Hằng Thật – Tháng 9 năm 1977

Một sức mạnh lớn hơn cả tình yêu thương

 

Bồ Tát Mạnh-Hơn-Tình-Yêu-Thương

Ngài là người giỏi nhất của một giống nòi mới. Ngài rời bản xứ và đi khắp các thế giới. Đi qua những đỉnh núi, cống rãnh, ngài tìm kiếm một thứ để thỏa mãn thứ ngài cần để tin tưởng, để thuộc về, để trở thành mơ ước của ngài. Cuộc đời ngài rất khổ cực, và ngài thích như vậy. Kẻ khác thì tìm cầu tiện nghi, dễ dàng. Các đồng nghiệp của ngài nói về giàu sang, tình dục và danh vọng; họ ngủ và ăn, ngủ và mua sách dạy nấu ăn, kết hôn, sinh con, và xây những cái tổ để chuẩn bị cho quá trình trượt dần xuống mồ.

Ngài lang thang và tìm kiếm, không để ý đến giàu sang phú quý, từ bỏ tình dục, quay lưng lại với danh vọng, làm cứng chắc thân thể với sự thực tập và kỷ luật. Ngủ ít và ăn ít. Không ai hiểu ngài, đặc biệt là cha mẹ ngài. Là một người con hiếu thảo hết lòng, phản ánh những phẩm chất tốt đẹp trong việc dạy dỗ lành mạnh của cha mẹ ngài, ngài thấy điều khó khăn nhất là bỏ lại sau lưng những thói quen ở cùng họ. Ngài thấy rõ ràng sự giải thoát chờ đợi mình ở bên kia sự bám chấp của ngài, mà chỉ sau khi cắt đi những sợi dây ràng buộc của cuộc đời, ngài mới thật sự vượt qua cái chết.

Ngài tìm thấy trong một tu viện con đường dẫn đến tự do mà ngài đang tìm kiếm. Đó là một con đường đứng dốc và việc trèo lên đỉnh đòi hỏi cả thể chất lẫn sự chân thật tuyệt đối. Đây là cuộc sống mà ngài hằng chờ đợi trong bao nhiêu năm. Không một chút do dự, ngài sẵn sàng lên đường. Trực giác sâu thẳm của Ngài nhận ra cuộc hành trình này như thể ngài đã từng đi qua trước kia lâu rồi. Nhưng hãy chờ đã, trái tim ngài còn có nhiều hơn một ngăn phòng – thế còn về những năm tháng hạnh phúc và khỏe mạnh mà cha mẹ ngài đã cho thì sao? Thế còn món quà mạnh mẽ nhất –tình thương vô hình không giới hạn mà họ dành cho ta thì sao? Làm sao ngài có thể đối diện được với nỗi đau mà ngài gây ra cho họ bằng việc cắt đứt những cách cho nhận yêu thương quen thuộc của họ? Thậm chí sâu hơn: thế còn những phần của cha, của mẹ trong chính nhân cách của ngài đã phụ thuộc vào sự tồn tại của họ trong việc cho và nhận trong mối liên hệ với gia đình thì sao? Bằng việc từ bỏ thói quen bắt rễ sâu xa đó, liệu ngài có đánh mất một thứ gì đó quý giá không? Ngài có thể đi và trở thành người mà ngài muốn mà không có những phần đó trong phần đời ban đầu của mình không?

Đây là những vấn đề đè nặng tâm trí ngài – ngài cảm thấy mình đang ngồi dang chân phân vân trên hàng rào. Một bên cảm thấy tự nhiên, quen thuộc, và thoải mái. Còn bên kia cảm thấy ly kỳ, hấp dẫn. Tim ngài đau đớn, cố gắng quyết định phải làm gì.

