LĂNG NGHIÊM CHÚ SỚ LƯỢC GIẢNG

浙水慈雲寺顯密教觀沙門續法集

Triết thủy Từ Vân Tự Hiển Mật Giáo Quán Sa Môn Tục Pháp Tập

 Giảng thuật: Hòa Thượng Tuyên Hóa, Vạn Phật Thánh Thành Hoa Kỳ

Phần Đầu

Phần Chú:

 

Hội chân ngôn thứ nhất gọi là chân pháp hội Tỳ Lô, mười hai pháp môn mật ngôn ở dưới đều từ  Pháp thân chân tâm Ðức Phật Tỳ Lô diễn thuyết ra.

 

  1. NAM MÔ TÁT ÐÁT THA

Dịch :

Nam mô có nghĩa là con nay kính lễ. Tát đát tha có nghĩa là quy mệnh tất cả Như Lai Ứng Cúng Chánh đẳng Chánh giác. Chân ngôn tập trước nói : Cúi đầu đảnh lễ đảnh Phật lớn quang minh , Như Lai Vạn hạnh thủ Lăng Nghiêm, nếu người chí tâm năng trì tụng, tất cả sở cầu đều viên mãn.

Thích :

Nam mô, hoặc na mô, na ma, dịch là quy mệnh, hoặc tin theo, cung kính y theo, quay về đảnh lễ, kính xin hóa độ con. Tát đát tha, Phạn âm xa thiết, dịch là nhất thiết, cùng khắp mười phương hư không pháp giới.

Tụng :

Quy mệnh kính đầu nghĩa Na mô
Tam nghiệp thanh tịnh tát đát tha
Phiền não Bồ đề duy tâm hiện
Mê thời phàm phu, giác Phật đà.

(Cung kính quy mệnh nương về là nghĩa Na mô,
Tam nghiệp thanh tịnh là tát đát tha,
Phiền não Bồ đề duy tâm hiện,
Mê là phàm phu, giác tức Phật Ðà.)

Giải :

Trước khi niệm chú cần niệm “Cúi đầu đảnh lễ Quang Minh Ðại Phật Ðỉnh, Như Lai Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm, nếu người chí tâm năng trì tụng, tất cả sở cầu đều viên mãn”. Nam mô có nghĩa là cung kính, cũng có nghĩa là tin tưởng nhất, không có mảy may hoài nghi. Cho nên nói cung kính quy mệnh nương về, đem thân tâm tính mệnh quy y Phật, cũng tức là tín ngưỡng Phật một cách không điều kiện, biết Phật sẽ hóa độ chúng ta, cho nên nói : “Quy mệnh kính đầu nghĩa Na mô”. Na mô tức na mô là tiếng Phạn, có nghĩa là quy mệnh cung kính nương về, cũng có nghĩa là kính lễ tin theo.

Tam nghiệp thanh tịnh tát đát tha : tát đát tha là tiếng Phạn, dịch là tất cả. Tất cả này bao gồm thân khẩu ý, thân không phạm giới sát sanh, trộm cắp, tà dâm, miệng không vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, tâm không tham, sân, si. Thân khẩu ý đều thanh tịnh, gọi là tát đát tha.

Phiền não Bồ đề duy tâm hiện : phiền não và Bồ đề như hai mặt của bàn tay. Mặt này là phiền não, mặt kia là Bồ đề. Ði trên con đường quang minh tức là Bồ đề, đi trên con đường tối tăm là phiền não. Vì thế nói duy tâm hiện. Như băng là nước, nước lại không phải là băng. Tuy nói như thế, nhưng nói đi rồi nói lại, băng không phải là nước, nước cũng không phải là băng. Nhưng băng do nước mà thành, nước cũng từ băng mà thành, cả hai có mối quan hệ nối liền, phụ thuộc lẫn nhau. Khi lạnh nước đóng thành băng, khi nóng băng chảy thành nước. Cũng tức là đi trên con đường quang minh xán lạn, phiền não cũng biến thành Bồ đề; đi trên con đường tối tăm, Bồ đề cũng biến thành phiền não, giống như băng và nước vậy. Xem quý vị làm như thế nào ?

Mê thời phàm phu giác Phật Ðà : Khi mê là phàm phu, giác ngộ thì thành Phật. Phật từ chúng sanh mà thành, không phải bổn lai chính là Phật. Chúng sanh đều có Phật tánh, bổn lai là Phật, chỉ vì mê mà gọi là chúng sanh, nếu giác ngộ bèn thành Phật. Thiên đường địa ngục chỉ trong một niệm, một niệm giác địa ngục biến thành thiên đường, một niệm mê thiên đường hóa thành địa ngục, vì thế giác và mê chỉ trong một niệm, một niệm giác chúng sanh tức là Phật, một niệm mê tức là chúng sanh; quý vị có thể thành Phật hay là chúng sanh đều từ một niệm giác hay mê. Thế nào là giác, tức người có trí huệ lớn, không hồ đồ mê lầm. Sao gọi là mê ? tức là người ngu si. Ðiểm này mỗi người cần nên chú ý.

 

  1. TÔ GIÀ ÐA DA

Thích :

Tô già đa da, tiếng Phạn thông hai nghĩa. Một là A Già Ðà, đời Tần dịch là Như Lai. Hai là Tu Già Ðà, Tần dịch là Thiện Thệ, hai trong mười danh hiệu của Ðức Phật.

Tụng :

Vô lai vô khứ kính trung hoa,
Phi không phi sắc thủy nguyệt tà,
Ly trần tuyệt tướng hữu hà trụ,
Ðầu thượng an đầu Diễn Nhã Ðạt.

(Không đến không đi hoa trong gương,
Chẳng không chẳng sắc trăng trong nước,
Lìa trong tuyệt tướng có gì chấp,
Trên đầu thêm đầu Diễn Nhã Ðạt Ða.)

Giải :

Tô già đa da là Như Lai. Sao gọi là Như Lai ? “Vô sở tùng lai, diệt vô sở khứ”, không có chỗ đến, cũng không có chỗ đi nên gọi là Như Lai. Không đến không đi, như đến nhưng dường như không đến. Cho nên nói : “Vô lai vô khứ kính trung hoa”, cũng không có từ chỗ đến, cũng không có chỗ đi, giống như hoa trong gương vậy, quý vị nói hoa trong gương từ đâu đến, lại đi về đâu ?

Phi không phi sắc thủy nguyệt tà : cũng chẳng phải không cũng chẳng phải sắc, như trăng trong nước không có một cái thể chân thực, chỉ là bóng chiếu trong nước mà thôi. Ly trần tuyệt tướng hữu hà trụ : Nếu lìa hết thảy nhiễm ô, “trần” tức là nhiễm ô, “tuyệt tướng” tức là không có một tướng chấp trước. Có gì đáng chấp trước đâu ? Chấp trước gì cũng không có. Vô tướng thì còn có cái gì đáng chấp. Ðầu thượng an đầu Diễn Nhã Ðạt : không nên học theo Diễn Nhã Ðạt Ða[1]. Diễn Nhã Ðạt Ða sáng sớm thức dậy soi gương, nhìn thấy trong gương có một cái đầu, bản thân mình vì sao không có đầu ? bèn chạy ra ngoài đường, khắp nơi hỏi người : “Quý vị thấy đầu của tôi không ?” Người ta cũng không hiểu anh ta muốn nói cái gì. Nếu quý vị đầu thượng an đầu thì giống như Diễn Nhã Ðạt Ða vậy, không nên điên đảo cuồng loạn như thế.

 

  1. A RA HA ÐẾ

Thích :

A ra ha đế, Tần dịch là Ứng Cúng.

Tụng :

Ứng thọ nhân thiên chân cúng dường,
Chủng phước thực huệ cảm toại thông,
Nhân viên quả mãn thành vạn hạnh,
Thị tắc danh vi Ðại Giác Vương.

(Ðáng thọ nhận sự cúng dường của trời người,
Trồng phước trồng huệ cảm ứng liền thông,
Nhân tròn quả mãn thành tựu muôn hạnh lành,
Ðây là đấng Ðại Giác Vương.)

Giải :

A ra ha đế là tiếng Phạn, dịch là Ứng Cúng, tức là “Ứng thọ nhân thiên chân cúng dường”, xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường của trời người.

Chủng phước thực huệ cảm toại thông : bất luận là gieo trồng phước đức, hay là vun bồi trí huệ, cầu trí huệ, chỉ cần có lòng thành tâm thì sẽ đạt được, sẽ thỏa mãn nguyện vọng của mình.

Nhân viên quả mãn thành vạn hạnh : tu hành đến lúc nhân cũng tròn quả cũng mãn, thì có thể đầy đủ muôn hạnh lành.

Thị tắc danh vi Ðại Giác Vương : Ðó tức là Ðại Giác Vương, Ðại Giác Thế Tôn. Nếu quý vị không tin thì có thể thử xem.

 

  1. TAM MIỆU TAM BỒ ÐÀ TỎA

Thích :

Tần gọi là Chánh Biến Tri Giác. Hai ba hiệu trong mười hiệu của chư Phật. Tỏa dịch là tận. Cai (hoàn bị, đầy đủ) nhiếp (thu nhiếp) đều có nghĩa cùng tận. Trước quy y Phật bảo, quy y mười phương cùng tận hư không pháp giới nhất thiết chư Phật.

Tụng :

Hư không pháp giới quang minh tạng,
Thập phương tam thế Ðại Trí Tôn,
Ngã kim quy mạng chân thực tánh,
Chánh Biến Tri Giác diệu pháp đường.

(Hư không pháp giới quang minh tạng,
Mười phương ba đời Ðại Trí Tôn,
Con nay quy mệnh chân thực tánh,
Chánh Biến Tri Giác diệu pháp đường.)

Giải :

Tam miệu tam bồ đà tỏa dịch là Chánh Biến Tri Giác, “Tỏa” dịch là cùng tận hư không biến pháp giới. Mười phương ba đời nhất thiết Phật đều cùng khắp, vô tận, cho nên Phật pháp bất luận quý vị giảng như thế nào đều có ý nghĩa, không nên chấp trước, không có pháp cố định. Nghĩa của chữ “tỏa” tức là vô tận vô lượng thường trụ Phật Pháp Tăng Tam bảo. Câu này là nói quy y Phật bảo, quy y mười phương ba đời cùng tận hư không biến pháp giới Phật bảo vô tận. Kệ tụng nói : “Hư không pháp giới quang minh tạng”. Phật trong cùng tận hư không biến pháp giới tức là Đại quang minh tạng. Quang minh tức là trí huệ, cho nên nói “Thập phương tam thế Ðại Trí Tôn”. Ðại trí tôn tức là Phật, Phật tức là bậc có trí huệ lớn. “Ngã kim quy mạng chân thực tánh”. Con nay quy y mười phương vô tận đại Phật đỉnh chân thực tánh. “Chánh Biến Tri Giác diệu pháp đường”. Diệu pháp đường tức là đạo trường của Ðức Phật. Sao gọi là diệu pháp đường ? Vì có nghĩa là vô tận vậy.

 

  1. NAM MÔ TÁT ÐÁT THA

Dịch :

Quy mạng nhất thiết chư Phật đại đỉnh thủ.

Tụng :

Tín tùng thánh giáo lưỡng túc tôn,
Nội thí ngoại thí hiệu Năng Nhân,
Nhất thiết vô trước tức tự tại,
Giải thoát tri kiến vô ngã nhân.

(Tin theo giáo pháp của Ðức Phật lưỡng túc tôn,
Nội thí ngoại thí học theo gương Phật,
Tất cả đều không chấp trước tức tự tại,
Giải thoát tri kiến không ngã nhân.)

