Vietnamese|English

Lời Cảnh Tỉnh

Sư Cô Chứng Nghiêm

Sư Cô Chứng Nghiêm (Master Cheng Yen) quê quán ở tỉnh Ðài Trung, Ðài Loan. Năm 23 tuổi cô xuất gia, sống đời thanh đạm tu hành. Vào thời ấy vì hoàn cảnh khó khăn, cô đã phải làm nhang, đèn cầy, đậu hủ, bán để giúp chùa và duy trì sinh hoạt cá nhân. Thấy sự khổ sở của đồng bào, cô đã phát đại nguyện hành đạo bồ tát để cứu tế chúng sinh. Với đại nguyện và tinh thần vì người quên mình, nhiều nhân duyên bất khả tư nghì đã cảm ứng, để đến năm 1966, cô thành lập Từ Tế Công Ðức Hội (Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Foundation). Thế rồi trãi qua hơn ba mươi năm cần khổ phục vụ, hội đã giúp không biết bao nhiêu người nghèo khổ bịnh tật và vì vậy hội đã trở thành một trong những tổ chức từ thiện cung ứng nhu cầu về y tế, phục vụ, giáo dục, văn hóa tích cực nhất ở Ðài Loan. Hiện tại Buddhist Compassion Relief Tzu Chi Foundation đã có chi nhánh tại Nam Phi, Á Căn Ðình, Bỉ, Hoa Kỳ cũng như Nhật Bản, Thái Lan… Sư Cô được trao tặng Ramon Magsaysay Award năm 1991 và cũng đã được đề nghị lảnh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1993. Những lời khuyên sau đây là lời cô bản thân kinh nghiệm, nói lại cho chúng ta để đối diện với hoàn cảnh thực tế mỗi ngày.

  • Danh lợi ở đời cũng hệt như xiềng xích, cột trói thân tâm ta. Ai chẳng bị danh lợi buộc ràng, người ấy mới thật là tự tại.

  • Tu hành phải khế (hợp) duyên để tu tâm, dựa vào sự việc để luyện tâm, tùy hoàn cảnh mà dưỡng tâm.

  • Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Bồ tát thường niệm: ‘Ta phải vì chúng sinh ở khắp mười phương mà trụ thế trong vô lượng kiếp để thành tựu họ với một lòng chẳng nhàm mõi, cùng ở với họ chẳng hề bỏ rơi. Như đối với một chúng sinh ta làm vậy, đối với tất cả chúng sinh ta cũng làm vậy để độ hết chúng sinh khắp cả mười phương thế giới.’ Kinh lại dạy rằng: ‘Khi Bồ tát thay chúng sinh nhận chịu những sự khổ đau độc hại, Ngài vẫn siêng năng tu hành không bỏ chúng sinh, không trốn lánh, không sợ hãi, không kinh bố, không thối sụt, không nhàm mỏi.’ Mình phải có nguyện lớn rằng chỉ khi chúng sinh được độ hết thì mình mới chứng quả bồ đề. Chớ nên tu cho mình mà thôi.

  • Ở trên đời ở trong mọi thời mọi nơi, mọi sự việc xung quanh ta đều thuyết pháp cho mình. Pháp ấy thông thường không có âm thanh tiếng nói; song lời pháp vô thanh ấy, nhiều khi làm người nghe có ấn tượng sâu sắc hơn cả pháp thốt ra lời nữa.

  • Chớ nên hễ mở mắt nhìn là chỉ thấy lỗi lầm của kẻ khác, mà chẳng tự thấy lỗi lầm của chính mình.

  • Trong Kinh có dạy rằng: Sắc dục là gông cùm trong cõi thế, là tai họa của cõi đời. Song kẻ phàm phu trọng sắc, cam thân làm nô lệ cho nó, suốt đời đeo đuổi vì nó mà khổ sở. Suy nghĩ cho kỷ thì thân người bẩn thỉu, thường thải ra đồ dơ dáy, có gì đẹp đẻ đáng nói đâu!

  • Tình thương cần phải không ích kỷ; phải có lòng thương rộng lớn trùm phủ hư không khắp cùng pháp giới thì mới là rốt ráo được. Không nên để tình thương giống như bùn lầy: ướt át dính rít, bôi vào mặt ai thì dính rít vào đó.

  • Có được thì phải có mất. Phàm phu thì truy cầu tài vật, song thánh nhân thì theo đuổi chân lý.

  • Cái đẹp của ngoại vật qua mắt ta rồi thì hết. Vẽ đẹp của tâm địa thì cả đời ta khó quên.

  • Sự nghiệp thật ra chỉ là nghiệp chướng; hễ giàu sang có tiền thì sẽ có phiền não.

