Hằng Triều, ngày 20 tháng 9 năm 1977

Tôi chắc chắn đã nói chuyện với Hòa Thượng

Lớp lễ lạy 101. Chiếc xe tải chạy bằng dầu chạy vụt qua bên tai chúng tôi với vận tốc 70 dặm/giờ, chỉ cách đầu chúng tôi 3 bước. Chúng tôi cân nhắc việc lạy theo hoặc nghịch lại giao thông. Cân nhắc: chói nắng, tầm nhìn, gió.
Giấc Mơ.
Tôi đã đến nói chuyện với Sư phụ ở một thành phố cổ xưa nào đó. Tôi có một loạt câu hỏi. Nhưng, trước khi tôi có thể hỏi, ngài đã làm tôi bất ngờ và đã trả lời những câu hỏi thực sự nằm trong tâm trí tôi. Ngài đã nhấn mạnh một số điểm và đưa ra lời khuyên cho hành trình Tam bộ nhất bái. Từ ngữ then chốt là “kiên nhẫn”. Hòa thượng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc hành hương là cho rất nhiều người khác và vì những lý do ngay chính chúng tôi cũng vẫn chưa thể hiểu được.

Khi thức dậy, tôi chắc chắn rằng mình đã thực sự có nói chuyện với Hòa thượng. Tôi cảm thấy được gột rửa, được quan tâm, điều phục và chân thật, giống như khi có sự hiện diện thật sự của Hòa thượng vậy.

Còn có một chuyện khác. Tôi nhận ra mình đã “gặp” Phật A Di Đà. Tôi liên tục nói “A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.” Đó không hẳn là một nhân vật quá đặc biệt nào, mà là một toàn cảnh đầy ánh sáng và sự thanh tịnh. Khi bước vào căn hầm lạnh giá, tối tăm khiến bạn nhận thức mình trước đó vừa ở trong ánh nắng ấm áp sáng lạn. Trong khi chìm đắm vào sự gặp gỡ này và trong hội chúng chung quanh Sư phụ, dường như không có gì phi thường. Năng lực và điều kỳ diệu của sự việc này không được để ý cho đến khi tôi tỉnh dậy và quay trở về mà vẫn còn đang niệm “A Di Đà Phật. A Di Đà Phật”.

Những hiểu biết quan trọng nhất của chúng tôi cho đến nay:

  1. “Tất cả đều do tâm tạo (Nhất thiết duy tâm tạo)”. Những gì bạn thấy là những gì bạn có. Tâm là nơi để tu hành và hiểu biết. Nhìn ra bên ngoài là ngõ cụt và không tạo ánh sáng, và có nhiều rắc rối.
  2. Tuân theo quy củ ( nguyện, giới, hướng dẫn đặc biệt cho hành trình).
  3. Tu hành chăm chỉ.
  4. Không vọng tưởng. Niệm thiện mang lại sự cúng dường; niệm xấu mang lại rắc rối. Thiện hay ác, đều là vọng tưởng và lậu hoặc.
  5. “Hồi quang”. Soi chiếu vào bên trong ở mọi tình huống là chìa khóa để tỉnh thức. Điều đó có nghĩa đóng lại các cổng của mắt, tai, lưỡi, thân và tâm. Ngưng nói chuyện, tránh xa các chủ gia đình – “chim chết” không hát, nhưng chúng thực sự bay (1).
  6. Không tham dục – đây là chìa khóa dẫn tới giải thoát và trí tuệ.
  7. Đừng dễ duôi và ngưng nghỉ một giây phút nào cả . Hãy “chân thật” mọi lúc, ngay cả khi một mình hoặc lúc ngủ. Không che đậy hay lấy kỳ nghỉ.
  8. Tu tập. Tự mình tu tập là điều quan trọng nhất. Sự hướng dẫn của sư phụ và Kinh điển trở nên sống động khi thực tập.

Tụng rỗng chỉ theo tiếng,
Minh tâm mới Bồ Tát.

Hễ tin Phật vô ngôn.
Liên Hoa miệng ngươi phát (2)

Lục Tổ Đàn Kinh – Phẩm Cơ Duyên

Buông bỏ mọi thứ và tu hành. Với sự tu tập, Kinh không nói điều gì mà chúng ta không biết. Với sự không tu tập, Kinh nói những điều mà chúng ta sẽ không bao giờ biết.