Giải :

Câu này lại là Nam mô tát đát tha“Tín tùng thánh giáo lưỡng túc tôn”. Nam mô tức là tin theo, tin theo giáo pháp của Ðức Phật. Lưỡng túc tức là phước và trí cả hai đều viên mãn đầy đủ. “Nội thí ngoại thí hiệu Năng Nhân”, Phật xưa kia bố thí nội tài và bố thí ngoại tài. Nội tài tức đầu mắt não tủy, không có thứ gì mà Ngài không bố thí. Ngoại tài là quốc gia, thành thị, vợ con, không có thứ gì mà Ngài không xả bỏ. “Năng Nhân” tức tên của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. “Nhất thiết vô trước tức tự tại” : Nếu cái gì cũng không chấp trước tức là chân chánh tự tại. Nếu có chỗ chấp trước thì không được tự tại. “Giải thoát tri kiến vô ngã nhân” : Nếu giải thoát được tri kiến, không có chấp trước, thì lúc đó ngã cũng không còn, nhân cũng không có.

 

  1. PHẬT ÐÀ CU TRI SẮC NI SAM

Thích :

Phật Ðà dịch là giác giả, tức đát tha nga đa, dịch là Như Lai, câu tri đồng củ trí, dịch là trăm ức, có nghĩa là trăm ức tướng tốt vậy. Sắc ni sam, kinh Mật bộ nói : Ô tắc nhị sa, dịch là đỉnh, Phật đỉnh pháp tướng, nói chung là quy y tất cả chư Phật, không gì sánh bằng tướng tốt Phật đỉnh thù thắng. Tiếp quy y Pháp bảo, tức là Phật đỉnh thủ Lăng Nghiêm.

Tụng :

Bách ức tướng hảo trang nghiêm thân,
Ðại Phật đỉnh thủ bí linh văn,
Nhược nhân thọ trì cần tinh tấn,
Quy y Pháp bảo nhựt nhựt tân.

(Trăm ngàn muôn ức tướng tốt trang nghiêm thân,
Ðại Phật đỉnh thủ chú Lăng Nghiêm,
Nếu người thọ trì siêng năng tinh tấn,
Quy y Pháp bảo ngày ngày mới.)

Giải :

Phật đà dịch là Giác giả, là người giác ngộ. Giác có ba nghĩa là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tự giác là bậc nhị thừa, đã được giác ngộ, không giống như phàm phu. Phàm phu thì không giác, nhị thừa thì tự giác. Nhị thừa tức là Thanh văn, A la hán, Duyên giác. Thanh văn có nghĩa là nghe âm thanh của Phật mà được ngộ đạo, Duyên giác tu mười hai nhân duyên mà được ngộ đạo. Nhị thừa tức là bậc chỉ giải thoát cho mình, chỉ biết tự giác, không biết giác tha, không thể lấy tiên giác để giác ngộ cho kẻ hậu giác, không thể dùng pháp môn giác ngộ của mình để dạy cho người khác, khiến cho người khác cũng được giác ngộ. Bồ tát thì không giống với nhị thừa, Bồ tát có thể tự giác lại có thể giác tha, nhưng chưa có thể giác hạnh viên mãn. Ði trên con đường tự độ độ tha, tự giác giác tha, tự lợi lợi tha, nhưng chưa đạt đến quả vị Phật. Ðức Phật thì không giống với Bồ tát, Ðức Phật có thể tự giác lại có thể giác tha và lại giác hạnh viên mãn. Giác viên mãn, vạn hạnh cũng viên mãn. Tam giác viên mãn muôn vạn đức hạnh đầy đủ, cho nên gọi là Phật. “Câu tri” là tiếng Phạn, dịch là trăm ức, trăm ức tướng tốt trang nghiêm, là ở nhân địa tu hành. Cho nên nói ba tăng kỳ tu phước huệ, trăm kiếp trồng tướng tốt. Có trăm ức tướng tốt trang nghiêm thân tức là Phật.

“Ðại Phật đỉnh thủ bí Linh văn” : Lăng Nghiêm gọi là Linh văn, vì sự linh nghiệm không thể nghĩ bàn, đây là thần chú do hóa thân Phật trên Phật đỉnh thuyết ra. Công năng, sức mạnh của chú đều không thể nghĩ bàn, phàm phu không thể biết được. “Nhược nhân thọ trì cần tinh tấn” : Nếu người thọ trì chú Lăng Nghiêm, thì cần nên tinh tấn không nên giải đãi biếng lười. “Quy y Pháp bảo nhựt nhựt tân” : Quy y mười phương cùng tận Pháp bảo. “Sắc ni sam” tức đại Phật đỉnh, tức là diệu pháp. Chúng ta đầu tiên cần nên quy y Phật bảo, thứ đến quy y Pháp bảo.

 

  1. NAM MÔ TÁT BÀ

Dịch :

Quy y chư đại Bồ tát, chí tâm phụng sự chư hiền thánh tăng.

Thích :

Tát bà có nghĩa là tất cả.

Tụng :

Cung kính nhất thiết ma ha tát,
Thanh tịnh phước điền Bồ đề nha,
Bồi dưỡng quán khái thường tinh tấn,
Công viên quả mãn phó Long Hoa.

(Cung kính tất cả đại Bồ tát,
Thanh tịnh phước điền mầm Bồ đề,
Bồi dưỡng vun tưới thường tinh tấn,
Công viên quả mãn đến hội Long Hoa)

Giải :

Nam mô dịch là quy mệnh. Tát bà dịch là tất cả. “Cung kính nhất thiết ma ha tát”: Cung kính quy mệnh tất cả đại Bồ tát, đại Bồ tát tức Hiền Thánh Tăng, như Bồ tát Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù v.v… tất cả A la hán cũng là Hiền Thánh Tăng. Hiền Thánh Tăng là phước điền, là miếng ruộng phước thanh tịnh. Nếu cung kính tất cả Bồ tát, thì gieo trồng phước báu, sanh trưởng mầm Bồ đề, còn phải thường thường vui tưới, bồi đắp cho nó, tức thường tinh tấn. “Công viên quả mãn phó Long Hoa” : khi công đức viên mãn thì dự hội Liên Hoa, tức là pháp hội khi Bồ tát Di Lặc thành Phật sau này.

 

  1. BỘT ÐÀ BỘT ÐỊA

Thích :

Bột đà, Một đà đều có nghĩa là Phật; Bột địa, mạo đế tức là Bồ đề, dịch là Giác Ðạo. Từ sơ địa Bồ tát, cho đến Phật giác đạo, vì khéo đắc thông đạt vậy. Ðây nói về mười bậc Thánh.

Tụng :

Ðại triệt đại ngộ đại trượng phu,
Nhân thiên sư biểu phước huệ túc,
Nhân tu lục độ Ba la mật,
Quả thành vạn hạnh diệu giác tri.

(Ðại triệt đại ngộ đại trượng phu,
Thầy trời người, phước huệ viên mãn,
Nhân tu lục độ Ba la mật,
Quả thành tựu vạn hạnh diệu giác tri.)

Giải :

Bột đà là Bồ đề, dịch là giác đạo. “Ðại triệt đại ngộ đại trượng phu”: Ðức Phật là đại trượng phu, đại triệt đại ngộ, cũng là bậc Thầy mô phạm của trời người, phước đức và trí huệ đều đầy đủ. “Nhân tu lục độ Ba la mật” : như thế nào thành Phật ? là vì nhân địa tu các pháp đến bờ bên kia như : bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. “Quả thành vạn hạnh diệu giác tri” : Ở quả địa thành tựu vạn hạnh, chứng đắc chân lý diệu giác như như.

  1. TÁT ÐA BỆ TỆ

Thích :

Tát đa, tát đát phệ, Trí Ðộ Luận giải thích: Tát đỏa, có nghĩa là thành tựu chúng sanh. Ngài Tăng Triệu nói : đời Tần dịch là tâm lớn cầu đạo (đại tâm cầu đạo). Hiền Thủ nói : dụng trí, trên cầu Phật đạo, dụng bi, dưới thành tựu chúng sanh. Bệ tệ, Ngài Cưu Ma La Thập nói : là Tỳ ni, Tần dịch là thiện trị. Tố sớ nói : Tỳ ni ca, có nghĩa là điều phục. Lại luận Tỳ bà sa dịch là Quảng giải, Thắng thuyết. Tỳ dược tức Tỳ da, Mật bộ dịch là các thứ tối thắng. Trong tam thừa ngũ thừa, Bồ tát là tối thắng. Ðây nói về Tam hiền. Sau đó quy y Tăng bảo, là chúng Bồ tát đại thừa vậy.

Tụng :

Thượng cầu chư Phật trí huệ đạo,
Hạ hóa chúng sanh đồng thể bi,
Thiện trị điều phục thân khẩu ý,
Quảng giải thắng thuyết tham sân si.

(Trên cầu trí huệ của chư Phật
Dưới hóa độ chúng sanh với tâm từ đồng thể,
Khéo điều phục thân khẩu ý
Quảng giải thắng thuyết tham sân si.)

Giải :

Tát đa tức đại đạo tâm chúng sanh, tức là Bồ tát. Bệ tệ có chỗ dịch là thiện trị, khéo trị các lỗi của thân khẩu ý. Có kinh dịch là điều phục, nói tóm lại có nghĩa là tu hành trừ ác. Cho nên nói “Thượng cầu chư Phật trí huệ đạo, hạ hóa chúng sanh đồng thể bi” : Trên cầu đạo trí huệ của chư Phật, dưới dùng tâm đại bi cứu hóa chúng sanh. Ðồng thể bi tức là cùng với chúng sanh là một. “Thiện trị điều phục thân khẩu ý” : trong lúc tu đạo không phạm giới, điều phục thân khẩu ý, không có thập ác. “Quảng giải thắng thuyết tam sân si” : Nói rồi lại nói, nói nhiều lần, nói rõ ràng cho chúng sanh biết tham sân si rất ư nguy hại (harmful). Ðiều nói ở trên (những câu chú trên) tức là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, quy y tất cả mười phương Hiền Thánh tăng, quy y chư đại Bồ tát, chí tâm phụng sự chư Hiền Thánh Tăng.

 

  1. NAM MÔ TÁT ÐA NAM (NẨM)

Dịch :

Kính lễ cùng khắp tất cả Thánh chúng.

Thích :

Hoặc gọi là táp đa nẩm, táp bất đát nẩm. Pháp sư Bất Không dịch là đại dõng mãnh. Pháp sư Ðạo An dịch là Khai sĩ, bậc sĩ đệ nhất. Tâm giác ngộ rốt ráo, như hoa sen nở, gọi là lễ chư Bồ tát thượng thừa.

Tụng :

Ðại dõng mãnh giả, đại đạo tâm,
Do như liên hoa bất nhiễm trần,
Trú dạ lục thời cần cảnh sách,
Thường tại hỏa lý luyện tinh kim.

(Bậc đại dõng mãnh, đại đạo tâm,
Như hoa sen không nhiễm trần,
Ngày đêm sáu thời cần cảnh sách,
Thường trong lò lửa luyện vàng ròng)

Giải :

Nam mô Tát đa nam có nghĩa là quy y bậc đại dõng mãnh. Sao gọi là đại dõng mãnh ? Là làm những việc mà người khác không dám làm, tu những pháp mà người khác không dám tu, có lòng hy sinh rộng lớn, không cầu có chỗ đắc, đó gọi là đại dõng mãnh. Cho nên lại dịch là đại khai sĩ, tức mở tri kiến Phật, làm người giác ngộ trước tại nhân gian. Lại gọi là đại đạo tâm chúng sanh, cho nên nói “Ðại dõng mãnh giả, đại đạo tâm”, làm những điều mà người khác không thể làm, tu những pháp mà người khác không thể tu, nhẫn những điều mà người khác không thể nhẫn, nhường những việc mà người khác không thể nhường. Người ở trong trần, nhưng tâm không ở trong trần. Như hoa sen sanh từ bùn dơ mà không bị bùn dơ làm cho nhiễm ô. Bồ tát đại đạo tâm này ngày đêm sáu thời thường tinh tấn, ngày ba thời đêm ba thời, không có một giây phút giải đãi, giờ giờ phút phút siêng năng tu học giới định huệ, trừ bỏ tham sân si. Ngày đêm sáu thời giờ giờ khắc khắc răn nhắc bản thân, không phóng dật, không loạn ngôn (hồ ngôn loạn ngữ). “Thường tại hỏa lý luyện tinh kim” : trong lửa luyện vàng là điều không dễ dàng, trong cõi Ta bà thế giới này giống như hầm lửa vậy, chúng ta trong hầm lửa để luyện vàng ròng.

