English|Vietnamese

Tối Thứ Tư, Ngày 8 Tháng 5, 1974

Về Sự Quen Thuộc Với Những Đạo Lý Trong Kinh Điển

Hòa Thượng Tuyên Hóa


[Ghi chú của chủ bút: Hoà Thượng kể về chuyến đi sang Châu Á.] Khi trở lại Đài Loan tôi đã giảng “Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện”. Khi đến đoạn mô tả Đức Phật “Lột da làm giấy, chẻ xương làm bút và lấy máu làm mực” để chép lại Kinh Hoa Nghiêm chất cao như núi Tu Di, tôi hỏi họ có bất cứ câu hỏi nào để thảo luận vào lúc đó không. Có ai trong quý vị có câu hỏi về đoạn này không? Tôi đã giải thích đoạn này trước đó rồi và bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của quý vị ? Quý vị nghĩ gì về điều đó ?

Lão cư sĩ Mã ở Đài Loan, tuy đã 80 nhưng giọng nói vẫn còn rất vang, có hỏi về đoạn này. Tôi sẽ không giải thích câu trả lời cho đến khi quý vị cho tôi biết là sẽ trả lời câu hỏi ông ấy như thế nào. [Ghi chú của Chủ bút: Nhiều đệ tử thảo luận về đoạn văn trong câu hỏi]

Tất cả quý vị đều có ý kiến riêng của mình, giống như những người mù sờ vào những bộ phân khác nhau trên cơ thể con voi và mỗi người đều tự rút ra những kết luận về hình tướng con voi tùy theo cảm nhận khi sờ chân, vòi hay và là bụng của voi. Đây là một cách tuyệt hảo để nghiên cứu đạo lý. Mỗi người nên vận dụng trí tuệ và bày tỏ ý kiến của mình cho mọi người cùng nhau xem xét.

Tuy nhiên vào lúc đó tôi không có nhiều người để cùng nghiên cứu về câu hỏi này, cho nên tôi tự trả lời. Tôi nói: Trước tiên Đức Phật đã nói như là một giả thuyết, giả sử rằng có người phát đại tâm nguyện và dùng xương của mình để làm bút. Người đó có thể dùng vật liệu khác để làm bút nhưng tại sao người đó lại dùng xương, một thứ mà thông thường không được dùng để làm ra bút. Điều đó thể hiện sự chân thành của anh ta. Và tại sao lại dùng da để làm giấy thay vì dùng những thứ vật liệu khác? Đó cũng thể hiện lòng nhiệt thành của người đó đối với kinh điển. Dùng máu để viết kinh cũng là một cách khác để minh chứng cho sự chân thành đó, khiến cho người đó không thấy đau đớn, khổ sở và khó nhọc gì cả. Tuy xương không thể làm ra bút được nhưng người đó đã làm điều đó. Da về cơ bản thì cũng không thể dùng làm giấy nhưng người đó cũng đã làm. Máu không dùng để làm mực, nhưng người đó dùng máu làm mực. Người đó thực hành khổ hạnh mà không một ai có thể làm được. Kinh văn nói là “XƯƠNG”,nhưng không có nghĩa là người đó dùng tất cả xương trên cơ thể của mình. Vừa rồi có một vị đệ tử nói chỉ cần chặt một ngón tay là đủ. Nói rất đúng. Cây bút được làm từ xương của một ngón tay có thể viết được nhiều chữ. Còn về da, người đó không lột hết da trên người để làm giấy. Có lẽ người đó chỉ lột da từ một cánh tay hay cái chân mà thôi. Vì người đó có hai tay và hai chân, người đó có thể lột da bốn lần khác nhau, lúc thì chỗ này lúc chỗ khác. Sau khi lột da ra, vết thương sẽ dần dần lành lại. Khi lột da, tự nhiên máu sẽ chảy. Máu này có thể dùng làm mực để viết Kinh. Vậy, người ta không thể chết được. Đây chỉ là giả thuyết thôi, nhưng nếu thật sự có người làm việc đó, người ấy sẽ không chết, vì không sử dụng hết da, máu và xương trên cơ thể.

Lão cư sĩ Mã đồng ý lời giải thích của tôi. Tôi nói đây chỉ là một trường hợp giả định chứ trên thực tế không có một người như vậy. Kinh đưa ra đạo lý này để khuyến khích mọi người phát tâm bồ đề với sự suy nghĩ “Có người đã lấy xương làm bút, lấy da làm giấy và máu làm mực. Nếu người đó có thể trải qua đau đớn đến thế, vậy chúng ta thì sao?” Suy nghĩ này khích lệ họ phát tâm bồ đề.

Tôi cho ông ấy một giải thích khác: Có thể có ba người anh em cùng nhau thực hiện những việc đã đề cập trong kinh. Có lẽ người anh cả đề nghị dùng xương mình làm bút, người anh thứ nhì lột da làm giấy và người em út thì nói : “Tốt, em sẽ dùng máu của mình”. Không những ba anh em họ không chết mà họ có thể cùng nhau hợp tác như thế từ đời nay qua đời khác.

Đây cũng tương tự như hai vị thầy từ chùa Kim Sơn Thánh Tự thưc hiện “Ba bước một lạy”. Một vị lạy mỗi ba bước, còn vị kia kéo theo chiếc xe đẩy đi trước chừng trăm thước và lạy tại chỗ. Họ làm việc như một đội ngũ, chứ không phải là một vị chỉ chở đồ mà không lạy và chỉ là chờ vị kia lạy thôi.

Theo tình cảnh được đề cập trong kinh văn, nếu có nhiều người cùng nhau hợp tác thực hiện công việc này, thì làm thế nào họ có thể chết được? Họ sẽ không có nguy cơ tử vong. Nếu đây là giả thuyết và trên thực tế không có người nào như thế cả thì ai sẽ chết đây? Nếu một người chỉ sử dụng một phần nhỏ cơ thể của mình thì người đó sẽ không chết. Hơn nữa, nếu có ba người cùng thực hiện công việc với nhau, họ cũng không chết được

Khi Lão Cư Sĩ Mã nghe tôi giải thích, mọi sự nghi ngờ đều biến mất và ông rất vui mừng. Ông nói: “Khi tôi nghe về đạo lý này trong Kinh lần đầu tiên, cả đêm tôi không thể chợp mắt được. Tôi tự hỏi ‘Làm sao lại có thể là như thế được này?’. Bây giờ tôi có thể ngủ khi về đến nhà.”

Quý vị không nên xem thường những đạo lý được thảo luận hôm nay và cho rằng đây là một câu hỏi tầm thường. Chúng ta nên quen thuôc với những đạo lý trong mỗi đoạn kinh của Đức Phật . Quý vị không thể không trả lời được khi có người đưa câ hỏi ra để thảo luận. Nếu như quý vị học tập thường xuyên thì có thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì khi nó nảy sinh, như là một lưởi dao sắc bén cắt qua đuợc mọi thứ.


Dịch từ sách “Timely Teachings”, trang 102