Chinese |Video 1 2 | English | Vietnamese

Bách Niên Đại Sự Hỗn Như Mộng    

Trăm Năm Đại Sự Rối Như Mộng  

(Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng “Trung Quốc Bách Niên Dự Ngôn Thi” của Đại Sư Bộ Hư)

               

 

Trong nhiều Pháp hội, các buổi phỏng vấn, hoặc các cuộc hội đàm, Hòa Thượng Tuyên Hóa đã từng phân tích bài “Trung Quốc Bách Niên Dự Ngôn Thi” một cách rất tường tận. Đó là do nguyên nhân nào?

Lịch sử ví như tấm gương sáng của các bậc tiền nhân lưu lại cho hậu thế, ước mong con cháu đời sau có thể “xem tích xưa mà hiểu chuyện nay” hầu khỏi phạm cùng sai lầm, và có thể sửa đổi sai sót cũ, bồi đắp cho mai sau. Có lẽ Hoà Thượng cũng cùng một ý này vậy!

 

Quý vị Thiện Tri Thức!
Đa số quý vị hiện diện ở đây là người Trung Hoa, vì thế chúng ta nên tìm hiểu về các biến cố trọng đại cùng các nhân vật liên hệ trong khoảng một trăm năm gần đây của nước Trung Hoa. Thiển nghĩ, tuy chúng ta là người Phật tử, chúng ta chẳng thể không quan tâm đến gia đình của chính mình, và cũng chẳng thể không quan tâm đến sức khỏe bản thân. Do đó, tại Los Angeles cũng như ở các nơi khác, tôi đã từng giảng qua, và bây giờ về lại Đài Loan, tôi cũng muốn miêu tả và giải thích sơ lược về những biến cố xảy ra ở Trung Hoa trong vòng một trăm năm trở lại đây.

Chúng ta, những người học Phật, chẳng thể không có tổ quốc, chẳng thể không có gia đình, và cũng chẳng thể không có “tự thân”. Thân thể là “vốn liếng” mà chúng ta “đầu tư” cho việc học Phật của mình. Còn gia đình thì sao? Gia đình là cội nguồn của sanh mạng chúng ta. Còn tổ quốc? Chúng ta, bất luận là người xuất gia hay tại gia, đều được sự bảo hộ của chính phủ quốc gia. Do đó, chúng ta phải yêu mến tổ quốc, tận trung với tổ quốc, tận hiếu với gia đình, và thành tín với tất cả mọi người; bởi:

Tín là nguồn của Đạo, là mẹ của công đức. 
Và nuôi dưỡng tất cả mọi căn lành. 
(Tín vi Đạo nguyên công đức mẫu, 
Trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn.) 

Lại có câu:

Người không có thành tín thì không lập thân được.
(Nhân vô tín bất lập.) 

Cho nên, chúng ta phải giữ chữ tín. Ở nhà, nếu chúng ta không hết lòng hiếu thảo với cha mẹ tức là lỗi đạo làm con, là trái ngược với luân thường; do đó, chúng ta cần phải làm tròn chữ hiếu. Có câu:

Nam nữ chung sống là đạo lý thường tình của con người, 
Đạo của người quân tử bắt đầu ở quan hệ vợ chồng. 

 

(Nam nữ cư thất, nhân chi đại luân. 
Quân tử chi đạo, triệu đoan hô phu phụ.) 

Lại có câu:

Người quân tử lo việc gốc. Gốc lập rồi thì Đạo nảy sanh, 
Hiếu đễ là nền tảng của con người! 

 

(Quân tử vụ bổn, bổn lập nhi Đạo sanh. 
Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dư!) 

Nhằm bảo hộ chúng ta, quốc gia và chính phủ cần phải có một nguồn nhân lực tương đối để lo việc phòng thủ, bảo vệ đất nước. Lập thân ở đời, chúng ta cần phải giữ chữ tín trong việc xử thế; không được thiếu sự thành tín.

Đức Khổng Phu Tử từng nói:

Người không có tín nghĩa thì chẳng biết có được việc gì chăng? 

(Nhân nhi vô tín bất tri kỳ khả dã?) 

Những người không chú trọng tín nghĩa thì chẳng biết có làm nên việc gì hay không? Cho nên, chữ “tín” rất quan trọng đối với chúng ta. Vậy, chúng ta đối với tổ quốc thì phải trung thành, đối với gia đình thì phải hiếu đạo, đối với bản thân thì phải chú ý sức khỏe của mình. Như thế thì chúng ta mới khỏi trở thành gánh nặng cho quốc gia.

Tôi đã nhiều lần giảng về các biến cố trọng đại xảy ra tại Trung Hoa trong một trăm năm gần đây cùng những nhân vật liên hệ. Tuy nhiên, các nhân vật như thế thì rất nhiều, nên nay chúng ta chỉ chọn ra một vài hình ảnh để thảo luận thôi.

Bài thơ này là do ai nói? Đây có thể gọi là bài sấm tiên tri và được lưu truyền vào năm thứ 30 triều vua Quang Tự nhà Thanh. Đương thời, lão cư sĩ Cao Tĩnh Hàm, chủ nhân Thanh Hư Lâu tại Bích Vân Tự trên ngọn Tây Sơn ở ngoại thành Bắc Kinh, vì quan tâm đến quốc gia đại sự nên đã cung thỉnh được Đại Sư Bộ Hư đời nhà Tùy giáng luận. Dưới đời nhà Tùy, vào thời của Đại Sư Bộ Hư, bởi đất nước gặp cảnh rối ren, giặc giã nổi lên khắp nơi, nên mọi người đều muốn tìm một nơi yên ổn để ẩn náu. Sinh thời, Hòa Thượng Bộ Hư vốn là một vị Đại Tướng Quân và đã giết rất nhiều người. Về sau, nhận thấy hành động như thế là không đúng, Ngài lui về ẩn dật và đến núi Thiên Thai tu hành. Ngài có sáng tác bài thơ như sau:

Tích nhân Tùy loạn thái Bồ Đề,
Ngộ nhập Thiên Thai Thạch Cổ tây. 
Triêu ẩm lưu hà thả chỉ khát; 
Dạ phạn ngọc lộ lược sung cơ.
Diện bích cửu niên thùy Đại Đạo, 
Chỉ đàn thập đại hoán tân nghi. 
Dục ngã tịch đồ, đồ ngộ ngã, 
Thiên cơ nan tiết, tiết Thiền cơ. 

Tích nhân Tùy loạn thái Bồ Đề (xưa kia, bởi nhà Tùy rối loạn nên ta đi tìm Bồ Đề, cầu đạo giác ngộ). Đương thời, Đại Sư Bộ Hư là một tướng lãnh của nhà Tùy, nhưng vì nhận thấy không thể cứu vãn nhà Tùy được nữa nên Ngài phát tâm đi tu. Tuy nhiên, vì không có một mục đích rõ rệt nào cả nên Ngài cứ rày đây mai đó, vân du khắp chốn. Do đó, Ngài nói là “tích nhân Tùy loạn thái Bồ Đề”, tức là khi xưa bởi nhà Tùy loạn lạc nên Ngài quyết định đi theo con đường “Bồ Đề Đại Đạo”, tìm nơi tu hành.

Và chính trong thời kỳ đi tìm nơi tu hành này, Ngài đã Ngộ nhập Thiên Thai Thạch Cổ tây (tình cờ vào được phía tây Thạch Cổ, trên núi Thiên Thai). Một cách hết sức tình cờ, Ngài lạc bước tới phía tây của một nơi có tên là Thạch Cổ (trống đá), trên ngọn Thiên Thai, và khám phá ra nơi ấy có một sơn động nên Ngài đã lưu lại đó để tu hành.

Triêu ẩm lưu hà thả chỉ khát (sáng uống sương mai tạm qua cơn khát). Ngài ở trên núi tu hành, sống đời khổ hạnh. Sáng sớm thức dậy, Ngài chỉ nhấp chút ráng mây—thứ khí mù màu đỏ thường thấy lúc mặt trời sắp mọc. Đó là thứ ráng trời sáng chói, kết tinh của hàng vạn tia sáng rực rỡ trên trời cùng hàng ngàn luồng khí may mắn trong không trung; và cũng có thể gọi là tinh hoa của mặt trời và mặt trăng. Vì Đại Sư bận tu hành, có chịu đói đôi chút cũng cam lòng, nên Ngài chỉ cần uống chút đỉnh cho đỡ khát mà thôi.