 

  1. TAM MIỆU TAM BỒ ÐÀ

Dịch :

Kính lễ ba đời Chánh Biến Tri Giác.

Thích :

Có nghĩa là kính lễ ba đời chư Phật vậy.

Tụng :

Thập phương tam thế nhất thiết Phật,
Xả thân vị pháp tích công đức,
Lụy kiếp cung hành Bồ tát đạo,
Tự hổ cứu ưng cầu Ðạt Ma.

(Mười phương ba đời hết thảy Phật,
Xả thân vì pháp vun bồi công đức,
Nhiều kiếp thân hành Bồ tát đạo,
Vì cầu pháp đem thân cho hổ ăn thịt, xả thân cứu chim ưng.)

Giải :

Câu này có nghĩa là kính lễ mười phương ba đời hết thảy chư Phật, “Xả thân vị pháp tích công đức” : các Ngài khi ở nhân địa vì pháp quên mình, hy sinh tánh mạng. “Lụy kiếp cung hành Bồ tát đạo”: Ðức Phật có thể thành Phật là vì đời đời kiếp kiếp đều đem thân thực hành Bồ tát đạo, làm lợi ích người khác, không cầu lợi ích cho mình, cho nên nói “Tự hổ cứu ưng cầu Ðạt Ma”: Ngài vì cầu pháp, vì nửa câu kệ mà xả thân, vì cầu pháp mà để cho hổ ăn thịt thân mình, bỏ mạng để cứu chim ưng.

 

  1. CU TRI NAM (NẨM)

Dịch :

Kính lễ ba đời Chánh Biến Tri Giác.

Thích :

Cu tri có nghĩa là trăm ức. Nam dịch là thượng thủ. Có nghĩa là quy y trăm ngàn muôn ức thượng thủ Bồ tát và trăm ngàn muôn ức thượng thủ Phật.

Tụng :

Bách ức Bồ tát bách ức Phật,
Thượng thủ thánh chúng hộ hành giả,
Chân tâm cầu pháp hằng bất thối,
Ðương lai tất sanh Vô Ưu quốc.

(Trăm ức Bồ tát trăm ức Phật,
Thượng thủ Thánh chúng hộ trì người tu hành,
Chân tâm cầu pháp thường hằng không thối chuyển,
Tương lai ắt sanh vào cõi nước Vô Ưu.)

Giải :

Cu tri dịch là trăm ức, nam dịch là thượng thủ, cu tri nam tức là trăm ngàn muôn ức thượng thủ Bồ tát, trăm ngàn muôn ức thượng thủ Phật, cho nên nói “Bách ức Bồ tát bách ức Phật”“Thượng thủ thánh chúng hộ hành giả” : Hộ trì người tu hành. “Chân tâm cầu pháp hằng bất thối”: nếu thật vì pháp mà đến thì giờ giờ phút phút lo việc của mình còn không kịp, làm gì có thời gian nói việc thị phi, gây ra những việc phiền phức. Nếu chân tâm cầu pháp thì cần phải hướng về phía trước tinh tấn không thối chuyển. “Ðương lai tất sanh Vô Ưu quốc”: tương lai nhất định sanh vào cõi nước Vô Ưu, không có ưu phiền, tức là thế giới Cực Lạc, cũng tức là thế giới Tịnh Lưu Ly, cùng ở chung với Ðức Phật.

 

  1. TA XÁ RA BÀ CA

Dịch :

Kính lễ đại Bích Chi Phật.

Thích :

Ta xá ra, hoặc là Tư Ðà, đây có nghĩa là độc nhất vãng lai, tức là Ðức Phật Ðộc giác vậy. Bà ca, hoặc bát ra để ca, dịch là Duyên giác. Kinh nói : Bích Chi ca ra, thông hai ý nghĩa là Ðộc giác và Duyên giác.

Tụng :

Thâm sơn cùng cốc tu đạo huyền,
Vạn vật sanh diệt thập nhị duyên,
Xuân hoa tự khai thu diệt lạc,
Hoát nhiên lãng chiếu ngộ chân thuyên.

(Rừng sâu núi vắng tu đạo huyền,
Thấy vạn vật sanh diệt tu 12 nhân duyên,
Mùa xuân hoa nở, thu lá vàng rơi,
Hoát nhiên bừng sáng, ngộ nghĩa chân)

Giải :

Ta xá ra có nghĩa là Ðộc giác, bà ca dịch là Duyên giác. “Thâm sơn cùng cốc tu đạo huyền”: trong thâm sơn cùng cốc tu Mười hai nhân duyên, tu đạo huyền diệu. “Vạn vật sanh diệt thập nhị duyên”: nhìn thấy vạn vật tự sanh tự diệt, tu Mười hai nhân duyên pháp, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử, đây là thuận sanh môn. Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt tức thọ diệt, thọ diệt tức ái diệt, ái diệt tức thủ diệt, thủ diệt tức hữu diệt, hữu diệt tức sanh diệt, sanh diệt tức lão tử diệt. Ðây là hoàn diệt môn, các Ngài tu mười hai nhân duyên này, nghiên cứu mười hai nhân duyên này. “Xuân hoa tự khai thu diệt lạc”: các Ngài nhìn thấy mùa xuân trăm hoa tự nở, mùa thu lá vàng tự rơi, “Hoát nhiên lãng chiếu ngộ chân thuyên”: bèn hoát nhiên hiểu rõ. Khi có Ðức Phật xuất thế gọi là Duyên giác, không có Phật ra đời gọi là Ðộc giác.

 

  1. TĂNG GIÀ NẨM

Thích :

Nẩm, hoặc nễ da, đều dịch là thượng thủ. Tăng già dịch là chúng. Là thượng thủ trong Tăng chúng trung thừa. Trước nói vô lượng Bích Chi vô học, và sơ tâm đồng đến chỗ Phật. Nay kính lễ bậc thượng thủ vô học, cũng bao gồm bậc hữu học sơ tâm vậy.

Tụng :

Bích Chi Ca La Tư Ðà Hàm,
Ðộc giác Duyên giác nghĩa thông kiêm,
Chuyên tâm trí chí cần phất thức,
Hữu học vô học thượng thủ truyền.

(Bích chi ca la Tư Ðà Hàm,
Có hai nghĩa Ðộc giác và Duyên giác,
Chuyên tâm bền chí siêng năng quét dọn phiền não,
Là bậc thượng thủ truyền đạo trong hàng hữu học vô học.)

Giải :

Tăng già tức là người xuất gia, nẩm tức là thượng thủ, thượng thủ trong hàng hữu học vô học. Từ sơ quả Tu Ðà Hoàn đến nhị quả Tư Ðà Hàm, tam quả A Na Hàm gọi là quả vị hữu học, chứng đắc tứ quả A la hán gọi là quả vị vô học. Nẩm tức là thượng thủ trong hàng vô học hữu học. “Bích Chi Ca La Tư Ðà Hàm”: nghĩa của Bích Chi ca la là Tư Ðà Hàm. “Ðộc giác Duyên giác nghĩa thông kiêm”: có thể gọi các Ngài là Ðộc giác, cũng có thể gọi là Duyên giác, hai ý nghĩa, khi Phật xuất thế các Ngài tu Mười hai nhân duyên mà ngộ đạo gọi là Duyên giác, khi không có Phật xuất thế các Ngài một mình trong thâm sơn cùng cốc tự mình khai ngộ gọi là Ðộc giác. “Chuyên tâm trí chí cần phất thức”: các Ngài trong thâm sơn nỗ lực tinh tấn tu hành, thường thường quét sạch những vọng tưởng của mình. “Hữu học vô học thượng thủ truyền”: bậc đại A la hán, Bích Chi Phật là thượng thủ trong quả vị vô học, quả vị hữu học. Sơ quả là kiến đạo vị, đã đoạn 88 phẩm kiến hoặc, nhị quả tam quả là tu đạo vị, tứ quả là chứng đạo vị.

 

  1. NAM MÔ LÔ KÊ A LA HÁN ÐA NẨM

Dịch :

Kính lễ đại A la hán.

Thích :

Tứ quả. Lô kê dịch là thế gian, là bậc đáng cho trời người cúng dường.

Tụng :

Ứng cúng Sát tặc ký Vô sanh,
Thế gian phước điền tu lực canh,
Tài bồi vô thượng Bồ đề quả,
Hoặc tận chân thuần Phật đạo thành.

(Ứng cúng Sát tặc cùng Vô sanh,
Ruộng phước thế gian cần phải nỗ lực cấy cày,
Vun bồi quả Bồ đề vô thượng,
Lậu hoặc hết, tự tánh thuần chân, Phật đạo thành tựu.)

Giải :

Lô kê dịch là thế gian, A la hán cũng là tiếng Phạn, có ba ý nghĩa là Ứng Cúng, Sát tặc và Vô sanh. A la hán là vị Tỳ kheo đã chứng quả, Tỳ kheo ở nhân địa có ba nghĩa là Khất sĩ, Bố ma, Phá ác. Khi chứng quả thành A la hán thì có ba nghĩa Ứng cúng, Sát tặc, Vô sanh. Ứng cúng là bậc đáng thọ nhận sự cúng dường của trời người, Sát tặc tức là giết giặc phiền não của tự tánh, Vô sanh là không còn thọ sanh tử nữa, đắc vô sanh pháp nhẫn. “Thế gian phước điền tu lực canh”: A la hán tức là phước điền tăng ở thế gian, tất cả chúng sanh ở thế gian đều nên cúng dường A la hán, nên vun trồng phước điền, dùng sức cày cấy phước điền. “Tài bồi vô thượng Bồ đề quả”: thường thường vun bồi tưới nước mới có thể đắc quả giác đạo. “Hoặc tận chân thuần Phật đạo thành”: đến khi đoạn hết thô hoặc, tế hoặc, trần sa hoặc, thì tự tánh thuần chân sẽ hiện ra, Phật đạo liền thành tựu.

 

  1. NAM MÔ TÔ LÔ ÐA BA NA NẨM

Dịch :

Kính lễ Tu Ðà Hoàn.

Thích :

Sơ quả. Tô lô đa dịch là nhập, nhập vào dòng pháp tánh thánh nhân. Ba na dịch là nghịch, tức là nghịch dòng phàm phu lục trần. Tiếng Phạn là Tễ Lộ Ðà, A Bát Nang.

Tụng :

Kim nhập thánh nhân pháp tánh lưu,
Bối nghịch phàm phu lục trần du,
Kiến hoặc đoạn trừ chứng Sơ quả,
Tiếp tục tinh tấn đại bi chu.

(Nay vào dòng pháp tánh thánh nhân,
Ngược dòng lục trần phàm phu,
Kiến hoặc đoạn trừ chứng Sơ quả,
Tiếp tục tinh tấn làm con thuyền đại bi.)

