Chinese and English 1 Chinese and English 2 | Vietnamese

 

Kho Tàng Giới Luật Vô Tận

Trích bài nói chuyện của Tỳ Kheo Ni Hằng Trì tại Hội In Kinh Phật Giáo Pháp Giới (法界佛教
印經會 – Pháp Giới Phật Giáo Ấn Kinh Hội) ở Đài Bắc. Ngày 2 tháng 6 năm 2012

Trích từ Nguyệt san Vajra Bodhi Sea (Kim Cang Bồ Đề Hải), số 517, trang 24-25; số 518, trang 27-29

 

Trong Phật giáo, chúng ta không chỉ cần nghiên cứu Kinh điển mà còn phải dành thời gian để thực hành. Chúng ta phải thiền tập. Chúng ta không chỉ nói về thiền mà chẳng thực hành gì. Phải dành thời gian để thiền. Thế thì làm sao còn thời gian để nghiên cứu những thứ khác được?

Những thứ khác mà tôi nói đến là các liệu pháp cảm ứng, chữa bệnh bằng nhân điện, thuật truyền năng lượng. Đây là những kỹ thuật sử dụng tay để chữa bệnh. Một phần bàn tay sẽ chạm vào cơ thể. Tất cả các kỹ thuật này đều khám phá quá khứ của quý vị sâu xa. Một vài người thực hành các liệu pháp này không những họ biết chữa lành bịnh mà họ còn biết trù ếm người khác vì thật ra những khả năng như thế đều liên hệ với nhau. Dù họ là người trong gia đình quý vị hay không có liên hệ nhưng có những khả năng đó, nếu nghe họ nói chuyện, quý vị sẽ biết phạm vi gây hại nằm trong phạm vi chữa lành. Giờ đây nếu quý vị muốn học theo những người đó, quý vị có thực sự biết mình sẽ học những gì không? Có thể quý vị biết rằng người thực tập sẽ chữa lành cho mình. Quý vị có biết họ có thể sẽ yểm bùa mình hay không? Vì vậy dù những lãnh vực đó có vẻ thú vị thì tốt nhất là hãy cẩn thận và giữ mình trong khi gặp họ.

So với tôi, Tỳ Kheo Ni Hằng Vân là người thận trọng hơn. Tuy nhiên, khi lớn tuổi thêm, tôi đã thận trọng hơn xưa. Khi còn trẻ, tôi bốc đồng hơn. Còn Tỳ Kheo Ni Hằng Vân thì không bao giờ bốc đồng!

Chúng ta đang thảo luận về việc không thọ nhận các giới của ngoại đạo (1). Nếu quý vị một mặt là Phật tử mặt khác lại tham gia vào một số khoá thực hành tâm linh hay những thứ tương tự rồi quay về Phật giáo, đem theo những gì học được, thế thì hãy nói cho tôi biết, nó có ích lợi gì? Có thể những kinh nghiệm đó khiến quý vị trở nên ít sáng suốt hơn không? Vì vậy tôi muốn là một người thận trọng thì hơn; tôi không đọc những sách vở khác – dù là cổ hay kim. Tôi thậm chí không đọc kinh sách Phật giáo viết bằng tiếng Anh. Tại sao? Vì tôi cảnh giác với việc đó. Tôi đã học được từ những chỉ dạy của Hòa thượng Sư phụ (Tuyên Hóa) rằng tôi là kẻ đang ngủ mơ, rằng tôi đang khởi vọng tưởng. Nếu đi theo những lời dạy của ngài, tôi biết đó là những lời xuất phát từ trí huệ của ngài và sẽ giúp tôi hiểu được Phật giáo. Và quan điểm của ngài đối với những vấn đề này là gì? Ngài nói rằng nếu chúng ta tham gia quá nhiều các cuộc gặp gỡ, các hoạt động khác, các bài thực hành khác thì sợ rằng chúng ta sẽ bị hồ đồ mê muội.

Tôi không biết điều mình nói có phù hợp với các cư sĩ không. Nhưng tôi thấy rằng tất cả quý vị là những người thành tâm, quý vị thường đến đây, nên tôi sẽ nói. Chúng ta không có nhiều thời gian. Thời gian thì có hạn. Chúng ta nên học Phật pháp nhiều hơn. Nếu được, hãy hành thiền và lạy Phật nhiều hơn. Lạy Phật là một môn thể dục tuyệt vời!

Thiền tập. Hãy tập trung tư tưởng vào việc tập thiền. Nếu không, ngay cả khi ngồi thiền mỗi ngày thì trình độ của quý vị vẫn vậy – quý vị sẽ không tiến sâu hơn. Cần phải có chánh tư duy và chánh kiến. Nếu quý vị có thể không chấp trước và không gặp phiền phức, thì nhờ đó quý vị sẽ kinh nghiệm được lợi ích của thiền định. Thiền rất thú vị!

