Bài nói chuyện của Sư Cô Hằng Tín trong bữa ăn trưa vào ngày January 29, 2009 tại Kim Phật Thánh Tự

Bản dịch Anh ngữ của Sa di ni Cận Kinh
Trích từ báo Vajra Bodhi Sea, số 469, tháng sáu 2009 trang 40-43

Kính thưa quý vị Pháp Sư và cư sĩ.

Xin quý vị hãy nhìn xem mấy câu kệ treo trong Trai Đường. Đây là những câu mà tất cả các đạo tràng chi nhánh của Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới đều tụng đọc vào buổi sáng và buổi tối, câu “Ngày ăn một bữa” (Nhật trung nhất thực) và “Luôn mặc áo giới” (Y bất ly thân) không được viết ra ở đây. Đó là vì cả hai quy cũ này chỉ áp dụng cho người xuất gia. Có ai biết lý do tại sao Hòa Thượng yêu cầu chúng ta làm điều này không?

Về câu “Luôn mặc áo giới” chính yếu là do một chuyện xảy ra vào năm 1992. Tôi đã đủ “may mắn” để chứng kiến toàn bộ hoàn cảnh từ đầu đến cuối. Câu chuyện khởi đầu do một vị Thiền Sư từ Trung Hoa. Khi vị Thiền sư này đến Vạn Phật Thánh Thành, Hòa Thượng đã để vị Thiền sư này dạy chúng tôi cách ngồi thiền. Điều trùng hợp là trong thời gian này Hòa Thượng phải đi ra nước ngoài. Vì vậy, vị Thiền sư này hướng dẫn chúng tôi trong suốt thời gian khóa thiền. Hòa Thượng biểu chúng tôi lắng nghe và làm theo hướng dẫn của vị Thiền sư này. Sau khi Hòa thượng rời đi, vị Thiền sư này áp dụng một số quy củ dùng trong Thiền đường tại Trung Hoa vào khóa thiền đang được tổ chức tại Vạn Phật Thánh Thành. Một trong số các quy củ là không mặc áo giới. Điều này có nghĩa là khi ngồi thiền, chúng tôi sẽ cởi áo giới ra và treo lên phía sau chúng tôi. Khi đến khoảng mười hai giờ nửa đêm, chúng tôi được phục vụ bánh bao. Giờ giấc khóa thiền là từ 4 giờ sáng đến 12 giờ khuya.

Sau khi xong một ngày, là có bánh bao và thức tráng miệng cho chúng tôi. Trong quá khứ, các Thiền viện ở Trung Hoa cũng có phục vụ bánh bao dầu mè, kẹo và hạt đậu. Truyền thống này không phải do vị Thiền sư này phát minh ra. Vị Thiền sư này chỉ sao chép lại truyền thống đó và biểu chúng tôi tại Vạn Phật Thánh Thành làm theo, vị Thiền sư này nghĩ rằng ông đang dạy Thiền cho chúng tôi. Chúng tôi cũng bị đánh mạnh bằng cây bảng hương. Hễ chúng tôi ngủ gục là bị đánh.

Vì vậy, một số người xuất gia đã nghe lời hướng dẫn của vị Thiền sư này, đã cởi áo giới và treo phía sau. Khi đến nửa đêm, họ dùng bánh bao và thức tráng miệng. Tuy nhiên, tôi không cởi áo giới và không dùng bánh bao vì tôi không bao giờ nghĩ rằng Hòa Thượng đồng ý với cách làm của vị Thiền sư này. Vào lúc đó, tôi đã sống ở Vạn Phật Thánh Thành được vài năm. Tôi đã từng bị nhiều hoàn cảnh “đánh lừa” và vì vậy lúc đó tôi đã thông minh hơn. Tôi biết Hòa Thượng sẽ không ủng hộ cách làm của vị Thiền sư đó. (Nhận xét của Pháp Sư Hằng Trung: Chúng tôi chỉ có bánh bao và sữa đậu nành. Bởi vì tất cả mọi người đều bận rộn nên nhà bếp chỉ có thể cung cấp hai thứ này mà thôi!).

