Vietnamese|English

Ðạo Làm Người

LTS: Ðức Phật dạy rằng: Làm người cho tròn rồi mới làm Phật.

Bên Trung Hoa đạo làm người là trung tâm nền tảng giáo dục của đạo Khổng. Chúng tôi xin trích dẫn lời dạy về đạo làm người qua phần Ðại Tượng Truyện do đức Khổng Tử giải thích ở 64 quẻ trong Kinh Dịch. Phối hợp với quẻ Dịch là những lời dạy trong tập Luận Ngữ mà ngài Tăng Sâm, một đệ tử của đức Khổng Tử chép lại. Tất cả những kẻ thành tựu, bậc quân tử, vĩ nhân, thánh nhân, hay kẻ giác ngộ đều xây dựng sự nghiệp trên nền tảng đạo đức chắc thật, kiến giải thấu triệt và tâm lượng rộng lớn. Họ là những kẻ lúc nào cũng xoay về gốc, nhìn ngược lại tâm mình, sống với giá trị và lý tưởng cao thượng. Không nao núng trước thế lực và áp lực, không ngừng cải thiện tầm nhìn và sự hiểu biết, họ tìm cách cống hiến năng lực đời mình một cách thiết thực nhất.

Tài liệu tham khảo và trích dịch gồm có:

Tiếng Việt: Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Chu Dịch của Phan Bội Châu

Tiếng Hoa: Dịch Kinh Ðại Toàn, Tứ Thư Ðộc Bổn, Luận Ngữ Chú Giải

Tiếng Anh: The Essential Confucius do Thomas Cleary dịch, The Wisdom of Confucius của Lin Yu Tang (Lâm Ngữ Ðường).

KINH DỊCH:

Quẻ Khôn: Quân Tử Dĩ Hậu Ðức Tải Vật.

Quẻ Khôn: Bậc quân tử dùng đạo đức sâu dày để chuyên chở muôn loài.

Lược giải:

Ðây là quẻ thứ hai trong Kinh Dịch. Quẻ Khôn là quẻ nói về hình tượng của đất. Ðất thì rộng rãi, sâu dày. Người quân tử nhìn đó mà bắt chước, để tâm lượng và đạo đức cũng như đất: rộng rãi sâu dày. Ðất thì nuôi dưỡng mọi hạt giống, trưởng dưỡng cây cỏ, đem lại lợi ích cho muôn vật. Người quân tử nhìn đó nên bắt chước tính đất: trưởng dưỡng, lợi lạc kẻ khác. Nói về rộng rãi thì chẳng có gì bằng lòng đại bi. Nói về sâu dày thì chẳng gì hơn lòng nhân. Tu theo quẻ Khôn thì mình cần nuôi dưỡng lòng đại bi nhân từ, lúc nào cũng sẵn sàng giúp người, thành tựu người. Ðối xử với kẻ khác, bậc quân tử chỉ dùng đạo đức, mong sao có thể thật sự giúp ích cho người; chẳng dùng thủ đoạn, tính toán vị kỷ, chẳng hời hợt trên đầu môi chót lưỡi để vừa lòng người. Do lòng từ bi, bậc quân tử lúc nào cũng ôn hòa nhu thuận, không để ý nghĩ lời nói ác ôn giận dữ, thâm độc đố kỵ, hại người tổn đức, có cơ hội khơi dậy. Tu đạo Càn là tu trí huệ, tu đạo Khôn là tu đức hạnh, từ bi nhân hậu vậy.

Lời dạy trong sách Luận Ngữ của Ðức Khổng Tử có liên quan đến đoạn trên:

Tử viết: Ngã vị kiến háo nhân giả, ố bất nhân giả. Háo nhân giả, vô dĩ thường chi. ố bất nhân giả kỳ vi nhân hỉ, bất sử bất nhân giả gia hồ kỳ thân. Hữu năng nhất nhật dụng kỳ lực ư nhân hỉ hồ? Ngã vị kiến lực bất túc giả. Cái hữu chi hỉ, ngã vị chi kiến giả. (4:6)

(Khổng Tử nói rằng: Tôi chưa thấy kẻ ưa thích sự nhân từ, cũng chưa gặp kẻ ghét bỏ sự bất nhân. Kẻ thích lòng nhân thì trở nên tốt (đạo đức) hơn. Kẻ ghét bỏ sự bất nhân thì chính là có lòng nhân đó vậy; bởi vì y không để cho sự bất nhân đụng đến mình. Có ai trong một ngày tận lực thực hành lòng nhân chăng? Tôi chẳng thấy ai thiếu sức lực để làm điều đó cả

[tức là trở nên nhân từ]. Giả sử có kẻ như vậy [không đủ khả năng để trở nên nhân từ], thì tôi cũng chưa thấy qua.)

