Hoằng Dương Phật Pháp — Trách Vụ chung của Mọi Người

(Khai Thị Tại Trung Tâm Phật Giáo Amaravati tại Anh Quốc ngày 6 tháng 10 năm 1990)

Trích Bồ Ðề Hải số 31, tháng 3/97

Bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến thì đều giống như ở tại Vạn Phật Thánh Thành, chẳng có gì phân biệt, bởi vì chúng ta và Pháp Giới đều là một thể. Hôm nay, có được một cơ duyên rất khó gặp được đến nơi đây, lòng tôi rất hoan hỷ. Ðức Phật thuyết tất cả pháp vì để đối ứng lại với tất cả căn cơ của chúng sanh. Do đó bất luận Nam Tông hay Bắc Tông đều phải vì chúng sanh phát Bồ đề tâm, giúp cho mọi loài đều được liễu sanh thoát tử, ly khổ đắc lạc. Quý vị nên hiểu rõ ràng thế nào là Phật giáo chơn chánh, không nên nói rằng ông không thuộc Phật giáo chánh tông, còn tôi mới là Phật giáo chánh tông. Như vậy là cốt nhục tương tàn, chẳng có gì lợi ích cho Phật giáo cả. Do đó chúng ta nên khai thông tư tưởng Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông để có thể đoàn kết dung-hợp thành một khối; hệ Nam Truyền không nên dồn hết xuống phía Nam, hệ Bắc Truyền cũng không nên chạy hết lên phía Bắc. Hai phái nên chọn một con đường giữa mà đi để hai phái cùng kết hợp lại bởi vì Nam Truyền hay Bắc Truyền đều là con của Phật, cháu của Phật, không nên mạnh anh anh làm, mạnh tôi tôi làm, chia bè kết phái, làm cho Phật giáo bị phân tán.

Lúc xuất gia tôi đã nghiên cứu tại sao giáo lý của Phật Ðà rất là viên mãn mà số người học Phật trên thế giới lại quá ít ỏi, nguyên nhân vì sao?

Sau khi nghiên cứu mới vỡ lẽ rằng kinh điển Phật giáo không được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, do đó không thể phổ cập đến các quốc gia trên thế giới. Trái lại, Thánh kinh của đạo Thiên Chúa và đạo Gia-Tô đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, nên mọi người trên thế giới đều có thể đọc và hiểu được. Do đó khi xuất gia, mặc dù chẳng biết ngoại ngữ nào cả, tôi đã phát nguyện mang kinh điển Phật giáo phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Ðó là nguyện lực của tôi, nhưng mãi cho đến bây giờ ý nguyện đó vẫn chưa hoàn toàn thành tựu, và tôi vẫn tiếp tục đeo đuổi mục tiêu đó. Hy vọng các vị nào có cùng chí hướng, cùng nhau sát cánh với chúng tôi để hoàn thành công tác quan trọng này.

Do vậy, tại thành phố Burlingame (phía nam San Francisco) tôi đã thành lập một Viện Phiên Dịch Kinh Ðiển Quốc Tế, để làm công tác phiên dịch kinh điển. Tôi hy vọng bất luận tín đồ Nam Tông hay tín đồ Bắc Tông hãy cùng nhau hợp tác phiên dịch kinh điển Phật giáo ra nhiều ngôn ngữ. Ðây là một công tác rất quan trọng. Chúng ta chớ đừng tự mình chia rẽ lẫn nhau – Ðó chỉ làm cho làm lãng phí thời gian, lãng phí tinh thần, chẳng ích lợi chi cả. Thuở xưa, Phật độ chúng sanh đã từng thuyết pháp 49 năm, giảng kinh trên 300 hội, độ toàn là những tín đồ ngoại đạo, như Ma Ha Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Ma Ha Ca Diếp, v.v… Tuy là tín đồ ngoại đạo nhưng họ đã đến qui y Phật giáo. Là tín đồ Phật giáo tại sao chúng ta không thể bao dung lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau để cầu tiến. Trái lại chúng ta dừng lại nửa đường để khích bác, chỉ trích lẫn nhau, ngươi phải ta sai, ta đúng ngươi quấy; có phải là cốt nhục tương tàn hay không?

Tôi chẳng biết ngoại ngữ nào cả, mà lại to gan dám đòi phiên dịch kinh điển, muốn mang kinh điển phiên dịch ra các ngôn ngữ trên thế giới. Với chỉ đơn thuần ý tưởng đó thôi, Phật cũng đã hoan hỷ rồi. Như tôi là người không biết ngoại ngữ mà muốn làm công việc đó, vậy thì những người biết ngoại ngữ càng cần phải thực sự nổ lực thực hiện công tác này.

Ðương nhiên sự tu hành của mỗi người rất quan trọng. Nếu tu chứng quả thành đạo cố nhiên sẽ giúp ích Phật giáo rất nhiều, nhưng đó chỉ có tánh cách nhứt thời. Nếu chúng ta có thể mang kinh điển Phật giáo phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, đưa Phật pháp vào trong tâm khảm mọi người, thì đó mới là sự nghiệp vĩnh cửu. Hoằng dương Phật pháp là một nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng đối với Phật giáo, phiên dịch kinh điển lại càng quan trọng hơn.

(Ghi chú của người biên soạn: Tháng 10 năm 1990 khi Hòa Thượng đến Ba Lan hoằng pháp lần đầu tiên có khoảng 50 người Ba Lan đến qui y Ngài. Sau đó họ thành lập một đoàn thể để phiên dịch kinh điển có chú giải ra tiếng Ba Lan. Họ đã hoàn tất phiên dịch và ấn hành quyển Ðịa Tạng Kinh Thiển Thích, do Hòa Thượng giảng giải. Hiện thời họ đang tiến hành phiên dịch quyển Lăng Nghiêm Kinh Thiển Thích cũng do Ngài diễn giảng.)