Hằng Thật – Ngày 26 tháng 8, 1977

 

Mười thứ tâm

“Nên biết các thứ tâm này đều là tướng mạo của môn Đà La Ni này. Vậy, ông nên y theo đó mà tu hành”

Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni
Mười thứ tâm hay còn gọi là các tâm trạng (hoặc trạng thái) phát xuất từ Đại Bi Tâm Đà La Ni hoặc thần chú có sức mạnh hơn tất cả các loại vũ khí trên thế gian. Mạnh như thế nào? Vũ khí thì dùng sức mạnh bên ngoài để thay đổi con người, còn 10 thứ tâm phát xuất từ Đà La Ni thì dùng đức hạnh để chuyển hóa tự tánh bên trong và hành vi bên ngoài của tất cả chúng sinh hành theo pháp này. Đây là một sự chuyển hóađích thực, không cần hay mong cầu bất cứ tác động nào. .

Giống như một công thức để làm nên món ăn hoàn hảo, như một công thức hóa học cho một cuộc sống lý tưởng, mười thứ tâm này là các khái niệm được đưa vào thực hành. Điều quan trọng chính là chỗ này. Về mặt tư tưởng, mười thứ tâm này rất tốt đẹp và cao quý. Khi một người dùng năng lượng và sự kiên trì chấp trì thực hành, mười thứ tâm này là những bậc trên chiếc thang dẫn đến trí tuệ viên mãn, để giác ngộ hoàn toàn. Mười thứ tâm này là gì?

1. Tâm đại bi. Quý vị sống và hành động trong tinh thần tỉnh thức hoàn toàn, thấy rằng mình và mọi chúng sinh đều phát xuất từ cùng một chất và các yếu tố như nhau. Chỉ vì một ý niệm vẩn vơ về tâm phân biệt mà có thể thấy những sự sai khác cơ bản giữa các chúng sinh. Taất cả chúng ta đều là một thân, chúng ta nên trân quý nhau như bảo vệ con mắt mình.

2. Tâm bình đẳng. Người trí thấy thiện và bất thiện đều chẳng khác. Hành vi của người đó được kiểm soát tốt đẹp, vô hại và ngay thẳng. Thế thì sao người đó còn phải lo lắng chuyện phá giới luật? Vị ấy giữ tất cả các giới một cách tự nhiên, vị ấy là một người không có giới. Vị ấy coi mọi chúng sinh chính là mình, vậy sao còn có thể phân biệt các chúng sanh?

3. Tâm vô vi. Trong thế gian vạn biến, vị ấy giữ cho tâm mình nơi Tam Bảo được bất biến, thường trụ và không bao giờ hoại diệt.

4. Tâm vô nhiễm vô chấp (không nhiễm ô, không bám chấp). Vì thấy mình và mọi chúng sanh như nhau – đồng một thể, với lòng đại bi dành cho mọi chúng sinh – vị ấy không cảm thấy mình là một cá nhân riêng rẽ. Vị ấy không làm gì cho bản thân. Vị ấy không có lòng ham muốn ích kỷ về sự luyến ái; vị ấy quan tâm đến tất cả mọi người. Vị ấy không cần bám lấy một người đặc biệt hay một phong cách đặc biệt nào khác với những người khác. Điều đó quá ích kỷ, dẫn đến sự ô trược, và bám chấp. Nó sẽ không hòa hợp với tâm Đại Bi.

5. Tâm quán tính không. Vạn vật được tạo thành từ tứ đại thì sẽ trở về tứ đại, kể cả sắc thân. Cuối cùng, không có gì tồn tại lâu dài, tất cả đều rỗng không. Quán sát như vậy, Bồ Tát khởi tâm đại bi tới mọi chúng sinh, những kẻ đang bám chấp vào danh và sắc vì Ngài thấy được họ thọ khổ khi nhận ra những gì họ thấy như thật hóa ra thực chất lại rỗng không.

6. Tâm cung kính.
Đối với kẻ khác, vị ấy thể hiện sự tôn trọng thực sự, vị ấy cảm thấy điều đó. Đó là cách tốt nhất để chuyển người khác về Vô thượng Bồ Đề.

7. Tâm khiêm nhường. Đối với bản thân, vị ấy không có những ảo tưởng về mình, không có tự ngã, không có cái “Tôi to lớn” và không bám chấp hay có kế hoạch gì cho giây phút tiếp theo, cho năm tiếp theo. Vị ấy khiêm nhường và biểu lộ điều đó. Vị ấy tìm kiếm Bồ đề cho mình và cho người.

8. Tâm bất loạn. Đạo lý nào hôm qua đúng thì hôm nay cũng đúng. Bồ Tát không quên áp dụng đạo lý này vào trong mọi hoàn cảnh bất kể chúng có dễ chịu hay khó chịu vì vị ấy thấy mọi cảnh giới đều trống rỗng như nhau. Vị ấy không mê mờ (vô minh) hay bị cảnh chuyển và vị ấy phản ứng như một tấm gương. Tấm gương phản ánh các cảnh vật một cách hoàn toàn và không lẫn lộn. Khi không có gì diễn ra, Bồ Tát tịch tịnh và sáng suốt (quang minh) như tấm gương.

9. Tâm không vọng, không chấp. Vị ấy không bản ngã, không có tôi, vì thế không có “của tôi”. Không có “của tôi” thì không có ưa thích. Không có ưa thích thì không có phân biệt. Không có phân biệt nên tâm Bồ Tát không có vọng niệm, không nhiễm ô, không có “phải” hay “nên”. Do vậy, vị ấy không dễ bị lay chuyển cũng không chấp chặt vào bất kỳ pháp đặc biệt nào. Đạo của vị ấy là đạo thông suốt vô ngại, đạo hoàn toàn nhận ra tự tính thanh tịnh quang minh.

10. Tâm Bồ đề Vô thượng. Vì mười thứ tâm này đều xuất phát từ lòng Đại Bi nên chúng cũng nhắm điến sự giác ngộ viên mãn cho tất cả chúng sinh. Đó là mục tiêu, là chỗ nương náu, là con đường an toàn dẫn tới chấm dứt khổ đau, đạt được an lạc. Đó là cái an lạc vĩnh cửu, và tự do thật sự. Nó tối thượng và vĩnh cửu. Trong thế giới của bóng tối, tà ác, và vô minh, nó là ánh sáng, sự lương thiện và quang minh.
Mười thứ tâm này có sức mạnh hơn tất cả các loại vũ khí trên thế gian vì chúng khiến cho người ta không còn sợ hãi, vậy ai còn cần đến vũ khí đây? Sự chuyển hóa thực sự từ Đại Bi sang Vô thượng Bồ đề là một sự thay đổi bên trong, một sự trưởng thành không thể đảo ngược từ hạt giống thành bông hoa viên mãn. Thế gian này chỉ có thể được hưởng lợi nhờ vào sự tu tập Đại Bi Tâm Đà La Ni này, bắt đầu từ chính điều này!