Hòa Thượng Quảng Khâm

htquangkham

Bái kiến ngày 7 tháng 6 năm 1979 D.L. (tức là năm 69 Dân Quốc – Đài Loan)

Bái kiến ngày 8 tháng 6 năm 1979 D.L. (tức là năm 69 Dân Quốc – Đài Loan)

 

 

Thời gian:  Ngày 7 tháng 6 năm 1979 D.L. (tức là năm 69 Dân Quốc – Đài Loan).

Địa điểm:  Thừa Thiên Thiền Tự

Tuổi tác:  89 (cao kỷ của HT thượng Quảng hạ Khâm)

Sư cô Hằng __ đệ tử Lão Pháp Sư Độ-Luân ở Hoa-Kỳ, cùng đi với nữ cư sĩ hộ pháp là người Hương-Cảng đến tham bái Lão Hòa Thượng.  Nu Cư sĩ nầy thuộc dòng dõi tin theo đạo Phật thuần thành, thuở nhỏ sớm được thân cận Lão Hòa Thượng Hư-Vân, cha của cư sĩ là một trong số nhà hộ pháp lớn, chuyến nầy đến Đài Loan, thăm hỏi chốn Thiền môn của Lão Hòa Thượng, có ý lên núi tham bái Ngài.

Cư sĩ ___ sau khi bái kiến Lão Hòa Thượng, mới có lời bày tỏ với Ngài rằng: “Đời người ngắn ngủi, từ nay về sau con sẽ nhất tâm nhất ý đi con đường tu hành, xem có thể liễu sanh tử không?”

Lão Hòa Thượng bảo:  “Hiện giờ người tin Phật trong dân gian, phần lớn đều không rõ sự khác biệt giữa đạo Phật và đạo Thần, đem Phật Bồ Tát và Thần Linh nhập chung lại như nhau, mê tín lộn xộn.  Hơn nữa, trong đời thế tục, người người đều bị danh, lợi hai thứ trói buộc mà quay cuồng, ngày ngày sống trong vọng tưởng danh lợi, chẳng khác nào như đang lặn hụp trong mê mộng không biết tỉnh vậy, thế ấy, muốn học Phật liễu sanh tử, thì chẳng phải là chuyện dễ dàng đâu.”

Cư sĩ ___ nói:  “Bởi vậy con mới tính sớm buông thả cái gánh đang quảy xuống, chuyên tâm đi con đường nầy.”

Lão Hòa Thượng nói:  “Lời nói thế, song con vẫn còn có điều quan ngại, con hãy còn vẫn lo lắng không ngớt cho con cái lớn nhỏ trong nhà.  Chúng ta tu hành tức là phải tu cái điều “ái biệt ly khổ”, “sanh lão bịnh tử” khổ nầy.  Con phải biết, chúng ta rơi vào cõi nhân gian nầy, đến đây có cha mẹ, anh chị em vân vân, mọi thứ nầy đều là thuộc vào cái vòng lẩn quẩn luân hồi trong tứ sanh, đời nầy cha mẹ sanh ta, mai kia ta lại sanh kẻ khác, luân chuyển sanh đi trở lại với nhau; lại thêm vào đó nghiệp sát của chúng ta, bây giờ anh giết tôi, ăn thịt tôi, sau này tôi giết anh, làm thịt anh, nghiệp sát không dứt tuyệt, oan oan tương báo, giết hại lẫn nhau, tương sanh tương tàn như thế! Chốc thì sanh làm người, chốc nữa lại trôi vạt vào đường súc sanh, trong lục đạo tứ sanh, đến đến đi đi, mãi không ngừng nghỉ, cha mẹ thân quyến tức là bạn-lữ luân hồi của chúng ta.”