Giải :

Ðây có nghĩa là kính lễ sơ quả Tu Ðà Hoàn, Tô lô đa tức là nhập dòng pháp tánh thánh nhân, cùng với bậc thánh hợp làm một, ba na dịch là nghịch, ngược dòng lục trần phàm phu, không còn trôi lăn trong lục trần nữa. “Kiến hoặc đoạn trừ chứng Sơ quả”: bậc thánh Sơ quả, đã đoạn trừ 88 phẩm kiến hoặc, không phải tự mình nói tôi đã chứng Sơ quả, đó thì không được, bậc thánh chứng Sơ quả thì có thần thông, có thể không lìa bổn vị giáo hóa chúng sanh. Khi bước đi chân không dính đất, cho nên không làm thương hại tất cả các loài côn trùng sâu bọ, không tạo nghiệp sát sanh. “Tiếp tục tinh tấn đại bi chu”: nhưng vẫn phải tiếp tục nỗ lực tinh tấn tu hành, để hoàn thành nguyện lực làm con thuyền đại từ bi đến bờ bên kia.

 

  1. NAM MÔ TA YẾT RỊ ÐÀ GIÀ DI NẨM

Dịch :

Kính lễ Tư Ðà Hàm.

Thích :

Nhị quả. Ta yết dịch là một (nhất). Rị đà dịch là vãng. Già di dịch là lai. Có nghĩa là nhất vãng lai (trở lại một lần), một lần lên cõi trời, một lần đến cõi người.

Tụng :

Danh nhất vãng lai thực bất lai,
Tư hoặc đoạn tận tọa liên đài,
Không trung thường hiện thập bát biến,
Thử giới tha phương bách vạn cai.

(Gọi là nhất vãng lai nhưng thực không có đến,
Tư hoặc đoạn tận ngồi tòa sen,
Không trung thường hiện 18 sự biến hóa,
Cõi này phương khác hiện thân thuyết pháp)

Giải :

Câu này dịch là kính lễ bậc nhất vãng lai, tức là bậc thánh đã chứng Nhị quả, một lần sanh lên cõi trời, một lần đến cõi nhân gian, nhưng thực tại thì không có đến. “Tư hoặc đoạn tận tọa liên đài”: bậc Sơ quả đoạn trừ 88 phẩm kiến hoặc, Nhị quả đoạn 81 phẩm Tư hoặc. Sơ quả, Nhị quả, Tam quả đều đang ở quả vị hữu học, chứng Tứ quả mới đến quả vị vô học, chân chánh liễu thoát sanh tử, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, không thấy một chút pháp sanh, cũng không thấy một chút pháp diệt. Kiến hoặc tức đối cảnh khởi lên lòng tham ái, đối cảnh sanh lòng chấp trước mê hoặc. Nhìn thấy tiền thì nghĩ đến tiền, nhìn thấy sắc đẹp thì nghĩ đến sắc đẹp. Ðó đều là “kiến”. Khi không nhìn thấy thì không có mê, khi nhìn thấy thì không làm chủ được, mê mờ hồ đồ, bị cảnh giới xoay chuyển. Kiến là nói sự, ở cảnh giới, khi tất cả mọi sự đến không nhận thức. Tư hoặc là không nhận thức lý, mê mờ, không biết nó là đúng hay sai, mê vào lý luận, cho nên các thứ vọng tưởng bèn sanh ra, đó gọi là tư hoặc. Nên nói mê lý khởi lên lòng phân biệt, càng phân biệt càng không hiểu, càng không hiểu thì càng phân biệt, hồ đồ càng thêm hồ đồ, ngu si lại thêm ngu si. Tư hoặc đoạn hết bèn ngồi liên đài, ngồi hoa sen báu. “Không trung thường hiện thập bát biến”: bậc thánh Nhị quả có thể hiện thân trong cõi hư không, hiện mười tám sự biến hóa, thân trên ra nước, thân dưới ra lửa, thân dưới ra nước, thân trên ra nước, bay trong hư không, ngủ trong hư không, muốn làm gì thì làm. “Thử giới tha phương bách vạn cai”: bậc thánh chứng Nhị quả không những ở thế giới này mà còn có thể đến thế giới khác, có thể ở thế giới này giáo hóa chúng sanh, lại có thể đến thế giới khác giảng kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, đồng thời có thể ở rất nhiều thế giới hiện thân thuyết pháp.

  1. NAM MÔ LÔ KÊ TAM MIỆU GIÀ ÐA NẨM

Dịch :

Kính lễ A Na Hàm.

Thích :

Tam quả. Hai câu trong Chân ngôn tập: một là A nga nhị. Ðại Luận gọi là A na, có nghĩa là bất (không). Già di, có nghĩa là lai. Câu kế đồng với kinh hôm nay. Lô kê có nghĩa là thế gian. Tam miệu có nghĩa là Chánh đẳng. Già đa có nghĩa là bất hoàn, có nghĩa là không quay trở lại cõi cõi dục giới nữa.

Tụng :

Nhất thiết thế gian Hiền Thánh Tăng,
Chánh đẳng Chánh giác đại trí tôn,
Quy mạng đảnh lễ cầu nhiếp thọ,
Viên mãn Bồ đề bất giảm tăng.

(Hết thảy Hiền Thánh Tăng cõi thế gian,
Bậc đại trí tôn quý Chánh đẳng Chánh giác,
Con nay quy mạng đảnh lễ cầu được nhiếp thọ,
Bồ đề viên mãn không giảm tăng.)

Giải :

Tam miệu dịch là Chánh đẳng, tam Bồ đề dịch là Chánh giác. Ðây có nghĩa là quy y tất cả các bậc thánh hiền Chánh đẳng Chánh giác, cho nên nói quy y “Nhất thiết thế gian Hiền Thánh Tăng” : Hiền Thánh Tăng tức là các vị đại Bồ tát như Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Ðại Thế Chí, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Ðịa Tạng v.v… “Chánh đẳng Chánh giác đại trí tôn”: các bậc có đại trí huệ này, “Quy mạng đảnh lễ cầu nhiếp thọ”: thân tâm quy mệnh đảnh lễ, năm vóc gieo xuống đất, cầu tất cả Hiền Thánh Tăng, các bậc có trí huệ lớn nhiếp thọ con. “Viên mãn Bồ đề bất giảm tăng”: tương lai con cũng sẽ thành tựu vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chứng đắc quả vị Phật, Bồ đề viên mãn, cũng không tăng cũng không giảm.

 

  1. TAM MIỆU GIÀ BÀ RA

Dịch :

Kính lễ quá khứ hiện tại vị lai chư Hiền thánh chúng.

Thích :

Già bà ra, Ðại Trí độ luận nói: độ qua bờ bên kia, có nghĩa là đến bờ Niết bàn vậy.

Tụng :

Bất hoàn Dục giới chứng Niết bàn,
Liễu tri vạn pháp triệt để nguyên,
Vô thức vô tri thường thanh tịnh,
Phi động phi tỉnh ly thuyết ngôn.

(Chứng đắc Niết bàn không trở lại cõi Dục giới,
Hiểu rõ vạn pháp, thấu triệt nguồn gốc vạn pháp,
Vô thức vô tri thường thanh tịnh,
Không động không tỉnh lìa ngôn thuyết.)

Giải :

Tam miệu cũng có nghĩa là Chánh đẳng, già bà ra dịch là bất hoàn, không trở lại cõi Dục giới, chứng đắc đến bờ kia Niết bàn. “Liễu tri vạn pháp triệt để nguyên”: các Ngài không trở về chính vì đã hiểu rõ tất cả vạn pháp, thấu triệt căn nguyên nguồn gốc của vạn pháp. “Vô thức vô tri thường thanh tịnh”: ở cảnh giới này cũng không lo không nghĩ, không có gì suy nghĩ, không có gì phiền não. “Phi động phi tỉnh ly thuyết ngôn”: cũng không động cũng không tỉnh, cũng không có gì đáng nói.

 

  1. ÐỂ BA ÐA NA NẨM

Thích :

Ðể ba dịch là thiên (trời). Ða na tức A na, Phạn âm xa thiết, dịch bất lai, có nghĩa không quay trở lại ba cõi trời thọ sanh vậy. Lại Phạn ngữ đa đà hoặc đa tha, dịch là Như Lai, có nghĩa là y pháp tánh chân như, không quay trở lại 5 cõi trời Na hàm, quay lại cõi vô dư Niết bàn.

Bốn câu trước giới hạn các bậc thánh, hai câu sau thông 5 quả vị là tư lương, gia hạnh, kiến đạo, tu đạo, chứng đạo. Quy y cùng tận tăng chúng Tiểu thừa.

Tụng :

Chư thiên thần tướng hộ Pháp thành,
Ngã kim kỳ thỉnh nguyện giáng lâm,
Thưởng thiện trừng ác tra công quá,
Cẩn thận tu hành mạc hồ vân.

(Chư thiên thần tướng đến bảo hộ Pháp thành,
Tôi nay cầu nguyện các Ngài giáng lâm,
Thưởng thiện trừng ác, kiểm tra điều phước tội,
Cẩn thận tu hành, chớ nói bậy bạ quàng xiên)

Giải :

Ðể ba có nghĩa là thiên (trời), tất cả chư thiên. Ða na có nghĩa là bất lai, không đến cõi tam giới thọ sanh tử. Ðây là nói các vị chư thiên có thiên binh, thiên tướng, thiên thần đến bảo hộ Pháp thành, các vị này hộ trì các bậc tu hành trì chú. “Ngã kim kỳ thỉnh nguyện giáng lâm”: Tôi nay vừa niệm chú, thần hộ pháp đều đến bảo hộ, “Thưởng thiện trừng ác tra công quá”: các vị thiện thần hộ pháp này ở cõi thế gian thưởng người thiện, trừng phạt kẻ ác, thấy có công bèn thưởng, thấy có tội liền phạt. “Cẩn thận tu hành mạc hồ vân”: vì thế người tu học đạo không thể nói bậy nói bạ, tùy tiện nói, muốn nói gì thì nói cái nấy, tu hành cần phải kiểm điểm thân khẩu ý, giờ giờ phút phút phải giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh.

 

  1. NAM MÔ ÐỀ BÀ LY SẮT NỎA

Dịch :

Bốn câu dưới là kính lễ lễ chư thiên tiên chúng.

Thích :

Ðề bà dịch là thiên. Ly sắt nỏa dịch là sắc. Chư thiên ở cõi sắc giới dục giới đều bao gồm ở trong. Hội huyền nói : Ðệ phược bà phược nang, dịch là thiên cung vậy.

Tụng :

Ðảnh lễ Dục giới Sắc giới thiên,
Trường sanh cửu thị luyện tiên đan,
Ngũ khí triều nguyên minh đại đạo,
Cửu chuyển thuần dương thọ vạn niên.

(Ðảnh lễ cõi trời Dục giới và Sắc giới,
Luyện tiên đơn cầu trường sanh bất tử,
Năm khí quay về nguồn, chiếu sáng đại đạo,
Chín lần chuyển thuần dương, thọ vạn năm.)