  1. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Đừng bám chấp vào cái không.
  2. Thiền rất quan trọng trong việc làm tan chảy và phản ánh chánh niệm hoặc thiếu chánh niệm của chúng tôi trong việc bái lạy: bái lạy tốt hơn thì ngồi thiền cũng tốt đẹp hơn.
  3. Coi tất cả người nữ là mẹ ta, tất cả người nam là cha ta, kết hợp với lòng từ, bi, hỉ, xả, có thể giúp chúng tôi qua được mọi tình huống. Nỗi sợ hãi chỉ là cái nhìn của bản ngã (ngã kiến), quá tự tin cũng vậy.

Vẫn vội vã với cảnh sát và việc cắm trại. Chúng tôi vẫn phải ẩn dấu nhưng không kỹ càng. Các chủ trang trại rất sợ lửa, cho nên những người cắm trại bị xem là mối nguy hiểm. Những ngọn đồi chập chùng đầy cây lá khô kêu tanh tách. Một khi ngọn lửa bén vào, thì gần như không thể kềm chế được. Đây được gọi là những khu vực “lửa hoang dã” trọng yếu.

Chúng tôi tìm thấy tờ giấy viết tay này cùng với ít tiền kẹp dưới cần quạt gạt nước kiếng xe khi chúng tôi quay trở lại vào cuối ngày lạy:

“Công việc của các thầy là một lời chứng của sự quyết tâm. Cầu cho các thầy bền lòng trên hành trình vì hòa bình”. Ned, Người đàn ông đến từ Ventura, nơi đã diễn ra vụ tai nạn thảm khốc.
Ghi chú:

(1) Cau chuyện Tổ Bồ Đề Đạt Ma và chim Anh Vũ http://www.dharmasite.net/KinhPhapBaoDanLuocGiang_PhanLuocTu.htm

Ðạt Ma đến Trung Hoa chưa gặp được tri âm, nay Anh Vũ này lại là tri âm của Ngài. Nghe chim thỉnh giáo mình như vậy, Ðạt Ma rất vui vẻ dạy cho nó một bí quyết: “Muốn thoát khỏi lồng, hai chân duỗi thẳng, đôi mắt nhắm nghiền, đây là diệu kế, giúp con thoát lồng.”

Anh Vũ sau khi hiểu được phương pháp thoát lồng, bèn thưa: “Nay con đã hiểu rồi, cám ơn Ngài chỉ dạy.” Anh Vũ nhìn thấy người chủ từ xa trở về, đợi người chủ đến gần, nó liền sử dụng phương pháp đó. Mỗi ngày người chủ trở về đều đến chơi với con chim yêu quý để tiêu sầu giải muộn, nay nhìn thấy Anh Vũ yêu quý nằm bất động trong lồng liền rất lo lắng, bèn mở cửa lồng đem Anh Vũ để nơi lòng bàn tay: “Ồ! thân chim vẫn còn nóng.” Vì chim giả chết nên khí nóng vẫn còn. Người chủ vừa mở nắm tay ra Anh Vũ liền bay đi! Kế thoát lồng thật hiệu nghiệm.

Chúng ta hiện nay vẫn còn ở trong lồng, đừng nên cho rằng mình đang tự do. Muốn ăn thì ăn, muốn uống thì uống, không giữ gìn quy củ cho là tự do. Ðiều này thật là mê muội vì đã hiểu một cách sai lầm về tự do. Tự do chân chánh là sanh tử tự do, muốn bay lên trời thì lên trời, muốn độn thổ xuống đất thì độn thổ; có được những bản lãnh như thế mới gọi là tự do chân chánh.

 

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

汝今名法達 勤誦未休歇
空誦但循聲 明心號菩薩
汝今有緣故 吾今為汝說
但信佛無言 蓮華從口發

Nhữ kim danh Pháp Đạt

Cần tụng vị hưu hiết
Không tụng đãn tuần thanh

Minh tâm hiệu Bồ Tát
Nhữ kim hữu duyên cố

Ngô kim vi nhữ thuyết
Đãn tín Phật vô ngôn

Liên Hoa tòng khẩu phát.