Hằng Triều – Ngày 5 tháng 10 năm 1977

Tất cả được thực hiện như thể đang ở trên sân khấu



Tôi đã quan sát thầy Hằng Thật. Thầy càng giữ nguyện tịnh khẩu lâu, thầy càng thay đổi. Đóng cái miệng lại là mở cặp mắt ra. Tôi nói với mọi người rằng “như vậy thầy có thể tập trung tốt đẹp hơn, thật sự tập trung, và nhìn vào mọi thứ”. Nó giống như việc dùng tia laser, thay vì dùng bóng đèn – bóng đèn thì tán xạ, không đấm xuyên thủng được, nhưng tia laser, nhờ sự tập trung ngay điểm nhỏ nên có thể cắt xuyên qua những thứ tưởng không cắt được.

Người ta nói rằng thần thông cũng như vậy. Tất cả chúng ta đều có thần thông, nhưng thần thông không hoạt động – chúng không thông, vì chúng ta phân tán ánh sáng của mình và lãng phí ánh sáng qua thân, khẩu, ý của chúng ta. Những hiểu biết nhỏ nhoi mà chúng tôi khai mở cho đến nay trên hành trình này là có được trong thời gian lễ lạy và trong những khoảng thời gian nhất tâm.

Tai không thể nghe khi miệng lép nhép. Mắt không thể nhìn thấy nếu chúng đang nhìn vào “cái ngã”. Tâm không thể nhìn thấy tiền kiếp và suy nghĩ của kẻ khác khi nó bị lôi kéo bằng cách này hay cách khác bởi tham dục và những sự bám chấp. Có câu rằng “Một niệm chẳng sinh toàn thể hiện”. Với một tâm trí đủ các giai điệu nhạc pop, những niệm tưởng về thức ăn và danh tiếng, được và mất, và mãi tính toán, thì còn cái gì khác có thể hiển hiện được nữa?

Vì vậy, sự im lặng của thầy ấy là một lời nhắc nhở liên tục với tôi để tập trung và giữ chánh niệm – để đóng lại và mở ra. Với từng niệm sinh khởi, cuộc sống chúng ta luân chuyển.
Có hai người, nói rằng họ là “những nhà trị liệu hành nghề tự do” dừng ngay trước bữa thọ trai và muốn chúng tôi “bước vào xe van và chia sẻ năng lượng”. Đây là một tình huống nhất định không thể được– một tình huống của “Cô bé quàng khăn đỏ gặp nhà trị liệu chó sói”.

Tôi từ từ học được rằng những lỗi lầm của tôi trong việc phán xét hoặc vọng tưởng đã tạo ra rắc rối (những con kiến, những cơn gió lớn, đồ vật phụ tùng bị đánh cắp, xe bị hư hỏng, v.v..). Có rất nhiều người không như những gì như họ cho thấy hay nói. Tôi đang tìm cách để ngăn cản những vị khách không mời mà đến. Ở Los Angeles, tôi có một cuộc đối thoại lịch sự và thân mật với một tên trộm trong khi hắn đang phá cửa sổ đột nhập vào xe hơi của chúng tôi vào lúc 3 giờ 30 sáng. “Tôi có thể giúp gì cho anh?” v.v…

Như thường lệ, chính việc bái lạy đã “nói chuyện” còn chính lời lẽ của tôi thì lầm lẫn. Nếu tôi có thể yên lặng hơn ở bên trong, tôi chắc chắn chúng tôi sẽ thu hút ít những “con sói không mời” từ bên ngoài.

Khi lạy về phía bắc trên xa lộ 101, một chiếc xe hơi chạy với tốc độ cao đột nhiên bị mất kiểm soát khi cách chúng tôi vài thước. Chiếc xe văng ra khỏi con đường, lao vào bờ dốc ngăn giữa đường, gần như bị lật ngược, và sau đó lao trở lại vào dòng giao thông, quay vòng và rít bánh xe qua các đường xe, hoàn toàn mất kiểm soát. Giao thông dày đặc, nhưng thật kỳ diệu, không hề có sự va chạm, và 10 hoặc 15 người rất run sợ, tiếp tục hướng về phía nam, họ vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc.

