Ðoạn Trừ Tự Tánh Tranh Tâm Dĩ Bình Tức Chiến Tranh

  

Chiến tranh mang lại sự tổn thất về nhân mạng, tài sản, tinh thần, đồng thời cũng khiến cho thế giới càng thêm ô nhiễm. Mặc dù chúng ta chỉ là thiểu số so với tổng số nhân loại hiện nay trên thế giới, nhưng “nhân định thắng thiên”—lòng kiên quyết của con người có thể thắng được ý trời. Do đó chúng ta, với nhân số ít ỏi này, hãy cùng nhau khẩn cầu chư Phật cùng chư Bồ Tát trong mười phương, xin các ngài hủy diệt chiến tranh. Nếu chúng ta có được mười hai vạn phần thành tâm, thì nhất định sẽ có sự cảm ứng, và có thể “nhân định thắng thiên”!

 

Bây giờ, tôi sẽ đọc từng câu một và mọi người hãy lập lại theo tôi:

 

“Ðệ tử Tuyên Hóa cùng tứ chúng ngưỡng cầu tận hư không, khắp Pháp Giới, vô tận vô tận Thường Trụ Tam Bảo Phật Pháp Tăng trong mười phương ba đời, đại phát hoằng thệ hộ trì tất cả chúng sanh trên toàn thế giới, khiến cho chiến tranh ở Trung Ðông chấm dứt, hết thảy chúng sanh sớm được hưởng cảnh an lạc thái bình. Chúng con đời đời kiếp kiếp, nguyện vĩnh viễn đền đáp ân đức của Tam Bảo Phật Pháp Tăng.

Chúng con chí thành khẩn thiết ngưỡng mong tận hư không, khắp Pháp Giới, vô tận vô tận Thường Trụ Tam Bảo Phật Pháp Tăng trong mười phương ba đời, từ bi gia hộ cho điều thỉnh cầu của chúng con được thành tựu.”

 

Pháp Hội ngày hôm nay của chúng ta có thể nói là vô cùng quan trọng. Chúng ta, mỗi người đều nên có tâm cứu thế, mỗi người đều nên xem sanh mạng của tất cả chúng sanh quan trọng hơn sanh mạng của chính mình. Vì lẽ ấy, chúng ta cần phải phát tâm dập tắt chiến tranh trên thế giới.

Chúng ta muốn thế giới chấm dứt chiến tranh, nhưng chúng ta không thể phản đối chiến tranh! Nếu quý vị có tâm phản đối chiến tranh, tức là quý vị đang tự nhen nhúm một ngọn lửa chiến tranh khác vậy! Bởi một khi quý vị phản đối người nào hoặc phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh nào, thì bấy giờ sẽ có chiến tranh dấy khởi trong tâm quý vị.

Chúng ta muốn chấm dứt chiến tranh, vậy sức mạnh nào có thể làm cho chiến tranh chấm dứt? Ðó là lòng thành khẩn—chúng ta phải thành tâm thành ý, niệm niệm đều thiết tha chân thật, tâm tư không gợn chút sân hận thù hằn. Nếu tâm chúng ta không còn sân hận, thì sự cừu hận trên thế giới sẽ giảm bớt đi một chút. Lâu dần, khi chúng ta hoàn toàn không còn bất cứ lòng sân hận nào, cũng chẳng có kẻ thù, thì mọi cừu hận sẽ tự nhiên tiêu tan, không còn nữa.

Cho nên, Phật Giáo không có quân đội—không có Thập Tự Quân, cũng chẳng có Bát Tự Quân—đối với ai chúng ta cũng dùng lòng từ bi hỷ xả. Hiện nay, vì nghiệp chướng của chúng sanh mà tạo ra Ðảng Cộng Sản, Ðảng Dân Chủ, Ðảng Cộng Hòa… Anh có đảng phái của anh, tôi có đảng phái của tôi—cùng đảng thì bao che cho nhau, khác đảng thì xem như kẻ thù. Phật Giáo thì không có đảng phái, phe nhóm, với ai cũng không đứng thế đối lập, với ai cũng yêu thương như chính bản thân mình, không hề sanh tâm sân hận hoặc thù ghét ai cả.