Lược giải:

Lòng nhân từ thì có sẵn trong mỗi người chúng ta. Bởi vì tiêm nhiễm thói quen xấu, giáo dục sai lầm, gần gủi bạn bè bất nhân, nên ta không biết khơi dậy lòng nhân. Lòng nhân từ đôn hậu là lòng thương người, yêu thích điều thiện, lúc nào cũng chỉ muốn kẻ khác tốt. Thấy kẻ khác đau khổ thì lòng bất nhẫn, nên ra tay cứu. Thấy kẻ khác thiếu thốn thì lòng lân mẫn, nên tìm cách giúp. Trưởng dưỡng lòng nhân từ đến viên mãn thì nó biến thành lòng đại bi của nhà Phật. Thế Tôn dạy rằng muôn hạnh lành do lòng đại bi mà trưởng thành; mọi Phật pháp đều dựa vào tâm đại bi mà thiết lập.

Tử viết: Cẩu chí ư nhân hỉ, vô ác dã. (4:4)

(Ðức Khổng Tử dạy rằng: Kẻ lập chí hướng để tu lòng nhân từ thì chẳng bao giờ làm chuyện ác.)

Lược giải:

Lòng nhân từ cũng như lòng đại bi, là gốc của mọi hạnh lành. Ðức Phật dạy ta phải quán sát tất cả người nữ là chị, là mẹ của mình, tất cả người nam là cha, là anh của mình. Mọi chúng sinh đều là bà con quyến thuộc của mình trong nhiều đời nhiều kiếp. Quán sát như vậy thì ta làm sao sinh ý nghĩa tổn hại chúng sinh được.

Tử viết: Bất nhân giả, bất khả dĩ cửu xứ ước, bất khả dĩ trường lạc. Nhân giả an nhân. Trí giả lợi nhân. (4:2)

(Ðức Khổng Tử dạy rằng: Kẻ bất nhân thì không thể chịu đựng lâu cảnh khốn khổ, cũng không thể hưởng thọ lâu dài cảnh an lạc phú quý. Kẻ có lòng nhân thì bất luận lúc nào, hoàn cảnh nào y cũng nhân từ. Kẻ có trí huệ thì gặp hoàn cảnh nào cũng biết dùng lòng nhân.)

Lược giải:

Kẻ có lòng nhân thì lúc nào cũng tự tại an lạc với chính mình, với hoàn cảnh. Kẻ bất nhân, chẳng có từ bi thì tâm tính thô phù, chẳng có lý tưởng, nhân sinh quan nhỏ hẹp, dễ bị ngoại cảnh chi phối, cảm giác an toàn thì lệ thuộc vào ngoại cảnh, vật chất, hoặc dư luận. Do vậy kẻ bất nhân thì không bao giờ an vui với hoàn cảnh, với thực tại mình đang sống. Ở cảnh nghèo hèn khốn đốn thì trách trời trách người, truy danh trục lợi. Ở cảnh giàu sang sung túc thì phung phí, xa xỉ, kiêu ngạo, vô luân. Nói tóm kẻ bất nhân chẳng bao giờ suy nhân nghĩ quả, lắng tâm tự kiểm hành vi. Cứ mặc tình để dục vọng lôi kéo dẫn dắt. Trái lại kẻ nhân hậu từ bi thì dù ở hoàn cảnh nào, y cũng tự tại, không bị hoàn cảnh ấy làm hư tánh, tiêm nhiễm thói xấu. Ðức Phật dạy rằng có từ bi trí huệ thì mới chuyển cảnh, chuyển nghiệp được. Thiếu từ bi trí huệ thì sẽ bị cảnh chuyển, nghiệp chuyển là vậy.

Tử cống viết: Như hữu bác thí ư dân nhi năng tế chúng, hà như? Khả vị nhân hồ? Tử viết: Hà sự ư nhân? Tất dã thánh hồ! Nghiêu, thuấn kỳ do bịnh chư! Phù, nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân; kỷ dục đạt nhi đạt nhân. Năng cận thủ ví, khả vị nhân chi phương dã dĩ. (6:28)

(Ngài Tử Cống hỏi rằng: Một kẻ bố thí ân trạch, cứu giúp dân chúng thì như thế nào? Y có phải là kẻ có lòng nhân chưa? Ðức Khổng Tử trả lời rằng: Lòng nhân nào phải chỉ có vậy? E rằng lòng nhân mà làm tròn thì thành thánh vậy! Ngay như vua Nghiêu vua Thuấn, các ngài chỉ sợ mình không làm tròn. Cho nên nói về lòng nhân tức là: Hễ mình muốn thành tựu thì trước hết hãy thành tựu kẻ khác, mình muốn thông đạt (đạt đạo), thì trước hết hãy làm kẻ khác thông đạt (đạt đạo). Biết xét điều mình hy vọng, mong cầu cũng là điều mà kẻ khác mong ước thì tức là phương pháp để sinh lòng nhân vậy.)

Lược giải:

Ðạo của quẻ Khôn là đạo của đất, trưởng dưỡng vạn vật. Ðạo của Bồ tát là đạo từ bi, chỉ biết hy sinh thân mình để hoá độ chúng sinh, không tìm cầu an lạc tự lợi. Phật dạy mình phải lấy việc giáo hóa cứu độ chúng sinh là pháp môn tu hành. Quá trình trưởng dưỡng, thành tựu kẻ khác cũng là quá trình giúp ta trưởng dưỡng tâm Bồ đề, tâm đại bi. Bởi thế lợi tha cũng là tự lợi.

(còn tiếp)