Lược Giảng Kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật 

Hòa Thượng Tuyên Hóa

tại Phật Giáo Giảng Ðường, San Francisco từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 4 năm 1969.

(tiếp theo)

Phần Bốn:

Diệu Hạnh Vô Trụ

Phục thứ, Tu Bồ Ðề! Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất trụ thinh hương vị xúc pháp bố thí. Tu Bồ Ðề! Bồ Tát ưng như thị bố thí, bất trụ ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ Tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lượng. Tu Bồ Ðề! Ư ý vân hà? Ðông phương hư không khả tư lương phủ? Phất dã, Thế Tôn! Tu Bồ Ðề! Nam Tây Bắc phương tứ duy thượng hạ hư không, khả ư tư lượng phủ? Phất dã, Thế tôn! Tu Bồ Ðề! Bồ Tát vô trụ tướng bố thí, phước đức diệc phục như thị bất khả tư lượng. Tu Bồ Ðề! Bồ Tát đản ưng như sở giáo trụ.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ (vô sở trụ) mà làm việc bố thí.

Có nghĩa là bố thí mà chẳng trụ sắc, bố thí mà chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên bố thí như thế, chẳng trụ nơi tướng.

Vì sao? Nếu Bồ-tát bố thí mà chẳng trụ tướng, thì phước đức không thể suy lường được. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao?

Hư không ở phương đông, có thể suy lường được chăng?

Thưa không, Thế-tôn!

Tu-bồ-đề! có thể suy lường hư không ở phương nam, tây, bắc, bốn phương góc và trên dưới, được chăng?

Thưa không, Thế-tôn!

Tu-bồ-đề! Bồ-tát bố thí mà không trụ tướng, thì phước đức cũng như vậy, không thể suy lường được.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải trụ đúng theo lời dạy như thế.

Lược giải:

Ðoạn kinh này gọi là phần “Diệu hạnh vô trụ”. Vô trụ nghĩa là không được chấp trước, chẳng chấp trước thì sẽ được giải thoát, giải thoát tức là sẽ được tự do, tự do nghĩa là không có cái gì trói buộc.

Ở trên đã từng giảng rằng Bồ-tát phải lìa mọi tướng, không chấp các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu Bồ tát còn chấp trước bốn tướng tức chẳng phải là đã chân chánh phát Bồ đề tâm. Bây giờ lại giảng rõ thêm về ý nghĩa này nữa.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát đối với pháp nên không có chỗ trụ (vô sở trụ) mà làm việc bố thí.

Không những Bồ-tát phải lìa tướng, mà ở trong pháp bố thí cũng không nên có chỗ trụ (vô sở trụ), nghĩa là phải đủ yếu tố của “tam luân thể không.” Tam luân thể không là thế nào? Thứ nhất, trong lòng không còn ý tưởng là ta bố thí. Thứ hai, không còn ý tưởng người được bố thí là ai. Quan niệm về năng và sở của bố thí đều không còn nữa. Thứ ba là hình tướng của vật đem bố thí, là tiền bạc hay bất cứ vật dụng gì khác cũng đều không vướng mắc và lìa được. Thực hiện được các yếu tố của tam luân thể không này thì mới gọi là bố thí không chấp tướng. Bố thí mà lìa tướng bố thí, mới là chân chánh bố thí. Còn như bố thí mà chấp tướng thì chẳng có công đức gì. Phải là không chấp tướng mới được công đức là vô lượng. Nên kinh nói đừng trụ nơi pháp.

Nghĩa là bố thí mà chẳng trụ sắc, bố thí mà chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Chẳng những không chấp tướng, mà bố thí cũng chẳng thể trụ vào sắc, vào thanh, hương, vị, xúc, pháp, cả sáu tướng của lục trần cũng là không cả. Nếu như ta bố thí mà còn chấp trụ vào sắc, chấp trụ vào thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì công đức chỉ có giới hạn mà thôi. Phải không có chỗ nào chấp trước, công đức mới có thể vô hạn lượng.