Vì vậy, khi ngồi Thiền, mọi người sẽ cởi áo giới và sau đó uống sữa đậu nành vào lúc nữa đêm 12 giờ khuya. Tu viện sẽ cho những thiền giả nhiều thứ để ăn như kẹo và đậu phụng và nói rằng: “Ồ, quý vị đã dụng công quá nhiều!” Sau đó, mọi người sẽ ăn những gì đã được cung cấp. Nhưng vị Thiền sư này đã không làm điều này với chúng tôi và các cư sĩ cũng không cho chúng tôi kẹo và đậu phụng. Những cư sĩ hộ pháp của Hòa Thượng đã không dám làm những điều như vậy! Vì vậy, không có ai cho chúng tôi bất cứ thứ gì để ăn, nhưng vào nữa đêm thì có bánh bao và sữa đậu nành. Tôi biết về việc này sau đó. Tôi không đi ăn bánh bao hay sữa đậu nành và đã “bám chặt” vào áo giới. Trong những lần khác, tôi có thể không luôn mặc áo giới , nhưng vào thời điểm đó, tôi không dám cởi áo giới và đã không đi ăn vặt nửa đêm. Tôi cũng đã không đi dự giờ thiền cuối cùng chấm dứt lúc nửa đêm vì tôi chỉ có thể chịu đến khoảng 10 giờ tối mà thôi, sau đó tôi đi về phòng mình. Tôi đã bị đánh bằng bảng hương quá nhiều và vai tôi vẫn lúc đó vẫn đang đau nhức. Vì vậy, cho dù người khác có đi ăn thêm hay không, tôi cũng không biết chút nào. Về việc họ ăn ở đâu, tôi cũng không biết gì cả. Về sau, chuyện này được phơi bày ra và sự việc sáng tỏ. Hòa Thượng biểu chúng tôi đếm những người ăn bánh bao và cởi áo giới. Tất cả những người đó đã bị báo cáo. Tôi không thể làm gì khác mà phải thực hiện theo yêu cầu. Sau khi báo cáo, tôi không biết là Hòa Thượng có quan tâm đến vấn đề này hay không.

Chúng tôi chẳng biết gì nhiều khi Hòa Thượng sau khi trở về Vạn Phật Thánh Thành đi vào Diệu Ngữ Đường lại mang một khăn che mặt màu đen . Chúng tôi thường niệm danh hiệu Phật và chờ Hòa Thượng tại Diệu Ngữ Đường khi ngài sắp nói Pháp cho chúng tôi. Vừa khi ngài ngồi trên pháp tòa, tất cả mọi người đã rất ngạc nhiên và có người chỉ khóc ngất. Tại sao tôi nói như vậy? Một Sư Cô ngồi cạnh tôi bắt đầu cười lớn tiếng. Tôi nghĩ, “Thật kỳ lạ! Cô ta bị gì vậy? Cô ta không thể cười như thế cho dù trong hoàn cảnh kỳ cục và khác thường này.” Sau đó, tôi mới biết thật ra cô đang khóc khi tôi thấy cô lau nước mắt!

Screen Shot 2016-04-19 at 1.15.01 PM

Một người đã lên pháp tòa để tháo khăn che mặt của Hòa Thượng. Nhưng Hòa Thượng lại giơ cây gậy lên và đánh người đó. Một người khác chạy lên cố gắng giúp giải quyết và bị Hòa Thượng đuổi phăng đi, ông ta phải chui qua lan can chạy trốn. A! Như quý vị có thể thấy, lúc đó có đủ loại hành vi kỳ lạ. Tình hình khá  lộn xộn!