Tất cả điều này xảy ra trong vòng chưa đầy 15 giây, và chúng tôi đã ở giữa đó, không có lề đường hoặc thời gian để tìm sự an toàn. Làm thế nào mà chiếc xe đột nhiên được kiểm soát điều khiển trở lại? Bằng cách nào nó tránh đụng vào 5 hoặc 6 chiếc xe khác khi chỉ cách nhau vài phân? Tại sao không chiếc xe nào tránh đường bằng việc chạy vào đường xe khẩn cấp – đường xe mà chúng tôi đang lạy?

Thầy Hằng Thật nói thầy nhìn thấy rõ Hòa Thượng trước và trong khi xảy ra sự việc. Cả hai chúng tôi cảm thấy được bảo vệ và thấy những hình ảnh của Quan Thế Âm Bồ Tát trong suốt thời gian đó. Chiếc xe hơi tiến thẳng về phía chúng tôi và đột nhiên lấy lại kiểm soát rồi đi qua. Điều đó khiến tôi tự hỏi và bàng hoàng một chút.

Tôi nhìn đồng hồ để xem giờ và có sự cảm nhận hay “cảnh giới” này: giây phút chính xác này đứng ở đây trên xa lộ với thầy Hằng Thật, tôi đã từng “nhìn thấy”. Tôi cũng nhớ thời điểm mà tôi nhìn thấy. Đó là khi tôi đang ngồi trên một chiếc xe hơi gia đình đi trên một con đường tối tăm đầu mùa đông ở miền bắc tiểu bang Wisconsin. Chúng tôi đang quay trở về từ một chuyến đi. Lúc đó tôi 16 hoặc 17 tuổi.
Bạn đã làm gì với ánh sáng của bạn?

Tu đạo bắt đầu bằng việc “trở nên rõ ràng” – cởi nút thắt và phá vỡ những vỏ bọc và chỗ kẹt của trái tim. Với một sự trung thực như trẻ thơ, bạn nhìn vào từng ngóc ngách và tế bào, tẩy rửa sự giả dối và sai trái. Việc đẩy ra sự giả dối này là rất khó, nhưng theo thời gian, một cảm giác tự do thực sự sẽ đến, và dần dần diện mạo vốn có của bạn xuất hiện trở lại trong tâm cảnh. Một sự kiện rất vui.

Thật kinh ngạc, chúng ta có thể bị lạc đến cở nào từ “con đường với trái tim”, nghĩ rằng chúng ta không sao. Một thí dụ của điều này là sự biểu diễn.

Thầy Hằng Thật và tôi, với sự gia tăng thời gian yên lặng và cô lập với xã hội, đã bắt đầu thức tỉnh ra thấy rằng cuộc đời của chúng tôi là một màn trình diễn, một vở kịch như thế nào. Chúng tôi đã là gì, chúng tôi cười và ra điệu bộ cử chỉ như thế nào, những âm thanh mà chúng tôi đã tạo ra và đã lằng nghe, bày tỏ ‘cảm xúc” v.v… tất cả được thực hiện như thể đang ở trên sân khấu, với mưu đồ có ý thức hay vô thức. Chúng tôi khi một mình thì có một kiểu mà khi với người khác lại có kiểu khác. Chúng tôi có một kho tàng tiết mục biểu diễn như mặt nạ, tâm trạng, “kỹ năng xã hội”, và sự quyến rũ. Và, từ bình minh đến hoàng hôn, và ngay cả trong những giấc mơ của chúng tôi, chúng tôi làm bộ và biểu diễn, bắt chước và giả vờ.

