Chinese | Vietnamese

 

ven_master3

GIẢI THÍCH SƠ LƯỢC  

KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

Tam tạng Sa Môn Thực Xoa Nan Đà người nước Vu Điền dịch vào đời Đường. 

Tuyên Hóa Thượng Nhơn chùa Vạn Phật Thành Hoa Kỳ giảng thuật năm 1975 giảng tại Chùa Kim Sơn Thiền Tự, San Fransisco. 

cttbbl.jpgHayTha2.jpg

 


book Phẩm Hiền Thủ  

Quyển thứ 12 — phần thượng.  


LỜI NÓI ĐẦU

Hiền tức là thánh hiền. Sao gọi là thánh hiền? Thánh hiền là người mà từng giờ từng phút thường tự soi tâm mình, không khởi vô minh phiền não, cũng chẳng khiến người khác sanh khởi vô minh phiền não; chính là muốn làm cho nghiệp chướng của mình rỗng không, muốn chiếu soi phá trừ nghiệp chướng của chính mình và không làm cho người khác tăng thêm nghiệp chướng. Cho nên nói: Những gì mình không muốn thì chớ trao cho người (Kỷ sở bất dục, vật thí ư nhân)

[1]. Việc gì chính mình không muốn thì chớ có đem đến cho người khác; đi, đứng, nằm, ngồi đều phải tự soi lại bản tâm, xem xét lại những việc mình đã làm, giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh tịnh, cho nên nói: Thể tánh chí thuận. Thể chính là bản thể của mình, tánh chính là diệu tánh quang minh của mình; chí thuận chính là chí cực tối thuận, là chẳng trái với tất cả Lý, cũng chẳng trái với tất cả Pháp, nhất cử nhất động đều hợp với Phật pháp, hợp với chânlý, tuyệt đối không cản trở người khác tu hành, cũng chẳng gây trở ngại sự tu hành của chính mình. Đây gọi là Hiền nhi hữu đức (hiền mà có đức). Quý vị có hiền thì sẽ có công đức; nếu không hiền thì không có công đức. Quý vị suốt ngày chỉ khiến người khác phiền não bực bội thì chẳng có công đức gì đâu. Quý vịgây trở ngại sự tu hành của người khác, thì người khác cũng sẽ cản trở quý vị tu hành, đây chính là nhân thế nào thì quả thế nấy. Cho nên, nếu có người gâytrở ngại quý vị thì quý vị nên tự soi lại tâm mình rằng: “Ồ! Có lẽ trước kia tôi đã từng làm trở ngại người này, cho nên bây giờ anh ta đến làm thiện tri thức của tôi, trở ngại lại tôi”. Lúc này, quý vị phải dùng tâm nhẫn nhục để xử lý tình huống, chớ dùng tâm cứng cỏi mạnh mẽ, sinh ra sự đối địch qua lại.

Trên thế giới này, vì giữa con người với con người thường đối địch lẫn nhau, cho nên mới có chiến tranh, tai ách, tạo thành ác kiếp, tai kiếp. Người tu đạo chúng ta, bất luận là ai, đều phải tự xem xét mọi cử chỉ hành vi của mình, thường xuyên xem xét chính mình, không nên dòm ngó người khác; đi, đứng, nằm, ngồi đều chẳng rời bản tâm, bất luận đi, đứng, nằm, ngồi đều phải soi rọi lại tự tánh của mình. Đây gọi là Khéo điều phục thân tâm. Người nào hay khéo điều phục thân tâm thì gọi là bậc Hiền.

Sao gọi là Thủ? Thủ ở đây hoàn toàn chẳng phải nói rằng, tôi tranh mạnh, luận thắng, áp đảo người khác để làm đệ nhất. Không phải như thế! Thủ ở đây phải có một đức hạnh thù thắng kiết tường. Đức hạnh thù thắng kiết tường này siêu tuyệt, người khác làm không được, mà ta lại làm; điều mà người khác không thể tu, mà ta lại tu. Đức hạnh thù thắng kiết tường này chính là đức hạnh mà người khác không thể làm, ta lại làm. Không phải xô đẩy, áp đảo người khác để ta hơn, mà phải dùng đức hạnh để chinh phục người, chứ không phải dùng sức mạnh để thu phục người; phải dùng đức hạnh để khiến người khác bội phục, chứ không phải dùng thế lực để áp đảo người khác, khiến họ phục tùng, cho nên mới gọi là Siêu tuyệt. Siêu tuyệt chính là đức hạnh vượt hơn người, người khác không có đức hạnh này mà chỉ quý vị có thì mới gọi là Thủ.

Vị bồ-tát Hiền Thủ này trội hơn các bồ-tát khác, đức hạnh thù thắng kiết tường hơn so với các bồ-tát khác. Kiết tường chính là không có phiền não, không có sân giận, không có vô minh. Phải là không có phiền não, không có sân giận, không có vô minh một cách chân chánh mới được, không phải trong đầu vừa có phiền não, vừa có vô minh, vừa có tâm sân giận, vừa có tâm ganh ghét, nhưng mang một cái mặt giả, mà cố ý ngụy trang lương thiện, thì đây không phải làThủ, mà chỉ là giả dối. Là giống như cái gì? Giống như ông hổ mang chuỗi hạt, giả dạng người hiền lương, để những con thú khác lầm rằng: Ồ! Ông hổ này mang chuỗi hạt, ắt ông ta đã tin Phật rồi, chắc lần này ông ta không làm hại gì đến chúng ta đâu. Lúc ấy, thỏ con chạy ra, chạy quanh núi rồi chạy đến chỗ ông hổ, muốn làm bạn với ông ta. Nó thầm nghĩ: Ông hổ biết niệm Phật rồi, chắc mình có thể kết bạn với ông ta. Thỏ con cười cười chạy qua trước mặt ông hổ, vì nghĩ rằng có thể đùa giỡn với ông hổ. Nào ngờ! Ông hổ há miệng một cái, lập tức nuốt chửng chú thỏ vào bụng. Thỏ vào đến bụng ông hổ thì khóc lóc nói:Trời! Tôi thật không biết ông đeo chuỗi này là để giả mạo người hiền lương! Cho nên chúng ta chớ nên như vậy, mà phải làm một vị Hiền Thủ chân chánh.

Nói về bồ-tát, bồ-tát là người làm lợi cho người, không phải ích kỷ tự lợi cho mình, việc gì có lợi cho người thì làm ngay, quên cả bản thân, chẳng màng đến lợi ích cho mình. Cho nên, người phát tâm bồ-tát, hành đạo bồ-tát là người làm lợi cho người khác, chẳng tính toán điều gì cho mình, quên cả bản thân, bỏ mình vì người.

Trong phẩm này, bồ-tát Văn-thù-sư-lợi và bồ-tát Hiền Thủ dùng rất nhiều đạo lý vấn đáp qua lại, văn trong phẩm thứ 12 này có rất nhiều rất nhiều kệ tụng.Đây cũng là một phẩm rất quan trọng trong kinh Hoa Nghiêm.


[1] 「己所不欲,勿施於人」Đây là câu nói rất nổi tiếng của Đức Khổng Tử khi hỏi về cách xử thế giữa người với người.

Tử Cống hỏi: “Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?”
Khổng Tử đáp: “Có lẽ là chữ Thứ (
)* chăng? Những gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình chớ thi hành cho người?”
(Luận Ngữ)
.

* Điều mình không muốn đừng bắt người phải chịu thì gọi là Thứ .


 

Kệ khai kinh

 

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu

Con nay nghe thấy chuyên trì tụng

Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu

 I. VĂN THÙ HỎI

 

I.1 LỜI NGƯỜI GIẢNG KINH

Lúc bấy giờ, bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói về công đức rộng lớn của hạnh thanh tịnh không trược loạn xong, vì muốn trình bày rõ công đức của tâm bồ-đề nên dùng kệ hỏi bồ-tát Hiền Thủ rằng:

Đoạn văn này tiếp sau phẩm Tịnh Hạnh. Nội dung phẩm Tịnh Hạnh nói về công đức rộng lớn của hạnh thanh tịnh không trược loạn của Đức Phật. Thuở xưa, Đức Phật tu tập không có trược loạn. Trược tức là ô trược, không sạch sẽ; loạn chính là tán loạn.

Những gì là ô trược? Đó là phiền não, vô minh, tham, sân, si. Nếu quí vị cố ý gây chướng ngại người khác tu đạo thì cũng gọi là ô trược. Cho nên trong phẩm Tịnh Hạnh, mỗi hành vi, mỗi cử chỉ đều cầu cho chúng sinh có được lợi ích nào đó, có được những điều tốt lành nào đó, có được công đức nào đó, hoàn toàn chẳng có mong cầu gì cho bản thân. Người tu đạo, việc đầu tiên là phải lìa bỏ tâm ích kỷ, nếu như còn tâm ích kỷ thì quí vị chẳng được chút công đức nào cả đâu. Muốn làm được việc đó, trước tiên quí vị phải dẹp trừ bản ngã, hễ còn bản ngã thì còn ích kỷ, hết bản ngã thì ích kỷ cũng chấm dứt. Cho nên mấy ngày trước, tôi đã giảng về tính chất quan trọng của tâm không ích kỷ, điều mà mỗi người cần phải biết.

Người xuất gia phải biết tôn kính thầy, quí trọng đạo, phải đặc biệt xem trọng đạo, không nên khinh thầy chê pháp. Tôn trọng sư trưởng, đối với thầy thì đương nhiên cần tôn trọng, nhưng còn với sư huynh xuất gia trước ta, ta cũng phải tôn trọng. Trong đạo tràng, người không làm chức sự phải tôn trọng người làm chức sự, không được tùy tiện, cống cao, ngã mạn. Cho nên nói “Đạo có trước sau” tức là có người vào đạo tu trước, có người vào đạo tu sau. Người vào đạo sau phải biết tôn trọng người vào đạo trước. “Đức có dày mỏng” tức là có người có đức hạnh sâu dày, có người thì đức hạnh cạn mỏng. Thế nên, chúng ta phải tôn trọng người có đức hạnh, đồng thời tự mình cũng phải vun bồi đức hạnh.

Tỳ-kheo ni phải hành trì bát kỉnh pháp, tôn trọng cung kính tỳ-kheo, không được khinh khi tỳ-kheo, cũng đừng tỏ thái độ không tuân thủ phép tắc. Sa-di cũng cần phải tôn trọng tỳ-kheo, nhất cử nhất động phải cung kính, vâng theo sự chỉ dạy của tỳ-kheo. Sa-di ni phải nghe theo lời dạy bảo của tỳ-kheo ni. Nếu sa-di ni không nghe lời dạy của tỳ-kheo ni, thì chắc chắn không thể nào ở chung (với chúng) được, mà phải bị trả về với thế tục. Chớ nói rằng tự mình muốn hoàn tục, dù quí vị không muốn cũng buộc quí vị phải hoàn tục, vì quí vị chẳng chịu giữ phép tắc, chẳng chịu sống theo tinh thần hòa hợp của người tu đạo. Giả như làm sa-di ni mà không giữ gìn phép tắc thì đến lúc làm tỳ-kheo ni thật là nguy hại. Cho nên, người làm sa-di ni nếu cảm thấy không kham nổi việc giữ gìn phép tắc thì hãy mau hoàn tục, không cần phải khách sáo.

Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cũng cần phải tôn trọng Tam Bảo, cần cung kính người xuất gia. Nhất là người muốn xuất gia, không được có tâm không khâm phục, không cung kính đối với tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo ni, sa-di, sa-di ni. Điều này chúng ta đều phải biết. Quí vị biết điều này thì hạnh tu của quý vị thanh tịnh, bằng không thì hạnh tu của quý vị sẽ trược loạn. Hạnh trược loạn thì quý vị không thể ra khỏi ba cõi, mà rất dễ đọa địa ngục. Thế nên, nội dung của phẩm này là nói lên công đức của tâm bồ-đề, nếu quý vị cứ mãi trược loạn, nhiễm ô thì sẽ  chẳng có chút công đức nào đâu.

Lúc bấy giờ tức là thời gian sau khi nói xong phẩm Tịnh Hạnh, bắt đầu nói phẩm Hiền Thủ. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi là một vị bồ-tát lớn trong hàng bồ-tát.  Vì ngài đã hành đạo bồ-tát trải qua thời gian rất dài, đã thông suốt rõ ràng tất cả đạo lý, cho nên ngài mới nói về công đức rộng lớn của hạnh thanh tịnh không trược loạn xong: Ngài nói phẩm Tịnh Hạnh. Người xuất gia chúng ta nhất định phải hiểu rõ phẩm Tịnh Hạnh. Phẩm Tịnh Hạnh là mỗi hành vi, mỗi cử chỉ đều vì chúng sinh, đều vì lợi ích cho chúng sinh, tự lợi lợi tha, tự giác giác tha. Không trược loạn chính là thanh tịnh, không thanh tịnh chính là trược loạn. Quý vị có tu hạnh thanh tịnh thì mới có công đức rộng lớn; bằng ngược lại không tu hạnh thanh tịnh thì sẽ chẳng có công đức rộng lớn. Công đức rộng lớn này chính là không làm cho chúng sinh phiền não, không làm cho bạn bè phiền não, không làm cho người tu đạo phiền não.

Đoạn văn này là do người kết tập kinh tạng nói, để tiếp theo đoạn trước. Vì muốn hiển thị công đức của tâm bồ-đề: là mở đầu của đoạn văn sau. Phần trên của phẩm Tịnh Hạnh đã nói về hạnh thanh tịnh không trược loạn, cũng là công đức rộng lớn; phần này trình bày rõ về công đức phát tâm bồ-đề, và phải làm thế nào để phát tâm bồ-đề. Cho nên dùng kệ hỏi bồ-tát Hiền Thủ rằng: bồ-tát Văn-thù-sư-lợi liền dùng kệ tụng đến hỏi bồ-tát Hiền Thủ.

 

I.2. BÀI KỆ BỒ TÁT VĂN THÙ HỎI     

Nay tôi đã vì chư Bồ tát

Nói hạnh thanh tịnh Phật đã tu

Ngài cũng nên ở trong hội này

Diễn đạt tu hành công đức lớn.

 

Nay tôi đã vì chư bồ-tát: Tôi là từ bồ-tát Văn-thù-sư-lợi tự xưng. Hiện tại tôi đã vì các vị bồ-tát lớn Nói hạnh thanh tịnh Phật đã tu: tức là hạnh môn thanh tịnh của tất cả chư Phật trong ba đời ở khắp mười phương, thuở xưa, khi còn ở nhân địa đã tu hành thì tôi đã nói hết rồi. Ngài cũng nên ở trong hội này: Ngài, là chỉ bồ-tát Hiền Thủ. Nhân giả! Ngài cũng nên ở trong pháp hội này Diễn đạt tu hành công đức lớn: đem pháp môn tu hành đạt được công đức thù thắng nói một cách rõ ràng, tức là tu hành thế nào mới được công đức thù thắng, tu hành thế nào mới phát triển tâm bồ-đề, tu hành thế nào thì công đức rộng lớn của tâm bồ-đề được viên mãn?

*   *   *

Trước đây, chùa Kim Sơn quy định người xuất gia trước thì xếp đứng trước, người xuất gia sau thì xếp đứng sau. Trải qua năm năm khảo nghiệm thì không phải người xuất gia trước được xếp đứng trước nữa, mà là xem ai có cống hiến đối với đạo tràng, quản trị công việc không ngại khó khăn, tận tâm dốc sức làm, ủng hộ đạo tràng, đồng thời bên trong có sự tu tập, bên ngoài có hành trì thì xếp ở trước. Vì mới xuất gia không thể biết ai là người chân tu thật học, nên để người xuất gia trước làm lãnh đạo. Qua năm năm khảo nghiệm, xem ai là người có tâm biết trách nhiệm, ai là người biết nhận thức rõ đối với việc tu đạo, đồng thời có công với đạo tràng thì sẽ xếp đứng trước. Nếu ai đã hoàn tục mà trở lại xuất gia thì cũng được chấp nhận nhưng phải chịu xếp đứng sau.

Nếu người nào được Đạo tràng cử đi Phật sự, đến ở một nơi nào đó (một thời gian), sau khi xong việc trở về, vẫn được xếp đứng trước, còn nếu mình tự ý đi ở một nơi khác, khi trở về phải chịu xếp đứng sau, là tỳ-kheo thì xếp sau tỳ-kheo, tỳ-kheo ni thì xếp sau tỳ-kheo ni, sa-di thì xếp sau chót sa-di, sa-di ni cũng vậy. Cho nên nếu ai không chịu giữ gìn phép tắc, vốn được xếp đứng trước thì một lúc nào đó phải chịu xếp đứng sau.

 

II.CHI TIẾT VỀ BỒ TÁT HIỀN THỦ

II.1 NÊU CHUNG

Bấy giờ, bồ-tát Hiền Thủ dùng kệ đáp rằng:

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi dùng kệ tụng thỉnh hỏi bồ-tát Hiền Thủ. Hai vị đại sĩ này hỏi đáp qua lại cũng chính là nói pháp bằng cách đối đáp nhau cho chúng sinh nghe, vì chúng sinh mà thay nhau thỉnh pháp. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi là bậc trí năng đệ nhất. Vì sao gọi ngài là bậc trí năng đệ nhất? Vì ngài khéo học bát-nhã, khéo nói bát-nhã và lại khéo hỏi bát-nhã. Bát-nhã chính là trí năng. Bồ-tát Hiền Thủ là bậc thắng đức đệ nhất, tức là có đức hạnh thù thắng. Ngài dùng đức hạnh thù thắng đáp lại câu hỏi của bậc đại trí năng. Cho nên Bấy giờ, bồ-tát Hiền Thủ dùng kệ đáp rằng: tức là dùng kệ đáp lại những điều bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã hỏi.

 

II.2 NÊU RÕ LỜI KỆ

II.2.1 PHẦN KHEN NGỢI (gồm bốn bài kệ)

Lành thay xin Ngài lóng nghe đây

Những công đức đó chẳng lường được

Nay tôi tùy sức, nói ít phần

Như một giọt nước trong biển lớn.

 

Lành thay xin Ngài lóng nghe đây: hay thay tức là rất tốt, rất tốt! Bậc đại sĩ nhân từ với tất cả chúng sinh. Ngài đã hỏi tôi, vậy thì hãy thay tất cả chúng sinh mà nghe cho kỹ những lời tôi đáp!

Những công đức đó chẳng lường được: công đức của tâm bồ-đề thật vô lượng vô biên, không sao biết được có bao nhiêu. Tuy vậy, Tôi tùy sức mình nói phần nhỏ: tôi dùng sức lực trí năng có hạn của mình nói được phần nhỏ thật nhỏ. Phần nhỏ này ví như cái gì? Như một giọt nước trong biến lớn: nước trong biển cả thì mênh mông vô lượng vô biên mà sức tôi chỉ có thể nói được một giọt công đức của tâm bồ-đề.

 

Nếu có Bồ tát sơ phát tâm

Thệ cầu sẽ chứng Phật Bồ đề

Công đức của kia không ngằn mé

Không thể cân lường, chẳng gì sánh.

 

Nếu có bồ-tát phát tâm: nếu có tức là vốn không có, vậy nay nếu có. Bồ-tát sơ phát tâm cũng chính là người mới bắt đầu tin Phật, phát tâm bồ-tát, muốn hành đạo bồ-tát. Khi bồ-tát mới phát tâm, trước tiên phải quy y Tam bảo, tức là quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng. Quy y Phật không đọa địa ngục; quy y pháp không đọa ngạ quỉ; quy y tăng không đọa bàng sinh, không làm súc sinh. Ba quy y này là điều kiện bắt đầu tin Phật. Sau đó, vị ấy lại phải thọ trì năm giới:

  1. Không sát sinh.
  2. Không trộm cắp.
  3. Không tà dâm.
  4. Không nói dối.
  5. Không uống rượu.

Thọ năm giới rồi, nếu vị ấy giữ gìn nghiêm túc thì không phạm giới. Trong năm giới này, mỗi một giới đều có năm vị thiện thần ủng hộ, tổng cộng có hai mươi lăm vị thiện thần theo ủng hộ quí vị, khiến quí vị gặp hung hóa kiết, gặp khó khăn thành tốt lành. Nhưng quí vị phải giữ giới, nếu mỗi thời mỗi khắc không phạm giới thì hai mươi lăm vị thiện thần hộ pháp này mới thường thường bảo hộ quí vị được.

Không phải với ai, quý vị cũng có thể thọ tam quy được, mà phải cầu thọ trước chư tăng, vì chư tăng là người xuất gia, còn người tại gia không thể truyền tam quy. Quy y Phật chính là quy y tất cả chư Phật ở mười phương ba đời; quy y pháp chính là quy y tất cả tôn pháp, ba tạng mười hai bộ mà Phật đã nói; quy y tăng chính là quy y tất cả hiền thánh tăng, cũng chính là người xuất gia. Không thể quy y người tại gia, vì họ không phải là Tam bảo, việc này mọi người đều phải biết.

Ở nước này có rất nhiều người không hiểu Phật pháp, đi quy y kẻ tại gia. Đây là điều không hợp với pháp. Sau khi quy y Tam bảo thì đã là đệ tử Phật, nếu không quy y Tam bảo thì không phải là đệ tử Phật.

Trong Phật giáo, không hẳn ai đầu trọc cũng được xem là người xuất gia, hoàn toàn không phải như vậy! Ai cũng đều có thể cạo đầu, nhưng cần phải thọ mười giới sa-di, hai trăm năm mươi giới tỳ-kheo, ba trăm bốn mươi tám giới tỳ-kheo ni, mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh của bồ-tát, sau khi đã thọ xong những giới pháp này mới được xem là người xuất gia. Chẳng phải thọ năm giới là xong, mà phải thọ mười giới làm sa-di, thọ hai trăm năm mươi giới làm tỳ-kheo, lại thọ mười giới trọng, bốn mươi tám giới khinh, đây mới chỉ là bồ-tát mới phát tâm. Tuyệt đối không được dùng mắt cá làm trân châu, rồi cho rằngmắt cá lẫn trân châu. Đây là điều sai lầm.

 

Bồ-tát mới phát tâm không nhất định phải là vị bồ-tát hoàn hảo, mà họ là người mới bắt đầu đi trên con đường hành đạo bồ-tát. Mới phát tâm thì cũng như gieo hạt xuống đất, vừa mới nảy mầm. Mới nảy ra một mầm bồ-đề, thì không thể cho rằng đây là một vị bồ-tát đã thuần thục. Vì vị bồ-tát này chưa trưởng thành, chưa trải qua thời gian tu tập đến thành tựu. Tất cả chúng ta không chỉ là bồ-tát mà ai cũng đều có thể thành Phật, chỉ cần chịu tu hành thì người nào cũng đều thành Phật. Thế nên, có người vừa mới phát tâm bồ-tát thì lại thoái lui, đây chính là làm cho mầm bồ-đề hỏng mất, biến thành mầm chết hạt hư, một khi mầm đã chết thì hạt cũng hư hoại.

Có mấy câu kệ thật hay:

Trứng cá, nại-ma-la,

Bồ-tát mới phát tâm

Nhân ba việc này nhiều

Nhưng kết quả rất ít.

Loài cá đến mùa xuân thì đẻ trứng, trứng cá nở thành cá con. Nó đẻ trứng thật nhiều nhưng không hẳn quả trứng nào cũng nở thành cá, có trứng nở thành cá, xong cũng có trứng không thành, có trứng nở nửa chừng lại hư rồi chết. Nại-ma-la là một loại cây ăn quả, nở hoa rất nhiều, nhưng kết rất ít quả. Và bồ-tát mới phát tâm cũng rất nhiều, muốn hành đạo bồ-tát, đi trên con đường bồ-tát, nhưng không phải dễ, có lúc đang đi thì lại thoái lui. Đây là người chẳng có tâm kiên trì, chẳng chí thành, chẳng bền lòng.

Kiên là kiên cố, muốn phát tâm bồ-đề kiên cố thì không được thay đổi, lúc vầy lúc khác, như vậy là không kiên cố. Muốn có tâm chí thành, tâm chí thành tức là không vọng tưởng, nghĩ nhớ ngay hiện tại và ở đây (niệm tư tại tư)[1], mỗi thời mỗi khắc đều dụng công tu hành. Lại phải bền lòng, vì chẳng phải ta tu hành trong một ngày, hai ngày hay một tháng, hai tháng, cũng chẳng phải một năm, hai năm mà là năm này sang tháng nọ, hàng ngày, hàng giờ ta đều phải tu hành, thậm chí phải tu trong vô lượng kiếp, phải phát tâm lâu dài, như vậy mới có thể đi trên con đường bồ-tát ấy.

