三十六世牛頭智威禪師

Tam thập lục thế Ngưu Đầu Trí Uy Thiền sư

Thiền sư Trí Uy tại núi Ngưu Đầu đời thứ 36

 

Nguyên văn:

師,江寧陳氏子。丱歲,依天寶寺統法師出家。謁法持禪師,傳授正法;自爾,江左學侶奔湊門下。有慧忠者,目為法器。師示偈曰:「莫繫念,念成生死河,輪迴六趣海,無見出長波。」忠答曰:「念想由來幻,性自無終始;若得此中意,長波當自止。」師又示偈曰:「余本性虛無,緣妄生人我;如何息妄情,還歸空處坐。」忠復答曰:「虛無是實體,人我何所存?妄情不須息,即汎般若船。」師審其了悟,遂付法。唐開元十七年,終於延祚寺。

赞曰

中持師毒 著佛頭糞 喚鐘作甕 欺賢罔聖
越空劫外 三更日正 實體虛無 凌霄藤盛

又偈讚曰

江寧鍾靈產神龍 隱顯莫測有無中
早歲出家勤戒定 童真入道息貪瞋
虛空證得實相體 妄想變成火裏金
自性本來無生滅 妙覺智慧萬物同

又說偈曰

夙植德本道心堅 童真出家訪友參
鐵石骨格精進力 金剛志願忍辱船
教化眾生深般若 弘揚佛法大涅槃
三千界內同瞻仰 流芳古今照地天

Âm Hán Việt:

Sư, Giang Ninh Trần thị tử. Quán tuế, y Thiên Bảo Tự Thống pháp sư xuất gia. Yết Pháp Trì Thiền sư, truyền thọ chánh pháp. Tự nhĩ, giang tả học lữ bôn tấu môn hạ. Hữu Huệ Trung giả, mục vi pháp khí. Sư thị kệ viết: “mạc hệ niệm, niệm thành sinh tử hà, luân hồi lục thú hải, vô kiến xuất trường ba”. Trung đáp viết: “niệm tưởng do lai huyễn, tính tự vô chung thủy, nhược đắc thử trung ý, trường ba đương tự chỉ”. Sư thán thị kệ viết: “dư bổn tính hư vô, duyên vọng sinh nhân ngã, như hà tức vọng tình, hoàn quy không xứ tọa”. Trung phục đáp viết: “hư vô thị thực thể, nhân ngã hà sở tồn? vọng tình bất tu tức, tức phiếm bát nhã thuyền”. Sư thẩm kỳ liễu ngộ, toại phó pháp. Đường Khai Nguyên thập thất niên, chung ư Diên Tộ tự.

Tán viết:

Trúng Trì sư độc

Trước Phật đầu phẫn

Hoán chung tác ủng

Khi hiền võng thánh

Việt không kiếp ngoại

Tam canh nhật chánh

Thực thể hư vô

Lăng tiêu đằng thạnh.

Hựu kệ tán viết:

Giang Ninh chung linh sản thần long

Ần hiển mạc trắc hữu vô trung

Tảo tuế xuất gia cần giới định

Đồng chân nhập đạo tức tham sân

Hư không chứng đắc thực tướng thể

Vọng tưởng biến thành hỏa lý kim

Tự tính bổn lai vô sinh diệt

Diệu giác trí tuệ vạn vật đồng.

Hựu thuyết kệ viết:

Túc thực đức bổn đạo tâm kiên

Đồng chân xuất gia phỏng hữu tham

Thiết thạch cốt cách tinh tấn lực

Kim cang chí nguyện nhẫn nhục thuyền

Giáo hóa chúng sanh thâm bát nhã

Hoằng dương Phật pháp đại  Niết bàn

Tam thiên giới nội đồng chiêm ngưỡng

Lưu phương cổ kim chiếu địa thiên.

Dịch:

Sư họ Trần, người Giang Ninh. Năm 4 tuổi, xuất gia theo Pháp sư Thống tại chùa Thiên Bảo. Sau đến tham yết Thiền sư Pháp Trì, được ngài truyền dạy chánh pháp. Từ đó, người vùng đất Giang Tả tựu hội về và theo học với ngài rất đông. Trong đó, có tôn giả Huệ Trung được xem là bậc pháp khí. Thiền sư Pháp Trì đọc kệ dạy rằng:

Chớ để niệm trói buộc

Thành sông lớn sinh tử

Luân hồi trong lục thú

Không vượt khỏi sóng lớn.

