Hòa Thượng Tuyên Hóa – Từ Hư Không Đến

(Đến từ cảnh giới Hoa Nghiêm)

Sơ lược hành trạng Hòa Thượng Tuyên Hóa

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

Chương 5

Chương 6

 

 

Lời di huấn của Hòa Thượng:

Đem tro cốt của tôi rải khắp hư không! Khi tôi đến, không mang đến một thứ gì; khi ra đi, vẫn là không cần gì cả. Tôi không muốn lưu lại trên đời bất kỳ một dấu tích nào! Tôi từ hư không đến, và sẽ trở về với hư không.

Nếu người nào muốn biết cảnh giới của Chư Phật, thì nên thanh tịnh tâm ý của mình như hư không 

(Nhược nhân dục tri Phật cảnh giới, đương tịnh kỳ ý như hư không)

Kinh Hoa Nghiêm

Năm 1995, Hòa Thượng Tuyên Hóa nhập diệt, để lại cho các đệ tử một niềm tiếc thương vô hạn. Có một người đệ tử đã hình dung về Hòa Thượng như thế này: Hòa Thượng là một vị Tỳ kheo thanh tịnh không tỳ vết, đầy đủ oai nghi, Người đã thị hiện một cảnh giới Hoa Nghiêm trùng trùng vô tận, không thể nghĩ bàn, bặt dứt nói năng.

CHƯƠNG THỨ NHẤT

Thừa những điều kỳ diệu, Lời cao siêu khôn lường

Hòa Thượng sâu khó

Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên; 

Triêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu. 

Thần bất khả trắc, đại bất khả cập; 

Thánh trung chi chí, canh vô nhị tam.

Càng ngẩng lên càng thấy cao, càng đục sâu càng thấy cứng;

Mới nhìn thấy trước mặt, thoắt bỗng hiện sau lưng. 

Huyền diệu khôn lường, lớn không gì sánh; 

Cao tột trong hàng Thánh, chỉ một không hai, ba.

Có người hỏi Nhan Uyên, Khổng Tử là người như thế nào? Nhan Uyên thở dài than rằng: “Ngưỡng chi di cao, toản chi di kiên; triêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu.” Đoạn này ý Nhan Uyên nói “Đạo của Phu Tử (Khổng Tử), ngẩng đầu nhìn thấy cao chót vót, có thật sự đục vào bên trong, mới thấy cứng chắc không gì phá vỡ được, mới nhìn thấy giống như ở trước mắt, thoáng chốc đã ở sau lưng, thật là cao thâm mầu diệu, khó mà nắm bắt được.” Tuy đoạn này là hình dung của Nhan Uyên về Đạo của Khổng Phu Tử, nhưng đối với chúng ta mà nói thì Hòa Thượng há không phải sâu không thể dò, cao không nhìn thấu như thế sao? Thời còn niên thiếu, thì trong mắt của những người thân ở quê nhà, Hòa Thượng là một kẻ rất mực tài hoa, trên thông Thiên văn, dưới tường Địa lý, không gì mà không làm được.

Nếu tính kỹ những tài hoa của Hòa Thượng thì có thể nói là không sao kể xiết. Thứ nhất, cỡi ngựa, Hòa Thượng có thể đứng trên lưng ngựa mà cỡi, kỹ thuật vô cùng cao siêu. Thứ hai, Hòa Thượng tinh thông âm luật, giỏi về thổi sáo và cũng thừa khả năng tấu đàn Nhị Hồ. Thứ ba, Hòa Thượng tinh thông về Ngũ hành, Phong thủy, Âm Dương, cho đến Bát quái, tất cả sách về thuốc, sách y học đều có nghiên cứu kỹ qua. Thứ tư, trí nhớ của Hòa Thượng rất kỳ đặc, một bài văn đọc qua hai lần liền thuộc, vào học trường tư thục chỉ có hai năm rưỡi, nhưng những sách Hòa Thượng đã học còn nhiều hơn sách của người đã học qua hơn mười năm. Thứ năm, Hòa Thượng giỏi về làm câu đối, kệ tụng, đến viết thư pháp cũng có một phong cách độc đáo.

Ngoài những điều này ra, tại Vạn Phật Thánh Thành chúng ta còn thấy được hai kỹ năng khác của Hòa Thượng. Một là hội họa, bốn mươi hai bức tranh sơn dầu vẽ bốn mươi hai thủ nhãn mà chúng ta nhìn thấy là do chính Hòa Thượng vẽ. Một kỹ năng khác là điêu khắc và nặn tượng Phật. Hiện tại trong Chánh điện Vạn Phật, tất cả những tượng Phật nhỏ mà quý vị nhìn thấy đều là những kiệt tác của Hòa Thượng. Những kỹ năng tài hoa của Hòa Thượng, chúng tôi có thể nêu sơ lược ra từng điều. Nhưng nếu bàn đến cảnh giới, đức hạnh, trí tuệ, thần thông diệu dụng của Hòa Thượng thì sâu không thể dò, cao không nhìn thấu. Chúng ta rất khó dùng ngôn ngữ và văn tự của thế gian để miêu tả lại dù chỉ là một phần vạn.