Cho nên, nếu có bồ-tát lúc mới phát tâm Thệ cầu sẽ chứng Phật Bồ-đề thì phải phát nguyện. Phát nguyện gì? Phát nguyện rằng: Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, ta muốn thành Phật đạo thì phải học Phật pháp. Học Phật pháp chính là Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Học Phật pháp thì trước tiên phải đoạn phiền não, cho nên Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, đoạn phiền não thì phải hóa độ chúng sinh, cho nên nói Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.Quý vị muốn thành Phật quả thì trước tiên phải hành đạo bồ-tát; muốn hành đạo bồ-tát thì trước tiên phải giáo hóa chúng sinh; muốn giáo hóa chúng sinh thì trước phải đoạn phiền não. Nếu quý vị không đoạn phiền não, chỉ học cho tính tình thêm nóng giận thì thật là sai lầm. Vậy nên, phải đoạn phiền não, phiền não thì không có cùng tận; tuy không có cùng tận nhưng ta phải biến phiền não thành bồ-đề. Pháp môn rất nhiều cũng phải học, Phật đạo vô thượng cũng phải thành. Cho nên, quý vị phải phát nguyện này, tương lai nhất định sẽ chứng đắc Phật quả, chứ chẳng phải phát nguyện như vậy, mà sẽ dễ dàng trong vài ba ngày sẽ thành Phật ngay đâu.

Công đức của kia không bờ mé: quý vị phát được bốn thệ nguyện này thì công đức của quý vị không có bờ mé, tìm không thấy bờ mé, vì nó rất nhiều, rất lớn.

Không thể cân lường, chẳng gì sánh: công đức này hoàn toàn không thể cân lường, không sao nói hết được, quý vị không thể dùng cân để cân, dùng đấu[2] để lường, cũng không có bất kỳ con số nào có thể so sánh với nó. Công đức ấy nhiều như vậy.

*   *   *

Chúng ta đang sống trong thế giới này, hết sinh rồi chết, chết rồi lại sinh. Lúc sinh, ta chẳng biết sinh thế nào, khi chết lại chẳng biết chết ra sao. Đây chính là, lúc sinh thì mơ hồ, bị vô minh ngăn che, lúc chết cũng lơ mơ, không rõ ràng. Sinh không biết sinh để làm gì, từ đâu sinh? Chết không biết chết thế nào, chết đi về đâu? Cho nên nói:

Khi sinh mơ hồ, lúc chết mê

Uổng phí khi làm một kiếp người.

Con người sở dĩ vì sao phải tu đạo? Chính là muốn lúc sinh thì biết vì sao sinh, khi chết thì biết chết ra sao. Cho nên nói “sinh thông tử suốt, sinh tử tự tại.”Chúng ta đã uổng phí mấy mươi năm cuộc đời, mình vốn không muốn chết, nhưng đến lúc buộc phải chết, thật là việc sinh tử chẳng thể định đoạt, chẳng có tự do. Cho nên càng ngày mê càng sâu, mà tu đạo thì phải không mê, bỏ mê về giác. Chúng sinh thì bỏ giác về mê, chư Phật thì bỏ mê về giác.

Pháp mà mỗi ngày tôi giảng cho quý vị nghe đều phát ra từ lòng chân thành. Mỗi người cố gắng suy nghĩ thử xem, những điều tôi đã nói là tốt cho quý vị hay tốt cho tôi? Bất luận là với ai, tôi cũng đều nói những lời pháp chân thành như thế. Tôi không muốn lừa dối quí vị. Tôi không muốn nói những điều quí vị thích nghe mà lại không có tác dụng gì. Tôi biết, có rất nhiều người không ưa nghe pháp tôi nói, những người ấy là bị nghiệp ngăn che. Nếu không bị nghiệp ngăn che, thì quý vị có thể dùng trí tuệ chân chánh để nghiên cứu đạo lý tôi đã nói, chẳng phải đúng tâm bệnh của chính quí vị đã có ư? Điểm này quý vị cần đặc biệt dụng công nghiên cứu một chút, đừng bảo thủ khuyết điểm, căn bệnh của mình, không muốn để người khác nói ra; không muốn lộ ra tức là tự quí vị đang lừa dối chính quí vị.

Huống là vô lượng vô biên kiếp

Tu đủ địa, độ, các công đức

Mười phương tất cả chư Như Lai

Ðều cùng ngợi khen chẳng hết được.

Vô biên công đức lớn như vậy

Nay tôi trong đây nói ít phần

Ví như chân chim vạch không gian

Hay như hạt bụi trên đại địa.

Hà huống vô lượng vô biên kiếp

Cụ tu địa độ chư công đức

Thập phương nhất thiết chư Như Lai

Tất cộng xưng dương bất năng tận.

Như thị vô biên đại công đức

Ngã kim ư trung thuyết thiểu phần

Thí như điểu túc sở lý không

Diệc như đại địa nhất vi trần.

 

Đây là nói hàng Bồ-tát mới phát tâm tu lục độ vạn hạnh, phát nguyện nhất định phải thành Phật, cũng tức là thành đạo quả Bồ-đề. Người như vậy có công đức nhiều vô lượng vô biên.

Huống là vô lượng vô biên kiếp: huống gì quý vị tu hành trong vô lượng vô biên kiếp, một thời gian dài như vậy, chứ chẳng phải chỉ tu trong một thời gian ngắn rồi thôi không tu nữa, tiến một bước rồi lại lùi một bước.

Tu đủ địa, độ, các công đức: đủ là đầy đủ, là ý tròn đầy, tức là quý vị tu đủ tất cả pháp môn, trong đó bao gồm pháp môn Thập địa, pháp môn Lục độ. Quý vị phải tu hành viên mãn tất cả công đức của lục độ vạn hạnh.

Lục độ là:

  1. Bố thí
  2. Trì giới
  3. Nhẫn nhục
  4. Tinh tấn
  5. Thiền định
  6. Trí tuệ

Bố thí tức là quý vị bố thí cho người chứ chẳng phải bảo người bố thí cho mình. Trì giới tức là quý vị phải tự mình trì chứ chẳng phải bảo người khác trì. Nhẫn nhục cũng vậy, quý vị phải tự mình nhẫn nhục, việc không nhẫn được cũng phải ráng nhẫn, việc không nhường được cũng phải ráng nhường. Quý vị tu lục độ thì phải căn cứ vào pháp môn này để tu hành. Tinh tấn tức là càng ngày quý vị phải càng tinh tấn hơn, không được thoái lui. Thiền định tức là hằng ngày tuy bận rộn trăm công ngàn việc nhưng quý vị cũng phải giành thời gian để tu thiền. Được như vậy thì quý vị mới đạt trí tuệ, bằng không thì chẳng dễ dàng đạt được trí tuệ. Cho nên, trong lục độ thì bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định đều giúp khai mở trí tuệ.

Mười phương tất cả c Như Lai: mười phương ba đời tất cả các Đức Như Lai, đều cùng ngợi khen chẳng hết được: tất cả các Đức Phật trong ba đời ở khắp mười phương đều khen ngợi Bồ-tát mới phát tâm. Sự khen ngợi này vĩnh viễn không thể cùng tận.

Vô biên công đức lớn như vậy: như trước đã nói, từ vô lượng kiếp đến nay, Bồ-tát đã tu lục độ vạn hạnh, phát nguyện nhất định phải thành Phật, công đức rộng lớn vô biên như vậy, nay tôi trong đây nói ít phần: hiện tại ở trong công đức nhiều như vậy tôi chỉ nói một chút xíu thôi. Nhỏ đến mức nào? Ví như chân chim vạchkhông gian: giống như chim bay khắp hư không mà chẳng có dấu chân. Cho nên nói như chim bay trong hư không, hoàn toàn chẳng để lại dấu vết. Chim bay trong hư không mà trong hư không chẳng có đường chim bay. Công đức của Bồ-tát mới phát tâm mà tôi có thể nói ra đây cũng giống như chim bay trong hư không, chẳng có một dấu vết, dù bằng vệt đất nhỏ.

Hay như hạt bụi trong đại địa: như lấy hạt bụi trong đại địa để ví dụ, hạt bụi trong đại địa thì nhiều vô kể, nhưng công đức của Bồ-tát mới phát tâm mà tôi có thể nói chỉ bằng một hạt bụi nhỏ trong đại địa.


[1] 念茲在茲

[2]Đấu 斗 : cái đấu để đong gạo. Theo đơn vị đo lường thời xưa, một đấu bằng mười thăng.


 

II.2.2 NÓI VỀ CÔNG ĐỨC THÙ THẮNG

II.2.2.1 NÓI VỀ HÀNH TƯỚNG PHÁT TÂM

1.1  NÊU CHUNG

 

Bồ tát phát tâm cầu Bồ-đề

Chẳng phải không nhơn, không có duyên

Với Phật, Pháp, Tăng khởi lòng tin

Do đây mà sanh tâm rộng lớn.

Bồ-tát phát ý cầu Bồ-đề

Phi thị vô nhân vô hữu duyên

Ư Phật Pháp Tăng sinh tịnh tín

Dĩ thị nhi sinh quảng đại tâm.

 

Bồ-tát phát tâm cầu Bồ-đề: Bồ-tát mới phát tâm cầu đạo Bồ-đề, chẳng phải không nhân, không có duyên: Bồ-tát nào mới phát tâm cầu đạo Bồ-đề cũng đều có nhân duyên, chứ không phải chẳng có nhân duyên mà tự nhiên phát tâm. Họ đã được gặp thiện tri thức nói pháp cho nghe, đồng thời nhận được sự giáo hóa từ thiện tri thức, nghe pháp hiểu rõ ràng. Nhờ nhân duyên này mà Bồ-tát phát tâm cầu Bồ-đề.

Đối Phật, Pháp, Tăng sinh lòng tin: Bồ-tát mới phát tâm đều đã sinh lòng tin thanh tịnh đối với Phật, Pháp, Tăng. Phật là bậc viên mãn ba giác và đầy đủ vạn đức. Ba giác đó là tự giác viên mãn, giác tha viên mãn, tự giác giác tha đều viên mãn; hay còn gọi giác hạnh viên mãn, giác viên mãn, tu hành viên mãn. Pháp là tất cả phương pháp liễu sinh thoát tử. Tăng tức là bốn vị Tỳ-kheo trở lên gọi là Tăng, có năm vị Tỳ-kheo thì đã thành Tăng. Bồ-tát mới phát tâmđều có lòng kính tin thanh tịnh đối với Phật, Pháp, Tăng.

Do đó nên phát tâm rộng lớn: nhờ nhân duyên tin Phật, tin Pháp, tin Tăng nên Bồ-tát phát tâm Bồ-đề rộng lớn.

 

1.2 NÊU CHI TIẾT

Chẳng cầu ngũ dục và ngôi vua

Chẳng mong giàu, vui, danh tiếng lớn

Chỉ vì dứt hẳn khổ chúng sanh

Lợi ích thế gian mà phát ý.

Thường muốn lợi lạc các chúng sanh

Trang nghiêm cõi nước cúng dường Phật

Thọ trì chánh pháp tu các trí

Vì chứng Bồ đề mà phát tâm.

Bất cầu ngũ dục cập vương vị

Phú nhiêu tự lạc đại danh xưng

Đản vị vĩnh diệt chúng sinh khổ

Lợi ích thế gian nhi phát tâm.

Thường dục lợi lạc chư chúng sanh

Trang nghiêm quốc độ cúng dường Phật

Thọ trì chánh pháp tu chư trí

Chứng Bồ-đề cố nhi phát tâm.

 

Bồ-tát phát tâm Bồ-đề rộng lớn này chẳng phải vì cầu sự sung sướng ở thế gian. Cho nên nói chẳng cầu ngũ dục và ngôi vua: Bồ-tát phát tâm Bồ-đề chẳng phải cầu năm thứ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy. Tài, sắc, danh, thực, thùy là năm cội gốc địa ngục. Tài là tham cầu nhiều tiền của. Sắc là mê đắm sắc đẹp. Danh là chấp vào danh xưng, danh xưng này của tôi gọi là gì gì đó, càng lớn càng tốt, một khi dính mắc vào danh rồi thì muốn danh xưng cho thật lớn. Thực là muốn ăn đồ thật ngon và thùy là ưa thích ngủ nghỉ. Tài, sắc, danh, thực, thùy là năm con đường dẫn đến địa ngục. Bồ-tát phát tâm Bồ-đề không phải vì cầu tài, sắc, danh, thực, thùy; cũng chẳng phải vì cầu làm một vị quốc vương hay thiên tử.

Chẳng mong giàu, vui, danh tiếng lớn: Bồ-tát phát tâm Bồ-đề cũng chẳng phải mong giàu có, tóm thâu cả bốn biển, tất cả đất đai, tài sản trên thế giới đều thuộc về ta. Giống như Âu Nạp Tây Tư (Onassis), thân là một ông vua tàu biển (shipping tycoon) nhưng rốt cuộc lại bị bà vợ khiến cho tức giận đến chết.Đây gọi là khổ trong vui. Bồ-tát phát tâm chẳng phải muốn được danh xưng lớn, danh xưng càng lớn càng tốt.

Chỉ vì dứt hẳn khổ chúng sinh: Vì sao Bồ-tát phát tâm Bồ-đề? Chính là vì muốn làm cho chúng sinh chấm dứt khổ não.

Lợi ích thế gian mà phát ý: Bồ-tát phát tâm Bồ-đề chính là vì làm lợi cho chúng sinh ở thế gian, muốn cho chúng sinh lìa khổ được vui, hoàn toàn chẳng phải vì mình.

Thường muốn lợi lạc cho chúng sinh: Bồ-tát thường phát nguyện phải làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, phải có lợi ích cho tất cả chúng sinh, phải hysinh mồ hôi, xương máu và cả thân tâm tính mạng làm lợi ích cho chúng sinh, để giáo hóa chúng sinh.

Trang nghiêm cõi nước, cúng dường Phật: Bồ-tát tự phát nguyện phải hồi hướng trang nghiêm cõi nước chư Phật. Cho nên kệ hồi hướng nói:

Nguyện đem công đức này

Trang nghiêm cõi nước Phật

Trên đền bốn ân nặng

Dưới cứu khổ ba đường

Nếu có ai thấy nghe

Đều phát tâm Bồ-đề

Hết một báo thân này

Cùng sinh nước Cực Lạc.  

Chúng ta mong đem công đức tu đạo này để trang nghiêm cõi nước chư Phật. Ở trên nói, chúng ta phải báo đáp bốn ân nặng. Bốn ân đó là:

1 – Trời đất: trời che chúng ta, đất chở chúng ta, trời đất có ân che chở.

2 – Cha mẹ: cha mẹ có ân dưỡng dục.

3 – Sư trưởng: sư trưởng có ân dạy dỗ.

4 – Quốc vương: quốc vương có ân bảo hộ.

Chúng ta phải báo đáp bốn ân nặng này. Trên thì chúng ta báo đáp bốn ân nặng, dưới thì cứu tế khổ đau nơi ba đường. Ba đường đó là:

1 – Địa ngục

2 – Ngạ quỷ

3 – Súc sinh

Chúng ta tu hành, làm Phật sự, mở pháp hội giảng kinh là mục đích làm cho mọi người thấy, nghe rồi đều phát tâm Bồ-đề. Khi mãn báo thân hiện tại này,cùng nhau sinh về thế giới Cực Lạc. Chúng ta phải phát nguyện mới có thể thành tựu nguyện lực này.

Trang nghiêm cõi nước, cúng dường Phật: chúng ta có chút sức lực nào thì cúng dường Phật chút đó, có một phần thì cúng một phần, có mười phần thì cúng hết mười phần cho chư Phật trong mười phương.

Th trì chánh pháp, tu các trí: chúng ta phải thọ trì chánh pháp. Những gì gọi là chánh pháp? Đó là những điều Đức Phật đã nói gồm: Bốn Đế, Sáu Độ, Mười Hai Nhân Duyên, Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo. Chúng ta phải y pháp tu hành, thọ trì chánh pháp, tu tập tất cả trí tuệ, không phải chỉ tu một trí tuệ mà phải tu tất cả trí tuệ.

Vì chứng Bồ-đề phát tâm: Vì chúng ta muốn chứng đắc Vô thượng đại Bồ-đề, tức là đắc Vô thượng Chính đẳng Chính giác (A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề) nên mới phát tâm Bồ-đề, hành đạo Bồ-tát.

 

Thâm tâm, tin, hiểu thường thanh tịnh

Cung kính, tôn trọng tất cả Phật

Nơi Pháp và Tăng cũng như vậy

Chí thành cúng dường mà phát tâm.

Thâm tâm tín giải thường thanh tịnh

Cung kính tôn trọng nhất thiết Phật

Ư Pháp cập Tăng diệc như thị

Chí thành cúng dường nhi phát tâm.

 

Thâm tâm, tin, hiểu thường thanh tịnh: chúng ta dùng thâm tâm, tin, hiểu thì sẽ thường thanh tịnh. Cho nên, chúng ta phải thường thường giữ giới luật; giữ giới luật thì thanh tịnh, không giữ giới luật thì không thanh tịnh. Thâm tâm chính là tin sâu, tức là tâm kiên cố, tâm chí thành, tâm bền bỉ. Tâm quý vị có kiên cố, chí thành lại có niềm tin bền bỉ thì về sau quý vị sẽ hiểu rõ (liễu giải). Cho nên, người nào thường tu hạnh thanh tịnh này thì ắt không bị nhiễm ô.

Cung kính, tôn trọng tất cả Phật: quý vị muốn thanh tịnh thì phải tin pháp Đức Phật thuyết, đồng thời phải cung kính Phật, Pháp, Tăng; phải tôn trọng,cung kính, cúng dường, gần gũi tất cả các Đức Phật để tu tập tất cả công đức. Công đức tức là việc không làm được mà quý vị có thể làm, thế mới gọi là công đức. Quý vị không chỉ cung kính, tôn trọng tất cả Phật, mà còn phải cung kính, tôn trọng tất cả Pháp, tất cả Tăng. Cho nên nói nơi Pháp và Tăng cũng như vậy: Tam Bảo đều bình đẳng, quý vị cung kính Pháp và Tăng cũng y như cung kính Phật. Quý vị cung kính Phật chính là cung kính Pháp, cung kính Pháp thì phải cung kính Tăng. Vì sao? Vì quý vị muốn thành Phật thì nhất định phải hiểu rõ Phật pháp; không hiểu rõ Phật pháp thì không thể thành Phật. Quý vị muốn hiểu rõ Phật pháp thì phải cần tìm đến chư Tăng để học, vì pháp nhờ Tăng truyền. Thế nên, cho dù bất kỳ thời nào thì Phật pháp cũng đều do chư Tăng truyền bá, chứ chẳng phải những ai có học vấn cũng đều có thể truyền bá Phật Pháp, không phải như vậy đâu! Do đó, quý vị muốn học Phật Pháp thì phải tìm đến chư Tăng. Quý vị muốn thành Phật, muốn học Phật Pháp thì nhất định phải dốc hết tâm thành cung kính tôn trọng Tam Bảo.

Chí thành cúng dường mà phát tâm: quý vị phải chí thành tha thiết, không có mảy may ngã tướng, ngã kiến, ngã chấp, phải quán ngã kiến, ngã tướng, ngã chấp đều không để phát tâm Bồ-tát; Bồ-tát mới phát tâm phải phát tâm chân thành này.

 

Thâm tín nơi Phật và Phật Pháp

Cũng tin Phật tử đạo tu hành

Và tin vô thượng đại Bồ đề

Do đây Bồ tát phát tâm nguyện.

Thâm tín ư Phật cập Phật Pháp

Diệc tín Phật tử sở hành đạo

Cập tín Vô thượng đại Bồ-đề

Bồ tát dĩ thị sơ phát tâm.

 

Thâm tín nơi Phật và Phật Pháp: quý vị học Phật thì nhất định phải tin sâu, nguyện thiết, thực hành. Đây gọi là ba tư lương tín, nguyện, hạnh. Người học Phật không có lòng tin thì không thể thành Phật; không có lòng tin cũng chẳng thể nguyện thiết và thực hành. Quý vị nguyện thiết nhưng chẳng chịu thực hành thì cũng chẳng được. Cho nên, quý vị phải có tin sâu, có nguyện thiết, tức là mỗi thời mỗi khắc đều phải nguyện khẩn thiết và thực hành. Quý vị có tin sâu, nguyện thiết và thực hành rồi thì đã đầy đủ ba tư lương hay ba loại du phí để thành Phật. Tư là tiền, lương là thức ăn. Giống như quý vị muốn đi đến bất kỳ nơi nào thì phải cần chuẩn bị mang theo một ít tiền và một ít thức ăn, đây gọi là tư lương. Tín, nguyện, hạnh chính là du phí đi đến quả vị Phật, nên gọi là ba tư lương.

Quý vị chẳng những tin Phật, Pháp, Tăng mà còn phải tin Bồ-tát. Cho nên nói, Cũng tin Phật tử đạo tu hành: quý vị phải tin con đường tu tập của Bồ-tát. Tu hành là một việc rất bình đẳng, ai thật sự hiểu rõ, buông xả, chân chánh y theo pháp tu hành thì có thể thành tựu; nếu ai không thể hiểu rõ, không thể buông xả, không thể chân chánh y theo pháp tu hành thì người đó chẳng thành tựu. Đây nhất định phải chân liễu ngộ, phải nhất chân nhất thiết chân, nhất liễu nhất thiết liễu, nhất ngộ nhất thiết ngộ, phải như vầy mới được.

Và tin Vô thượng đại Bồ-đề: quý vị còn phải tin pháp Đại Bồ-đề Vô Thượng, tức là pháp thành Phật.

Do đây Bồ tát phát tâm nguyện: vị Bồ-tát mới phát tâm này là do những công đức và những nhân duyên đã nói ở trên mà phát tâm Bồ-tát.

 

II.2.2.2 NÊU SƠ LƯỢC VỀ NĂNG LỰC THÙ THẮNG

2.1 NÊU CHUNG

Tin là đạo nguyên, mẹ công đức

Trưởng dưỡng tất cả các pháp lành

Đoạn trừ lưới nghi thoát dòng ái

Khai thị niết-bàn Vô thượng đạo.

Tín vi đạo nguyên công đức mẫu

Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện pháp

Đoạn trừ nghi võng xuất ái lưu

Khai thị Niết-bàn vô thượng đạo.

 

Trước đã nói, người tu tập Phật đạo phải có tin sâu, nguyện thiết, thực hành. Vì sao phải tin? Vì pháp Phật giống như biển lớn, chỉ những ai có lòng tin thì mới vào được. Quý vị có lòng tin thì mới có thể vào trong biển lớn Phật Pháp; không có lòng tin thì không thể có lợi ích từ nơi Phật Pháp. Giống như lắp đèn điện nhưng không nối dây và công-tắc thì bóng điện đó không thể sáng được. Nếu quý vị không có lòng tin đối với Phật Pháp thì không đạt được ánh sáng trí tuệ. Cho nên, lòng tin là điều rất quan trọng.

Tin là đạo nguyên, mẹ công đức: đạo nguyên là phương pháp tu đạo đầu tiên. Nếu quý vị có lòng tin thì có thể tu đạo, không có lòng tin thì không thể tu đạo. Cho nên, niềm tin là nền tảng tu đạo.

Chữ “nguyên” là lời trong Kinh Dịch. Lời câu đầu trong kinh DịchCan tức quẻ Càn, Càn tam liên (☰) tức ba gạch ngang liền nhau, không đứt đoạn; quẻ Khôn(☷) thì lục đoạn tức là đứt thành sáu đoạn. Quẻ Càn có ba gạch ngang liền nhau thì thuộc dương, dương trong dương, dương đến cực điểm. Cho nên, trong KinhDịch tiếp sau Cànnguyên, hanh, lợi, trinh. Đạo nguyên chúng ta đang nói ở đây chính là chữ “nguyên” này vậy. Chữ này có ý nghĩa như thế nào? Tức là thiện trưởng, thiện đứng đầu cũng chính là sự bắt đầu tu đạo. Nguyên là pháp đứng đầu trong thiện pháp, tức là niềm tin. Hanh, có nơi giải thích hanhhanh thông, mọi việc hanh thông, tức là việc gì cũng đều được thuận lợi. Hanh ở đây chính là cơ hội tốt, một sự tụ họp tốt đẹp, một sự bắt đầu tốt đẹp. Lợi là lợi vật, lợi ích cho vạn vật, cũng chính là phải phù hợp với nghĩa lý. Cho nên nói nghĩa chi hòa dã (hòa hợp với nghĩa lý). Trinh là làm chủ chốt sự việc, là làm nòng cốt sự việc. Bất luận làm việc gì, quý vị đều phải làm một cách đúng đắn, nghiêm túc, đừng làm qua loa, không ra trò.Trinh cũng là Can là phải làm mọi việc một cách tốt đẹp.