Tu-bồ-dề! Bồ-tát nên bố thí như thế, chẳng trụ nơi tướng.

Bồ tát bố thí mà không chấp tướng, ví dụ như ta quyên được cho chùa nọ năm ngàn đồng, thì không nên nghĩ rằng công đức của ta như vậy là không nhỏ! Hoặc giả, ta cúng cho cơ quan từ thiện nào đó một trăm ngàn đồng, cũng không nên nghĩ đó là công đức lớn. Cúng được đến một trăm ngàn đồng, mà trong lòng còn mãi cái trăm ngàn đồng đó, thì cái số tiền này trước sau cũng chỉ là một trăm ngàn đồng, không thể tăng thêm nữa. Khi hết số một trăm ngàn đồng, thì công đức cũng theo đó mà tiêu ma không còn gì. Nói ngược lại, nếu bố thí không chấp tướng, thì một phần tiền nào đó bỏ ra cũng sẽ mang lại công đức vô lượng vô biên. Làm bố thí, phải nên hiểu cho rõ cách bố thí, nếu không y chiếu đúng phương pháp mà tu hành, thì dầu có tu trong bao nhiêu đại kiếp nhiều như số cát bụi, cũng không sao thành công. Tại sao vậy? Giống như nấu cát để thành cơm, thì nấu đến khi nào mới thành cơm được?

Vì sao? Nếu Bồ-tát bố thí mà chẳng trụ tướng thì phước đức không thể suy lường được. Tu-bồ-đề! Ý ông nghĩ sao?

Phật bảo: “Bồ-tát bố thí không nên chấp tướng, vì sao? Nếu như Bồ-tát không chấp tướng mà làm việc bố thí, thì phước đức đó không sao có thể suy tính và đo lường được. Ông Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào?”

Hư không ở phương đông, có thể suy lường được chăng?

Thưa không, Thế-tôn!

Tu-bồ-đề! Hư không ở phương nam, tây, bắc, bốn góc, trên, dưới, có thể suy lường được chăng?

Thưa không, Thế-tôn!

Tại làm sao lại nói rằng bố thí mà không chấp tướng thì phước đức không thể nghĩ lường được? Bây giờ lấy một thí dụ: Chỉ lấy riêng hư không ở phương đông thôi, ta có thể tưởng tượng ra hư không đó rộng lớn chừng nào chăng? Ông Tu-bồ-đề nghe Phật hỏi như vậy liền đáp: “Thưa không, chẳng thể nghĩ lường được.” Phật liền hỏi tiếp: “Hư không ở phương đông không thể nghĩ lường được, vậy hư không ở phương nam, tây, bắc, bốn góc, trên và dưới, có thể nghĩ lường được chăng?” Ông Tu-bồ-đề đáp: “Thưa không, không thể nghĩ lường.”

Tu-bồ-đề! Bồ tát bố thí mà không trụ tướng, thì phước đức cũng như vậy, không thể nghĩ lường.

Phật lại bảo ông Tu-bồ-đề một lần nữa rằng, Bồ tát mà không chấp tướng làm việc bố thí, thì phước đức cũng không thể nghĩ lường, giống như hư không ở các phương đông, tây, nam, bắc, bốn góc, trên và dưới. Công đức đó vĩnh viễn tồn tại. Còn như bố thí mà chấp tướng, tức là có hình tướng, dĩ nhiên không thể tồn tại mãi mãi.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát phải trụ đúng theo lời dạy như thế.

