Hằng Triêu. Ngày 14 tháng 10, 1977

Đi chậm và không bao giờ tức giận

 

Một ghi chép về thời tiết:

Trời rất nóng và khô. Chúng tôi bắt đầu mang những bình nước. Say nắng và sốt cao thực sự đang là mối lo lắng. Những cây đèn cầy chúng tôi dùng để đọc sách và viết vào ban đêm đều bị tan chảy vào ban ngày trong xe. Trông chúng giống như mấy chiếc bánh bích quy sáp.

Tôi bắt đầu hiểu được tại sao những người sống trong sa mạc họ mặc áo choàng: để giảm thiểu sự thoát độ ẩm do tiếp xúc da trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Không khí khô và gió khô hút ra chất ẩm cơ thể của chúng tôi trong vài phút. Chúng tôi ngậm miệng càng nhiều chừng nào có thể, nếu không miêng chúng tôi sẽ trở thành “miệng khô như bông vải”.

Khu vực này thật hoàn toàn giống Thung lũng Chết. Không có bóng râm. Vài cây sồi xương xẩu bao quanh bời những cây leo sồi độc và ở phía sau hàng rào dây thép gai của trang trại. Không có thị trấn hay một trạm xăng nào suốt hàng dặm. Chúng tôi có lượng nước dùng hạn chế và đang giảm dần. Không lâu nữa mọi sự việc có thể sẽ khác rất nhiều.

Giữ cho mình mát mẻ và tập trung là đang thực hiện điều này: đi chậm và không bao giờ tức giận! Giữ tham thoại đầu, “Ai đang quá nóng nực đây?, “Ai đang quá khát nước đây”. Điều này thật hiệu nghiệm. Mọi công đức được hồi hướng để chấm dứt sự đau khổ và tính nóng nảy (giận dữ – phiền não) cho tất cả chúng sanh.

 

Người đi tìm sự tĩnh lặng

Một trong các nghĩa của chữ Sa di là “người đi tìm sự tĩnh lặng”. Tĩnh lặng là kết quả của việc chế phục được bản ngã và giảm ham muốn. Không ham muốn nghĩa là không có bám chấp. Và, khi không còn những trở ngại bám dính và những mong muốn thì ở nơi đâu mà quý vị không tự do và tĩnh lặng? Tìm kiếm sự yên lặng bằng cách không tìm kiếm là tất cả những gì điều này nhắm đến.

Thỉnh thoảng tôi nếm được mùi vị của sự tĩnh lặng. Hôm nay, đó là lúc ở trên đỉnh của ngọn đồi cô quạnh sau một thời gian dài nóng nực leo đồi. Không có xe cộ lưu thông, âm thanh duy nhất là tiếng sột soạt mềm mại của áo choàng và y giới của chúng tôi trong cơn gió nhẹ khiến cho tai và tâm trí có thể dõi theo hàng nhiều dặm không cùng tận.

Không mong muốn thì không lo lắng. Tĩnh lặng. Ngày mai và hôm qua chỉ là những từ ngữ không thật. Tĩnh lặng.

“… biết tất cả âm thanh đều là không chỗ có, thật chẳng thể được, không có tác giả, cũng không có bổn tế, đồng với Pháp giới không sai khác”. (1)

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hạnh thứ 21.

Đúng rồi! Từ từ đi theo cách của chúng tôi qua những hẻm núi, có hai hay ba lần tất cả mọi âm thanh đều ngừng bặt. Không xe hơi hay xe tải, không có chim choc và thậm chí không có một tiếng xào xạc của chiếc lá khô trong nhiều dặm – chỉ có sự yên lặng bao trùm khắp, sâu và rộng tựa như chính hư không. Khi điều này xảy ra, tất cả mọi vật – đại dương, những ngọn đồi chập chùng, mặt trời và không khí – đều trở thành một phần nhỏ của tâm trí; và tôi, chỉ là một hạt bụi vi trần bị gió cuốn đi xuyên qua vùng đất rộng lớn này. Thực sự không có cả các phần nữa. Tất cả giống như là một dòng chảy liên tục.

Tôi đã biết cái kiểu tĩnh lặng này một lần trước đây. Khi là một thiếu niên trong khu rừng phía bắc tiểu bang Winconsin sau một trận bão tuyết. Lúc đó là 2 giờ khuya khi cơn bão đã tan. Tôi đứng bên ngoài căn nhà gỗ ghép một lúc lâu, chỉ nghe hư vô. Chỉ có những vì sao và sự tĩnh lặng hoàn hảo. Không có dù chỉ là một làn gió. Chỉ có sự tĩnh lặng. Tôi đã bị lạc đường và tìm thấy điều gì đó trong cái đêm đông lạnh giá ấy. Giống như sự tĩnh lặng, đó là suy nghĩ và những lời nói đã qua.

Cả hai lần, lúc ấy và hôm nay, cảm giác rất thật. Không giống như tiếng động và những âm thanh đến và giảm dần mà chúng tôi nghe cả ngày. Âm thanh của sự tĩnh lặng này đem lại cảm giác về một phương diện giống như là nhà. Đây là những kinh nghiệm thực sự mà tất cả chúng ta cùng có nhưng không thể nào nói ra được. Nói gì đây?

Tối nay, trong khi ngồi thiền trên tấm nắp đậy phía sau xe ở đoạn đường cụt tách ra khỏi xa lộ vào tối thứ Sáu, tôi nhớ lại hai trường hợp của sự hoàn toàn yên tĩnh này. Cái “tôi” nhận ra cái “không âm thanh” là luôn ở trong tâm trí của tôi, trong trái tim tôi, luôn luôn như vậy. Sự tĩnh lặng bên ngoài chỉ là sự nhắc nhở, một cái thấy thoáng qua về nơi mà tôi nay đã lạc lối xa khỏi chỗ đó rất xa rồi. Những âm thanh của xe hơi và âm nhạc đài phát thanh và tiếng nói của tôi là rỗng tuếch, duyên hợp. Và rồi tôi nhớ lại bài kệ này:

Mắt thấy hình sắc tâm không động.

Tai nghe âm trần tâm chẳng hay.

Đúng rồi!

 

Ghi chú:

(1) Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hạnh thứ 21. Lúc Công Đức Lâm Bồ tát nói về Bồ tát Ly-Si-Loạn-Hạnh. http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem21.htm