Ở trên đã giải thích bốn đức nguyên hanh lợi trinh, bậc quân tử có bốn đức hạnh này thì mới có thể làm lợi ích cho vạn vật và xử sự tốt. Vậy hiện tại chúng ta đang nói về chữ nguyên trong câu kinh văn này. Đạo nguyên chính là việc đầu tiên tu đạo.

Mẹ công đức: công tức là quý vị phải lập công; đức tức là quý vị phải tạo đức. Thế nào là lập công? Ví dụ như quý vị xây dựng đạo tràng, làm tất cả công việc trong đạo tràng, như vậy đều gọi là lập công. Quý vị lập công đã viên mãn, đức cũng thành tựu thì đạo nghiệp của quý vị sẽ viên thành. Nếu quý vị không lập công, không làm việc có ích cho mọi người thì quý vị không có đức hạnh; không có đức hạnh thì không dễ dàng tu hành. Cho nên, vì sao gọi người tu đạo là đại đức? Đại đức là người có đức hạnh cao dày, không có tâm tham, sân, si.

Tin là đạo nguyên, mẹ công đức: niềm tin là việc đứng đầu của đạo, là mẹ của công đức. Ý nghĩa mẹ ở đây chính là sinh dưỡng giáo dục; cũng giống như mẹ của chúng ta, niềm tin chính là mẹ của tất cả công đức, sinh ra các công đức.

Trưởng dưỡng tất cả các pháp lành: chữ này vốn là chữ trường nhưng phải sửa lại thành thanh ba nên đọc là trưởng, trưởng dưỡng. Nếu người không biết chữ mà đọc thì đọc thành trường dưỡng, là do họ không hiểu rõ ý nghĩa này. Trưởng ở đây tức là nuôi, từ nhỏ nuôi đến lớn, từ lớn lại nuôi đến già. Trưởng dưỡng tức là nuôi dưỡng tất cả pháp lành. Tất cả tức là trong đây bao gồm các pháp lành như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ-đề, bát chánh đạo… Chỉ có lòng tin mới có thể nuôi dưỡng tất cả pháp lành, Lục độ Vạn hạnh, Tứ đế,Thập nhị nhân duyên. Tất cả pháp lành này đều do lòng tin mới được sinh trưởng, mới được bồi dưỡng. Nếu quý vị không có lòng tin thì khác nào quý vị gieo giống xuống đất mà không có nước và ánh sáng, thiếu các yếu tố này thì hạt giống kia không thể sống được. Đối với tất cả pháp lành thì lòng tin cũng giống như các trợ duyên nước, ánh sáng. Lòng tin có thể nuôi dưỡng tất cả pháp lành, pháp lành nhờ đó mà lớn lên.

Đoạn trừ lưới nghi, thoát dòng ái: điều quan trọng nhất của người tu đạo chính là không sinh hoài nghi. Quý vị phải tin sâu đối với tất cả pháp Phật, không nghi ngờ mà phải đoạn trừ tất cả sự hoài nghi. Cho nên nói:

Người tu đạo, tâm chớ hoài nghi

Tâm nghi vừa khởi lạc đường ngay.

Tu đạo chi nhân tâm mạc nghi

Nghi tâm nhất khởi tiện đồ mê.  

Quý vị không nên sinh tâm hoài nghi, hễ vừa sinh tâm hoài nghi thì không nhận thức được đường phía trước, chắc chắn sẽ lạc mất đường chánh, đi vào ngả rẽ. Cho nên, hiện tại quý vị phải đoạn trừ lưới nghi. Hoài nghi giống như tấm lưới giăng mắc, làm cho quý vị không được tự do. Quý vị vừa sinh tâm hoài nghi thì không thể hợp nhất với trí tuệ Phật, trí tuệ vốn có không thể hiện ra.

Thoát dòng ái: ai cũng có ái, cho nên không thể nói ái này là không tốt. Ái tình, ái tình! Thứ mà tất cả chúng sinh luôn xem trọng chính là ái tình, tình ái.

Vì sao phải thoát khỏi dòng ái? Vì tất cả chúng sinh đều do ái dục sinh ra, và cũng do ái dục mà chết đi. Sinh cũng do ái dục mà sinh ra; chết cũng do ái dục mà chết đi. Nếu muốn liễu sinh thoát tử thì quý vị nhất định phải hiểu rõ và buông bỏ ái dục, mới mong được tự tại. Quý vị phải hiểu rõ về tình ái, không bị tình ái làm cho mê muội, ở ngay trong dòng ái mà đánh phá trận địa này, nhưng trận địa này chẳng phải dễ dàng đánh phá. Cho nên nói:

Tửu, sắc, tài, khí bốn bức tường

Rất nhiều người mê kẹt bên trong

Ai đã thoát ly vòng vây ấy

Thì được trường sinh chẳng chết, già.  

Tửu sắc tài khí tứ đỗ tường

Hứa đa mê nhơn tại lý tạng

Hữu nhân khiêu xuất tường nhi ngoại

Tựu thị trường sanh bất lão vương

 

Tửu, sắc, tài, khí bốn bức tường: tửu, sắc, tài, khí giống như bốn bức tường, mọi người đều ở trong đây tha hồ uống rượu, mê sắc, tham tài, háo khí. Người tu đạo lắm khi cũng không bỏ được khí này, cho nên hễ đụng việc thì dễ sinh nổi nóng.

Rất nhiều người mê kẹt bên trong: rất nhiều người mê đang kẹt trong bức tường này; cũng chính là bị ngục tù tửu, sắc, tài, khí giam giữ.

Ai đã thoát ly vòng vây ấy: nếu có người thấy rõ, buông bỏ tửu, sắc, tài, khí, nhảy được ra bên ngoài tường, Thì được trường sinh chẳng chết, già: thì được liễu thoát sinh tử. Chúng ta không sợ có ái dục mà chỉ sợ không nhận thức được nó; nếu có thể nhận thức được nó thì không bị nó làm mê.

Khai thị Niết-bàn Vô thượng đạo: Phật khai thị đạo quả Niết-bàn vô thượng này cho tất cả chúng sinh liễu sinh thoát tử, thành tựu bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Phật dạy, tất cả chúng sinh muốn vào trong biển lớn Phật Pháp, điều quan trọng bậc nhất chính là phải có lòng tin.

 

2.2 NÊU CHI TIẾT

Tin không cấu trược thì tâm tịnh

Là trừ kiêu mạn, gốc cung kính

Cũng là Pháp tạng đệ nhứt tài

Là tay thanh tịnh thọ các hạnh.

Tín vô cấu trược tâm thanh tịnh

Diệt trừ kiêu ngạo cung kính bổn

Diệc vi Pháp tạng đệ nhất tài

Vi thanh tịnh thủ thọ chúng hạnh.

 

Tin không cấu trược thì tâm tịnh: quý vị có lòng tin chân thật thì không có cấu. Cấu là trược cấu, là tất cả tà tri tà kiến, chẳng phải chánh tri chánh kiến. Quý vị tin thì phải tin pháp chân chánh, chớ tin bàng môn ngoại đạo, hoặc thiên ma ngoại đạo, những thứ đó càng tin thì càng mê, càng tin thì càng không thanh tịnh. Về căn bản thì họ cũng chẳng biết thanh tịnh là cái gì. Cho nên nói tin không cấu trược thì tâm tịnh. Quý vị có lòng tin chân chánh thì tự tính thanh tịnh vốn có sẽ hiện ra. Vì sao ánh sáng tự tính thanh tịnh của chúng ta không hiện ra được? Vì có cấu trược. Cấu trược là những tư tưởng không thanh tịnh, tư tưởng nhiễm ô; có nhiễm ô thì trong tâm không thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh thì trí tuệ hiện hữu; trong tâm không thanh tịnh thì ngu si hiện hữu.

Là trừ kiêu mạn, gốc cung kính: quý vị có lòng tin thì sẽ không có tâm kiêu mạn; không có tâm kiêu mạn thì có tâm cung kính. Niềm tin sẽ làm tiêu trừ tâm kiêu mạn của quý vị. Kiêu là kiêu ngạo; mạn là khinh mạn. Quý vị khinh mạn những người đồng tu, đồng môn đều gọi là kiêu mạn. Nếu quý vị có tâm kiêu mạn, chẳng xem ai ra gì thì tương lai sẽ đọa làm lạc đà. Trên sóng lưng lạc đà dài, có hai bướu thịt rất cao, người cỡi sẽ ngồi ở giữa bướu lạc đà. Vì sao? Vì kiêu ngạo thì rất cao. Quý vị xem, nó cao hơn so với ngựa, với trâu, với bất kỳ con vật nào. Lạc đà có đặc điểm là đi mấy trăm dặm cũng không cần uống nước, nhịn khát bao lâu đi nữa thì cũng chẳng sao. Thế nên, người đi trên sa mạc đều phải cưỡi lạc đà. Nguyên nhân gì khiến nó đọa làm loài động vật này? Chính là từ kiêu mạn mà ra vậy.

Bất luận là ai trong chúng ta, nếu đã có tập khí kiêu mạn mà sau khi xuất gia chẳng chịu từ bỏ thì tương lai chắc chắn sẽ làm lạc đà thôi. Làm lạc đà là một nè, còn thêm ngu si nữa thì sẽ làm loài gì? Đó là làm voi, thân voi to lớn nhưng lại ngu đần. Đây đều do tâm kiêu mạn, khinh khi, không cung kính người khác nên phải đọa vào đường súc sinh, làm hai loài động vật này. Có người nghĩ: “Hư! Hai loài này cũng không tệ!”. Không tệ à? Vậy thì quý vị cứ thử xem!

Quý vị không kiêu mạn thì sẽ có tâm cung kính. Tin chính là gốc của tâm cung kính. Có lòng tin thì quý vị sẽ cung kính người, cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng, cung kính bậc trưởng thượng. Nếu người có tính kiêu ngạo thì không có tâm cung kính.

Cũng là Pháp tạng đệ nhứt tài: niềm tin là của cải bậc nhất trong Pháp tạng, là tạng đầu tiên trong mười Vô tận tạng.

Mười tạng là:

1- Tín tạng

2- Giới tạng

3- Tàm tạng

4- Quý tạng

5- Văn tạng

6- Thí tạng

7- Tuệ tạng

8- Niệm tạng

9- Trì tạng

10- Biện tạng

Niềm tin lại là của báu đầu tiên trong Bảy thánh tài.

Bảy thánh tài là:

1- Tín tài

2- Tinh tấn tài

3- Giới tài

4- Tàm quý tài

5- Văn xả tài

6- Nhẫn nhục tài

7- Định tuệ tài.

Là tay thanh tịnh th các hnh: vì thân, tâm đều thanh tịnh, cho nên tay cũng thanh tịnh, có thể tu trì tất cả pháp Phật. Chúng ta tu pháp Đại Bi Tứ Thập Nhị Thủ, Tứ Thập Nhị Thủ này gọi là tay thanh tịnh. Quý vị có Tứ Thập Nhị Thủ này rồi thì mới có thể làm lợi ích cho chúng sinh, giáo hóa chúng sinh, có thể thọ trì tất cả pháp môn.

 

Tin hay bố thí, tâm không tiếc

Tin hay hoan hỷ vào Phật Pháp

Tin hay thêm lớn công đức trí

Tin hay đến được bực Như Lai.

Tín năng huệ thí tâm vô lận

Tín năng hoan hỷ nhập Phật Pháp

Tín năng tăng trưởng trí công đức

Tín năng tất đáo Như Lai địa.

 

Tin hay bố thí, tâm không tiếc: đây là nói nếu quý vị có lòng tin thì cái gì cũng xả bỏ được, trong thì thân tâm, ngoài thì của cải đều có thể bố thí cho chúng sinh mà không một chút tham tiếc; cũng chính là không có tâm xả không được mà là cái gì cũng xả được, cái gì cũng có thể bố thí. Đây là do sức mạnh gì? Chính là do quý vị có sức mạnh của lòng tin.

Tin hay hoan hỷ vào Phật Pháp: nếu quý vị có lòng tin thì mới có thể vào sâu trong biển lớn Phật Pháp của Như Lai để học pháp Phật một cách hoan hỷ. Không vì pháp Phật quá cao sâu, hoặc quá vi diệu hoặc học không xuể mà quý vị lại sinh tâm thoái lui! Quý vị có lòng tin thì chỉ có tinh tấn chứ không có thoái lui, vì chỉ có hoan hỷ tinh tấn thì mới có thể vào sâu trong biển lớn Phật Pháp.

Tin hay tăng trưởng công đức trí: quý vị có lòng tin chân chánh thì mới có thể tăng trưởng công đức của trí tuệ. Ngược lại, nếu quý vị không có lòng tin thì công đức của trí tuệ không thể tăng trưởng. Quý vị có sức mạnh của lòng tin này thì tâm Bồ-đề sẽ càng ngày càng tăng trưởng; tâm Bồ-đề của quý vị tăng trưởng, thì công đức của trí tuệ cũng sẽ tăng trưởng.

Tin hay đến được bực Như Lai: quý vị tin thì phải tin chính mình, tin người, tin sự, tin lý. Tin chính mình tức là tin mình nhất định được thành Phật, tương lai sẽ chứng đắc quả Phật. Tin người tức là sau khi thành Phật, thì ta có thể độ thoát chúng sinh khác cũng thành Phật. Tin sự tức là tin chắn chắn có việc này xảy ra. Tin lý tức là tin chắc chắn có đạo lý này. Cho nên, tin là điều quan trọng nhất. Quý vị có sức mạnh của lòng tin thì mới có thể đạt được giác ngộ, đạt được địa vị Như Lai.

Tin khiến các căn tịnh, minh, lợi

Sức tin kiên cố không thể hoại

Tin hay dứt hẳn cội phiền não

Tin hay công đức chuyên hướng Phật.

Tín lịnh chư căn tịnh minh lợi

Tín lực kiên cố vô năng hoại

Tín năng vĩnh diệt phiền não bổn

Tín năng chuyên hướng Phật công đức.

 

Vì có thể thành tựu tất cả công đức, cho nên niềm tin mới đứng đầu trong lục chủng thành tựu.

Lục chủng thành tựu là:

1-         Tín thành tựu

2-         Văn thành tựu

3-         Thời thành tựu

4-         Chủ thành tựu

5-         Xứ thành tựu

6-         Chúng thành tựu

 

Nếu không có lòng tin thì quý vị không có cách nào để hiểu rõ pháp Phật; quý vị có lòng tin thì mới có được các căn viên mãn. Cho nên nói Tin khiến các căn tịnh, minh, lợi: các căn chính là tất cả căn lành. Quý vị có tin thì tất cả căn lành mới sinh trưởng và các căn được vẹn toàn; nếu quý vị không có căn lành thì các căn không thể vẹn toàn. Ví dụ như quý vị có con mắt hình tam giác hoặc có cái mũi hình vuông, tai cũng chẳng giống tai, mũi cũng chẳng giống mũi, thì gọi là các căn không vẹn toàn (viên mãn) và cũng chẳng minh, lợi. Mắt nhìn đồ vật mà không thấy, tai nghe âm thanh mà không rõ thì đều gọi là không minh, lợi. Mắt có thể nhìn thấy đầu mút của sợi lông tơ. Lông tơ là lông của các chim thú, mọc vào mùa thu. Nó rất nhỏ, rất khó thấy mà quý vị có thể thấy được thì đây gọi là minh. Nghe nói, cũng có người nhìn thấy được như thế. Cách bốn mươi dặm mà anh ta có thể thấy được hơi thở của con muỗi, nhưng khi vừa bước ra khỏi cổng thì lại bị vấp ngã bởi một con nghé. Đây là chuyện vô lý. Cách bốn mươi dặm mà anh ta có thể thấy được hơi thở của con muỗi, ngược lại con trâu nghé lớn như vậy lại không thấy. Tịnh, minh, lợi: tịnh là thanh tịnh, sáu căn thanh tịnh;minh là các căn nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý đều viên mãn. Làm thế nào để các căn được viên mãn? Đó là nhờ vào lòng tin mà được thành tựu. Có lòng tin thì quý vị mới làm tất cả việc lành, tài bồi căn lành của chính mình, nhờ đó mà các căn sẽ được tịnh, minh, lợi (thanh tịnh, viên mãn và sáng suốt).

Sức tin kiên cố không thể hoại: quý vị còn phải có sức tin kiên cố, tức phải giữ lòng tin này một cách liên tục, không gián đoạn. Không phải chỉ tin trong chốc lát rồi thôi, sau đó lại tin, ba hồi tin bốn hồi không, chợt tiến chợt lùi như thế tức là sức tin không kiên cố. Sức tin kiên cố tức là quý vị phải có mục đích (tông chỉ) nhất định, từ đầu chí cuối, phải bám theo mục đích của mình để làm. Ví dụ như: “Tôi muốn tu tập và nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật, tôi muốn thành Phật”. Mục đích kiên cố này cũng chính là sức tin kiên cố. Một khi sức tin đã kiên cố thì dù cho gặp bất kỳ nghịch cảnh nào sức tin ấy cũng không bị hủy hoại. Nghịch cảnh tức là những hoàn cảnh không thuận lợi, làm cho quý vị sinh phiền não mà lui sụt tâm Bồ-đề. Nếu để nghịch cảnh làm cho phiền não rồi lui sụt thì hỏng mất. Vì sao lại hỏng như thế? Vì sức tin của quý vị không kiên cố. Nếu như sức tin của quý vị kiên cố thì dù gặp bất kỳ ma chướng nào, cảnh giới nào cũng không bị nó lay động, mà vẫn giữ vững mục đích (tông chỉ) của mình. Đây cũng chính là tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, giữ vững mục đích (tông chỉ) để tu tập, cho nên gọi là không thể hư hoại.

Tin hay dứt hẳn cội phiền não: quý vị có lòng tin thì tất cả phiền não đều có thể tiêu diệt. Vì sao quý vị sinh phiền não? Vì quý vị không có lòng tin. Quý vị có lòng tin thì tất cả căn bản phiền não vô minh đều tiêu diệt; tham, sân, si đều không còn.

Tin hay công đức chuyên hướng Phật: quý vị có lòng tin thì có thể đem tất cả công đức của quý vị có được hướng về chư Phật, tạo công đức vì chư Phật, nhờ Phật trang nghiêm mà tự trang nghiêm, nhờ công đức của Phật để thành tựu công đức chính mình. Chuyên hướng tức là chuyên nhất, chuyên nhất hướng về chư Phật, đem hết tất cả công đức hướng về chư Phật.

 

Tin rồi chẳng kẹt vào cảnh giới

Xa lìa các nạn, được vô nạn

Tin hay vượt khỏi các đường ma

Thị hiện đạo giải thoát vô thượng.

Tín ư cảnh giới vô sở trước

Viễn ly chư nạn đắc vô nạn

Tín năng siêu xuất chúng ma lộ

Thị hiện vô thượng giải thoát đạo.

 

Tin rồi chẳng kẹt vào cảnh giới: quý vị có lòng tin thì có thể chiến thắng tất cả cảnh giới khó khăn. Cảnh giới có cảnh giới thuận, cảnh giới nghịch, cảnh giới thiện, cảnh giới ác, cảnh giới hoan hỷ, cảnh giới phiền não. Nếu có lòng tin thì quý vị không chấp trước vào những cảnh giới này. Cho nên nói:

Thấy sự tỉnh sự xuất thế gian

 Thấy sự mê sự đọa trầm luân.

Quý vị thấy việc gì liền giác ngộ việc đó thì xuất thế gian; quý vị thấy việc gì liền mê việc đó, mê tức là không có trí tuệ, nhận thức cảnh giới không rõ ràng; nhận thức không rõ ràng thì liền chấp trước, chấp trước thì sẽ đọa lạc. Nếu có lòng tin chân chánh thì không luận là cảnh thiện, cảnh ác, cảnh thuận, cảnh nghịch, quý vị đều có thể an nhiên, tự tại, bình an, chẳng có những phiền não, bởi vì quý vị không chấp trước. Đây chính là sức mạnh của lòng tin.

Xa lìa các nạn được vô nạn: quý vị có lòng tin thì gặp hung hóa kiết, gặp khó khăn thành tốt lành. Một việc nào đó, thấy dường như không mấy thuận lợi, nhưng kết quả lại được tốt lành. Xa lìa các nạn: các nạn, có rất nhiều loại như là nạn lửa, nạn nước, nạn giặc, nạn đao binh, nạn gió lốc… Ví dụ như nạn động đất, nạn gió xoáy, nạn bão lụt, nạn ôn dịch, nạn tật bệnh, nạn giao thông…, quý vị hoàn toàn xa lìa tất cả nạn phát sinh ngoài ý muốn. Vì sao được xa lìa? Vì quý vị có lòng tin. Cho nên nói “Người tin được cứu” (Tín giả đắc cứu), tất cả mọi việc đều gặp hung hóa kiết, gặp khó khăn thành tốt lành, ngày cũng an lành, đêm cũng an lành, đêm ngày sáu thời đều an lành, cho nên được vô nạn.

Tin hay vượt khỏi các đường ma: Quý vị có lòng tin, tuy nhiên đôi khi cũng bị ma chướng não loạn, nhưng vì có lòng tin nên có thể chiến thắng các đường ma. Sức tin có thể vượt qua các đường ma, nên quý vị không đi lầm vào ngả rẽ, không đi sai đường, không dẫm lên con đường mà ma vương đã đi. Đây cũng là vì quý vị có lòng tin chân chánh. Lòng tin có thể thành tựu tất cả các căn lành, có thể vượt khỏi mành lưới và đường đi của chúng ma.

Thị hiện đạo giải thoát vô thượng: quý vị có lòng tin rồi thì chư Phật sẽ hiện ra con đường giải thoát chân chánh, khiến quý vị đạt được giải thoát, không bị ma vương não loạn, mê hoặc, mà đạt được con đường giải thoát tự do.

Hiện tại, chúng ta lại bắt đầu mở Thất, niệm Án ma ni bát di ngưu[1], niệm ngưu nhưng không được giống ngưu. Nếu quý vị giống ngưu, có sức mạnh như thế, thì chỉ có thể đi cày ruộng, hoặc kéo xe, hoặc để người lấy thịt ăn, chứ chẳng còn dùng vào việc gì nữa. Lần này, chúng ta không niệmngưu mà niệm hồng, Án ma ni bát di hồng, nhưng hồng cũng không được niệm hồng thật lớn, cũng không được niệm hồng thật nhỏ, cũng không được chậm, cũng không được nhanh. Cho nên nói:

 

緊了繃 慢了鬆
不緊不慢才成功

Gấp thì căng, chậm thì dùn

Không gấp không chậm mới thành công.

Khẩn liễu banh mạn liễu tùng

Bất khẩn bất mạn tài thành công

 

Quý vị niệm nhanh quá thì sẽ vướng vào ma; niệm chậm quá cũng sẽ sinh ra ma lười biếng. Ma nói: “Đừng niệm nữa, niệm nó làm gì!”. Niệm nhanh quá thì ma lười biếng chạy mất, song ma vội vã lại xuất hiện. Giống y như uống Speed (một loại thuốc kích thích, a psychostimulant drug) vừa uống vào thì thần kinh liền bộc phát, rồi cho là hay lắm, công hiệu lắm! Thật sai lầm, chớ có mắc phải tình trạng như ông Squarsh trước kia, từ sáng đến tối cứ muốn chóng khai ngộ. Trong khi mọi người đều niệm Án ma ni bát di hồng thì ông ta chỉ niệm hồng, hồng, hồng, chỉ một chữ hồng; cả ngày chạy vòng vòng, đứng không yên, ngồi cũng không yên, dáng vẻ giống như người bị đánh mất vật gì. Cho nên, chúng ta đừng giống như thế, mà phải niệm vừa chừng, không nhanh, cũng không chậm, thuận theo mọi người. Dị khẩu đồng âm, khẩu tuy không đồng, nhưng âm thanh đồng nhau, đừng chạy trước, cũng đừng tụt đằng sau.

Quý vị có thể niệm được như vậy thì ngay nơi mỗi niệm đều đạt được tam-muội Lục Tự Đại Minh; nhưng khi đang niệm, quý vị cũng đừng nghĩ tôi phải đạt được tam-muội. Nếu quý vị nghĩ muốn đạt được tam-muội thì sẽ đạt tứ muội. Ha! sẽ là thêm hơn một muội, “tứ muội” chính là ngủ khò!

Bây giờ niệm sáu chữ Án ma ni bát di hồng, chúng ta có thể đặt cho tuần thất này một cái tên gọi là thất “Đại Minh”, vì chú Lục Tự Đại Minh gọi là chú Đại Minh, cho nên chúng ta gọi kỳ tu thất này là đả “Đại Minh thất.”

Niệm chú thì tinh thần phải phấn khởi để niệm, chứ không phải niệm y như ngủ gục; phải phấn khởi tinh thần để Án ma ni bát di hồng (âm thanh cao vút), âm thanh cao vút nghĩa là không phải niệm to mà niệm sao cho âm tiếng nghe được rõ ràng, tự mình nghe rất rõ ràng mà người khác nghe cũng rất rõ ràng.