Tôn giả Huệ Trung đáp:

Niệm tưởng vốn là huyễn

Tự tính không thủy chung

Nếu thấu đạt ý này

Sóng lớn tự dừng nghỉ.

Thiền sư lại nói kệ tiếp:

Ta, tánh đồng hư vô

Vọng duyên sinh nhân ngã

Làm sao dứt vọng tình

Trở về chỗ hư không.

Tôn giả Huệ Trung lại đáp:

Hư không là thực thể

Nhân ngã làm sao còn

Vọng tình không cần dứt

Ấy chính thuyền Bát nhã.

Nghe Huệ Trung trả lời, Thiền sư Pháp Trì biết được tôn giả Huệ Trung đã liễu ngộ, bèn phó chúc pháp ấn cho Huệ Trung. Đến năm Khai Nguyên thứ 17 đời Đường, Thiền sư thị tịch tại chùa Diên Tộ.

Bài tán viết:

Ngộ được tôn ý Sư

Đầu Phật dính phân nhơ

Đổi chuông thành vò chung

Gạt lừa bậc thánh hiền

Vượt ra ngoài kiếp không

Mặt trời hiện giữa đêm

Thực thể là hư không

Trên trời dây leo mọc.

Nói bài kệ tán:

Giang Ninh đất thiêng sinh rồng thần

Trong có không ẩn hiện chẳng lường

Thơ ấu xuất gia siêng giới định

Đồng chân nhập đạo dứt tham sân

Chứng đắc thật tướng vốn hư không

Do vọng tưởng sanh biến vàng ròng

Tự tính vốn dĩ vô sinh diệt

Trí tuệ diệu giác vạn vật đồng.

Lại nói kệ rằng:

Xưa trồng gốc đức đạo tâm vững

Thơ ấu xuất gia tầm bạn tốt

Cốt cách vững vàng lại tinh chuyên

Chí nguyện kim cang, thuyền nhẫn nhục

Giáo hóa chúng sanh nhập bát nhã

Hoằng dương Phật pháp đại Niết bàn

Ba ngàn thế giới đồng chiêm ngưỡng

Lưu danh kim cổ chiếu đất trời.

Giảng:

Sư, Giang Ninh Trần thị tử. Quán tuế, y Thiên Bảo Tự Thống pháp sư xuất gia. Yết Pháp Trì Thiền sư, truyền thọ chánh pháp: Thiền sư Trí Uy ở núi Ngưu Đầu, cha ngài họ Trần, người Giang Ninh, nay thuộc thành phố Nam Kinh. Năm lên 4, ngài xuất gia theo Pháp sư Thống chùa Thiên Bảo, sau đó lại đến tham học với Thiền sư Pháp Trì, sau được Thiền sư Pháp Trì truyền trao pháp ấn cho ngài.

Tự nhĩ, giang tả học lữ bôn tấu môn hạ: từ đó, những người ở vùng đất Giang Tả, tức vùng Giang Kinh đều đến tựu hội chỗ ngài để tham thiền học đạo.

Hữu Huệ Trung giả, mục vi pháp khí. Sư thị kệ viết: có một vị xuất gia tên Huệ Trung đến tham học với Thiền sư Trí Uy, xét thấy vị này trí tuệ, phạm hạnh khác thường, có khả năng gánh vác đạo pháp, hoằng hóa chúng sanh, ngài bèn nói bài kệ tụng rằng:

Mạc hệ niệm,

Niệm thành sinh tử hà,

Luân hồi lục thú hải,

Vô kiến xuất trường ba.

Ý nói, trong mỗi niệm chớ nên chấp trước, do đây sẽ khiến chìm đắm mãi trong biển luân hồi sinh tử, nếu không kiến chấp sẽ ra khỏi ngọn sóng luân hồi trầm luân kia.

Trung đáp viết: Huệ Trung bèn đáp rằng, niệm tưởng do lai huyễn, tính tự vô chung thủy, nhược đắc thử trung ý, trường ba đương tự chỉ: các niệm và tưởng đều là hư vọng, huyễn giả. Tự tính thì không có chỗ kết thúc, cũng chẳng có chỗ bắt đầu. Nếu ông hiểu rõ một trong những lý lẽ này, thì ngọn sóng chảy liên tục không ngừng mà ông nói đó sẽ dừng chảy ngay tức khắc.