Dạ phạn ngọc lộ lược sung cơ (tối ăn sương ngọc qua loa trừ bữa). Buổi tối, Ngài chỉ nhấp chút sương để dịu cơn đói. Tuy rằng chẳng no dạ, nhưng vẫn có thể duy trì sanh mạng.

Diện bích cửu niên thùy Đại Đạo (đối mặt với vách đá suốt chín năm, Ngài đã đến gần Đại Đạo). Ngài nói rằng suốt chín năm trời ròng rã, Ngài ở trên núi ngồi xoay mặt vào vách đá để hàm dưỡng “Đạo thai” và việc tu hành đã đạt đến chỗ “rõ tâm thấy tánh” (minh tâm kiến tánh). “Đến gần Đại Đạo” tức là sắp sửa thành tựu, chứng đắc Đại Đạo.

Chỉ đàn thập đại hoán tân nghi (thoáng chốc mà mười triều đại đổi nghi lễ mới). Ở đây, “chỉ đàn” tức là “đàn chỉ”, nghĩa là trong khảy ngón tay. (Hai câu này đối nhau: Vì vế trên là “diện bích cửu niên thùy Đại Đạo”, cho nên ở vế dưới, Ngài muốn để chữ “chỉ” là ngón tay nằm đầu câu để đối với chữ “diện” là mặt). Như vậy, trong quãng thời gian ngắn ngủi bằng khảy ngón tay, thoáng chốc mà đất nước trải qua đến mười lần thay ngôi đổi chủ, mười lần thay đổi người lãnh tụ quốc gia. Mười triều đại này có lẽ là bao gồm năm triều đại Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, và “Ngũ Đại Tàn Đường” (năm triều đại ngay sau nhà Đường). “Hoán tân nghi” tức là đổi nghi lễ, thể thức mới. Mỗi triều đại đều có nghi lễ phép tắc khác nhau, cho nên mỗi lần bắt đầu một triều đại mới thì đều có sự thay đổi về lễ nghi, quy củ.

Dục ngã tịch đồ, đồ ngộ ngã (các ngươi muốn ta mở đường, nhưng đường dẫn ta đi lạc). Tất cả các ngươi đều muốn ta mở đường chỉ lối, nói cho các ngươi biết trước về thế cuộc và những việc sẽ xảy ra trong tương lai. Thế nhưng, bởi chính ta cũng không hiểu rõ được nên ta mới đi tu. “Đồ ngộ ngã”—ta cũng không chắc là mình biết được.

Thiên cơ nan tiết, tiết Thiền cơ (bởi không thể tiết lộ thiên cơ nên ta tiết lộ Thiền cơ vậy). Các ngươi hỏi ta về thiên cơ, nhưng ta không thể tiết lộ được vì tiết lộ cơ trời là mang tội. Cho nên, ta sẽ tiết lộ Thiền cơ, nói vài lời tiên tri vậy. Ở đây, “Thiền cơ” tức là “dự ngôn”—lời báo trước những việc chưa tới hoặc sẽ xảy ra. Ta có thể nói sơ lược đôi chút.

Những lời tiên tri này nói về các nhân vật có ảnh hưởng đến tình hình đất nước Trung Hoa, và đều đã được chứng thực là linh ứng. Tuy nhiên, khi Đại Sư giáng dụ thì người đương thời không biết Ngài ám chỉ ai vì ý tứ rất hàm súc, chữ dùng lại bí ẩn; cho nên, chúng ta phải tự phỏng đoán lấy.

 

  1. I)  Bài thơ đầu tiên nói về ai? Bài này nói về Hoàng-đế Tuyên-Thống, vị vua cuối cùng của nhà Thanh.

Thơ như sau:

Vân ám ám, vụ sầu sầu,

雲     暗   暗,霧  愁  愁,
Long quy nê thổ tố mị hầu,                            

龍     歸   泥   土  塑 獼  猴
Tam tuế hài đồng tam tải phúc,                                         

三     歲   孩   童     三    載  福,
Nguyệt hạ vô chủ thủy không lưu,                                                                            

月        下   無  主   水   空      流,
Vạn khoảnh yên ba nhất đán thu.

萬    頃        煙    波  一    旦    收。

Vân ám ám, vụ sầu sầu” (mây u ám, sương mịt mùng). Ở đó mây đen giăng kín, âm u vô cùng và có một màn sương mù bao phủ trông rất ảm đạm, thảm sầu. Mây đen và sương mù ám chỉ sự thiếu chân lý; bấy giờ là lúc “người âm” nắm chính quyền. Người âm, được tiêu biểu bởi sự đen tối, là chỉ Tây Thái-hậu Từ-Hy. Khi Tây Thái-hậu ngồi sau rèm nghe việc triều chính, thì mặt trời và mặt trăng đều không tỏa sáng nữa. Thế gian dường như vắng ánh thái dương vậy; cho nên mây cũng u ám, sương cũng ảm đạm. Vì sao?

Bởi vì “Long quy nê thổ tố mị hầu” (rồng trở về với đất, đất sét nặn thành con khỉ mặt đỏ). Lúc bấy giờ, vua Quang-Tự đã băng hà, tức là rồng đã chui xuống đất. Rồng về với đất thì đương nhiên cũng trở thành đất sét. Rồng sống mà thành đất sét tức là không còn rồng nữa—cũng có nghĩa là không còn hoàng đế nữa. Thiên tử không còn nữa vì rồng đã biến thành đất. Dùng đất nặn hình khỉ chơi với khỉ. Con khỉ này ám chỉ ai? Đó là Hoàng-đế Tuyên-Thống, vị vua cuối cùng của nhà Thanh.

Tam tuế hài đồng tam tải phúc”  (đứa bé ba tuổi chỉ được ba năm phước báo). Lúc này, một “ông vua bù nhìn” được lập làm vua –một chú bé ba tuổi được đưa lên kế vị ngôi vua, làm hoàng đế. Đứa bé lên ba mà lên ngôi làm vua há chẳng như đóng kịch, làm trò hề sao?

Ngày lễ đăng quang của vua Tuyên-Thống, có Nhiếp-Chính Vương bồng ẵm nhà vua. Nhưng ấu vương chẳng biết thời thế, ngồi trên ngai vàng mà khóc lóc. Có lẽ vị vua mới lên ba này cảm thấy làm hoàng đế chẳng có gì là thích thú, lại cũng chẳng có đồ chơi để chơi nữa. Thời ấy cũng chưa có đồ chơi súng ống để chơi bắn “pằng pằng pằng.” Vì thế, cậu bé vua chỉ biết khóc.

Thấy vua khóc, Nhiếp-Chính Vương buột miệng dỗ dành: “Xin Bệ-hạ đừng khóc nữa. Chỉ một chốc là xong thôi mà.” Đây cũng có thể gọi là một câu “sấm ngữ,” một lời tiên tri (nói gở); tương tự như “điềm” vậy. Qúy vị thử nghĩ xem, “một chốc là xong,” có nghĩa là trong một thời gian rất ngắn là xong xuôi, finish! Đây là điềm Tuyên-Thống chẳng ở ngôi vua được lâu—chỉ có “một chốc” mà thôi; và cũng có thể là điềm báo trước triều đại nhà Thanh sắp sửa sụp đổ. Đó là nói gở, là điềm không may.

Ở Trung-Hoa, người tỉnh Quảng-Đông khi nghe ai nói lời xui xẻo thì họ liền nói: “Đại kiết lợi thị, đại kiết lợi thị!” Họ còn mê tín như thế đấy. Vậy, trong trường hợp này thì thế nào? Thì cũng “đại kiết lợi thị” thôi!

