Khi tham gia Thiền-thất, hãy để qua một bên tánh khôn vặt, ranh mãnh.

Pháp môn Thiền là pháp chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật; cũng là môn Đốn-giáo. Đốn-giáo là do Tiệm-giáo siêng năng tu hành mà thành. Tục ngữ có câu:

“Lý tuy đốn ngộ, sự tu tiệm tu.”
(Nghĩa lý tuy hiểu lập tức, nhưng việc tu cần phải từ từ.)

Hiện nay đi, đứng, nằm, ngồi đều là pháp Tiệm-tu. Chờ tới một ngày nào đó, chân chính hiểu rõ, thì sẽ đột nhiên khai ngộ. Đó tức là “đốn.” Thật ra, “đốn” không tách rời “tiệm”; “tiệm” chính là trợ giúp “đốn.”

Thông thường người tu, ai tu pháp gì thì cho pháp ấy là hay nhất, là số một. Nếu không là số một thì y chẳng vui sướng đâu, và y cũng chẳng chịu tu hành nữa. Nếu bạn chân chính hiểu rõ thì mọi pháp đều là Phật-pháp và đều không thể nắm bắt; do vậy, không có gì đáng chấp trước cả.

Thiền là cách điều hoà thân và tâm. “Điều thân” tức là làm cho thân không loạn động. “Điều tâm” là làm cho tâm không khởi vọng tưởng, thường thường thanh tịnh. Hễ tâm thanh tịnh thì tận hư không và khắp cả Pháp-giới, mọi thứ đều nằm trong tự-tánh. Tự-tánh bao hàm mọi thứ, dung nạp mọi thứ, và cũng chính là Phật-tánh xưa nay của chúng ta.

Từ vô lượng kiếp đến nay, đời này tiếp đời kia, chúng ta bị những thứ kiến giải sai lầm làm mê nhiễm quá sâu dầy nên không dễ dàng minh tâm kiến tánh. Bởi vì lý do ấy, chúng ta mới “đả Thiền-thất.” “Đả thất” gọi là “khắc kỳ thủ chứng” tức là đặt ra một thời gian nhất định, một quá trình nhất định để dụng công, cầu đạt được sự thấu triệt sáng suốt.

Nếu bạn muốn chân chính thấu triệt, thông suốt thì trước hết bạn phải học làm như là không biết gì cả. Trong Thiền-đường, lúc dụng công, bạn dùng phương pháp gì? Phương pháp “không biết”–trên không biết có trời, dưới không biết có đất, ở giữa không biết có người. Từ sáng tới tối, bạn làm gì? Không biết! Ăn thức gì? Không biết! Mặc áo gì? Không biết! Cũng như đang hôn trầm, cái gì cũng không biết. Có câu:

Dưỡng thành đại chuyết phương vi xảo,
Học đáo như ngu thủy kiến kỳ.


Nghĩa là nếu bạn làm sao thành như kẻ ngu đần nhất thế giới thì lúc ấy mới sinh ra sự xảo diệu. Bấy giờ thì:

Nhất thông, nhất thiết thông,
Nhất liễu, nhất thiết liễu,
Nhất ngộ, nhất thiết ngộ.

Nghĩa là: 


Thông suốt một, thông suốt hết thảy.
Tỏ rõ một, tỏ rõ hết thảy.
Giác ngộ một, giác ngộ hết thảy.

Lúc ấy bạn sẽ thông suốt mọi sự và triệt để khai ngộ. Bạn đã học được gì? Cũng không biết, hệt như người khờ vậy. Song le, ngay lúc ấy, việc kỳ diệu mới hiện ra.

Khi đả Thiền-thất, bạn phải để qua một bên tánh khôn vặt, tánh ranh mãnh. Đừng nên cho rằng cái gì mình cũng biết, cũng thông suốt. Nếu cho rằng cái gì mình cũng biết là chẳng phải chân chánh hiểu biết Phật-pháp. Có câu:

“Đại trí nhược ngu.”
(Kẻ có đại trí huệ thì ra vẻ như ngu si.)

Nhìn bên ngoài, họ giống như chẳng hiểu biết gì cả nhưng thật ra họ biết hết mọi chuyện. Đó gọi là “chuyện nhỏ thì mù mờ mà chuyện lớn thì thông suốt.” Kẻ nào như vậy mới là bậc đại thành tựu. 


