English | Vietnamese

 

Phương Cách Hòa Thượng Truyền Dạy Phật Pháp tại Phương Tây

Bài nói chuyện của Tỳ Kheo Ni Thích Hằng Trì vào ngày 11 tháng 12, 2008 tại Phật Điện Vạn Phật Thánh Thành.

Cách đây vài ngày, Tôi ở Tu Viện Kim Phật tại Vancouver và có người đã hỏi tôi: “Sư Cô nghĩ nếu Hòa Thượng chưa bao giờ đến phương Tây thì sẽ như thế nào ? Sẽ ra sao đây?” Tôi nói, “Ai có thể trả lời được câu hỏi như thế này?” Nhưng tôi đã nghĩ theo hướng ngược lại. Chúng ta biết được một số những điều Hòa Thượng đem đến Phương Tây đã tồn tại 40 năm qua. Vì vậy, theo phương pháp loại trừ, chúng ta có thể biết những điều có lẽ không thể có nơi đây nếu như Hòa Thượng không đến phương Tây. Tôi sẽ nói đôi chút về những điều này.
Thứ nhất, vào khoãng năm 1969, Ngài cho phép những người da trắng phương Tây gia nhập đời sống tu sĩ. Đây là sự khởi đầu cho việc thực hiện một trong những mục tiêu của Ngài: có một Tăng đòan Tu Sĩ Phật Giáo tại phương Tây, gồm những người sinh ra ở phương Tây. Ở đây không phải nói rằng những tu sĩ khác đã không đến để làm điều đó. Họ đã làm, nhưng không phải cùng một cách, và không cùng mức độ mà Hòa Thượng đã làm. Năm vị xuất gia đã thọ giới cụ túc vào năm 1969. Không lâu sau đó, lại thêm bốn vị thọ cụ túc giới. Cả hai lần thọ giới đó được thực hiện tại Đài Loan. Lần thứ ba, việc thọ giới được thực hiện ở Tiểu bang California, tuân theo những điều phương tiện được quy định trong Luật tạng liên quan đến những trường hợp ngoại lệ ở các quốc gia phi Phật giáo.
Vì vậy, sau đó chúng tôi có được một nhóm khá đông – hơn mười tu sĩ được Hòa Thượng giảng dạy. Những phương pháp mà Hòa Thượng dành cho những đệ tử xuất gia rất khác biệt so với phương pháp mà Ngài dành cho những cư sĩ tại gia, và vì thế mà nó lại trở nên rất thú vị đối với những cư sĩ nhìn thấy sự năng động của Hòa Thượng khi giảng dạy những đệ tử xuất gia của mình. Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng nó rất thú vị. Do đó những cư sĩ trở nên thích thú, và họ cảm thấy cũng muốn là người xuất gia. Sự hướng dẫn và giảng dạy của Hòa Thượng cho những vị tu sĩ có tầm ảnh hưởng lớn đối với những người phương Tây, và số người bước vào đời sống tu sĩ với sự ủng hộ và cho phép của Hòa Thương đã gia tăng.
Tôi biết rằng Hòa Thượng làm điều này sớm bởi vì bây giờ thường có những hội nghị tu sĩ diễn ra thường xuyên cho những người Tây phương đã trở thành tu sĩ cách đây mười, hai mươi, ba mươi, ba mươi lăm, bốn mươi năm. Chúng tôi tụ tập lại , nói về những niềm vui tuyệt vời cũng như những khó khăn của một tu sĩ Phật giáo phương Tây. Chúng tôi nói chuyện rất thẳng thắn với nhau, và tôi biết Hòa Thượng sớm làm điều này vì hầu như luôn luôn, tôi là người thọ giới luật lâu nhất ở đó, ngay cả trong số những vị Tây Tạng và Nam Tông (Theravadan). Vì vậy, Hòa Thượng đem đến phương Tây một Tăng đoàn từ thuở rất sớm. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể dám nói là – đầu tiên.