“Bây giờ con đã biết học Phật, lạy Phật, cũng biết cúng Phật, cúng Pháp, cúng Tăng, đây cũng là do đời quá khứ con có trồng căn lành, học Phật rồi càng nên biết đến ủng hộ Phật pháp.  Cư sĩ tại gia học Phật, việc ăn, mặc, đi đứng, sinh sống mọi mặt hằng ngày, điều nầy tránh không khỏi; có điều là chúng ta phải biết cách tiết chế vừa phải, ăn miễn no bụng, áo đủ ấm thân, mọi thứ qua ngày qua bữa là được rồi, lấy tiền của có dư mang đến cúng Phật, cúng Pháp, cúng Tăng, làm công quả, làm Phật sự hộ pháp, điều nầy mới phải là phận sự đáng nên làm của người Phật tử tại gia.”

Cư sĩ ___ lại hỏi:  “Bạch Thầy, chúng con là người Phật tử tại gia nên tu trì Pháp môn nào?”

Lão Hòa Thượng dạy rằng:  “Cư sĩ tại gia muốn biết phải tu hành như thế nào, đó là một việc không thể nào làm được, vẫn chỉ còn có cách là buông xả hết thảy mọi thứ, nhất tâm niệm Phật, cầu đới nghiệp vãng sanh (mang theo nghiệp tội mà vãng sanh), không bị đọa vào cõi Ta-bà, mới là điều vững chắc nhất.  Người xuất gia chúng tôi, có người vì độ chúng sanh, phát nguyện trở lại thế giới Ta-bà nầy, nhưng điều tâm nguyện nầy, cũng phải cần chính bản thân đạt đến cảnh giới của Bồ Tát mới bảo đảm có phần nắm chắc, bằng như không được thế, một khi sanh đến đây sẽ rất dễ dàng bị mê lầm lạc lối, lại bị đưa đẩy vào trong vòng luân hồi, điều nầy thật nguy hiểm lắm!”

“Con người đời nay học Phật, tự độ còn chưa xong. Tự thân vẫn còn như là một khối bùn nhơ mà đã muốn độ thân quyến của mình, rốt cuộc độ người chưa xong mà trái lại bị người độ đi theo. Người học Phật tự độ đã không kịp xuể, còn đi bám níu quan ngại thân quyến, cứ như thế ý niệm thế tục chẳng dễ chuyển đổi, muốn thân tướng tu đặng liễu sanh tử, thì rất là khó khăn lắm vậy!”

“Cuộc đời nầy chẳng khác nào như tuồng diễn sân khấu trên màn ảnh truyền hình vậy, trong đó các người đóng vai diễn đạt các vai trò khác nhau; tình tiết vở kịch, diễn tiến buồn vui tan hợp, hỷ nộ ai lạc, người xem tuồng hát cũng tùy theo tình huống tâm trạng các nhân vật ấy mà hồi mừng hồi vui, khi lo khi buồn vậy đó! Mà những tốt xấu buồn vui cũng chẳng qua là nhãn căn của chúng ta đối với trần cảnh, đang phân biệt rồi chấp lấy hay xả bỏ nó.  Chúng ta hãy nhìn thế giới ta-bà cũng giống y như vậy, thuận cảnh, nghịch cảnh, điều thiện, việc ác, tâm cảnh .. tùy theo đó mà trồi sụt. Điều bất hạnh ấy là tập khí thói quen của chúng ta sâu nặng, nhãn căn đối cảnh, thấy ác dễ theo, gặp thiện khó hành; nhìn thấy điều ác, khế hợp với tập khí ác tính của mình, thì sanh tâm vui mừng, buông thả theo thói, lêu lõng sa đọa; còn hễ khi nghe thấy sự hành trì của Phật Bồ Tát đã làm nên, như Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, Quan-Âm Bồ-Tát, Địa-Tạng Bồ-Tát v. v. …, lại sanh tâm ngại khó, cho rằng đó chỉ là cảnh giới của các vị Phật Bồ-Tát, mình là phàm phu, làm gì đạt được ngần ấy hiệu quả, sanh tâm thối lui, đối với Phật Bồ-Tát chỉ có tán thán khen ngợi suông không thôi.  Kết quả, điều tốt chẳng học được, việc xấu thì lại càng nhiễm càng sâu, đây chính là cái duyên cớ tự bản thân không có Thệ Nguyện Lực.”

