Hằng Triều – 01/02/1978

Nhiều giá trị như lăng mộ của vua Tut


Vịnh Morro, California …
Một học sinh trung học tên là Dave đã quan sát chúng tôi một lúc lâu rồi đến gặp vào cuối ngày.

“Điều này thật sự tuyệt vời! Con không biết phải nói thế nào, nhưng… à, chúng con có một nhóm mấy người bạn chơi cùng nhau và cùng có một số tâm tư – cố tìm chân lý và vượt qua tất cả những giả dối, các thầy biết không?” Tuy nhiên, chúng con chân thành quan tâm tới những gì mà các thầy đang làm”.

Cậu ta muốn biết thêm thông tin về Phật giáo để chia sẻ với các bạn. Cậu ấy hỏi một câu mà tất cả bọn họ đều băn khoăn:

“Điều gì là cốt tủy của Đạo Phật?”

“Bất cứ ai cũng có thể làm được”

 

Tất cả  chúng sanh đều có Phật tánh

Tất cả đều có thể thành Phật

Chỉ vì vọng tưởng và bám chấp khiến cho họ không thể đắc quả.

Đức Phật Thích Ca

 

Một người đàn ông ăn mặc sang trọng trên đường từ nơi làm việc về nhà. “Tôi nghĩ việc các thầy đang làm thật tuyệt vời. Tôi thực sự tin tưởng vào điều đó”. Anh ta cúng dường và chúc chúng tôi may mắn.

Người phụ nữ: “Tôi thực sự tôn quý cuộc sống của các thầy. Tôi ước là mình có thể làm được điều này”.

Sư: “Bất kỳ ai cũng có thể làm được”.

Người phụ nữ: “Ồ, không… nó đòi hỏi phải thật …thật … điều gì đó thì mới có thể làm được…”

Chồng của người phụ nữ: “Anh đoán là em có thể làm mọi việc một khi em để tâm vào việc đó”.

Người phụ nữ: “Đó là điều then chốt phải không? Quyết chí làm và không bao giờ từ bỏ”.

Kinh Hoa Nghiêm là ở trong tâm của mọi người. Hàng ngày chúng tôi nghe Phật Pháp vi diệu. Mỗi người trên đường chúng tôi đi nói lên chương kinh của riêng họ, theo cách riêng của họ. Những người này đang tụng “Phẩm Thập Hồi Hướng” vốn ở trong tim họ.

 

“… nơi trong mỗi niệm thêm lớn trí huệ, viên mãn phương tiện thiện xảo bất thối, tu hạnh Bồ tát không thôi nghỉ…”
Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm 25 – Thập Hồi Hướng

Vào lúc sáng sớm, những người trẻ tuổi chạy bộ và những người già thì đi bộ nhanh nhẹn thành từng nhóm ba và bốn người. Sáng nào họ cũng làm vậy.

Mọi thứ chỉ là vấn đề về thói quen. Tu Đạo là cố gắng tạo thói quen là “không có thói quen”.

 

“Giác ngộ Pháp Vương pháp chân thật

Trong đó không chấp cũng không lấy

Vô ngại tự tại tâm như vậy

Chưa từng thấy có một pháp sinh”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm 25 – Thập Hồi Hướng.

Do vì bám chấp vào những thứ hư hoại; việc bám giữ làm chúng bị lên men. Tại sao Bồ tát “Chưa từng thấy có một pháp sinh?” Bởi vì pháp thực sự là : Không có gì là cố định cả. Tất cả thay đổi liên tục.

Không bám chấp vào những thứ tiện nghi êm ái, chúng ta không bị đánh bại bởi những thử thách trở ngại hay sợ gian khó. Không bị trói buộc trong niềm vui, chúng ta không chịu khổ trong nỗi đau tột cùng.

Không bám víu sai lầm vào cuộc đời, thì làm sao chúng ta lại có thể sợ chết được? Đó là vì sao có câu rằng, “Chân không diệu hữu (trong cái không rốt ráo thì có cái hiện hữu vi diệu tuyệt vời”.

Chân không (cái không rốt ráo) nghĩa là không bám chấp. Không bám chấp chính là tự do rốt ráo nhất và tự tại. Trong nhiều kiếp trước, Đức Phật còn được gọi là “Tiên nhẫn nhục”, do Ngài tu tới cảnh giới thấy rằng tất cả mọi thứ đều vô thường và không sinh. Đối mặt với nhận biết đó, Ngài đã không sợ hãi. Ngài chỉ mỉm cười kiên nhẫn và chuyển cuộc đời của mình hướng tới “chân thật tánh”. Đức Phật là “ Đấng Pháp Vương”. Vấn đề là thói quen.