Một vị đệ tử lớn của Hòa Thượng đã hình dung về Hòa Thượng như thế này: Hòa Thượng không giống với những người mà tôi gặp trước kia một chút  nào, so với những người khác Hòa Thượng càng giống như một trận gió lớn, một ngọn núi cao, một đại dương mênh mông – một đại dương biết nói chuyện với quý vị, và cũng có lúc Hòa Thượng khiến tôi liên tưởng đến một tấm gương. Nhưng không phải là một tấm gương bình thường chỉ có thể soi thấy diện mạo bên ngoài của sự vật, mà là một tấm gương có thể phản chiếu vào thực thể bên trong. Một vị đệ tử khác thì lại nói như thế này: Tôi cảm thấy Hòa Thượng có trí tuệ và thần thông rất thâm sâu, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, Ngài lại không có một biểu hiện gì tỏ ra mình đặc biệt, nhìn Ngài thật không có chút gìđặc biệt. Cảm nhận này không chỉ có một mình tôi, mà những người quen biết với Hòa Thượng đương thời, bất luận họ thuộc về chủng tộc nào, được giáo dục ra sao, hay xuất thân như thế nào cũng đều cảm nhận như thế. Một đệ tử khác nói đến ấn tượng mà Hòa Thượng để lại trong lòng mình như vầy: “Theo tôi, Hòa Thượng thể hiện dáng vẻ của một người bình dân vừa đơn giản lại bình dị là một phương diện đặc thù nhất của Hòa Thượng. Tất cả những hành vi tạo tác của Hòa Thượng đều là những biểu hiện rất tự nhiên không hề giả tạo; sự hòa quang đồng trần của Ngài tuyệt đến mức khiến người ta không cảm thấy Ngài có chút gì khác biệt, có chút gì ưu việt hơn họ. Hòa Thượng không hề yêu cầu chúng ta phải tin Ngài, Ngài luôn muốn chúng ta nên tin vào bản thân mình.”

Một vị đệ tử phương Tây đã dùng một đoạn văn mang màu sắc rất đỗi truyền thần của một nhà văn người Nga Fyodor Dostoevsky viết để diễn tả cảm nhận của mình về Hòa Thượng: Mọi người tự cho phép mình gần gũi, vây quanh, đi theo Hòa Thượng; còn Hòa Thượng thì luôn ở trong đại chúng với một nụ cười vô cùng từ mẫn thường nở trên môi. Trong lòng Hòa Thượng luôn ngời sáng một ngọn lửa nhân từ, thể hiện trên ánh nhìn nồng ấm hướng về mọi người, khơi dậy được lòng từ ái thâm sâu trong tâm của họ. Hòa Thượng đưa tay rờ đầu mọi người, tất cả những ai được Hòa Thượng gia trì cũng đều đạt được lợi ích lớn.

 

CHƯƠNG THỨ HAI

Theo nguyện hạnh làm Phật sự, lấy hư không làm th tánh

Hòa Thượng phát nguyện hoằng dương Chánh pháp

Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng; sung mãn pháp giới, biến nhập pháp giới. Xứ xứ thị hiện, sát sát hóa thân; giai chứng Bồ đề, viên Đại giác tôn.

Hư không dầu có hết, nguyện của tôi còn hoài; tràn đầy cùng pháp giới, có mặt khắp muôn nơi. Xứ xứ đều thị hiện, cõi cõi nguyện hóa thân; cùng chứng Bồ đề quả, viên thành Đại giác nhân.

Những người quen với Hòa Thượng đều biết rằng Hòa Thượng luôn nghiêm trì hạnh “Ngày dùng một buổi ngọ, đêm đến không nằm giường”, tuân giữ “sáu Đại tông chỉ”. Đặc biệt, vào thời mạt pháp tạp loạn, Hòa Thượng càng tỏ ra đại biểu cho Chánh pháp, làm ánh sáng cho chúng sanh. Hòa Thượng không sợ lời hủy báng của kẻ xấu (bọn ma quỷ), Ngài đến khắp nơi tuyên giảng “ Kinh Lăng Nghiêm”, truyền bá Chánh pháp, phá tà hiển chánh. Tuy vào thời mạt pháp, trong nhà Phật xuất hiện hiện tượng “vàng thau lẫn lộn” rất nhiều, nhưng Hòa Thượng vẫn kiên trì một tâm nguyện: Nhất định tôi phải phục hưng lại chánh pháp, quyết tâm làm cho Phật giáo chỉ có chánh pháp, không có mạt pháp; tôi đi đến đâu, ở đó sẽ có phước huệ, giảm thiểu tai nạn. Đây là lời phát nguyện của tôi, do vậy mà tôi không quản tài hèn sức mọn, đến khắp nơi tuyên giảng chánh pháp, thực hành theo chánh pháp.

“Phật pháp chưa diệt Tăng tự diệt, 

Đạo đức cần tu chẳng ai tu; 

Thật thà chân thành chiêu tiếng xấu, 

Gian ngoa xảo trá được ngợi khen. 

Đời ác năm trược hiếm thanh tịnh, 

Chúng sanh say ba độc chẳng tỉnh; 

Ân cần nhắn nhủ Tăng chúng trẻ, 

Chấn hưng đạo Phật giáo cậy Tỳ kheo”.