Như vậy, tam tuế hài đồng tam tải phúc,” đứa bé này có được ba năm phước báo—chỉ làm vua được ba năm mà thôi. Ba năm này tức là “một chốc.” Hết ba năm là không còn nữa, tức là “một chốc là xong” vậy.

Như thế, xong rồi thì sao? Câu thơ kế tiếp nói rất rõ ràng: Nguyệt hạ vô chủ thủy không lưu” (dưới trăng chẳng có chủ, nước cạn khô).

“Nguyệt hạ vô chủ” tức là dưới chữ “nguyệt” (月) không có chữ “chủ” (主). Thế nhưng, chẳng có chữ nào mà trên là chữ “nguyệt”, dưới là chữ “chủ” cả. Vậy trên chữ “nguyệt” thì sao? Trên chữ “nguyệt” là chữ “chủ” thì có. Trên chữ “nguyệt” (月) mà có chữ “chủ” (主) và bên cạnh có ba chấm (bộ thủy氵), tức là chữ “thanh” (清), chỉ triều đại nhà Thanh.

Đại-sư Bộ-Hư nói “nguyệt hạ vô chủ,” nhưng muốn quý vị hiểu là trên chữ “nguyệt” không có chữ “chủ”. Ngài không thể nói rõ ra là “nguyệt thượng vô chủ” vì như thế thì quá lộ liễu, mọi người sẽ biết đó là chữ “thanh” ngay.

“Thủy không lưu” tức là không còn nước nữa, nước đã chảy hết, đã khô cạn rồi. Nước cạn khô ám chỉ sự suy vong của nhà Thanh. Ba chấm thủy khô rồi, dưới trăng cũng không còn “chủ” nữa vì “chủ” đã chạy lên trên trăng rồi. Vậy, đây là chữ “thanh” ám chỉ Thanh-triều.

Mặc dù đương thời là vào năm thứ 30 của triều vua Quang-Tự (cuối đời nhà Thanh), nhưng không có ai hiểu được sự tương quan này. Cho tới ngày nay, e rằng cũng chẳng có ai hiểu nổi. Vậy “nguyệt hạ vô chủ thủy không lưu”  tức là dưới trăng không có chủ, trên trăng cũng không có chủ, và cũng chẳng có nước nữa—thế thì Thanh-triều dời đi đâu? Qúy vị hãy tham cứu, suy gẫm về ý nghĩa của chữ này. Đây là ám chỉ sự cáo chung, sụp đổ của nhà Thanh — chữ “thanh” đã biến mất.

Nhà Thanh diệt vong, cho nên câu thơ kế tiếp cho biết nhà Thanh mất bởi tay ai. “Vạn khoảnh yên ba nhất đán thu(cả vùng khói sóng mênh mông bị xâm chiếm nội trong một ngày). “Vạn khoảnh yên ba” tức là “vạn lý giang sơn”—non sông muôn dặm. Câu này ngụ ý rằng sẽ có ngày cả giang sơn gấm vóc của Trung Hoa sẽ bị mất vào tay kẻ khác—đất nước lại thêm một phen thay ngôi đổi chủ.

“Nhất đán” có nghĩa là “một ngày.” Tuy nhiên, nếu ghép hai chữ “nhất (一) và đán (旦)” lại thì thành chữ “tuyên (宣)” của Tuyên-Thống, song phía trên thiếu mất bộ “miên (宀).” Chữ “tuyên” nếu bỏ đi bộ “miên ” ở phía trên thì còn lại chữ “ hoàn”,  chữ “hoàn” này có thể tách ra thành hai chữ “nhất đán (一旦).”

Về sau, Nhật-Bản lập ra nước Mãn-Châu và đưa Tuyên-Thống lên làm ông vua bù nhìn ở đó, đặt quốc hiệu là Khang-Đức. Nước Mãn-Châu này khác với Đại Thanh và Trung-Hoa Dân Quốc. Trên đây là sơ lược về Hoàng-đế Tuyên-Thống.

  1. II)      Bài thơ thứ nhì là nói về ai? Đó là nói về Tôn Quốc Phụ, cha đẻ của nền Cộng Hòa (nước Trung Hoa); thơ như sau:

Quân tác tổ, chất bân bân,
君     作   祖,質   彬    彬, 

Vạn lý trường hồng phá lãng chinh,
萬   裡    長     虹     破    浪     征,

Hoàng Hạc Lâu trung xuy ngọc tiêu,
黃       鶴    樓    中     吹    玉     笛, 

Bát phương tề tấu khải ca ngâm,
八    方       齊   奏   凱    歌   吟,

Tinh kỳ ngũ sắc hoán tân tân.
旌    旗   五   色   換    新    新。

Quân tác tổ, chất bân bân (ông, người có tư chất hòa nhã, được làm ông tổ). “Quân” nghĩa là ông hoặc anh. “Quân tác tổ” có nghĩa là ông là người được làm ông tổ, là tổ tiên. Là ông tổ thì tất nhiên phải có con cháu gọi mình bằng “ông”; như vậy ở đây ắt có một chữ “tôn” (孫 nghĩa là “cháu”) được hiểu ngầm. [“Tôn” (孫) cũng là họ của Tôn Quốc Phụ].

“Chất bân bân” vốn không phải là một câu văn đủ nghĩa, mà chỉ là nửa câu lấy từ sách Luận Ngữ, trọn cả câu là:

Văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử. (文 質 彬 彬,然  后 君 子。)

(Người có dáng bề ngoài [văn] và bề trong [chất] tương xứng nhau thì mới là người quân tử.)

Trong câu thơ trên, quân tác tổ, chất bân bân, không có chữ “văn,” nó chỉ được hiểu ngầm trong nửa câu sau mà thôi. Cho nên, người tinh ý thì sẽ đoán ra ngay câu này có tiềm ẩn chữ “tôn” và chữ “văn”—ngầm chỉ Tôn Văn (孫文) [tức Tôn Dật Tiên, cha đẻ của nền Cộng Hòa nước Trung Hoa].

Vạn lý trường hồng phá lãng chinh (mống cầu vồng dài muôn dặm đã phá bỏ những chuyến đi xa trên sóng). Câu này ám chỉ việc Tôn Quốc Phụ bôn ba khắp nơi để hô hào, vận động cho cuộc cách mạng. Từ Honolulu ông đáp thuyền về Trung Hoa, rồi lại từ Trung Hoa lặn lội trở sang Honolulu, đương đầu với bao sóng gió hiểm nguy để đề xướng công cuộc cách mạng–ông chẳng khác nào một đạo cầu vồng dài bắc ngang qua đại dương.

“Mống cầu vồng dài muôn dặm” (vạn lý trường hồng) lẽ ra phải nằm trên trời, nhưng vì đạo cầu vồng này “dẹp bỏ cuộc hành trình trên sóng nước” (phá lãng chinh), do đó chúng ta biết được rằng đây là ám chỉ việc ngồi thuyền vượt biển, “cưỡi mây lướt sóng.”

Hoàng Hạc Lâu trung xuy ngọc tiêu (trong lầu Hoàng Hạc thổi tiêu ngọc). Lầu Hoàng Hạc vốn tọa lạc tại thành phố Vũ Xương, ở tỉnh Hồ Bắc. Chính từ trên lầu Hoàng Hạc này, tiếng tù-và đã trỗi lên để làm hiệu lệnh cho Lý Nguyên Hồng tham gia cách mạng, trợ giúp Tôn Quốc Phụ trong công cuộc “phá lãng chinh”—lật đổ nhà Mãn Thanh, thành lập Dân Quốc. Vì thế, “Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc tiêu,” có nghĩa là tiếng tù-và hiệu lệnh cho cuộc cách mạng đã vang lên từ lầu Hoàng Hạc.

Bát phương tề tấu khải ca ngâm (tám phương cùng hát bài ca mừng thắng lợi). Khi cuộc Khởi Nghĩa Vũ Xương bùng nổ (ngày 10 tháng 10 năm 1911-cuộc Cách Mạng Tân Hợi), dân chúng khắp nơi đều đồng lòng hưởng ứng, nô nức đáp lời kêu gọi tham gia cuộc cách mạng, khí thế như “gió cuốn mây dồn.” Nơi nơi, mọi người đều hân hoan hát vang khúc ca mừng chiến thắng.