Frizt, một kỹ sư của sở cứu hỏa thành phố San Luis dừng lại. Anh ta đã nghe nói về cuộc hành hương này từ những người bạn lính cứu hỏa, những người đã nhìn thấy chúng tôi ở thành phố San Luis. “À, tôi chỉ dừng lại để nói lời chào và muốn nói rằng tôi rất sẵn lòng giúp đỡ các thầy, kiểu như bảo vệ các thầy trong một thời gian,”, Frizt nói. “Tôi lớn lên ở cạnh sa mạc và luôn có cảm giác gần gủi mỗi khi tôi đi ra những vùng có không gian rộng mở và trống trải, tâm trí tôi có chỗ để trải rộng ra. Tôi cảm thấy không hiểu sao chúng ta có nhiều điểm chung nào đó”, anh ta nói.

 

“Trong tất cả thế giới, tâm Bồ tát như hư không, không một chút dính mắc”

Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm 25 – Thập Hồi Hướng.

Biết đủ:

 

Hãy bằng lòng với những gì mình có và đang có, thì không ai có thể tranh đoạt bạn”
Lão Tử
Việc của chúng ta ở đời là biết khổ”
Hòa Thượng Tuyên Hóa. Trích từ “Những lời khuyên răn”

 

Bằng lòng với những gì quý vị có thì gọi là biết đủ. Không biết đủ đến từ việc có quá nhiều, không phải là quá ít. Tôi càng có nhiều thì càng ít thỏa mãn. Đôi khi, dù chỉ một chút cũng quá thừa, và thường thì luôn luôn quá nhiều lại là quá ít ỏi. Đó gọi là “không bao giờ đủ” để mang lại sự thỏa mãn, bởi vì tâm tham giống như một cái hố không đáy. Tôi là người tham lam. Tôi không bao giờ cảm thấy tôi có đủ. Cuộc hành hương này đang dạy cho tôi rằng tôi có tất cả những gì cần thiết để thỏa mãn. Sự mãn nguyện thật sự là không tìm kiếm gì cả, chứ không phải có được những gì đang tìm kiếm.

Một giáo viên tuổi trung niên ngồi lại với chúng tôi trong đám cỏ cao ven đường và kể về cuộc đời mình.

“Thầy có biết cái lúc, thời điểm duy nhất mà tôi đã thực sự hạnh phúc… phải rồi, mãn nguyện… đó là lúc tôi có tất cả những thứ tôi sở hữu và cần thiết trong một cái túi đeo trên lưng và đi bộ khắp đất nước một mình”, anh ta nói.

Có câu rằng,

“Bằng lòng với những gì mình có đó là giàu có”

Lão Tử.

 

Một người đàn ông lớn tuổi hơn trong chiếc xe tải nhỏ dừng lại. Ông ta nói tên mình là Geoge. Ông ta nói luôn về điều này.

“Tôi là người vô thần. Tôi không tin vào bất cứ gì hết. Tôi đã đọc về các thầy và thấy ảnh của các thầy trên các báo, và tôi đã luôn nghĩ đến các thầy trong suốt mấy tuần liền. Tôi không thể nào xóa bỏ hình ảnh của các thầy ra khỏi tâm trí mình”.

“Ồ vậy sao?” Tôi nói.

“Phải, tôi nghĩ mình phải đi ra ngoài và tìm gặp các thầy. Tôi có thể thấy là các thầy khá khác biệt; nếu không tôi sẽ chẳng bận tâm là gì. Ý tôi là các thầy rất giản dị. Các thầy ở ngoài này không vì bản thân mình. Các thầy có biết đây là điều hiếm hoi lắm không !? Có lẽ chỉ có một số rất ít những người như thế này còn lại trên hành tinh đầy rẫy những lộn xộn này, những người thực sự làm để giúp đỡ rất nhiều cho nhân loại!”, George nói.

Ông ta đi bộ theo và nói chuyện khi chúng tôi lạy trên cỏ.

“Các thầy là Phật tử, đúng không?”

“Đúng vậy. Chúng tôi là những nhà sư Phật giáo ở Tu viện Kim Sơn Thánh Tự”. “Điều các thầy đang làm thực sự có giá trị ”, George nhẹ nhàng châm biếm. “ – về việc nhiều giá trị như là lăng mộ của vua Tut! Nó hoàn toàn vô ích! Một sự lãng phí! Hai thầy sẽ thay đổi mọi thứ bằng cách nào?”

Tôi giải thích chúng tôi bắt đầu như thế nào với những điều nhỏ bé và gần tầm tay. Chúng tôi đang cố gắng từ bỏ tính tham lam, sân hận và si mê của chính mình. Nếu thế giới nhỏ của tôi có thể tìm thấy bình yên thì lúc đó sẽ có thêm chừng đó hòa bình cho thế giới rộng lớn. Nếu chúng ta muốn cải thiện thế giới này, chúng ta cần phải bắt đầu bằng cách chỉnh đốn lại tâm trí của chính mình. George chăm chú lắng nghe và đáp lại, “Hmm. Được. Nhưng hãy chứng minh cho tôi thấy. Ý tôi là làm sao mà việc lạy lại có thể làm được cái gì đó?” anh ta một mực hỏi cho rõ. Chúng tôi nói tới nói lui một lúc, rồi tôi nói,

“Sau một lúc, nói chuyện dường như là vô dụng. Ông cần phải thực sự lạy để tìm hiểu xem việc ấy tác dụng như thế nào. Việc này có thể kinh nghiệm được chứ không thể giải thích được”. Tôi kể cho anh ta nghe về những đứa trẻ đã đi ra ngoài đường và chỉ lạy theo để tìm hiểu xem việc đó như thế nào thay vì cứ nói suông thôi.

