Chinese and English | Vietnamese

 

  Thầy Hằng Thật tại Chùa Long Xuân, Bắc Kinh, ngày 11 tháng Muời Hai năm 2009

 

 

Hỏi:  Theo Thầy, Hoà Thượng Tuyên Hóa là người thế nào?

Đáp: Để rút ngắn lại một câu chuyện dài, tôi được biết Hòa Thượng lần đầu tiên tại chùa Kim Sơn năm 1973 khi tôi thọ Tam Quy. Ba năm sau, vào năm 1976, tôi đến chùa Vạn Phật để thọ giới Tỳ-kheo. Ở  chùa Kim Sơn cũng như Vạn Phật Thánh Thành, người ta hầu như không hề nghe những danh từ như “Khai ngộ” và “Thần thông”. Vậy chúng tôi đã nghe những gì? Những từ ngữ mà người ta thường nghe nhắc đến là “Đạo đức”, “Đạo hạnh và Luân Lý”, “Tập khí “, “Thói xấu” và “Khuyết điểm”.

Vậy Hòa Thượng quý trọng và nhấn mạnh nhất về chuyện gì? Hòa Thượng đặt trọng tâm vào việc quý vị có nổi giận và mất bình tĩnh hay không – đó là điều Ngài đặc biệt quan tâm đến. Cho nên có một thời, Hòa Thượng thường hay dạy các đệ tử như sau: Hể khi nào có chuyện gì sai hay là có vấn đề gì đó, Ngài hay đổ lổi cho quý vị cho dù quý vị thật ra không có liên hệ gì với chuyện đó cả. “Cái gì thế- làm sao mà Ông gây ra sự việc lộn xộn thế này?” Ngài sẽ nói. “Nhưng mà Sư phụ, con đâu có, không phải con mà là ông kia.” Lúc đó Hòa Thượng sẽ nói, “À được, chúng ta sẽ bàn lại sau”. Khi ấy trong lòng quý vị sẽ tự nhận ra: “Trật rồi! Mình rớt kỳ thi này rồi!” Tại sao quý vị thi rớt? Đó là vì khi Ngài đổ tội cho quý vị, Ngài đang cho quý vị một sự thử thách để xem có giận dữ hay không.  Về sau quý vị sẽ hiểu “Ah, ta thật không sớm nhận ra sự thử thách”. Hòa Thượng không thật đổ lỗi cho tôi nhưng Ngài muốn xem tôi có khả năng kiểm soát và kiềm chế cơn thịnh nộ của mình, để xem tôi có thể chịu đựng và không tức giận hay không.

Tôi còn nhớ đến một ngày khó quên của năm 1993, lúc đó tôi đã vào học chương trình tiến sĩ nhưng vẫn còn thường trú tại Viện Phiên Dịch Quốc Tế.  Tôi phải đi giảng kinh vào các ngày chủ nhật và tình cờ khi đó nhằm vào mùa thi cuối năm. Ngoài ra tôi còn phải tham dự nhiều lớp học trong trường và còn quản lý nhiều chuyện khác tại chùa. Thân xác và tâm hồn tôi quả thật là quá mệt mõi. Ngày hôm đó có chuyện xảy ra: Có một lá thư của Hòa Thượng hình như bị thất lạc và không ai biết nó nằm ở đâu, có thể là bị để lộn chỗ ở nơi nào đó trong văn phòng. Lúc đó thì điện thoại reo. Thể xác tôi tuy có tại đó nhưng thần hồn không biết đi đâu mất, tôi cảm thấy quá kiệt sức. Hòa Thượng bất ngờ gọi tôi bằng tục danh: “Christopher!” “Dạ Sư phụ?” “Cái lá thư đó, con làm sao đánh mất?” Tôi đáp “Sư phụ, dạ con không biết, có lẽ con bất cẩn, để con tìm lại; con sẽ cố gắng hết sức để tìm nó!” Khi đó Hòa Thượng nói, “Đậu rồi”. Theo tôi, Hòa Thượng là một vị thầy tinh thần tài ba, biết dùng các phuơng thức thiện xảo để dạy và chuyển hóa người tây phuơng.