Giải :

Nam mô có nghĩa là quy mệnh đảnh lễ, đề bà dịch là thiên, ly sắc nỏa dịch là sắc, tức quy y chúng chư thiên ở cõi Dục giới, Sắc giới. “Trường sanh cửu thị luyện tiên đan”: thiên nhân ở cõi trời đều cho rằng sanh lên cõi trời rất tốt đẹp. Trước đó họ vốn không biết có Phật, có Pháp, có Tăng, chỉ biết tu hành, tu trường sanh bất lão, không muốn chết. Ðiều này không giống với Phật giáo, trong Phật giáo thì chứng quả, chứng sơ quả Tu Ðà Hoàn là kiến đạo vị, đoạn trừ 88 phẩm kiến hoặc, nhưng tư hoặc chưa đoạn trừ. Nhị quả Tư Ðà Hàm và tam quả A Na Hàm là tu đạo vị, trong quá trình tu đạo đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc, đến tứ quả A la hán, tức là chứng đạo vị, đoạn vô minh, hiển hiện Pháp tánh, thô hoặc, tế hoặc, trần sa hoặc đều đoạn trừ, đoạn hết trần sa hoặc mới không còn vọng tưởng. Không còn vọng tưởng thô, nhưng những hoặc và vọng tưởng vi tế vẫn còn, những chỗ giác sát không đến, vẫn chưa đoạn trừ. Ðến Sơ địa, Nhị địa, cho đến Thập địa Bồ tát vẫn chưa đoạn trừ, đến quả vị Đẳng giác Bồ tát vẫn còn một phần sanh tướng vô minh chưa đoạn cho nên chưa thể thành Phật. Những người sanh lên cõi trời đều hy vọng trường sanh bất lão, giữ túi da thúi này, Phật giáo gọi đó là quỷ giữ thây (thủ thi quỷ). Họ giữ chặt cái xác chết này, không nở bỏ đi cái thây chết này, cho rằng cái túi da thúi này rất quý báu, dù đi trên không, trên mây cũng đem theo, vĩnh viễn ở chung với túi da thúi dơ dáy này, vì thế gọi là quỷ giữ thây. Ðương nhiên gọi là quỷ không hay lắm, có thể sửa là “thần giữ thây” (thủ thi thần). Nhưng mà túi da thúi này dù có giữ gìn mấy vạn năm đi nữa vẫn sẽ hư hoại đi, đến lúc đó vẫn sẽ bị đọa lạc. Vậy luyện đơn là luyện cái gì ? Có người ăn đàm, ăn nước mũi, là những việc làm của những người không hiểu luyện đơn. Người chân chánh hiểu biết là luyện tinh khí thần, luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần trở về hư, cái gì cũng không còn, luyện hư trở về vô, cùng với hư không hợp làm một. Nhưng họ vẫn còn chấp trước, cảnh giới rất nhỏ, không phải toàn thể đại dụng, họ bèn chấp trước cái linh đơn này, giống như con rồng chấp chặt viên ngọc châu của nó. Pháp môn luyện đan trong không lại sanh có, luyện đến lúc hư hóa thành không chẳng phải là chuyện dễ dàng, cần phải ngũ khí triều nguyên. Ngũ khí là gì ? Tức kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, cũng tức là tim, gan, tỳ, phổi, thận. Tim thuộc hỏa, gan thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, phổi thuộc kim, thận thuộc thủy. Tim màu đỏ, gan màu xanh, tỳ màu vàng, phổi màu trắng, thận màu đen. Ngũ khí kim, mộc, thủy, hỏa, thổ này, luyện đến lúc viên mãn không thiếu không dư, khôi phục bản thể, đạt đến lúc ngũ khí triều nguyên, trong mỗi khí, trong mỗi hành, đều đầy đủ ngũ hành, lại cùng với ngũ hành hợp lại thành một. Ngũ hành hợp lại thành một thì sẽ tập trung, đều đến thiên môn, bèn được tam hoa tụ đỉnh, ngũ khí triều nguyên, bèn thành thần tiên sống, cho nên gọi là “ngũ khí triều nguyên minh đại đạo”, năm khí quay về nguồn, chiếu sáng đại đạo, lúc đó bèn có thần thông, có thể phi hành tự tại, ngoài thân có thân, có tướng mà vô tướng. “Cửu chuyển thuần dương thọ vạn niên”: 9 lần chuyển tức tu hành trải qua lần này rồi đến lần khác không biết tu bao nhiêu lần, biến thành thuần dương không có âm khí, không có tật đố, chướng ngại, phiền não, không có lòng tham, không có lòng sân, không có lòng si, đó gọi là “hoạt tử nhân” (người sống mà như chết, người chết nhưng còn sống). Quý vị nói người ấy chết rồi chăng ? Người ấy vẫn còn hơi thở. Quý vị nói người ấy còn sống chăng ? Người ấy lại không có tham, sân, si, tật đố, chướng ngại của người thường, vì những thứ đó đều là âm khí. Nhưng mà thuần dương này không giống với Phật giáo ở chỗ, được ít cho là đủ, giữa đường ngừng lại, bán đồ nhi phế (nửa đường bỏ dở), có hạn độ, có một cảnh giới, có chỗ chấp trước, còn chấp trước cái túi da thúi này, buông không được, bỏ không xong, đi đến chỗ nào cũng mang theo cái da thúi này, vẫn chưa đạt đến “đồng thể với vạn vật, cùng với hư không kết hợp làm một, chưa thể cùng với vô lượng vô biên pháp giới tánh hợp làm một, vì thế không thoát được luân hồi, vì tâm chấp trước chưa phá, thần thông dù có lớn vẫn còn có cái ngã tướng, ngã chấp”[2]. Chư thiên, thiên nhân đều biết niệm chú, chú vừa niệm thì có thể dời non lấp biển, dời ngọn núi ở Bắc Mỹ đến Nam Mỹ. Họ cầm lấy ngọn núi trên quả địa cầu này như người giỡn chơi với quả bóng vậy. Việc gì cũng có thể làm được, biến hóa vô cùng, từ có hóa không, từ không hóa có, biến mùa xuân thành đông, biến mùa đông thành mùa xuân. Vì thế sự tu hành của họ cũng có điều hay và diệu dụng. Mấy năm gần đây người hay nói, khí hậu thường thay đổi, có lẽ là thần tiên trên trời đang phô tài xem họ có thần thông lớn như thế nào.

 

  1. NAM MÔ TẤT ÐÀ DA

Thích :

Tất đà da, tức đấu suất đà, đấu thuật đà, đổ sử đà. Ðây có nghĩa là Tri Túc thiên, chỗ bổ xứ của Bồ tát Tất Ðạt.

Tụng :

Bổ xứ tri túc thậm du nhàn,
Vô tư vô lự vô quái khiên,
Duyên thục giáng sanh Ta Bà giới,
Phổ hóa quần luân độ nữ nam.

(Cõi Tri Túc chờ bổ xứ rất an nhàn tự tại,
Không lo không nghĩ không quái ngại,
Duyên đến giáng sanh cõi Ta Bà,
Ðộ khắp quần sanh già trẻ gái trai.)

Giải :

Tất đà da tức là Ðâu Suất thiên, dịch là cõi trời Tri Túc. “Bổ xứ tri túc thậm du nhàn”: tri túc thường lạc, hay nhẫn tự an, đã tri túc lại hay nhẫn thì không có phiền não, ở nơi đó vô cùng vui vẻ, yên tĩnh, vô cùng an nhàn tự tại. Ðây là chỉ nội điện của cõi trời Ðâu Suất. “Vô tư vô lự vô quái khiên”: cái gì cũng không suy không nghĩ đến, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được, ba tâm đều không thể được. “Vô tư vô lự vô quái khiên” : quý vị nói đó không phải là rất thanh nhàn, rất an lạc sao ? Tại sao quý vị có nhiều phiền não như thế? không an lạc như thế? Vì quý vị không nghĩ đến cái này thì nghĩ đến cái kia, mong cầu danh, cầu không được thì sanh phiền não; tham cầu lợi, lợi không có thì sanh phiền não; tham cầu sắc đẹp không được thì sanh phiền não. Lòng tham không biết đủ, lòng tham không biết chán thì có rất nhiều phiền não, tri túc thì không có phiền não. “Duyên thục giáng sanh Ta Bà giới”: Ở bổ xứ đợi lúc giáng sanh. Sao gọi là bổ xứ ? Chỗ đợi bổ đi làm Phật, đợi làm Phật, đợi đến lúc cơ duyên thành Phật bèn giáng sanh thế giới Ta Bà, thế giới kham nhẫn này. “Phổ hóa quần luân độ nữ nam”: giáo hóa khắp tất cả chúng sanh, nam nữ già trẻ, cho nên Ðức Phật ở cõi trời Ðâu Suất, tức là ở đó nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong rồi thì đến cõi người thành Phật, đến lúc đó có rất nhiều việc để làm, giáo hóa chúng sanh, cho nên cõi trời Ðâu Suất là nơi rất tốt đẹp, ai sanh vào cõi này đều rất an nhàn, tự tại, không cần làm mà có cơm ăn, có áo mặc, được rất nhiều người cúng dường.

 

  1. TỲ ÐỊA DA

Thích :

Tỳ địa da bao gồm tứ thiên vương.

Tụng :

Tứ đại thiên vương sát thiện ý,
Thống lĩnh quỷ thần nhật tuần la,
Họa phúc vô môn nhân tự chiêu,
Nhân quả tuần hoàn mạc quái tha.

(Tứ đại thiên vương kiểm soát việc thiện ác,
Thống lĩnh quỷ thần ngày ngày tuần tra,
Họa phúc không cửa người tự đem đến,
Nhân quả tuần hoàn, chớ trách ai.)

Giải :

Câu chú này là nói về tứ đại thiên vương, các Ngài thường đến cõi nhân gian quan sát, ai làm ác, ai làm thiện đều ghi vào sổ bộ. Không những chỉ có tứ đại thiên vương đến tuần tra, mà các Ngài còn thống lĩnh rất nhiều quỷ thần, đến tuần tra kẻ thiện người ác. Không những các Ngài có thể kiểm soát thiện ác hữu hình, mà thiện ác vô hình trong tâm vừa móng lên các Ngài cũng đều biết. Trong tâm vừa khởi lên một niệm ác các Ngài cũng đều biết, trong tâm vừa khởi lên một niệm thiện các Ngài cũng đều biết. Quý vị khởi lên vọng tưởng ác thì thọ quả báo ác, quý vị khởi lên vọng tưởng thiện thì nhận lấy quả báo thiện, một cử chỉ một động tác của quý vị các Ngài đều biết. “Thống lĩnh quỷ thần nhật tuần la”: các Ngài đem theo rất nhiều quỷ thần, không những ban ngày đi tuần tra việc thiện ác, mà ban đêm cũng đi tuần tra, bất luận làm việc gì các Ngài đều biết cho nên nói : “Họa phúc vô môn nhân tự chiêu” : bi tai bay họa gởi hoặc là được phúc, như bất ngờ phát tài, phúc báo này cũng là do mình chiêu vời đến, họa cũng không có cửa, phước cũng không có cửa, là tự mình chiêu đến, làm thiện được phước, làm ác đem đến tai họa. “Nhân quả tuần hoàn mạc quái tha”: trồng nhân thiện thì được kết quả thiện, trồng nhân ác thì kết quả ác, mảy may không sai. Cho nên một cử chỉ, một động tác, một lời nói, một hành vi đều cần phải hết sức cẩn thận chú ý, không nên sai lầm nhân quả, sai lầm nhân quả thì khi thọ nhận quả báo sẽ rất hối hận. Nhân quả thì tuần hoàn xoay chuyển không có đầu mối, trồng nhân kết quả, lui tới luân hồi, không nên trách người, đó đều là do mình tự tạo. Vì thế nói Bồ tát sợ nhân không sợ quả, chúng sanh sợ quả không sợ nhân, thật là trái ngược. Bồ tát khi ở nhân địa vô cùng cẩn thận, không lầm nhân quả, cho nên cũng sẽ không sai lầm quả báo. Chúng sanh thì ngược lại, khi ở nhân địa giờ giờ phút phút gieo trồng nhân ác, khi thọ lấy quả báo lại trách người oán trời, trời không công bình, người cũng không tốt, khiến tôi chịu khổ, mà không biết đó đều là xưa kia tạo nhân không tốt, nên nay thọ lấy quả báo không tốt. Cho nên nói “mạc quái tha”, không nên trách người. Ở thế gian này một cử chỉ, một động tác đều cần phải cẩn thận, cần phải giữ gìn quy củ, quý vị mà sai lầm nhân quả thì sẽ hối hận vô cùng.