Ai cũng niệm đều đều như nhau thì sẽ hợp nhất thành một âm thanh, chứ không phải quý vị niệm âm thanh cao lên thì tôi lại niệm âm thanh hạ thấp xuống; hoặc quý vị niệm âm thanh kéo dài ra thì tôi lại niệm âm thanh ngắn lại để biểu thị không đồng với quý vị. Nếu trong tâm có ý niệm như vậy thì quý vị vĩnh viễn tối tăm, không thể sáng ra được. Sáng chính là khai mở trí tuệ, đạt được cảm ứng; còn tối tăm thì không có cảm ứng, không có ánh sáng trí tuệ. Điều này mỗi vị phải nên tự biết.

Niệm chú Đại Minh tức là niệm sao cho tâm được được quang minh, tâm giống như một chiếc gương. Gương hay chiếu soi vật, tuy chiếu vật nhưng lại vô tâm, tuy vô tâm nhưng lại chiếu vật, đây chính là trí. Như vậy chúng ta đi đả thất Đại Minh chứ đừng đi đả thất Đại Hắc. Thất Đại Hắc chính là quý vị nổi nóng, tôi phiền não: “Hừ! Anh niệm như vậy là sai rồi, không hợp với ý của tôi.” Hoặc: “Anh ngồi cứ đụng vào tôi, tôi ngồi chỗ này mới vừa thiu thiu ngủ thì anh lại đi tụng to, làm tôi bừng tỉnh…” đâm ra nổi giận.

Khi ngồi, phải ngồi ngay thẳng đoan nghiêm, nhưng cũng đừng gượng ngồi cho thật thẳng, như vậy thì rất dễ mệt mỏi. Phải ngồi thẳng tự nhiên chứ đừng dùng sức cố gượng ngồi cho thẳng. Đầu và thân phải thẳng như một sợi dây, giống y như đồ nghề mà người thợ mộc sử dụng, phải có khuôn tròn, thước vuông (quy củ), không nhờ khuôn thước (quy củ) thì không thể thành vuông, tròn. Quý vị ngồi, cũng đừng ngồi theo kiểu này (mọi người cười). Quý vị ngồi như thế thì cũng là tối tăm (hắc ám), cũng không thấy được ánh sáng. Phải ngồi cho ngay thẳng, đi phải đoan nghiêm, đi đứng ngồi nằm đều phải đoan nghiêm.

Khi chắp tay, đừng dùng đầu ngón tay chọc vào trong lỗ mũi, giống như khi đóng cửa cài then vào. Chắp tay phải hiệp mười ngón tay lại ngay thẳng, không được có dáng vẻ trêu cợt, đừng dòm ngó người bên cạnh. Quý vị xem Quả Du, hễ chắp tay lên là anh ta cứ muốn chọc tay vào lỗ mũi, có lẽ anh ta sợ nước mũi chảy ra, cho nên phải dùng hai đầu ngón tay chặn lại, không để nước mũi chảy ra. Có lẽ là vậy, hoặc anh ta  nghĩ: “Tôi bịt kín “hơi” (“hơi” hay không khí, nhưng ở đây hàm ý là “tỳ khí” tức nộ khí, sân khí) lại thì sẽ không còn nổi nóng.”

 

Khi thả tay ra thì tay phải để ngang trước ngực, để ngay trước ngực, đừng để tay thỏng xuống rốn, ôm bụng, giống như muốn đi nhà xí, trông rất khó coi.

Tất cả mọi cử chỉ đều phải đúng pháp (như Pháp). Nói đến đúng pháp thì việc gì cũng phải đúng pháp, ngồi phải đúng pháp, đứng cũng phải đúng pháp, đi cũng phải đúng pháp, đi đứng ngồi nằm đều phải có oai nghi. Không được ngồi đâu có chỗ dựa thì ngả đầu ra sau vách ngủ một giấc, quý vị thì “đại minh” (Lục Tự Đại Minh Thần Chú) còn tôi thì “đại giác” (“giác” này là “thùy giác” nghĩa là ngủ khò, chớ không là giác của giác ngộ hay tỉnh thức), “đại giác” này của tôi thì hơn hẳn “đại minh” của quý vị, quý vị xem có nhiệm mầu không? Đừng như vậy! Cũng đừng cúi đầu về phía trước, ngay như lúc đi đường cũng đừng cúi đầu xuống, chúng ta ở Kim Sơn Tự này mỗi mỗi đều là thân kim cương bất hoại, đều là những người ngay thẳng cứng cỏi, không cúi đầu, giống như vẻ xấu hổ, sợ sệt hay hổ thẹn. Phải thân kim cang bất hoại.

Còn một điều nữa tôi muốn nói cho quý vị biết là niệm chú Lục Tự Đại Minh rốt ráo được lợi ích gì? Niệm chú Đại Minh chẳng có lợi ích gì cả, nhưng có thể làm cho những con trùng trên thân quý vị trở thành Bồ-tát. Nếu niệm chú Đại Minh thì năm trăm năm sau, trùng trên thân quý vị đều làm Bồ-tát, chứ không phải làm ngay bây giờ. Quý vị thấy có nhiệm mầu không? Tất cả trùng (vi khuẩn) trên thân quý vị cũng chính là những tà tri tà kiến, tham, sân, si; năm trăm năm sau chúng đều thành Bồ-tát. Quý vị xem, niệm chú có sức mạnh như thế đó! Như vậy, quý vị thấy có cần phải niệm không? Quý vị cũng đừng niệm quá lớn tiếng, giống như gầm vậy, đừng làm ra vẻ đặc biệt mà phải luôn hài hòa với mọi người. Nói chung, hễ người bên cạnh thế nào thì ta thế ấy, nếu quý vị tỏ vẻ bộ dạng hết sức đặc biệt, thế thì sai rồi. Chúng ta cùng hợp tác với nhau chứ đừng gây bất hòa. Đả thất Đại Minh này, mỗi người đều khiến trí tuệ quang minh hiện xuất, không nên tật đố chướng ngại, suốt ngày ngồi đấy tính sổ rau đậu. “Ồ! Tôi bán cho người ta mấy cân giá đậu, phải thâu khoản tiền kia mới được.”

Đừng lo tính sổ sách, mà phải phát tâm Bồ-đề, chí ít là độ cho được những chúng sinh trên thân quý vị cũng phát tâm Bồ-đề. Quý vị xem, niệm chú Lục Tự Đại Minh có công hiệu lớn như thế! Quý vị có biết trên thân người có bao nhiêu chúng sinh chăng? Chúng sinh trên thân người thì nhiều vô số, vô lượng vô biên, còn vi khuẩn thì không biết là bao nhiêu mà kể, quý vị niệm chú Đại Minh thì năm trăm năm sau, những chúng sinh kia đều phát tâm Bồ-đề, hành đạo Bồ-tát. Quý vị thấy có nhiệm mầu không!

Tôi kể cho quý vị nghe một câu chuyện. Cách đây vài năm, có một câu chuyện về niệm chú Đại Minh xảy ra ở Phi Luật Tân ( Philippines ). Những đứa bé ở nước này có lẽ không hề biết về chuyện này, song, trong Phật giáo thì hầu như ai cũng biết. Mấy năm trước, phong trào “Bài trừ người Hoa” ở Phi Luật Tân là phải giết hết những Hoa kiều, thế là họ đã giết đi không biết bao nhiêu người Hoa.

Một hôm, có vài người Trung Hoa chạy đến xin lánh nạn ở nhà của một người Phi Luật Tân nọ. Người này cũng rất từ bi, liền chỉ cho họ trốn trong hậu hoa viên. Hậu hoa viên có thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, nên những người Hoa kiều này vốn hay niệm chú Lục Tự Đại Minh, nhân đó họ luôn miệng niệm để cầu được cảm ứng.

Ồ! Không thể tưởng được việc này. Khi mười mấy quân nhân Phi Luật Tân, người nào cũng cầm dao lớn dài năm thước đến, người Phi Luật Tân này biết chắc là họ đi tìm người Trung Hoa để giết, nên liền nói: “Trong đây có mấy người Trung Hoa nhưng họ là người tốt, tuân thủ luật lệ, các ông đừng giết họ”.

Những quân nhân Phi Luật Tân này liền nói: “Chúng tôi không màng họ có giữ luật lệ hay không, tóm lại, hễ là người Trung Hoa thì nhất định phải giết!”. Thế là, mỗi người cầm một con dao lớn dài năm thước (1.7m) tiến vào. Quý vị biết lúc ấy mấy người Trung Hoa này làm thế nào không? Họ ở xung quanh tòa của Bồ-tát Quán Âm cầu Bồ-tát Quán Âm bảo hộ họ.

Khi những quân nhân Phi Luật Tân vừa tiến đến, mấy người Trung Hoa này nói: “Xin mấy ông tha cho chúng tôi đi! Chúng tôi hoàn toàn không có hoạt động chính trị gì cả, đừng giết chúng tôi!”. Những người này nói: “Bất luận là quý vị có hoạt động chính trị hay không, tóm lại, hễ là người Hoa thì giết hết không tha”. Bọn họ thấy nói vậy không thay đổi được gì, bèn nhắm mắt lại niệm chú Lục Tự Đại Minh chờ chết.

Thế là, mười mấy quân nhân cầm dao tiến đến chém mấy người này, nhưng không thể nào chém được. Họ chặt ghế, cửa sổ ra tan nát. Họ đứng kề bên khám thờ Bồ-tát Quán Âm nhưng khám thờ cũng không bị gì cả, những người Trung Hoa cũng không thọ thương chút nào. Mười mấy quân nhân này chặt túi bụi một hồi, rồi bỏ đi. Đây là câu chuyện trong Phật giáo Phi Luật Tân mà hầu hết người Hoa đều biết.

Qua việc này, chúng ta thấy sự cảm ứng của niệm chú Lục Tự Đại Minh thật không thể nghĩ bàn. Nhưng vì sao hiện tại chúng ta niệm mà chẳng thấy có cảm ứng gì? Đó là vì chưa đến giây phút sinh tử, cho nên chúng ta không xem trọng việc sinh tử. Nếu quý vị nghĩ: “Ồ! Còn một phút nữa là tôi chết, tôi phải mau niệm chú Lục Tự Đại Minh để cầu cảm ứng, được thoát chết”. Hoặc: “Có người sắp cắt đầu tôi, tôi nhất định phải nghĩ ra cách để ông ta không cắt đầu tôi, tôi niệm chú Lục Tự Đại Minh”. Gặp tình huống này, quý vị phải niệm với tâm chí thành khẩn thiết đến cực điểm thì mới có cảm ứng.

Song, hiện giờ chúng ta tụ hội cùng nhau tại đây để tu hành, mọi người đều phải niệm cho có tinh thần, âm thanh vừa chừng không lớn, cũng không nhỏ. Tôi và quý vị cùng niệm chú Đại Minh trong một môi trường tốt như thế này, xem thử ai trong chúng ta niệm được cho cái “Minh” này lớn (Đại) hơn một chút. Chúng ta thi thử xem, ai thấy được cái “Minh” này tức là người đó có cảm ứng.

Nếu ai có cảnh giới gì đặc biệt, thì đến gặp tôi, báo cho tôi nghe về cảnh giới của quý vị; nếu không có cảnh giới gì đặc biệt thì không cần hỏi; phải có cảnh giới đặc biệt, cảm thấy không hiểu thì chừng đó hãy đến hỏi.

Có người có thể có, có người thì không. Năm nay tôi mở cửa phương tiện, quý vị ai có cảnh giới gì hoặc là vấn đề gì không giải quyết được thì cứ đến hỏi tôi, sau khi giải quyết xong vấn đề thì tranh thủ trở về chỗ mà tiếp tục niệm chú Đại Minh.

 

3.2.3 NÓI VỀ THẬP HỒI HƯỚNG  

Nếu thường thấy được vô lượng Phật

Thì thấy Như Lai thể thường trụ

Nếu thấy Như Lai thể thường trụ

Thì biết (Phật) Pháp vĩnh viễn không diệt.

 

Nhược thường đổ kiến vô lượng Phật

Tắc kiến Như Lai thể thường trụ

Nhược kiến Như Lai thể thường trụ

Tắc năng tri Pháp vĩnh bất diệt.

 

Nếu thường thấy được vô lượng Phật: Giả sử quý vị tu hành có cảm ứng, thường thấy được vô lượng chư Phật phóng ánh sáng chiếu soi nhiếp thủ quý vị. Quý vị có thể như vậy thì thấy Như Lai thể thường trụ: thì quý vị có thể thấy bản thể Pháp thân của Phật, thường trụ ở pháp giới, không đến không đi (bất khứ bất lai).

Nếu thấy Như Lai thể thường trụ: nếu quý vị thấy được Pháp thân Phật thường trụ bất biến, không đến không đi, thì biết (Phật) Pháp vĩnh viễn không diệt: Quý vị biết được, Phật Pháp trong chúng sinh thì có phân ra Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp để nói, nhưng bản thể của Phật Pháp thì vĩnh viễn không diệt. Phật Pháp vĩnh viễn tồn tại, chỉ vì thế giới có thành, trụ, hoại, không, nên thấy trên mặt hiện tượng thì dường như có Mạt pháp, có thời đại pháp diệt; nhưng trên bản thể của Pháp thì xưa nay không hề diệt.

 

Nếu biết Pháp vĩnh viễn không diệt

Thì được biện tài không chướng ngại

Nếu được biện tài không chướng ngại

Thì hay khai diễn pháp vô biên.

 

Nhược đắc tri Pháp vĩnh bất diệt

Tắc đắc biện tài vô chướng ngại

Nhược đắc biện tài vô chướng ngại

Tắc năng khai diễn vô biên pháp.

 

Nếu biết Pháp vĩnh viễn không diệt: Phật thì thường trụ, Pháp cũng thường trụ, Tăng cũng thường trụ, nhân vì nghiệp cảm của chúng sinh mà có Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt pháp. Nếu quý vị biết được Pháp vĩnh viễn không thể diệt, thì được biện tài không chướng ngại: thì quý vị sẽ được đại biện tài vô ngại, biện tài này không bị chướng ngại. Không chướng ngại tức là không có ai biện luận hơn quý vị được, đạo lý mà quý vị giảng đều là đạo lý chân thật.

Nếu được biện tài không chướng ngại: nếu quý vị đạt được đại biện tài không chướng ngại này, không bị ngăn ngại bởi bất cứ điều gì, thì hay khai diễn pháp vô biên: thì có thể khai thị diễn thuyết vô lượng vô biên pháp môn vi diệu; quý vị có thể nói tất cả pháp môn vi diệu. Đây chính là vì quý vị được đại biện tài vô ngại, cho nên mới nói pháp một cách rõ ràng rành mạch, ngắn gọn súc tích; pháp được nói ra đều vi diệu không thể nói.

 

Nếu hay khai diễn pháp vô biên

Thì hay thương xót độ chúng sinh

Nếu hay thương xót độ chúng sinh

Thì được tâm đại bi kiên cố.

 

Nhược năng khai diễn vô biên pháp

Tắc năng từ mẫn độ chúng sanh

Nhược năng từ mẫn độ chúng sanh

Tắc đắc kiên cố đại bi tâm

 

Nếu hay khai diễn pháp vô biên: Giả sử quý vị có thể dùng đại biện tài không chướng ngại của quý vị để khai thị diễn thuyết vô lượng vô biên diệu pháp, như thế thì hay thương xót độ chúng sinh: tâm đại bi của quý vị sẽ tự nhiên phát sinh, sinh tâm thương xót độ chúng sinh.

Mỗi người đều có mỗi nhân duyên khác nhau, một khi nhân duyên đã chín muồi thì sẽ được một chút thành tựu nào đó. Năm ngoái, ở Đài Loan, tôi có nhận một số đệ tử quy y, trong đó có một người họ Lý, gọi là Lý Viêm Vũ. Trước kia, ông ta là một thiếu tướng. Đời trước, ông ta vốn là người xuất gia, tu hành rất tinh tấn, rất dụng công, nhưng lại rất mê làm quan, không bỏ được ý muốn này. Cho nên vừa tọa thiền, vừa niệm Án Ma Ni Bát Di Hồngthì ông ta liền khởi nghĩ: “Ồ! Đời sau sinh ra nhất định ta phải làm một vị tướng quân, bên trong thì quyết định sách lược tác chiến, bên ngoài thì quyết chiến thắng nghìn dặm, bảo vệ quốc gia, như thế thì hay biết bao!”. Ông ta vừa tu đạo lại vừa muốn làm tướng quân, làm một vị lãnh tụ. Vậy nên đời này sinh ra, mới hai mươi mấy tuổi thì ông ta đã làm tướng quân.

Khi tôi ở Đài Loan, ông ta đến xin quy y. Ngày đó, có hơn hai mươi người xin quy y. Đang lúc quy y, ông ta thấy trong tâm mình có một cái đèn đã được thắp lên rất sáng; sau khi đèn được thắp lên thì cảnh giới ông ta thấy cũng khác hẳn, và ông ta đã thấy được cảnh giới thật bất khả tư nghì.

Do đó, lòng từ bi rộng lớn trong ông ta phát khởi. Sau khi tâm đại bi phát khởi thì trong vòng một tuần lễ, ông ta luôn khởi tâm thương xót đối với tất cả chúng sinh. Đây chính là tâm đại bi tự nhiên phát khởi thương xót độ chúng sinh. Tâm đại bi trong ông ta cứ liên tục khởi lên, rồi từ đó mà tâm dục được đoạn trừ, cho nên ông ta cảm thấy rất vi diệu. Về sau, tôi dạy cho ông ta một phương pháp tu đạo và truyền cho ông ta pháp môn tâm ấn của Phật. Hiện tại, ông ta dụng công rất tinh tấn, cho nên tôi đã nói với ông ta mấy câu này:

 

Hành trụ tọa ngọa

Bất ly giá cá

Ly liễu giá cá

Tiện thị thác quá.

 

Đi đứng ngồi nằm

Không rời “cái này”

Hễ rời “cái này”

Thì sai lầm ngay.

 

Đi, đứng, ngồi, nằm đều phải dụng công tu đạo, đều không rời pháp này; nếu quý vị rời pháp này thì sai lầm, thì không thể thành đạo. Đạo đây chính là trung đạo. Không thiên lệch gọi là trung, không ỷ dựa gọi là dung. Ông ta đã được truyền pháp trung đạo này, cho nên cách đây vài hôm, ông ta đã viết ra bốn câu này, kèm theo tạp chí “Mỹ Tai Trung Hoa” (Beautiful China), gửi đến đây. Thư pháp của ông ta viết thì thật tuyệt vời, có thể nói là vừa có lực lại vừa có dáng điệu, thậm chí còn tốt hơn chữ của Vu Hữu Nhậm viết. Vu Hữu Nhậm là thư pháp gia giỏi nhất của Trung Hoa cận đại, thư pháp của ông ta có chỗ rất lả lướt, nhưng lại chẳng có lực gì cả; ngược lại, thư pháp của Lý Viêm Vũ trông như được khắc lên gỗ, rất có lực. Vì ông ta là võ nhân, võ phu chính hiệu, cho nên chữ viết mới tốt như vậy. Đây là một điều rất khó được. Tạp chí “Mỹ Tai Trung Hoa” đã đăng tải thư pháp của ông ta, ai xem cũng đều khen ngợi.

Đây chính là tâm đại bi của ông ta tự nhiên phát, cho nên ông ta nói: “Ồ! Thật là kỳ lạ, trước đây con đã từng quy y, nhưng từ trước đến nay chưa từng có cảnh giới này”. Như vậy, lần này, vì đã nhìn thấy rõ sự bất đồng đặc biệt, cho nên ông ta rất thành tâm. Ông ta tự mình viết một bài kệ tụng:

 

Phân miễu tất thủ

Tu du bất ly

Tạo thứ điên bái

Dã yếu lao ký.[2]

 

Giữ gìn từng phút

Không rời một giây

Vội vàng khốn khó

Cũng phải nhớ ghi.

 

Phân miễu tất thủ: tức là mỗi giây mỗi phút đều phải tu đạo, đều phải giữ gìn. Tu du bất ly: một giây là khoảng thời gian rất ngắn mà cũng không thể không chú ý đến trung đạo này. Cho nên nói: “thiên mạng chi vị tánh, suất tánh chi vị đạo, tu đạo chi vị giáo, đạo dã giả, bất khả tu du ly dã.”(Thiên mạng gọi là tính, tuân theo tính gọi là đạo, tu đạo gọi là giáo, đạo thì không thể xa rời trong giây phút).

Người tu đạo thì từng phút từng giây cũng không thể rời đạo, mà phải như rồng dưỡng (giữ) châu, như mèo rình chuột, như gà ấp trứng, không vọng tưởng (niệm tư tại tư), mỗi thời mỗi khắc đều chú ý đến đạo. Quý vị có thể như vậy thì mới có thể thành công, mới có thể thành tựu đạo nghiệp.

Ông ta còn biết làm thơ và đã làm cho mình một bài thơ tám câu, viết trên một tờ giấy được cuốn lại. Tôi mở ra đọc lướt qua bài thơ rồi nói:

– Bài thơ này không phải do ông làm.

Ông ta nói:

– Vì sao? Bài thơ này do đích thân con làm, đích thân con viết ra mà.

Tôi nói:

– Là tôi làm.

Ông ta cười, nói:

– Ngài làm?

Tôi nói:

– Tôi đọc cho ông nghe thử nhé, nếu không phải của tôi làm thì tôi không thể đọc được.

Thế là tôi liền đọc. Bài thơ của ông ta là nói thế này:

 

Hắc thủy thiên niên dũng

Bạch sơn vạn thế hùng

Ngô gia cư tích lộc

Canh, tạc lạc tư chung

Nhược quan đầu ban bút

Suy nhan ký lữ bồng

Hà thời quy cố lý

Tái nhiễu đình tiền đồng.[3]

 

Hắc Thủy thiên niên dũng, Bạch sơn vạn thế hùng: Bạch sơn chính là núi Trường Bạch; Hắc Thủy chính là nước sông Hắc Long. Sông này chảy suốt nghìn năm. Ngô gia cư tích lộc: nhà tôi ở dưới một chân núi rất vắng vẻ. Canh, tạc lạc tư chung: tôi ở đó làm ruộng, đào giếng.“Tạc” chính là đào giếng.

Ông ta đã dẫn một điển cố thời Nghiêu Thuấn. Vào thời đó, bá tánh đều nói như vầy: “Mặt trời mọc đi làm, mặt trời lặn thì nghỉ, đào giếng lấy nước uống, cày cấy có cơm ăn, cần gì vua giúp sức!” (Nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức, tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực, đế lực hà hữu ư ngã tai!). Nói tôi ư! Mặt trời mọc thì tôi đi làm, mặt trời lặn thì về nghỉ ngơi. Tôi đào một cái giếng để có nước mà uống; cày cấy để có cơm mà ăn. Như vậy thì nhà vua có giúp đỡ gì cho tôi đâu. Ý này muốn nói lên sự sung sướng, không cần nhà vua bảo hộ tôi, tôi cũng rất sung sướng. Cho nên ông ta mới nói:Canh, tạc lạc tư chung: canh là cày ruộng, tạc là đào giếng, lạc là vui sướng, tư chung là “Chung tư diễn khánh” trong Kinh Thi, ý nói trong gia đình này rất đông người. Ông ta nói: Tôi ở đó vừa làm ruộng vừa đào giếng, gia đình càng ngày càng đông người (lạc tư chung).

Nhược quan đầu ban bút: lúc tôi còn trẻ khoảng hai mươi tuổi thì đã bỏ học. Trước năm hai mươi tuổi, tôi còn đi học, Nhưng đến năm hai mươi tuổi, vừa thấy người Nhật Bản đến xâm lược Trung Hoa thì bỏ học ngay; học theo Ban Siêu vứt bút tòng quân. Triều Hán có ông Ban Siêu cũng nhân vì thấy người ngoại quốc đánh Trung Hoa mà ôm nỗi bất bình, cho nên liền bỏ học, đi đánh Hung Nô.

Thế là, ông ta cũng dùng điển cố này, Nhược quan đầu ban bút tức là cũng giống như Ban Siêu vứt bút tòng quân. Suy nhan ký lữ bồng: bây giờ thì tôi đã già, đã sáu mươi tuổi, mà còn trú tạm ở Đài Loan chẳng khác nào trú tạm ở khách sạn, đây chẳng phải quê hương tôi. Hà thời quy cố lý: bao giờ tôi mới có thể về đến cái nhà của tôi ở Trường Bạch sơn kia? Quê cũ (cố lý) chính là quê hương trước kia của mình.

Tái nhiễu đình tiền đồng: vì khi ông ta ra đời, mẹ ông ta nằm mộng thấy trước sân có một cây ngô đồng, bà ta đi vòng quanh cây ngô đồng đó rồi sinh ra ông ta, cho nên nói, tái nhiễu đình tiền đồng, đồng chính là cây ngô đồng ấy.