Hòa Thượng dùng lời ân cần để khuyên bảo tất cả đại chúng nên gánh lấy trọng trách chấn hưng Phật giáo. Hòa Thượng bảo: “Phát nguyện của tôi là tôi đi đến bất kỳ nơi nào, ở nơi đó sẽ có chánh pháp, chánh pháp sẽ tồn tại lâu dài, tôi không cho phát sanh mạt pháp. Vì sao thế? Vì chánh pháp hay mạt pháp đều do con người tạo ra, chứ không phải bản thân của pháp có chánh hay mạt. Nếu quý vị làm điều chân chánh thì chánh pháp sẽ trụ thế mãi mãi; nếu quý vị không chịu tu hành, suốt ngày ăn không ngồi rồi, hoặc đi làm những việc xã hội phiền toái, thì đó là mạt pháp. Cho nên mỗi một người chúng ta hôm nay đều nên phát nguyện lực lớn, cùng nhau hộ trì Phật pháp, cùng nhau hợp lực lại, có sự đồng lòng của mọi người ắt làm nên thành quách.

 

 

CHƯƠNG THỨ BA

Ngày tháng huy hoàng, chói ngời vạn vật.

Hòa Thượng ngày ngày giảng kinh thuyết pháp

Liễu nhiên nhất thân độ trùng dương, hoằng dương Phật pháp bất tích thân; nhân địa sanh sơ khẩu nan khai, vị truyền Thánh giáo thọ Hoa Ngữ. Phật pháp Trung văn linh hoạt dụng, tự biên giáo tài phương tiện đa, tu sát giáo trung môn hạ nhân, chỉ nguyện cư cao bất tựu hạ.

Ngộ rồi một mình vượt ngàn khơi, hoằng dương Phật pháp không tiếc thân; lạ nước lạ người khó mở miệng, vì truyền Phật pháp dạy tiếng Hoa. Hoa ngữ Phật pháp rất linh dụng, tự biên soạn dạy nhiều phương tiện, chỉ ngại khó khăn chúng đệ tử, hy vọng gắng chí chớ thối lui.

Tâm nguyện của tôi là chỉ cần ngày nào còn một hơi thở thì sẽ còn giảng Kinh thuyết pháp, chỉ khi hơi thở không còn, lúc đó mới thôi không giảng nữa. Một người đệ tử đầu tiên của Hòa Thượng tại Mỹ đã hồi tưởng lại rằng: “Lúc ấy, cho dù chỉ có hai ba người, kể cả những người không biết tiếng Hoa đến nghe pháp thì Hòa Thượng vẫn thuyết pháp với một tinh thần giống như thuyết pháp cho trăm, ngàn người nghe. Nhớ lại lúc tôi đi nghe Hòa Thượng giảng Kinh Pháp Hoa, Hòa Thượng thuyết pháp với một thái độ trang trọng như chúng ta thường thấy hiện nay. Một đệ tử khác còn diễn tả Hòa Thượng hơn như thế nữa: Không chỉ một lần, mà là rất nhiều lần tôi thấy Hòa Thượng sau khi lặn lội đường xa vất vả, chưa kịp lấy lại sức đã vội lên ngay pháp tòa thuyết pháp, thật là khiến cho người ta cảm động!

Lúc đầu, khi còn ở Trung Quốc, Hòa Thượng đã ý thức được rằng Phật giáo nên được phát triển khắp nơi trên thế giới. Phật giáo với một giáo nghĩa toàn hảo như thế, nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa thể tiếp nhận được, nguyên nhân là do những người con Phật chúng ta chưa phiên dịch được giáo nghĩa Phật giáo ra các ngôn ngữ trên thế giới. Hòa Thượng từ Trung Hoa đặt chân đến nước Mỹ, việc đầu tiên phải làm là giảng kinh thuyết pháp. Hòa Thượng cho rằng mục đích của việc thuyết pháp là làm cho người ta hiểu giáo pháp, cho nên pháp Hòa Thượng giảng đều thuần túy xuất phát từ nguồn trí tuệ tự tánh, nội dung sâu sắc, lời lẽ dễ hiểu, không dùng văn chương hoa mỹ, từng câu từng lời nhắm đúng trọng tâm, khiến cho người nghe thể hội được ý nghĩa chân thật của Phật pháp, ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày của mình, đạt được lợi lạc thật sự.