 

  1. ÐÀ RA LY SẮT NỎA

Thích :

Ðà ra tức Ni ma la, có nghĩa là cõi trời Hóa Lạc, Sắc nỏa, bao gồm cõi trời Quảng Quả trong cõi Sắc giới.

Tụng :

Hóa Lạc thiên cung biến hóa kỳ,
Tiêu dao tự tại thế gian hy,
Y thực toại ý thích khả chỉ,
Ký vô phiền não cánh vô bi.

(Cung trời Hóa Lạc biến hóa lạ kỳ,
Tiêu dao tự tại thế gian hiếm có,
Y phục thức ăn vừa lòng toại ý,
Không phiền não, không đau buồn.)

Giải :

Ðà ra tức cõi trời Hóa Lạc, ly sắc nỏa tức bao gồm cõi trời Quảng Quả. “Hóa lạc thiên cung biến hóa kỳ”: sự biến hóa ở cõi trời Hóa Lạc rất kỳ lạ. “Tiêu dao tự tại thế gian hy”: ở nơi đó rất an lạc, rất tiêu dao tự tại, không cần phải làm bất cứ việc gì, nghĩ đến y phục thì có y phục, nghĩ đến thức ăn thì có thức ăn, nghĩ cái gì thì có cái nấy, không gì tiêu dao tự tại hơn cõi này nữa, dù thời đại khoa học hiện nay như máy vi tính v.v… cũng không thể sánh được với sự tự tại này. “Y thực toại ý thích khả chỉ”: quý vị muốn bao nhiêu y phục thì có bao nhiêu y phục, cũng không nhiều cũng không ít, vừa đủ. Ăn cơm cũng vậy, đồ ăn thức uống không nhiều cũng không ít, vừa đủ quý vị ăn, y phục thức ăn vừa lòng toại ý mình. “Ký vô phiền não cánh vô bi”: cõi trời Hóa Lạc chỉ có sự an vui vi diệu, không có phiền não, không có đau buồn. Tuy không có sự lo âu phiền não như ở nhân gian, chỉ có sự an vui, nhưng sự an vui này không phải cứu cánh. Khi hưởng hết phước trời thì phải bị đọa lạc, khi năm tướng suy hiện ra thì thọ mạng cũng hết, cho nên khi phước hưởng hết thì vẫn có khổ, vẫn phải đọa địa ngục, làm ngạ quỷ súc sanh. Vì thế sự an vui của cõi trời này không phải là cứu cánh, cho nên trong Phật giáo không tu phước báo của cõi trời này, dù có khoái lạc nhiều hơn cũng không đáng để hâm mộ.

Chú Lăng Nghiêm là chú dài nhất, lại gọi là “linh văn” vì nó rất linh nghiệm, rất diệu mầu không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả. Ai niệm thì người đó có cảm ứng, ai trì tụng thì người đó được sự hộ trì của Bồ tát Kim Cang tạng. Cho nên quý vị trì chú này cần phải thành ý chánh tâm, tu thân, cách vật. Thế nào là cách vật ? Tức là cách trừ tất cả vật dục (lòng tham vật chất), cũng tức là không có lòng tham, thì sự nhận thức mới chính xác, mới có thể thành ý chánh tâm, tu thân, thì trì chú này sẽ có đại cảm ứng. Có người không hiểu rõ ý nghĩa của chú, nói bừa rằng : Chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú nhỏ hợp lại mà thành mới dài như thế. Người nói câu này thật không bằng đứa con nít, đứa con nít nói chuyện cũng nghe người lớn nói rồi mới theo người lớn nói, không nói sai lầm một cách trầm trọng như thế. Nếu nói chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú ngắn nối liền với nhau, vậy thì những chú ngắn này là những chú gì ? Nếu nói không biết thì tại sao lại cho rằng chú Lăng Nghiêm là do nhiều chú ngắn hợp thành ? Ðây thật là lời nói không có căn cứ. Những chú ngắn này có tên không ? Nếu không có thì chú này ai nói? Ngay cả tên cũng không có, thì còn được gọi là chú gì. Cho nên lời nói ra phải chịu trách nhiệm, không thể nói một cách tùy tiện, nhất là học giả, bản thân mình nói một cách tùy tiện, thì học sinh của mình cũng sẽ nói một cách tùy tiện, một chút căn cứ cũng không có. Cho nên chú Lăng Nghiêm từ lúc bắt đầu tức là quy y mười phương tận hư không biến pháp giới nhất thiết chư Phật, sau đó lại quy y mười phương tận hư không biến pháp giới nhất thiết chư Bồ tát, sau đó lại quy y các bậc thánh Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả A la hán, sau đó lại quy y thiên, quy y thiên này không phải là theo (follow) chư thiên, chỉ là cung kính chư thiên. Người xuất gia vốn không nên lễ bái bất cứ ai, người xuất gia là bậc đáng thọ nhận sự cúng dường của chư thiên, tại sao lại phải cung kính chư thiên ? Chư thiên lễ bái quý thầy, vì quý thầy có đạo đức, có tu hành, nhưng quý thầy không thể sanh tâm cống cao ngã mạn, nói : “Quý vị biết không ! Tất cả chư thiên hộ pháp đều khấu đầu đảnh lễ tôi”. Không thể sanh tâm cống cao ngã mạn như thế, cảm thấy mình là người giỏi hơn hết. Dù đạo đức của mình có viên mãn đi chăng nữa thì cũng làm như không có, bản thân mình có đạo đức mà không chấp trước, có học vấn chân thực mà không tự mãn, như thế mới là người tu đạo chân chánh. Cho nên người tu hành tụng trì chú này cũng nên cung kính chư thiên, các vị thiện thần. Không những thiện thần cần phải cung kính, mà ác thần cũng nên cung kính. Nên thu thúc những tập khí cống cao ngã mạn của mình. Cho nên sự lợi ích của việc thọ trì chú Lăng Nghiêm nói hoài không hết. Tôi cũng không muốn nói chú Lăng Nghiêm rốt cuộc có lợi ích gì, vì nếu tôi nói ra quý vị trì tụng lại sanh ra lòng tham muốn. Tụng trì chú Lăng Nghiêm vì mong muốn có lợi ích, thì không phải là chân chánh muốn trì tụng chú Lăng Nghiêm. Nếu quý vị thật muốn trì tụng chú Lăng Nghiêm, thì nên xem chú Lăng Nghiêm quan trọng như là cơm ăn, áo mặc, ngủ nghĩ. Chúng ta nên làm như thế, còn được cảm ứng gì, linh nghiệm gì thì không nên nghĩ đến, vì quý vị vừa nghĩ đến cũng tức là vọng tưởng, chưa thành công, làm sao mà khởi lên vọng tưởng này ? Giống như một đứa trẻ mới sanh ra, ngay ngồi còn không biết, thì nghĩ chi đến việc chạy, ngay cả việc đi còn không biết, làm sao mà có thể chạy được ! Tại sao người ấy lại nghĩ đến việc như thế ? Chính là vì không hiểu biết, đến khi biết chạy rồi thì lại muốn bay, quý vị nói có thể thực hiện được chăng ? Vốn là việc không thể thực hiện được, sao lại mong muốn đến điều đó. Ðã không phải là chim, lại không có mọc cánh thì làm sao có thể bay được ? Vọng tưởng đó thật là quá lớn. Tụng trì chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, tu hành thì lo tu hành, không nên chấp giữ cái tâm có sở đắc, nói “tôi phải nhất định có chỗ đắc”. Như quý vị nói: “tôi nhất định không chết”, nhưng đến lúc phải chết thì không có cách nào thoát khỏi cái chết. Cho nên sự mong muốn này chỉ là vọng tưởng. Nếu có thể siêng năng tinh tấn tu hành, khi chứng quả liễu thoát sanh tử thì lúc đó mới muốn không chết thì không chết. Không phải chỉ nghĩ: “tôi không muốn chết, tôi không muốn chết”, rồi sẽ được không chết, mà cuối cùng rồi cũng sẽ chết như mọi người. Tôi chắc rằng sẽ có người nghĩ rằng : “Tôi thật sự không muốn chết, tôi muốn giữ gìn cái túi da thúi này”, giữ gìn tới giữ gìn lui, đến lúc đó túi da thúi nói câu “tạm biệt ” rồi chạy luôn.

Chú Lăng Nghiêm là linh văn, mỗi câu đều có hiệu lực, quý vị không nên nghĩ “tôi trì chú Lăng Nghiêm đã lâu như thế tại sao không có hiệu nghiệm”, ăn cơm không đói thì được rồi, còn muốn ăn bữa cơm này vĩnh viễn không đói, làm sao có thể được ! Ngày mai quý vị phải ăn nữa mới không đói, tụng chú Lăng Nghiêm cũng như vậy, ngày ngày trì tụng, công đức không luống mất, lâu ngày thì có công dụng của trì tụng.

Tụng trì chú Lăng Nghiêm thì có tám vạn bốn ngàn Bồ tát Kim Cang tạng thường theo bên mình hộ trì, đó là điều chân thật, nhưng khi tụng chú không nên khởi lên vọng tưởng, nếu không Bồ tát Kim Cang tạng sẽ cho rằng : “Người này thật là thấp kém, không có lòng dõng mãnh. Ta muốn đi theo để bảo hộ, nhưng ta thấy người này không có tiền đồ gì cả, làm lãng phí thời gian của ta”, Bồ tát hộ pháp sẽ sanh lòng nóng giận.

Cho nên phải chú ý, trì chú Lăng Nghiêm điều quan trọng nhất là phải nghiêm trì giới luật, nếu không giữ gìn giới luật, trì tụng như thế nào cũng không có linh nghiệm. Nếu có thể giữ gìn giới luật, không có lòng tật đố chướng ngại, không có tham sân si, thì tụng trì chú Lăng Nghiêm càng có cảm ứng lớn, lợi ích lớn. Tôi bảo với quý vị tụng trì chú Lăng Nghiêm còn kiếm được nhiều tiền hơn buôn bán vàng nữa, tụng trì một biến chú Lăng Nghiêm thì có giá trị muôn vạn ounce vàng ròng, nhưng không nên dùng lòng tham để trì tụng.

Chú Lăng Nghiêm theo cách giảng của tôi như thế, cũng không thể nói không hay, nhưng từ xưa đến nay không có ai giảng như thế. Khi giảng chú Ðại Bi, mỗi câu chú tôi làm bốn câu kệ tụng để hình dung sức mạnh và công dụng của chú. Ðương nhiên bốn câu kệ tụng giải thích một câu chú thì khó mà giải thích cho hết, vì ý nghĩa mầu nhiệm của chú thì vô cùng vô tận. Bốn câu kệ tụng thì làm sao có thể nói hết, chỉ là nói một phần nhỏ mà thôi, được một mất mười, do phần nhỏ này hiểu được ý nghĩa của một câu chú. Vì bốn câu kệ tụng rất dễ nhớ, từ cạn đến sâu, từ ít đến nhiều, từ gần đến xa, thì có thể thâm nhập nghĩa lý của chú.