Vì vậy, Vạn Phật Thánh Thành đề xướng sáu con đường quang minh chánh đại, mà cũng là sáu loại trí huệ, sáu cái chùy hàng phục ma quân, hoặc sáu tấm kính chiếu yêu—những gì là sáu?

Thứ nhất là không tranh. Vì sao không tranh? Khi quý vị muốn những thứ mà người khác cũng ưa thích, thì quý vị bèn tranh giành với họ, họ cũng tranh giành với quý vị. Cho nên, Vạn Phật Thánh Thành chủ trương rằng: “Người ta bỏ thì mình giữ lấy, người ta thích thì mình cho ngay.” Những gì mà người khác không muốn thì mình muốn; những gì mà người khác muốn thì mình không muốn—Vạn Phật Thánh Thành là như thế đó!

Thứ hai là không tham. Những thứ gì mà người ta tham lam muốn có thì chúng ta không tham. Bởi nếu tham lam, thì quý vị sẽ sanh ra ích kỷ, có tâm riêng tư; còn nếu không có lòng tham tức là quý vị thật sự không ích kỷ, không có lòng riêng tư. Mà, không có lòng riêng tư thì sẽ không có sở cầu, không mong cầu gì cả.

Vì sao người ta bôn ba khắp nơi để truy cầu? Vì lòng tham thúc đẩy! Chúng ta không có tâm riêng tư ích kỷ thì cũng chẳng có sở cầu; cho nên, thứ ba là không cầu.

Thứ tư là không tự tư, và thứ năm là không tự lợi—hai điều nầy đều có cùng hiệu lực như nhau.

Thứ sáu là không vọng ngữ. Vì sao con người trên thế giới lại vọng ngữ? Bởi họ muốn bảo vệ những lợi lộc ích kỷ riêng tư. Vì sao họ ích kỷ? Bởi vì trong lòng có sự mong cầu, có sự tham lam, có sự tranh chấp. Nếu quý vị có thể không tự tư, không tự lợi, không mong cầu, không tranh chấp, cũng không tham lam, thì quý vị sẽ chẳng cần nói dối, chẳng cần lường gạt người khác. Như những con buôn thường mua rẻ bán đắt chẳng hạn, rõ ràng món hàng đáng giá mười đồng thì họ lại đòi giá một trăm đồng, còn giả dối: “Giá nầy rẻ lắm rồi, tôi để vốn cho anh đó!” Vì chúng ta không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, cho nên chúng ta không cần phải nói dối.

Chúng ta nên yêu mến, quý trọng sanh mạng của người khác hơn của chính bản thân mình. Do đó, hôm nay quý vị quy y với tôi, tôi nguyện nhận lãnh tất cả nghiệp tội của quý vị, xem các nghiệp tội ấy là của tôi; quý vị có biết vì sao tôi làm như thế không? Bởi tôi đọc trong sách của thánh hiền ngày xưa, thấy rằng các ngài không bao giờ đem lỗi của mình gán cho người khác, mà chỉ đem lỗi của người khác đặt lên vai mình!

Vua Thành Thang nhà Thương đã từng nói: “Thân trẫm có tội, không phải bởi muôn dân; muôn dân có tội, tội đó do trẫm.” Ý nói rằng: “Cá nhân trẫm có tội, không nên đem tội ấy gán cho bá tánh; nếu bá tánh có tội, tội ấy kể như trẫm gây ra. Ông Trời ơi! Thượng Ðế ơi! Quỷ Thần ơi! Chư Phật ơi! Xin các ngài chớ bắt tội những người khác!”

  

(Hòa Thượng Tuyên Hoá khai thị tại Luân Ðôn, Anh Quốc, ngày 11/10/1990)