“Tôi không thể và cũng không dám phê bình các vị Cao tăng đại đức trong Phật giáo trước kia là sai, nhưng trong quá khứ các vị ấy đã không nghĩ đến việc xúc tiến truyền bá Phật giáo phổ cập đến toàn thế giới. Có điều tôi phải nói rõ là mấy ngàn năm trước trở lại đây, Đại tạng kinh tiếng Phạn đã được phiên dịch sang Hoa ngữ. Chỉ mới phiên dịch sang Hoa ngữ như thế, người bình thường đều cho là đủ, nên không tiếp tục phiên dịch ra các ngôn ngữ khác trên thế giới. Cũng vì vậy mà các Tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Gia Tô giáo, Do Thái giáo đã thịnh hành ở phương Tây, trong khi Phật giáo thì hầu như không ai biết đến. Nếu như trong quá khứ, các bậc Cao tăng đại đức đề xướng việc phiên dịch tất cả Kinh Phật ra các ngôn ngữ trên thế giới thì tôi tin chắc rằng hôm nay người tin theo Phật giáo sẽ chiếm hơn bảy mươi phần trăm số nhân loại trên toàn thế giới. Bởi vì những lý luận của Phật giáo đều rất chính xác, tất cả những lời Phật dạy đều rất cần thiết cho cuộc sống chúng ta. Hiện nay, tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới chưa đạt tới con số hai mươi phần trăm, vậy thì tám mươi phần trăm còn lại, có số không tin theo Tôn giáo, có số tin theo Tôn giáo khác. Nếu đem tín đồ Phật giáo so sánh với số nhân loại còn lại trên thế giới thì thật là đáng thương. Tương lai giới trẻ của Phật giáo chúng ta sẽ cùng hướng tới một mục tiêu mới này mà tiến bước. Hơn bốn mươi năm trước, tôi đã đề xướng việc cho giới trẻ của Phật giáo Trung Hoa, những chùa chiền có các Tăng trẻ, học tập ngoại ngữ chuẩn bị sau này đến các nước trên thế giới truyền bá Phật pháp. Lúc ấy, tuy chưa được nhiều hưởng ứng lắm, nhưng cũng có một số Tăng trẻ học tập ngoại ngữ, hiện giờ có người đến nước Mỹ, có người đến các nước khác hoằng pháp, đây là kết quả bắt nguồn từ ý tưởng trong quá khứ của tôi. Năm 1962 đến nước Mỹ là tôi đã phát nguyện mang theo Phật pháp đến Mỹ, đẩy mạnh việc hành đạo trong lòng xã hội phương Tây. Từ năm 1962 đến 1968, đặc biệt vào năm 1968 có rất nhiều thanh niên người Mỹ đến nghe pháp, trong số họ có người đang học Tiến sĩ, có người đang học Cử nhân, có người đang học Thạc sĩ, những MASTER này hơn ba mươi người, tôi bèn giảng cho họ nghe Kinh Lăng Nghiêm. Trong khóa học mùa hè chín mươi sáu ngày, tôi đã giảng xong bộ Kinh Lăng Nghiêm. Sau khóa học, có một số thanh niên đã lưu lại, cho dù phải chịu mất học phần cũng vui lòng chuyển trường từ nơi khác đến thành phố San Francisco học tiếp. Sau này, bắt đầu từ năm 1968 khởi sự công tác phiên dịch Kinh điển, đến nay đã phiên dịch được mười mấy bộ Kinh Phật như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Di Đà, Kinh Kim Cang, Lục Tổ Đàn Kinh, Bách Pháp Minh Môn Luận, Kinh Đại Bi Đà La Ni, tóm lại là có hơn mười loại. Mỗi người ở Chùa Kim Sơn chúng ta đều không sợ khổ, không sợ khó, không sợ không có tiền, vì muốn cho Phật giáo được tiến xa, được phát triển rộng rãi, nên chúng ta phải phiên dịch toàn bộ Đại tạng Kinh ra các thứ tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… Phải dự bị như thế mới có thể làm cho Phật giáo được phát triển trên thế giới, cho nên có thể nói đây là một xu hướng mới của Phật giáo trong thời hiện đại. Các vị nghe những tin tức tôi vừa báo cáo, hy vọng mỗi người đều phát khởi lên chí nguyện như thế, để làm cho Phật giáo được nhanh chóng phát triển trên toàn thế giới.”

 

CHƯƠNG THỨ TƯ

Núi Tu di chắn biển lớn, làm thấp độ cao dãy núi

Hòa Thượng dùng văn thơ chở đạo

Đạt Ma tinh thần pháp Tây lưu, Huyền Trang tư tưởng kiến pháp tràng; khúc cao điều quả ngôn hạnh thính, đương sơ nhiên thân phi đẳng nhàn. Nhân tính vô dị nễ ngã tha, Thánh phàm dã kinh khảo nghiệm ma; ký thị đồng đạo tu hành nhân, sự lý minh bạch khởi tương ngại.

Tinh thần pháp Tổ Đạt Ma truyền về hướng Tây, tư tưởng Pháp sư Huyền Trang dựng cờ chánh pháp, âm điệu cao nhã xứng theo việc làm lời nói, nên lúc đầu thiêu thân không phải là vô cớ. Phật tánh không phân biệt giữa anh, tôi và nó, Thánh hay phàm cũng đều phải trải qua khảo nghiệm; đã là người tu hành đồng đạo với nhau, sự lý đều thông há còn nghi kỵ lẫn nhau?

Hòa Thượng giống như như Khổng Tử, suốt đời “giảng dạy mà không có thời giờ sáng tác” (thuật nhi bất tác), lấy việc dạy người làm chính, tác phẩm để lại không nhiều. nhưng Hòa Thượng có “Tứ tuyệt”, là những tác phẩm “vô tiền khoáng hậu” (không tiền tuyệt hậu). “Tứ tuyệt” là bốn sáng tác của Hòa Thượng, đó là “Lăng Nghiêm Chú Sớ Cú Kệ Giải”, “Thủy Kính Hồi Thiên Lục”, “Phật Tổ Đạo Ảnh Bạch Thoại Giải” cùng hơn hai ngàn bài Kệ tụng và Câu đối. “Lăng Nghiêm Chú Sớ Cú Kệ Giải” là tập hợp những lời giảng của Hòa Thượng về Chú Lăng Nghiêm trong suốt tám năm, từ năm 1979 đến năm 1987. Bộ Chú này trong lịch sử Phật giáo rất ít có người giải thích, duy chỉ có Đại sư Tục Pháp đời nhà Thanh là đã từng chú giải qua. Năm 1949, khi Hòa Thượng có được quyển “Lăng Nghiêm Chú Sớ” trong tay, Người đã vui mừng như được của báu mà thốt lên rằng: “Có được cái chưa từng có, nên phải tranh thủ nghiên cứu, mới có thể thấy được cảnh mật, thường thường mang theo bên mình, như chưa từng rời khỏi.”

