English | Vietnamese

Hồi Tưởng Về Việc Từ Bỏ Cuộc Sống Tại Gia Và Bước Vào Cuộc Đời Tu Sĩ Của Tôi

Bài nói chuyện của Sư Cô Cận Khai váo ngày 1 Tháng 4, năm 2011 tại Vạn Phật Điện, Vạn Phật Thánh Thành.

 

Kính thưa Hòa Thượng, Chư Phật, Chư Bồ Tát, Các Pháp Sư và các Bạn Đạo … Tôi là Cận Khai, đến đây để thực tập nói chuyện với đại chúng. Xin vui lòng tha thứ cho tôi các lỗi lầm và những điều gì nói ra không phù hợp với Pháp.

Trong khi xem buổi lễ xuất gia gần đây tại Chánh điện, tôi nhớ lại việc từ bỏ cuộc sống tại gia và bước vào đời sống tu sĩ của chính mình. Tôi nhớ cái cảm giác hơi kinh ngạc rằng ngay cả mình lại được cứu xét xem là một ứng viên phù hợp cho cuộc sống tu sĩ, vì tôi chỉ là một người mới đến và không biết gì về Phật giáo.

Tôi đến Vạn Phật Thánh Thành vào năm 2002 để nghiên cứu Phật giáo và làm công việc thiện nguyện. Sau một “sự đổi ý” về việc làm việc cho Hội Hòa Bình của Hoa Kỳ (U S Peace Corps) như một giáo viên tình nguyện ở Nam Mỹ.

Lần đầu tiên tôi được gặp gỡ lời giảng dạy của Hòa Thượng qua một người bạn tốt của tôi, lòng tôi tràn ngập hân hoan và tràn ngập sự thúc giục khẩn thiết học hỏi thêm về lời dạy của ngài. Vì thế khi nghiên cứu các sách Khai Thị, tôi rất vui mừng khi gặp danh sách các tu viện của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới (DRBA).

Ngay lập tức tôi chú ý đến Mã Lai, và đã dành ra hai ngày sau đó cố gắng gọi điện thoại cho một tu viện nằm trong danh sách tại Kuala Lumpur… nhưng không thành công… Tôi liên tục chỉnhận được lời ghi âm trong điện thoại nói rằng các mạch nối điện thoại bị hư, và không có cuộc điện thoại nào có thể gọi đến Kuala Lumpur được.  Sau đó, bằng một cách nào đó, tôi được chỉ dẫn là thay vì gọi tu viện ở Kuala Lumpur thì hãy gọi điện thoại thẳng đến Vạn Phật Thánh Thành xem sao… Mọi thứ đều thông suốt, và trong vòng vài tháng tôi đã đến Vạn Phật Thánh Thành với tràn đầy hy vọng học hỏi Phật giáo… để học một năm, rồi sau một năm, sẽ trở về thế giới của công việc và bất cứ gì khác đang chờ đợi mình.

Thật là ngạc nhiên, một năm đến rồi đi, và tôi không có mong muốn rời khỏi Vạn Phật Thánh Thành…, hoàn toàn ngược lại, tôi lại có một sự thúc đẩy to lớn đi vào đời sống tu sĩ, sự thúc đẩycàng tăng trưởng mỗi lần tôi vào Chánh điện.

Tôi không hiểu nguồn gốc của mong muốn mãnh liệt trở thành một nữ tu sĩ như thế… Tôi đã cố gắng quên mong muốn mãnh liệt này, ngăn cản nó, nhưng động lực này rất mạnh mẽ… tôi nghĩ “đây không phải là một phần dự tính của tôi,”… cảm giác này đến từ đâu, cái gì đang xảy ra đây??? … Tôi muốn hiểu những gì đang xảy ra và nguồn gốc của , ý tưởng/cảm giác “quan trọnghơn mạng sống” mới tìm thấy này. Vì vậy, tôi đã giải thích tâm trạng của mình cho hai vị ni sư, cố gắng để hiểu rõ hơn về tâm trạng mình. Vì dù sao thì tôi cũng không biết gì cả về Phật giáo, về đời sống tu sĩ, và về thế giới của tu viện.

Các ni sư thấu hiểu sự khờ khạo của tôi, đã từ bi giải thích rằng nhiều người đi vào đời sống tu sĩ, thường là do có phát lời nguyện trong nhiều kiếp quá khứ để trở lại thành tăng hay ni. Tôi luôn nghĩ rằng lời nguyện là một cái gì đó mà các tu sĩ Công giáo hay Anh giáo đã hứa trước khi cam kết trở thành tu sĩ. Chưa bao giờ tôi nghe nói về lời nguyện của “kiếp quá khứ”, tôi bị bối rối, nhưng an tâm bởi những lời giải thích của các ni sư.