Tôi nghĩ điều quan trọng thứ hai có thể không thể xảy đến nếu Hòa Thượng không đến phương Tây là việc ăn chay trong Phật giáo. Ngay từ đầu, từ lúc chúng tôi bước vào cánh cửa Phật Giáo Giảng Đường, chúng tôi đã trở thành người ăn chay, và hầu hết chúng tôi không ăn chay trước đó. Ngay từ đầu, Hòa Thượng nói chuyện rất chi tiết, rất có lý lẽ và đạo lý về lý do tại sao lại là điều tốt khi thành một người ăn chay. Bây giờ tại sao tôi nói điều này thật quan trọng đối với việc Hòa Thượng đến phương Tây? Bởi vì cho đến ngày nay, Phật tử Tây Tạng ăn thịt, Phật giáo Nam Tông ăn thịt, và thậm chí … Tôi xin lỗi phải nói rằng, trong số các nước Phật Giáo Đại Thừa nhiều vị trong Tăng đoàn không giữ một chế độ ăn chay hoàn toàn tinh khiết. Vì vậy, tôi cảm thấy sự đóng góp của Hòa Thượng rất quan trọng khi cho chúng tôi biết về việc ăn chay, vì những lý do: thứ nhất là lòng từ bi; thứ hai là sức khỏe của chúng ta, thứ ba là sức khỏe của thế giới … của hành tinh này, và cuối cùng chắc chắn không kém phần quan trọng là sự tạo nghiệp do chúng ta gây ra với những chúng sanh khi chúng ta ăn thịt chúng.
Hiếm khi nào quý vị nghe Hòa Thượng chỉ trích các thành viên của bất kỳ truyền thống Phật giáo về việc không giữ hoàn toàn chay tịnh. Đó không phải là cách của Ngài, ít nhất trong kinh nghiệm của tôi. Cách của Ngài là để tiếp tục xiển dương những điểm tốt của việc ăn chay.
Tôi nghĩ rằng điều tiếp theo mà Hòa Thượng đã làm rất sớm ở phương Tây là giám sát việc phiên dịch kinh điển Phật giáo sang tiếng Anh. Thật không phải dễ dàng cho Ngài để đạt được điều này, bởi vì lúc bấy giờ Ngài chỉ có những đệ tử phương Tây. Ngài chưa có những đệ tử trẻ, năng động châu Á để giúp phiên dịch, không giống như bây giờ, nơi mà quý vị ngồi xuống để dịch, và quý vị có những người thành thạo tiếng Anh cùng làm việc chung với những người thành thạo tiếng Hoa. Kết quả chắc chắn là tốt hơn hàng trăm lần so với những gì chúng ta đã làm lúc trước, vì chúng tôi đã khiếm khuyết do thiếu kiến thức về tiếng Hoa. Nhưng tôi nghĩ những gì Hòa Thượng đã tặng chúng tôi là món quà của sự không sợ hãi. Ngài bảo chúng tôi hãy can đảm tiến lên phía trước, cứ làm những gì mà Ngài muốn chúng tôi làm và không phải lo lắng. Ngài khuyến khích và nói với chúng tôi: “Đừng lo lắng về nó … quý vị cứ cố gắng hết sức! Quý vị cứ việc dịch và xuất bản, và ít ra …” – điều này là cách đây bốn mươi năm – “Nó sẽ cho những người phương Tây một vài khái niệm về những gì Kinh Lăng Nghiêm hoặc kinh Pháp Hoa nói đến. Đừng lo lắng về nó vì sẽ có người nối tiếp … “- tất nhiên, những người nối tiếp đó chính là quý vị, những người ở đây – “Họ biết và giỏi hơn rất nhiều về những khả năng ngôn ngữ do đó họ sẽ dịch lại các kinh điển, các bài giảng giải và sẽ được xuất bản lại: những phiên bản lần hai, lần ba, và lần thứ tư. Vì vậy, quý vị không phải lo lắng về việc lần đầu tiên làm nếu nó không được hoàn hảo “.

Ngài cũng khuyến khích và nói với chúng tôi: “Không sao! Đừng lo lắng về việc xuất bản, chỉ cần dịch. Dịch và đặt nó ở đó trên kệ sách của quý vị, và sau đó cứ để nó ở đó, và đừng lo lắng về nó, và rồi một ngày nào đó…30, 40, 50 năm sau, ai đó sẽ tìm thấy nó trên kệ sách của quý vị và họ sẽ nói rằng: “Ồ! Đây là một kho báu thực sự! Chúng tôi không có những cái này bằng tiếng Anh! Và họ sẽ hạnh phúc khi tìm thấy nó “Tất nhiên, một phần Ngài nói với chúng tôi là để giúp chúng tôi với cái ngã của chính mình. Ngài không muốn chúng tôi chạy theo cái ngã với những suy nghĩ như: “Oh! Hãy nhìn tôi đây, tôi đang dịch tiếng Trung Hoa cổ… một văn bản kinh điển Phật giáo! “Vì vậy mà Ngài đã thật rất cẩn thận làm thế nào để cố gắng giữ cho chúng ta khiêm nhường. Ngài đã làm hết sức mình.