Lúc chúng ta ở Thiền-đường, đại chúng chạy thì mình chạy, đại chúng ngồi thì mình ngồi, đông tây nam bắc mình chẳng cần biết. Lúc ấy, mình sẽ chân chính hiểu rõ, chân chính liễu giải. Hiểu gì? Hiểu rõ “bản địa phong quang.” Liễu giải gì? Liễu giải “bản lai diện mục” của chính mình.

Tại Thiền-đường, bạn cần dụng công tu hành, bớt nói lời vô ích, chớ lãng phí thời gian. 

“Một tấc thời gian: một nén vàng,
Nén vàng khó đổi tấc thời gian.”

Việc tọa Thiền quả thật rất là quý báu. Không biết phút giây nào bạn sẽ khai ngộ, do đó phải tranh thủ từng phút từng giây, không để trôi qua giây phút nào. Nếu đi nhà cầu thì xong rồi phải lập tức quay về Thiền-đường, tiếp tục ngồi. Tới nhà ăn, ăn uống xong cũng tức khắc quay về Thiền-đường; hoặc uống xong trà cũng lập tức quay về Thiền-đường. Nói tóm lại, bạn chớ bỏ qua cơ hội khai ngộ vì không biết lúc nào sẽ là lúc khai ngộ. Nói cách khác, đi nhiễu, chạy hay ngồi Thiền đều là cơ hội tốt để khai ngộ, chớ để vuột mất.

Vào đời nhà Thanh, có lần Hoàng-đế Ung Chính mời vị Phương-trượng Chùa Cao Mân là Thiên Huệ Thiền-sư tới Bắc-kinh để đàm luận Thiền-lý. Hoàng đế hỏi Ngài có biết tông chỉ của Ngọc Lâm Quốc-sư chăng, thì Ngài không trả lời được. Hoàng đế bèn ra lệnh cho Ngài phải ở lại Thiền-đường và trong vòng bảy ngày phải tìm cho ra đáp án, nếu không sẽ bị chém đầu. Suốt sáu ngày, Ngài tìm không ra đáp án. Đến ngày cuối cùng vì gấp rút khẩn trương quá nên Ngài chạy vòng vòng trong Thiền-đường. Chạy tới chạy lui làm cho Ngài choáng váng mặt mày đâm đầu vào cột trụ, đầu u lên một cục! Ngay lúc ấy tâm trí đột nhiên sáng suốt, Ngài tìm ra được đáp án. Ngài bèn đến gặp Hoàng đế. Vua Ung Chính biết là Ngài đã lãnh hội được tông chỉ của Ngọc Lâm Quốc-sư rồi. Từ ấy về sau mới có lệ chạy vòng vòng trong Thiền-đường. 

Tại Thiền-đường thì có hành-hương, bão-hương, tọa-hương và tham thoại đầu. Hành-hương tức là bước mau. Bão-hương là chạy chầm chậm. Tọa-hương là ngồi Thiền. Tham thoại đầu là nghiền ngẫm về một vấn đề. Như tham câu “Ai Niệm Phật?” Nhất tâm nhất ý tham cứu câu đó, tham cứu đến chỗ nhất tâm bất loạn, nhất trần bất nhiễm (chẳng một mảy bụi nào làm mình vẩn đục) thì đó là lúc khai ngộ vậy. Đó là những phương pháp dùng để ngăn ngừa, đình chỉ vọng tưởng. Không có vọng tưởng thì mới có giác ngộ. Mục đích tọa Thiền là để khai ngộ. Sau khi khai ngộ thì mới có trí huệ siêu phàm.

Bởi vậy, chư Tổ nghiên cứu phương pháp “dĩ độc công độc,” dùng việc tham thoại đầu để khống chế vọng tưởng, tức là dùng một vấn đề để khống chế tất cả các vấn đề khác. Tham thoại đầu gì? Tham câu “Niệm Phật Là Ai?” Khi nào bạn tìm ra “ai,” hiểu biết rốt ráo “Ai Niệm Phật?” thì lúc ấy mới chân chính thấu suốt. Thấu suốt gì? Thấu rõ phải xa rời mọi thứ điên đảo, thị phi.

Tâm Kinh dạy rằng: 

“Xa rời điên đảo mộng tưởng, đạt tới cứu cánh Niết Bàn.” 

Quá trình này đòi hỏi phải trải qua một phen khổ công mới thành tựu nổi. Nếu tôi nói quá nhiều sẽ làm gián đoạn công phu của các bạn. Tốt hơn hết là các bạn hãy theo qui củ luật lệ, chân thật dụng công tu hành.