Quý vị nói thử xem, sau khi nghe tôi ngâm đọc bài thơ thì ông ta cảm thấy như thế nào?

Đệ tử: Vô cùng kinh ngạc!

Thượng nhân:

– Ồ! Vô cùng kinh ngạc ư? Ha! Ông ta vẫn không tin bài thơ ấy là do tôi làm. Ông ta lại đem ra một bài thơ khác cũng viết trên một bức tự họa, viết về tướng quân Mã Chiêm Sơn. Ông ta cầm đến cho tôi xem, tôi xem lướt qua, nói:

– Ậy! Cầm đi chỗ khác đi, tôi không cần cái này!

Ông ta hỏi:

– Vì sao?

Tôi nói:

– Bài này cũng do tôi viết, cũng do tôi làm mà.

Ông ta nói:

– Con không tin!

Tôi nói:

– Tôi đọc cho ông nghe nhé!

 

Gian kiều nhất chiến thành anh danh

Hạo khí lăng tiêu cử thế kinh

Thiên địa trường lưu trung nghĩa phách

Hiếu phò dân tộc vận trung hưng.[4]

 

Ồ! Ông ta vừa nghe thì càng kinh ngạc, cho nên tôi đã hàng phục được tướng quân này. Từ trước đến nay, ông ta không giao tiếp với ai, nhưng lúc tôi đi, có mấy lần ông ta ra phi trường đưa đón. Cho nên, quý vị nên tập cho mình một có sức nhớ thật tốt Đây là việc hữu dụng, đến đâu quý vị cũng có thể “gạt” người được. Ha! Tôi đã làm cho chính ông ta ngờ vực về tác phẩm của mình?

Nói về việc tướng quân Mã Chiêm Sơn, bấy giờ trung ương chính phủ đương thời không chủ trương đánh người Nhật Bản mà chỉ chủ trương giảng hòa. Lúc ấy, Mã Chiêm Sơn lập tức hội nghị với tất cả tướng quân bộ hạ của ông ta. Kết quả là mọi người cũng đều không chủ trương đánh, nói: “Đánh không lại người Nhật Bản đâu, quân đội của họ rất mạnh, đánh không được đâu, chúng ta chỉ có thể chạy thôi”.

Mã Chiêm Sơn vỗ bàn, nói: “Có Mã Chiêm Sơn ta ở đây thì phải đánh! Nếu đánh thắng thì công này thuộc về thượng cấp của Mã Chiêm Sơn; nếu thất bại, thì Mã Chiêm Sơn tôi chịu trách nhiệm. Chúng ta nhất định phải đánh! Nếu ai không đánh thì xử bắn người đó!”. Cho nên đợi khi người Nhật Bản qua sông thì ông ta nhắm vào họ mà đánh. Kết quả là đã đánh người Nhật Bản chết không biết bao nhiêu. Trận đánh đó đã khiến Nhật Bản khiếp vía.

Sau ngày đánh bại Nhật Bản, điện báo đến chúc tụng ông ta không biết bao nhiêu, giống y như tuyết rơi. Tưởng Giới Thạch và Trương Học Lương cũng điện báo đến, đều nói ông ta đã thành công. Cho nên mới có câu: Giang kiều nhất chiến thành anh danh: tên tuổi của vị anh hùng này từ đó vang xa. Hạo khí lăng tiêu cử thế kinh: khí phách anh hùng hào kiệt mạnh mẽ phi thường đó đã xung lên đến trời.

Việc Mã Chiêm Sơn đánh bại người Nhật Bản đã gây sự kinh ngạc lạ lùng cho cả thế giới. Thiên địa trường lưu trung nghĩa phách: linh hồn trung nghĩa của ông ta mãi mãi lưu lại trong trời đất. Trung chính là nghĩa khí. Hiếu phò dân tộc vận trung hưng: Lý Viêm Vũ nói, hiện tại vẫn hy vọng ông ta đến bảo hộ dân tộc Trung Hoa trung hưng trở lại, nhưng việc này không thể nào có được.

Hiện nay, chữ viết của ông ta được để ở viện bảo tàng Đài Loan. Trong viện bảo tàng đó chỉ có chữ viết của Tưởng Giới Thạch mới được lưu giữ, ngoài ra, chẳng có chữ của ai được để cả, thế nhưng chữ viết của ông ta cũng được để trong đó, chứng tỏ đây là một điều rất đặc biệt!

Điều này đã nói lên rằng, nhờ ông ta quy y mà tâm đại bi phát khởi nên niệm dục cũng đoạn trừ. Quý vị nói xem, đây có phải là cảnh giới bất khả tư nghì chăng? Tôi vẫn chưa nói xong vấn đề bài thơ do ông ta tự viết. Ông ta nói: Tu du bất ly, tạo thứ điên bái. “tạo thứ” là chỉ trạng thái vội vã, bận bịu; “điên bái”chính là gian truân vất vả, giống như bị té ngã, hoặc có hoàn cảnh trái ngang.

Dã yếu lao ký: tức là ông ta nói, dù cho bận bịu, khốn khó cách mấy thì cũng phải ghi nhớ việc tu đạo. Ông ta nói dù bận rộn, vất vả cũng phải nhớ nghĩ đến việc tu đạo. Những người tuổi trẻ không hiểu lẽ này, còn ông ta già rồi nên hiểu rất rõ. Cho nên trong những người đệ tử mà tôi nhận quy y ở Đài Loan, ông ta là người tuyệt nhất. Khi tôi chưa giảng, ông ta quả đã ngộ rồi, còn biết tu đạo như thế nào là đúng. Cho nên tối hôm nay nhân giảng “Từ mẫn độ chúng sanh” mà kể lại nhân duyên này cho quý vị nghe.

Nhân duyên này còn rất nhiều, tôi chưa kể hết. Nhưng có một điều nữa quý vị cần biết thêm là khi quy y, ông ta nhìn thấy sư phụ ở trên pháp tòa bỗng nhiên biến thành Bồ-tát Quán Âm, rồi bỗng nhiên lại biến thành đại tướng quân, cho nên tiểu tướng quân của ông ta trở nên rất ngoan ngoãn, khuôn phép. Ông ta nói: “Đây là việc rất kỳ lạ!”. Ông ta là một tiểu tướng, tiểu tướng là tiểu tướng quân, còn có trung tướng, thượng tướng nữa.

Nếu hay thương xót độ chúng sinh: nếu quý vị hay thương xót đối với tất cả chúng sinh, thì được tâm đại bi kiên cố: thì sẽ đạt được tâm đại bi kiên cố, thì sẽ có tâm đại từ bi. Cho nên nói, quý vị đừng sợ chính mình không có tâm từ bi, chỉ cần quý vị dụng công tu hành thì dần dần sẽ có. Quý vị đạt được tâm đại bi kiên cố rồi thì sẽ từ bi giống như Bồ-tát Quán Thế Âm.

 


[1] Án ma ni bát di ngưu  「唵 嘛 呢 叭 咪 Án ma ni bát di hồng「唵 嘛 呢 叭 咪 」: Bởi chữ “Hồng” () và “Ngưu” () tương tợ nên có người đọc là “ngưu”.

Nếu vậy thì lúc trì Chú mà phát âm không hoàn toàn chính xác thì có sao không? Có người đặt câu hỏi như vậy với Hòa Thượng.  

Hòa Thượng: Ngày xưa có một ông lão tu hành rất chân thật, nên lúc nào ông cũng không rảnh rỗi. Ông lão làm gì? Ông lão trì chú, tức là trì “Lục Tự Đại Minh Chú.” Nhưng ông lão tu hành này niệm không đúng. Bởi vì ông đã không hỏi cho rõ ràng cách đọc như thế nào, mà lại tự ý đặt ra. Hoặc là ông có hỏi qua, nhưng vì trí nhớ không mấy gì tốt, cho nên người ta dạy: khi chữ khẩu ( ) bên cạnh chữ Án ( ) thì có âm đọc là Án ( ). Vì thế mà ông nghĩ rằng khi chữ khẩu có thêm chữ Ngưu ( ), thì chắc chắn cũng đọc là Ngưu. Thật ra chữ đó không phải phát âm là Ngưu ( ) mà có âm đọc là Hồng ( ). Thế là ông lão niệm câu chú Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu, Án Ma Ni Bát Di Ngưu. Ông lão cứ như vậy mà niệm rất thành tâm, rất hứng thú. Với lòng nhiệt tâm và nghị lực trì niệm của ông, thì thật là bao nhiêu sức mạnh của chữ ngưu ( trâu ) đó như phát xuất ra vậy. 

Ông lão không những chỉ niệm lấy có, mà mỗi ngày ông đều niệm đến cả trăm ngàn lần câu “Án Ma Ni Bát Di Ngưu” này. Sau khi niệm cả trăm ngàn lần như thế, ông cho rằng quá phiền phức nếu niệm mà dùng chuỗi để tính đếm. Cho nên ông bắt đầu dùng trăm ngàn hột đậu để đếm khi niệm chú. Thế rồi mỗi lần niệm xong một câu, ông dời một hột đậu qua một bên. Vì làm như vậy thì sẽ không bị sai sót chi. Niệm một câu thì dời một hột đậu qua một bên. Ông cứ như vậy mà niệm. Niệm tới niệm lui và quả là đã có linh nghiệm thật. Ông niệm cho đến khi các hạt đậu tự động nhảy qua mà không cần dùng tay dời chúng. Ông niệm một câu Án Ma Ni Bát Di Ngưu (trâu), thì ngưu này nhảy qua. Niệm thêm một câu Án Ma Ni Bát Di Ngưu, thì thêm một ngưu nữa lại nhảy qua. Cứ như thế mà tiếp tục niệm tới niệm lui, niệm cho tới khi hào quang xanh sắc xanh, hào quang vàng sắc vàng, hào quang hồng sắc hồng- gồm cả năm hào quang và mười màu sắc đó bao phủ quanh ông. Lúc đó, ông càng niệm lại càng hân hoan hơn: Thật là vui quá! Thử tưởng tượng xem! Các hột đậu mà lại có thể tự động nhảy từ bên đây qua bên kia. Chính ông cũng không ngờ rằng sự linh nghiệm của câu chú, đã khiến các hột đậu trở nên linh hoạt đến nỗi có thể tự động di chuyển được.

Rồi vào một ngày nọ, lại có một lão đạo sĩ khác, nhận thấy bầu trời trên đỉnh núi có một luồng khí sắc tía. Sự hiển hiện của luồng khí sắc tím cuộn xoáy là nhất định phải có một vị chân tu đang tu tập trên đó. Cho nên lão đạo sĩ này bèn đi đến đó xem thử. Đến nơi thì thấy chỗ ở rất đơn sơ, chỉ là một túp lều tranh nhỏ. Lúc ông nhìn vào bên trong thì thấy có một ông già đang niệm Án Ma Ni Bát Di Ngưu và cũng thấy các hạt đậu tự động nhảy qua. Ông lắng nghe, lắng nghe. Và khi ông già đó đã xong khóa trì niệm trăm ngàn biến Án Ma Ni Bát Di Ngưu, đến chữ “Ngưu” cuối cùng, ông khách bèn hỏi: Ông đang làm gì vậy?

– Tôi niệm Lục Tự Đại Minh Chú.

– Ông niệm như thế nào?

– Thì niệm – Án Ma Ni Bát Di Ngưu.

– Ông niệm sai rồi! Không phải là Án Ma Ni Bát Di Ngưu đâu!

– Vậy thì là gì?

– Là Án Ma Ni Bát Di Hồng.

– Ồ!

Rồi sau đó ông lão niệm Án Ma Ni Bát Di Hồng. Nhưng khi niệm chữ “Hồng”, các hạt đậu chẳng động đậy chút nào. “Ủa! HỒNG không làm chúng di động.” Ông lão nói: 

“Thấy chưa? Khi tôi niệm Án Ma Ni Bát Di Ngưu, thì đậu của tôi tự động di chuyển. Nhưng khi tôi niệm Án Ma Ni Bát Di Hồng thì các đậu này làm lơ với tôi, chẳng thèm nhúc nhích chi hết. Vậy thì tôi sẽ tiếp tục niệm theo cách của tôi – Án Ma Ni Bát Di Ngưu cho rồi!”

Thật ra ông lão này vốn là không biết chữ, tuy niệm Án Ma Ni Bát Di Ngưu, mà ông cũng đắc được tam-muội. Từ đó chúng ta thấy rằng: Nhất thiết duy tâm tạo– Tất cả đều do tâm tạo. Nếu quý vị niệm không đúng, nhưng không phải là vì quý vị cố ý, thì đó không phải lỗi của quý vị. Bởi vậy không có sao đâu. Chỉ cần quý vị thành tâm thôi. Cho dù như quý vị có niệm sai đi nữa, thì vẫn được cảm ứng như thường. Đó là bởi các vị Thần Chú biết quý vị không phải cẩu thả. Trong trường hợp này, cho dù nếu có trì niệm không đúng hoàn toàn, nhưng cũng vẫn được cảm ứng như nhau. Quý vị hiểu chưa? Tôi nói nhiều đạo lý như vậy đều là để trả lời câu hỏi này cho quý vị đó. 

(trích từ “Pháp Nhũ Thâm Ân”)

[2] 分秒必守 

   須臾不離
造次顛沛 

   也要牢記

[3] 黑水千年湧 白山萬世雄
吾家居僻麓 耕鑿樂斯螽
弱冠投班筆 衰顏寄旅蓬
何時歸故里 再繞庭前桐

[4] 江橋一戰成英名 浩氣凌霄舉世驚
天地長留忠義魄 好扶民族運中興


 

3.2.4 NÓI VỀ GIAI VỊ THẬP ĐỊA

3.2.4.1. SƠ ĐỊA (Hoan Hỷ Địa)

 

Nếu tâm đại bi được kiên cố

Thì hay ưa thích pháp thâm diệu.

 

Nhược đắc kiên cố đại bi tâm

Tắc năng ái nhạo thậm thâm pháp

 

Nếu tâm đại bi được kiên cố: Nếu tâm đại bi của quý vị được bất động, tâm đại bi bất động chính là thành tựu tâm đại bi, tâm đại bi kiên cố không dao động thì không thể có sự giảm thiểu (lòng đại bi).

Thì hay ưa thích pháp thâm diệu: quý vị đã có tâm đại bi thì sẽ ưa thích pháp thâm diệu. Nếu người nam nào say mê pháp này còn dữ dội hơn yêu người nữ và ngược lại, nếu người nữ nào cũng say mê pháp này dữ dội hơn yêu người nam thì đây gọi là “Hiền hiền dịch sắc”[1] (tôn trọng bậc hiền có tài đức mà xem nhẹ sắc đẹp). Tâm ưa thích Phật pháp vượt qua tâm ưa thích nữ sắc hay tâm ưa thích Phật pháp vượt qua tâm ưa thích nam sắc thì gọi là ưa thích pháp thâm diệu.

 

3.2.4.2. NHỊ ĐỊA (Ly Cấu Địa)

 

Nếu hay ưa thích pháp thâm diệu

Thì hay xa lìa lỗi hữu vi.

 

Nhược năng ái nhạo thậm thâm pháp

Tắc năng xả ly hữu vi quá

 

Nếu hay ưa thích pháp thâm diệu: nếu quý vị hay dùng tâm ưa thích Phật pháp vượt qua việc dục ái nam nữ để ưa thích pháp thâm diệu này, thì hay xa lìa lỗi hữu vi: thì quý vị hay xa lìa pháp hữu tướng, hữu vi. Pháp hữu vi chính là pháp có tạo tác, có hình tướng; giống như tất cả các pháp ở thế gian đều là pháp hữu tướng, ngay cả giữa vợ chồng cũng là pháp hữu vi. Vì pháp hữu vi cho nên mới sinh ra đứa bé trai hoặc đứa bé gái này. Có người nói: “Nếu xa lìa pháp hữu vi này, thì chẳng phải thế giới sẽ không có người ư?”. Không có người mà có Phật thì cũng như nhau thôi! Không có người thì có hề gì, không có người là bởi vì người đã thành Phật, mọi người đều thành Phật, vậy không tốt sao? Cho nên quý vị chớ lo lắng rằng thế giới không có người, bớt đi một người thì sẽ thêm một đức Phật. Nếu quý vị không tu hành, thì bớt đi một người sẽ thêm một con quỷ, quý vị xem điểm nào tốt? Thế nên, chúng ta tu hành thì cần phải xa lìa pháp hữu vi. Làm thế nào để xa lìa? Chính là phải nhận thức được pháp hữu vi, rằng: “A! Còn có pháp khác vượt qua pháp hữu vi, đó là pháp vô vi”. Vô vi nhưng vô bất vi, nếu quý vị hiểu rõ pháp vô vi thì không có điều gì mà không làm được, việc gì cũng đều làm được, Chân Không thì có Diệu Hữu, Diệu Hữu mới có Chân Không. Cho nên, người tu đạo chúng ta phải hồi quang phản chiếu, tu cái tự tính của chính mình, mong tự tính tròn sáng. Tự tính tròn sáng tức là đã xa lìa pháp hữu vi. Pháp hữu vi cũng tức là lỗi hữu vi. Lỗi hữu vi, đây không chỉ là pháp mà lại là lỗi. Quý vị tham nhiều thì ắt đọa địa ngục, biến ngạ quỷ, biến súc sinh, cho nên đây chính là lỗi.

 

3.2.4.3. TAM ĐỊA VÀ TỨ ĐỊA (Phát Quang Địa và Diệm Huệ Địa)

 

Nếu hay xa lìa lỗi hữu vi

Thì lìa kiêu mạn và buông lung

Nếu lìa kiêu mạn và buông lung

Thì hay kiêm lợi tất cả chúng.

 

Nhược năng xả ly hữu vi quá

Tắc ly kiêu mạn cập phóng dật

Nhược ly kiêu mạn cập phóng dật

Tắc năng kiêm lợi nhất thiết chúng

 

Nếu hay xa lìa lỗi hữu vi: nếu quý vị hay xa lìa pháp hữu vi và bờ mé hữu vi (biên tế hữu vi), thì lìa kiêu mạn và buông lung: thì hay xa lìa tất cả kiêu mạn. Kiêu là kiêu ngạo, mạn là ngã mạn, lúc nào cũng cảm thấy mình hơn hẳn người khác, đây là cống cao ngã mạn. Buông lung (phóng dật), có người không cống cao ngã mạn lớn và dữ dội như nói ở trên, nhưng lại buông lung. Thế nào là buông lung? Là không giữ phép tắc. Người không giữ phép tắc thì dù ở đâu và lúc nào cũng không gìn giữ. Nếu quý vị không giữ phép tắc thì không thể học Phật pháp, học Phật pháp thì phải giữ phép tắc.

Nếu lìa kiêu mạn và buông lung: nếu quý vị có thể xa lìa hành vi kiêu ngạo, ngã mạn và không giữ phép tắc, thì hay kiêm lợi tất cả chúng: Như vậy thì có thể kiêm lợi, chính là lợi ích khắp toàn bộ chúng sinh. Quý vị hay làm lợi ích trùm khắp tất cả chúng sinh thì tức là rộng độ chúng sinh.

 

3.2.4.4. NGŨ ĐỊA ( Nan Thắng Địa)

 

Nếu hay kiêm lợi tất cả chúng

Thì ở sinh tử không nhàm chán

Nếu ở sinh tử không nhàm chán

Thì được mạnh mẽ không ai hơn.

 

Nhược năng kiêm lợi nhất thiết chúng

Tắc xử sanh tử vô bì lao

Nhược xử sanh tử vô bì lao

Tắc năng dũng kiện vô năng thắng

 

Nếu hay lợi ích tất cả chúng: nếu quý vị hay làm lợi ích cho khắp tất cả chúng sinh, thì ở sinh tử không nhàm chán: đây chính là phát tâm Bồ-tát, là tư tưởng của người hành đạo Bồ-tát. Người ấy tuy không nhất định liễu sinh tử, nhưng họ không nhàm chán sinh tử, họ phát nguyện hành đạo Bồ-tát, đời đời thường sinh ở thế giới Ta-bà, hoặc thế giới khác để giáo hóa chúng sinh, để làm lợi ích cho chúng sinh. Vì họ muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh nên phải ở trong sinh tử, tuy ở trong luân hồi sinh tử nhưng họ không nhàm chán sinh tử, không hề nói: “Ôi! Tôi nhàm chán sinh tử lắm rồi, giáo hóa chúng sinh quá cực khổ, bây giờ tôi không giáo hóa chúng sinh nữa!”. Họ không nói như thế. Họ chẳng nhàm chán, chẳng cảm thấy mình mệt mỏi và nhàm chán, đối với sinh tử vốn chẳng thành vấn đề.

Nếu ở sinh tử không nhàm chán: nếu quý vị đối với vấn đề sinh tử không mệt mỏi và nhàm chán, thì được mạnh mẽ (dũng kiện) không ai hơn: thì quý vị có thể dũng mãnh tinh tấn, chỉ có tiến tới chứ không thoái lui, cho nên phải có tâm dũng mãnh. Tâm dũng mãnh này, dũng mãnh mà mạnh mẽ (dũng mãnh nhi kiện), kiện chính là mạnh khỏe cường tráng, mạnh khỏe một cách phi thường. Quý vị thường dũng mãnh tinh tấn lại có sức mạnh phi thường thì đến đâu cũng không có ai bằng quý vị, đến đâu cũng đều thắng lợi, không ai có thể hơn quý vị được; cũng chính là hay vượt qua tất cả thiên ma ngoại đạo, vượt qua tất cả ly, mỵ, vọng lượng, cái gì cũng đều có thể vượt qua.

 

3.2.4.5. LỤC ĐỊA (Hiện Tiền Địa)

 

Nếu hay mạnh mẽ không ai hơn

Thì hay phát khởi đại thần thông

Nếu hay phát khởi đại thần thông

Thì biết hết hành vi chúng sinh.

 

Nhược năng dũng kiện vô năng thắng

Tắc năng phát khởi đại thần thông

Nhược năng phát khởi đại thần thông

Tắc tri nhất thiết chúng sanh hành.

 

Nếu hay mạnh mẽ không ai hơn: nếu quý vị hay mạnh mẽ, không có bất kỳ một ai có thể vượt qua quý vị, thì hay phát khởi đại thần thông: thì lúc này quý vị có đại oai đức, sức đại thần thông có thể hàng phục thiên ma, chế ngự ngoại đạo. Đại thần thông chính là một loại cảm ứng đạo giao, cảm ứng đạo giao chính là thần thông. Nếu hay phát khởi đại thần thông: nếu quý vị đã phát khởi sức đại thần thông rồi, thì biết hết hành vi chúng sinh: thì biết hành vi của tất cả chúng sinh. Chúng sinh làm những việc gì thì quý vị đều biết rõ ràng, như thế mới giáo hóa họ được. Cho nên nói, hằng thuận chúng sinh, tùy thuận chúng sinh để giáo hóa chúng sinh.

 

3.2.4.6. THẤT ĐỊA (Viễn Hành Địa)

 

Nếu biết hết hành vi chúng sinh

Thì hay thành tựu các quần sinh

Nếu hay thành tựu các quần sinh

Thì được trí khéo nhiếp chúng sinh

Nếu được trí khéo nhiếp chúng sinh

Thì hay thành tựu bốn pháp nhiếp

Nếu hay thành tựu bốn pháp nhiếp

Thì cho chúng sinh lợi vô hạn

Nếu cho chúng sinh lợi vô hạn

Thì đủ tối thắng trí phương tiện.

 

Nhược tri nhất thiết chúng sanh hành

Tắc năng thành tựu chư quần sanh

Nhược năng thành tựu chư quần sanh

Tắc đắc thiện nhiếp chúng sanh trí

Nhược đắc thiện nhiếp chúng sanh trí

Tắc năng thành tựu tứ nhiếp pháp

Nhược năng thành tựu tứ nhiếp pháp

Tắc dữ chúng sanh vô hạn lợi

Nhược dữ chúng sanh vô hạn lợi

Tắc cụ tối thắng trí phương tiện.