Hòa Thượng không bao giờ quan tâm đến bản thân mình và cũng không hề mong muốn điều gì. Ngài luôn mặc một bộ y phục cũ kỹ đã mòn rách và được vá đi vá lại nhiều lần nhưng Ngài vẩn mặc nó hoài thật lâu. Chiếc xe Ngài đi cũng thuộc loại củ-rích, rất tầm thường chứ không phải là xe sang trọng. Một miếng giấy lau miệng Ngài thường dùng qua ba hay bốn lần, cho đến khi nó mòn rách thì mới vứt đi. Đó là vì Ngài xuất thân từ một gia đình nông phu nghèo khó ở miền đông bắc Trung Hoa. Nơi đó rất khó có đồ tốt nên Hòa Thượng không muốn phí phạm món đồ nào cả. Ngoài ra còn một chuyện khác đã làm chúng tôi xúc động nhiều và cũng là điều khó quên nhất trong đời tôi. Trong thời kỳ kháng chiến chống sự xâm lăng của Nhật Bản, Ngài còn là thiếu niên nhưng đã thấy những người đồng hương miền Đông Bắc không đủ ăn, không đủ mặc, bị bắt đi lao động cực khổ. Qua sáng hôm sau, Ngài nhìn thấy nhiều xác chết lạnh cóng nằm rải rác trên cánh đồng vì bị đói. Ngài kể lại, lúc đó Ngài cao lớn và có thể ăn ba chén cơm một bửa, cho nên trong một ngày có thể ăn đến chín chén trong ba bửa ăn. Khi nhìn thấy đồng bào mình đau khổ quá sức, Hòa Thượng khởi lòng đại bi và nói “Nếu tôi có thể giảm phần ăn hằng ngày của tôi, cho dù tôi không trực tiếp cho họ được sáu chén cơm, nhưng phần ăn đó vẫn còn trên thế gian này vì tôi không dùng đến, cho nên gián tiếp tôi đang bố thí số thực phẩm ấy cho họ”. Và từ đó, Hòa thượng phát nguyện chỉ ăn một ngày một bữa, do vì bớt đi hai bữa cơm nên đã tiết kiệm được sáu chén cơm một ngày, và như thế đã gián tiếp bố thí đến kẻ khác. Kể từ đó Ngài luôn ăn một bữa mỗi ngày. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật dạy: “Giữa ngày ăn một bửa và ở dưới gốc cây”. Lạ thay, Hòa thượng nói là cho dù chỉ ăn một ngày một lần nhưng Ngài không bao giờ thấy đói cả.

Sau khi nghe về tấm lòng vị tha công bằng, rộng lớn của Hòa Thượng, chúng tôi rất cảm động và cùng phát lời nguyện chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Đối với người xuất gia, phương pháp khổ hạnh này không thành vấn đề nếu họ tự nguyện làm như thế. Nhưng đối với các vị tu tại gia thì sao? Một số cư sĩ cho rằng “À, nếu quý thầy đều làm vậy thì chúng ta cũng nên làm theo”. Kết quả là sau khi lo cho con cái, làm việc sinh nhai, lái xe và đủ thứ những chuyện khác, một số than phiền “Tôi không đủ nhiên liệu (Tôi đói mệt)”. Họ nổi cơn phiền nảo và trách móc Phật Pháp, than rằng “À, Phật Pháp làm cho tôi đau khổ!” Chúng tôi xin thưa: “Không! Không phải thế, đó là vì nhân duyên chưa thành thục.” Quý vị cần ăn uống đầy đủ! Vấn đề là tùy theo hoàn cảnh, và quý vị phải biết khả năng và nhân duyên của mình. Chúng tôi sống trong chùa, ngồi thiền, tụng kinh công phu sáng, công phu chiều, và vì chúng tôi rất cảm động mới theo Hòa Thượng ăn một ngày một bữa. Theo tôi, Hòa Thượng lúc nào cũng thế, quên mình vì Phật Pháp.

Còn rất nhiều câu chuyện khác, để tôi cho quý vị một thí dụ. Một hôm Hòa Thượng đang ngồi ở đó, và không ai nói chuyện với Ngài cả. Một số khách đã ra về. Tôi nhìn vào khuôn mặt Ngài, khuôn mặt đó  dường như  không có ai cả, đó là một khuôn mặt rất từ bi và dịu dàng. Tôi vì có chuyện muốn thưa với Ngài nên tôi bước đến đảnh lể và nói một vài câu. Trong một giây phút ngắn sau đó, tôi nhìn gương mặt của Hòa Thượng – và cái gì đã xảy ra? Tôi nhìn thấy mặt cùa mình trong đó! Sự việc thật không thể nghĩ bàn, vì tôi nhận ra gương mặt tôi trong khuôn mặt của Hòa Thượng, giống như khi nhìn vào trong gương vậy. Trong tấm gương đó, tôi nhìn ra gương mặt xấu xí nhiều phức tạp của tôi, với tất cả những gì không thuận theo Pháp, tất cả những gì chưa được tuyệt hảo – tôi nhìn thấy hết! Thật là không thể nghĩ bàn. Ngay trong tấm gương đó tôi cũng nhìn thấy được những gì mình có thể đạt được, một hình dáng con người hoàn hảo, dấu hiệu của kẻ đã đạt đến sự tuyệt hảo. Nói một cách khác, trong chính tấm gương ấy – trong khuôn mặt của Hòa Thượng – tôi đã nhìn thấy cả hai, những sai lầm và thiếu sót cũng như gì người ta có thể đạt được nếu người ấy đến được sự vô thượng tuyệt đỉnh. Làm sao có thể được? Sự ứng hiện của Hòa Thượng đã một bên cho tôi thấy những việc làm không phù hợp với Pháp, còn một bên khác là cho thấy tôi có thể đạt đến sự tuyệt hảo đó, điều mà tôi có thể rốt ráo thành tựu. Đây quả là một cảnh giới bất khả thuyết, cho nên trong tâm tôi, Hòa Thượng là tấm gương của Trí Tuệ.