Sư thán thị kệ viết: Thiền sư Uy Nghi lại tiếp tục nói thêm bài kệ:

Dư bổn tính hư vô,

Duyên vọng sinh nhân ngã,

Như hà tức vọng tình,

Hoàn quy không xứ tọa.

Đại ý bài kệ rằng, bổn tính của chúng ta vốn là hư vô, chẳng có gì cả, do niệm hư vọng này mà vọng sinh ra nhân, ngã. Vậy làm thế nào để dứt trừ vọng tình hư dối này để trở về và ngồi nơi chốn hư không?

Trung phục đáp viết: Huệ Trung lại nói bài kệ tụng rằng:

Hư vô thị thực thể,

Nhân ngã hà sở tồn?

Vọng tình bất tu tức,

Tức phiếm bát nhã thuyền.

Đại ý nói, chúng ta nhìn hư không, hư không chính là thực thể, nếu chúng ta hiểu được hư không là thực thể, tức sẽ nhận chân được nhân và ngã đều chẳng có, nhân, ngã đã không có, vậy thì vọng tình kia ở nơi đâu? Như vậy, chúng ta không cần dứt trừ nó, vì tự nó vốn đã không có! Đây chính là thuyền trí tuệ đại Bát nhã.

Sư thẩm kỳ liễu ngộ, toại phó pháp: Thiền sư Trí Uy dò xét Thiền sư Huệ Trung, biết được vị này đã ngộ được diệu lý Phật pháp, nên truyền trao tâm ấn cho ngài.

Đường khai nguyên thập thất niên, chung ư Diên Tộ tự: vào năm Khai Nguyên thứ 17, đời Đường Huyền Tông, Thiền sư Trí Uy viên tịch tại chùa Diên Tộ.

Bài tán viết:

Trúng Trì sư độc, trước Phật đầu phẫn: Ngài thấu ngộ được ý chỉ của Thiền sư Pháp Trì truyền dạy, trên đầu Phật dính phân nhơ. (ý nói Ngài đã tiếp nhận được ý pháp do Thiền sư Pháp Trì giáo huấn).

Hoán chung tác ủng, khi hiền võng thánh: gọi chuông là vò, tức chỉ cho sự việc lẫn lộn phải trái, nói sai sự thật để lừa gạt các bậc hiền thánh.

Việt không kiếp ngoại, tam canh nhật chánh: vượt ra ngoài không kiếp, vào lúc canh ba giữa đêm, trời đang lúc giờ ngọ.

Thực thể hư vô, lăng tiêu đằng thạnh: tính thực thể này chính là hư không, hư không cũng tức là thực thể. Cát đằng cao vút trên bầu trời, vừa dài vừa tươi tốt.[1]

Hoặc nói kệ rằng:

Giang Ninh chung linh sản thần long: tại Giang Ninh, nơi vùng đất thiêng xuất hiện bậc hiền tài, tức nói nơi đây là môi trường tốt đẹp, có linh khí thường sản sinh ra những nhân vật ưu tú, cho nên mới có thánh nhân.

Ần hiển mạc trắc hữu vô trung: rồng thần là loài động vật bất khả tư nghì, có lúc xuất hiện, lúc lại biến mất, biến hóa vô cùng. Loài rồng thần ở đây tức chỉ cho Thiền sư Trí Uy.

Tảo tuế xuất gia cần giới định: Thiền sư xuất gia từ nhỏ. Xuất gia theo Phật giáo có ba nghĩa: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Thiền sư Trí Uy cả ba ngôi nhà, tức nhà thế tục, nhà phiền não và nhà sinh tử, tam giới ngài đều vượt ra khỏi. Vì vậy, sau khi xuất gia ngài luôn chuyên cần tinh tấn tu tập ba pháp vô lậu học: giới, định và tuệ.

Qua đó ta thấy, điểm trọng yếu ở đây là chữ “cần” tức chỉ cho sự siêng năng. Đối với Thiền sư, hằng ngày chẳng phải siêng năng ăn uống thức ngon vật lạ, siêng năng mặc những quần là áo lụa, siêng năng ngủ nhiều, chớ không siêng năng tu tập. Một vị tu hành chân chánh có ăn uống hay không chẳng để tâm đến, có quần áo hay không đều chẳng quan tâm, có uống trà hay không đều chẳng nhớ đến, tất cả mọi thứ họ đều quên hết, chẳng tính toán hoặc gian khổ vì mình việc gì cả.

