Hằng Thật – Tháng Bảy, 1977

Việc ngủ gật lúc ngồi thiền sẽ từ từ biến mất đi

 

Tất cả là đau đầu gối.

Khi quý vị ngồi Thiền, cái đau đầu gối và lưng tạo ra sức ép để mở những ống dẫn sét rỉ của quý vị để cho dòng năng lượng lưu chuyển đúng cách. Đó là cái đau. Tại sao? Vì vấn đề là cần ngồi cho yên lặng trong khi thực sự rất đau. Bất cứ chuyển động nào cũng sẽ khiến đau thêm.

Không lâu sau đó, quý vị sẽ thấy rằng sự chuyển động khởi đầu từ trong tâm của mình. Để giảm đau, hãy giữ cho tâm trí tĩnh lặng. Thắng rồi! Một cú phá vỡ xuyên thủng qua và cơn đau biến mất.

Cái đau là nhiên liệu để tiến bộ tâm linh và khai ngộ. Nếu quý vị không thể chịu đau, thì rõ ràng là quý vị bị đau rất nhiều và việc không thể chịu đau này lại vô ích. Nếu quý vị luôn luôn chuyển động chân của mình khi bị đau trong khi ngồi thiền, thì nó cũng vô ích giống như trong cuộc phẫu thuật vết mổ được mở ra mà lại không cắt đi được phần bị bệnh.

Cứ lặp đi lặp lại mãi: Những vết thương ở bên trong và ngoài với cùng một căn bệnh ở bên trong. Hãy cắt sạch đi và chữa lành. Hãy ngồi yên!

 

Khi quý vị lạy trên xa lộ, quý vị cần phải tự tạo áp lực cho chính mình để giữ tâm trí yên lặng. Việc xe cộ qua lại là cái đòn bẩy tốt, mặt trời và gió cũng vậy. Nhưng có thể né tránh chúng mà không phải mất quá nhiều nỗ lực. Cần phải có áp lực thực sự. Áp lực này đến từ những lời nguyện, quyết tâm và từ sự tu hành đầy nghị lực.

Ông không thể không làm việc, Quả Chân! Hãy lạy đàng hoàng! Đừng ngủ gật nữa!

 

Một khám phá quan trọng nhất trong ngày của những khám phá vui vẻ: Các mảnh bài giảng phối hợp lại với nhau giúp giải quyết vấn đề kéo dải ba năm qua của tôi. Từ khi tôi xuất gia, mỗi khi ngồi thiền là tôi ngủ gật. Sau khi ngồi được chừng năm phút, một năng lượng u ám, mơ hồ, mờ mịt choán khắp đầu tôi. Đôi khi, sau một ngày căng thẳng, việc ngủ gật thật dữ dội đến nỗi tôi bị té ngã , rơi ra khỏi ghế thiền! Đó là một sự đáng tiếc, biến việc ngồi thiền thành một kinh nghiệm đau đớn, đầy ngờ vực, không giác ngộ một chút gì cả.

Trong chuyến hành hương, tôi gặp phải vấn đề tương tự. Tôi đã hỏi Sư phụ và Ngài nói rằng việc đó sẽ từ từ biến mất đi. Nếu có thể ngủ, tỉnh dậy và tiếp tục ngồi, thì cứ làm như vậy.

 

Đây là một số mảnh giáo pháp đã phối hợp lại với nhau trong ngày hôm nay:

  1. Tôi đang dụng công trong việc “xoay ánh sáng trở lại (hồi quang phản chiếu)”, theo đúng nghĩa là theo dõi tất cả những vọng tưởng về tới tận cùng gốc gác của chúng và kéo trở lại một phần “ánh sáng (quang)” hay năng lượng mà chúng đã mang đi.
  2. Tôi đang thực hành quán niệm về cái “số không (zero)” của tôi, trung tâm năng lượng của cơ thể tôi. Đây là nơi mà ánh sáng quay trở lại khi tôi mang ánh sáng trở lại. Trung tâm năng lượng của tôi đã phát triển ấm áp hơn mỗi ngày khi sự tập trung của tôi trở nên nhạy bén.
  3. Tôi trở nên khéo léo hơn với thanh kiếm bát nhã, chém đứt mọi  ý tưởng bất chợt. Tâm trí trở về với cảnh giới tỉnh táo rỗng lặng. Cách thực hành này đem lại rất nhiều ánh sáng và được đưa xuống vùng trung tâm.
  4. Sư Phụ giải thích “ngọn lửa vô minh” cuối tuần vừa qua tại Chùa Kim Sơn và điều này đối nghịch với trí huệ. Khi quý vị bắt đầu tu đạo, năng lượng mà quý vị sử dụng vào sự nóng giận hay ham muốn thì được dùng làm nhiên liệu cho trí huệ. Nó cần phải được chuyển hướng, kềm chế, làm tan chảy và rồi được dẫn về nơi vị trí vốn của nó. Quá trình này cần có thời gian.
  5. Đây là mấu chốt quan trọng. Tôi đã đảo ngược những ý tưởng của mình về danh và các bản tin tường thuật về chuyến đi và đã nhận được một lượng lớn năng lượng từ việc này. Nếu tôi có thể xoay năng lượng hướng ngoại của tôi trở vào trong, thì đó có thể là điều mà tôi cần cho sự giác ngộ. Sư Phụ đồng ý, và nói tôi hãy sử dụng nỗ lực của mình trong việc thực hành phương pháp này.

 

Chiều nay khi tôi lạy, tôi quan sát những dục niệm của mình để chặt đứtchúng đi, và nắm bắt lấy lại ánh sáng của chúng. Những dục niệm đã giảm đi rất nhiều trong suốt ba tháng qua, thật hạnh phúc, và tôi đã không có nhiều cơ hội để sử dụng sức mạnh của mình. Tôi thiền và ngủ gật trong lúc nghỉ ngơi, vẫn như mọi khi.

Sau một ngày làm việc, tôi ngồi chờ cho đến lúc ngồi thiền tiếp theo và  đột nhiên hiểu ra. “Ngọn lửa vô minh” chỉ là dục niệm chưa được dẫn lưu đúng. Đó đều là những năng lượng bị lãng phí. Đó là điều đã làm hủy hoại việc thiền định của tôi suốt ba năm qua! Đó chính là ý mà Sư phụ nói đến! Bây giờ thì tôi đã có cách để đối phó với nó rồi, để lấy lại năng lượng bị lãng phí. Ôi chao! Vọng tưởng phát khởi và “chém” một đường kiếm rồi “chuyển” qua hơi thở và chánh niệm “hồi quang”. Đoán xem điều gì đã không xảy ra? Tôi đã không ngủ gật! Lần nữa vọng tưởng  lại tăng trưởng và lại sử dụng thanh kiếm. Mỗi lần tôi sử dụng Pháp môn tuyệt vời này thì thay vì buồn ngủ, tôi lại tỉnh táo hơn, tập trung hơn bởi vì năng lượng đi về lại chỗ của nó, quay trở lại trung tâm. Ôi, năng lượng! Không buồn ngủ! Thật là tốt đẹp! Nam mô A Di Đà Phật!

 

Dụng công mọi lúc.

Mục tiêu tiếp theo, có hiệu lực ngay lập tức: tôi muốn chú tâm và tinh tấn trong kiếm thuật Bát nhã suốt cả ngày lẫn đêm.

Khi tôi có thể chấm dứt những vọng tưởng trong khi đang ở giữa vọng tưởng và làm được như vậy suốt cả ngày – suốt cả tuần – và đối phó hữu hiệu với những thử nghiệm mà chắc chắn sẽ đến, thì tôi sẽ sẵn sàng bắt đầu thực sự thực hành Trung Đạo. Cứ tiếp tục lạy.

Ngày hôm nay tôi khám phá ra rằng “phản bổn hoàn nguyên” (quay trở lại gốc rễ và trở về cội nguồn) là một cảnh giới vượt ngoài ngôn từ. Tôi đã thầy một hình ảnh rõ ràng về hướng đi mới của tôi. Đó là sự quay trở lại của tâm trí và cơ thể về cái tuổi trước tuổi dậy thì, cái tuổi của sự ngây thơ trước khi tôi chìm đắm lặn sâu vào trong thế giới ô trược. Điều này thực sự đang diễn ra theo những cách rất quan trọng. Tôi đã đạt được mức độ rõ rảng mà tôi nhớ được từ nhiều năm trước.

Điều này giống như quay trở lại cuốn phim lịch sử  bản thân, chỉ có lúc này với ý chí và mục tiêu. Còn nhiều nữa.