Chú vốn không thể giảng và cũng không thể giải thích, nhưng miễn cưỡng giảng, giống như “quăng ngói dẫn ngọc”. Vì thế nay giảng chú Lăng Nghiêm, dù tôi nói đúng hay không, có ý nghĩa hay không, nhưng nó thì từ trong tâm của tôi tuôn ra, cũng có thể nói là máu của tôi, mồ hôi của tôi. Tôi dùng chân tâm của tôi để giảng giải, hy vọng quý vị nghe xong hiểu được ý nghĩa chân chánh của chú, hiểu sâu sắc hơn tôi, hiểu rộng hơn tôi. Ðó là lòng mong muốn của tôi, cho nên tôi nói : “quăng ngói dẫn ngọc”, hy vọng phô bày ra trí huệ của quý vị, có thể thâm nhập kinh tạng trí huệ như biển. Người học Phật pháp cần phải hướng đến mục đích cao thượng tốt đẹp, đã tốt còn muốn tốt hơn, đã hiểu rồi còn muốn hiểu hơn. Không nên nói “tôi hiểu rồi nhưng không biết tu hành như thế nào”, nên thực thực tại tại tu hành, dù quý vị có hiểu biết mà không tu hành thì cũng không có ích dụng gì. Cho nên tu hành cần phải chân đạp chắc chắn trên đất, nỗ lực tu hành, không nên bịt tai trộm chuông, tự lừa dối mình, không lừa được người. Tôi viết lên bốn câu kệ tụng cũng có thể nói là giới thiệu trí lực của tôi, giới thiệu tâm của tôi, dùng chân tâm của tôi giảng chú Lăng Nghiêm, hy vọng quý vị có thể hiểu rõ một chút.

 

  1. XÁ BA NOA

Dịch :

Ba câu dưới là kính lễ chú thuật thiên tiên thánh chúng, duy nguyện nhiếp ác thành thiện.

Thích :

Xá ba noa, còn đọc là bà xá bạt đề, có nghĩa là cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

Tụng :

Tha Hóa Tự Tại diệu vô cùng,
Khoái lạc thao thao tối an ninh,
Ðạm bạc thiểu tham ly chư dục
Tích đức tu thiện kiêm lập công.

(Cõi trời Tha Hóa Tự Tại vi diệu vô cùng,
Khoái lạc vô biên, an lành nhất,
Ðạm bạc ít tham, lìa các dục,
Tích đức tu thiện và lập công.)

Giải :

Xá ba noa tức là cõi trời Tha Hóa Tự Tại, thiên nhân ở cõi trời này thọ sự vui sướng vi diệu thù thắng, có câu : không có các khổ, chỉ thọ sự vui (“vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc”_ Kinh A Di Đà), cảnh giới bất khả tư nghì của cõi trời này thì vô cùng vô tận. Các chư thiên ở cõi trời này dùng thần thông biến hóa để trang nghiêm cung điện của mình. “Khoái lạc thao thao tối an ninh”: sự vui như nước thao thao cuồn cuồn trôi chảy không ngừng. Các thiên nhân trên cõi trời Tha Hóa Tự Tại bình an nhất, bom nguyên tử cũng không nổ đến được, bom khinh khí cũng không động đến được, ánh sáng chết cũng không chiếu đến được. Nhưng đó là ở trên cõi trời, không phải ở cõi người, phiền não gì cũng không có. “Ðạm bạc thiểu tham ly chư dục”: thiên nhân ở cõi trời này không có vọng tưởng, rất thanh cao đạm bạc tri túc thiểu dục. Cái gì cũng không tham. Ðã đoạn trừ năm điều căn bổn đọa địa ngục là tài, sắc, danh, thực, thùy. “Tích đức tu thiện kiêm lập công”: các vị trời này càng tích đức tu thiện lập công thì càng có thể tiến bộ, nhưng phần đông sanh lên cõi trời hưởng điều khoái lạc thì không dễ dàng tu đạo. Kinh cũng nói : “Phú quý học đạo khó !” (Phú quý tu đạo nan!). Chỗ này có thể nói sung sướng an lạc tu đạo khó. Khi người đang chịu cảnh khổ đau mới phát tâm Bồ đề, khi vui sướng, tự do tự tại thì còn tu cái gì. Có người làm vua thì không thể xuất gia, thật là thua một nước cờ, hỏng luôn cả ván. Thà không làm vua để được xuất gia, xuất gia còn hay hơn là làm vua.

 

  1. YẾT RA HA

Thích :

Yết ra ha dịch là chúng sanh, nhiếp chung chư thiên, và chúng quyến thuộc.

Tụng :

Chư thiên quyến thuộc chủng phước nhân,
Ðồng tu thiện đạo tác thắng thân,
Ðương tri tư phi cứu cánh lạc,
Nhưng tu phát đại Bồ đề tâm.

(Quyến thuộc chư thiên trồng nhân phước lành,
Cùng tu thiện đạo, tạo nhân thù thắng,
Nên biết đây không phải là sự vui cứu cánh,
Cần phải phát đại tâm Bồ đề.)

Giải :

Yết ra ha dịch là chúng sanh, nhưng đây không phải là chúng sanh ở cõi người, mà là quyến thuộc của chư thiên ở cõi trời, cho nên nói “Chư thiên quyến thuộc chủng phước nhân”: thiên nhân đều do kiếp trước vun trồng phước đức mà sanh lên cõi trời, như cúng dường bậc xuất gia, hoặc lễ bái Tam bảo. Tại sao chúng ta không có phước, vì kiếp trước không gieo trồng phước đức, xem tiền như mạng sống, xả bỏ không được, thường cảm thấy bố thí cho người mình phải chịu thiệt thòi, còn nếu người bố thí cho ta đương nhiên là tốt nhất, còn mình lại không chịu bố thí. Nhưng mà những quyến thuộc chư thiên này đều gieo trồng phước đức. “Ðồng tu thiện đạo tác thắng thân”: trước kia ở cõi người cùng tu thiện đạo, cùng tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, tu chứng đắc đại trí huệ, cho nên hôm nay làm quyến thuộc thù thắng. “Ðương tri tư phi cứu cánh lạc”: chúng ta nên biết sự vui sướng trên cõi trời không phải là cứu cánh. Sự vui sướng cứu cánh chỉ có thành Phật, liễu thoát sanh tử, được cứu cánh Niết bàn mới là sự vui sướng chân chánh. “Nhưng tu phát đại Bồ đề tâm”: muốn được sự vui sướng cứu cánh chân chánh thì cần phải phát đại Bồ đề tâm, tinh tấn tu hành Bồ tát đạo, sau đó mới có thể viên mãn vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó mới là sự an lạc cứu cánh.

 

  1. TA HA TA RA MA THA NẨM

Thích :

Ta ha ta ra dịch là đại thiên nhẫn giới. Ma tha nẩm, Ðại Trí Ðộ Luận là ma dật xá nẩm, dịch là người, Pháp Uyển Châu Lâm nói : nhân (người) có nghĩa là nhẫn. Câu này bao gồm chung tất cả thiên tiên nhân trong ba ngàn cõi, hết thảy thánh phàm đều quy mệnh kính lễ.

Tụng :

Tam thiên đại thiên chư thiên tiên,
Nhẫn nhục tinh tấn tu đạo kiền,
Nhược thánh nhược phàm giai quy kính,
Cống cao ngã mạn tận trừ dật.

(Chư thiên tiên trong ba ngàn cõi,
Nhẫn nhục tinh tấn tu đạo kiền thành,</em
Cả thánh lẫn phàm đều quy kính,</em
Cống cao ngã mạn phải tiêu trừ.)

Giải :

Ta ha ta ra dịch là đại thiên nhẫn giới, tức là ba ngàn cõi đại thiên thế giới kham nhẫn này. “Tam thiên đại thiên chư thiên tiên”: tất cả tiên thiên đều bao gồm ở trong ba ngàn cõi đại thiên thế giới. “Nhẫn nhục tinh tấn tu đạo kiền”: các vị tiên thiên này trước kia tu hành là tu nhẫn nhục, tinh tấn, sự tu đạo rất kiền thành, “Nhược thánh nhược phàm giai quy kính”: thiên nhân có người là bậc thánh, có người là phàm phu, chúng ta đều cung kính đối với họ. Tại sao vậy ? “Cống cao ngã mạn tận trừ dật”: tu đạo, điều không nên làm nhất là lòng cống cao ngã mạn, cảm thấy mình là giỏi hơn người, thái độ kiêu mạn này nhất định phải trừ bỏ. Cho nên chúng ta tuy đã xuất gia, làm bậc mô phạm của trời người, điều quan trọng khẩn thiết là không nên có tâm cống cao ngã mạn, phải tận trừ lòng cống cao ngã mạn, nếu nuôi dưỡng tâm cống cao ngã mạn thì không dễ tu hành.

 

  1. NAM MÔ BẠT RA HA MA NI

Dịch :

Quy mệnh Ðại Phạm Thiên chúng.

Thích :

Kinh Ðà Ra Ni Tập nói : Ma Ni Bạt Ðà Thiên Vương thuyết chú, đây nói hảo ly cấu, cũng gọi là Bà la môn. Mao ni, dịch là ly dục, tịnh hạnh, âm nghĩa Phạm Ca di, có nghĩa là tịnh thân, là Ðại Phạm Thiên. Kinh Pháp Hoa nói : Chủ thế giới ta bà là Phạm Thiên Vương. Kinh Mật Tích nói : Ðức Phật thọ ký Loa Kế Phạm Vương, hiệu là Thanh Tịnh Quang Minh Phật.

Tụng :

Ly cấu thanh tịnh đại phạm thiên,
Uy đức lẫm lẫm thậm trang nghiêm,
Bà la môn giáo vi tông chủ,
Thiểu dục tri túc tự an nhiên.

(Ðại Phạm thiên ly cấu thanh tịnh,
Uy đức lẫm liệt vô cùng trang nghiêm,
Là tông chủ Bà la môn giáo,
Thiểu dục tri túc an nhiên tự tại)

Giải :

Câu này là quy kính đảnh lễ Ðại Phạm Thiên Vương và Ðại Phạm Thiên Chúng. “Ly cấu thanh tịnh đại phạm thiên”: Ðại Phạm Thiên Chúng dịch là “hảo ly cấu”, lìa bỏ tất cả ô nhiễm, tu thanh tịnh phạm hạnh. “Uy đức lẫm lẫm thậm trang nghiêm”: vì các Ngài giữ gìn thanh tịnh phạm hạnh, trì giới luật thì có uy đức lẫm liệt, rất trang nghiêm, rất tự tại. “Bà la môn giáo vi tông chủ”: Ðại Phạm Thiên Vương là giáo chủ của Bà la môn giáo. “Thiểu dục tri túc tự an nhiên”: các vị Ðại Phạm Thiên Vương thường thiểu dục tri túc, không tham không cầu bất cứ thứ gì, cho nên nói tri túc thường lạc, các Ngài lúc nào cũng an lạc, không có phiền não.

Chú Lăng Nghiêm bắt đầu từ câu thứ nhất “Nam mô tát đát tha tô già đa da” đến “Nam mô nhân đà ra da” có 29 câu. 29 câu này là người tu học đạo chúng ta nên quy mệnh đảnh lễ tất cả chư Phật, Bồ tát, A la hán, thánh chúng, thiên tiên v.v… Hai mươi chín câu chú này vừa niệm lên thì sẽ hiện ra một cảnh giới, cảnh giới này vốn có thể nói là thật, cũng có thể nói là huyễn. Tại sao vậy ? Với thiên ma ngoại đạo nhìn thấy cảnh giới này thì thật, người tu đạo thì biết đó đều là cảnh giới do cảm ứng của chú hiện ra, không phải là của mình, là sức mạnh của tam muội, là sức mạnh của chú, cho nên cũng có thể nói là huyễn. Khi tụng trì 29 câu chú này thì hiện ra cảnh giới như sau : chung quanh thân của hành giả, bốn phương tám hướng đều có rất nhiều hoa sen đỏ đến ủng hộ, cho nên nói “ngàn đóa sen hồng gia hộ thân”, như sự thành tâm của quý vị đầy đủ hoặc là càng nhiều thì không chỉ có một ngàn đóa. “Ngồi ngựa con cưỡi Kỳ lân đen”, lúc đó chỗ ngồi không phải là máy bay, không phải là xe lửa, cũng không phải là xe hơi mà là kỳ lân màu đen, vì có tướng uy đức hiện ra. Yêu ma quỷ quái vừa nhìn thấy thì lập tức chạy xa. Ðương thời ở đời Tống, Hòa thượng Tế Công thường dùng đoạn chú này để giáng phục thiên ma, nhiếp phục ngoại đạo, rất linh nghiệm cảm ứng. Vì thế chúng ta nay học chú Lăng Nghiêm cần phải biết ích dụng của chú. Ðoạn chú Lăng Nghiêm này là một pháp môn khuất phục, quý vị vừa trì tụng chú này thì bàng môn ngoại đạo, ma quỷ tà thần, đều không dám tác quái làm bậy mà ngoan ngoãn nghe theo.