“Chúng ta tu hành, tức là nhờ vào sức thệ nguyện của chúng ta trong việc thành Phật. Chư Phật Bồ-Tát từ xưa đến nay, như Bồ tát Văn-Thù, Phổ-Hiền, Quán-Âm v. v. …, không vị nào là chẳng nhờ vào Lực Thệ Nguyện của chính họ, tu khổ hạnh mà thành tựu.”

“Người xuất gia xem Kinh sách, có thể liễu giải ý nghĩa của Phật Bồ-Tát. Thêm nữa phải thọ giới, giới luật rất quan trọng, đây là điều căn bản liễu sanh tử của chúng ta.  Trì giới, nhẫn nhục là con đường đạo đứng hàng đầu, phải tu khổ hạnh, áo thô cơm đạm, vì Thường Trụ, vì chúng mà phục vụ, làm công đức, mới có thể khai mở trí tuệ của chúng ta, mới có thể thân hành thể hội ý nghĩa cảnh giới của Phật Bồ-Tát.”

“Các con xem kìa! Thế giới nầy mọi người đều mê đắm trong giấc mộng, rượt đuổi danh lợi, anh tranh tôi đoạt; anh tài giỏi, tôi càng phải tài giỏi hơn anh; anh mạnh, tôi càng phải mạnh hơn anh; mỗi một người đều đang tranh đua, xem thử ai xây giấc mộng to tát nhất.  Kết cuộc, những điều danh, những việc lợi nầy, sanh chẳng mang đến, chết cũng không đem đi, chỉ là ngang nhiên tạo thêm nhiều nghiệp xấu ác mới, mà thân người thấm thoát một phen trôi qua rồi, từ kiếp hiện tiền nay đây lần hồi trở đi, cũng sẽ khó tìm lại được nữa.”

“Cái thân người chúng ta đây, thật sự rất là quý giá, cũng chẳng phải là dễ dàng có đặng, chúng ta nói là người sanh người, chó sanh chó, mỗi loài có giống của riêng nó, nhưng mà bất kể là sanh người hoặc sanh chó, tựu trung thảy đều là phần tâm linh, cái tri giác, cái bản thể linh tính bất sanh bất diệt đang chuyển biến đấy!  Cái tâm chúng ta đang hành sự, là đường lối của Phật Bồ-Tát, tương lai sẽ ở trong cảnh địa của Phật Bồ-Tát, khi tâm hành tạo tác đều là tham lam, là ngu si, là sân hận, thì tức là một phần tử trong tam ác đạo về sau. Ngay cả đến loài côn trùng, loài chúng sanh nhỏ li ti phảng phất trong hư không, đều là do trãi qua thân người chúng ta, tâm hành tạo tác khác nhau mà chuyển hóa thành ra.  Tất cả chúng sanh trong mười pháp giới, không có một thứ nào mà chẳng phải là do cái thân người đây chuyển hóa cả. Thân người chúng ta đây chẳng nên dễ dàng để trôi qua như thế đó, thật ra chúng ta đây đang trãi qua kiếp mang thân người.”

Sư cô Hằng ___ thưa:  “Chuyến nầy chúng con đến Đài Loan, bái kiến Lão Hòa Thượng, được lợi ích to lớn, mỗi lần lên núi đây, nghe Lão Hòa Thượng khai thị, chúng con xuống núi ra về, trong đầu óc, vẫn mãi in sâu âm hưởng của những lời Lão Hòa Thượng dạy bảo, cứ như lập đi lập lại nhắc nhở mọi người, mà ai nấy đều cảm thấy thọ dụng không hết.”  Nói xong, mọi người cùng vị cư sĩ đồng hành, lạy tạ Lão Hòa Thượng lần nữa, rồi hoan hỷ ra về.

 

bullet1bullet1bullet1

 

Thời gian:  Ngày 8 tháng 6 năm 1979 D.L. (tức là năm 69 Dân Quốc – Đài Loan).