Hòa Thượng lại bảo: “Chú Lăng Nghiêm có thể khiến cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài, tà thuyết vĩnh viễn biến mất, những ai biên chép lại Chú này cũng đồng nghĩa với được vào Đại định cứu cánh, kiên cố.” Sau đó, Hòa Thượng liền tuyên giảng “Lăng Nghiêm Chú Sớ” tại nước Mỹ. Toàn bộ Chú Lăng Nghiêm có năm trăm năm mươi bốn câu, Hòa Thượng dùng thể thơ Thất Ngôn để giải từng câu một, đồng thời dùng lối văn Bạch Thoại giảng lại. Thật có thể nói đây là một tác phẩm “vô tiền khoáng hậu”, rất quý giá. “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” là sách do Hòa Thượng giảng trong thời gian bốn năm, từ năm 1985 đến 1989. Nội dung là những lời vịnh tán thán Chư Phật, Bồ tát, La hán, chư vị Đại đức cao tăng của các thời đại, các Cư sĩ tại gia cùng các vị Đại đức, chư vị Dị nhân, Nguyên thủ quốc gia, Văn hào v.v.. từ xưa đến nay, ở trong và ngoài nước, làm thành một tác phẩm bình luận khách quan, giống như “Xuân Thu” của Khổng Tử.

Hòa Thượng vốn viết về lòng trung trinh ái quốc, mong muốn cứu vãn sự hỗn loạn của thời mạt pháp, nói theo cách nói của Khổng Tử là “Cái biết rõ ta, chỉ có Thủy kính! Cái làm tội ta, cũng chỉ có Thủy kính!” (Tri ngã giả, kỳ duy Thủy kính hồ! tội ngã dã, kỳ duy Thủy kính hồ!) “Thủy Kính Hồi Thiên Lục” chính là phái tâm truyền của Sử bút Xuân Thu, cũng là một quyển sách nhân quả sinh động thời hiện đại. Trong quyển sách này, Hòa Thượng giới thiệu sơ lược về cuộc đời của từng nhân vật, kế đến dùng tám câu thơ thể bốn chữ ca ngợi về nhân vật đó, kết luận lại thêm vào phần “Hựu thuyết kệ viết” làm bằng thể thơ Thất ngôn đường luật. Quyển sách này rất đáng để chúng ta suy ngẫm, có thể khiến cho ta thấu tỏ được nhân quả, nhìn gương người trước để biết về người sau, từ đó bỏ ác tu thiện.

“Phật Tổ Đạo Ảnh Bạch Thoại Giải” là bộ sách Hòa Thượng giảng trong thời gian 13 năm, từ năm 1972 đến 1985, tổng số lần tuyên giảng là ba trăm bốn mươi sáu lần. Chủ yếu của bộ sách là nói về các sự kiện từ Đức Phật Thích Ca đưa cành hoa sen lên mỉm cười (Niêm hoa vi tiếu) và truyền pháp cho Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả Ca Diếp lại truyền cho Tôn giả A Nan làm nhị tổ, cứ thế truyền đến đời thứ hai mươi tám là Tổ sư Đạt Ma – vị Sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa và lúc này Thiền tông mới chính thức được truyền vào Trung Quốc. Sau khi truyền tới vị Tổ thứ ba mươi ba – Đại sư Huệ Năng, thì phát sanh “Nhất hoa khai ngũ diệp” (một đóa hoa nở ra năm cánh, tức từ một nguồn thiền của Ngài Huệ Năng lại chia thành năm dòng chảy); kế đến năm Nhà chia thành bảy Tông, đó là: tông Pháp Nhã, tông Tào Động, tông Vân Môn, tông Quy Ngưỡng, tông Lâm Tế, phái Hoàng Long và phái Dương Kì. Tiếp đó lại thêm vào chi Ngưu Đầu, Thánh tăng của Trung Hoa và Ấn Độ, tông Thiên Thai, tông Hoa Nghiêm, tông Từ Ân, tông Du Già, tông Luật, tông Liên Xã và mười vị đại Cao Tăng thời cận đại, tổng cộng là ba trăm ba mươi tám vị. Mỗi vị, Hòa Thượng đều dùng tám câu thể thơ Đường luật thất ngôn để tán thán ca tụng, từ sau Tổ thứ sáu của Liên tông – Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, Hòa Thượng lại thêm vào bài thơ Tứ ngôn bát cú để ca ngợi. Có thể nói đối với ba trăm ba mươi tám vị Tổ sư này, Hòa Thượng đều giảng giải một cách rất tường tận. Nhìn chung, cả một đời của Hòa Thượng thi từ không thiếu, kệ tụng và câu đối ít nhất cũng hai ngàn bài trở lên, mỗi câu đều rất đúng luật khớp vần, khiến ai nấy đều khâm phục trước trí tuệ thâm sâu của Hòa Thượng.

 

 

CHƯƠNG THỨ NĂM

Hiểu và làm ngay nơi tự thân, một đời thể hiện quả lành tròn sáng

Hòa Thượng tự thân kinh nghiệm

Trường Bạch khất sĩ tính hám trực, trợ nhân lợi tha duy khủng trì, vị pháp vọng khu quyên sinh mạng, ứng bệnh dữ dược xả tùy bì. Nguyện đồng thập phương thành nhất thể, hành tận hư không nhiếp vạn cơ; vô lai vô khứ vô hiện tại, diệc vôNam Bắc dữ Đông Tây.