 

Nếu biết hết hành vi chúng sinh: nếu quý vị biết tất cả hành vi của chúng sinh thì có thể quán cơ thuyết pháp, giáo hóa tất cả chúng sinh, tùy theo căn tính của chúng sinh mà nói tất cả các pháp môn phương tiện, để giáo hóa tất cả chúng sinh. Nếu quý vị có thể như vậy, thì hay thành tựu các quần sinh: thì hay thành tựu chư quần sinh. Thành tựu cái gì? Thì hay giúp đỡ chư quần sinh, khiến họ được lợi ích, được tốt đẹp, được thành tựu nguyện lực của họ. Quý vị hay giúp cho chúng sinh tùy tâm mãn nguyện, hay làm cho chúng sinh sinh tâm hoan hỷ thì gọi là thành tựu các quần sinh. Nếu hay thành tựu các quần sinh: nếu quý vị hay dùng đủ các pháp môn phương tiện để thành tựu nguyện lực của tất cả chúng sinh, sở cầu của họ đều được thành tựu, thì được trí khéo nhiếp chúng sinh: thì quý vị sẽ đạt được trí tuệ khéo nhiếp thụ chúng sinh. Thế nào là khéo nhiếp thụ? Là dùng đủ các pháp môn phương tiện giúp cho chúng sinh sinh tín tâm đối với Phật pháp, sinh tâm hoan hỷ đối với Phật Pháp, họ có sinh tâm hoan hỷ thì ta mới nhiếp thụ họ được. Pháp nhiếp này giống như cục đá nam châm hút sắt. Quý vị giáo hóa chúng sinh thì cũng giống như cục đá nam châm, thu hút tất cả chúng sinh đến; sau khi bị thu hút, dù cho họ có muốn đi cũng không đi được, muốn chạy cũng không chạy được, đây gọi là trí khéo nhiếp chúng sinh (thiện nhiếp chúng sinh trí).

Nếu được trí khéo nhiếp chúng sinh: nếu quý vị đạt được trí tuệ khéo nhiếp thụ tất cả chúng sinh, thì hay thành tựu bốn pháp nhiếp: thì quý vị hay thành tựu bốn pháp môn nhiếp (tứ nhiếp pháp).

– Có ai biết bốn pháp nhiếp là gì không?

Đệ tử:

– Bốn pháp nhiếp có phải là bốn tâm vô lượng không?

Thượng nhân:

– Không phải.

Đệ tử:

– Một là bố thí, hai là ái ngữ, ba là lợi hành, bốn là đồng sự.

Thượng nhân:

– Con hãy giải thích cho mọi người nghe đi!

Đệ tử:

– Đó là: “Muốn khiến cho họ thể nhập tri kiến Phật, trước hết phải dẫn dụ họ về” (Dục linh nhập Phật trí, tiên dĩ dục câu khiên).

1- Bố thí: có ba loại: 1) Tài thí: gồm nội tài và ngoại tài, 2) Pháp thí, 3) Vô úy thí. Quý vị muốn chúng sinh hoan hỷ học Phật pháp thì trước tiên phải cho họ vật mà họ ưa thích.

2- Ái ngữ: giống như quý vị nói với một người nào đó rằng: “Anh là bạn tốt của tôi, chúng ta cùng học Phật pháp nhé!”. Như vậy họ mới cảm thấy có hứng thú. Nếu quý vị nói không hay thì họ không có ấn tượng tốt đẹp đối với Phật pháp.

3- Lợi hành: tức là việc gì có lợi ích cho người khác thì quý vị đều làm, như vậy mới có thể làm cho người sinh thiện cảm vì quý vị đã giúp đỡ họ.

4- Đồng sự: ví như quý vị muốn độ một người thợ mộc thì quý vị phải hiện thân một người thợ mộc, cùng đóng đinh với anh ta. Trong khi đang đóng đinh, quý vị có thể nói sơ về Phật pháp tốt như thế nào để anh ta dần dần cảm thấy Phật pháp có ý nghĩa.

Bốn pháp nhiếp này là phương pháp nhiếp thụ chúng sinh, điều quan trọng nhất là khiến cho họ tự phát tâm. Nếu như quý vị muốn bắt ép một người nào đó học Phật pháp thì hoàn toàn không được, quý vị không có cách nào. Vì tâm lý chúng sinh là như vậy. Nếu quý vị trực tiếp nói với họ rằng: “Anh nên làm như thế” thì chắc chắn họ sẽ không muốn làm; nhưng quý vị có thể cho họ cái mà họ ưa thích và nói lời êm dịu với họ, giúp đỡ họ, hợp tác với họ, thì nhất định sẽ có cách khiến họ giác ngộ.

Thượng Nhân:

– Đúng vậy, bốn pháp nhiếp này (tứ nhiếp pháp), nhiếp chính là có một sức mạnh lôi cuốn được họ, sức mạnh này không có hình tướng, quý vị không thể thấy được. Pháp nhiếp thứ nhất chính là bố thí, vì bất kỳ một người nào trong chúng sinh cũng đều có tâm tham, nên nếu quý vị tặng họ gì đó thì họ cũng cảm thấy quý vị là người tốt; quý vị tặng họ  một món quà thì họ nhất định sẽ nói: “Thank you very much!” (cám ơn rất nhiều); nếu quý vị không cho họ quà thì họ không nói câu này. Cho nên tôi chẳng cho ai quà, tôi cũng chẳng mong nghe mọi người nói câu này với tôi. Đây là cái tật cố chấp của tôi. Cũng có nghĩa là tôi muốn cùng với tất cả mọi người là một, không có phân biệt, người chính là tôi, tôi chính là người. Tuy nhiên, tôi ăn cơm thì mọi người không thể no, mọi người ăn thì tôi cũng không thể no, nhưng tôi có thể mong đem những cái mà tôi có để cho người, đây là bố thí.

* Bố thí có ba loại: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Sao gọi là tài thí? Chính là dùng đồ vật đáng giá để bố thí.

– Tài thí có hai loại: nội tài và ngoại tài. Nội tài chính là những thứ thuộc về bên trong thân thể của mình như da, máu, thịt, gân cốt, đầu, mắt, não, tủy, tay chân, tim, gan, tỳ, phổi, thận đều có thể bố thí cho người. Ví dụ như có người nào đó không có mắt, muốn thay mắt, tôi nguyện không cần dùng mắt, đem mắt bố thí cho họ. Đây là cách bố thí vĩ đại nhất, không có chính mình, chỉ có người khác, xem chính mình rất bình thường, không có tâm ích kỷ, tâm tự lợi, mình chịu khổ một chút không hề gì, chỉ mong cho người khác được sung sướng an vui. Dù cho việc gì đó làm không được thì tôi cũng phải làm, có tâm bố thí vĩ đại như thế.

Mắt thì như vậy, còn những thứ khác như đầu, mắt, tủy, não, tim, gan, tì, phế, thận cũng vậy. Ví dụ như có một người nào đó muốn thay tim, ông ta nói là tìm tim của một người sống để ghép vào, thì ông ta sẽ được sống, vậy ta có thể bố thí (tim) cho ông ta. Chỉ cần người có sở cầu thì quý vị hành đạo Bồ-tát đều nên làm. Đừng giống như Tôn giả Xá-lợi-phất, xả được con mắt thứ nhất, người ta cần đến con mắt thứ hai thì Ngài không xả được, nói rằng, tôi không thể hành đạo Bồ-tát này, rồi liền thối tâm. Như vậy là ngã tướng vẫn chưa không; nếu ngã tướng của quý vị đã không thì cái gì cũng đều có thể xả bỏ, đây mới là“Vô ngã vô nhân Quán Tự Tại; Phi không phi sắc kiến Như Lai”. Quý vị nói không ư! Lại có bất không; quý vị nói có tướng ư! Lại không có tướng. Đây chính là giáo nghĩa chân chánh của Như Lai, đây là hành vi bố thí vô thượng.

Ngoại tài tức là quốc thành, vợ con, nghĩa là bố thí cả đất nước của mình, nhường ngôi vị lại cho người khác; có thành thị nào cũng có thể nhường cho người khác, vợ mình cũng có thể bố thí cho người, con mình cũng có thể bố thí cho người, chỉ cần người khác hoan hỷ thì đều có thể bố thí.

Việc bố thí này cần phải nói rõ ràng là đối phương phải thực sự cần mới được. Ví dụ như quý vị muốn đem vợ mình bố thí, nhưng chẳng có ai cần cả, thì quý vị nói: “Ồ! Tôi cho người đây, cho người đây!” như thế thì không được. Người nào cần vợ của quý vị mà vợ của quý vị cũng ưa thích họ, mà quý vị có thể sẵn sàng bố thí mà không cần tiền bạc gì cả, đây xem như đã bố thí! Thế thì, nếu như chẳng có ai cần, mặc dù vợ của quý vị rất muốn tìm tình nhân, nhưng không có chủ, không có người cần thì quý vị bố thí cho ai?

Không có ai cần hết! Vậy thì việc bố thí này chẳng thể thực hiện được. Nhất định phải có người cần, mà vợ quý vị cũng muốn thì mới được! Giống như vợ của một anh chàng nọ muốn ngoại tình, anh ta biết được nên rất giận dữ, mắt đỏ ngầu. Vậy là không được, nếu họ muốn đến với nhau thì cứ bố thí cho họ! Quý vị làm được như thế thì vĩ đại biết bao! Đây mới thật là người hiểu biết Phật pháp. Ngay cả một cô vợ mà cũng không xả được thì thật là quá keo kiệt!

– Pháp thí chính là giảng kinh thuyết pháp, “Trong các thứ cúng dường, cúng dường pháp là tối thượng” (chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối). Quý vị có thể giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh, đây là pháp cúng dường lớn nhất trong các pháp cúng dường, cũng là cách bố thí lớn nhất trong các cách bố thí, pháp thí là bậc nhất.

– Vô úy thí chính là ở mỗi người đều có một sự sợ hãi, quý vị có thể an ủi họ, làm họ không còn sinh tâm sợ hãi, vượt qua việc khó khăn này.

* Ái ngữ, như là nói: “Anh là bạn rất tốt của tôi, anh biết không? Không chỉ ở đời này chúng ta là bạn tốt của nhau mà trong rất nhiều đời trước, rất nhiều đời rồi chúng ta đã từng là bạn tốt của nhau, cho nên đời này vừa gặp thì có duyên như vậy. Ồ! Anh hãy đến đây đi! Tôi đang học Phật pháp, anh cũng nên thử xem, nghiên cứu xem Phật pháp này có ý nghĩa chăng”. Đó là quý vị dùng ái ngữ để nhiếp thụ chúng sinh.

* Lợi hành chính là quý vị phải làm lợi ích cho người khác, không nên chỉ lợi ích cho riêng mình.

* Đồng sự tức là quý vị phải đồng loại, giống y như họ. Ví dụ như quý vị muốn độ bọn giặc cướp thì quý vị phải đến chỗ của họ, gia nhập vào đảng cướp. Họ nói: “Ồ! Chúng ta nên đi cướp ngân hàng đó đó”, quý vị nói: “A! cướp nhà băng ư! Đó cũng là một nghề của họ, chúng ta phải từ từ, xem thử đã rồi tính sau”. Quý vị bảo họ từ từ, đợi đã, hoặc có thể không đi cướp, chính là dùng pháp môn phương tiện, dần dần độ họ. Nói một cách đơn giản, bốn pháp nhiếp chính là như vậy.

Tôi nói rõ hơn một chút cho quý vị nghe, bốn pháp nhiếp này chính là cách lừa gạt người, biết không? Giống như chúng ta dụ trẻ nhỏ vậy.

Nếu hay thành tựu bốn pháp nhiếp: tuy rằng tôi nói rõ ra như thế nhưng quý vị chớ cho rằng bốn pháp nhiếp là lừa dối người; xem ra thì như vậy nhưng trên thực tế bốn pháp nhiếp rất có sức mạnh, chẳng phải là pháp lừa dối người đâu.

Thì cho chúng sinh lợi vô hạn: vì sao biết nó không phải là pháp lừa gạt người? Vì nó có thể cho chúng sinh thật nhiều vô hạn lượng lợi ích an lạc. Lúc trước, tôi có một Phật tử nữ quy y, cô ta muốn bố thí chồng mình cho một người, nhưng suốt mấy năm liền cũng không bố thí được. Cô ta vốn muốn làm người bố thí chồng đầu tiên, nhưng cách làm này không thể thực hiện được. Thế thì bố thí vợ cũng chớ miễn cưỡng, chớ nói rằng vợ mình không bỏ mình được mà mình kiên quyết muốn đem cô ta bố thí đi, vậy cũng không đúng.

Nếu cho chúng sinh lợi vô hạn: ở trước đã nói, nếu hay đạt được bốn pháp nhiếp, thì mới có thể làm cho chúng sinh lợi ích vô hạn. Nếu quý vị có thể khéo dùng tất cả các pháp môn phương tiện để giáo hóa chúng sinh khiến chúng sinh đều đạt được lợi ích vô lượng, thì đủ tối thắng trí phương tiện: quý vị có bốn pháp nhiếp lại có thể làm cho chúng sinh lợi ích vô hạn, thì sẽ đầy đủ pháp môn trí tuệ phương tiện thù thắng nhất.

 

3.2.4.7. BÁT ĐỊA (Bất Động Địa)

 

Nếu đủ tối thắng trí phương tiện

Thì trụ dũng mãnh đạo vô thượng

Nếu trụ dũng mãnh đạo vô thượng

Thì hay diệt hết các ma lực.

 

Nhược cụ tối thắng trí phương tiện

Tắc trụ dũng mãnh vô thượng đạo

Nhược trụ dũng mãnh vô thượng đạo

Tắc năng tồi điễn chư ma lực

 

Nếu đủ tối thắng trí phương tiện: quý vị có thể đầy đủ phương tiện trí tuệ, cũng chính là dùng tất cả các pháp môn, phương tiện quyền xảo để giáo hóa chúng sinh, khiến tất cả chúng sinh đều phát tâm Bồ-đề rộng lớn mà không thối tâm Bồ-đề. Đừng nói họ không thối tâm Bồ-đề mà dù có muốn thối cũng thối không được.

Nếu quý vị có sức mạnh như thế, thì trụ dũng mãnh đạo vô thượng: thì quý vị thường thường trụ vào pháp dũng mãnh tinh tấn, siêng cần cầu Phật đạo vô thượng. Nếu quý vị không trụ vào pháp dũng mãnh tinh tấn thì chẳng thể siêng cầu Phật đạo; nếu quý vị trụ được ở pháp môn dũng mãnh tinh tấn thì mới có thể siêng cầu Phật đạo vô thượng.

Nếu trụ dũng mãnh đạo vô thượng: nếu quý vị thường thường trụ vào cảnh giới dũng mãnh tinh tấn, siêng cần cầu Phật đạo vô thượng, thì hay diệt hết các ma lực: thì có thể vượt qua tất cả ma lực. Tất cả ma lực là gồm có thiên ma, thần ma, quỷ ma, nhân ma.

Thiên ma, đợi khi nào quý vị sinh lên cõi trời, nó sẽ đến làm trở ngại quý vị. Làm (trở ngại) như thế nào? Nếu người tu đạo không dẹp trừ được cái tâm ham thích tiền của thì đợi đến khi quý vị lên đến cõi trời, thiên ma sẽ hiện ra rất nhiều tài sản, khiến quý vị sinh tâm tham lam. Lúc đó, quý vị sẽ gia nhập vào hàng quyến thuộc của ma vương, làm ma con, ma cháu, ma dân, làm dân chúng của ma vương, ngày ngày làm việc ma.

Vì sao? Bởi vì quý vị không đoạn trừ được cái tâm ham thích tài sản, không buông bỏ được tiền! Hậu quả cũng tương tự nếu quý vị không phá dẹp được cái tâm háo sắc. Bình thường, quý vị cảm thấy cái tâm này dường như đã được nhiếp phục, thấy sắc đẹp mà không động tâm, nắm được phần chắc trong tay; nhưng ở trong ruộng bát thức, chủng tử này chưa thực sự được nhiếp phục mà vẫn còn căn bản vô minh. Nếu đạo nghiệp của quý vị chưa thành, một khi được sinh lên cõi trời hưởng thụ phước cõi trời thì thiên ma sẽ đến.

Đối với người nam thì thiên ma sẽ hiện ra nhiều mỹ nữ xinh đẹp đến quyến rũ; đối với người nữ tu hành thì thiên ma sẽ hiện ra những chàng trai thật khôi ngô tuấn tú đến dụ dỗ, khiến cho quý vị không thể kiềm chế tâm mình bởi vì quý vị đã động tâm. Sở dĩ quý vị động tâm là vì quý vị không dẹp trừ được tâm háo sắc, cho nên mới bị thiên ma đến quấy nhiễu, khiến cho quý vị mê hoặc đến phát cuồng! Một khi quý vị phát cuồng thì sẽ bị ma lực của thiên ma nhiếp phục.

Thần ma, thần ma này không nhất định ở cõi trời. Có lúc nó ở hải đảo, có lúc ở trên núi, có lúc lại ở trên cây to. Cây to là chỗ trụ của quỷ thần, có lúc thần ma ở luôn nơi đó chứ không phải chỉ ở một, hai ngày. Thần ma trụ ở trên cây còn quỷ ma thì trụ ở bên dưới. Hễ thấy có người tu đạo nào đi ngang qua, là chúng muốn đến gây phiền phức, thấy người tu đạo nào có một chút đạo lực tu hành thì muốn đấu pháp với họ. Đây là thần ma và quỷ ma.

Nhân ma, tức là nếu quý vị muốn tu đạo thì có một người đến làm chướng ngại quý vị, khiến quý vị nổi giận, khiến quý vị sinh phiền não, khiến quý vị khởi vô minh. Đây là nhân ma.

Nếu muốn tiêu diệt những ma lực này thì quý vị phải làm thế nào? Trước tiên, quý vị phải dũng mãnh tinh tấn cần cầu Phật đạo, nếu quý vị thường cần cầu Phật đạo thì tất cả ma này đều tiêu diệt hết; tất cả ma lực không còn thì quý vị thắng.

Cho nên, người tu đạo chúng ta phải nên chú ý, phải giữ gìn cái tâm, bảo nó thường vui vẻ, đừng ưu sầu, cũng đừng lo lắng việc này, việc nọ, thuận nghịch đều tinh tấn, cảnh giới tốt cũng tinh tấn mà cảnh giới không tốt cũng vẫn phải tinh tấn, sức dũng mãnh tinh tấn hướng đến Phật đạo không hề gián đoạn.

Không luận là ma chướng lớn đến đâu, quý vị đều phải nhẫn nhục; thống khổ như thế nào cũng phải nhẫn nhục. Trong lục độ vạn hạnh, nếu có một hạnh môn nào mà quý vị không làm đến viên mãn thì không thể thành công, không thể đến bờ kia; nếu quý vị làm đến viên mãn thì sẽ thành công, sẽ đến bờ kia. Quý vị đã thành công thì đó là ba-la-mật. Cho nên, mỗi thời mỗi khắc quý vị đều phải tinh tấn. Quý vị thường tinh tấn thì sẽ diệt hết tất cả ma lực.

 

Nếu hay diệt hết các ma lực

Thì hay vượt khỏi cảnh bốn ma

Nếu hay vượt khỏi cảnh bốn ma

Thì đạt đến địa vị bất thối.

 

Nhược năng tồi điễn chư ma lực

Tắc năng siêu xích tứ ma cảnh

Nhược năng siêu xích tứ ma cảnh

Tắc đắc chí ư bất thối địa.

 

Nếu hay diệt hết các ma lực: nếu quý vị thường diệt hết tất cả các ma lực, thì hay vượt khỏi cảnh bốn ma: cảnh của bốn loại ma này thì quý vị muốn giảng thế nào cũng được. Điều quan trọng nhất là chúng ta đừng sinh ma ở tự tâm. Ma tự tâm chính là cái gì tốt thì nó lại thấy không tốt.

Đệ tử:

– Bốn ma này ở Hoa Nghiêm Sớ Sao là: 1) Vì bỏ phần đoạn cho nên không có uẩn ma; 2) Vì không bỏ thân mạng cho nên không có tử ma; 3) Vì hoặc chẳng hiện hành cho nên siêu phiền não ma; 4) Vì biết Thập lực của Phật cho nên vượt thiên ma.

Thượng nhân:

– Cảnh của bốn ma chính là ngũ uẩn ma, tử ma, phiền não ma và thiên ma. Cảnh giới của bốn loại ma này bao gồm:

1) Vì xả phần đoạn cho nên chẳng có ngũ uẩn ma: sắc, thọ, tưởng, hành, thức gọi là ngũ uẩn ma. Bởi do ngũ uẩn ma này trói buộc nên con người không thể giải thoát được, vậy nay đã xả phần đoạn sinh tử, tức là không có phần đoạn sinh tử thì không còn ngũ uẩn ma.

2) Vì không bỏ thân mạng cho nên không có tử ma: vì không có sinh cho nên sẽ không có tử ma.

3) Vì hoặc không hiện hành nên vượt phiền não ma. Không hiện hành tức là cái gì cũng đều rất bình thường, sở dĩ quý vị có phiền não là vì quý vị gặp cảnh giới rồi sinh phiền não; nếu quý vị thường cảm thấy cái gì cũng đều là rất bình thường, không có cảnh giới gì hiện ra, thì không có phiền não.

4) Vì biết thập lực của Phật nên vượt thiên ma. Quý vị giác ngộ thập lực của Phật, thì vượt thoát cảnh giới của thiên ma.

 

Có mấy câu nói về nhân quả báo ứng như sau:

Đời nay không nhốt chim

Đời sau không tù tội.

Đời nay không câu cá

Đời sau không ăn xin.

Đời nay không sát sinh

Đời sau không tai nạn.

Đời nay không trộm cắp

Đời sau không mất của.

 

Kim sinh bất lung điểu

Lai sinh bất tọa giám

Kim sinh bất điếu ngư

Lai sinh bất thảo phạn

Kim sinh bất sát sinh

Lai sinh vô tai nạn

Kim sinh bất thâu đạo

Lai sinh vô thưởng án.

 

Nếu quý vị đời nay không nhốt chim, không bắt chim bỏ trong lồng, giống như hôm chủ nhật vửa rồi có một cậu bé mang đến một con chim con được nhốt trong lồng, chim kêu chíp chíp. Cậu bé nói rằng con chim con đó bị bệnh nên muốn đem nó đến Phật đường cho nó hết bệnh. Kỳ thật là thế nào? Nếu đời nay quý vị không bắt chim nhốt trong lồng thì đời sau không bị ngồi tù ngục.

Đời nay không câu cá thì đời sau không ăn xin: Khi đi câu, quý vị thấy cá muốn đớp mồi thì liền kéo câu, cho nên người nào câu cá thì đời sau đa số đều không có cơm ăn, phải đi ăn xin. Đời nay không sát sinh thì đời sau sẽ không gặp bất kỳ tai nạn nào. Nếu đời nay không trộm cắp đồ vật của người thì đời sau không có ai trộm cắp đồ vật của quý vị. Vì sao người khác trộm cắp đồ vật của quý vị? Vì ở đời quá khứ, quý vị đã từng trộm cắp đồ vật của người ta, thế nên đời nay người ta mới đến lấy lại. Cho nên, đời nay không trộm cắp thì đời sau không bị mất của.

Ở trên đã nói cảnh giới của bốn loại ma là ngũ uẩn ma, tử ma, phiền não ma và thiên ma. Con người chúng ta bị ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức trói buộc nên không thể giải thoát; sắc, thọ tưởng, hành, thức này đều biến thành một loại ma lực, cho nên phải thoát khỏi cảnh giới của loại ma này. Lại phải thoát khỏi cảnh giới của tử ma, con người sống rồi sẽ có lúc chết, đến lúc chết thì tứ đại sình trướng, đất, nước, lửa, gió đều trở về vị trí ban đầu của nó, thân thể sẽ về không; chết cũng là một loại ma.

Lại có phiền não ma, con người chúng ta sinh ra trên thế gian, nhà nào cũng có tám tuồng kịch[2], quyến thuộc trong mỗi một gia đình luôn luôn đấu tranh nhau, đấu tranh kiên cố thì sinh ra đủ thứ phiền não, không thể nào nói hết được, đây là phiền não ma. Lại có thiên ma. Thiên ma này ở trên trời, chúng thường muốn mê hoặc những người sinh lên trời về làm quyến thuộc của bọn chúng. Nếu quý vị giác ngộ đạo lý của Phật và Thập lực của Phật thì thiên ma sẽ không có cách nào làm nhiễu loạn quý vị, mê hoặc quý vị được.

Nếu hay vượt khỏi cảnh bốn ma: nếu quý vị thoát khỏi cảnh giới của bốn loại ma này, thì đạt đến địa vị bất thối: thì quý vị sẽ đạt được ba quả vị bất thối; một là vị bất thối; hai là niệm bất thối; ba là hạnh bất thối. Vị bất thối tức là không thối chuyển về hàng Nhị thừa; quý vị là Bồ-tát phát tâm Đại thừa thì không thể lùi lại quả vị của Nhị thừa. Niệm bất thối tức là tâm Bồ-đề của quý vị vĩnh viễn không thối lui. Hạnh bất thối tức là quý vị tu hành luôn luôn tinh tấn tiến tới, không có thối lui.

 

Nếu đạt đến địa vị bất thối

Thì được pháp nhẫn vô sinh lớn

Nếu được pháp nhẫn vô sinh lớn

Thì được chư Phật đến thọ ký.