Và chúng ta phải học theo người có chánh tư duy và chánh kiến. Nếu không, người khác sẽ mang đến cho chúng ta nỗi sợ hãi rất dễ dàng. Chẳng hạn có người nói “Kiếp trước, tôi là một người như thế … như thế …” hay “Nếu anh không cẩn thận, một số chuyện sẽ xảy ra …” Rất dễ để trí tò mò của quý vị khởi lên và nghĩ “Ồ, người đó biết những chuyện đó. Ông ta biết mình là người như thế này như thế kia trong kiếp trước”. Nhưng nếu người đó không thanh tịnh và thiếu đức hạnh, thì quý vị sẽ dễ dàng bị họ điều khiển. Một khi vào cảnh giới đó, quý vị sẽ không dễ thoát ra.

Vì vậy tốt hơn hết là hãy lựa chọn một số cách thực hành Phật giáo mà quý vị muốn thực hành, hay quyết định điều gì quý vị muốn học trong những giáo lý nhà Phật và quý vị có thể chắc là sẽ không lầm đường lạc lối. Một khi bắt đầu nghiên cứu, lúc đó quý vị có thể nhận biết điều gì đang diễn ra và nhận thức được: “Chuyện đó có vẻ không đúng. Đúng ra, Phật giáo đã giải thích nó như vầy… như vầy…”

Hòa Thượng nói rằng: “Những Bồ Tát tu Vô Tận Tạng không bám chấp vào Thân Kiến, Biên Kiến, Giới Cấm Thủ Kiến, Kiến Thủ Kiến, Tà Kiến.”

Thân kiến (cái thấy về Thân), là sự bám chấp vào thân thể của chúng ta. Chúng ta cho rằng cái thân này là mình và mọi thứ ta có đều là sở hữu của ta.

Biên kiến (cái thấy thành kiến). Cái thấy này không thuận theo Trung Đạo. Cái thấy này rơi vào một trong hai thái cực: đoạn diệt hoặc thường hằng. Những người chấp vào đoạn diệt nói rằng khi chúng ta chết, nó giống như một ngọn đèn bị dập tắt, đó là sự chấm hết. Không còn linh hồn và cũng không có tái sinh. Người chấp vào thường hằng thì nói rằng chúng sinh nào làm người trong kiếp này thì kiếp sau và những kiếp sau nữa vẫn làm người. Họ sẽ không làm súc sanh. Người thì sẽ mãi là người. Đó là sự bám chấp vào thường hằng.

Giới cấm thủ kiến (cái thấy về giới sai lầm). Người nào có cái thấy này sẽ lấy những gì không phải nguyên nhân làm nguyên nhân. Giống như những giáo phái ở Ấn Độ tự chế ngự mình để làm theo hành vi của loài bò, hay chó. Họ học cách làm của loài bò và loài chó.

Kiến thủ kiến (cái thấy bám chấp). Người có kiến này lấy cái không phải kết quả làm kết quả. Những người này chấp vào những cái chấp. Cái chấp của họ bám vào những cái chấp khác rất mãnh liệt. Những người có loại cái thấy này đều là những kẻ cống cao ngã mạn.

Cuối cùng là tà kiến (cái thấy sai lầm).

Thế nào là giới không tham cầu ? Bồ-Tát này chẳng biểu hiện tướng lạ (bất hiện dị tướng), hay lộ ra mình có đức, chỉ vì viên mãn Pháp xuất ly mà trì giới.

Hòa Thượng nói rằng: “Bồ tát trì giới chính vì trì giới. Họ không hành động biểu lộ như một người đặc biệt hay tỏ ra là người có đạo hạnh, tu hành”.

Lấy thí dụ như có ai đó đồng ý mang thuốc đến cho quý vị, nhưng rồi quý vị lại từ chối mở cửa khi họ đến. Nhưng cái này thậm chí còn đi xa hơn, bao gồm việc tỏ ra cho thấy có phong cách đặc biệt – thường là do người đó hy vọng được cúng dường, nếu không là tiền thì là được sự trọng vọng. Làm một điều gì đó đặc biệt để hy vọng người khác sẽ nghĩ mình có công phu tu hành, là kẻ phi thường. Như vậy gọi là “thể hiện mình đặc biệt”

Những người xuất gia chúng ta phải hết sức cẩn thận với điều này. Đôi khi có người nói với tôi rằng “Sư Cô quả là Bồ Tát tái thế!” Quý vĩ sẽ phản ứng với tình huống đó như thế nào? Theo giới của Tỳ Kheo Ni, ngay cả nếu một người sử dụng ngôn ngữ cơ thể (cử chỉ) để xác nhận một câu nói như thế, thì người đó đã phạm giới nghiêm trọng. Nhưng nếu có người nói “Ngài là Bồ Tát tái thế!” và người kia đáp lại là “Không, tôi không phải”. Câu đó được hiểu như một lời cầu xin câu hỏi – với cò thể hàm ý rằng ý tôi không thực sự là vậy. Nhưng nếu người đó không nói “Không, tôi không phải (là Bồ Tát) ” thì càng hàm ý rằng tôi đồng ý với câu nói đó. Cũng như Shakespeare từng nói rằng: “Me thinks thou doest protest too much” (tạm dịch: tôi nghĩ bạn phủ nhận quá nhiều) (2). Giải pháp tốt nhất là mọi người đừng nói những điều như vậy, đặt chúng ta vào một tình thế khó khăn và khiến chúng ta không biết nói gì.