Địa điểm:  Thừa Thiên Thiền Tự

Tuổi tác:  89 (cao kỷ của HT thượng Quảng hạ Khâm)

 

Hai Sư cô Hằng __ và Hằng __, đệ tử của Lão Pháp Sư Độ Luân ở Hoa-Kỳ, sang Chùa Thừa Thiên tham bái Lão Hòa Thượng, buổi tối hôm đó, Lão Hòa Thượng cùng hai vị khách ni, ngồi ngoài hiên Chánh Điện hóng mát, Lão Hòa Thượng hỏi thăm:  “Lệnh Sư (Thầy của hai vị) có thần thông vượt bực hơn người, thế thường khi có hay dạy các đệ tử phép thần thông hay không?”

“Thần thông không do sự chỉ dạy mà có, đó là hiện tượng tự nhiên có được khi tu trì đã đạt được đến một trình độ nào đó, cho nên, Sư phụ chúng con vẫn thường nhắc nhở đệ tử phải năng tham thiền.  Vả lại, thần thông chẳng thể nào liễu sanh thoát tử, không phải mục đích căn bản của sự học Phật.”  Sư Hằng __ trả lời.

Lại hỏi:  “Đã đành như thế, Lệnh Sư có từng dạy các vị tu trì một pháp môn nào hay không?”

Trả lời:  “Sư phụ chúng con ngoại trừ việc khuyến khích chúng con tọa thiền, Ngài cũng truyền “Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Đà-la-ni”.

Lão Hòa Thượng nói:  “Học Phật chủ yếu là để phá vỡ sự vô minh phiền não, xả bỏ gian tham mà thành Phật, chúng ta xuất gia, phải học cơm đạm áo thô, ăn, đơn sơ dễ dãi, không kén ăn cầu kỳ mỹ vị, chỉ miễn thức ăn có thể nuốt qua khỏi cổ họng, xuống vào dạ dày là xong bữa, không phải là không cần ăn, chỉ cần không quá liều lượng, ăn vừa đủ no thì được rồi, đừng có tham lấy phần ăn, mà ăn tới no quá, mặc cũng phải như vậy, y phục cần để có thể che thân giữ ấm là đủ, không kén chọn đẹp xấu, có thế, mới có thể tiêu trừ thói tham sân si của chúng ta, xả tham dục, ý nghĩa ‘Tam Y Nhất Bát’ của Phật chế, cũng không ngoài việc chẳng nên tham.”

Sư cô Hằng __ :  “Thuở trước Đức Phật và các Đệ Tử của Ngài ôm bình bát đi khất thực, thì trong số đông chúng đệ tử ra ngoài, chẳng phải là mỗi một người đệ tử đều có thể xin được thức ăn về, có số đệ tử hóa chẳng được duyên, bát không trở về, hoan hỷ bảo với Đức Phật rằng:  “Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con không có hóa duyên được thức ăn gì.”  Đức Phật nói:  “Vậy thì tốt, hóa chẳng được gì, con và chúng sanh không có duyên, sau này thì không cần thiết phải đền trả cho ai, hơn nữa, con cũng không vì người khác hóa được thức ăn về, còn mình chẳng được gì cả mà sanh tâm phân biệt, khởi lên sự phiền não, như vậy càng tốt.”

Lão Hòa Thượng nói tiếp:  “Đất nước Trung Hoa đây là Đông Độ, Tổ Sư Đạt-Ma đem Phật pháp đông truyền đến chốn nầy, rất may nơi đây có thể ăn chay, thọ trai rau quả, trì giới không sát sanh, còn Tây Tạng là vùng đất du mục, bá tánh đều ăn thịt gia súc, người xuất gia ở địa phương nơi đó ra ngoài hóa duyên, cũng chỉ toàn hóa được một số thức ăn mặn các loại thịt mà thôi, họ làm như thế, chẳng phải là để tỏ ra họ ăn xong các thức ăn thịt này, thì có thể hóa độ các sanh linh, mà là lấy các loại thịt này, duy trì sự sống còn của sắc thân để mà tu hành, dân chúng ăn thứ gì, họ cũng tùy duyên ăn thứ ấy, nếu như không hiểu rõ điểm nầy, cho là tăng sĩ xuất gia có thể ăn mặn, rồi tha hồ tự ý giết sinh vật để ăn, làm thế, chẳng những tự mình tạo lấy nghiệp sát, nghiệp oan, tu hành chẳng đặng, hơn nữa, sau nầy lại còn sẽ bị đọa vào địa ngục.”