Ông Tu-bồ-đề! Bồ-tát sơ phát tâm bồ-đề, phải y theo lời dạy như thế để tu, để hành trì. Phải bố thí, nhưng bố thí rồi thì phải quên đi, đó là không chấp tướng. Phật biết rõ tâm của tất cả các chúng sanh, biết rõ chúng ta không quên những việc bố thí đã làm, không quên những công đức của chính mình, nên Phật khỏi cần ghi nhớ công đức đó. Chờ khi nào ta quên, Phật mới nhớ lại cho. Quý vị có chắc mình ghi nhớ kỹ không? Hay Phật nhớ giùm cho thì chắc hơn? Bảo rằng mình quên và Phật cũng quên thì sao? Vậy là không còn công đức gì nữa hết sao? Cái đó sai rồi! Ðừng có sợ! Quý vị có quên chăng, Phật vẫn ghi nhớ mãi. Tại sao vậy? Ðoạn sau Kinh Kim Cang có nói: “Tất cả tâm tưởng của chúng sanh như thế nào, Như-lai đều biết.” Trong lòng ta nghĩ ra sao, Phật đều nhớ, đều hay biết. Ta chỉ nghĩ ta có công đức, thì Phật và Bồ-tát nghĩ ngay rằng: “À! Ngươi đã ghi nhớ công đức của ngươi rồi. Thôi! Ta chẳng cần ghi nhớ làm chi nữa, ngươi ráng nhớ lấy cho mình.”

Khi làm điều gì tốt, thì lòng ta ghi nhớ, còn làm điều gì không tốt, quý vị có nhớ không? Bình thường làm một chuyện gì không tốt xong, ta nghĩ rằng ta quên luôn nó đi, chỉ khi làm chuyện tốt ta mới nhớ. Nay, làm chuyện tốt, chúng ta nên quên, vì có quên mới tạo cơ hội để ta làm thêm chuyện tốt. Làm chuyện không tốt thì lại nên ghi nhớ, vì có nhớ thì ta mới tránh không gây thêm chuyện không tốt nữa. Cũng giống như chúng ta nay tu học Phật-pháp, mỗi lần gặp ngày vía của Ðức Phật, các vị Bồ-tát và các vị xuất gia chứng đạo, ta nên hết lòng hết sức tạo thêm công đức. Ðã đành những ngày thường ta phải làm công đức, nhưng đến các ngày vía của Phật và Bồ-tát thì công đức sẽ gấp bội, gấp trăm ngàn vạn lần hơn. Sao lại thế? Ví dụ như hôm nay, đúng ngày kỷ niệm Ðức Phật A Di Ðà, quý vị nhớ tới, đến làm công đức, thì đức A Di Ðà Phật tại cõi tịnh độ Thường tịch quang, Ngài sẽ biết tới: “À! Tại cái ngày kỷ niệm sinh nhật của Phật A Di Ðà, những thiện tín này đã làm công đức, công đức đó gấp ngàn vạn lần công đức lúc bình thời.”

Hôm nay, ngày 22 tháng 12 năm 1968, làm lễ khai quang Phật A Di Ðà, tôi nói bốn câu kệ sau, bốn câu này không có ở trong sách nào hết:

Di-đà phổ vân vô lượng quang
Kim nhật khai quang quang vô lượng
Vô lượng quang chiếu vô lượng quốc
Nhất thiết chúng sanh vô lượng quang.

Chữ A Di Ðà là âm của tiếng Phạn, có nghĩa là Vô Lượng Quang, cũng gọi là Vô Lượng Thọ, tức là hào quang sáng chói không lường được, và tuổi thọ cũng dài lâu không thể đếm được.

Hôm nay khai quang vía của Ngài, quang này sáng vô lượng vô biên, bởi Ngài là vô lượng quang (quang là ánh sáng) nên quang đó là vô lượng. Quang vô lượng thì ra làm sao? Quang mà vô lượng thì chiếu soi vô lượng quốc, do đó tất cả các chúng sanh đều biến thành vô lượng quang cả.

Hôm nay ngày khai quang cũng là ngày đản sanh của đức A Di Ðà Phật, chúng ta là những người tin Phật, nên nhân đó mà làm công đức. Có tiền thì quyên tiền, có lực thì xuất lực, mỗi người chúng ta cứ thế mà bố thí công đức. Làm bố thí nhưng không chấp tướng, đừng nghĩ tới nó, mới thật là bố thí chân chánh.

(còn tiếp)