三十三世牛頭智巖禪師

Tam thập tam thế Ngưu Đầu Trí Nham Thiền Sư

Thiền sư Ngưu Đầu Trí Nham tổ thứ 33

 

Phiên bản pdf: Tam thập tam thế Ngưu Đầu Trí Nham Thiền Sư

Nguyên văn:

師,曲陽華氏子。弱冠,智勇過人,身長七尺六寸。隋大業中,為郎將,累立戰功。唐武德中,年四十,入舒州皖公山,從寶月禪師出家。一日晏坐,睹異僧,長丈餘,謂師曰:「卿八十生出家,宜加精進。」言畢不見。穀中入定,山水暴漲。復參融禪師,發明大事。融謂師曰:「吾受信大師真訣,所得都亡。設有一法勝過涅盤,吾說亦如夢幻。夫一塵飛而翳天,一芥墮而覆地。汝今過此,吾復何雲?」儀鳳二年正月十日,示寂。

贊曰:

八十世僧 深谷危坐 塵沙劫來 不是這箇
融師撥轉 順風帆柁 萬古千秋 高風不墮

或說偈曰:宣公上人作

智勇雙全立戰功 七尺六寸大英雄
靜睹異僧示宿命 動觀萬物了真空
道信嫡傳心印法 德者親授妙神通
實相無相離諸相 歸去來兮仰高風

Âm Hán Việt:

Sư, Khúc Dương Hoa thị tử. Nhược quan, Trí Dũng Quá nhân, thân trưởng thất xích lục thốn. Tùy Đại Nghiệp trung, vi lang tướng, lũy lập chiến công. Đường Vũ Đức trung, niên tứ thập, nhập thư châu Hoãn Công sơn, tùng Bảo Nguyệt thiền sư xuất gia. Nhất nhật yến tọa, đổ dị tăng, trường trượng dư, vị sư viết: “khanh bát thập sinh xuất gia, nghi gia tinh tấn”. Ngôn tất bất kiến. Cốc trung nhập định, sơn thủy bạo trướng. Phức Tham Dung thiền sư, phát minh đại sự. Dung vị sư viết: “ngô thọ Tín đại sư chân quyết, sở đắc đô vong. Thiết hữu nhất pháp thắng quá Niết bàn, ngô thuyết diệc như mộng huyễn. Phù nhất trần phi nhi ế thiên, nhất giới đọa nhi phúc địa. Nhữ kim quá thử, ngô phức hà vân? Nghi Phụng nhị niên chánh nguyệt thập nhật, thị tịch”.

Tán viết:

Bát thập thế tăng

Thâm cốc nguy tọa

Trần sa kiếp lai

Bất thị giá cá

Dung sư bát chuyển

Thuận phong phàm đà

Vạn cổ thiên thu

Cao phong bất đọa.

Hoặc thuyết kệ viết: Tuyên công Thượng nhân tác

Trí dũng song toàn lập chiến công

Thất xích lục thốn đại anh hùng

Tĩnh đổ dị tăng thị túc mệnh

Động quán vạn vật liễu chân không

Đạo Tín đích truyền tâm ấn pháp

Đức giả thân thọ diệu thần thông

Thật tướng vô tướng ly chư tướng

Quy khứ lai hề ngưỡng cao phong.

Dịch:

Thiền sư Trí Nham họ Hoa, người Khúc Dương. Năm 20 tuổi trí tuệ và lòng dũng khí của ngài đã vượt bội mọi người. Ngài thân cao 7 thước 6. Vào đời nhà Tùy năm Đại Nghiệp, ngài vốn là một lang tướng, đã lập được nhiều chiến công. Đến đời nhà Đường năm Vũ Đức, ngài được 40 tuổi, bèn đi đến núi Hoãn Công thuộc huyện Thư Châu xin theo Thiền sư Bảo Nguyệt xuất gia tu học. Một hôm đang lúc ngồi tĩnh tọa, bỗng ngài trông thấy một vị Hòa thượng rất kỳ lạ, thân cao hơn một trượng, đến nói với ngài rằng: “ông đã xuất gia trong suốt 80 kiếp rồi, nay phải nên tinh tấn”. Nói xong Hòa thượng liền biến mất. Thiền sư Trí Nham ngồi nhập định trong động, nước trong núi bỗng dâng cao. Sau đó, ngài lại tìm đến tham bái Thiền sư Pháp Dung và đã phát minh được việc lớn. Thiền sư Pháp Dung nói với ngài rằng: “ta được Tổ Đạo Tín truyền trao diệu pháp, tất cả chỗ chứng đắc đều phải buông bỏ. Nếu có pháp nào vượt qua Niết bàn, ta đều nói đó chẳng khác nào mộng huyễn. Một hạt bụi bay trên hư không có thể che lấp bầu trời, một hạt cải rơi xuống có thể bao phủ mặt đất. Nay nếu ông vượt qua những thứ ấy, ta còn nói gì nữa?” Thế rồi mùng 10 tháng giêng năm Nghi Phụng thứ 2, Thiền sư viên tịch.