Tinh kỳ ngũ sắc hoán tân tân (lá cờ năm màu mới tinh bay phất phới). Lúc ban sơ, khi nền Cộng Hòa mới được thành lập, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dùng lá cờ ngũ sắc làm quốc kỳ; về sau mới đổi sang cờ “thanh thiên bạch nhật,” tức là lá cờ có hình mặt trời màu trắng nổi bật trên nền trời xanh thẳm như hiện nay.

Vậy, trên đây là bài thơ thứ nhì, nói về cuộc Khởi Nghĩa Vũ Xương do Tôn Quốc Phụ khởi xướng.

Có câu:

“Hữu đạo thị chân phú quý,
vô đức nãi thanh bần.”

 

(Người có đạo hạnh là thật sự giàu sang, 
kẻ không có đức hạnh là hạng nghèo cùng.)  

Cho nên, hai chữ “đạo đức” không phải là sáo ngữ – ngôn từ trên sách vở của các nhà nho cổ hủ, mà chính là danh ngôn chí lý chứa đựng nhiều chân lý xác đáng. Luận về các triều đại lấy được cả thiên hạ, cũng như những nhân vật đã từng nắm quyền cai trị quốc gia của nước Trung Hoa, chúng ta có thể thấy rõ một điều: “Người có đức thì ở giữ quyền, kẻ không có đức thì chịu mất mát.”

Trong số những nhân vật từng giữ các vai trò thiết yếu trong một trăm năm gần đây của lịch sử nước Trung Hoa mà chúng ta đã đề cập đến ở phần trước, có nhiều người chỉ xuất hiện trong chốc lát ngắn ngủi, giống như hoa quỳnh “thoáng nở thoáng tàn” vậy. Vì sao? Chính là vì họ không có đức hạnh! Người không có đức hạnh thì có thể chiếm được cả thiên hạ, song lại chẳng thể nào nắm giữ được thiên hạ. Trong khi đó, người có đức hạnh có thể là không lấy được thiên hạ, song lại có khả năng thâu phục được nhân tâm của cả thiên hạ. Do đó, đạo đức rất quan trọng, rất thiết yếu. Cổ nhân đã từng nói:

“Đức giả, bổn dã; tài giả, mạt dã;

ngoại bổn nội mạt, tranh dân thí đoạt.”  

(Đạo đức là gốc, tiền tài là ngọn; nếu con người bỏ gốc theo ngọn thì những gì họ có được đều sẽ bị kẻ khác tước đoạt.)

Nếu quý vị quên cái gốc, chỉ biết lo kiếm tiền, thì vì thiếu đức hạnh, bao nhiêu tiền bạc quý vị có được sẽ bị người khác cướp đoạt hết. Tuy nhiên, nếu quý vị có đức hạnh, thì quý vị sẽ được mọi người dốc lòng quy phục, ngưỡng mộ; và đó là điều mà quý vị sẽ mãi mãi trọn hưởng.

Điển hình là trường hợp của vua Tuyên Thống nhà Thanh, vì vua không có đức hạnh cũng chẳng có đạo hạnh, cho nên triều đại nhà Thanh đã bị diệt vong. Tôn Quốc Phụ, người khởi xướng phong trào cách mạng ở Trung Hoa, thì “có trí mà chẳng có phước”—không đủ đức hạnh; cho nên sau khi cách mạng thành công liền bị Viên Thế Khải cướp hết mọi quyền hành.

 

III)     Bây giờ là đến bài thơ thứ ba, bài này nói về Đại Tổng Thống Viên Thế Khải—Viên Hoàng Đế. Lời thơ như sau:

Cát sĩ hoài nhu,
 吉  士  懷   柔,

Tam thập niên biến,
 三   十     年    變,

Khởi phàm nhân tai?
 豈    凡      人     哉? 

Đàm hoa nhất hiện,
 曇    華    一     現,

Nam bắc đông tây,
 南    北    東     西,

Long tranh hổ chiến,
 龍    爭     虎    戰,
Thất bát số định,

 七    八   數   定,

Sơn xuyên thô điện.

 山   川     粗     奠。 

Cát sĩ hoài nhu  (người tốt mà có lòng ôn nhu, hòa nhã). Trong chữ “cát sĩ” (吉 士)  thì “sĩ” (士) là tiếng trợ từ ngữ khí. “Nhu” (柔) có nghĩa là mềm mỏng, dịu dàng. Giảng theo nghĩa của từng chữ thì phải chăng ở đây muốn nói về một vị quan rất thanh liêm (cát sĩ) đi bình định, ủy lạo những kẻ phản nghịch? Không phải! Trong chữ “hoài ” (懷) nửa dưới có chữ tương tự như chữ “y” (衣) [chỉ thiếu một nét chấm và một nét ngang (), bộ “đầu”]; nếu đem ghép chữ này vào dưới chữ “cát” (吉) thì được chữ “viên” (袁). Cho nên, “cát sĩ hoài nhu” chính là ám chỉ chữ “viên” (袁) vậy.

Tam thập niên biến (ba mươi năm thì biến đổi). Căn cứ theo từ ngữ để giải thích thì đa số mọi người đều cho rằng câu này ngụ ý là sẽ có một sự biến chuyển sau ba mươi năm. Thật ra thì không phải như vậy; thế thì như thế nào? Đó là dưới chữ “tam thập” (卅) nếu thêm vào một nét ngang (一) thì sẽ biến thành chữ “thế” (世).

Câu thơ kế tiếp là Khởi phàm nhân tai? (há phải người phàm ư?) Nếu chiếu theo mạch văn thì câu này có nghĩa rằng đó không phải là một người tầm thường; song le, ở đây chẳng phải như thế. Chữ “khởi” (豈) mà có thêm chữ “phàm” (凡) đứng bên cạnh thì là chữ “khải” (凱). Tổng hợp cả ba câu “cát sĩ hoài nhu, tam thập niên biến, khởi phàm nhân tai” lại, thì thành ba chữ “viên thế khải” (袁世凱).

Vì thế, hễ chưa đến thời điểm, chưa đến đúng lúc, thì không ai biết gì về sự hiện diện của Viên Thế Khải cả. Song, đến đúng thời điểm rồi, mọi người vẫn chưa biết rằng những câu thơ này là ám chỉ họ Viên [袁世凱 Viên Thế Khải]. Vì không thể biết chắc được nên mới gọi là “dự ngôn” (lời đoán trước). Đối với dự ngôn, người ta cần phải suy đi ngẫm lại mới nghiệm ra được ý tứ hàm chứa bên trong. Vậy, trên đây là dự ngôn về ba chữ “Viên Thế Khải.”

Đàm hoa nhất hiện (hoa quỳnh thoáng nở). Câu này nghĩa là gì? “Đàm hoa nhất hiện” ám chỉ một khoảng thời gian rất ngắn ngủi, như hoa quỳnh chỉ nở rộ trong chốc lát mà thôi. Đây là nói về việc Viên Thế Khải do kém đức hạnh nên chỉ làm hoàng đế được vỏn vẹn có tám mươi ba (83) ngày. Tám mươi ba ngày làm hoàng đế của ông ta có thể ví như hoa quỳnh thoáng nở thoáng tàn về đêm vậy.

Nam bắc đông tây, Long tranh hổ chiến (khắp các phía đông, tây, nam và bắc đều có rồng tranh cọp đấu). Vào thời của Viên Thế Khải, tức là thời đại Hồng Hiến, thì ở Nam Kinh có Phong Quốc Chương, Bắc Kinh có Đoạn Kỳ Thụy, Tây Kinh và Đông Kinh cũng có những nhân vật khác. Đây là thời kỳ “quân phiệt cát cứ”—những người này đều có tham vọng làm bá chủ, tranh nhau chia cắt lãnh thổ nước Trung Hoa, mỗi kẻ chiếm cứ một phương. Họ đóng đô ở khắp các phương đông, tây, nam, bắc; rồi tranh giành, xâu xé lẫn nhau như rồng và cọp. Có câu:

“Bát tiên quá hải, các hiển thần thông.”