Khất sĩ Trường Bạch tính chân chất, giúp ích cho người chỉ sợ trễ; vì pháp quên mình mạng chẳng màng, tùy bệnh cho thuốc bỏ ngoài da. Nguyện cùng mười phương thành một thể, đi cùng trời đất nhiếp vạn loài; không đến không đi không hiện tại, cũng không Nam Bắc chẳng Đông Tây.

Một đệ tử từ thuở ban đầu của Hòa Tượng tại Mỹ đã hồi tưởng lại rằng: Trong một đời của Hòa Thượng, nhất cử nhất động đều là vì tuyên giảng giáo pháp của Phật Đà. Một đệ tử khác lại bảo rằng: Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi lời nói việc làm của Hòa Thượng nhất nhất đều vì trình bày cho mọi người hiểu pháp Phật nói trong Kinh không phải là viễn vông, không phải là thần thoại, không phải là những luận thuyết tưởng tượng. Hòa Thượng muốn chúng ta hiểu rõ pháp Phật nói trong kinh đều rất sinh động, rất chân thật, phù hợp với thực tế và ta có thể áp dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày. Lại có một vị đệ tử khác nói: Không chỉ một lần, mà là rất nhiều lần tôi nghe nói Hòa Thượng nhổ cỏ dại bên đường, dùng tay không chà rửa nhà vệ sinh l làm những việc mà người khác không muốn làm..

Tuyên Quy diệu nghĩa chấn gia thanh,

Hóa thừa Linh Nhạc pháp đạo long,

Độ dĩ tứ lục truyền tâm ấn,

Luân toản vô hưu tế khổ luân

(Tạm dịch:

Tuyên Quy diệu nghĩa thạnh gia môn,

Hóa thừa Linh Nhạc dòng đạo lớn,

Độ truyền Tứ Lục làm tâm ấn,

Luân chuyển không ngơi độ khổ n ạn.)

Đây là bài kệ làm tin của Đại lão Hòa Thượng Hư Vân, hiệu Đức Thanh, người truyền thừa đời thứ tám phái Thiền tông Quy Ngưỡng viết cho Hòa Thượng. Đại Lão Hòa Thượng truyền cho Hòa Thượng kế thừa tông Quy Ngưỡng đời thứ chín. Hòa Thượng tuy là người thừa kế tông Quy Ngưỡng, nhưng sự hành trì Giới luật nghiêm mật của Ngài là điều mà không đệ tử nào không rõ. Ban đầu Hòa Thượng đến nước Mỹ hoằng pháp, vì muốn cho đệ tử khắp nơi hiểu rõ về Tam tạng của Phật giáo, Hòa Thượng đã cung thỉnh vài vị Cao tăng đại đức lần lượt giảng về Giới luật cho các chúng đệ tử. Để khuyến khích tinh thần học giới của các đệ tử, vào những ngày có giờ học, khoãng bốn năm giờ sáng Hòa Thượng theo các đệ tử ngồi xe khoãng ba tiếng đồng hồ từ Vạn Phật Thành tới thành phố San Francisco để nghe các pháp sư khác giảng về Giới. Khi nghe, các đệ tử quỳ trước, Hòa Thượng quỳ sau lắng nghe. Đây chính là thân giáo của Hòa Thượng. Tuy Hòa Thượng không dạy riêng cho các đệ tử môn Giới học, nhưng khi giảng về bất kỳ bộ Kinh nào, hoặc những khi khai thị, Hòa Thượng lúc nào cũng nói rõ về ý nghĩa hàm chứa và tính chất quan trọng của Giới luật. Hòa Thượng còn đặc biệt tuyên bố, phàm những ai xuất gia với Hòa Thượng đều phải nghiêm giữ pháp Phật chế, ngày ăn một bữa, y không rời thân. Cho nên mặc dù người ngoài có đánh giá như thế nào, thậm chí bài xích, mắng chưởi, Hòa Thượng cũng không vì vậy mà thay đổi gia phong của mình. Đối với những lời chê bai chỉ trích này, Hòa Thượng chỉ bảo: “Đây không phải do tôi đặt ra, mà là pháp của Phật chế, chúng tôi chỉ việc tuân giữ theo mà thôi.”

 

 

 

CHƯƠNG THỨ SÁU

Rộng lớn cũng dung nạp, bụi trần nhỏ nhít cũng không ngoài

Hòa Thượng hoàn toàn vô ngã

Băng thiên tuyết địa, vô số điều tiểu trùng đông tễ thả trập miên. Tĩnh lý quan sát, động trung thẩm đế; long tranh hổ đấu thường du hý, quỷ khóc thần hào huyễn hóa kỳ. Chân thật nghĩa tuyệt ngôn, bất tư nghì, đương tiến xu đại tiểu mẫn, nội ngoại phi; vi trần biến, pháp giới chu. Hốt luân cá viên dung, hỗ tương vô ngại; song quyền đả phá hư không cái, nhất khẩu thôn tận sát hải nguyên. Đại từ bi phổ độ, lưu huyết hãn, bất hưu tức.

