Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng vào tháng 4 năm 1994.  

PhatThiKhi

Khởi chư thiện pháp bổn thị huyễn,

Tạo chư ác nghiệp diệc thị huyễn.

Thân như tụ mạt tâm như phong,

Huyễn hóa vô căn vô thật tính

 

Khởi bao thiện Pháp, vốn là huyễn.

Tạo các ác nghiệp, cũng là huyễn.

Thân như đống bọt, tâm như gió.

Huyễn hóa không rễ, không thực tính.

 

 

Bài kệ truyền Pháp của Đức Phật Thì Khí, vị Phật thứ hai trong bảy vị Phật đời quá khứ, nói rằng:

Khởi bao thiện Pháp, vốn là huyễn. Quý vì có nghĩ rằng các niệm thiện và hành vi thiện của quý vị đều là thật? Chúng đều là huyễn. Hành vi thiện cũng là giả, quý vị đừng nên bám chấp vào chúng. Chúng đều là huyễn.

Tạo các ác nghiệp, cũng là huyễn. Tất cả những nghiệp ác chúng ta gây tạo cũng là già huyễn, không có hình tướng.

Thiện pháp là huyễn, và ác pháp cũng là huyễn.. Tại sao quý vị lại dụng công trong huyễn hóa mà không dụng công trong đạo lý chân thật? Chúng ta không nên chấp trước và nghĩ rằng: “Tôi làm từ thiện, làm việc thiện.” Việc thiện và việc ác đều là hư huyễn. Chúng không có gì là chân thật cả.

Thân như đống bọt, tâm như gió. Thân này cũng là giả, chỉ như bọt bóng. Quý vị thấy bọt nước ngoài biển, nhưng khi quý vị sờ đến, thì nó biến mất. Tâm như gió thổi. Sau khi gió thổi thì không còn.

Huyễn hóa không rễ, không thực tính. Chúng không có gốc rễ, quý vì không thể tìm ra gốc rễ. Gốc rễ của tâm là gì? Gốc rễ của thân là gì? Quý vì không tìm ra chúng. Không có cái gì thật tại, cũng không có thật tướng. Tại sao quý vị phải bám vào chúng?

Do đó, bài kệ truyền pháp này bảo chúng ta bỏ đi cái thấy về mình (ngã kiến), cái thấy về tâm (tâm kiến), và tất cả cái thấy phiến diện (biên kiến).

Quý vị không thấy là mình điên rồ sao khi bám chấp vào những cái không thật như thế?

Trong việc tu hành, nếu quý vì có thể thấy thân này là giả và tâm là huyễn, thì lúc đó quý vị sẽ không có chấp trước gì cả. Chúng ta sẽ không có cái ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến; cũng không có tướng tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Chỉ vì chúng ta không thấy chúng là không, chúng ta mới có tất cả các thứ đó. Nếu chúng ta có thể xem chúng tất cả đều là không, thì sẽ không còn tướng nào cả, ngay cả cái tự kỷ (ngã) cũng không có. Như vậy làm sao có tướng người, tướng chúng sanh, thọ giả tướng? Tất cả đều là phân biệt do chúng ta tự tạo ra!

Những bài kệ truyền pháp của mỗi vị trong bảy vị Phật đều nhằm phá bỏ sự chấp trước về thân và tâm của chúng ta. Nếu chúng ta không có sự bám chấp vào thân và tâm thì chúng ta có thể hiểu được Phật pháp.

Dầu quý vì có đọc bao nhiêu Kinh đi nữa, dầu niệm danh hiệu Phật nhiêu bao nhiêu lần đi nữa, hoặc dầu lạy Phật nhiều bao nhiêu đi nữa, nếu quý vị vẫn còn bám chấp vào túi da hôi thối này, thì quý vị không hiểu được Phật pháp. Do đó, trong việc học Phật pháp, quý vị nên học điều căn bản. Đừng chú trọng trên bệ mặt như là cầu Phật gia hộ. Đức Phật sẽ không bảo hộ quý vị! Quý vị phải tự mình bảo hộ lấy mình. Nếu quý vị lạy Phật, tin Phật, và niệm danh hiệu Phật thì dầu quý vị không có được cảm ứng nào cả, quý vị cũng đang được bảo hộ; bởi vì những hạt giống thiện lành sẽ không bị hư hoại đi, và những hạt giống xấu ác sẽ không nẩy mầm tăng trưởng. Vì vậy, khi chúng ta học Phật , nếu chúng ta không nắm được các đạo lý căn bản của Phật giáo, chúng ta vẫn thấy thân và tâm đều có thật, thì chúng ta vẫn không hiểu Phật pháp.