Vietnamese|English

Khai Thị

Hãy Học Cho Giỏi Mới Trọn Vẹn Đạo Hiếu  

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Quán-Âm Thất kỳ này có nhiều học sinh tới tham gia. Các em phải hiểu rõ đạo lý hiếu thảo với cha mẹ. Lúc còn ở nhà thì mình nghe lời, giúp đỡ cha mẹ dọn dẹp phòng ốc nhà cửa, quét tước sạch sẽ, giúp cha mình cắt cỏ, làm những việc cần làm. Lúc đi học ở trường thì phải nghe lời thầy giáo, chuyên tâm nghe giảng bài, dụng công học tập, không nên để thời gian trôi qua lãng phí. Một ngày mình phải biết thêm được một chữ, học thêm một câu hay; đó là biểu hiện hiếu thảo với cha mẹ rồi đấy.

Các bạn phải nhớ lấy, ở trong trường mình phải làm người học sinh giỏi, về tới nhà mình phải làm người con tốt. Không những phải nghe lời cha mẹ dạy dỗ, mà còn phải nghe lời những người lớn tuổi hơn chỉ bảo. Cần hiếu thảo với cha mẹ, cần cung kính với người lớn tuổi, bởi vì họ là người có kinh nghiệm nhiều hơn mình, có học vấn phong phú dồi dào hơn mình. Do đó các em cần phải học tập nơi họ, lấy họ làm gương, thì các em mới có tiền đồ quang minh sáng lạng. Nếu không thì con đường trước mặt của các em sẽ mờ tối, tương lai các em chẳng còn hy vọng nữa.

Là học sinh các em cần phải có mục tiêu rõ rệt, định chí nguyện kiên cố, phải có lòng kiên nhẫn, chẳng để bị lay chuyển, dù gặp trăm ngàn khó khăn cũng không thối lui. Có tinh thần như vậy, thì sau này mới làm nên sự nghiệp vĩ đại, thành bậc anh hùng hào kiệt. Lúc các em học hành thì phải dụng công đọc sách, không được đùa giỡn phá phách mất thì giờ, mà phải chăm chỉ học hỏi tất cả mọi điều cần thiết, như vậy mới không phụ lòng cha mẹ không phụ lòng thầy cô, không phụ lòng trường học.

Các em nên biết, đây là trường học của Phật giáo, chuyên môn giáo dục, đào tạo bậc hiền tài, để trong tương lai các em ra trường sẽ trở thành người hữu dụng cho thế giới. Hy vọng các em sẽ vì nhân loại mà mưu cầu hạnh phúc, không nên để cho thế giới trở nên suy đồi. Đó là hy vọng của trường chúng ta.

Các em ở đây học hành mọi thứ cần phải học tập một cách chân thật, nghĩa là dù một phút thời gian cũng không nên để lãng phí:

 

Thư sơn hữu lộ, cần vi kính,

Học hải vô nhai, khổ tác châu.

 

Núi sách vở có đường, con đường ấy chính là siêng năng; biển học vấn vô bờ bến, phải lấy sự gian khổ làm thuyền, thì mới có thể vượt qua được; đó là lời nói để các em ghi nhớ.

Các em phải có tinh thần “nhẫn khổ nạo lao,” không ngại gian nan, chẳng nên làm biếng. Phải tập tánh cần kiệm, đối với một trang giấy hay một cây viết cũng phải quý trọng nó, đừng nên tùy tiện vất bỏ đi.

Sinh hoạt hàng ngày cần có quy luật, tối ngủ sớm, sáng dậy sớm, bớt coi ti vi, đọc nhiều sách có ích cho trí huệ. Ở trường có bài vở nào, về nhà phải làm cho hết, lúc nào cũng ôn tập, bởi vì “ôn cố nhi tri tân,” do ôn tập việc xưa mới học được kiến thức mới. Sách coi qua một lần cũng có cái tốt của nó; các em chớ coi những sách hoạt họa vô ích.

Ở Trung-qưốc, vào thời Đông-Hán có một em nhỏ tên là Khổng-Dung, thông minh vô cùng, lại biết hiếu thảo. Một ngày nọ bạn bè tặng một mâm trái lê, những người anh của Khổng-Dung chọn những trái lớn nhất. Lúc ấy Khổng-Dung chỉ mới bốn tuổi mà đã biết lễ nghĩa đạo lý, cho nên em chỉ chọn trái lê nhỏ nhất. Cha em mới hỏi rằng: “ Vì sao con không lấy trái lê lớn nhất?”

Khổng-Dung trả lời: “Bởi vì con tuổi nhỏ, con chỉ ăn trái nhỏ mà thôi; những trái lớn xin nhường lại cho cha mẹ và các anh ăn.”

Các em nghĩ xem, Khổng-Dung mới có bốn tuổi, mà đã biết được phong cách khiêm nhường, thương yêu anh em, hiếu thảo với cha mẹ. Đức hạnh như vậy không phải là trẻ em nào cũng có. Tiếng thơm của em ấy lưu truyền thiên cổ, người nào cũng biết, bởi vậy mới có câu rằng:

 

Dung tứ tuế, năng nhường lê.”

 

Nghĩa rằng Khổng-Dung mới bốn tuổi đã biết nhường trái lê.

Cũng tại thời Đông-Hán, có một em bé tên là Hoàng-Hương, lúc em chín tuổi thì mẹ em chết, em đối với cha vô cùng hiếu thảo. Lúc mùa đông thì em dùng thân mình để sưởi ấm giường chiếu của cha, em sợ cha bị lạnh. Đến mùa hè, em dùng quạt để quạt giường cho cha, vì sợ cha nóng nực. Đó cũng là lòng hiếu thảo mà nhân gian lưu truyền rằng:

 

“Hương cửu tuế, năng ôn tịch.”

 

Nghĩa rằng Hoàng-Hương mới chín tưổi mà đã biết quạt giường cho cha mình.

Hành vi của hai em bé đó là do lòng thành biểu lộ ra, không phải chỉ là giả tạo bề ngoài để lừa bịp người khác. Hành vi như vậy đáng để các em bắt chước. Các em đều là những trẻ thơ, cần học tập gương hiếu thảo với cha mẹ của hai em bé này.

Các em đã rất may mắn được sinh trong nước giàu có này, cuộc sống ổn định, vật chất phong phú. Ở trong hoàn cảnh tốt đẹp như vậy, các em không học cho giỏi là cô phụ niềm hy vọng của cha mẹ và thầy cô.

Ở chổ đất nước vô cùng sung sướng chúng ta luôn cần những người lương thiện, cần những người hiểu rõ đạo lý, hiểu thế nào là thương yêu đất nước, thế nào là người công dân ưu tú.

Các em theo học trường học Phật giáo thì tương lai phải làm gương cho xã hội, lãnh đạo người đời hướng vào con đường thiện. Các em phải lấy sáu tông chỉ của Vạn Phật Thánh Thành làm tiêu chuẩn:Không tranh, Không tham, Không cầu, Không ích kỷ, Không tự lợi và Không dối trá. Nếu các em thật sự làm được sáu điều này thì tương lai các em sẽ trở thành những người ưu tú nhất trên thế giới.

Tôi hy vọng các em sẽ trở thành những người mười phần toàn vẹn, thành kẻ có thể ảnh hưởng người đời cải ác hướng thiện, làm người có tâm đại từ bi, ban hạnh phúc cho chúng sanh, đoạn trừ nỗi thống khổ của họ. Nếu các em người nào cũng được như vậy thì thế giới sẽ trở thành chốn đại đồng.