(Tám vị tiên vượt biển, mỗi vị hiển lộ thần thông của riêng mình.)

Thế thì, tình trạng “quân phiệt cát cứ” này kéo dài trong bao lâu?

Thất bát số định (số bảy số tám đã được ấn định). “Thất bát” ở đây không có nghĩa là bảy năm hoặc tám năm, cũng chẳng phải là bảy nhân với tám thành năm mươi sáu; không phải như thế! Đây là bảy năm rồi cộng thêm tám năm nữa, vị chi là mười lăm năm. Do đó, câu này không phải nói về Dân Quốc năm thứ bảy hoặc năm thứ tám, mà là bảy cộng với tám thành mười lăm—ám chỉ Dân Quốc năm thứ mười lăm (1926), tức là lúc cuộc Bắc Phạt thành công. “Thất bát số định”—số mạng đã sớm định sẵn như thế rồi.

Sơn xuyên thô điện (núi sông được tạm ổn định). Lúc bấy giờ, đất nước Trung Hoa mới bắt đầu được thanh bình, yên ổn đôi chút.

 

  1. IV) Bài thơ thứ tư là đến lượt nói về Tổng Thống Tưởng Giới Thạch của chúng ta. Bài thơ ấy như thế nào? Đó là:

Can qua khởi, trục lộc mang,
 干   戈    起,逐    鹿    忙, 

Thảo mãng anh hùng tương xuất sơn,
 草     莽     英     雄     將      出      山,

Đa thiểu chẩm qua hào kiệt sĩ,
 多   少     枕     戈    豪    杰   士,

Phong vân tụ hội đáo Giang Nam,
 風      雲   聚  會   到    江     南,

Kim Lăng nhật nguyệt hựu trùng quang.
 金    陵    日      月     又     重      光。 


Can qua khởi, trục lộc mang, Thảo mãng anh hùng tương xuất sơn
(huơ khiên múa giáo, bận rộn đuổi nai; bậc anh hùng trong bụi rậm sắp rời núi). “Can” là cái khiên, “qua” là cái giáo; “can qua” là ám chỉ chiến tranh. Người người đều trang bị vũ khí—kẻ cầm dao, người cầm súng sẵn sàng chém giết lẫn nhau; đó gọi là “can qua khởi,” chiến tranh bùng nổ. Đây là nói về thời kỳ “quân phiệt cát cứ,” trong nước xảy ra giặc giã, loạn lạc.

“Trục lộc mang” tức là ai nấy đều xông xáo, hăm hở đuổi bắt con nai—tranh nhau nắm quyền thống trị Trung Nguyên. Mọi người đều hăm hở muốn xưng vương xưng bá, nắm giữ những vai trò chủ chốt trên lãnh thổ Trung Hoa — như làm Tổng Thống, Chủ Tịch, hoặc Ủy Viên Trưởng. Nói chung, tất cả đều có tham vọng muốn được làm chủ “con nai” Trung Nguyên này.

Chúng ta hãy chú ý câu “Thảo mãng anh hùng tương xuất sơn”, ám chỉ Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Trong chữ “tưởng” (蔣 – họ của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch), ở trên có bộ “thảo” (艹) [vì thế chữ “thảo mãng” được dùng trong câu này], và dưới là chữ “tương” (將, sắp sửa) [cũng nằm trong câu này]. Như vậy, câu này ngụ ý rằng Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, vị anh hùng đang ẩn nấp trong bụi cỏ, sắp sửa rời khỏi núi — sắp xuất hiện để bình định thiên hạ.

Cho nên, những câu kế mới nói là: Đa thiểu chẩm qua hào kiệt sĩ, Phong vân tụ hội đáo Giang Nam , Kim Lăng nhật nguyệt hựu trùng quang” (Bao nhiêu hào kiệt đã sẵn sàng, Giang Nam gió mây cùng tụ hội, Kim Lăng trời trăng lại sáng ngời).” Đây là ám chỉ sự thành công của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch trong cuộc Bắc Phạt. Đương thời, khắp lãnh thổ nước Trung Hoa, các nhóm quân phiệt tranh nhau chiếm cứ đất đai, mỗi kẻ tự xưng làm bá chủ một phương; và kế đến, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã xuất hiện và bình định tất cả. Do đó, câu trên nói là “thảo mãng anh hùng tương xuất sơn” (anh hùng áo cỏ sắp xuống núi).

“Đa thiểu chẩm qua hào kiệt sĩ ” (có rất nhiều bậc hào kiệt đã sẵn sàng chờ đợi). Lúc bấy giờ có biết bao vị anh hùng hào kiệt chống đối nhau vì tranh giành quyền lực, muốn làm chủ “con nai” Trung Nguyên.

“Phong vân tụ hội đáo Giang Nam”  (tụ họp ở Giang Nam như gió thổi dồn mây lại). Khi ấy, mọi người lũ lượt kéo nhau đến Nam Kinh — các anh hùng hào kiệt đương thời của nước Trung Hoa đều tựu về tụ tập ở Giang Nam, tức là Nam Kinh.

“Kim Lăng nhật nguyệt hựu trùng quang” (ở Kim Lăng, mặt trời và mặt trăng lại chiếu sáng). Kim Lăng là một tên khác của Nam Kinh. Lúc này, ở Kim Lăng như được ánh mặt trời và mặt trăng soi sáng trở lại, không còn đen tối u ám nữa. Vầng thái dương lại ló dạng, Nam Kinh lại được thấy ánh mặt trời. Điều này có nghĩa là vào năm Quang Tự thứ ba mươi của nhà Thanh [tức là khi dự ngôn này được nói ra], đã sớm có sự chủ định là Tổng Thống Tưởng Giới Thạch sẽ xuất hiện để trị lý thiên hạ.

Tuy nhiên, có lẽ nghiệp sát của người dân Trung Hoa quá nặng nề, cho nên họ không được hưởng niềm hạnh phúc của cảnh mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Vì thế, khi các cuộc nổi loạn trong nước sắp được dẹp yên, thì quốc gia lại gặp nạn ngoại xâm. Kẻ ngoại xâm đó là ai? Đó chính là Nhật Bản!

Trong suốt mấy ngàn năm, Nhật Bản luôn dòm ngó, lăm le thôn tính nước Trung Hoa. Quý vị biết có một thứ thuốc mà người Nhật đem bán có tên là gì không? Đó là thuốc Khinh Khoái Hoàn (輕 快 丸 qing kuai wan: viên thuốc nhẹ và nhanh). Trong từ ngữ “khinh khoái hoàn,” chữ “hoàn” (丸) vốn là “hoàn tán cao đơn,” và có nghĩa là thuốc viên. Khi bị mắc bệnh, người ta thường đi mua thuốc Khinh Khoái Hoàn về uống. Thế nhưng, cái tên thuốc này là ám chỉ triều đại nhà Thanh sắp “xong” rồi, sắp “hết thời” rồi. Theo tiếng Trung Hoa, chữ “hoàn” (丸) trong tên thuốc này đồng âm với chữ “hoàn” (完) có nghĩa là xong rồi, hết rồi; còn chữ “khinh” (輕) thì đồng âm với chữ “thanh” (清). Vì thế, “khinh khoái hoàn” (viên thuốc nhẹ và nhanh) có thể được hiểu là “Thanh khoái hoàn” (清 快完 nhà Thanh sắp hết rồi), bởi đều đọc là “qing kuai wan” cả.

Quý vị xem, Nhật Bản đã có dã tâm thôn tính nước Trung Hoa từ lâu. Họ uống thuốc Khinh Khoái Hoàn để trị bệnh, song với thâm ý: “Nếu chúng ta lật đổ được nhà Thanh, chiếm được nước Trung Hoa, thì tất cả chúng ta đều không bị bệnh. Không bị bệnh gì ư? Không bị bệnh đói! Chúng ta sẽ không bị đói khát nữa!” Đó là câu chuyện về “qing kuai wan.”