Một quyển sách lảm ngài chú ý và trong sách, ngài tìm thấy một bức thư có từ mười hai thế kỷ trước, được một người trong cùng cảnh ngộ giống hệt như ngài viết ra. Bức thư nói thẳng vào vấn đề “Làm sao ta có thể rời bỏ gia đình để làm điều mà ta biết là tốt nhất cho ta mà vẫn là một người con hiếu thảo? Trong khi xem qua kinh điển, tôi tìm thấy một quyển Kinh, trong đó đức Phật vì người đệ tử xuất gia của ngài đã giảng về căn nguyên thật sự của sự hiếu thảo. Các đạo lý của ngài đã cắt đứt các nghi ngờ cuối cùng của tôi và dẫn tôi đến quyết định tiến lên tu hành trên con đường giải thoát, bất chấp sự xáo trộn trong gia đình tôi. Đức Phật nói rằng tất cả chúng sinh đều từng là quyến thuộc của tôi, hoặc là cha hay là con, là anh em hay chị em của tôi. Cha mẹ trong kiếp này của tôi cũng có thể kiếp trước là con tôi. Vì tôi đã đối xử tốt với họ, nên tôi được yêu thương và bảo vệ trong kiếp này. Nhân duyên của tôi và họ rất tốt đẹp và mạnh mẽ. Tôi muốn đền đáp lòng tốt và tình thương yêu của họ. Ở đây, đức Phật giảng giải sự từ bi, năng lực vĩ đại vượt qua cả tình thương yêu. Đại Bi có thể đưa những chúng sanh khác vượt qua bể khổ đến bến bờ hạnh phúc vĩnh hằng phía bên kia. Người đó học được lòng đại bi nhờ đi theo con đường của Phật (Phật Đạo). Đầu tiên là phải cắt đứt quan hệ gia đình, rời bỏ tất cả sự bám chấp trói buộc người đó với cuộc đời như keo dính. Sau đó, sau khi trải qua quá trình tu tập vững chắc, chân thật và không ngừng nghỉ, người đó có thể chứng đắc được sự giải thoát chính mình, đó là chìa khóa để đưa những kẻ khác vượt qua bể khổ. Có câu, “khi một người tu đắc đạo, cửu huyền thất tổ sinh thiên.”

Bức thư tiếp tục “Khi tôi đọc những đạo lý này, tôi lập tức nhận ra chân lý. Theo sự trình bày tích cực của đức Phật, phía bên kia của lòng hiếu thảo là sự vô vọng: chỉ ở nhà và chứng kiến cha mẹ già, bệnh, và chết, sau đó thờ cúng họ như tổ tiên, mù quáng cúng đồ cho bóng tối, hy vọng cứu rỗi họ, nhưng trở nên bất lực trong việc cứu rỗi ấy. Đây không phải là điều tốt thứ hai hay sao? Bằng việc tránh cho họ nỗi đau ngắn ngủi của sự hoài nghi và sự lo lắng khi tôi xuất gia và thiết lập lại các quy tắc hành vi tách xa hơn, hình thức hơn, và bằng việc cho thấy sự yêu mến ít bày tỏ hơn, tôi cũng từ chối họ niềm đại hoan hỷ trong tương lai, thứ mà tôi, là một người xuất gia, có thể mang lại cho họ. Tất nhiên sự thay đổi ngoại hình của tôi sẽ khiến cha mẹ sốc và lần này họ sẽ không có cháu nội, nhưng tôi đã là một người con tốt và sẽ là một vị tăng tốt vì lòng tốt mà họ dành cho tôi. Để cứu lấy cái thân mạng, vị bác sĩ cắt đi cái chân hay cái tay – gọn gàng và tốt đẹp. Để cây trổ quả to, chín mùi, người trồng cây phải tỉa lại các nhánh cây chỉa ra. Để lộ ra vẻ đẹp bên trong của đá hoa cương (granite), người thợ điêu khắc phải đục bỏ bớt một phần của đá. Để học đạo giác ngộ cho bản thân và sau đó cho tất cả chúng sinh, trong đó có cha mẹ tôi – đây là con đường dẫn tới trí tuệ và từ bi. Đây là mảnh đất mới, nơi ta sẽ đứng vững đôi chân và thiết lập sự tu hành và thệ nguyện của những bậc đại anh hùng trong quá khứ.