Hòa Thượng nói rằng: “Tôi không còn mặt mũi để trở lại Vạn Phật Thánh Thành. Tôi không bao giờ trở về lại. Quý vị đã thay đổi tất cả các quy tắc tôi thiết lập chỉ trong vòng vài phút trong một đêm. Tôi đã chuẩn bị năm cái khăn che mặt năm màu: đen, đỏ, xanh dương, xanh lá cây và màu vàng. Tôi sẽ tuần tự mang khăn che mặt màu khác nhau.” Vào lúc đó, Hòa Thượng và Giáo sư Richard Dương đã đóng “màn kịch hai người”. Khi Giáo sư Richard Dương đi vào, ông nói: “Quý vị có biết người này là ai không?” Lúc đó Hòa Thượng đã đeo khăn che mặt. Ông nói tiếp : “Đây là Sư Phụ của quý vị! Tại sao ngài che mặt ?” Giáo sư Richard Dương cứ tiếp tục nói như thế lúc đứng bên cạnh Hòa Thượng.

Do vậy, vị Thiền Sư hướng dẫn chúng tôi tọa Thiền đương nhiên rất lúng túng. Ông tiến lên cúi đầu đảnh lễ và xin lỗi Hòa Thượng, rồi phân trần rằng những việc ông ta làm chẳng qua là tuân chiếu theo các quy củ của Thiền Đường ở Trung Hoa thời xưa; xưa nay đều là như vậy cả, mà ông chỉ cho ăn một bữa lúc nửa đêm, chứ vẫn chưa cho ăn ban ngày! Ông còn chưa hoàn toàn y chiếu theo các quy củ của tiền nhân mà làm nữa kìa! Nếu tiền nhân biết được, e rằng ông còn bị trách cứ nữa! Như vậy, chúng tôi còn có thể nói gì khác ?

Từ đó về sau, Hòa Thượng mỗi ngày đều khiển trách chúng tôi. Cuối cùng, Ngài quy định là mỗi ngày, trong thời tụng kinh sáng và tối, chúng tôi đều phải tụng niệm những câu kệ dán trên tường này, và còn phải niệm: “Hãy tự hỏi mình có phải là ăn ngày một bữa hay không, có phải giới y không rời thân hay không ? Đây là gia phong của Vạn Phật Thánh Thành, bất cứ ai cũng không  được sửa đổi những điều này.”

Chúng ta có thể nói rằng sự việc này đã dạy cho chúng ta những gì không nên làm. Do những gì đã xảy ra, Hòa Thượng đã biểu chúng ta tụng những câu kệ này một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Điều này cũng tương tự với cách Đức Phật thiết lập giới luật cho Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Ban đầu thì không có giới luật. Về sau, khi các đệ tử phạm lỗi, Ðức Phật mới lập ra các giới luật này. Nếu Ðức Phật lập ra các giới luật trước khi có người phạm sai lầm, thì các đệ tử sẽ không tuân theo. Hòa Thượng muốn chúng ta nhớ thật rõ ràng và kỹ càng rằng chúng ta không thể rời xa áo giới và chúng ta ngày chỉ ăn một bữa. Khi mọi người rời xa hai quy củ này, ngài biểu chúng ta tụng niệm những điều này một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Bằng cách này, các đệ tử sẽ không có gì để nói chống lại việc này.

Đó có phải là vị Pháp Sư duy nhất đến Vạn Phật Thánh Thành để “giáo hóa” chúng ta không?  Không! Ông không phải là người đầu tiên đã dạy cho chúng ta theo cách này. Khi Hòa Thượng còn sống, ngài đã để nhiều tu sĩ và cư sĩ đến Vạn Phật Thánh Thành và yêu cầu chúng ta học hỏi những ưu điểm của họ. Tuy nhiên, tất cả họ đều có vấn đề và rời bỏ đi. Có những đệ tử đã hỏi Hòa Thượng: “Ngài biết rất rõ ràng rằng người này là không đúng, tại sao ngài lại để ông ta đến để dạy chúng con ?” Hòa Thượng trả lời: “Điều này là để đào tạo quý vị có Trạch Pháp Nhãn (con mắt biết lựa chọn Pháp)”.