Đồng chân nhập đạo tức tham sân: Thiền sư Trí Uy là bậc đồng chân xuất gia, chưa hề ô nhiễm điều chi, tâm hồn hoàn toàn còn trong sạch. Vì thế ngài chẳng tham lam, sân giận chi cả. Tâm tham không có, tâm sân vắng lặng, tâm si mê cũng chẳng còn. Nên nói tu hành nhất định phải không có tập khí nóng nảy, người có tính nóng nảy thì khó tu hành thành tựu.

Hư không chứng đắc thực tướng thể: Ngài từ hư không mà chứng được bổn thể của vạn hữu, thật tướng của các pháp. Chẳng phải lìa xa hư không mà chứng được thật tướng, cũng chẳng thể xa lìa thật tướng mà riêng có hư không, chính ngay chỗ hư không ấy mà chứng được thật tướng vậy.

Vọng tưởng biến thành hỏa lý kim: chúng ta biết vọng tưởng vốn là hư vọng, nhưng ngài từ chỗ vọng tưởng biến hóa mà biến thành chất vàng tinh luyện, ví như vàng tinh luyện trong lửa vậy, thiêu đốt thế nào cũng chẳng tan chảy, trái lại càng tinh luyện lại càng biến thành chất vàng ròng. Như vậy vọng không thể ngăn ngại tính chân như, ngược lại chân như cũng không gây trở ngại cho sự vọng tưởng, nên nói chân vọng nhất như.

Tự tính bổn lai vô sinh diệt: tự tính này là vô thủy vô chung, không ở trong, không ở ngoài, không lớn, không nhỏ, không thành, không hoại, chẳng có dài ngắn, vuông tròn, cũng chẳng có màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen… hoàn toàn chẳng có màu sắc gì cả, lìa pháp sanh diệt.

Diệu giác trí tuệ vạn vật đồng: vạn vật và trí tuệ của bồ đề giác đạo đều là một. Nếu chúng ta hiểu rõ thì đó chính là vạn vật đồng thể, nếu không thấu hiểu, khi ấy bạn là bạn, anh ta là anh ta, tôi là tôi, chẳng có chỗ dung thông quán nhiếp, hoàn toàn không thể xem đó là nhất thể.

Giảng 2:

Đây là Thiền sư Trí Uy tại núi Ngưu Đầu đời thứ 36.

Sư, Giang Ninh Trần thị tử: Thiền sư Trí Uy họ Trần, là người Nam Kinh. (Giang Ninh nay là thành phố Nam Kinh). Quán tuế y Thiên Bảo tự Thống Pháp sư xuất gia: năm lên 4 ngài đến chùa Thiên Bảo để quy y và xuất gia theo Thiền sư Thống.

Yết Pháp Trì Thiền sư, truyền thọ chánh pháp: sau khi lớn hơn chút, ngài liền đến bái yết Thiền sư Pháp Trì, về sau được Thiền sư Pháp Trì truyền trao cho ngài chánh pháp nhãn tạng tâm ấn. Tự nhĩ, giang tả học lữ bôn tấu môn hạ: từ đó về sau, tại Nam Kinh phía trái của sông Trường Giang, những người tham thiền học Phật pháp tại nơi này, đều đến thân cận tham học với Thiền sư Trí Uy. Lúc bấy giờ có rất nhiều người xuất gia cũng đến trú ngụ gần bên ngài để cầu học với ngài.