Cả hai chúng tôi đã thực hiện một số vở diễn và giải trí trước khi xuất gia. Giờ chúng tôi căng thẳng và mất tự nhiên khi bị yêu cầu hát một bài hát hoặc nói trước công chúng. Tại sao? Chúng tôi chưa bao giờ chắc chắn, một cách chính xác. Tuần này, trong khi lạy một mình trên một đoạn đường dài, một phần cuộc sống đó của chúng tôi mở ra một chút, và đây là những gì chúng tôi nhận thấy:

Âm nhạc, phim ảnh, sân khấu, vv, là “sắc” và các thứ như vậy cũng giống như tình dục. Sắc là một trong ngũ uẩn, cùng với thọ, tưởng, hành, thức. Tại gốc rễ, tất cả chúng đều trống rỗng. Các uẩn được mô tả là “các yếu tố huyễn hoá của nhân cách.” Bị các uẩn làm xoay chuyển và mê mờ là nguyên nhân của khổ đau.

Người biểu diễn là người giỏi về dời đổi và sắp xếp các hình tướng. Đèn màu, trang phục, âm nhạc, hóa trang, v.v… khéo léo biểu diễn bất kỳ như thế nào bạn muốn. Cảm giác, cảm xúc và tham dục được vuốt ve và chỉ đạo giống như con rối được người điều khiển chỉ đạo. Ánh sáng tự nhiên của bạn bị hết sạch vì một ánh đèn sân khấu. Giỏi diễn xuất liên quan đến việc dùng “phần” năng lượng ánh sáng của bạn để điều khiển và ảnh hưởng người khác và đắm mình trong một chuyến du lịch giả tưởng của bản ngã.

Xoay ánh sáng của bạn đến ánh đèn sân khấu gây kiệt sức. Một người luôn bị áp lực (luôn “đến phiên anh rồi kìa”) để giữ mặt nạ và bức màn sân khấu lên. Xoay ánh sáng trở vào trong, không ai thấy, nhưng nhiều lợi ích. Quay ánh sáng ra ngoài, ai cũng thấy, nhưng không làm ai tốt hơn. Tất cả chúng ta đều có thứ ánh sáng hay năng lực này. Thật là lãng phí sử dụng nó để vắt sữa và lừa dối, để lẩn trốn và che đây! Chúng ta phá hủy phần bên trong của chúng ta khi cố cho bề ngoài trông tốt đẹp.

Nhưng thực sự là việc diễn xuất không chỉ dừng lại trên sân khấu. Làm một học trò, người yêu , người lãnh đạo, giáo viên, người chồng giỏi v.v.. thường là một kiểu diễn xuất – một vở kịch khác, một khán giả khác. Mắc kẹt làm sao! Có một bài hát rằng “Ta phải tránh xa cái ngày qua ngày lòng vòng này, ai cũng biết thế này chẳng tới đâu”.

Trong việc chia sẻ cái hiểu biết này, chúng tôi có cảm giác như một gánh nặng lớn đã được nhấc khỏi lưng chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy hổ thẹn và chán ghét mọi sự biểu diễn của chúng tôi – về những gì chúng tôi đã làm với ánh sáng của mình. Nhưng bằng việc đơn giản tắt đi ánh đèn sân khấu đó, ánh sáng nguyên thủy vốn có sẽ tự quay trở lại. Ánh sáng nguyên thủy đó không bị lãng phí hay đi mất. Nó không giảm cũng không tăng. Chúng tôi chỉ đã quay lưng lại với nó. Và chúng tôi có thể, với nhất niệm sám hối và cải đổi, hợp nhất với “bổn tánh chân như” chân thật. Và một bài kệ thiền nói rằng:

Một niệm giác một niệm Phật, niệm niệm giác niệm niệm Phật. Một niệm mê một niệm là chúng sanh, niệm niệm mê niệm niệm là chúng sanh. (1)

Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh Lược Giảng

 

Ghi chú:

(1) Trích từ đọan giảng giải của Hòa Thượng Tuyên Hóa trong KInh Pháp Bảo Đàn Lược Giảng – Phẩm Bát Nhã http://www.dharmasite.net/KPBDLGP2.htm:

Nếu không khai ngộ, Phật cũng là chúng sanh. Nếu trong một niệm thời gian ngắn ngủi hoát nhiên khai ngộ, chúng sanh tức là Phật. Ðây cũng chính là “Giác giả Phật dã, mê giả chúng sanh (Giác là Phật, mê là chúng sanh).” Một niệm giác một niệm Phật, niệm niệm giác niệm niệm Phật. Một niệm mê một niệm là chúng sanh, niệm niệm mê niệm niệm là chúng sanh. Cái gì gọi là giác ngộ? Tức giác ngộ tình dục là những thứ nguy hại, làm tổn thương đến thân thể và khiến cho quý vị ngu si. Một niệm dục chính là một niệm ngu, niệm niệm dục chính là niệm niệm ngu si, cho nên nói: “Nghiệp hết tình không là chân Phật, nghiệp nặng tình mê là chúng sanh.” Phải buông bỏ những tâm niệm ô nhiễm, ngoài cách này ra không còn cách nào hết. Tâm niệm ô nhiễm chính là dục niệm, nói rõ hơn, chính là niệm dâm dục. Nếu thân làm những niệm dâm dục này, chính là thân nghiệp không thanh tịnh. Nếu miệng nói việc ỷ ngữ, thì khẩu nghiệp không thanh tịnh. Nếu tâm thường nghĩ đến việc dâm dục, thì ý nghiệp không thanh tịnh. Nếu thân khẩu ý đều không phạm, thì ngày thành Phật không xa. Người đời thường đi ngược với sự giác ngộ, hiệp với trần lao. Hiệp với trần gì? Chính là hiệp với những thứ trần ô nhiễm không thanh tịnh. Nếu một khi quý vị rơi vào lưới dục tình thì sẽ bị ô nhiễm. Nếu ly khai tình dục, mới có thể rời xa ô nhiễm. Cho nên nói: quay lưng với trần lao chính là hiệp với sự giác ngộ, quay lưng với giác ngộ chính là lăn lộn trong trần lao. Nếu quý vị ô nhiễm thì không được thanh tịnh, không được thanh tịnh thì không thể thành Phật. Nếu muốn thanh tịnh thì không nên ô nhiễm. Ô nhiễm tức là chúng sanh, đó là đạo lý rất rõ ràng. Nhưng cần phải có một vài trợ duyên giúp quý vị thanh tịnh, điều quan trọng là không nên có tâm ích kỷ. Có tâm ích kỷ thì không thể thanh tịnh. Nếu tất cả đều không vì cá nhân, thì sẽ thanh tịnh, vì quý vị không còn lòng tham, lòng sân, lòng nghi, ngã kiến, đó chính là ngộ. Cho nên nói: một niệm ngộ, chúng sanh thành Phật.

Có người hỏi:

–Có phải mọi người đều là Phật?

Ðúng vậy, nhưng cần phải khai ngộ mới được, nếu không khai ngộ thì giống như đoạn trước nói một người dân bình thường, tự xưng là Quốc vương, nếu bị nhà vua thật biết sẽ bắt nó đem nhốt vào ngục, vì người này phao tin nhảm làm mê hoặc dân chúng, muốn tạo phản, cho nên nói: “Trời không có hai mặt nhựt, một nước không có hai vua.”

Cho nên mới biết tất cả vạn pháp vốn từ trong tâm sanh ra, như vậy tại sao không từ trong tâm tu hành? Tự tâm chỉ cần bỏ đi những tâm niệm ô nhiễm, bụi bặm, thì có thể lập tức nhìn thấy Chân như tự tánh.