Chinese | English | Vietnamese

 kinh chieu yeu

duoc su luu ly quang1

Hòa Thượng Tuyên Hóa

GIẢNG NGÀY 2 – 12 – 1993

Trích từ The Shurangama Sutra – The Fifty Skandha-Demon States, published by DRBA/DRBU/BTTS. pp 551 – 559

 

Hòa Thượng giảng “Năm Mươi Ngũ Ấm Ma” trong Kinh Lăng Nghiêm vào năm 1968 tại Phật Giáo Giảng Đường, San Francisco. Năm 1988, tại Vô Ngôn Đường, Vạn Phật Thánh Thành, quý Thầy Cô cùng các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bắt đầu hiệu đính lại bản dịch (Anh ngữ) dưới sự chủ trì của Hòa Thượng; khi hiệu đính, Hòa Thượng có giảng giải thêm cho một số chỗ trong kinh văn, đồng thời trả lời những nghi vấn của đệ tử. Những đoạn giảng thêm và vấn đáp gồm có 42đoạn, dài ngắn khác nhau, được kết tập lại dưới mục Notes hay Ghi Chú cho quyển “Ngũ Ấm Ma Thiển Thích”. Khi hiệu đính đến cảnh giới Tưởng Ấm Ma thứ nhất, chỗ Kinh văn: Nhĩ thời thiên ma, hậu đắc kỳ tiện, phi tinh phụ nhân, khẩu thuyết kinh pháp” (Khi ấy thiên ma chờ được cơ hội thuận tiện, cho tinh thần gá vào người khác, dùng miệng người đó giải thuyết kinh pháp). Hòa Thượng giảng thêm cũng như trả lời thắc mắc. Đó là “Ghi Chú #14” dưới đây”:

bdh

Vấn đề này quí vị đừng nên hiểu một cách cứng nhắc, lời kinh dạy ra sao, đều chỉ là một cách diễn đạt để người nghe hiểu, chứ không nhất định phải là như vậy. Quí vị cần phải biết rằng ở đây không phải chỉ có năm mươi loại,  mà đến năm trăm loại, năm ngàn loại, năm vạn loại, nhiều không nói hết được. Năm mươi hiện tượng ấm ma này là một cách nói tổng quát. Quí vị cũng đừng nên suy tưởng nó cao thâm huyền diệu ra sao, mà hãy xem như là lời nói chuyện của một người bình thường, không nên gắng sức chia chẻ chi li.

Tôi giảng kinh đều gọi là ‘thiển thích’ (giải thích sơ lược), tôi không ‘thâm thích’ (giải thích thâm sâu). Tôi giảng kinh chủ yếu làm sao cho người khác hiểu, ý của tôi với ý của người, mọi người cùng nhau hiểu, không nên suy nghĩ quá sâu xa. Vì gạn tìm đến chỗ sâu xa thì không ai nói hết được. Không nên đập đầu vỗ trán, nhất định phải tìm cho ra lẽ, ý này rốt cuộc là nghĩa gì. Đặc biệt là công việc phiên dịch, không nhất định phải theo từng chữ từng từ, không được thêm hay bớt. Hán văn và Phạn văn đều có cái cần thêm cần bớt. Do đó, quí vị nắm được cái ý tổng thể mà phiên dịch là đã đạt yêu cầu. Không nên đòi hỏi quá chi li, mất thời gian trên chữ nghĩa.

Đệ tử: Đạt đến tưởng ấm, thiên ma không thể nhiễu loạn tâm của người tu một cách trực tiếp nữa, mà sẽ dựa vào thân của người khác để đến nhiễu loạn định lực của người tu.

Hòa Thượng: Trường hợp này cũng giống người tu đạo như quí vị đây, thường hay gặp những kẻ bị ma nhập đến thuyết pháp cho quí vị nghe hoặc để so tài hơn thua với quí vị.