  • Sự tiến bộ của xã hội là thành quả của mọi người cùng chung sức nổ lực đóng góp. Nếu toàn thiên hạ chỉ có một mình bạn thì bạn chẳng (tạo được hoàn cảnh như bây giờ và do đó chẳng) có phước đức gì để hưởng thụ nó. Vì thế phải nên xem mình là kẻ tầm thường, chẳng thể đơn độc hưởng thụ; đối với kẻ khác phải có lòng cung kính. Phải biết tôn trọng người, cảm ơn người.

  • Tiền tài của cải không được khéo dùng thì chúng cũng như lửa đốt thân. Con cái không được khéo dạy thì chúng sẽ thành loài cọp beo hại người.

  • Phải có những kẻ có lòng thương, từ bi giúp đỡ chúng sinh chịu khổ nạn thì nhân sinh mới không biến thành quá tàn nhẫn.

  • Lúc mê chấp chẳng ngộ thì phiền não theo đó hiện khởi, như mây giăng, phủ khuất. Lúc chuyển mê thành ngộ thì bồ đề theo đó lộ bày, như mây tan, trăng hiện.

  • Cha mẹ trong nhà là Phật sống. Không hiếu thảo săn sóc cha mẹ thì không thể có phước đức đặng.

  • Tu hành không phải là việc nói suông hý luận, mà là sự thực hành chắc thật. Luận Ðại Trí Ðộ nói rằng: Phật pháp là thực hành; không thực hành thì chẳng đáng quý. Nếu mình có thể siêng cần tu hành thì dù có ít học vấn, mình cũng sẽ vào đạo trước tiên.

  • Kinh Tứ Thập Nhị Chương có dạy rằng: Con người tùy theo dục vọng mà truy cầu danh vọng tiếng tăm. Khi thanh danh hiển trước thì thân này cũng sẽ quá cố. Những kẻ tham danh vọng trên đời mà chẳng học đạo thật đã uổng công tốn sức. Ví như hương đốt lên, khi người ta ngửi thấy mùi thơm thì hương đã tàn lụn rồi. Ngọn lửa thiêu hương hay danh vọng hại thân thì ở đàng sau vậy.

  • Nghịch cảnh giống như viên đá mài ngọc, có thể làm cho viên ngọc chưa chuốt biến thành sáng rực óng ánh.

  • Bởi vì có chúng sinh khổ nạn nên mới có bồ tát cứu khổ cứu nạn. Bồ tát có mắt hiền từ nhìn chúng sinh; Ngài luôn tâm niệm rằng: “Nếu mình không đi cứu giúp chúng sinh thì ai cứu giúp họ?” Ðó là tinh thần đại từ đại bi, bạt khổ ban vui của bồ tát.

  • Bịnh của tâm thì sâu hơn bịnh của thân. Tâm có thể làm sinh bịnh mà cũng có thể làm bịnh đừng khởi.

  • Trách nhiệm của thầy là chỉ dạy hướng dẫn. Nhưng đường đạo tu hành chắc chắn cần mình tự bước.

  • Cái muỗng canh suốt ngày múc canh nhưng chẳng biết đặng mùi vị gì cả. Cũng vậy, người ngu suốt ngày phụng sự kẻ trí huệ nhưng chẳng thấy đặng chân pháp.

  • Ðừng khinh thường việc thiện nhỏ, cho rằng nó chẳng có phước báu gì. Nước chảy tuy rỉ rả từng giọt, song từ từ có thể tràn đầy cả hồ. Phước báu mà được sung mãn cũng là do tích lũy từng ly từng tý mà thành.

  • Những ai xem việc mình hy sinh (cho kẻ khác) là một hình thức vui sướng, rồi từ đó phát sinh lòng thương xót (muốn giúp người), thì sẽ vĩnh viễn lúc nào cũng sung sướng.

  • Ðem so sánh: xuất gia thì dễ, tu hành mới khó; cạo tóc thì dễ, cạo (làm sạch) tâm mới khó.

  • Kinh Ni Kiền Tử dạy rằng: ‘Người tham lam thích chất chứa cho nhiều, hễ được thì chẳng biết sinh lòng nhàm chán. Vô minh ngu si làm tâm họ điên đảo, thường nghĩ việc xâm phạm tổn hại kẻ khác. Hiện đời này họ gây nhiều oán ghét, đời sau sẽ rơi vào đường ác.’

  • Khi mình thấy kẻ khác thành tựu, mình cần phải vui vẻ hoan hỷ, lập chí học theo gương ấy. Khi thấy kẻ khác gặp khổ nạn, mình phải cần sinh lòng thương xót bi mẫn, tìm cách giúp đỡ.

  • Ðức tin cần phải có trí huệ. Chẳng nên ai nói gì cũng gật đầu làm theo, khiến tâm trí bị mê loạn. Rồi do mê mờ nên mới sinh ra ưu lo, sợ hãi. Một khi hiểu rõ chân lý, thì mình sẽ không có gì quái ngại.

(còn tiếp)