“Nếu bảo tăng sĩ xuất gia ăn thịt chẳng phạm giới, điều đó cần phải tự mình tu trì đã đạt được đến một mức độ tương đối, ăn xong thịt, có năng lực siêu độ những sanh linh kia, mới có tư cách.  Họ vì nhìn thấy tình cảnh của những sanh linh, chúng sanh trong nẽo đường cầm súc thọ khổ, tâm khởi bi mẫn, cố ý đem chúng giết chết, siêu độ bọn chúng, miễn trừ cho chúng nó khỏi cảnh thọ khổ.”

Lão Hòa Thượng lại nói:  “Chúng sanh trong nẽo đường làm người, có đủ thứ khổ phiền não của chúng sanh trên đường nhân đạo chúng ta, sanh, lão, bịnh, tử khổ, ái biệt ly khổ, tất cả sự khổ độc bức não của tham sân si, mỗi ngày đều là bị những thứ vô minh phiền não nghiệp xoay đi chuyển lại, còn chúng sanh trong con đường tứ sanh, bất kể thai sanh, noãn sanh, thấp sanh hay hóa sanh, chúng nó cũng y như vậy, có mọi thứ đau khổ của chúng.”

“Con người chúng ta trên đường nhân đạo là tối linh nhất trong tứ sanh, nhưng mà, chúng ta chẳng hiểu nhân quả Phật pháp, vì tham dục của một thân, muốn ăn thịt thì mặc sức sát vật làm thịt, các con xem, đều là lúc chúng ta đang giết những con vật kia, chúng nó cũng biết chết khổ, đau đớn kêu rên, mà sự kêu rên nầy tức là oán hận, giết nó chết, chúng ta liền tức thì gieo oán nghiệp vớI nó rồI, tương lai oán oán tương báo, đờI đờI giết nhau, mãi chẳng thoát ra khỏi sanh tử luân hồi.  Cho nên, chúng ta xuất gia thọ giới cần nghiêm giới sát, tức là đạo lý nầy.  Trong Giới Kinh dạy chúng ta, không được làm tổn thương mọi loài hữu tình chúng sanh, không được sát hại sanh mạng, muốn chúng ta tuân thủ, mà đang trong khi năng lực công phu chúng ta còn chưa có thể gìn giữ thanh tịnh, chưa thể nào hoàn toàn chẳng thương tổn đến sanh mạng kia, thì chúng ta cần phải giữ nguyên tắc “không cố sát”, bằng không sẽ vấp phải sai lầm.”

“Các con thân nữ nhân, nghiệp chướng sâu nặng, phải tu năm trăm giới, người nam chỉ cần tu hai trăm năm mươi giới.”

Sư cô Hằng __ nói:  “Nhưng mà khi chúng con nghĩ đến pháp thân, chúng con biết pháp thân không có tướng nam, cũng không có tướng nữ.  Trong Kinh Phật có ghi chép, Long nữ là nữ thân, ngay diện tiền Đức Phật, khi đem hạt Long châu của mình nhả ra hiến Phật mà nói: “Sự thành Phật của con, cũng nhanh chóng y như chuyện con đem hạt Long châu cúng Phật vậy.”  Nói xong, liền lúc ấy ngay tại Phật tiền thị hiện, thành tựu Phật quả, mà chẳng cảm thấy tự ty thối chí.”

Lão Hòa Thượng nói:  “Long nữ đã tu từ bao nhiêu kiếp, đã tu đến kịp thời chuyển thành thân nam, mới có khả năng như vậy, nói chung người nữ tu hành, đến cuối cùng nhất định phải chuyển thành thân người nam, thành pháp sư đến để độ chúng sanh, hành Bồ Tát đạo, mới có thể thành Phật đạo, nếu muốn từ thân nữ trực tiếp thành Phật đạo, điều đó không thể có được, Bồ Tát Quan Thế Âm cũng là phải chuyển tướng nam mới đặng thành Phật vậy.”