Quý vị có lẽ không biết, ở Vạn Phật Thành có một sinh viên của trường Đại Học Berkeley, có rất nhiều rắn đi theo anh ta. Quý vị thì không thấy, nhưng Quả Chân (*) thì thấy bầy rắn này đấu pháp với tôi tại Chùa Kim Sơn. Chao ôi! Oai phong lắm. Anh ta đến đây, bầy rắn theo anh ta đến để đấu với tôi. Đã hơn 10 năm rồi, ở Vạn Phật Thành thì bệnh anh ta thuyên giảm dần dần, nhưng khi trở về Berkeley thì bệnh lại tái phát. Anh ta cũng tự biết trên mình có rất nhiều rắn đeo theo. Những con rắn này từng bị anh ta giết, bây giờ chúng đến đòi mạng. Tôi đang dùng thiện pháp để điều hòa chúng, giảng hòa với chúng. Chúng có nghe, tôi cũng dùng cách này, chúng không nghe tôi cũng dùng cách này. Cứ từ từ… Hơn 10 năm nay, bầy rắn bỏ đi cũng khá nhiều, giờ chỉ còn lại vài con còn đeo theo anh ta. Đây cũng là một trường hợp như trên.

Đệ tử: Nếu sống tại Vạn Phật Thành thì chắc những thứ ấy không dám tìm đến.

Hòa Thượng: Chẳng phải không dám đâu! Chúng cũng đến. Quí vị thử xem, lúc đấu pháp với tôi thần khí của chúng hung hăng vô cùng. Ban đầu anh ta (người bị ma rắn nhập) quỳ, quỳ một hồi rồi đứng dậy, trợn mắt nhìn tôi, rồi vung tay múa chân, hơi thở khì khè, rồi kêu rin rít lên. Ôi, còn hung tợn hơn cả tiếng mèo gào.

Đệ tử: Rồi Sư Phụ làm sao? Mắng cho chúng một trận?

Hòa Thượng: Tôi không mắng nhưng vờ như không có việc gì xảy ra. Chúng nhìn tôi trông như chẳng có việc gì, nhưng thật ra thì tôi đã độ chúng rồi. Chúng thù nghịch tôi, nhưng tôi không thù nghịch chúng. Không như lúc trước tôi hay dùng Pháp “hàng phục”, bây giờ thì không, giờ tôi dùng Pháp “tức tai”

[1].  

Đệ tử: Khi sắc ấm đã hết, tà ma không thể nhập vào người tu đạo mà phải nhập vào một người khác, nhưng cũng có một cách nói khác, là chúng có thể trực tiếp nhập vào thân của người tu đạo?

Hòa Thượng: Vấn đề này thiên biến vạn hóa, hoặc nó có thể nhập vào một con mèo. Chỉ có điều là mình có biết được nó hay không mà thôi. Nó cũng có thể nhập vào thân của bất cứ một loài vật nào.

Đệ tử: Còn đối với bản thân người tu thì sao?

Hòa Thượng: Không nhập vào được.

Đệ tử: Nhưng lúc trước Sư Phụ giảng về năm mươi ấm ma, nói rằng chúng có thể nhập vào thân của người tu đạo?

Hòa Thượng: Không, lúc nãy tôi đã nói rồi! Vấn đề này không nhất định, đó chỉ là nêu ra một trường hợp ví dụ, nhưng cũng chẳng phải là chỉ như thế, nó biến hóa khôn cùng, mỗi một trường hợp lại có nhiều biến tướng.

Đệ tử: Nhưng lúc nãy Sư Phụ cũng vừa nói, nó không nhập vào thân của người tu đạo được thì thế nào?

Hòa Thượng: Nếu là người chân chánh tu đạo thì chúng không nhập vào được, vì có Hộ Pháp bảo vệ.

Đệ tử: Nếu người tu đạo khởi vọng tưởng, thế thì…?

Hòa Thượng: Vậy thì chúng đến rồi!

Đệ tử: Như chúng con sống ở Vạn Phật Thánh Thành, nếu biết giữ đúng quy củ của Sư Phụ thì chúng không làm gì được. Còn nếu chúng con không giữ đúng quy tắc thì chúng sẽ tìm đến.

Hòa Thượng: Có nhiều người bên ngoài đến Vạn Phật Thánh Thành, trên thân đã mang theo tà ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái, nhưng Bồ Tát và Hộ Pháp ở đây cũng không ngăn cản mà không cho họ vào. Vì chúng ta từ bi nên ở đây chúng ta không phòng ngự nghiêm ngặt, tôi cũng không có gì phòng thủ cả.