Hữu Huệ Trung giả, mục vi pháp khí, sư thị kệ viết: có một vị xuất gia tên Huệ Trung, khi Thiền sư Trí Uy gặp và biết được, vị này là người có pháp khí Đại thừa có thể đảm nhận công việc hoằng pháp, nối truyền mạng mạch của Như Lai, ngài bèn nói cho Huệ Trung nghe một bài kệ. Mặc hệ niệm, niệm thành sinh tử hà: câu này ý nói, ông chớ nên luôn buộc trói niệm của mình, cứ mãi vương vấn, chấp trước những niệm lự ấy, không rõ biết cội gốc của các pháp, từ đó sẽ dẫn đến bị trôi lăn trong dòng sông sinh tử. Luân hồi lục thú hải, vô kiến xuất trường ba: do trôi lăn trong dòng sông sinh tử, luân hồi xoay chuyển qua lại mãi trong biển lục thú, không biết khi nào mới thấy được dòng nước chảy gợn sóng của biển sinh tử. Lục thú tức thiên đạo, nhân đạo, a tu la đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Trung đáp viết: Huệ Trung đáp lời Thiền sư Trí Uy rằng, niệm tưởng do lai huyễn, tính tự vô chung thủy: niệm tưởng của con người vốn là hư dối, bổn tính của nó không có chỗ bắt đầu, cũng chẳng có chỗ kết thúc, Phật tính của chính mình cũng chẳng có chỗ bắt đầu và kết thúc. Nhược đắc thử trung ý, trường ba đương tự chỉ: nếu ông thông hiểu nghĩa lý chân chánh của vạn sự vạn vật, thì sự luân hồi sinh tử ấy đều chẳng có. Trả lời bài kệ tụng này rồi, ngài bèn nói vọng tưởng vốn là giả, bổn tính là chẳng có chỗ bắt đầu, cũng chẳng chỗ kết thúc, ông nếu hiểu rõ chân lý này, thì làn sóng trôi chảy trong dòng sinh tử đều sẽ dừng lại.

Sư hựu thị kệ viết: Thiền sư Trí Uy lại nói bài tụng rằng, dư bổn tính hư vô, duyên vọng sanh nhân ngã: bổn tính của ngã cũng là hư không, bởi vì đó là pháp nhân duyên, như trong Trung Luận nói: “các pháp từ duyên sanh, cũng do nhân duyên diệt”, các nhân duyên này do vọng mà sinh ra, nó có nhân, có ngã. Như hà tức vọng tình, hoàn quy không xứ tọa: vậy làm thế nào mới dứt trừ được vọng tình này, lại trở về bản thể hư không? Kế đến lại trở về bổn lai diện mục ban đầu?

Trung phúc đáp viết: Huệ Trung lại nói với Thiền sư rằng, hư vô thị thực thể, nhân ngã hà sở tồn: hư không này chính là thực thể, cũng chính là Phật tính thực thể tương tức của vô biên, nên trong Chứng Đạo Ca nói “vô minh thật tính tức Phật tính, huyễn hóa không thân tức pháp thân”. Đó chính là hư không mà Huyền Giác Thiền sư nói đến, ngài đã tìm được thực thể chân thật ấy, trong thực thể này chẳng có nhân, cũng chẳng có ngã, nhân ngã đều không tồn tại. Vọng tình bất tu tức, tức phiếm bát nhã thuyền: nhân, ngã đã không có thì làm sao có vọng tình? Vọng tình đã không thì đâu cần phải nghĩ cách dứt trừ nó, do vậy tại nơi đây có đậu thuyền Bát nhã. Đó chính là giảng nói đến trí tuệ tự tính Bát nhã.

Sư thẩm kỳ liễu ngộ, toại phó pháp: Thiền sư Trí Uy quan sát, biết rõ Huệ Trung đã khai ngộ, liền truyền trao chánh pháp nhãn tạng cho Huệ Trung, tức truyền dạy pháp môn bất nhị tâm ấn.

Đường Khai Nguyên thập thất niên, chung ư Diên Tộ tự: vào năm Khai Nguyên thứ 17, đời Đường Huyền Tông, Thiền sư Trí Uy viên tịch tại chùa Diên Tộ.

Bài tán viết:

Trúng Trì sư độc, trước Phật đầu phẫn: Huệ Trung đã liễu ngộ được ý chỉ của Thiền sư Pháp Trì, nên ngài có thể làm được những việc người khác không làm được. “Phật đầu trước phẫn” đây muốn chỉ tất cả các pháp căn bản đều không có, nếu ông có pháp hữu vi, dốc sức nói pháp hữu vi, không thấu hiểu lý lẽ vô vi, đó gọi là đầu Phật dính phân nhơ, ý chỉ bản chất thiện mà dính thêm cả cái bất thiện.

Hoán chung tác ủng, khi hiền võng thánh: vốn là cái chuông, ngài gọi nó là vò, hũ. Đó thật là gạt gẫm bậc hiền, không thấy được bậc thánh, trong mắt chẳng thấy thánh nhân.