Lại nữa, các loại bánh như bánh nướng, bánh hấp, bánh quấn thừng, thì người Nhật không gọi đó là những món điểm tâm hay thức ăn lót dạ; thế thì gọi là gì? Họ gọi đó là “Trung Quốc” (中 國). Phàm là thức ăn, các món điểm tâm, bánh hấp, họ đều gọi chung là “Trung Quốc” cả. Họ cầm bánh lên ăn, và họ nhai nuốt “nước Trung Quốc” vào bụng!!! Đây là một cách “nhồi sọ,” gieo vào đầu óc mọi người tư tưởng “ta sẽ thôn tính nước Trung Hoa trong một ngày rất gần” vậy!

  1. V) Bài dự ngôn nói tiếp:

Doanh châu hổ, độ hải lang,
 瀛      洲     虎,渡  海   狼, 

Mãn thiên hồng nhật cánh hôn hoàng,
 滿    天     紅     日     更     昏     黃, 

Mãng mãng thần châu thương phá toái,
 莽     莽      神     州      傷       破     碎, 

Thương sanh đáo xứ khốc da nương,
 蒼        生      到   處   哭    爺      娘,

Xuân lôi sạ hưởng kiến thanh dương.
 春    雷  乍   響     見     晴       陽。

Doanh châu hổ (cọp ở cồn đảo). Đây là ý nói người Nhật ở tại đất nước Nhật Bản thì ví như hùm như cọp vậy. Mặc dù Nhật Bản là một nước nhỏ song Hội Quốc Liên cũng có phần nể sợ. Tại sao? Vì người Nhật có lòng can đảm, rất dũng mãnh, không sợ chết.

Có một lần, trước Thế Chiến Thứ Hai, Hội Quốc Liên cho tổ chức một cuộc thao diễn quân sự trên biển. Lúc bấy giờ người ta gọi đó là Hội Quốc Liên, chứ chưa gọi là Liên Hiệp Quốc. Lần ấy xảy ra vào ngày tháng nào thì tôi không rõ, bởi tôi không phải là nhà khảo cổ hoặc là người chuyên nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, chỉ biết rằng lúc đó quân đội của các quốc gia đều lên tàu để diễn tập. Quân đội của quốc gia nào—Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ cùng nhiều nước khác—thì diễn tập trên tàu của quốc gia đó. Lúc diễn tập, khi vị giáo quan hô to: “Đằng trước, bước!” thì tất cả binh lính trên tàu liền rầm rập tiến bước về phía trước. Quân đội của các quốc gia khác một khi bước đến mé tàu của mình rồi thì ai nấy đều đứng dậm chân tại chỗ—hai chân đều đặn dậm lên dậm xuống ở một vị trí, không tiến thêm nữa. Thế nhưng, quân đội của Nhật Bản thì thế nào? Khi đến mé tàu, họ vẫn tiếp tục tiến tới trước, bước thẳng vào lòng biển cả, không hề nao núng sợ hãi!

Kể từ đó, quân đội của Hội Quốc Liên không dám coi thường quân đội của Nhật Bản nữa; mọi người đều nghĩ: “Ồ! Thật là có tinh thần thượng võ, không sợ chết!” Do đó, người Nhật khiến cho quân đội của Hội Quốc Liên phải một phen khiếp vía! Và, chính vì thế mà họ được ví với loài cọp—họ dũng mãnh như cọp vậy.

Độ hải lang (loài lang sói vượt biển). “Độ hải” là vượt qua biển cả—từ nước Nhật Bản, người Nhật đã vượt đại dương để đến nước Trung Hoa. Ngay tại đất nước của họ thì họ là loài cọp—người ta sợ họ như sợ cọp vậy. Thế sau khi họ vượt đại dương thì sao? Thì họ biến thành một bầy chó sói! Chó sói thì còn độc ác hơn cả cọp beo nữa. Ban đêm, chúng đi lang thang khắp nơi, gặp trẻ con thì xé xác ăn thịt, gặp heo con thì vồ lấy tha đi—chúng toàn là cướp đoạt đồ vật của người khác [về làm bữa ăn cho riêng mình] để sinh tồn.

Người Nhật sau khi vượt đại dương thì chẳng khác nào loài lang sói. Lúc xâm lược nước Trung Hoa, họ còn đáng sợ hơn cả loài cọp nữa — họ đã biến thành một bầy chó sói! Họ dùng những thủ đoạn cực kỳ xấu xa để đối xử với người dân Trung Hoa, và giết hại không biết bao nhiêu là đồng bào Trung Hoa của chúng ta nữa.

Cho nên, lúc bấy giờ Mãn thiên hồng nhật cánh hôn hoàng” (trên bầu trời, mặt trời màu đỏ càng mờ nhạt). Có mặt trời đấy, song rất mờ nhạt u ám, không được sáng sủa. Trên không trung, vầng thái dương vốn đỏ rực, nhưng lúc bấy giờ vạn vật lại nhuộm một màu vàng héo hắt, ảm đạm. Vì sao ư? Vì mặt trời và mặt trăng không còn chiếu sáng nữa! “Hôn hoàng” tức là cảnh sắc mờ nhạt, tranh tối tranh sáng, vì hai vầng nhật nguyệt không còn tỏa ánh sáng nữa.

Do đó, lúc này nước Trung Hoa, mãng mãng thần châu thương phá toái (vùng đất thiêng liêng rộng mênh mông bị tàn phá, chia cắt). Đất nước Trung Hoa còn được mệnh danh là “thần châu” (đất thiêng), bởi từ ngàn xưa đã có rất nhiều người ở Trung Hoa tu hành và thành thần tiên. “Thần châu” có nghĩa là nơi tụ hội của thần và tiên, song bấy giờ, nơi này lại bị tàn phá, chia cắt. Lúc này người Nhật đi lùng sục, gieo rắc tai ương trên khắp đất nước Trung Hoa. Họ đốt phá, giết hại, cướp bóc, hãm hiếp … , làm tất cả mọi việc đồi bại để tàn phá, xâu xé đất nước này.

Thương sanh đáo xứ khốc da nương (khắp nơi dân chúng đều than khóc cha mẹ). Khi ấy, dân chúng đều phải tản cư để tránh thảm họa chiến tranh, rất nhiều em bé phải chịu cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa, lang thang phiêu bạt khắp nơi tìm cha gọi mẹ. Tình cảnh loạn lạc, bỏ nhà bỏ quê đi lánh nạn chiến tranh của thời ly loạn này thật thương tâm đến nỗi chẳng dám nhìn. Đó là cảnh tượng “thương sanh đáo xứ khốc da nương.”

Xuân lôi sạ hưởng kiến thanh dương (sấm mùa xuân vừa nổ vang thì thấy được bầu trời quang đãng). “Xuân lôi” ám chỉ bom nguyên tử. Khi bom nguyên tử phát nổ, tức là lúc tiếng sấm xuân rền vang, thì bầu trời sẽ trở nên trong sáng, mọi người lại thấy được vầng thái dương rực rỡ.

  1. VI)     Kế đến là bài thơ thứ sáu, nói về biến cố Tây An. “Tây An sự biến” được đề cập đến như sau:

Tế liễu doanh trung,
 細  柳   營      中,
Quần hùng hào ẩm,
 群      雄     豪    飲,
Nguyệt yểm trung thu,
 月       掩      中     秋, 
Ham túy vị tỉnh,
 酣    醉   未  醒, 
Song sư bác cầu,
 雙    獅   搏   球, 
Nhất đọa kỳ tỉnh,
 一    墜   其   井, 
Hồng phấn giai nhân,
 紅     粉      佳    人,
Diện diệp anh cảnh.
 面    靨    櫻     景。 

Ba nhân vật giữ vai trò chủ yếu trong biến cố này là Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, Trương Học Lương, và bà phu nhân họ Tưởng — Tống Mỹ Linh [vợ của Tưởng Giới Thạch].

