Hằng Thật. Tháng 8, 1977

Con khỉ trong tâm

 

Có lòng từ bi.

Những chữ quan trọng nhất chạy ngang qua mắt tôi trong khoảng khắc cuộc đời lúc này là kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn. Những ngôn từ này đã thay đổi cuộc đời tôi. Ngày hôm qua, tôi trở về từ chùa Kim Luân với những câu hỏi lớn cần được trả lời. Làm thế nào mà những vọng tưởng lại gắn liền với ham muốn tình dục? Làm thế nào mà ngã kiến, ngã tướng, ngã chấp, pháp chấp kết nối với vọng tưởng và ham muốn tình dục?

Những câu hỏi này được trả lời trong buổi sáng nay khi thầy Hằng Triều đọc kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn như chúng tôi vẫn làm hàng ngày. Câu trả lời là: Nó đến từ ý nghĩ (niệm). Không có “niệm” chính là không có lòng dâm dục! (1)

Không có nghĩ tưởng, thì cái núi tự ngã sẽ không đứng vững nữa. Không nghĩ tưởng, thì sẽ không có bám chấp vào Pháp và sẽ không bị chuyển bởi cảnh giới. Tại sao lại không? Bởi vì khi không nghĩ về cái lạnh trong khi vẫn ở giữa cái suy nghĩ ấy, khi quý vị vô tướng, vô niệm, vô trụ, thì sẽ chẳng có gì như là “cái khác” đang tồn tại ở bên trong quý vị, như thế, chính là huệ tánh viên mãn, quang minh, diệu chân như của quý vị. Tại sao quý vị không thấy nó? Vì các niệm, ngay cả một niệm cũng có thể che mờ chân như huệ tánh và dẫn quý vị đi lạc.

Con khỉ trong tâm trí đang chạy rầm tầm và đập thình thịch lên tường. Nó tung Pháp quá khứ, hiện tại và tương lai xoay tròn giống như những chiếc lá trong gió. Cứ mỗi khi nó tự do chơi, quý vị liền bị trói buộc bởi những suy nghĩ của mình, tạo nghiệp tội hồ đồ và quý vị không trở về nhà với đức Phật, người mà lúc này vẫn đang luôn luôn trông đợi quý vị. Hãy làm cho con khỉ ngừng lại bằng đại năng lực. Đừng giết nó. Hãy chế ngự sự mê mờ điên cuồng của nó rồi thì ham muốn tình dục, bản ngã và tất cả những đồng phạm ích kỷ của nó sẽ đi mất và tránh xa. Mọi bức tường sẽ tự đổ sập xuống và quý vị sẽ cho phép con khỉ được tự do chạy đến giải thoát, hoặc dạy nó cách ngồi yên lặng một cách hoàn hảo. Làm bằng cách nào? Thanh kiếm trí tuệ bao vây lấy con khỉ và khắc chế sự tự do của nó. Nó phải ngừng trò chơi và trò bịp bợm của nó. Tấm gương trí tuệ xoay lại chiếu ánh sáng bên trong. Con khỉ nhìn thấy gương mặt thật của mình và sau đó – bổn lai vô nhất vật. Không có dù chỉ một thứ. Con khỉ đột nhiên được hoàn toàn tự do chơi và chạy nhảy đến vô tận. Cái cũi được mở. Mọi rào chắn bị phá vỡ. Giải thoát.

Nói lại lần nữa. Tất cả mọi thứ mà quý vị biết đều là niệm. Đều do tâm tạo. Thanh kiếm bát nhã chém đứt mọi niệm – tất cả niệm.

Khi quý vị làm việc cực nhọc đến mức nào đó, thì dũng khí của quý vị sẽ tăng trưởng. Khi quý vị thành tâm đến tột độ, thanh kiếm bát nhã sẽ cắt xuyên qua ngay cả những niệm lớn, như niệm vế ngã, nhân, chúng sanh, và sự sống. Phật Pháp thì bình đẳng. Chẳng có gì cao hay thấp. “Trong tự tánh, không có một Pháp có thể tìm đặng” (2). Số không.

