Vietnamese|English

Thức Ăn Cho Tinh Thần

Lý do khiến người ta đọa địa ngục, làm ngạ quỷ, hoặc chuyển thành súc sanh thì không ngoài sự chi phối của Lục Căn. Con người sở dĩ thành A-tu-la, sanh lên cõi trời hay làm người cũng không ngoài tác dụng của sáu căn này. Cho đến con người được thành A-la-hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát hay Phật cũng đều không rời công năng của sáu căn này. Vì sao sáu căn này có sức mạnh lớn lao như vậy? Thậm chí con người dù sanh lên thiên đàng hay đọa xuống địa ngục cũng đều không thể tách rời chúng được? Phải chăng sáu căn này có khả năng chi phối con người trong vấn đề thành Phật hoặc làm quỷ?

Kỳ thật, không phải sáu căn này chi phối chúng ta mà tại chúng ta không biết vận dụng chúng. Trong tự tánh (hay linh minh giác tánh) của mỗi con người đều có một “chủ nhân ông.” Vị “chủ nhân” này cũng chính là Phật tánh bản hữu của chúng ta. Khi vị “chủ nhân” nắm quyền (tức là Phật tánh hiện hữu) thì chánh niệm hiện tiền, làm việc gì cũng tự tại, không có trở ngại. Song, nếu có một niệm vô minh dấy lên hoặc ngu si ám chướng khơi dậy trong tâm chúng ta, thì sáu căn này sẽ giống như sáu tên giặc, chúng lấn áp chủ nhà, chúng tước đoạt quyền hành của vị “chủ nhân” và chúng ta sẽ bị sáu tên giặc – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tư tưởng – mưu hại. Sáu tên giặc này sẽ phá nhà cướp của, vơ vét hết tài sản quý báu trong nhà! Cho nên nói rằng:

Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện,

Lục căn hốt động bị vân giá.

(Một niệm không sanh: Phật tánh hiển hiện,

Sáu căn bổng dậy: tâm bị che mờ.)

Do đó, chúng ta vốn dĩ đi theo con đường Phật nhưng rồi lại đi vào con đường ma! Thí dụ như có người lái xe, lẽ ra phải đi trên con đường lớn nhưng người đó lại lao xuống biển, làm cả người lẫn xe đều chìm dưới đáy biển; lại có những người thích những chuyện cao xa viễn vông, y chạy lên núi rồi rớt xuống từ trên đỉnh núi, khiến cho thân thể tan nát, đó là vì họ không thuộc đường, không quen đường đi nước bước, không biết lái xe, nên mới xảy ra chuyện bất trắc, thậm chí có thể nguy hiểm đến tánh mạng.

Linh tánh bản hữu của con người thì thông thiên triệt địa, hết sức viên mãn, kỳ diệu, sáng suốt, hiển hiện khắp mười phương, và có sức mạnh vô song, cái gì cũng thực hiện được. Thí dụ có kẻ tuy biết lái xe, nhưng một khi đầu thai trong một cái “túi da”  thối tha này thì trở nên rất hồ đồ, thậm chí không còn biết phương hướng đông tây nam bắc hay trên dưới gì nữa, nên y cứ chạy lung tung khắp nơi. Con người khi bị sáu căn che mờ cũng vậy – vốn muốn thành Phật, thành Bồ Tát, nhưng chỉ sơ hở, thiếu cẩn thận một chút là có thể thành ngựa, thành bò hoặc dê ngay!

Đáng thương nhất là có một số tín đồ Phật Giáo tuy một lòng muốn thoát khỏi ba đường ác, nhưng không hiểu cách lái xe này, không biết vận dụng sáu căn nên bị sáu căn chi phối, đành để cho ma vương làm chủ “căn nhà” của họ. Họ bị vây khốn trong tấm thân giả tạm do năm uẩn tạo thành này mà không thể nào thoát ra được. Họ đau khổ không thể tả xiết, linh tánh bản hữu của họ thì bị mai một, trí huệ quang minh cũng không sao hiện tiền được!

Cho nên mọi sự, mọi vật trên đời đều thuyết Pháp, đều dạy cho chúng ta sự thật chân lý; nếu hiểu được, thì các bạn sẽ thấy là vạn sự vạn vật đều đang thuyết Phật Pháp, đang nói lên cái pháp ra khỏi thế gian; nhưng nếu không hiểu thì các bạn sẽ thấy rằng tất cả chỉ toàn nói pháp thế gian, thứ pháp nhiễm ô! Do đó, tất cả mọi sự đều coi thử tâm các bạn như thế nào, tất cả đều ở nơi ý niệm của các bạn mà thôi. Hễ có trí huệ thì bất luận vấn đề gì cũng có thể giải quyết một cách ung dung tự tại; còn không có trí huệ thì đâu đâu cũng chỉ toàn là chướng ngại!