Bài tán nói:

Tám mươi đời tăng

An tọa hang sâu

Từ vô số kiếp

Công phu sai lầm

Pháp Dung chuyển đổi

Xuôi buồm thuận gió

Muôn đời còn mãi

Đạo phong bất thối.

Hoặc nói bài kệ rằng:

Trí dũng song toàn lập chiến công

Bậc anh hùng cao hơn bảy thước

Quán thấy dị tăng nói túc mạng

Thấu suốt vạn vật tính chân không

Đạo Tín tương truyền pháp tâm ấn

Thánh giả giáo huấn diệu thần thông

Thật tướng vô tướng lìa các tướng

Đến đi thị hiện ngưỡng phẩm đức.

Giảng:

Thiền sư Trí Nham, vị tổ đời thứ 33, ngài là chi nhánh của phái Ngưu Đầu.

Sư, Khúc Dương Hoa thị tử: Thiền sư Trí Nham họ Hoa, là người huyện Khúc Dương. Nhược quan, trí dũng quá nhân: năm 20 tuổi mà trí tuệ của ngài đã vượt bực hơn người, lại thêm dũng khí. Thân trưởng thất xích lục thốn: ngài thân cao 7 thước 6 tấc.

Tùy Đại Nghiệp trung, vi lang tướng, lũy lập chiến công: vào đời Tùy, năm Đại Nghiệp, khi Văn Đế còn là một vị tướng quân, đã lập được nhiều công lao hiển hách.

Đường Vũ Đức trung, niên tứ thập, nhập thư châu Hoãn Công sơn, tùng Bảo Nguyệt thiền sư xuất gia: đến đời Đường, năm Vũ Đức, vua Thái Tổ đã được 40 tuổi, năm ấy ngài đi đến núi Hoãn Công bái yết Thiền sư Bảo Nguyệt và xin xuất gia tôn ngài làm sư phụ.

Nhất nhật yến tọa, đổ dị tăng, trường trượng dư: một hôm trong lúc ngài đang ngồi tĩnh tọa, trông thấy một vị Hòa thượng rất kỳ lạ và đặc biệt. Thân tướng của Thiền sư Trí Nham cao đến 7 thước 6. Thân tướng Hòa thượng kỳ lạ này còn cao hơn nữa. Vị sư viết: khanh bát thập sinh xuất gia, nghi gia tinh tấn: Hòa thượng ấy nói với Thiền sư Trí Nham rằng: “ông làm người xuất gia đã 80 đời, ông nên dũng mãnh tinh tấn hơn!” Ngôn tất bất kiến: nói xong lời ấy liền biến mất. Vậy các vị đoán thử xem đó là việc thật hay giả?

Cốc trung nhập định, sơn thủy bạo trướng: khi Thiền sư Trí Nham ngồi nhập định trong hang núi Hoãn Công, lúc bấy giờ nước trong núi dâng cao, thậm chí sắp ngập thân mình ngài, nhưng ngài vẫn ngồi yên trong hang động, nước tuy dâng đột ngột nhưng vẫn không thể ngập người ngài được.[1]