Sư Cô Hằng Vân: Đó là lý do vì sao Hòa Thượng dạy rằng “ Chúng ta không nên gọi nhau là Bồ Tát”. Chúng ta hãy cố gắng thành thật trong tất cả mọi việc chúng ta làm. Hãy gọi nhau là Ưu Bà Tắc hoặc Ưu Bà Di.

Sư Cô Hằng Trì tiếp tục giảng giải: Đúng, quý vị có thể gọi nhau là sư huynh, sư tỷ. Như vậy là tốt nhất.

Thế nào là giới không lầm lỗi ? Bồ-Tát nầy chẳng tự cống cao nói tôi trì giới. Thấy người phá giới cũng chẳng khinh hủy khiến họ hổ thẹn, chỉ nhất tâm trì giới.

Thật tốt đẹp làm sao! Những người phàm phu chúng ta tạo bao nhiêu lỗi lầm, sai trái. Nhưng Bồ tát giữ giới mà không có lậu thoát. Các vị ấy giữ giới kiên cố. Các vị ấy không bao giờ mắc sai lầm. Điều đó có nghĩa rằng ngay cả khi tự giữ giới tốt đẹp, các vị ấy cũng không bao giờ chỉ trích người khác hoặc xem thường , xỉ nhục người khác – khiến họ thối thất Bồ Đề tâm.

Thế nào là không hủy phạm giới ? Bồ-Tát này dứt hẳn mười ác nghiệp, vĩnh viễn c8a1t bỏ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, lời vô nghĩa, tham, sân, tà kiến. Thọ trì trọn vẹn mười thiện nghiệp.

Họ giữ mười thiện nghiệp, không phạm giới, không mắc sai lầm. Kinh văn có giải thích chi tiết hơn cho vấn đề này.

Lúc Bồ Tát trì giới không hủy phạm tự nghĩ rằng: Tất cả kẻ phạm giới đều do điên đảo cả. Chỉ có Phật là biết được chúng sanh do nhân duyên gì mà sanh điên đảo hủy phạm tịnh giới. Tôi sẽ thành tựu vô thượng bồ đề, rộng vì chúng sanh nói pháp chân thật khiến họ rời điên đảo.

Điều này được nêu khá rõ: Vị ấy có thể tự giữ giới tốt đẹp. Nhưng khi nhìn thấy ai đó không thể giữ giới, thậm chí đôi khi phạm sai lầm, hay phạm giới, thậm chí phá giới, vị ấy không chỉ trích người đó. Thay vì như vậy, vị ấy nghĩ: đó là bởi người đó bị điên đảo, và chỉ có Phật mới thực sự hiểu tại sao người đó điên đảo như vậy. Vì thế, ta không dám khởi vọng tưởng về việc người đó điên đảo như thế nào. Và nếu người đó phạm giới, ta không biết tại sao người đó điên đảo. Tất tả những gì ta có thể tự nhủ là “Ồ, ta phải tiếp tục không phạm giới và cuối cùng sẽ thành tựu. Khi thành tựu, ta có thể quay trở lại và hiểu tại sao người đó bị điên đảo. Ta sẽ có thể giúp anh ta”. Vì thế, vị ấy đã làm một việc lớn, đó là giữ tâm niệm mình thanh cao.

Ðây gọi là đại Bồ Tát tàm tạng thứ hai.

Trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm Đề Bà Đạt Đa, Hòa Thượng giảng giải mười lợi ích của việc giữ giới. Và trong kinh Hoa Nghiêm, mỗi điều thứ hai trong mỗi danh sách mười loại – chẳng hạn như Trụ thứ hai, Hạnh thứ hai, Địa thứ hai – đều bàn luận về giới hoặc mô tả hành vi nào chúng ta nên có hoặc nói cho chúng ta biết làm thế nào để trưởng dưỡng đức hạnh. Nếu quan tâm đến giới luật, quý vị có thể đọc những đoạn đó. Địa thứ hai trong kinh Hoa Nghiêm giải thích các giới rất rõ ràng về mười thiện pháp và nêu ra những quả báo của việc phạm giới. Có thể quý vị đều đã từng đọc rồi.

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt ngữ:

(1) Giới cấm thủ: sīlavata-upādāna (grasping of rules and customs): Chấp thủ các giới cấm ngoại đạo – không phải giới luật của bậc Thánh.

(2) Câu trong vở kịch Hamlet của văn hào William Shakespeare http://www.bardwords.org/famous-shakespeare-quotes/methinks-thou-dost-protest-too-much.htm  “Me thinks thou doest protest too much” –  tôi nghĩ bạn phủ nhận quá nhiều – ý nói càng phủ nhận thì người nghe càng tin ngược lại. Xin xem thêm http://en.wikipedia.org/wiki/The_lady_doth_protest_too_much,_methinks