Trong thực tế, Hòa Thượng đã biết trước những gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên ngài vẫn cho họ đến và cho chúng ta kinh nghiệm trực tiếp này để có một ấn tượng sâu sắc. Điều này rất đúng. Đã có một số sự việc không thể nào quên được !!!

Nếu quý vị nghe người khác nói rằng họ trước đây từng sống ở Vạn Phật Thánh Thành và rằng Hòa Thượng đã truyền Pháp cho họ, rằng họ từng giữ chức vụ như thế này thế kia, rằng họ là một vị Thầy Thủ Tọa (đứng đầu), hoặc là Hòa Thượng đã truyền Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cho họ, quý vị đừng lưu tâm hay lắng nghe những điều này. Có thể rằng khi họ mới đếnVạn Phật Thánh Thành, Hòa Thượng đã để họ thuyết Pháp, nhưng quý vị phải hiểu rằng tất cả bốn chúng đệ tử đều phải học thuyết Pháp. Đó là một trong những quy củ của Vạn Phật Thánh Thành. Tuy nhiên, họ có lẽ không đề cập một lời nào về việc thế nào hay tại sao họ cuối cùng đã rời bỏ đi. Tôi muốn đưa việc này ra vì nhiều người đã đến hỏi tôi. Vì vậy, tôi muốn nhân cơ hội này để làm sáng tỏ tình hình. Ngoài ra, sau khi Vạn Phật Thánh Thành được thành lập, Hòa Thượng không bao giờ lập ra vị trí “Thầy Thủ Tọa” trong bất cứ tu viện chi nhánh nào của ngái. Tất cả các đệ tử của ngài được chia thành phía Nam và phía Nữ. Chúng ta sắp hàng theo thứ tự thọ giới, ngoại trừ Thầy Phương Trượng, là người đứng chánh giữa Phật Điện.

Thêm nữa, còn có Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. Hòa thượng đã nói với Thầy Phương Trượng của Vạn Phật Thánh Thành: “Con phải truyền Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn cho các thế hệ kế tiếp tại trước tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trong Vạn Phật Điện tại Vạn Phật Thánh Thành.” (*). Có một số người nói: “Chúng tôi nên làm như thế nào ? Chúng tôi không thể đi đến Vạn Phật Thánh Thành bây giờ. Nếu như vậy chúng tôi không thể học Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn hay sao ?” Tôi thật sự không thể trả lời câu hỏi này. Hòa Thượng không đề cập đến vấn đề này và các đệ tử cũng đã không hỏi về việc này.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi Hòa Thượng nói rằng các đệ tử của ngài giống như những khúc gỗ. Đúng như vậy! Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng thà là giống khúc gỗ mà tốt hơn. Tại sao? Mặc dù các đệ tử không biết làm thế nào để được uyển chuyển theo hoàn cảnh, nhưng ít nhất là các quy củ và Pháp truyền lại từ Hòa Thượng sẽ được tiếp tục mà không bị mất đi hình thức ban đầu. Nếu chúng ta, không có chút trí tuệ nào, lại trở nên uyển chuyển và thích ứng về các quy củ và Pháp, thì thật khó tưởng tượng sau đó Pháp sẽ biến dạng và trở nên như thế nào!

 

Ghi chú của ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(*)  Xin xem thêm http://www.drbachinese.org/vbs/publish/469/vbs469p023.pdf http://www.dharmasite.net/VanChungNhatTamVanPhatThanh.htm : Nguyên văn Hoa ngữ:「四十二手眼法門不要斷了,要繼續傳下去,要在(萬佛聖城)觀音殿的千手千眼觀世音菩薩像前傳。」- “Tứ thập nhị thủ nhãn pháp môn bất yếu đoạn liễu, yếu kế tục truyền hạ khứ, yếu tại (Vạn Phật Thánh Thành) Quán Âm Điện đích Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát tượng tiền truyền. “