Tế liễu doanh trung (trong doanh trại). “Tế liễu doanh” là ám chỉ Tây An, nơi xảy ra sự biến. Thế thì, trong doanh trại của quân đội, Quần hùng hào ẩm (các anh hùng hào hứng uống rượu). Bấy giờ, có Trương Học Lương, Tưởng Giới Thạch, Dương Hổ Thành cùng rất nhiều người khác nữa. “Quần hùng” nghĩa là rất nhiều vị anh hùng, những người có tướng mạo, phong cách của bậc anh hùng. Và, họ quây quần, cùng nhau uống rượu, chén thù chén tạc. Đó là vào ngày nào? Lúc đó là gần dịp Tết Trung Thu, cho nên nói:Nguyệt yểm trung thu (trăng sắp vào giữa thu)—có lẽ lúc ấy mặt trăng còn đang bị mây che khuất, vẫn còn một chút nữa.

Ham túy vị tỉnh (say sưa chưa tỉnh). Lúc này, mọi người đều đã uống quá nhiều, đều say mèm và ngủ mê mệt. Thế nhưng, trước khi mọi người tỉnh dậy thì có Song sư bác cầu (hai con sư tử giành nhau trái cầu). Trong khi xảy ra biến cố Tây An, có một vị liên trưởng tên là Tôn Danh Cửu hay Tôn Danh Thập gì đó (tôi không rõ lắm), đã bắt Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Bấy giờ, có hai con sư tử cùng tranh nhau một trái cầu; trái cầu này là gì? Đó chính là mảnh đất Trung Hoa. Cả hai con sư tử đều chiến đấu để đoạt trái cầu này cho bằng được.

Song le, Nhất đọa kỳ tỉnh (một rớt xuống giếng)—có một con sư tử vì thiếu cẩn thận nên bị rớt xuống giếng. Con sư tử bị rớt xuống giếng có thể là Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, mà cũng có thể là Tướng quân Trương Học Lương. Dù thế nào đi nữa, nói tóm lại là cả Tổng Thống Tưởng Giới Thạch lẫn Trương Học Lương đều có lúc bị “rớt xuống giếng.”

Có thể nói rằng kẻ bị rớt xuống giếng lúc này là Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Bấy giờ có “hồng phấn giai nhân, diện diệp anh cảnh” (người đẹp phấn hồng, má lúm đồng tiền, mặt như hoa anh đào) xuất hiện. “Hồng phấn giai nhân” chính là nữ sĩ Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Tưởng phu nhân và người anh là Tống Tử Văn, cùng với nhiều người khác nữa, đều đến Tây An để giảng hòa với Trương Học Lương.

Trương Học Lương cũng không phải thật sự muốn bắt Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, mà chỉ muốn dùng cách này để can gián họ Tưởng. Vì thế, khi Tưởng phu nhân đến đó và vừa ngỏ lời, thì Trương Học Lương, vốn là người trọng nghĩa khí, liền nói: “Được, tôi sẽ hộ tống Tưởng Chủ tịch trở về!” Thế là ông ta đích thân đi theo bảo vệ Tổng Thống Tưởng Giới Thạch về tận Nam Kinh.

Về tới Nam Kinh, ngờ đâu con sư tử này leo ra khỏi giếng rồi, thì con sư tử kia lại bị rớt xuống hầm và bị giam lỏng hơn năm mươi năm. Khi con sư tử thứ nhất bị rớt xuống giếng thì có “hồng phấn giai nhân” đến và, “diện diệp anh cảnh,” bằng nụ cười cùng nước mắt, đã làm biến đổi lịch sử nước Trung Hoa.

Vậy, vào năm Quang Tự thứ 30 (1904), biến cố Tây An đã sớm được dự đoán là sẽ xảy ra.

VII) Bài thơ kế tiếp nói về sự đầu hàng của Nhật Bản:

Xuân lôi sạ, thụ bạch kỳ,
 春    雷  乍,豎   白    旗, 
Thiên vạn hoạt quỷ khốc đề đề,
 千     萬    活     鬼   哭    啼   啼,
Thạch Đầu thành trung phi phù đáo,
 石      頭    城      中     飛    符    到,
Hựu kiến trùng chỉnh Hán cung nghi,
 又   見     重      整      漢    宮     儀, 
Đông sơn hựu hữu hỏa quang chiếu.
 東     山   又    有    火    光      照。 

Xuân lôi sạ, thụ bạch kỳ (sấm xuân nổ, cờ trắng giương lên). Ngay sau khi quả bom nguyên tử được thả xuống, Nhật Bản không biết phải xoay sở thế nào, đành phải giương cờ trắng, chịu đầu hàng vô điều kiện.

Thiên vạn hoạt quỷ khốc đề đề (ngàn vạn con quỷ sống khóc hu hu). Bấy giờ, người Nhật giống như một bầy quỷ sống. Đội quân cảm tử của Nhật Bản vốn không sợ chết, giờ đây đều kêu gào than khóc, lớp thì tự sát, lớp thì chán nản, không muốn sống nữa; cho nên nói “thiên vạn hoạt quỷ khốc đề đề.”

Người Nhật vốn đều có tinh thần thượng võ, hùng dũng hiên ngang, phô trương võ lực ở khắp nơi. Họ làm thành một đội quân hung hãn như hổ lang, đến đâu cũng gieo rắc sự kinh hoàng, khiếp đảm; thế mà nay phải chịu đầu hàng vô điều kiện, khiến ai nấy đều không cầm được nước mắt. “Thiên vạn hoạt quỷ” — họ bấy giờ chẳng khác nào một bầy quỷ sống. Vẻ oai phong không còn, nét vũ dũng cũng biến mất; cho nên cả ngàn vạn con quỷ sống đều khóc sướt mướt. Đương thời, khi họ đã đầu hàng, người Trung Hoa liền bắt nạt, lấn lướt họ như để báo thù, bởi họ đã sang xâm lược lãnh thổ và sát hại vô số đồng bào Trung Hoa.

Trước đây tôi đã từng nói với mọi người rằng: “Chúng ta chớ nên xem thường người Nhật. Chớ nên đánh giá thấp người Nhật. Hai mươi năm nữa Nhật Bản sẽ là một cường quốc trong cộng đồng quốc tế!” Tại sao tôi nói như thế? Bởi vì tuy chiến bại, nhân dân Nhật Bản vẫn đoàn kết, yêu nước, và luôn luôn tìm cách làm cho đất nước được cường thịnh trở lại. Thế nên, hai mươi năm sau khi đầu hàng, Nhật Bản đã dùng chiến thuật kinh tế để áp đảo toàn thế giới, và lại trở thành một quốc gia giàu mạnh.

Thạch Đầu thành trung phi phù đáo (có tin nhanh đưa đến thành Thạch Đầu). Thành Thạch Đầu tức là Nam Kinh, và cũng chính là Kim Lăng. Có mệnh lệnh từ Nam Kinh truyền xuống; mệnh lệnh gì? Đó là phải làm lễ mừng thắng lợi của cuộc kháng chiến tám năm. Mọi người đều được lệnh phải ăn mừng thắng lợi thành công.

Hựu kiến trùng chỉnh Hán cung nghi (lại thấy nghi lễ của cung điện nhà Hán lần nữa). Bấy giờ, vì ăn mừng thắng lợi, mọi người đều mặc lễ phục tươm tất. Nước Trung Hoa với “ba trăm nghi lễ, ba ngàn oai nghi” nay đã được xuất hiện trở lại!

Thế nhưng, mọi người cần phải biết là: Đông sơn hựu hữu hỏa quang chiếu (ở rặng núi phía đông có ánh lửa lập lòe). Về phía đông của rặng núi lại có ánh lửa lóe sáng. Ánh lửa này là gì? “Đông sơn” là ám chỉ Mao Trạch Đông, kẻ thành lập Bát Lộ Quân ở vùng Đông Bắc. Còn Lâm Bưu, con chó sói, dẫn theo một bầy lang sói, thì ví như ánh lửa lập lòe vậy. “Hỏa quang” cũng ám chỉ màu đỏ của Đảng Cộng Sản. Ánh lửa ở phía đông ngọn núi lại cháy bùng lên sáng rực.