Có một điều các bạn cần hiểu rõ là trong “Tam Tự Kinh” có câu:

“Quý dĩ chuyên.”
(Quý ở sự chuyên cần.) 

Bất luận làm việc gì, nếu có thể chuyên tâm nhất ý, thì kết cuộc sẽ thành công. Cũng vậy, khi tham thoại đầu, chỉ nghĩ tới một câu–sáng nghĩ, chiều nghĩ, ăn nghĩ, ngủ cũng nghĩ, đi cũng nghĩ, ngồi cũng nghĩ về câu đó; nếu chưa nghiền ngẫm tới chỗ “biển cạn, đá nứt” thì chẳng bỏ cuộc. Nói cách khác, “chưa khai ngộ, thì chưa ngừng nghỉ.” Chỉ nghĩ đến một vấn đề mới là chân lý, còn suy nghĩ nhiều vấn đề quá thì là vọng tưởng.

Có hai câu thơ thật đầy ý nghĩa:

Nhược nhân tĩnh tọa nhất tu du,
Thắng tạo hằng sa thất bảo tháp.
(Nếu ai tĩnh tọa chỉ một sát-na,
Còn hơn xây hằng sa tháp bảy báu.)

Đó là hình dung công đức ngồi Thiền: nếu kẻ ngồi Thiền có thể tịnh tâm chỉ trong một khoảnh thời gian ngắn ngủi thôi thì công đức ấy so với công đức xây hằng hà sa số tháp bảy báu còn nhiều hơn gấp bội. Bởi vì tạo ra vô số tháp bất quá cũng để cúng dường xá-lợi của Phật; song nếu tĩnh tọa chỉ trong giây lát, có thể tạo ra chân-thân của Phật. Do vậy, tĩnh tọa chỉ một sát-na mà hơn xây nhiều tháp bảy báu.

Nếu tĩnh tọa trong khoảnh khắc mà công đức lớn như vậy, thì hàng ngày tĩnh tọa, công đức càng khó kể xiết. Nếu trong một thời gian ngắn ngủi bạn chẳng khởi vọng tưởng, tâm được thanh tịnh, thì dần dà bạn sẽ trở nên “trạm nhiên thường tịch.”

Khi tĩnh tọa ở Thiền-đường, không những công đức của bạn vô lượng, mà đối với toàn thế giới nhân loại, công đức ấy cũng vô lượng. Có kẻ hỏi: “Công đức của tôi làm sao san sẻ cho nhân loại, cho toàn thế giới được chứ?” Hiện nay nhân loại trên thế giới, do vì tranh danh đoạt lợi, nên tạo ra sát khí đằng đằng, ích kỷ tự lợi, nào là ta tranh, người giành, khiến thế giới biến thành đen tối u ám, đầy dẫy độc khí. Nhân loại đấu tranh ác liệt, càng ngày càng dữ dội càng ngày càng nguy hiểm, mỗi lúc mỗi thêm nghiêm trọng. Nếu chúng ta không tìm cách cứu vãn nguy cơ đang bao trùm thế giới, chắc hẳn một ngày nào đó địa cầu sẽ bùng nổ! Vì sao bùng nổ? Bởi vì giờ đây khoa học quá tiến bộ, các nước lớn đang nghiên cứu vũ khí giết người sao cho mau chóng; họ thi đua chế tạo những vũ khí hạt nhân, tia laser, v.v… Một khi chiến tranh phát sinh, những vũ khí ấy sẽ biến trái đất thành tro bụi. Lúc đó quả là ngày tàn của nhân loại.
Lúc dụng công tu hành trong Thiền-đường, vô hình trung chúng ta có thể tiêu diệt những thứ sát khí ấy, khiến thế giới tránh được nguy cơ. Làm sao tiêu diệt chúng? Bầu không khí đã bị ô nhiễm vì những chất độc, và hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp những khí độc ấy ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng sinh, đe dọa sinh mạng của muôn loài. Các bạn hãy xem, hiện nay các thứ tật bịnh quái dị càng ngày càng nhiều, khiến các bác sĩ phải bó tay. Đó là do không khí bị ô nhiễm, chẳng được trong lành sạch sẽ, đâu đâu cũng toàn là độc khí. Người tu Đạo chúng ta phải dùng một loại điện liệu để làm tiêu tan chất độc trong không khí. Thế nào là “điện liệu”? Tức là tĩnh tọa, và từ đó mà ánh sáng trí huệ được phóng đi. Ánh sáng trí huệ này chính là một luồng điện lực. Luồng điện ấy di chuyển trong không gian và sẽ có tác dụng giải độc, khiến cho không khí hỗn trược biến thành thanh khiết. Đó gọi là cách chữa trị các căn bệnh của thế giới bằng phương pháp điện liệu.