Phức Tham Dung thiền sư, phát minh đại sự: về sau Thiền sư Trí Nham lại đến tham bái Thiền sư Pháp Dung Ngưu Đầu, sau đó trình bày về việc lớn của sinh tử và đưa ra pháp tham thiền hướng thiện. Dung vị sư viết: Thiền sư Pháp Dung bèn nói. Ngô thọ tín đại sư chân quyết, sở đắc đô vong: Tôi từng được nghe lời giáo huấn chân truyền của tổ Đạo Tín rằng, bí quyết trong việc tu hành chân chánh là chẳng có gì cả, tất cả đều là không, con người cũng không, pháp cũng không. Thiết hữu nhất pháp thắng quá Niết bàn, ngô thuyết diệc như mộng huyễn: giả sử có ai nói có một pháp nào đó vượt cao hơn Niết bàn, điều này không thể có, nếu có chăng nữa thì đó cũng chỉ là một pháp huyễn ảo mơ hồ. Phù nhất trần phi nhi ế thiên, nhất giới đọa nhi phúc địa: một hạt vi trần bay trên không trung, cũng ngăn che bầu trời, một hạt cải rơi xuống đất cũng bao phủ được vùng đất. Nhữ kim quá thử, ngô phức hà vân: hiện tại nếu ông vượt qua được những cảnh giới này thì không cần phải nói gì nữa.

Nghi Phụng nhị niên chánh nguyệt thập nhật, thị tịch: thế rồi vào ngày mùng 10 tháng giêng năm Nghi Phụng thứ hai triều Đường, Thiền sư ngồi an tọa thị tịch.

Tán viết:

Bát thập thế tăng, thâm cốc nguy tọa: câu này ý nói, Thiền sư Trí Nham trong 80 đời đều xuất gia làm tăng chúng, trong kiếp này ngài cũng xuất gia và đi vào trong hang sâu tọa thiền tu học. Hai chữ “thâm cốc” giống như thành phố Ukiah vậy.

Trần sa kiếp lai, bất thị giá cá: từ vô lượng kiếp nhiều như vi trần cho đến nay, “bất thị giá cá” ý nói người tu hành phải tu pháp môn chân chánh, nhưng từ trong vô lượng kiếp đến nay, đều công phu sai lầm.

Dung sư bát chuyển, thuận phong phàm đà: Thiền sư Pháp Dung đến chỉ giáo cho Thiền sư Trí Nham, đồng thời còn dạy bảo ngài rất tỉ mỉ. Do đây mà được thuận buồm xuôi gió, nên ngài thành tựu rất dễ dàng.

Vạn cổ thiên thu, cao phong bất đọa: trải qua những năm tháng lâu xa, đạo đức phong thái thanh cao của Thiền sư được lưu truyền rộng khắp và mãi mãi.

Hoc nói bài k rng:

Trí dũng song toàn lập chiến công: chữ “trí” là trí tuệ, “dũng” tức dũng khí. Trí là để đối ứng với kẻ ngu si mà nói, tức do có người không ngu si, nên gọi là trí. Tuy nhiên có một số người tài trí xuất chúng, nhưng bề ngoài trông có vẻ ngu đần, tài năng ẩn bên trong, hoàn toàn chẳng để lộ bên ngoài, chúng ta thấy, Thiền sư Trí Nham là bậc đại trí, nhưng chúng ta chẳng nhận ra, nhìn bề ngoài ngài như kẻ ngu si, ngài chẳng muốn đọc sách vỡ gì, chẳng muốn giảng nói gì, cũng chẳng muốn quan sát chung quanh hoặc nói vẩn vơ. Như người xưa có câu: “phàm người không nói, hễ nói tất phải nói đúng”, nghĩa là không nói thì không có vấn đề gì, nhưng khi đã nói ra lời chắc chắn phải hợp lý. Trong đoạn chánh văn có hai chữ “song toàn” tức muốn biểu đạt, Thiền sư Trí Nham không phải là bậc dũng khí vô mưu, trái lại ngài là bậc vừa có trí tuệ lại vừa có dũng khí. Dùng trí tuệ để hỗ trợ sự dũng khí, lại dùng dũng khí hỗ trợ cho trí tuệ, nên nói trí dũng song toàn. Cho nên khi ngài tiến đến trước trận địa để tác chiến với quân địch, đều được thắng trận. Ngoài ra, võ nghệ của ngài cũng rất cao cường, khi ra đánh giặc không trận nào không thắng. Quân của ngài tiến đến đâu là thắng đến đó, công phá thành ấp nào đều giành được thắng lợi, đó gọi là lập chiến công.

Thất xích lục thốn đại anh hùng: Thiền sư thân cao 7 thước 6. Chúng ta ngày nay chẳng ai cao đến 7 thước 6, người cao nhất cũng khoảng hơn 6 thước. Nên nói, đó là một bậc đại anh hùng, nhưng đến năm ngài 40 tuổi, Thiền sư quyết định đi đến núi Hoãn Công xin xuất gia tu hành theo Thiền sư Bảo Nguyệt.