“Đây là bước đầu tiên, quan trọng nhất để thật sự đền ơn lòng tốt của cha mẹ và giúp những người con hiếu thảo khác làm điều tương tự. Cha mẹ tôi là cha mẹ đời hiện tại, nhưng nhân duyên của chúng tôi còn vượt ngoài phạm vi quan hệ này. Đây là cơ hội duy nhất để đóng lại vòng luẫn quẩn và mang đến sự an lạc vĩnh cửu mà tôi mong ước họ nhận được. Mục tiêu này chắc chắn đáng giá để đổi lấy sự chịu đựng nhỏ nhoi trong việc “mất đi” một người con trai đi vào Tăng đoàn. Họ không hề mất con, họ có được một tấm vé lên cõi thiên đàng, chỉ cần tôi tu hành tốt và không bao giờ quên đi những gì ta nợ họ. Tôi phải đoạn dục khử ái!

“Đây được gọi là Đại Bi và đó là một sức mạnh còn lớn hơn cả tình thương yêu. Khi đối diện với cha mẹ một lần nữa, tôi không được quên mất mục tiêu: giúp cha mẹ học cách tin vào đức Phật và sự biến đổi huy hoàng của Phật pháp. Trước tiên, họ phải tin vào tôi – nhìn thấy tôi đã thật sự xuất gia và thay đổi tốt đẹp hơn – họ sẽ hiểu rằng sự trầm tĩnh là một phần quan trọng trong cái nhìn và cái hạnh của Bồ Tát. Tôi sẽ đối xử với họ thật ân cần tử tế, từ tốn giới thiệu họ đến những căn phòng mới trong tim tôi và pháp bảo mà chúng chứa đựng. Khi nhìn thấy Phật pháp có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, họ sẽ nhanh chóng tìm thấy một nơi chốn tương tự trong tim họ và lời nguyện của tôi là đưa họ qua bể khổ sẽ nhanh chóng được thực hiện. Những mối quan hệ cũ biến mất càng nhanh, thì cha mẹ ta càng sớm biết đạo lý chắc thật ẩn sau hành vi mới của tôi. Niềm vui và tự hào sinh ra một người con tốt của họ sớm muộn cũng lớn như niềm đại hoan hỷ của tôi có được những bậc cha mẹ tốt như vậy, thậm chí cách để biểu đạt điều đó là nỗ lực nhiều hơn và chuyên tâm vào sự tu hành của tôi. Sự lười biếng thì nói ngược lại: Tôi chẳng quan tâm tôi có giải thoát họ hay không. Lòng tốt mà họ dành cho tôi không đáng để được đền ơn bằng việc giác ngộ. Tôi sẽ khác đi khi họ gặp lại tôi lần nữa.

Bức thư khép lại.: “Câu hỏi đã được giải đáp, những hoài nghi của tôi đã được giải quyết, và con đường phía trước đang mở ra và chờ đợi”. Giống như chú tiểu đời Đường, ngài cảm thấy bùng lên một nguồn năng lượng và sự công hiến vào lựa chọn mới này trong cuộc đời. Quyết định trở thành một tăng sĩ là sự lựa chọn quan trọng nhất của ngài và nó hứa hẹn phần thưởng cao nhất của mọi con đường hiện hữu. Ngài cảm thấy may mắn biết bao khi có thể trao tặng món quà này cho thân bằng quyến thuộc của mình. Thật là một cơ hội hiếm có khi kết lại các mối nhân duyên và giải quyết chúng một lần nữa trong sự thể hiện cao cả nhất của lòng biết ơn với cuộc sống: lòng từ bi của một vị Bồ-tát

Tình thương yêu cha mẹ là quan trọng, nhưng lòng từ bi dành cho họ vượt xa tình thương yêu. Tôi nguyện dùng lòng từ bi là mục tiêu và dùng nó để đưa cha mẹ tôi tới bờ giác ngộ – tôi sẽ trở thành Bồ Tát Mạnh Hơn Tình Thương Yêu và tôi sẽ truyền dạy phương pháp của tôi tới tất cả những ai thỉnh cầu, kể cả những người có hay không có nhân duyên với tôi, tới tận cùng hư không, khắp pháp giới.
Ngài là người giỏi nhất của một giống nòi mới và những kẻ khác đều noi theo gương ngài.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ: 一子得道,九祖升天 – Nhất tử đắc Đạo, cửu Tổ thăng Thiên.