Đệ tử: Cho nên người tu hành một cách chân chánh thì ma không thể nhập vào được, còn nếu không tu hành mà lại khởi vọng tưởng thì chúng sẽ tìm đến.

Hòa Thượng: Phải! Đó gọi là tà chiêu tà!

Đệ tử: Chẳng phải nói không nhập vào được thì vĩnh viễn không thể vào được. Như trường hợp của Ngộ Đạt Quốc Sư [2]. Ngay khi ngài khởi lên một niệm cống cao…

Hòa Thượng: Đúng! Là thế đấy. Đó là một dẫn chứng thật rõ ràng.

Đệ tử: Vốn đã trải qua 10 kiếp vẫn chưa vào được, kết cuộc chỉ một niệm sai lầm thì đã bị nhập vào.

Hòa Thượng: Thì nó tìm đến để đòi mạng!

Đệ tử: Cho nên Sư phụ nói nhập vào được hay không nhập vào được, đều chưa chắc chắn. Tu hành chân chánh thì không nhập vào được, không tu hành thì nó sẽ nhập vào.

Hòa thượng:  Đúng thế, không nhất định. Vì bất cứ điều gì có thể diễn đạt bằng lời (ngôn thuyết) đều mất đi ý nghĩa chân xác (thật nghĩa) của nó. Một khi quý vị đã hiểu được lẽ này rồi, thì không nên tìm tòi quá chi li trên từng lời nói. Như tôi vừa nói, bên trong có vô số sự biến hóa. Năm mươi hiện tượng ấm ma  này có thể biến thành năm trăm, năm ngàn, cho đến cả năm vạn. Đừng mất thời gian trên con số ví dụ ước lượng này. Đây là cách nêu lên một mặt của vấn đề, còn lại quí vị phải tự tìm hiểu những mặt khác, những biến hóa của nó.

Tóm lại, bất cứ điều gì nói lên được đều thiếu ý nghĩa chân xác, chỉ có ngôn thuyết chứ không có thật nghĩa. Cho nên quý vị có thể nói rằng tất cả kinh điển đều là giả, thế nhưng cần phải biết từ nơi cái giả ấy tìm ra chân lý. Bất cứ bộ kinh nào có hàm chứa đạo lý, đều có thể tin; không có đạo lý, không chân xác, thì không nên tin.

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(*) Thầy Hằng Thật

[1] Tức tai Pháp, Hàng phục Pháp, Tăng ích Pháp, Thành tựu Pháp và Câu Triệu Pháp là năm loại công năng căn bản của Thần Chú.

  1. Tức tai Pháp(Pháp giải trừ tai ương). Ví như một khi chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm thì hết thảy tai ương đều được giải trừ.
  2. Hàng phục Pháp(Pháp làm cho hàng phục). Bất luận đối phương là thứ thiên ma ngoại đạo gì chăng nữa, một khi chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm thì pháp lực của chúng ma liền bị phá vỡ, chúng sẽ bị hàng phục dễ dàng.
  3. Tăng ích Pháp(Pháp giúp tăng trưởng lợi ích). Thí dụ chúng ta tu đạo, Chú Lăng Nghiêm sẽ giúp chúng ta tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng bồ đề tâm, tăng trưởng nguyện lực; mọi thứ đều tăng trưởng. Ðó là pháp làm gia tăng sự lợi ích.
  4. Thành tựu Pháp(Pháp giúp cho được thành tựu). Chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm, thì bất luận chúng ta tu pháp môn gì, chú này cũng sẽ giúp chúng ta được thành tựu.
  5. Lại còn một loại nữa là Câu triệu Pháp(Pháp thâu tóm về). Pháp này có thể dùng khi chúng ta gặp thiên ma ngoại đạo và muốn bắt chúng, cũng như trên thế gian cảnh sát bắt kẻ phạm tội vậy. Bất luận là thiên ma hay ngoại đạo, nếu chúng ta muốn bắt giữ chúng thì hết thảy Hộ Pháp Thiện Thần, Thiên Long Bát Bộ, và tám muôn bốn ngàn Kim Cang Tạng Bồ Tát tức khắc bắt giữ chúng. Ðó là Câu Triệu Pháp.

[2] Trong Từ bi Thuỷ sám pháp.