Tĩnh đổ dị tăng thị túc mệnh: một hôm trong lúc Thiền sư Trí Nham đang ngồi thiền, chẳng phải đang ngủ, cũng chẳng phải đang nhập định, chỉ ngồi tĩnh tọa, bỗng trông thấy một Hòa thượng rất kỳ lạ đi đến. Vị Hòa thượng này thân cao hơn một trượng, ngài nói với Thiền sư rằng: “ông phải chăm chỉ tu học, chớ nên để thời giờ luống mất, phải nhớ kỹ không được biếng lười, buông lung, cần phải dụng công tu hành, phải dũng mãnh tinh tấn! vì sao? Trong 80 kiếp ông đều là người xuất gia tu hành rồi”. Trong 80 kiếp qua, chúng ta thấy Hòa thượng kỳ lạ ấy đã khẳng định trong những kiếp quá khứ Thiền sư Trí Nham vốn đã là người xuất gia. Còn chú Quả Liễu ở đây có lẽ cũng đã xuất gia tu hành trong 160 kiếp rồi, nhưng chú ấy vẫn chưa liễu ngộ, kiếp này liễu ngộ mới được, nếu không liễu ngộ thì vẫn không được tính.

Động quán vạn vật liễu chân không: “động” ở đây không phải nói lúc tĩnh tọa, mà nói lúc ngài quán sát vạn vật, nhìn thấy rõ vạn vật trong thế giới này đều tự sinh tự diệt, từ đó ngài tùy cơ thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, cho nên ngài hiểu rõ thể tính của chân không để nói pháp.

Đạo Tín đích truyền tâm ấn pháp: Thiền sư Trí Nham cũng được Tứ tổ Đạo Tín truyền pháp ấn, tức truyền trao mật pháp tâm ấn của ngài, đó là dùng tâm ấn tâm, giáo ngoại biệt truyền và thật tướng vô tướng.

Đức giả thân thọ diệu thần thông: “đức giả” là Bồ tát. Bồ tát tự thân truyền trao cho Thiền sư diệu pháp thần thông, dạy ngài tu hành thế nào, vận dụng thần thông ra sao. Trong Phật giáo chư Phật, Bồ tát đều gọi là đức giả, phàm những bậc thánh đều có thể gọi là đức giả, tức những bậc đức hạnh.

Thật tướng vô tướng ly chư tướng: những gì gọi là thật tướng? thật tướng tức là vô tướng, vì vạn pháp đều không có tướng chân thật, đó chính là diệu pháp thật tướng.

Quy khứ lai hề ngưỡng cao phong: Thiền sư Trí Nham sau khi tịch diệt về thế giới Cực Lạc, sau đó lại trở lại thế giới Ta Bà để giáo hóa chúng sanh. Cho nên chúng ta hàng hậu học đời sau đều ngưỡng mộ phẩm đức thanh cao của Thiền sư, phẩm đức, tiết hạnh thanh cao này đều đáng cho chúng ta học hỏi, noi gương.


[1] Nói về sự tích thiền sư Trí Nham đang tu thiền ở trong hang, trong cuốn Chỉ Nguyệt Lục đã ghi rằng: ngài thường nhập định trong hang, nước trong núi dâng đột ngột, nhưng ngài vẫn ngồi bất động, thế rồi nước ấy tự rút. Có người thợ săn thấy được cảnh kỳ diệu ấy, bèn phát tâm hối cải tu tập, bỏ ác làm lành. Lại có hai người xưa kia cùng ngài đi tòng quân, nghe nói ngài ẩn cư lánh xa trần thế, bèn đi vào núi tìm ngài. Lúc gặp được ngài bèn nói: “ông là vị tướng mạnh mẽ, ngông cuồng, sao nay lại sống ở đây?” Thiền sư đáp: “sự ngông cuồng của ta đã bừng tỉnh, nhưng sự ngông cuồng của ông lại đang phát khởi. Phàm ham thích sắc dục, mê đắm sự dâm tà, tham đắm vinh hoa, say mê sự nuông chìu, sủng ái sẽ bị lưu chuyển mãi trong biển sinh tử, đâu thể tự mình ra khỏi”. Hai người nghe xong tỏ vẻ cảm động rồi bỏ ra đi.