Việt không kiếp ngoại, tam canh nhật chánh: vượt ngoài thời kỳ trước khi thế giới đã hoàn toàn hoại diệt, chỉ còn hư không, vốn dĩ là canh ba nửa đêm, lại thấy được ánh mặt trời. Đây đều là những lời lẽ giảng nói về chỗ vi diệu sâu kín trong thiền tông. “Tam canh nhật chánh” ở đây chỉ cho những lời lẽ vi diệu sâu kín của Thiền sư. Tức nói những điều cơ bản còn không thông hiểu, chỗ sâu kín ấy làm sao hiểu nổi? Hiện tại vào lúc canh ba đang ở nước Mỹ, đến nước Á Châu vào lúc mặt trời mọc, vì có mặt trời, cho nên nói thay đổi nơi chốn, đại khái là như vậy. Ý nói vào buổi đêm cũng phóng ánh đại quang minh, giống như ánh mặt trời vào lúc buổi trưa vậy.

Thực thể hư vô, lăng tiêu đằng thạnh: bản thể của vạn pháp vốn là hư không, hư không cũng chính là bản thể. Nếu ông nói các pháp có hình có tướng, thì cho dù ông có đi đến cõi thượng thiên cũng chỉ có một số dây cát đằng. Những dây cát đằng ấy tạm thời chặt không đứt, luôn ở nơi đó mà không có ngăn ngại, thậm chí có đến cõi thượng thiên vẫn không chướng ngại. Như vậy nên nói thực thể của nó vốn là hư không, nên không chướng ngại.

Hoặc nói kệ rằng:

Bài kệ tụng này nói về Thiền sư Trí Uy.

Túc thực đức bổn đạo tâm kiên: câu này ý nói Thiền sư Trí Uy trong kiếp quá khứ đã gieo trồng rất nhiều thiện căn, tích tạo vô số công đức. Bài kệ tụng này nói vị Pháp sư này chẳng phải là ngẫu nhiên. Nếu chẳng có đức hạnh, thì làm sao mới lên 4 tuổi, ngài lại biết phát tâm xuất gia, tìm đến chùa tu hành, đặc biệt là ngài còn có một đạo tâm vững chắc kiên cố như vậy?

Đồng chân xuất gia phỏng hữu tham: Thiền sư Trí Uy lúc 4 tuổi đã bắt đầu cuộc sống tu hành, nên nói ngài là bậc “đồng chân xuất gia”. Đồng chân là chỉ cho người có thân thể toàn vẹn, chưa có sự phá hoại, tổn thương nào, giống như viên ngọc đẹp, chưa hề có chút tỳ vết nào cả. Người tu đạo của chúng ta nếu đời đời kiếp kiếp được trở thành bậc đồng chân nhập đạo xuất gia, đối với Phật pháp có lòng tin chân chánh, thì sau khi xuất gia phải tu hành tinh tấn, sau khi trau dồi tịnh tu đạo nghiệp rồi, phải đi khắp nơi tham học với các bậc thiện tri thức, thân cận với các bạn bè có đức hạnh để cầu học rốt ráo. Tuy nhiên người đời nay sau khi xuất gia tâm ý lại cứ mãi chạy theo ngoại cảnh, bị vật chất chi phối, cuốn lôi và đắm chìm trong ấy, không những thế họ còn đi khắp nơi hóa duyên… Lại còn nói: “tôi xuất gia rồi, đi khắp nơi chẳng có gì là khó khăn, khi cần tiền liền có tiền, muốn ăn, mặc lập tức có ngay, chẳng hề khốn khổ chi cả!” Đời sống xuất gia như vậy, chỉ để hưởng thụ, lợi dưỡng, không chịu tu hành. Thế nhưng, xuất gia là đời sống thanh cao, không thiên nặng tiền tài, vật chất, phải luôn nhớ nghĩ đến giới cấm nắm giữ tiền bạc, không nên sanh khởi tâm tham, chớ bị vật chất trần cảnh cuốn lôi, chuyển hóa tâm mình. Thậm chí có lúc vì Phật pháp chúng ta phải nhẫn chịu cảnh đói khát, lạnh rét, nóng bức, nói chung đối với mọi trần duyên phải luôn giữ được tâm nhẫn nại. Chẳng nên nói cuộc sống của tôi, mọi thứ đều tiện lợi là tốt rồi. Đó chẳng phải là bản sắc của người tu hành chân chánh. Người tu hành chân chánh tuyệt đối chớ nên sống với tâm phan duyên, chớ nên đến các nơi rồi tự nghĩ: “tôi có duyên với mọi người, được người cúng dường, bố thí”. Người luôn ôm lòng nghĩ tưởng như vậy, đó quả thật chẳng phải là người xuất gia chân chánh, vì đạo pháp, vì nhân loại, ngược lại đó chính là người xuất gia thấp hèn, đê tiện! Chúng ta phải ngang bằng với thánh hiền, phải học phẩm hạnh, khí tiết thanh cao của các bậc cổ đức, tức học những hành vi trong sáng, thiện lành của các bậc thánh. Cho nên đó gọi là “phỏng hữu tham”, nghĩa là thân cận với bạn lành, tìm cầu học hỏi ở các bậc minh sư. Nếu các vị gặp được các bậc thiện tri thức, cần phải nổ lực dụng công tu tập, học theo gương hạnh của họ, nếu xa lánh bậc thiện tri thức, đó chính là bỏ gần tìm xa, bỏ gốc tìm ngọn.