Hòa Thượng để cho những bản dịch ít hoàn hảo hơn của chúng tôi thông qua tiến trình Bốn Ban của BTTS (Ban Phiên Dịch Kinh Điển Phật Giáo) được xuấn bản từ rất sớm, có nghĩa là những sách của BTTS xuất bản, những văn bản kinh điển với những giảng giải, đã có từ thập niên 70s. Liệu chúng có được chính xác không? Không đâu , chúng không chính xác. Chúng tôi đã không dịch đúng chữ, đúng câu, nhiều lần chúng tôi bỏ mất nghĩa, có những thành ngữ mà chúng tôi đã không bận tâm cố gắng dịch bởi vì chúng tôi không biết nghĩa của chúng. Tuy nhiên, Ngài khuyến khích chúng tôi: “Không sao, miễn sao quý vị hiểu, hãy cứ việc xuất bản và sau này mọi người có thể làm tốt hơn.” Và chúng tôi đã bị phê bình rất nhiều. Từ trước tới nay, và mặc dù chúng tôi xuất bản nhiều, chúng tôi không biết làm thế nào để phân phối phát hành, vì vậy mà Hòa Thượng đã không được biết đến rộng rãi thông qua những bản dịch tiếng Anh ban đầu.
Sự thiếu chuyên môn trong việc phát hành có lẽ là một lời phê bình chính đáng, nhưng mặt khác, có những người ở đây, và các nơi khác tại các chi nhánh của chúng ta, những người mà bằng cách nào đó tình cờ biết một trong những quyển sách của chúng ta rồi đọc một ít và nhận ra Hòa Thượng là một nhân vật xuất chúng như thế nào và lối giảng giải của Ngài thật dễ hiểu cho chúng ta, những người không biết về Phật giáo. Và như vậy quý vị có thể nói, đúng, chúng ta vẫn chưa phát hành rộng rãi, nhưng nếu chúng ta phân phát được vào trong trái tim của một người, và người đó đến, muốn tìm hiểu thêm, như thế là có được một ít thành công trong đó.

Một điều khác là chúng ta mang tính quốc tế. Trong số chúng ta là người Mã Lai, Việt Nam, những người từ Trung Hoa đại lục, người Gia Nã Đại, Đài Loan, Hương Cảng, và người Mỹ. Và như vậy khi người Tây phương đến đây, thật là thoải mái vì có tất cả đủ loại người dân ở đây. Thông thường khi Phật giáo vào nền văn hóa phương Tây, một hiện tượng được gọi là Phật giáo chủng tộc xảy ra. Đó là khi người Thái đến và xây dựng một ngôi chùa Thái Lan, và họ nói tiếng Thái, đọc tiếng Thái, và xướng tụng bằng tiếng Thái. Hoặc những người Trung Hoa đến và xây dựng một ngôi chùa Trung Hoa và họ nói tiếng Trung Hoa, xướng tụng bằng tiếng Trung Hoa. Hoặc người Việt Nam xây dựng ngôi chùa của họ và họ nói tiếng Việt. Thế chúng tôi những người Tây phương thì sao?

Những nhóm Phật giáo chủng tộc ở đây tại phương Tây, và liệu những người Tây phương sẽ thích hợp ở đâu? Tôi thậm chí nhìn thấy hiện tượng này đôi khi ngay trong những chi nhánh của chúng ta . Tôi ghé thăm các chi nhánh của chúng ta và đôi khi chỉ toàn là người châu Á. Tôi không hề chỉ trích. Tôi chỉ nói sự thật!

Một người Tây phương đến cửa, và tất cả những người Hoa bắt đầu nói chuyện với nhau rằng: “Các vị nên coi chừng anh ta, anh ta có thể ăn cắp cái gì đó. Tốt hơn hết là nhờ ai đó theo dõi anh ta. Tôi tự hỏi anh ta đến đây để làm gì chứ ? Đừng để cho anh ta làm những người phụ nữ chúng ta sợ hãi … ” những khách thăm viếng người Tây phương này không cần phải hiểu được ngôn ngữ để biết rằng họ đang bị phán xét. Tôi muốn nói có làn sóng cảm nhận ở đó. Vì vậy, tôi hy vọng rằng Vạn Phật Thánh Thành sẽ vẫn duy trì tính chất quốc tế, và tất cả các chi nhánh của chúng ta sẽ làm theo kiểu mẫu như thế, để người phương Tây sẽ cảm thấy được hoan nghênh. Như vậy việc Hòa Thượng đến phương Tây và mang Phật Pháp sẽ bén rễ và có kết quả tốt đẹp.