Cảm giác mãnh liệt muốn rời khỏi đời sống tại gia này vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng những gì ban đầu dường như là một dòng cuộn mãnh liệt hỗn loạn, thì bây giờ lại cảm thấy bình yên. Cuối cùng tôi bắt đầu thấy nhẹ đi phần nào.

 

Một buổi tối trong khi tôi ngồi trong Chánh điện nghe bài giảng với cuốn Kinh Pháp Hoa trong tay, tâm trí của tôi trở nên bận rộn kéo tôi ra khỏi bài giảng Pháp. Trong khi vị Pháp Sư đang giảng Kinh Pháp Hoa, đầu của tôi đầy ắp những suy nghĩ của nhiều điều mà tôi cần hoàn tất trước khi xuất gia. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình cần nên trì hoãn việc trở thành ni cô… Tôi nghĩ “Có quá nhiều việc mà tôi cần phải làm cho xong mà không có đủ thời gian… Vì vậy, tốt hơn là nên chờ cơ hội kế tiếp để xuất gia”. Trong khi đó tôi vô tình mở kinh ra, mắt tôi đụng vào các lời của Hòa Thượng Tuyên Hóa: “Nếu quý vị có cơ hội xuất gia, hãy nên bắt lấy cơ hội đó ngay lập tức” là những lời trên trang giấy trước mặt tôi.

Tôi lập tức đóng kinh lại và mở ra một cách ngẫu nhiên một phần khác, nhưng một lần nữa đôi mắt tôi rơi xuống ngay lập tức lời chú giải của Hòa Thượng Tuyên Hóa: “Quý vị có thể không có cơ hội khác để xuất gia một lần nữa, nếu bây giờ quý vị trì hoãn”. Tôi nghĩ “Thật là một sự trùng hợp”, giống như tôi đang có một cuộc trò chuyện lặng lẽ với quyển kinh trong tay.

Rồi một lần nữa, tôi đóng kinh lại lần thứ ba, và muốn chắc rằng mở lại một phần hoàn toàn khác, và lại đúng lời Hòa Thượng Tuyên Hóa: “Không những quý vị có thể mất cơ hội trong đời này” lời chú giải của Ngài nói, “mà quý vị có thể không có cơ hội xuất gia trong các đời tương lai”, vấn đề này đã tái diễn tối thiểu là 3 hoặc 4 lần , tôi ngẫu nhiên mở Kinh Pháp Hoa, và mỗi lần nhận được một thông điệp càng lúc càng mạnh mẽ hơn về việc xuất gia tại thời điểm này, tôi chợt nhận ra rằng điều này không chỉ là trùng hợp, mà là tôi đang nhận được một thông điệp mạnh mẽ.

Tôi tin vào sự hướng dẫn của Hòa Thượng cho cuộc đời của tôi, và ngay lập tức từ bỏ các suy nghĩ ban đầu của tôi về việc trì hoãn. Nhìn lại, bây giờ tôi nhận ra tôi đã ngu ngốc như thế nào trong việc giải quyết một vấn đề hết sức quan trọng như thế với một đầu óc khờ khạo như thế.

Đó là vào mùa Thu năm 2005… thời gian trôi qua mà tôi cảm thấy vẫn như người mới bắt đầu, với rất nhiều điều để học hỏi về Phật Pháp, và tôi sẽ cần một vài kiếp nữa để đạt được một trình độ có khả năng nào đó. Nhưng dù sao, tạm thời trong lúc này, tôi chỉ có thể cố gắng hết sức mình, và cố gắng càng giữ chánh niệm càng tốt, là điều mà đối với tôi thường là sự cố gắng nỗ lực.

Một trong những sự thực hành mà tôi bắt đầu trong vài tháng gần đây, thật hữu ích trong việc đem đến cho tôi sự thăng bằng nội tâm là tụng Phẩm Phổ Môn hàng ngày. Tôi hết lòng đồng ý với vị Pháp Sư nói chuyện hôm Thứ Bảy vừa qua đã nói rằng tụng Phẩm Phổ Môn hàng ngày  giúp thanh tịnh phiền não và lo âu trong nội tâm, mang lại lợi ích và sự bình an cho gia đình ông ta trong trận động đất lớn ở Chile hơn một năm về trước.

Tôi thường tụng Phẩm Phổ Môn một lần vào buổi sáng, và một lần vào buổi tối trước khi nghỉ… kinh giúp xoa dịu tâm của tôi rất nhiều, mặc dù tôi tụng một cách nhanh chóng bằng tiếng Anh để rút ngắn thời gian, tôi thực sự cảm kích âm điệu của phiên bản tiếng Trung Hoa.

Mùa hè năm ngoái trước khi bà của tôi qua đời, bà đã có một thời gian “buông xả”.  Bà cảm thấy như bị tra tấn, và nói với tôi bằng thổ ngữ Pháp Creole, rằng bà có nhiều khách vô hình đến thăm, rất nhiều người trong số họ làm bà cảm thấy đang tra tấn bà.  Tiếng kêu của bà thật đau đớn, và tiếng than khóc rên rĩ của bà có thể được nghe từ xa.