“Chúng ta hôm nay được xuất gia, là điều không phải dễ, các con xem thế giới chúng sanh nhiều đến thế, chúng ta may mắn còn có thể nghe biết đến Phật pháp, lại có cơ may được xuất gia, cà sa khoát thân, đây là một việc rất khó được, ấy là do duyên đời quá khứ chúng ta, đã từng trì danh hiệu Phật Bồ Tát mà có, nhân đó có, mới có cái quả hôm nay đây.”

“Chúng ta hôm nay đã xuất gia rồi, thì phải biết ý nghĩa của Phật Bồ Tát, xem một số Kinh Điển, như Kinh Kim Cang, Kinh Địa Tạng vân vân, thông hiểu tình trạng thập pháp giới chúng sanh, biết được các pháp giới chúng sanh, được thành hình như thế nào, như thế, hành vi cử chỉ của chúng ta, mới có thể có nơi chốn nương hướng theo.  Bằng ngược lại không phải thế, mơ mơ hồ hồ chẳng biết nhân quả, xuất gia rồi, vẫn còn giống như người tại gia một thứ, tranh danh tranh lợi, anh giành tôi giựt, hơn thua với nhau, thế thì đời nầy một khi đã qua, cứ thế về sau, thân người cũng sẽ khó được nữa.”

“Phải biết là, chúng ta đã được cái thân người đây, là để tu hành, là phải trải qua kiếp mang thân người, để xem có thể nào mượn nhờ vào cái thân người đây để liểu sanh tử, thành Phật làm Tổ; đừng có lại dựa vào tấm thân người, tạo thêm nghiệp tham sân si, tham ăn ngon, tham mặc đẹp, tham hưởng thụ, tham phước con đàn cháu lũ, trong sáu căn trần xây giấc mộng, chẳng biết hồi đầu tu hành, thế thì cái tấm thân người nầy qua đi, trong nẽo đường tứ sanh ắt có phần mình.  Trong đường súc sanh, bò, ngựa, heo, chó vân vân là những con người chúng ta đi làm, con đường ác quỷ cũng là chúng ta rơi vào, cho đến con đường địa ngục, loài hóa sanh, loài thấp sanh, tất cả đều là cái tâm nầy của chúng ta đi tạo tác vậy.  Trong thập pháp giới, mọi thứ đều là y theo cái thân người nầy của chúng ta mà tạo tác bao nhiêu các thứ nghiệp tội đã  gây nên.  Cho nên nói, chúng ta là đang trải qua kiếp thân người, do cái thân người đây được tu thành Phật làm Tổ, cũng có thể do nó mà tạo nghiệp đọa tứ sanh luân hồi.  Chúng ta bây giờ đã xuất gia rồi, thì nên y theo Phật pháp, tìm được một con đường để tu hành, xem có thể nào từ đây vượt ra luân hồi sanh tử, thoát ly cái khổ ta-bà.”

“Có số người khinh thường người xuất gia, nhưng mà, muốn họ niệm Phật, niệm chẳng mấy câu thì khởi phiền não, không thể niệm tiếp, thậm chí nghe thấy tiếng niệm Phật, trong tâm dấy lên cảm giác bực bội, như thể là cục đá nặng nghìn cân đang đè nén trong lòng vậy, đây tức là không có thiện căn.”

“Hay là theo lệnh Sư (Thầy của các con) mà học, so ra có nội dung hơn, có thể học được điều gì hơn.  Giống như ta đây, mỗi ngày ăn no không việc làm, đành nhàn rỗi ngồi đây, ngồi lâu riết rồi cũng sẽ khởi phiền não.”

“Đâu nào, đây là quán tự tại.”  Sư cô Hằng __ ứng đáp.

“Ủa!  Con cũng biết nói như vậy, không đơn giản, thông minh lắm, thôi được, chúng ta một ngày nói một chút, đến giờ đánh kẽng tối rồi.”  Lão Hòa Thượng nói xong, đại chúng liền giải tán đi.