Bây giờ có người hoài nghi về tánh khả thi của nguyên tắc ấy: “Tĩnh tọa làm sao có thể làm tiêu tan chất độc trong không khí đặng?” Tôi xin kể một câu chuyện như sau: Vào đời nhà Tống có một vị đại văn hào tên là Tô Đông Pha. Đương thời cũng có vị Thiền-sư tên Phật Ấn. Hai người là bạn Đạo, thường hay lui tới với nhau, nên có câu đối như sau để chứng minh tình bạn gắn bó của họ:

Xuất nhập hữu tăng, giai Phật Ấn.
Vãng lai vô khách bất Đông Pha.
(Ra vào: có Sư Phật Ấn thường gần gũi.
Tới lui: chẳng bạn Đông Pha thì còn ai.)

Có lần Tô Đông Pha làm một bài kệ:

Khể thủ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đai thiên
Bát phong xuy bất động
Đoan tọa tử kim liên.
(Đảnh lễ Thiên trung Thiên (tức là Phật)
Hào quang chiếu vũ trụ.
Tám gió thổi chẳng động.
Ngồi vững tòa sen vàng.)

Tô Đông Pha gởi cho Thiền-sư Phật Ấn bình luận, rồi vì đó mà hai người nẩy ra tranh luận. Bây giờ chúng ta hãy lấy câu “Hào quang chiếu vũ trụ” để thuyết minh một nguyên lý. Hào quang này chính là điện liệu, rọi chiếu toàn đại thiên thế giới và làm cho tiêu độc. Hào quang này có thể làm tiêu trừ không khí hỗn trược trong vũ trụ, tẩy sạch hoàn toàn cho đến một chút xíu độc tố cũng không còn.

Nếu bạn có thể phóng hào quang chiếu khắp vũ trụ, thì phần độc khí của bạn sẽ được tiêu tan. Nếu kẻ khác có thể phóng hào quang chiếu khắp vũ trụ thì phần độc khí của kẻ ấy sẽ được diệt trừ. Nếu mọi người có thể phóng hào quang chiếu khắp vũ trụ thì độc khí của mọi người sẽ được tiêu trừ.

Nếu ai ai cũng đồng tâm hiệp lực dùng phương pháp điện liệu để chữa trị các căn bịnh của thế giới thì không khí ô nhiễm sẽ càng ngày càng giảm bớt, không khí trong lành sẽ càng ngày càng gia tăng. Dần dần bầu không khí sẽ trở nên hoàn toàn trong sạch. Các bạn phải biết rằng không khí ô trược là độc tố, còn không khí trong lành là trí huệ.

Hiện tại vì sao không khí ô nhiễm? Vì đa số người ta không biết tu hành, không biết dùng pháp điện liệu, do đó không khí càng lúc càng ô trược. Người tu Đạo chúng ta phải nhận trách nhiệm làm cho không khí trở nên thanh khiết. Không những bản thân mình phải dũng mãnh tinh tấn tu Thiền, mà còn phải khuyến khích bạn bè thân thích ngồi Thiền. Công đức tọa Thiền vô lượng vô biên, đối với thân tâm có ích lợi không thể nghĩ bàn. Nếu họ không tin, bạn hãy bảo họ thử thí nghiệm xem, sớm muộn họ sẽ đạt được ích lợi khó nghĩ bàn. Các bạn hãy gắng công tọa Thiền. Khi hào quang của các bạn chiếu khắp đại thiên thế giới, độc tố trong không khí sẽ tự nhiên tiêu diệt hết.

Các bạn hãy chú ý! Chỉ cần các bạn ngừng bặt vọng tưởng thì có thể phóng ra trí huệ quang minh. Hào quang này có thể chiếu khắp đại thiên thế giới và trừ độc trong không khí. Bạn sẽ gặt hái vô lượng công đức có lợi ích cho nhân loại toàn thế giới. Lợi ích gì? Tức là có thể tiêu diệt độc tố làm ô nhiễm không khí, khiến nhân loại không còn bị tai họa vì các chứng bịnh hiểm nghèo. Đây chính là lợi ích gián tiếp cho tất cả mọi người vậy.

Trích Khai Thị 5