Những lời dạy của Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Giới  thiệu – 84.000 Pháp Môn

Chúng ta tu Đạo cần nên tu không dính mắc, cho dù đó là thiện hay ác, đẹp hay xấu, đúng hay sai, quan trọng hay không quan trọng, to lớn hay nhỏ bé  – không nên để cho các điều này dính mắc vào chúng ta. Và chúng ta nên tu hành tất cả 84.000 Pháp môn, vì mỗi Pháp môn đều là tối thắng. Không có chuyện 84.000 Pháp môn thứ yếu, hoặc cho rằng 84.000 Pháp môn thì quan trọng, hay không quan trọng. Vì vậy khi quý vị tu Đạo, thậm chí nếu quý vị tu theo Pháp môn dường như kém quan trọng nhất và tu cho đến khi thành tựu,thì Pháp môn đó sẽ đem lại kết quả, và rồi chính việc tu tập của quý vị sẽ làm cho Pháp môn đó rộng lớn như núi Tu Di. Không có trường hợp Pháp môn này thì không quan trọng, trong khi Pháp môn khác thì to lớn như núi Tu Di

Từ cái nhỏ trở thành cái lớn,

Từ gần mới đến nơi xa,

Hãy khởi hành từ nơi gần để đến nơi xa.

Đó là cách một người muốn đạt được sự thành công trong tu tập. Ví dụ, đừng nên nói: “Tôi không ăn những thứ có mùi vị mà tôi không thích, nhưng tôi sẽ ăn nhiều hơn các món hấp dẫn đối với tôi.”  Người tu Đạo là người dũng mãnh tinh tấn tu tập dầu cho họ tu theo Pháp môn nào đi nữa. Mặc dù có vẻ như có Pháp môn kém quan trọng nhất . nhưng nếu quý vị có thể tu tập theo Pháp môn đó, quý vị vẫn có thể đạt Đạo quả. Và có thể có Pháp môn quan trọng nhất, nhưng nếu quý vị không thể tu theo Pháp môn đó, Đạo quả của quý vị cũng sẽ không thành. Nếu quý vị không thể nhận ra Pháp môn quan trọng, Pháp môn đó sẽ trở nên không quan trọng. Một Pháp môn tuy không quan trọng, nếu quý vị nhận ra nó, Pháp môn đó sẽ trở thành quan trọng. Tất cả tùy thuộc vào việc quý vị có nhận ra nó hay không. Ví dụ, khi quý vị ăn, quý vị có biết các món ăn quý vị có mùi vị ra sao không? Nếu quý vị biết, lúc đó quý vị sẽ cảm thấy chúng nếm ngon hay dở. Nhưng nếu quý vị không biết chúng có mùi vị ra sao, quý vị sẽ không biết chúng nếm ngon hay dở…hoặc gì đi nữa. Do vậy có câu nói:

Trong Pháp môn của Phật

Không một Pháp bị loại.

Trong bản thể Chân Như,

Không dính một hạt bụi.

Quý vị có thể chọn bất kỳ Pháp môn nào và tu cho đến khi trọn thành Phật đạo. Nhưng trong tự tánh của Chân Như, không một hạt bụi nào có thể bám vào, đó là lý do tại sao ánh sáng của Chân Như thì vô tận.

Trích từ cuốn “Listen to Yourself, Think Everything Over” của HT. Tuyên Hóa, tập II, trang 14-15.