Thiết thạch cốt cách tinh tấn lực: Nếu chúng ta có đầy đủ ý chí, phẩm đức của bậc thánh, thì tâm hạnh tu hành của chúng ta sẽ kiên cố vững chắc như sắt, đá, tuyệt đối không sợ đói, không sợ lạnh, không sợ khát, tất cả đều không sợ. Nên nói tinh thần ấy kiên cố như sắt đá, giờ giờ khắc khắc đều luôn giữ niệm tinh tấn, chẳng hề khởi niệm biếng lười giải đãi.

Kim cang chí nguyện nhẫn nhục thuyền: Người xuất gia có chí nguyện kiên cố vững chắc như kim cang, thì thiên ma vạn chướng đều không thể làm cho chúng ta thối chuyển được. Bất luận chúng ta gặp nghịch cảnh gì, cũng đều an nhiên tự tại. Ngoài ra, chúng ta còn phải tu hạnh nhẫn nhục, hạnh nhẫn nhục ví như chiếc thuyền lớn, giúp chúng ta vượt qua tất cả những sóng phiền não, để đưa chúng ta đến bờ Niết bàn.

Giáo hóa chúng sanh thâm bát nhã: Vị Pháp sư này đã giáo hóa chúng sanh thâm nhập trí tuệ Bát nhã, thấu suốt thật tướng vạn pháp.

Hoằng dương Phật pháp đại Niết bàn: ngài hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh để mọi người đạt được bốn đức Niết bàn “thường, lạc, ngã, tịnh”.

Tam thiên giới nội đồng chiêm ngưỡng: vì phẩm đức thanh cao và tu hành của ngài đạt được như vậy, cho nên chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới đều ngưỡng mộ tôn kính ngài.

Lưu phương cổ kim chiếu địa thiên: hai chữ “cổ kim” tức chỉ cho xưa và nay, phẩm đức của ngài soi sáng chiếu rọi trong khắp thiên hạ trời đất, khiến cho bóng tối trong cõi nhân gian đất trời đều tan biến, tất cả đều được ánh sáng quang minh soi rọi.

 

[1] Lăng tiêu thặng thạnh: là dụ cho đời sau hưng thịnh, công án lăng tiêu thặng thạnh, trong cuốn Cảnh Đức Truyền Đăng Lục có ghi rằng, Huệ Trung nghe nói Thiền sư Trí Uy xuất thế bèn đến tham yết ngài, Thiền sư Trí Uy vừa thấy Huệ Trung liền nói: “sơn chủ đã đến”. Thiền sư Huệ Trung cảm ngộ được ý chỉ vi diệu, thâm sâu bèn theo hầu bên ngài, sau đó từ biệt đi chu du hành hương khắp nơi. Tại viện Cụ Giới, Thiền sư Trí Uy nhìn thấy dây leo trên cao, đang lúc mùa hè nên khô héo, mọi người muốn đốn nó. Ngài bèn nói: “chớ đốn, khi Huệ Trung trở về, dây leo này sẽ sống trở lại”. Đến khi Huệ Trung trở về quả đúng như lời Thiền sư Trí Uy nói, bèn giao chùa cho Huệ Trung.