Trời giá băng, đất tuyết phủ.
Vô số trùng nhỏ lớp chết cóng
Lớp ngủ đông.
Trong tĩnh quan sát,
Giữa động suy ngẫm.
Kìa rồng tranh, cọp đấu, đùa vui bất tận,
Nọ quỷ khóc, thần la, biến hóa dị kỳ.
Nghĩa chân thật bặt ngôn ngữ;
Khó nghĩ bàn
Hãy tiến bước.
Không lớn nhỏ,
Chẳng trong ngoài.
Bui nhỏ biến
Trùm Pháp Giới.
Nguyên vẹn viên dung,
Hỗ tương không ngại.
Hai tay đấm nát mặt hư không,
Một hớp uống cạn nguồn sát hải.
Đại từ bi cứu khắp,
Dẫu máu đổ, mồ hôi tuôn,
Quyết không ngừng nghỉ!

Một vị đệ tử đã hình dung về Hòa Thượng như sau: “Tôi ý thức rằng Hòa Thượng và những người tôi đã từng gặp qua trong cuộc sống hoàn toàn không giống nhau, tôi phát hiện ra Hòa Thượng là người hoàn toàn không có tự ngã, một tơ hào về tự ngã cũng không có, ở bên cạnh Hòa Thượng tôi không tìm ra một chút mâu thuẫn nào. Một đệ tử khác thì nói: “Tôi chưa hề thấy Hòa Thượng làm việc bằng tâm ích kỷ tự lợi, hoặc chỉ lo cho bản thân mà không màng đến người khác, những điều như vậy, tôi chưa hề thấy lần nào. Tôi có phước duyên được làm đệ tử của Hòa Thượng hơn hai mươi năm, do vậy mà tôi tận mắt nhìn thấy Hòa Thượng luôn vì pháp quên mình, giúp đỡ chúng sanh không tiếc thân mạng, cho dù đó là một việc rất nhỏ, chỉ cần có lợi cho người, Hòa Thượng đều không bỏ qua; Hòa Thượng chưa hề dành một thời khắc nào để lo nghĩ cho bản thân.

Một đệ tử khác lại nhắc: Thời gian của Hòa Thượng đều dùng vào việc lợi ích cho chúng sanh. Mỗi một việc Hòa Thượng làm đều nghĩ  đến lợi ích của chúng sanh. Nhớ lại có một lần tôi cùng Hòa Thượng đi công viên mớm thức ăn cho chim đói. Lần ấy, vào giữa năm 1970, tiểu bang California bị hạn hán rất nghiêm trọng, bấy giờ tôi thường có dịp lái xe chở Sư phụ đến các nơi ở khu vịnh San Francisco, lúc ấy, tôi vẫn còn là một cư sĩ tại gia. Vào một hôm sáng sớm, tôi dẫn theo đứa con gái ba tuổi đi đón Sư phụ, sau khi Sư Phụ vào xe rồi liền hỏi tôi trong công viên Golden Gate có hồ nước không? Tôi trả lời có đến mấy cái. Sư Phụ bảo là Ngài muốn đi dạo xem. Sau khi xem qua bốn năm cái, Sư phụ chọn địa điểm là một cái hồ nhỏ, tương đối khuất một chút. Chúng tôi xuống xe, Sư phụ lấy ra một bao ny lông đựng trong túi vải luôn mang theo bên mình, trong bao đựng đầy những cái bánh bao ăn còn thừa. Sư phụ bảo tôi; “Thầy trò mình đi mớm thức ăn cho chim!” Sư phụ không chỉ giảng Kinh, mà còn lấy bản thân làm mô phạm, lấy pháp giới làm nhà. Tuy mỗi tuần Sư phụ giảng đến tám buổi “Kinh Hoa Nghiêm”, ngoài ra còn phải xây chùa, giúp người giải quyết những gút mắc và còn làm rất nhiều việc mà chúng ta không biết. Tuy bận như thế, nhưng Sư phụ vẫn dành thời gian đến mớm thức ăn cho những chú chim phải chịu khổ vì khô hạn. Dù việc nhỏ hơn thế nữa, Sư phụ vẫn không lơ là, nhưng cũng không vì thế mà trễ nãi việc lớn.

Hòa Thượng từ nhỏ đã có một tấm lòng nghĩa hiệp, càng không nỡ nhìn thấy người chịu khổ, cho nên Ngài phát nguyện chịu khổ thay cho tất cả chúng sanh. Hòa Thượng đã trị khỏi cho vô số người mắc phải các chứng bệnh lạ còn đang trong vòng theo dõi, các chứng bệnh hết thuốc chữa, bệnh ôn dịch, kiết lị, ma nhập, bệnh nghiệp v.v.. Lại còn hóa độ cho hồ ly, rồng, rắn, quỷ thần, thậm chí có cả Thần cây Chương ngàn năm đến xin quy y, thọ giới. Hòa Thượng nói: “Không phải tôi có năng lực hoặc thần thông diệu dụng gì cả, mà đó đều là sự gia bị của Chư Phật và Bồ tát. Người có tâm thành ắt có sự cảm ứng của các Ngài. Đối với những việc ăn mặc đi đứng, Hòa Thượng đều hạn chế đến mức tối đa, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên , một đôi giầy mang hơn ba mươi năm, một mặt trang giấy ít nhất cũng dùng hơn ba ngày, một đời Hòa Thượng chưa từng may cho mình một bộ quần áo mới, ngay cả tiền lệ phí qua cầu cũng để ý tiết kiệm. Gạo vụn rơi xuống đất, nhặt lấy lên mà ăn; uống nước thì uống đến giọt cuối cùng; ăn thì dùng những vật phẩm đơn giản nhất không dầu, không muối; thậm chí nhiều lần nhập thất tuyệt thực lâu ngày, đem phước đức của mình hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Hòa Thượng không hề có một tài sản cá nhân nào, tất cả phần được cúng dường, Hòa Thượng đều dùng vào việc công, ngay cả một tâm niệm riêng tư bằng một sợi tóc cũng không có. Đại nguyện thứ mười một của Hòa Thượng là Nguyện đem tất cả phước lạc mà đáng lẽ bản thân được hưởng đều hồi hướng, phổ thí cho tất cả chúng sanh trong pháp giới. Đại nguyện thứ mười hai của Hòa Thượng là Nguyện tất cả những khổ nạn của chúng sanh trong pháp giới, đều do một mình tôi nhận lấy.

