, Hòa Thượng nói với tôi hãy tập trung vào việc hoàn thành bìa báo Vajra Bodhi Sea cho số tiếp tới.
Bởi vậy, ngày hôm sau, tôi chỉ chú tâm vào việc làm bìa báo Vajra Bodhi Sea. Sau đó, một vị Tỳ Kheo Ni đến và lịch sự nhờ tôi lên lầu để tiếp tục chỉ cho họ cách quét hợp chất nối kẽ hở. Tôi đã quát lên với vị ấy: “Con không có thời gian! Con còn phải làm cho xong bìa báo Vajra Bodhi Sea này!”. Và vị ấy lên lầu để thuật lại về phản ứng của tôi. Vì cảm thấy không được hỗ trợ, tất cả các Tỳ Kheo Ni đã cùng rời Kim Sơn Tự vào ngày hôm đó.
Sau đó, Sư phụ gọi tôi lên lầu và hỏi tại sao tôi khiến các vị Tỳ Kheo Ni phải “đình công”. Tôi nói với Sư Phụ rằng tôi phải làm bìa báo Vajra Bodhi Sea. Câu trả lời này không làm Sư phụ hài lòng và tôi bắt đầu tự quán chiếu về hành vi của tôi. Buổi tối hôm đó, tôi lạy sám hối trước Hòa Thượng và toàn thể đại chúng. Tôi nói rằng vì thiếu kiên nhẫn và bất kính với các Sư tỷ của tôi đã khiến cho họ thất vọng và bỏ đi.
Các vị ấy đã tha lỗi cho tôi và Sư phụ đã chỉ cho tôi thấy cái tâm kiêu ngạo của mình để tôi có thể thay đổi tốt hơn.