Tỳ Kheo Hằng Thọ
Dịch từ bài The Bodhisattva’s Compassion trong báo Vajra Bodhi Sea số tháng 10, 2010 trang 33-34

Năm Đóa Hoa

Thầy Hằng Thọ là một trong năm đệ tử người Mỹ xuất gia đầu tiên của Hòa Thượng tại Hoa Kỳ . Trong hình Thầy Hằng Thọ là người thứ tư từ bên phải.

Đầu xuân 1974, lúc tôi đang sống ở Phật Giáo Giảng Đường tại Hồng Kông thì Hòa thượng trở về sau nhiều năm ở Mỹ. Không lâu sau khi ngài trở về Hồng Kông, các đệ tử thỉnh cầu ngài cử hành Lễ Phóng Sinh ở Tây Lạc Viên, một trong những ngôi chùa mà ngài đã kiến lập nhiều năm về trước. Trong ngày lễ đó tôi giúp việc xướng tụng và đánh pháp khí cùng với hai thầy nữa trong khi Sư Phụ hướng dẫn buổi lễ giữa đám đông các đệ tử tại gia. Những chúng sinh được phóng sanh ngày hôm đó là một loài chim nhỏ mà thịt chim này thường được dùng làm món ăn Trung Hoa. Vừa bắt đầu lễ được chốc lát, khi tôi ngoảnh đầu để nhận biết dấu hiệu đánh pháp khí phù hợp theo nghi lễ thi thấy Sư Phụ đang đứng bên cạnh lồng chim. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ngài đang khóc ! Sư Phụ không lộ ra vẻ đau đớn. Vẻ mặt của ngài gần như điềm tĩnh và an tịnh. Tuy nhiên, việc ngài khóc thì không thể sai được. Tự nhiên tôi thấy hơi bối rối.

Kể từ khi gặp Sư Phụ vào đầu mùa hè năm 1968, tôi đã chứng kiến ngài biểu lộ gần như mọi cảm xúc khi thực hiện Bồ Tát hạnh và làm người hướng dẫn tâm linh. Tôi từng thấy ngài nói rất dịu dàng, nhẹ nhàng đối với các đồ đệ nhút nhát, khi đó giọng ngài nghe êm ái như tiếng rù nhẹ nhàng của một con mèo. Tôi cũng đã từng chứng kiến ngài nói rất gay gắt và mạnh mẽ đối với những đệ tử cống cao ngã mạn. Lúc đó giọng ngài có thể đáng sợ như tiếng sư tử hống. Đôi khi, ngài kể chuyện cười để làm vơi bớt tâm trạng nặng nề của một đệ tử. Có khi ngài rất nghiêm khắc chỉ trích việc khinh suất, không lưu ý đến các chi tiết quan trọng. Đôi khi ngài có vẻ hoan hỷ đến nỗi tất cả mọi người chung quanh có được một trạng thái gần như hạnh phúc say sưa ngay cả khi ngài không nói một lời nào. Có lúc thái độ của ngài nghiêm túc đến nỗi bất cứ ai có mặt tự nhiên cảm thấy một sự lạnh lùng nghiêm nghị.

Tôi đã chứng kiến tất cả những “cảm xúc” trong Sư Phụ trong những trường hợp khác nhau nhưng chưa bao giờ thấy ngài khóc. Tôi thấy hơi bối rối bởi những gì đã nhìn thấy, nhưng cố gắng ráng tiếp tục việc xướng tụng và gõ mõ trong phần còn lại của buổi lễ . Khi buổi lễ đã kết thúc, tôi lại quay lại nhìn Sư Phụ, lúc này ngài đang mỉm cười rạng rỡ qua những vết nước mắt hồi nãy. Tôi không phải là người duy nhất đã nhận thấy Hòa thượng khóc. Thực ra, tôi nghĩ gần như tất cả mọi người đều có chút bối rối. Sau đó, Hòa thượng giải thích ngắn gọn (mà tôi diễn giải ở đây): “Một số người trong quý vị có lẽ nhận thấy tôi đã khóc trong Lễ Phóng Sinh và có thể quý vị tự hỏi tại sao. Được rồi, tôi sẽ cho quý vị biết. Lý do tôi khóc là vì tôi nhận ra một trong những chú chim này đã từng là một người đệ tử xuất gia của tôi trong kiếp trước. Nhưng vị tu sĩ này đi lạc đường, và cuối cùng đi lạc quá xa đến nỗi bây giờ ông ta tái sinh làm loài chim. Vì vậy mà tôi không thể kìm lòng chỉ biết khóc thương tiếc”.

Buổi lễ tại Tây Lạc Viên là một kinh nghiệm không thể quên đối với tôi. Thật ra, việc Sư Phụ rơi lệ vì nghiệp quả của một người đệ tử cho thấy chiều sâu và sự chân thật về mối quan tâm của ngài dành cho đệ tử. Sư Phụ khóc cho một chú chim nhỏ chứng tỏ lòng từ của ngài bao la đến nỗi trải đến khắp mọi chúng sinh.

bhiksu

Thầy Hằng Bách, Hằng Khiêm, Hằng Thọ (1972)

RevHengShou_BBM_2014_small

Thầy Hằng Thọ (Chùa Berkeley 9/2014)