“Không đâu!”, George ngắt lời. “Tôi sẽ không làm như thế! Không … tôi không thể”.

“Có hàng ngàn cách để tịnh hóa tâm và làm việc tốt. Lạy chỉ là một trong số đó”, tôi cố gắng chỉ cho anh ta thấy.

“À! Thầy chỉ nói cho tôi tên của một thứ mà tôi có thể làm, chỉ nói tên một thứ mà nó có ý nghĩa hay tác dụng. Hãy nói tên một thứ!”, George quát lên, thách thức và hoài nghi.

“Đừng nóng giận”. Những lời nói này nảy ra trong đầu tôi mà không kịp suy nghĩ. “Cho dù có chuyện gì xảy ra, hãy nhân từ, vui vẻ và không bao giờ được tức giận”. Tôi có cảm giác những lời ấy đi ngang qua tôi chứ không phải là từ trong tôi.

George ngừng ngay lập tức và nhìn tôi chăm chăm. Ông ta lần đầu tiên nhìn thẳng vào mặt tôi, nhìn liên tục và chân thành kể từ khi chúng tôi nói chuyện, rồi ông ta chậm rãi nói bằng một giọng bị chế phục.

“Thầy biết đấy, thưa Ngài, suốt 45 năm tôi đã cố gắng kiềm chế tính giận dữ của mình. Đúng rồi đó. Thực sự như vậy! Tôi nhận ra rằng mình chỉ là một gã nhỏ bé và không thể, thậm chí chạm vào tất cả những đau khổ và vấn đề trong thế giới này. Nhưng nếu tôi có thể không trở nên nóng nảy trong mọi lúc … phải, thì sẽ là điều gì đó (có ý nghĩa)”.

George thư giãn và yên lặng đi bộ cùng với chúng tôi. Mặt trời đang lặn. Giao thông giờ cao điểm đã qua.

“Einstein nói rằng, tất cả chúng ta đều có cùng một thể”, George suy tư nói. “Chỉ cần nghĩ rằng, nếu tất cả các “phân tử” của ta lắng dịu lại và không bao giờ tức giận, thì đó hẳn sẽ là một hiệu ứng to lớn lên tất cả nhân loại. Tôi mừng là mình đã dừng lại chỗ này. Thực sự rất mừng. Chúa phù hộ cho các thầy, Chúa phù hộ cho các thầy!”.

Chúng tôi bắt tay, như những người bạn cũ, rồi George lái xe rời đi, ngồi trên chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ cười và vẫy tay chào.

 

“… thấy rõ Pháp giới an lập rộng lớn, hiểu các thế gian và tất cả Pháp đều bình đẳng, không hai, lìa tất cả chấp.

… và rốt ráo, Bồ Tát không có một mảy may niệm sân hận
Kinh Hoa Nghiêm. Phẩm Thập Hồi Hướng thứ 25.

 

Một người phụ nữ lớn tuổi, vừa khóc nho nhỏ vừa đến lại gần. “Cảm ơn các thầy. Cảm ơn các thầy. Mong các thầy nhận cho”, bà ấy nói rôi lấy ra một ít tiền. Mọi thứ toát lên sự chân thật từ bà ấy.

Một gia đình ăn chay cùng tập yoga người địa phương, đã làm một số “thực phẩm thanh tịnh” để cúng dường. “Cảm ơn các thầy”, người mẹ nói. “Có rất nhiều người ăn chay trong khu vực này và cũng rất nhiều người nữa gởi ra rất nhiều ánh sáng và năng lượng cho hành trình của các thầy. Đây là vùng đất thiêng và chúng tôi rất hạnh phúc khi các thầy ghé qua nơi đây”.

Một thanh niên trẻ tên là Steve muốn giúp đỡ chúng tôi nhưng không biết làm thế nào. “Tất cả những gì tôi có là một vài hộp dầu máy xe hơi nằm trong xe của tôi. Các thầy có thể sử dụng dầu này không?”

Thật kỳ lạ. Tôi vừa kiểm tra máy xe hơi. Chiếc Plymouth đang bị khô cạn dầu. Chúng tôi rất cần dầu gấp. Vài giờ sau, Steve tới và cúng dường 3 hộp dầu máy.

 

(Còn tiếp)