Hằng Triều – 28 tháng 9 năm 1977

Trẻ em từ nhận thức có sẵn nhận ra sự thật này

Khi sự nghi ngờ và vọng tưởng bu đầy, tôi hình dung ra cha mẹ, và sau đó là tất cả chúng sinh mà tôi đã từng gặp hoặc biết. Tôi nhớ đến lòng tốt của họ và cảm nhận sự sợ hãi và đau khổ của họ như chính của tôi. Tôi nghĩ về cái nợ của tôi và cơ hội tôi có để trả nợ cho tất cả .

Tôi hình dung Hòa Thượng và đánh giá về sự thiếu tinh tấn, thiếu thành tựu và thiếu trí tuệ từ bi của tôi. Hòa Thượng trụ trì cho tôi sự kiên nhẫn và thắp sáng Đạo. Cha mẹ tôi gây dựng vững chắc cho tôi gốc rễ và sự may mắn. Cả hai đều “giúp hồi lực” cho thệ nguyện của tôi để “giúp đỡ và hỗ trợ chúng sinh ở khắp nơi”, và để tôi “cố hết sức mình”.

Cha mẹ và Sư Phụ đã cho đi và hy sinh quá nhiều với tinh thần vô ngã! Làm sao tôi có thể lãng phí thời gian mắc vào các tư tưởng nhỏ nhen và ô uế? Hãy đi tiếp, Hằng Triều, chỉ làm việc thiện, đừng làm sai. Hãy cúng dường bằng hành vi của mình và thanh lọc tâm ý. Trong mỗi cử động “đi, đứng, nằm ngồi”, thanh lọc tâm ý.

Tôi có thể nhớ đến “thiền” lúc còn là một đứa bé. Cái “thiền” đó bao gồm việc nhìn chằm chằm vào một chỗ hoặc nhắm mặt lại, cố gắng không để cho bất kỳ suy nghĩ hay hình ảnh nào khởi lên. Tôi cố gắng làm tất cả mọi thứ bên trong tôi “hành xử có ý thức và yên tĩnh”, giống như bùn ở đáy ao nước trong. Nó thật vui, là một trò chơi. Mỗi khi một ý nghĩ hay lời nói hay hình ảnh khởi lên, tôi sẽ phải bắt đầu lại. Đi xe hoặc ngồi trong nhà thờ, vào ban đêm hay buổi sáng khi mọi thứ đều yên tĩnh và vẫn còn ngủ là những thời điểm tuyệt vời nhất.

Tôi biết những đứa trẻ tạo ra những thần chú của riêng chúng. Chúng “giữ tâm” bằng những âm thanh và âm tiết lặp đi lặp lại nghe có vẻ như “vô nghĩa” với người lớn. Bất cứ khi nào chúng cảm thấy căng thẳng hoặc cần sự định tâm, những âm thanh tự động hiện lên. Những đứa trẻ khác tạo ra những động tác bàn tay và ngón tay dường như vô nghĩa, lặp đi lặp lại kiểu mẫu và quá trình này. Chúng sử dụng những kiểu mẫu này khi cảm thấy sợ hãi hoặc một mình. Vài đứa trẻ chỉ đếm 2-4-6-8, 1-3-5-7, v.v… theo chiều nghịch hoặc chiều thuận và đôi khi đồng bộ với bước đi của chúng.

Tất cả các kỹ thuật này chỉ là phương pháp tập trung và tĩnh tâm. Chúng tự nhiên và chỉ vào một kiến thức không thể học mà mọi thứ được tạo ra từ tâm, nghĩa là bên trong và bên ngoài, hoặc chủ thể và đối tượng, ta và người – những sự phân biệt – đều là giả.

Làm thế nào mà trẻ em từ nhận thức có sẵn nhận ra sự thật này và tìm mọi cách thật tự nhiên để tịnh hóa và sử dụng sức mạnh của tâm chúng? Làm thế nào mà chúng ta quên đi?

Tính theo nhóm, nhóm trẻ em là những người nhạy cảm nhất và đồng cảm nhất với Tam Bộ Nhất Bái. Tại sao? Người ta nói rằng trẻ em nhanh chóng tiến tu và phát triển sự thâm nhập về tâm linh (thần thông) vì chúng không bị ô uế bởi ham muốn tình dục như người lớn. Không bị ràng buộc bởi cảm xúc tình dục và nỗi sợ, chúng bớt đi một sự bám chấp to lớn cản trở tự tánh của chúng, che mờ tâm thanh tịnh của chúng.

Điều này có vẻ thật sự đúng. Hầu hết mọi người mô tả sự thay đổi của tuổi dậy thì rất khủng khiếp và khó khăn, được đánh dấu bởi sự “mất mát” và đau đớn. Khi ham muốn tình dục thống trị tư tưởng và tinh thần, thì sự mê mờ và sự mất điều hòa sẽ đi tiếp theo sau. Nếu một người có thể xoay ngược quá trình này – “hồi quang phản chiếu”, tức là, không bị ham muốn tình dục điều khiển, thì người đó sẽ sớm bắt đầu “nhìn thấy” lại, và là đang trên con đường giác ngộ. Trong Đạo Đức Kinh có nói rằng:

“Cho nên, thường không ham muốn mới thấy được chỗ vi diệu; kẻ thường ham muốn chỉ nhìn thấy phía ngoài” (1).

Nếu bạn không thể xoay chuyển ham muốn tình dục, bạn sẽ ở trong bụi trấn và chìm đắm, phải chịu khổ trong vòng luân hồi. Không có bí mật lớn hay món quà đặc biệt về điều này. Đó chỉ là dụng công chăm chỉ và hành trì. Nó không dễ dàng, như thầy Hằng Thật và tôi đang khám phá ra như vậy. Nhưng nó không phải là điều không thể, và bạn càng tu hành, nó càng dễ hơn. Học cách ngăn chặn cái rò rỉ đó giống như trở thành đứa trẻ lần nữa. Điều này thực sự thú vị và ngày nào cũng đầy những điều bất ngờ thú vị.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ trong Đạo Đức Kinh:

故 常 無 欲 以 觀 其 妙; 常 有 欲 以 觀 其 徼.

Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu; thường hữu dục dĩ quan kì kiếu.