 

Nhược đắc chí ư bất thối địa

Tắc đắc vô sanh thâm pháp nhẫn

Nhược đắc vô sanh thâm pháp nhẫn

Tắc vị chư Phật sở thọ ký.

 

Nếu đạt đến địa vị bất thối: nếu quý vị đạt được ba quả vị bất thối rồi, thì được pháp nhẫn vô sinh lớn: thì quý vị ngộ được vô sinh pháp nhẫn. Sinh nhẫn, pháp nhẫn, vô sinh pháp nhẫn; nhẫn này tức là điều gì vốn không dễ nhẫn nhưng bây giờ quý vị nhẫn được, đây gọi là sinh nhẫn và pháp nhẫn. Vô sinh pháp nhẫn tức là quý vị gặp tình huống thật không dễ nhẫn nhưng cũng phải nhẫn. Ví dụ như khi tham dự (Thiền, Phật) thất bị đau chân, quý vị nhẫn không được nên buông chân ra, để nó nghỉ ngơi một lát.

Nhưng khi quý vị để nó nghỉ ngơi thì nó cũng để cho quý vị nghỉ ngơi; quý vị muốn cho nó không đau thì nó làm cho tâm Bồ-đề của quý vị không tinh tấn tiến tới. Cho nên, gặp tình huống này thì quý vị phải nhẫn, tất cả đau khổ đều phải dùng tâm để nhẫn chịu, một khi tâm nhẫn nhục hiện hữu thì không còn ngại chân đau, không còn ngại lưng đau, không còn ngại đầu đau, đây gọi là nhẫn. Pháp nhẫn vô sinh lớn tức là dù gặp bất kỳ việc gì thì quý vị cũng cảm thấy không có vấn đề, không hề sinh phiền não mà chỉ có phát tâm Bồ-đề.

Nhẫn này là nhẫn chịu ở tâm, trong tâm chịu không được cũng phải chịu, tức là trong thời gian này phải đấu tranh dữ dội rằng: “Tôi phải phát tâm Bồ-đề, tôi phải đấu tranh với sinh tử, tôi phải đấu tranh với đau khổ, tôi phải đấu tranh với tất cả khó khăn”. Quý vị phải nghĩ như thế. Như thế gọi là nhẫn cái điều mà người khác không thể nhẫn, người khác chịu không nổi, nhưng ta chịu nổi; người khác nhẫn không được, nhưng ta nhẫn được; nhẫn cái điều mà người khác nhẫn không được, nhường cái điều mà người khác nhường không được. Xưa nay ta vốn là người rất ích kỷ, chẳng muốn nhường cho ai bất kỳ việc gì, nhưng hôm nay ta hành Bồ-tát đạo nên tất cả ta đều nhường cho người khác, cái mà ta nhường không được cũng phải nhường.

Ăn thức ăn mà người khác không ăn được. Thức ăn mà mọi người không muốn ăn thì ta ăn, nhưng cũng đừng cố ý lựa chọn thức ăn nào mọi người không muốn ăn để ăn, mà phải rất tự nhiên. Giống như một vị tu hành ngày trước, nói ra điều này, quý vị nghe xong chắc sẽ buồn nôn hết.

Thầy ấy tu hành như thế nào? Ở một tùng lâm nọ (chính là chùa, tự viện; rất nhiều tu sĩ cùng sống. Nghĩa của chữ tùng lâm này giống như rừng cây, rất nhiều cây cối cùng mọc chung), có mấy nghìn người cộng trụ. Mỗi khi mấy nghìn người đó dùng cơm xong, họ đều súc miệng bằng nước ấm rồi nhổ ra một cái rổ, nước chảy xuống dưới qua cái rổ kia, còn bã cơm, cặn canh vướng lại bên trên rổ. Thế là Thầy lấy những cặn rau, cặn cơm trên rổ gút lại cho sạch rồi ăn. Thầy chuyên ăn những thứ như vậy, thứ mà người ta nhổ ra thì Thầy lại ăn Đây gọi là ăn cái mà người khác không ăn được. Nhưng không phải là thứ mà mọi người chưa ăn thì tôi giành ăn trước , lựa thức ăn ngon để ăn, đây cũng gọi là ăn cái mà người khác không thể ăn được, ở đây không phải như thế. Quý vị xem! Phải có công phu tu hành như vị Thầy ấy, ăn những thứ mà người ta không ăn được.

Quý vị chịu cái mà người khác không thể chịu được, mọi người không thể chịu được sự bực tức như thế này, ví dụ như có đứa nhỏ nọ đến đánh quý vị một đấm, người lớn kia đến đá quý vị một đá, họ chẳng luận là quý vị đúng hay không, cứ đối xử với quý vị không chút khách sáo. Ồ! Nếu quý vị nói: “Không được, anh đối xử với tôi như thế ư!”. Vậy tức là quý vị nhẫn chịu không nổi rồi. Quý vị phải chịu cái điều mà người khác không thể chịu được, trước kia thì chịu không được nhưng bây giờ chịu được. Vì sao? Vì bây giờ thì tôi đã hiểu rõ rồi. Do hiểu rõ nên tôi muốn trả nợ, vì trước kia tôi không tốt đối với mọi người, nên bây giờ mọi người đối với tôi cũng không tốt, đây là lẽ tất nhiên; như thế thì quý vị đã đạt pháp nhẫn vô sinh lớn. Pháp nhẫn vô sinh lớn chính là điều không dễ nhẫn, nhẫn không nổi. “Ui da! Tôi chịu không nổi rồi, trời ơi! Khó chịu làm sao!”. Ô! Nhưng vẫn nhẫn được, thâm pháp nhẫn, thâm thâm địa nhẫn (pháp nhẫn sâu xa, nhẫn một cách sâu sắc), điều nhẫn không được cũng phải nhẫn. Quý vị có thể như vậy thì gọi là cảnh giới bất khả tư nghị.

Lúc nãy, tôi nói vị Thầy chuyên ăn đồ mà mọi người nhổ ra, mọi người trong tùng lâm rất xem thường vị ấy, cảm thấy Thầy thật là Lũy Ngốc Vương, nhưng ông ta lại thành tựu đạo nghiệp trước, chứng quả trước mấy nghìn người ở trong tùng lâm kia. Danh từ Lũy Ngốc Vương mà trong Phật giáo gọi chính là ngu si đến cực điểm. Lũy Ngốc này chính là ngu si, ngu si đến cực điểm thì gọi là Lũy Ngốc Vương.

Tùng lâm nào cũng có một người được xem là Lũy Ngốc Vương, chính là người dốt nhất, ngu si nhất, không có trí tuệ nhất; nhưng ông ta có thể ăn vật đắng, có thể chịu được khổ, ai chửi thì ông ta cũng nhẫn chịu, cho nên người bình thường đặt cho ông ta một cái biệt danh là Lũy Ngốc Vương. Kỳ thật, người như thế mới có thể thành tựu đạo nghiệp!

Có người suy nghĩ như vầy, nói: “Chao ôi! Ông thánh nhân chứng quả này dơ bẩn quá, vật không sạch sẽ mà cũng ăn, làm một vị thánh nhân dơ bẩn như vậy thật chẳng có ý nghĩa gì; tôi muốn làm một người phàm phu sạch sẽ chứ không muốn làm một vị thánh nhân dơ bẩn”. Tuy là nói như vậy, nhưng người thật sạch sẽ thì chẳng sạch sẽ gì; người chẳng sạch sẽ lại là người sạch sẽ.

Quý vị cảm thấy đồ vật quý vị ăn là sạch sẽ, nhưng vào bụng rồi thì cũng biến thành đồ dơ uế; đồ vật vị Thầy ấy ăn tuy là dơ uế, nhưng vào trong bụng rồi thì không có mùi hôi nhiều bởi vì nó đã được mọi người nhai qua một lần ở trong miệng của người khác. Nó đã được cái cơ khí đó biến thành một loại chiết xuất hóa học, rất có thể mùi hôi này đã giảm nhẹ. Vậy thì thức ăn kia sau khi được Thầy ấy ăn vào, vì trong lòng không có ý nghĩ cái gì là sạch, cái gì là không sạch, cho nên ngài là bất cấu bất tịnh, đấy chính là thánh nhơn.

Lại có người nói: “Chao ôi! Bị người đánh là trả nợ, thật vô lý làm sao! Tôi thấy tôi đâu có đánh ai mà sao người ta cứ đến đánh tôi mãi, có gì chứng minh đây là nợ?”. Tối hôm qua, tôi giảng về nhân quả tuần hoàn báo ứng nhưng chưa giảng xong, cho nên hôm nay lại tiếp tục nói về đạo lý này. Hôm nay, tôi đã viết nó trên một trang giấy, bây giờ không biết còn nhớ được mà nói ra không. Vì tối nay có thêm người mới đến nghe pháp, cho nên bài đã giảng tối hôm qua thì hôm nay lại giảng lại lần nữa. Tối hôm qua người nào đã nghe rồi thì hôm nay chịu khó nghe lại; nghe thêm một lần thì có thể nhận thức thêm một chút, biết thêm một chút.

Đời nay không nhốt chim, đời sau không tù đày, quý vị nghĩ thử, quý vị bắt chim nhốt vào lồng, khiến nó không được tự do. Quốc gia này là quốc gia tự do, mà quý vị khiến súc sinh không tự do, đây là điều không hợp với hiến pháp quốc gia. Làm cho súc sinh không tự do, mức độ thấp nhất là làm trái với hiến pháp của quốc gia này. Quý vị đi ngược lại với hiến pháp, bắt con chim này nhốt trong lồng, giống y như nhốt trong tù ngục, con chim này sẽ ở trong đó niệm chú rằng: “Quả báo, quả báo, quả báo”. Như vậy thì quả báo, quả báo, đời sau quả báo sẽ đến với quý vị.

Con chim đó niệm chú rằng: “Thượng đế, ngài nói có quả báo, mà sao ông ta lại đem tôi nhốt trong lồng, việc này là thế nào?”. Nó liền đến chỗ của Ngọc hoàng đại đế, cũng chính là chỗ của Thiên Chúa, đi bên trái viết một đơn kiện, bên phải viết một đơn kiện để cáo trạng lên. Viết nhiều rồi, được rồi! Thiên Chúa vừa xem, người này là không công bằng, “Được rồi! Đời sau bảo anh ta cũng nhận cái quả báo này nhé!”, sẽ ngồi trong tù ngục. Cho nên nói, đời nay không nhốt chim, đời sau không tù đày, bởi con chim đó suốt ngày cứ niệm kinh Nhân Quả Báo Ứng cho Thượng đế nghe thì Thượng đế cũng phải phán đoán người này đời sau chắc chắn ngồi tù ngục.

Tôi nhớ không phải ở đời này, mà không biết bao nhiêu đời về trước, lúc đó tôi mơ mơ hồ hồ, không hiểu đạo lý gì cả, thấy mọi người đi câu cá, tôi cũng đi và rất thích câu cá. Tôi vừa thả cần câu xuống nước, cá vừa đến đốp mồi, mặt nước liền xuất hiện một vòng tròn, rồi một vòng tròn. Tôi liền dỡ cần câu lên thì dính một con cá. Quý vị nói ra sao ư? Về sau sinh trở lại, tôi làm kẻ ăn mày, tự mình không có cơm ăn, phải cầm bát đi xin. Cho nên nói: Đời nay không câu cá, đời sau không ăn xin.

Ăn xin là một điều rất khổ, phải van xin mọi người. Cho nên người tin Phật chúng ta, phải nên giảm câu cá lại. Có người nói: “Thì tôi ít câu, một năm câu một lần, tôi câu cá nhỏ chứ không câu cá lớn, như thế có được không?”. Cá nhỏ cũng là một mạng, cá lớn cũng là một mạng, quý vị câu một lần cũng là sát sinh, quý vị câu nhiều lần cũng là sát sinh, nhưng quý vị câu được ít thì nợ ít một chút, câu được nhiều thì nợ nhiều một chút, quý vị câu nửa cân thì tương lai phải trả lại tám lạng.

Đời nay không sát sinh, đời nay nếu quý vị không giết tất cả sinh linh, không giết một sinh mạng nào, thì đời sau sẽ không có ai giết quý vị, cũng không có tất cả tai nạn, cũng không bị chết vì nạn đao súng, cũng không bị chết vì nạn lửa thiêu, hoặc bị chết vì bị nước đắm. Đời trước không sát sinh thì đời nay không có đau bệnh. Cho nên nói: Đời nay không sát sinh, đời sau không tai nạn.

Đời nay nếu không trộm cắp, thì đời sau sẽ như thế nào? Không bị mất của. Sở dĩ quý vị mất của chính là do quý vị trộm cắp đồ vật của người, tôi trộm của anh, anh trộm của tôi, hai bên trộm cắp lẫn nhau. Nếu quý vị không trộm cắp đồ vật của người, thì đời sau sẽ không có ai trộm cắp đồ vật của quý vị. Vì sao có người trộm cắp đồ vật của quý vị? Là vì đời trước quý vị đã từng trộm cắp. Đời trước quý vị trộm cắp rồi cho là không sao; trộm cắp tiền bạc của người khác thì đời nay người trộm cắp lại của quý vị. Cho nên nhân quả tuần hoàn báo ứng thật không thể nghĩ bàn.

Đời nay không tà dâm, đời sau không hôn biến: sao gọi là hôn biến (những biến động xấu trong đời sống hôn nhân)? Ví dụ như ly hôn, hoặc là sau khi kết hôn có rất nhiều phiền não, đây chính là do đời trước không giữ giới luật, có hành vi tà dâm. Người có hành vi tà dâm thì đời nay bị hôi nách. Hễ người nào đời trước không giữ giới luật thì đời nay bị hôi nách kinh khủng, bất luận là xịt loại nước hoa gì, thoa bột phấn gì cũng vẫn hôi không chịu nổi. Cho nên, xưa nay người nam vốn ưa thích người nữ, nhưng vừa ngửi thấy mùi hôi này (của người nữ) thì liền bỏ chạy; và bản chất người nữ cũng vốn ưa thích người nam, nhưng vừa ngửi thấy mùi hôi này của người nam thì cũng bỏ chạy ngay. Thế nên, không có ai thương quý vị được cả. Vì quý vị không trì giới cho nên trên thân không có mùi thơm; nếu quý vị trì giới tinh nghiêm thì thân thể có mùi thơm hương quang trang nghiêm.

Quý vị xem, xưa kia ở triều đại Nhà Thanh có một Hương Phi thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), là tộc Hồi.Trên thân cô thường tỏa mùi thơm. Không cần sức nước hoa, không cần dùng phấn thơm mà trên thân tự nhiên có một mùi thơm. Mùi thơm đó thơm hơn bất kỳ mùi nào. Cho nên vị hoàng đế hồ đồ của triều đại Nhà Thanh Trung Hoa vì ưa thích người nữ trên thân tỏa ra mùi hương thơm này nên đã đem binh chinh phạt vùng đó, tranh giành cho được người nữ có mùi thơm đem về, phong cô ta làm Hương Phi. Về sau, có người nữ khác ganh tị với cô vì hoàng đế có rất nhiều vợ, tam cung lục viện. Chính cung nương nương ganh ghét cô nên đã hại cô chết, cho nên Hương Phi không còn mùi thơm nữa.

Đời nay không tà dâm, đời nay nếu quý vị giữ gìn phép tắc, không tà dâm với người nữ khác, không tà dâm với người nam khác, thì đời sau quý vị kết hôn sẽ không bị ly hôn. Vì quý vị không chân thực, cho nên mới ly hôn; đời trước không chân thực thì đời nay gặp điều không vui vẻ, có những nhân duyên đặc biệt dẫn đến ly hôn. Đây là quả báo của tà dâm.

Đời nay không vọng ngữ, đời sau không bị lừa: đời nay nếu quý vị không vọng ngữ thì đời sau sẽ không có người lừa dối quý vị. Cho nên nếu có ai đó lừa dối quý vị, thì quý vị phải tự nghĩ: “Ồ! Chắc là đời trước mình đã từng vọng ngữ, cho nên mới bị người ta lừa dối lại”. Mấy ngày trước, Lưu Mai Sinh nói với tôi: “E rằng bốn người Phillipin ấy không phải thật tâm muốn đến xuất gia mà chỉ là mượn con đường này để đến Mỹ. Đến đây rồi lại không xuất gia.”

Tôi nói: “Không sao đâu, tôi biết rõ là họ lừa dối tôi, nhưng tôi cũng vẫn tin, vì tôi không muốn lừa dối người khác, nên tôi cũng tin người khác sẽ không lừa dối tôi”. Tôi còn nói: “Tôi biết rõ họ lừa dối tôi, nhưng cũng không nghĩ họ lừa dối tôi”. Ông ta nói: “Ồ! Vậy thì tốt”. Mọi người trên thế giới này đều là anh đề phòng tôi, tôi đề phòng anh; anh sợ bị tôi lừa dối, tôi sợ bị anh dối lừa. Nếu họ có lừa dối tôi, mà tôi vẫn không nghĩ là họ lừa dối, đây chẳng phải là tôi chịu thiệt ư? Chịu thiệt thì chịu thiệt, cũng không sao cả, phải như thế thôi.

Đời nay không uống rượu, đời sau không cuồng loạn, tuy giới uống rượu là một trong năm giới cấm của Phật giáo, nhưng nếu vì trị bệnh thì trong trường hợp đặc biệt này quý vị có thể uống chút ít, miễn là đừng uống say là được. Vậy thì đời nay không uống rượu thì đời sau quý vị không bị điên cuồng, bị thần kinh. Không uống rượu tức là muốn nói không say rượu chứ không phải không uống rượu. Vì sao đời sau quý vị bị bệnh thần kinh, tinh thần không bình thường? Là vì đời trước quý vị uống rượu, uống rất nhiều rượu và dùng rất nhiều ma túy hoặc cần sa; ma túy mạnh gây ảo giác, cho nên đời nay tính cuồng kia vẫn chưa dứt hẳn. Nhân quả tuần hoàn chính là như thế, tin hay không là do quý vị! Tôi chỉ nói như vậy, quý vị không tin thì tôi cũng nói, mà tin thì tôi cũng nói. Bất luận là quý vị tin hay không, tôi cũng đều phải nói.

Nếu được pháp nhẫn vô sinh lớn: đây là nói nếu quý vị có thể đạt được pháp nhẫn vô sinh lớn, cũng chính là điều không thể nhẫn mà nhẫn được. Nhẫn tất cả pháp mà hoàn toàn không động tâm, thuận nghịch đều tinh tấn, cảnh giới thuận cũng hoan hỷ, mà cảnh giới nghịch cũng hoan hỷ, tinh tấn hướng đến Phật đạo. Nếu quý vị có thể như thế, thì được chư Phật đến thọ ký: thì chư Phật ba đời ở khắp mười phương đều đến thọ ký cho quý vị, ban cho quý vị một biệt hiệu. Thọ ký biệt hiệu là thế nào? Chính là nói, khi nào quý vị thành Phật, quốc độ của quý vị ở đâu, tên gọi là gì, quý vị thành Phật danh hiệu là gì, quý vị trụ thế thời gian bao lâu, tất cả tất cả đều thọ ký cho quý vị biết trước.

3.2.4.8. CỬU ĐỊA (Thiện Huệ Địa)

 

 Nếu được chư Phật đến thọ ký

Thì tất cả Phật hiện trước mặt

Nếu tất cả Phật hiện trước mặt

Thì hiểu dụng sâu của thần thông

Nếu hiểu dụng sâu của thần thông

Thì được chư Phật nhớ nghĩ đến

Nếu được chư Phật nhớ nghĩ đến

Thì nhờ Phật đức tự trang nghiêm.

 

Nhược vị chư Phật sở thọ ký

Tắc nhất thiết Phật hiện kỳ tiền

Nhược nhất thiết Phật hiện kỳ tiền

Tắc liễu thần thông thâm mật dụng

Nhược liễu thần thông thâm mật dụng

Tắc vị chư Phật sở ức niệm

Nhược vị chư Phật sở ức niệm

Tắc dĩ Phật đức tự trang nghiêm

 

Nếu được chư Phật đến thọ ký: nếu quý vị được tất cả chư Phật mười phương ba đời đến thọ ký, thì tất cả Phật hiện trước mặt: Phật thọ ký cho quý vị bằng cách nào? Phật hiện đến trước quý vị, thọ ký biệt hiệu tương lai cho quý vị. Vậy quý vị cần phải đạt được pháp nhẫn lớn thì chư Phật mới có thể hiện đến trước quý vị thọ ký cho quý vị được.

Nếu tất cả Phật hiện trước mặt: đây là nói tất cả chư Phật thọ ký cho quý vị, hiện ra trước mặt quý vị.

Thì hiểu dụng sâu của thần thông: thì quý vị có thể hiểu rõ tất cả dụng sâu kín của thần thông, hiểu rõ cảnh giới dụng của thần thông bất khả tư nghị này. Dụng này nhiệm mầu không thể nói, sâu kín không thể đo, cho nên gọi là dụng sâu kín, không ai có thể biết được diệu dụng của thần thông này.

Nếu hiểu dụng sâu của thần thông: nếu quý vị hiểu rõ tất cả thần thông, cảnh giới sâu kín chẳng thể đo, nhiệm mầu chẳng thể nói này, hiểu được phạm vi này rồi, thì được chư Phật nhớ nghĩ đến: như vậy thì quý vị và mười phương chư Phật thường hay thông đạt vô ngại, thông đạt lẫn nhau, tâm của mười phương chư Phật chính là tâm của quý vị, tâm của quý vị cũng chính là tâm của mười phương chư Phật, cho nên nói tâm tâm tương ưng, khí khí tương thông, quang quang tương chiếu. Cho nên chư Phật cũng sẽ thường thường không quên quý vị, nói: “Ồ! Hiện nay trên thế giới lại có thêm một người hành đạo Bồ-tát tên là gì gì đó, hiện ở đâu đó, đang làm gì đó?

Chư Phật Bồ-tát ở cõi Thường Tịch Quang cũng thường nhớ đến quý vị, thường nghĩ đến quý vị, thường không bỏ quý vị, thường gia bị ủng hộ quý vị. Vì sao quý vị được như thế? Vì quý vị biết rõ và đạt được dụng sâu kín của thần thông. Thần thông của quý vị và thần thông của mười phương chư Phật thông nhau, cho nên chư Phật Bồ-tát cũng thường nhớ nghĩ đến quý vị, quý vị cũng thường nhớ nghĩ đến chư Phật Bồ-tát. Đây gọi là hai tâm nhớ nghĩ đến nhau, hai tâm này nhớ qua nhớ lại lẫn nhau. Cũng giống như mẹ nhớ con, con nhớ mẹ, con thường thường nhớ nghĩ về mẹ, mẹ cũng thường thường nghĩ đến con, hai tâm này thông đạt nhau rồi thì mẹ con sẽ thường thường gặp nhau. Chư Phật Bồ-tát cũng giống như thế.

Nếu được chư Phật thường nhớ nghĩ: đây là nói quý vị thường thường được chư Phật nhớ nghĩ, quý vị cũng thường thường nhớ nghĩ chư Phật, hai tâm này nhớ nghĩ đến nhau càng ngày càng sâu đậm, thì nhờ Phật đức tự trang nghiêm: thì quý vị có thể dùng đức hạnh trang nghiêm của Phật để tự trang nghiêm cho đức hạnh của mình, cho nên nói vạn đức viên dung.

 

3.2.4.9. THẬP ĐỊA (Pháp Vân Địa)

Nếu nhờ Phật đức tự trang nghiêm

Thì được thân diệu phước đoan nghiêm

Nếu được thân diệu phước trang nghiêm

Thì thân rực rỡ như núi vàng.

 

Nhược dĩ Phật đức tự trang nghiêm

Tắc hoạch diệu phước đoan nghiêm thân

Nhược hoạch diệu phước đoan nghiêm thân

Tắc thân hoàng huy như kim sơn

 

Nếu nhờ Phật đức tự trang nghiêm: nếu quý vị có thể dùng đức hạnh trang nghiêm của Phật để tự trang nghiêm cho mình, như vậy Phật có đức hạnh gì thì quý vị sẽ có đức hạnh ấy. Nếu có thể như vậy, thì được thân diệu phước đoan nghiêm: quý vị cũng sẽ nhanh chóng đạt được thân diệu phước đoan nghiêm biến hóa vô cùng, bất khả tư nghị này Thân ấy đầy đủ ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo, nhưng chưa được như Phật. Ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo của Phật đều gọi là thân diệu phước trang nghiêm.