 

  1. NAM MÔ NHÂN ÐÀ RA DA

Dịch :

Quy mệnh Ðế Thích thiên chủ.

Thích :

Du già hộ ma nghi nói : Ấn nại ra da, dịch là Ðế thích thiên. Hoa Nghiêm sớ, lược nói : Thích đề hoàn nhân; nói rõ là : Thích Ca có nghĩa là Năng, Ðề hoàn có nghĩa là thiên, Nhân đà ra có nghĩa là chủ. Nuôi dưỡng, khuyến khích điều thiện lành, có thể làm thiên chủ (chúa trời, vua cõi trời) vậy. Ðại văn sớ nói : Thiên đế có tám trăm tên. Một là Nhân Ðà Ra, có nghĩa là tôn trọng; Tam Thập Tam Thiên, cùng tôn trọng, là vua cõi trời Ðao lợi. Kinh Anh Lạc Ðức Phật thọ ký cho thành Chánh giác, hiệu là Vô Trước Tôn.

Tụng :

Thiên chủ chân thần nhân đà ra,
Vị thực thí quyền đại Bồ tát,
Tích thiện tu phước hành lục độ
Thích phạm thánh chúng tôn trọng tha.

(Thiên chủ, chân thần, nhân đà ra,
Vì thực thí quyền bậc đại Bồ tát,
Tích thiện tu phước hành lục độ,
Chư thiên, Phạm thiên, thánh chúng đều tôn trọng Ngài.)

Giải :

Câu này là nói chúng ta phải quy y Thiên chủ, quy y Chân thần. Trên trời có thiên chủ, cõi người có nhân chủ, cõi đất có địa chủ, trời đất người đều có chủ. Ở tỉnh Quảng Ðông Trung Hoa có phong tục mỗi nhà đều cúng thờ địa chủ, tức thần đất ở ngoài cửa. Ở Trung Hoa có thần Xã tắc, thổ địa thành hoàng, thổ địa là dương trong âm, quản lý thổ địa tức là quản việc ở âm gian, âm gian là thế giới quỷ, dương gian là thế giới người, thế giới quỷ thì thuộc âm, nhưng thần thổ địa quản quỷ tức là dương trong âm. Cho nên nói : mười người nói anh ta tốt, sau khi chết bèn làm thần thổ địa, khi còn sanh tiền mọi người cảm thấy người ấy rất tốt, nhân phẩm rất tốt, không hại người lợi mình, cũng không làm việc ngang ngược, rất lương thiện, vì thế mọi người đều nói người đó tốt, sau khi chết bèn làm dương trong âm, không thọ tội, làm thần thổ địa. Thần thổ địa giống như quận trưởng, thành hoàng giống như tỉnh trưởng. Ðất có địa chủ, người cũng có nhân chủ, tức là làm quan, người thì nửa âm nửa dương, cho nên làm quan cũng là nửa âm nửa dương, hoặc là có thể nói âm trong dương, vì có một vài tham quan ô lại, hiếp ức dân chúng làm những việc xấu, không làm việc tốt, vốn là nửa âm nửa dương, biến thành hoàn toàn âm. Ðây là nói chủ của cõi người tức là Hoàng đế, nay có rất nhiều quốc gia vẫn có Hoàng đế như Tây Ban Nha, quốc vương Iran Ba Lặc Duy (Pahlavi) tiền rất nhiều nhưng không có chỗ ở, tôi thấy ông ta tốt nhất nên dọn lên mặt trăng ở, nơi đó không có ai có thể bắt được ông ta. Ðịa chủ là vì kiếp trước làm việc tốt, nhân chủ là vì mọi người ủng hộ người đó làm Hoàng đế, hoặc làm Tổng thống, thiên chủ trên trời thì như thế nào ? Không phải bầu cử tuyển chọn mà là quả báo của nghiệp hoặc hiện ra. Trong vô lượng kiếp trước có một cô gái thường đi đây đi kia làm thuê cho người. Một hôm cô ta nhìn thấy trong chùa có một tượng Phật, vàng thếp bên ngoài đã bay màu, chùa cũng sụp đổ điêu tàn, vì thế trong tâm rất bất nhẫn, trở về bèn cùng với 32 cô gái khác, cùng đi hóa duyên, cùng nhau tu bổ lại chùa. Do công đức đề xướng tu bổ chùa, mạ vàng tượng Phật, sau khi mệnh chung cô gái này được sanh lên cõi trời Ðao Lợi, do thiện nghiệp cảm ứng bèn làm thiên chủ, tức người thường nói là chân thần. Cõi trời Ðao Lợi này bốn phía Ðông Tây Nam Bắc mỗi hướng có tám cõi trời, cộng là 32 cõi trời, thêm cõi trời trung ương là 33 cõi trời, cô gái ấy làm thiên chủ 33 cõi trời, cũng tức là Chân Thần mà Gia Tô giáo, Thiên Chúa giáo sùng bái, chủ tể vạn vật. Vì Ngài làm thiên chủ ở cõi trời, cho nên nhân chủ ở cõi người, địa chủ ở cõi đất cũng thuộc sự quản lý của Ngài, Ngài làm Vua ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, gọi là Năng thiên chủ, có 108 tên, Nhân đà ra chỉ là một trong những tên đó, Nhân đà ra dịch là tôn trọng, vì trời người cùng tôn trọng. Cho nên xây dựng chùa, sơn son thếp vàng tượng Phật đều có công đức.

Hai mươi chín câu chú này là trừ khử thiên ma quỷ quái, tuy là như thế nhưng quý vị là người có tu hành, có đạo đức trì tụng chú này mới linh nghiệm. Nếu quý vị không có tu hành, không có đạo đức thì dù chú có linh nghiệm mấy đi nữa tụng cũng không chắc chắn có linh nghiệm. Vì quý vị không tu hành, không có đức hạnh, chúng thần không có nghe chú của quý vị, không nghe lời kêu gọi của quý vị, không có y giáo phụng hành. Mọi người đều biết Vạn Phật Thành trước đây mấy năm bắt đầu tụng 29 câu chú này, chính là vì để thanh tịnh pháp giới của chúng ta, thanh tịnh cõi đất mấy trăm dặm vuông chung quanh đạo trường này. Lúc đó tôi bảo các quý vị tụng, các quý vị cũng không biết lý do là gì. Nhưng tụng chú không cần phải biết nó có sức mạnh gì, biết rồi tâm lại không chuyên nhất, không biết mới là vi diệu, biết rồi thì không còn gì vi diệu nữa. Vi diệu tức là không thể nghĩ bàn, có thể nghĩ bàn thì không còn vi diệu nữa, cho nên tại sao chú không giải thích, tức là để giữ gìn cái vi diệu này. Nếu quý vị biết thì không còn vi diệu nữa. Nhưng khi quý vị tụng chú biết được sức mạnh không thể nghĩ bàn của chú, cũng giống như ăn cơm chúng ta biết được sức mạnh của nó, sức mạnh này làm cho chúng ta không đói, bất kể nó ngon hay dở, tiêu hóa hay không tiêu hóa, mặc y phục cũng như vậy, tụng chú cũng như vậy.

Nhân đà ra là một trong 108 tên của trời Ðế Thích, trong Kinh Di Ðà gọi trời Ðế Thích là Thích Ðề Hoàn Nhân. Thích dịch là Năng, Ðề Hoàn dịch là Thiên, Nhân tức Nhân đà ra da, dịch là Chủ, tức là Năng Thiên Chủ, có năng lực làm chủ (vua, chúa) của cõi trời. Giáo đồ Thiên Chúa giáo nghe đoạn này sẽ nói thiên chủ mà chúng ta tin không phải là thiên chủ. Vậy là thiên chủ nào ? Nếu không phải là thiên chủ này, vậy thì có hai thiên chủ, chỗ chúng ta có một thiên chủ, chỗ họ cũng có một thiên chủ, trong đó sẽ có một thiên chủ thật, một thiên chủ giả ! Rốt cuộc thiên chủ nào là thật ? Quý vị nói thiên chủ của quý vị mới là thật, tôi cho rằng thiên chủ của tôi mới là thật. Thật là sai lầm! Làm gì có thật, có giả, quý vị cũng chưa thấy được thiên chủ, tôi cũng chưa thấy qua thiên chủ, kiện cáo làm cái gì ! Sự thật giả của thiên chủ không cần thiết bình luận, nếu Ngài không thật, quý vị nói là thật, thì cũng không thể làm cho Ngài thành thật, nếu Ngài không phải giả, quý vị nói Ngài là giả, cũng không thể biến Ngài thành giả. Người tùy tiện nói, dùng tư tưởng ngôn ngữ để hình dung thiên chủ, làm sao có thể biết được thiên chủ ? Cứ mãi nói những điều thật giả của thiên chủ, nói tới nói lui, thiên chủ trên trời sẽ cười ha ha… nói con nít chúng bây thật là mê lầm. Quý vị nói với tín đồ Thiên Chúa giáo Thích Ðề Hoàn Nhân là thiên chủ, họ nói không phải, vì thiên chủ của họ là vạn năng. Quý vị làm sao biết được Thích Ðề Hoàn Nhân không phải là vạn năng ! Ðây tức là tướng điên đảo của chúng sanh, tin Phật bèn giúp Phật tranh luận, tin thiên chủ bèn giúp thiên chủ tranh luận: “Thiên chúa của tôi là thật, là chánh, thiên chúa của quý vị là giả, là mạo nhận”. Sự chấp trước của chúng sanh chính là như thế, cho nên Thiên chủ, Chân thần kỳ thực tức là Nhân đà ra, Nhân đà ra tức là chủ, chủ tức là chủ, có cái gì là giả hay thật !

“Vi thực thí quyền đại Bồ tát”: thiên chủ cũng tức là người hành Bồ tát đạo. Ngài vì Phật pháp chân thực thực hành quyền pháp, dạy quý vị tin thiên chủ, tin Ky Tô, tin thần thổ địa, tin thiên hoàng, đó chỉ là dẫn dụ quý vị từng bước từng bước đi trên con đường lớn, đó gọi là nhân thực thí quyền, vì sự chân thực, trước dạy quý vị một phương pháp quyền biến, dạy quý vị tu hành, đó là đại Bồ tát. Thiên chủ kiếp trước đã từng tích thiện, tu phước, hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. “Thích phạm thánh chúng tôn trọng tha”: tất cả chư thiên, đại phạm thiên vương đều tôn trọng Ngài. Mọi người không nên tin thiên chủ, bèn mê thiên chủ, tin Phật bèn mê Phật, vì thiên chủ vì Phật mà sanh ra tranh chấp kiện cáo.

[1] Xem Kinh Lăng Nghiêm

[2] “dữ vạn vật đồng thể, hư không vi nhất, mạt dữ vô lượng vô biên chi pháp giới tánh vi nhất, nhân thử thoát bất xuất luân hồi, chấp trước mạt phá cố, thần thông tái đại biên thị hữu cá ngã tướng, ngã chấp”