Tuy nhiên, sau khi dì của tôi để máy ghi âm tụng Chú Đại Bi trong phòng của bà tôi, thì bà yên lặng vô cùng, và qua đời trong vòng hai tuần.

Hiệu lực làm dịu và đem lại an bình của Thần Chú Đại Bi mà mẹ tôi chứng kiến, đã để lại một tác động sâu sắc trong lòng mẹ tôi, mặc dù bà không phải là Phật tử (mẹ tôi là người theo Anh giáo (1)), mẹ tôi không tắt máy tụng Chú này mà đã liên tục mở máy để nghe Thần Chú Đại Bi kể từ đó.

Tôi vui mừng khi thấy sự chấp nhận Phật Pháp của gia đình tôi tăng trưởng, mặc dù họ thực hành các truyền thống Kitô giáo khác nhau. Nhiều năm trước đây, khi mẹ tôi trở về nhà bên miền đông sau khi đến thăm tôi ở đây tại Vạn Phật Thánh Thành, mẹ tôi nói với tôi là bà cảm thấy khỏe mạnh như thế nào sau khi ăn chay tinh khiết trong suốt thời gian bà ở tại Vạn Phật Thánh Thành. Cùng thời gian đó, em gái của tôi bị chẩn đoán có bệnh tiểu đường, và tất cả chúng tôi đều lo lắng cho cô ấy.

Vào đầu tuần đó, tôi có đọc một câu chuyện trong Kim Cang Bồ Đề Hải, trong đó một người mẹ cầu nguyện với Quán Thế Âm Bồ Tát xin giúp cho con bà được khôi phục lại sức khỏe, và nguyện sẽ ăn chay trường để đền ơn.

Tôi kể lại cho mẹ tôi câu chuyện này, và hỏi bà có muốn làm giống như thế không, cầu Quán Thế Âm Bồ Tát chữa lành bệnh tiểu đường của Marjorie, và hứa ăn chay trường, để đền đáp.  Tôi nói với mẹ tôi rằng tôi không chắc chắn điều đó sẽ có kết quả … có thể sẽ không có kết quả, nhưng nếu mẹ tôi muốn, mẹ tôi có thể chỉ cần thử nghiệm, xem những gì sẽ xảy ra. Mẹ tôi đã đồng ý làm điều này… để cầu nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát giúp em tôi phục hồi khỏi bệnh tiểu đường… và tiếp tục chỉ ăn chay mà thôi.

Một tháng sau, khi em gái của tôi đi kiểm tra y tế, các bác sĩ xin lỗi, cho biết đã có một số sai lầm, và hiện tại các kết quả thử nghiệm cho thấy cô không có dấu hiệu của bệnh tiểu đường.

Tôi nghĩ mẹ tôi tin tưởng các bác sĩ, cho rằng họ đã sai lầm trong việc chẩn đoán của họ. Tôi cũng bị hoài nghi lúc ban đầu, nhưng thời gian trôi qua, tôi nghe nói quá nhiều câu chuyện truyền cảm và huyền diệu của những người nhận được những giúp đỡ kỳ diệu, và tôi thường tự hỏi, “Có thực sự là các bác sĩ chẩn đoán sai lầm, hay Quán Thế Âm Bồ Tát trả lời lòng chân thành của một người mẹ”?

A Di Đà Phật!

 

Ghi chú:

(1) Anglican: Người theo Anh giáo. Một tôn giáo truyền thống thuộc Cơ Đốc giáo bao gồm những giáo hội có mối quan hệ lịch sử với Giáo hội Anh, phần lớn gia nhập Cộng đồng Anh giáo hay Khối Hiệp thông Anh giáo (Anglican Communion). Một trong các đặc điểm là chú trọng công bằng xã hội.

Repeatedly, throughout Anglican history, this principle has reasserted itself in movements of social justice. For instance, in the 18th century the influential Evangelical Anglican William Wilberforce, along with others, campaigned against the slave trade. In the 19th century, the dominant issues concerned the adverse effects of industrialisation. The usual Anglican response was to focus on education. https://en.wikipedia.org/wiki/Anglicanism

Liên tiếp, trong suốt lịch sử Anh giáo, nguyên tắc này đã tái khẳng định trong Anh Giáo qua các phong trào về công bằng xã hội. Ví dụ, trong thế kỷ 18,  một người truyền đạo Anh giáo có nhiều ảnh hưởng là William Wilberforce, cùng với những người khác, vận động chống lại việc buôn bán nô lệ. Trong thế kỷ 19, những vấn đề chính liên quan về ảnh hưởng tác hại của việc kỹ nghệ hóa. Các quan tâm thông thường của Anh giáo là chú trọng vào giáo dục.