 

Ghi chú:

 

(1) Kinh Pháp Bảo Đàn Lược Giảng – Phẩm Định Huệ – HT Tuyên Hóa giảng thuật http://dharmasite.net/KPBDLGP4.htm

Chư Thiện tri thức! Vô là vô việc gì? Niệm là niệm vật chi? Vô, nghĩa là không chấp hai tướng, không có lòng phiền não. Niệm, nghĩa là niệm cái Chơn như Bổn tánh. Chơn như tức là cái thể của niệm, niệm tức là cái dụng của Chơn như. Tánh Chơn như của mình khởi niệm, chớ chẳng phải con mắt, lỗ tai, lỗ mũi, cái lưỡi mà niệm được. Cái Chơn như có tánh, sở dĩ mới sanh ra niệm tưởng. Nếu cái Chơn như không có, thì mắt, tai, màu, tiếng, đương lúc ấy liền hư hoại.

 

Giảng:

Nay tôi lại muốn, vì quý vị, mà giảng vô niệm, vô tướng, vô trụ. Nếu quý vị có thể vô niệm chính là vô tướng, có thể vô tướng chính là vô trụ. Vô niệm cũng chính là vô sanh, vô tướng là vô diệt, vô trụ – bổn lai không có sanh diệt, không có đúng không có sai. Vô niệm, vô tướng, vô trụ cũng chính là không đúng, không sai, không thiện, không ác, không nam, không nữ. Niệm chính là tà niệm, lúc tà niệm không còn thì làm sao có nam nữ, pháp này thật là diệu! Nếu vô tướng, căn bổn không có ngã tướng, vậy ai lại sanh ra cái tâm dâm dục? Tâm dâm dục chính là niệm, không có “niệm” chính là không có lòng dâm dục, không có lòng dâm dục thì không có ngã tướng, không còn chỗ chấp trước. Lúc không còn chỗ chấp trước, quý vị xem đây có phải là sự tự do chân chánh không, có phải là đã được giải thoát không? Cho nên vô tướng, vô niệm, vô trụ, cũng chính là không động không tịnh, không đúng không sai, không nam không nữ, không thiện không ác. Ðây thật là tuyệt diệu vô cùng! Quý vị nếu nghiên cứu sâu sắc thì có thể thọ dụng vô cùng.

Lục Tổ Ðại sư lại nói:

–Quý vị Thiện tri thức! Tôi giảng chữ này, thì vô cái gì? Chữ niệm này, thì niệm thứ gì? chính là không có hai tướng, không những không có hai tướng, ngay một tướng cũng không có, không có tâm trần lao. Tâm trần lao chính là chỉ cái tâm không chính, cũng chính là tâm tà, tâm tà cũng chính là dục tâm.

Cái gì gọi là niệm? Niệm có nghĩa là nhớ, tức là cần phải nhớ Chân như tự tánh? Nhưng cái gì là Chân như tự tánh? Tức cái tánh mà bổn lai đã có, cũng chính là Như Lai Tạng tánh, cũng chính là Phật tánh. Chân như chính là bổn thể của niệm, mà niệm chính là vận dụng của Chân như.

Có người nói: “Vô niệm cũng chính là không có Chân như.”

Quý vị phải biết vô niệm chính là không có hai tướng, chính là bảo quý vị chớ quên mà phải nhớ Chân như. Chân như là bổn tánh của chính quý vị, mà bổn tánh của quý vị là thanh tịnh sáng suốt, không có chỗ nhiễm trước.

Niệm tự tánh Chân như, là chân niệm, không phải là niệm do mắt, tai, mũi, lưỡi sanh ra. Chân như có tánh cho nên khởi niệm. Chân như cũng chính là tánh vương, cũng chính là điều đã giảng ở trên (phẩm Nghi Vấn): “tánh còn vua còn, tánh đi vua mất,” cho nên nói Chân như nếu không có, thì mắt, tai, sắc, thanh lập tức hoại.

 

(2) Kinh Pháp Bảo Đàn Lược Giảng – Phẩm Bát Nhã – HT Tuyên Hóa giảng thuật http://dharmasite.net/KPBDLGP2.htm

Sao gọi là Ma ha? Ma ha nghĩa là lớn, tâm lượng rộng lớn cũng như hư không, không có bờ mé, cũng chẳng phải vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng không trên dưới dài ngắn, cũng không giận không mừng, không phải không quấy, không lành không dữ, không có đầu đuôi. Các cõi Phật thảy đều như hư không. Cái diệu tánh của người thế gian vốn là trống không, chẳng có một pháp gì trong đó mà tìm đặng. Cái tự tánh Chơn không cũng giống như thế.

Chư Thiện tri thức! Chớ nghe ta nói “không” mà liền chấp “không.” Nếu để tâm trống không mà ngồi yên lặng, tức là chấp cái “vô ký không.”