Thân thể loài người chúng ta tuy cần ăn uống để sinh tồn, song đó chỉ là một loài thực phẩm thô sơ mà thôi, con người còn phải dựa vào Phật tánh, vào trí huệ quang minh để sanh tồn. Ví như chiếc xe cần phải có xăng mới chạy được, con người cũng phải nhờ vào ăn uống thì mới có sức sống, mới có thể sinh hoạt, mới có thể vận động được. Song, có một số người tu hành không cần phải nhờ vào sự ăn uống để sanh tồn; vì sao vậy? Vì họ chỉ “ăn” trí huệ quang minh, đó mới chính là thực phẩm dinh dưỡng cho họ! Cho nên, về mặt thô kệch thì thân thể cần dựa vào sự ăn uống; nhưng nhìn theo chiều sâu vi tế hơn thì con người cần phải có linh tánh của Phật để làm thức ăn cho tinh thần mới được. Ban ngày chúng ta làm việc, bất kỳ đi, đứng, nằm hay ngồi, cũng đều hao tổn sinh lực cả, giống như chiếc xe tiêu thụ rất nhiều xăng dầu vậy. Đến ban đêm chúng ta nghỉ ngơi thì các lỗ chân lông mở ra tiếp xúc với hào quang của Phật, hấp thụ trí huệ quang minh tỏa ra từ Đại Quang Minh Tạng của Phật để bổ sung cho tinh thần bị tiêu hao lúc ban ngày. Do đó, nhờ ban đêm nghỉ ngơi đầy đủ rồi nên hôm sau tinh thần lại được khôi phục như bình thường!

Có nhiều người nghe được đạo lý này liền nổi lòng tham, nghĩ rằng: “À! Thì ra khi mình ngủ chính  là lúc đức Phật ‘tiêm’ hào quang cho mình; vậy nếu mình ngủ nhiều hơn một chút nữa chẳng phải càng có trí huệ hơn sao?” Kỳ thật, mỗi người chỉ cần một thời gian ngủ nghỉ nhất định; nếu ngủ quá nhiều sẽ làm cho đầu óc ngu muội và trí huệ bị sút giảm. Người ta thường nói “dạ trường mộng đa” (đêm dài thì lắm mộng); con người mà mộng mị hoài thì chỉ lãng phí tinh thần mà thôi! Ngủ nhiều quá lại có thể làm cho chúng ta uể oải, mắc bịnh nhức đầu; cho nên, phàm làm việc gì cũng thích đáng, vừa phải, không nên đi tới chỗ thực đoan!

Những người không hiểu đạo lý này thì cho rằng chỉ có ăn uống mới duy trì được sanh mạng; song, những bậc tu Đạo biết dụng công thì hết sức chú ý tới món ăn tinh thần cho nên họ rất thích ngồi Thiền, rất thích tham cứu và tu tập Thiền Định. Bởi chính nhờ tham Thiền tập Định mà họ có thể tiếp xúc với nhiều với nhiều trí huệ quang minh của chư Phật để bổ sung tinh thần và khiến cho huệ lực được tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, đối với việc ngồi Thiền hay tịnh tọa các bạn cũng không nên quá tham lam, chấp trước vào tịnh tọa nhiều quá cũng có thể mắc “Thiền bệnh!”

Cho nên chúng ta những người học Phật, không nên chạy bên tây bên đông, hướng ra ngoài mà truy cầu, nào là cầu Phật Pháp, tìm con đường tắt, hoặc là tham tiện nghi, muốn mau khai ngộ, bởi vì như thế chỉ khiến cho mức năng lượng có giới hạn trong người mình bị hao tổn, bản thân mình cũng nhọc tâm kiệt sức, trí huệ bị tổn giảm, mà lại không đạt được gì cả! Đó là tệ trạng của sự không hiểu gì về đạo lý “căn bản Phật tánh,” cứ hướng tâm ra ngoài mà truy đuổi cái Pháp!

Những điều tôi nói hôm nay không phải là thần thoại, mà có thể gọi là “thần lý!” Lý luận này, có thể nói rằng ngay cả những khoa học gia tân tiến nhất cũng chưa thể nghiên cứu tới chứ đừng nói là hiểu được, và dù nằm mơ họ cũng không thể mơ tới rằng có đạo lý kỳ diệu như thế! Thật ra, đây vốn là những đạo lý bình thường, nhưng đáng tiếc là ai nấy đều thờ ơ, không chú trọng!

 

(Giảng vào tháng 5 năm 1983)

_____________

(1) Thân người