Nếu quý vị đạt được thân diệu phước trang nghiêm, thì có tướng hảo trang nghiêm. Làm thế nào để đạt được tướng hảo trang nghiêm? Chính là thường thường tu phước tu tuệ, quý vị tu phước thì đạt được thân tướng hảo trang nghiêm; quý vị tu tuệ thì được ánh sáng chiếu khắp. Cho nên Nếu được thân diệu phước trang nghiêm: nếu quý vị đạt được diệu phước, phước báo bất khả tư nghị này để trang nghiêm thân kia, dùng đức hạnh của Phật trang nghiêm để tự trang nghiêm, thì thân rực rỡ như núi vàng: thì thân thể của quý vị sẽ giống như vàng ròng.

Thân thể của Phật giống như vàng ròng. Thuở xưa, khi Phật trụ thế, có một hôm nọ, Phật đi đến nhà một cư sĩ tại gia, đang lúc nhà ông này có một tấm nỉ rớt trên đất. Khi Phật đến, ông ta muốn dùng tấm nỉ này trải cho Phật ngồi, nhưng tìm mãi mà không thấy đâu cả. Vì sao ông ta tìm không thấy? Vì tấm nỉ này màu vàng ròng, thân thể Phật cũng màu vàng ròng, ánh sáng của Phật phóng ra cũng đều là màu vàng ròng, cho nên khi chiếu xuống, khắp mặt đất đều trở thành màu vàng ròng, vì thế nên không phân biệt được đâu là tấm nỉ, đâu là màu vàng ròng, cho nên tìm không được. Đợi Phật đi rồi, ông mới tìm thấy được tấm nỉ này.

Vì nhân duyên như thế nên người này đã phát tâm tin Phật. Sau khi Phật diệt độ, đời nào sinh ra ông cũng tu hành, nhưng chưa thành đạo nghiệp. Mãi đến đời vua A-dục, vua A-dục vốn là người không tin Phật. Nhà vua đã kiến tạo một cái nhà giam. Nhà giam này có vào mà không có ra, hễ ai vào trong nhà giam đó thì không thể nào ra được, chẳng khác nào con chim nhỏ ở trong lồng, không có cách nào bay ra được, trừ phi một ngày nào đó bị chết thì mới coi như thoát khỏi chiếc lồng này.

Lúc đó, xuất hiện một Tỳ-kheo. Vị Tỳ-kheo này chính là người mà Phật đã từng đến nhà ông ta khi Ngài còn tại thế. Ông ta đã tu hành và trở thành Tỳ-kheo. Khi ông ta đến đây thì bị vua A-dục giam vào ngục. Ở trong ngục, ông ta chuyên tu pháp quán bất tịnh, nhưng tu đủ cách mà cũng không thành tựu được. Trong ngục này, hễ người nào đã vào thì đều phải bị hành hìnhvà ông ta cũng không phải là ngoại lệ. Ông ta liền yêu cầu: “Đạo nghiệp của tôi chưa thành, ông cho tôi sống thêm hai năm nữa rồi hãy hành hình tôi có được chăng?

Cai ngục nói: “Hai năm thì không được, lâu lắm. Phép tắc của chúng tôi ở đây là không có người nào được ở hai năm, mà chỉ một thời gian rất ngắn thì đưa đi hành hình, để chúng tôi khỏi phải nuôi ông và đem cơm cho ông ăn”. Ông ta lại yêu cầu rằng: “Vậy thì hai tháng có được không?”. Những người này chấp nhận.

Thế là, trong kỳ hạn hai tháng, ông ta nỗ lực tu tập quán bất tịnh, quán thân thể con người, chín lỗ thường chảy ra chất bất tịnh, mắt có nước mắt, có ghèn, lỗ tai có ráy, lỗ mũi có nước mũi, trong miệng thì có đờm, nước bọt. Hai con mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, lại thêm cái miệng, bảy lỗ này; lại thêm chỗ đại tiện, tiểu tiện, cộng lại là chín lỗ. Đường đại tiện thì thường đại tiện; đường tiểu tiện thì thường tiểu tiện, đây đều là vật chẳng sạch sẽ. Thân thể con người chẳng có chỗ nào là sạch sẽ cả, toàn là ô trược dơ uế. Ông ta quán tưởng như vậy suốt hai tháng ròng, mà vẫn không thành tựu được pháp quán bất tịnh này.

Lúc ấy, có một cô gái bị bắt đến để chuẩn bị hành hình. Hành hình bằng cách nào? Chính là bị chày giã. Chày giã giống như cái chày của Lục Tổ đại sư giã gạo. Người ta để toàn thân của cô gái này trong một cái cối rồi dùng chày giã nát ra, da, máu, thịt, gân, xương đều bị giã nát thành một khối giống như rau trộn (salad). Nhưng món rau trộn này rất khó ăn vì rất thối. Quý vị xem trong bụng nào là đại tiện, tiểu tiện không thiếu thứ gì, chua, ngọt, đắng, cay, vị gì cũng có. Ông ta tu quán bất tịnh nên vừa nhìn thấy cô gái này bị hành hình như thế,  liền tức khắc chứng quả. Sau khi chứng quả, ông ta hiện đủ phép thần thông, cảm hóa vua A-dục tin theo Phật. Cho nên, vua A-dục đã xây dựng tám vạn bốn ngàn ngôi tháp xá-lợi. Cũng nhờ người này chứng quả, thành tựu đạo nghiệp nên mới ảnh hưởng khiến vua A-dục tin Phật như thế.

Thế nên, việc tôi muốn làm hiện nay là muốn cho người tu đạo ở quốc gia này phải có người chứng quả, hoặc là chứng sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả, không có ngũ quả. Có người hỏi tôi: Ngũ thiền là gì? Chỉ có tứ thiền chứ không có ngũ thiền, ông ta lại hỏi ngũ thiền là gì? Quý vị nói đây có phải là “ngoại hạng” không? Nếu trong quý vị đây có người nào chứng quả rồi, thì chắc chắn Phật pháp ở phương Tây sẽ rất hưng thịnh. Tôi là người ở nước khác đến, làm chiếc cầu nối cho người của quốc gia này, giới thiệu Phật giáo đến phương Tây, chủ yếu vẫn là bản thân quý vị phải có người chứng quả, thành tựu đạo nghiệp; nếu quý vị không thành tựu đạo nghiệp được thì cũng đành chịu thôi.

Tôi nói cho quý vị nghe về cảnh giới chứng quả. Người chứng quả có một biểu hiện rất đặc biệt là thân thể họ rất nhẹ, đi không có tiếng động, họ đến trước mặt quý vị, mà quý vị cũng không hay biết. Nhưng họ cũng có thể có tiếng động, chứ không phải nói hoàn toàn không có tiếng động nào.

Họ đi dép mà dưới dép không hề dính đất, lòng bàn chân không hề dính đất. Có người nói: “Tôi cũng có thể đi mà lòng bàn chân không dính đất, vì lòng bàn chân hõm lên cho nên khi đi đường thì lòng bàn chân đương nhiên không dính đất. Chân tôi phía trước chạm đất, gót chân chạm đất nhưng ở giữa không chạm đất; hoặc là tôi mang đôi giày cao gót thì cũng không dính đất”. Như vậy thì khỏi nói. Còn ông ta tuy đi chân trần nhưng chân không hề dính bùn đất. Khi còn tại thế, Đức Phật cũng đi chân trần, không mang dép, đi hóa duyên khắp nơi nhưng chân Phật không hề dính bùn đất. Tuy không dính bùn đất nhưng về đến thì Ngài cũng phải cất y bát, rửa chân. Đây là cảnh giới của người chứng quả.

Người chứng quả còn có một biểu hiện nữa là không luận là nam hay nữ, một khi đã chứng quả thì tâm dục hoàn toàn dứt, đoạn sạch gốc sinh tử. Gốc sinh tử chính là dục niệm, nếu quý vị còn dục niệm thì còn sinh tử; không còn dục niệm thì không còn sinh tử. Người nam đoạn sạch tâm dục thì sẽ đạt được một cảnh giới. Cảnh giới gì? Chính là cảnh giới người nam không có tâm dục; người nữ cũng không có tâm dục, vậy nên chẳng hề có phiền não.

 

Nếu thân rực rỡ như núi vàng

Thì ba mươi hai tướng trang nghiêm

Nếu ba mươi hai tướng trang nghiêm

Thì đủ tùy hình hảo trang sức.

 

Nhược thân hoảng diệu như kim sơn

Tắc tướng trang nghiêm tam thập nhị

Nhược tướng trang nghiêm tam thập nhị

Tắc cụ tùy hảo vị nghiêm sức.

 

Tuy San Francisco được gọi là Cựu Kim Sơn nhưng đạo tràng của chúng ta gọi là Kim Sơn Tự. Kỳ thật, Kim Sơn này chính là Phật, Phật mới là Kim Sơn, cho nên về sau chúng ta lập chùa đều dùng chữ Kim này để đặt tên, đều dùng Kim để trang nghiêm. chữ Kim「金」, bên trên có chữ nhân 「人」, mục đích của chúng ta ở đây chính là độ người; bên dưới là chữ vương 「王」lại thêm hai chấm cũng chính là chữ ngọc 「玉」thêm một chấm, biểu thị đó là vua trong loài người, hai chấm đó vốn cũng là chữ nhân「人」, cho nên chúng ta là người độ vua trong loài người. Cho nên chữ Kim 「金」này rất có ý nghĩa, vừa quý báu, vừa  giá trị.

Nếu thân rực rỡ như núi vàng, thì ba mươi hai tướng trang nghiêm: nếu thân thể của quý vị như núi vàng, thì sẽ có tùy hình hảo của ba mươi hai tướng để trang nghiêm. Nếu ba mươi hai tướng trang nghiêm, thì đủ tùy hình hảo trang sức: nếu quý vị được ba mươi hai tướng trang nghiêm thân kia, thì sẽ đầy đủ vẻ đẹp của tám mươi vẻ đẹp (tám mươi tướng tùy hình), lại càng trang nghiêm, càng diệu hảo.

 

Nếu đủ tùy hình hảo trang sức

Thì thân tỏa sáng vô hạn lượng

Nếu thân tỏa sáng vô hạn lượng

Thì bất tư nghị quang trang nghiêm.

 

Nhược cụ tùy hảo vị nghiêm sức

Tắc thân quang minh vô hạn lượng

Nhược thân quang minh vô hạn lượng

Tắc bất tư nghì quang trang nghiêm.

 

Nếu đủ tùy hình hảo trang sức: nếu quý vị có thể đầy đủ vẻ đẹp của tám mươi tùy hình để trang nghiêm tu sức, thì thân tỏa sáng vô hạn lượng: thì ánh sáng trên thân này của quý vị có vô hạn lượng như thế. Vì mỗi một bước càng cao siêu hơn một chút, cho nên trước chỉ có ba mươi hai tướng thì ánh sáng chưa nhiều như thế, hiện tại quý vị đã có thêm tám mươi tùy hình hảo nên lúc này thân quý vị lại phóng ra vô lượng ánh sáng. Thân Phật rực rỡ như núi vàng, lại có ba mươi hai tướng và tám mươi tùy hình hảo, cho nên sẽ tăng thêm ánh sáng vô hạn lượng.

Nếu thân tỏa sáng vô hạn lượng, thì bất tư nghị quang trang nghiêm: ánh sáng trên thân của ông ta thật vô hạn lượng, trong ánh sáng này lần lượt hiện ra rất nhiều cảnh giới bất khả tư nghị, nào là hiện ra rất nhiều tướng Phật, tướng Bồ-tát, tướng Thanh văn, Duyên giác, dùng ánh sáng bất tư nghị này để trang nghiêm thân kia.

 

Nếu bất tư nghị quang trang nghiêm

Quang ấy ắt sinh các hoa sen

Quang ấy nếu sinh các hoa sen

Thì vô lượng Phật ngồi trên hoa

Thị hiện mười phương trùm tất cả

Ắt hay điều phục các chúng sinh

Nếu hay điều phục chúng như thế

Thì hiện vô lượng sức thần thông.

 

Nhược bất tư nghì quang trang nghiêm

Kỳ quang tắc xuất chư liên hoa

Kỳ quang tắc xuất chư liên hoa

Tắc vô lượng Phật tọa liên thượng

Thị hiện thập phương mĩ bất thiên

Tắc năng điều phục chư chúng sanh

Nhược năng như thị điều chúng sanh

Tắc hiện vô lượng thần thông lực.

 

Nếu bất tư nghị quang trang nghiêm: nếu quý vị đạt được ánh sáng bất tư nghị này để trang nghiêm thân kia, thì quang ấy ắt sinh các hoa sen: thì trong ánh sáng này lại hiện ra đủ loại hoa sen. Trên những hoa sen báu lớn này có vô lượng vô biên Phật ngồi kiết già. Đây là cảnh giới hỗ tương trang nghiêm, hỗ tương vô ngại, cho nên gọi là ánh sáng bất khả tư nghị trang nghiêm.

Quang ấy nếu sinh các hoa sen, thì vô lượng Phật ngồi trên hoa: dùng ánh sáng bất khả tư nghị này để trang nghiêm thân kia, thì trong ánh sáng ấy hiện ra đủ loại hoa sen xinh đẹp. Những hoa sen nào sắc xanh thì ánh sáng xanh, sắc trắng thì ánh sáng trắng, sắc vàng thì ánh sáng vàng, sắc đỏ thì ánh sáng đỏ, sắc tía thì ánh sáng tía, bao nhiêu ánh sáng là bấy nhiêu sắc hoa. Trên mỗi đóa hoa sen báu lớn lại có vô lượng vô biên Đức Phật ngồi trên đó nói đủ loại giáo pháp để giáo hóa đủ loại chúng sinh.

Thị hiện mười phương trùm tất cả: đây không phải chỉ ở một chỗ, cảnh giới của Hoa Nghiêm thì một là tất cả, tất cả là một. Ở một chỗ hiện ra cảnh giới này, đồng thời ở tất cả tận hư không, biến pháp giới cũng đều hiện ra cảnh giới này. Quý vị xem nó là một, nhưng xem kỹ lại là nhiều, tuy nhiều nhưng lại là một.

Cho nên người tu đạo chúng ta, khi tu hành thành rồi thì sẽ được pháp thân như thế. Quý vị thấy nó là một, tận hư không, biến pháp giới đều là một; nhưng trong một lại hiện ra vô lượng, vô lượng lại là một, một và vô lượng vô ngại, vô lượng tức là một, một tức là vô lượng, một và vô lượng trùm khắp, một và vô lượng vô ngại. Quý vị làm thế nào biết được cảnh giới này? Thì phải tu hành; tu đến mức tự tánh của chính mình hiện ra ánh sáng, pháp thân cũng thành tựu, hóa thân cũng có thần thông, thân thể này của quý vị muốn hóa làm trăm nghìn vạn ức thân thể đều được.

Cho nên người tu đạo chúng ta phải nghiêm túc, chân thật, thực tiễn tu hành thì mới là đáng kể vậy! Nếu không tu hành mà chỉ chấp trên văn tự bát-nhã hoặc chấp trên lời giảng thuyết, thì những thứ này chỉ là chỗ dựa không vững chắc. Nhất định phải nhận chân mà tu hành, tu sao cho chính tự quý vị cũng có pháp thân, cũng có hóa thân, cũng có báo thân. Không phải nói: “Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật, viên mãn báo thân Lô Xá Na Phật, thiên bá ức hóa thân Thích-ca Mâu-ni Phật”, chẳng phải chỉ riêng đức Thích-ca Mâu-ni mới có thần thông diệu dụng này, mà mỗi chúng ta nếu tu hành thành tựu đạo nghiệp, chứng đắc quả vị rồi thì thần thông của chúng ta với thần thông diệu dụng của Phật không hai không khác.

Cho nên bản thân mỗi người phải đặc biệt nỗ lực, mỗi người chúng ta đều có thể tu hành và có thể thành Phật. Vì vậy Aaron đã đến đây, tôi mong chú tham thiền nhiều một chút, tọa nhiều một chút, khai ngộ mau một chút để trở thành một vị Phật nhỏ (Little Buddha), độ thoát những chúng sinh lớn này. Aaron! Con có nghe không? Ha! Như vậy mới không uổng công đến đây chứ!

Cho nên, quý vị có thể dùng thần thông đến khắp mười phương thế giới.

Ắt hay điều phục các chúng sinh: quý vị có thể điều phục tất cả chúng sinh cang cường khó điều khó phục. Chúng sinh đó rất bướng bỉnh, không chịu giữ phép tắc, rất hư đốn nhưng quý vị đều điều phục được cả. Quý vị nói xem, có nhiệm mầu không! Ngay cả Quả…, người hư như thế mà hiện nay cũng đã làm công tác phiên dịch. Cô ta suốt ngày chỉ nghĩ đến bạn trai, đây là tập khí nhiều đời nhiều kiếp của chúng sinh, không phải chỉ riêng một mình cô ta như thế, e rằng mỗi người đều có tập khí này, cho nên không phải tôi chỉ nói một mình cô ta mà bao gồm cả mọi người trong đó. Chúng ta có thể giảm bớt tập khí nhiều đời nhiều kiếp này lại một chút, thì mới dễ dàng tu đạo.

Nếu hay điều phục chúng như thế: nếu quý vị có thể tu hành giống như đã nói ở trên, để điều phục chúng sinh, điều phục chúng sinh cang cường, điều phục chúng sinh bướng bỉnh, điều phục chúng sinh không giữ phép tắc, điều phục chúng sinh nhiều sân giận, điều phục chúng sinh phiền não vô minh rất nặng; những chúng sinh này đều được điều phục, thì hiện vô lượng sức thần thông: lúc đó quý vị sẽ có vô lượng vô biên sức đại thần thông, thần thông này vi diệu không thể nói. Làm thế nào để đạt được thần thông này? Thì phải tu hành; nếu quý vị tọa thiền thì cũng có thể đạt được sức thần thông này; nếu quý vị niệm Phật thì cũng có thể đạt được sức thần thông này; nếu quý vị trì chú thì cũng có thể đạt được sức thần thông này.

Tóm lại, việc trước tiên là quý vị cần phải tu hành, tu hành thì đừng sợ chân đau, đừng sợ khó khăn, đừng sợ ngồi như thế mà cảm thấy chẳng có ý nghĩa gì; quý vị cần phải dùng sức nhẫn để nhẫn. Nếu môn nào quý vị cũng đều có thể nhẫn thì chắc chắn sẽ đạt được thần thông, sức thần thông này thật bất khả tư nghị.

Có người không tin, nói: “Tôi không tin môn thần thông này, sao tôi chưa thấy qua chứ?”. Kỳ thật ý niệm không tin này của quý vị chính là chủng tử thần thông; vì quý vị không tin, cho nên đây chính là thần thông; nếu không có thần thông, thì làm sao có thể bảo quý vị không tin được? Quý vị nghĩ thử xem, ý niệm không tin này của quý vị chính là trong tâm đã có tồn tại một sức thần thông. Nếu thật sự quý vị không tin, thì căn bản ngay cả danh từ này quý vị cũng không biết, “Cái gì gọi là thần thông? Ôi! Tôi không tin thần thông”. Ngay đây đã có thần thông rồi, nhưng thần thông chỉ nhỏ nhỏ thôi, không phải lớn.

 

Nếu hiện vô lượng sức thần thông

Thì trụ bất khả tư nghị cõi

Diễn thuyết bất khả tư nghị pháp

Khiến bất tư nghị chúng hoan hỷ.

 

Nhược hiện vô lượng thần thông lực

Tắc trụ bất khả tư nghì độ

Diễn thuyết bất khả tư nghì pháp

Linh bất tư nghì chúng hoan hỷ.

 

Nếu hiện vô lượng sức thần thông: nếu quý vị đã có đại thần thông, thì trụ bất khả tư nghị cõi: thì quý vị có thể trụ ở bất khả tư nghị cõi Phật, hoặc có cõi dùng vàng ròng làm đất, hoặc có cõi dùng bạch ngân làm đất; hoặc có cõi dùng lưu ly làm đất, hoặc có cõi dùng kim cương làm đất. Cõi đó trang nghiêm tốt đẹp, không giống như thế giới của chúng ta đây, chỉ toàn là bùn cát, cỏ cây, gai góc thật nhiều, không phải như thế; nó là cảnh giới bất khả tư nghị.

Diễn thuyết bất khả tư nghị pháp: hiện vô lượng thần thông, cư trú ở cõi Phật bất khả tư nghị này, rồi lại diễn thuyết diệu pháp bất khả tư nghị, khiến bất tư nghị chúng hoan hỷ: khiến tất cả bất khả tư nghì chúng sinh đều phát tâm Bồ-đề, đều rất hoan hỷ.

 

Nếu thuyết bất khả tư nghị pháp

Khiến bất tư nghị chúng hoan hỷ

Thì dùng sức trí tuệ biện tài

Tùy tâm chúng sinh mà hóa dụ

Nếu dùng sức trí tuệ biện tài

Tùy tâm chúng sinh mà hóa dụ

Thì lấy trí tuệ làm tiên đạo

Thân, ngữ, ý nghiệp, thường không lỗi.

 

Nhược thuyết bất khả tư nghì pháp

Linh bất tư nghì chúng hoan hỷ

Tắc dĩ trí huệ biện tài lực

Tùy chúng sanh tâm nhi hóa dụ

Nhược dĩ trí huệ biện tài lực

Tùy chúng sanh tâm nhi hóa dụ

Tắc dĩ trí huệ vi tiên đạo

Thân ngữ ý nghiệp hằng vô thất.

 

Nếu thuyết bất khả tư nghị pháp, khiến bất tư nghị chúng hoan hỷ: nếu quý vị có thể diễn thuyết bất khả tư nghị diệu pháp, khiến vô lượng vô biên bất khả tư nghị chúng sinh đều pháp tâm Bồ-đề, đều rất hoan hỷ, thì có thể tăng trưởng thiện căn của họ, viên mãn phúc tuệ của họ. Quý vị có thể khiến cho chúng sinh sinh tâm hoan hỷ, thì có thể độ thoát bất khả tư nghị chúng sinh. Vậy quý vị dùng sức gì độ chúng sinh khiến họ hoan hỷ? Thì dùng sức trí tuệ biện tài: chính là dùng sức trí tuệ chân chánh, sức biện tài chân chánh của quý vị, quý vị tùy tâm chúng sinh mà hóa dụ: tùy theo sở thích và căn cơ của tất cả chúng sinh mà giáo hóa họ, dẫn dắt họ, cho nên nói: Dẫn dắt từng bước, là dùng pháp môn phương tiện rất tốt để giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến họ phát tâm Bồ-đề.

Nếu dùng sức trí tuệ biện tài: nếu quý vị có thể dùng trí tuệ chân chánh và biện tài phương tiện khéo léo này để tùy tâm chúng sinh mà hóa dụ: để tùy tâm chúng sinh mà giáo hóa dẫn dắt họ, khiến họ đều phát tâm Bồ-đề, thì lấy trí tuệ làm tiên đạo: thì dùng trí tuệ làm điều kiện đầu tiên để giáo hóa chúng sinh, thân ngữ ý nghiệp, thường không lỗi: thân, ngữ, ý tam nghiệp này của quý vị đều thanh tịnh, thường không lỗi lầm, đây là trong mười tám pháp bất cộng, thân nghiệp không lỗi, ngữ nghiệp không lỗi, ý nghiệp không lỗi, ba nghiệp thanh tịnh. Thân ngữ ý nghiệp thường không lỗi, thường thường không tạo nghiệp của thân, khẩu, ý. Nếu quý vị không tu thật tốt thì thân, khẩu, ý sẽ biến thành thập ác; nếu quý vị tu thật tốt thì thân, khẩu, ý sẽ biến thành thập thiện. Thân có ba nghiệp ác, đó là sát sinh, trộm cắp, tà dâm; ý có ba nghiệp ác, đó là tham, sân, si; khẩu có bốn nghiệp ác, đó là nói thêu dệt, nói dối, nói ác, nói đâm thọc. Ba nghiệp này thường không lỗi, chính là không tạo thập ác, mà tu thập thiện.

卍                  卍                卍


[1] “Hiền Hiền Dịch Sắc”: Chương “Học Nhi” trong “Luận Ngữ” (một trong Tứ Thư của Nho giáo):

Tiết 1:7 一之七】子夏曰:「賢賢易色;事父母能竭其力,事君能致其身,與朋友交,言而有信,雖曰未學,吾必謂之學矣。」

Tử Hạ viết, Hiền hiền dịch sắc, sự phụ mẫu năng kiệt kỳ lực, sự quân năng tri kỳ thân, dữ bằng hữu giao, ngôn nhi hữu tín, tuy viết vị học, ngô tất vị chi học hỹ.

Tử Hạ, cao đệ Khổng tử nói: Ai đổi lòng háo sắc ra mến mộ ngưòi hiền, thờ cha mẹ hết lòng, lấy thân ra làm việc vua, giao tiếp bạn bằng lòng tín thật, người như vậy nếu ai bảo là chưa học, chứ tôi nói rằng người ấy đã học rồi đấy.

 

[2] Bát xuất hý: tỷ dụ cho việc thành viên trong gia đình thường bất hòa.