Hòa Thượng đã từng nói: “Cả đời này tôi không muốn tranh với người, không tranh, không tham, không cầu, không ít kỷ, không tự lợi, không nói dối, cho nên tôi đi đường cũng thường đi sau tất cả mọi người. Có nghĩa là không muốn tranh danh đoạt lợi với bất kỳ người nào. Chỗ tốt, người bên cạnh cần, tôi không cần; cái người bên cạnh không cần thì tôi nhặt lên. Đối với ai, Phật cũng đều luôn từ bi hỷ xả, không hề ghét bỏ một chúng sanh nào. Tôi tuy không phải là Phật, nhưng nguyện sẽ học theo hạnh Phật. Qúy vị nên quay nhìn vào nội tâm của mình, xem xem Phật tánh trong tâm của mình có còn hay không? Quý vị là tánh Phật? Tánh người? Tánh quỷ? Tánh súc sanh? Hay tánh gì bên trong bản thân? Quý vị nên tự hồi quang phản chiếu, nên tự hỏi lại chính mình. Quý vị không nên nhìn vào tôi, tôi ở đây, tôi hay quỷ đều không giống nhau, quý vị nhìn vào tôi cũng vô ích, phải xem lại chính bản thân của quý vị. Bản thân quý vị là người tin Phật, quý vị có không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối không? Nếu như quý vị làm được sáu Đại tông chỉ này thì có thể nói điều kiện làm người, quý vị đã làm được khá tốt, nhưng muốn đạt đến quả Phật thì vẫn còn rất xa! Có điều, muốn thành Phật, quý vị nhất định phải từ sáu Đại tông chỉ mà tiến thẳng về phía trước. Nếu quý vị ở trong Phật giáo mà vẫn còn tranh, còn tham, còn có sở cầu, còn ích kỷ, còn tự lợi, còn nói dối như thế thì không chỉ không phải là đệ tử Phật, mà ngay cả làm tín đồ của quỷ giáo còn không đáng. Cho nên các vị, những người đã học Phật nhiều năm, phải ở ngay nơi không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối mà dụng công tu hành.

Tôi đem phước đến cho quý vị, các vị nếu ai có thể chiếu theo sáu Đại tông chỉ này mà làm người, thì người đó có được phước đức vô lượng. Nếu quý vị không nắm chắc sáu Đại tông chỉ này thì khi tôi giảng cho quý vị nghe những giáo lý cao siêu thâm diệu hơn, quý vị đều sẽ bỏ gần cầu xa, bỏ gốc theo ngọn. Ví như đi xa ắt tới gần, lên cao ắt tự thấp, nếu như quý vị có thể ngay chỗ cơ bản nhất này mà làm được thì nhất định sẽ có hy vọng thành Phật. Nếu chưa thực hành được như thế, thì nên gắng sức, không nên bỏ qua cơ hội này. ”

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Lời dạy của bậc Thiện tri thức, giống như mặt trời mùa xuân, làm sinh sôi vạn vật, là gốc mầm của pháp lành. Lời dạy của bậc Thiện tri thức, giống như ánh trăng rằm, sáng soi đến tất cả, khiến đều được tươi mát. Lời dạy của bậc Thiện tri thức, giống như núi tuyết mùa Hạ, giúp muôn thú tiêu trừ nóng khát bức ngặt. Lời dạy của bậc Thiện tri thức, giống như mặt trời chiếu vào ao thơm, làm nở những đóa sen thiện tâm.” (Thiện tri thức giáo, do như xuân nhật, sanh trưởng nhất thiết, thiện pháp căn miêu. Thiện tri thức giáo, do như mãn nguyệt, phàm sở chiếu cập, giai sử thanh lương. Thiện tri thức giáo, do như Hạ tuyết sơn, năng trừ nhất thiết chư thú nhiệt khát. Thiện tri thức giáo, do như Phương trì nhật, năng khai nhất thiết thiện tâm liên hoa.) Đối với những chúng sanh như chúng ta mà nói thì cảnh giới của Hòa Thượng, trí huệ của Hòa Thượng thật là sâu không thể lường, cao không nhìn thấu. Vậy rốt cuộc Hòa Thượng là ai? Hòa Thượng chính là một vị Đại thiện tri thức như trong Kinh đã nói!

Lời di huấn của Hòa Thượng:

Đem tro cốt của tôi rải khắp hư không! Khi tôi đến, không mang đến một thứ gì; khi ra đi, vẫn là đi với một cõi lòng thanh thản. Tôi không muốn lưu lại trên đời bất kỳ một dấu tích nào! Tôi từ hư không đến, và sẽ trở về với hư không.