VIII)   Bài thơ kế tiếp nói về sự xuất hiện của Đảng Cộng Sản Trung Hoa:

Nhật nguyệt thực, ngũ tinh hy,
 日     月       蝕,  五    星    稀, 
Nhị thất giao gia quải thái y,
 二  七   交     加   挂    彩   衣,
Dã nhân cử túc bách kim hổ,
 野  人    舉  足   迫    金   虎, 
Biến địa hồng hoa biến địa cơ,
 遍    地   紅    花    遍    地   飢,
Phú quý bần tiện vô cao đệ.
 富   貴   貧    賤   無   高  低。

Quý vị xem, đấy không phải là khẩu hiệu của Đảng Cộng Sản thì là cái gì? Nhật nguyệt thực, ngũ tinh hy (mặt trời và mặt trăng bị che khuất, năm ngôi sao thì hiếm có). “Nhật nguyệt thực” ý nói là sắp tới những ngày đen tối. Tuy rằng có mặt trời nhưng lại bị che khuất, mặt trăng cũng bị che khuất. Mặt trời và mặt trăng đều không còn chiếu sáng nữa.

“Ngũ tinh hy” tức là các ngôi sao cũng thưa thớt, ít ỏi. “Ngũ tinh” có nghĩa là năm ngôi sao, ám chỉ lá cờ của Đảng Cộng Sản — cờ năm sao. “Nhật nguyệt thực”  là hiện tượng mặt trời và mặt trăng bị che khuất, ngụ ý là lá cờ “thanh thiên bạch nhật” không còn nữa. “Ngũ tinh hy” tức là năm ngôi sao rất hiếm hoi — cờ “năm sao” cũng không được nhiều lắm, ý nói là họ còn hoạt động bí mật, chứ chưa được công khai rộng rãi.

Thế nhưng, nhị thất giao gia quải thái y (hai bảy thêm vào, khoác y phục nhiều màu sắc). Chữ “nhị” (二) mà có ghép thêm chữ “thất” (七) thì thành chữ “mao” (毛), rõ ràng là muốn nói đến Mao Trạch Đông (毛 澤 東). Trong câu thơ này có tiềm ẩn hai chữ “mao trạch” (毛 澤). “Mao” mà “quải thái y.” “Thái y” tức là y phục có màu sắc rực rỡ. “Trạch” (澤) là “nhuận trạch” (thấm nhuần), cũng hàm ý tươi tắn, có đôi chút rực rỡ. Đó gọi là “quải thái y.”

Dã nhân cử túc bách kim hổ (người quê mùa giơ chân bức bách con cọp vàng). “Dã nhân” nghĩa là gì? “Dã nhân” tức là người không có văn hóa — công nhân, nông dân, quân nhân — quân đội của Bát Lộ Quân. “Cử túc bách kim hổ” có nghĩa là giơ chân đá ngã con cọp vàng, ám chỉ việc những người này đi lùng sục khắp nơi để ruồng bắt, thanh toán các đại địa chủ, đem các địa chủ ra tòa để xét xử, đấu tố. “Kim hổ” (con cọp vàng) là ám chỉ các đại địa chủ. Đảng Cộng Sản gọi các đại địa chủ là “kim lão hổ” vì họ có rất nhiều tiền. Bởi họ bóc lột nhân dân cho nên họ được mệnh danh là “cọp,” con cọp vàng. “Bách” tức là áp bức, chèn ép. Những người quê mùa (dã nhân) giơ chân đàn áp “con cọp vàng” — mặc dù họ quê mùa, song những “con cọp vàng” đều phải kiêng dè nể sợ bởi vì họ ngang ngạnh, bất chấp lý lẽ.

Biến địa hồng hoa biến địa cơ  (khắp mặt đất là hoa màu đỏ, khắp nơi toàn là những người đói khát). Lúc này, toàn nước Trung Hoa đều tràn ngập một màu đỏ—màu đỏ Cộng Sản—giống như hoa màu đỏ đang nở rộ trên khắp đất nước vậy.

“Biến địa cơ” có nghĩa là khắp nơi đều đói khát. Chữ “cơ” (飢) này có nghĩa là đói khát, chứ không phải là chữ “kê” (雞 con gà), mặc dù trong tiếng Trung Hoa hai chữ này phát âm giống nhau (đều đọc là “ji” cả). Nếu hiểu đó là chữ “kê,” thì “biến địa kê” có nghĩa là khắp nơi đều nhung nhúc những gà vịt, và chúng ta không phải nuôi, không phải cho chúng ăn; mà lúc nào cần thì chỉ việc bắt vô giết, làm thịt — không phải như vậy! Đây là chữ “cơ,” có nghĩa là đói khát. Bấy giờ, khắp mặt đất đều là hoa màu đỏ, thế nhưng, khắp đất nước dân chúng lại đều bị đói khát.

Phú quý bần tiện vô cao đệ (giàu sang nghèo hèn, không cao thấp). Bấy giờ, khẩu hiệu của Đảng Cộng Sản là “Không có giàu, không có nghèo. Người người đều có cơm ăn, ai nấy đều có việc làm.” Tuy nói là “vô cao đệ,” tức là trong xã hội không còn giai cấp cao thấp nữa, song lúc họ vừa thành công thì lại bày ra đủ loại đặc quyền đặc lợi. Vì thế, giữa người giàu và kẻ nghèo, cũng như giữa người sang và kẻ hèn, lại càng cách biệt nhau hơn cả trước kia nữa. Vậy, đoạn này là nói về Mao Trạch Đông.

Tôi còn nhớ trước khi tôi rời Đông Bắc thì nơi đây đã có người của Đảng Cộng Sản đang bí mật hoạt động. Bấy giờ tôi là một thầy tu, đã xuất gia rồi. Một người trong bọn họ tuyên truyền với tôi về những điểm ưu việt của Đảng Cộng Sản—mọi người đều bình đẳng như thế nào, rồi tài sản được phân chia đồng đều ra làm sao… Ông ta nói thao thao về quyền bình đẳng và tài sản chung (cộng sản), và về viễn ảnh mọi người đều có cơm ăn, ai nấy đều có áo mặc, tất cả đều có công ăn việc làm. Bất luận thế nào thì mọi người cũng đều như nhau cả—không có người giàu cũng chẳng có kẻ nghèo, mà chỉ có bình đẳng, hoàn toàn bình đẳng, một sự bình đẳng tuyệt đối!

Lúc đó, tôi chẳng nghĩ ngợi, liền lý luận lại rằng: “Cộng sản các ông chỉ có thể cộng chung cái tài sản hữu hình; còn tài sản vô hình thì các ông cộng chung không được. Các ông chẳng có cách nào cộng chung được thứ tài sản không hình tướng.”

Ông ta nói gì ư?

Tôi nói tiếp: “Lấy thí dụ, nhà cửa, đất đai, của cải—đây là những thứ mà ông có thể cộng vào, và cũng có thể chia ra. Thế nhưng, tài sản vốn có trong bản thân của mỗi người thì ông chia không được mà cộng cũng chẳng được nốt. Vì sao ư? Như con mắt chẳng hạn, nếu ông thật sự cộng sản thì ông phải chia bớt một con mắt của mình cho người mù mới phải. Tôi thử hỏi những người trong Đảng Cộng Sản các ông, chẳng hay có ai sẵn lòng cho bớt người mù kia một con mắt chăng?”

Ông ta lặng thinh, không nói gì cả. Tôi lại nói tiếp: “Chẳng có ai bằng lòng chia bớt một con mắt của mình cho người khác cả. Mà dầu có đi chăng nữa, thì cũng chỉ có một hoặc hai người được chia cho mà thôi—không thể nào chia đều cho tất cả mọi người được. Lại nữa, cho dù ông có cho người mù nọ một con mắt đi nữa, thì sau khi được đem cấy vào trũng mắt của anh ta, cũng chưa chắc là anh ta có thể nhìn thấy được. Vì vậy, người mù nọ vẫn không thể hưởng tài sản này được.

“Tai của ông nghe được, thế thì ông có sẵn lòng cho người điếc kia bớt một cái tai để hắn cũng có ‘tài sản’ tai không? Có thể như thế được chăng?”

Tôi nói tiếp: “Như người câm không nói được, vậy ông có vui lòng cho anh ta bớt nửa cái lưỡi của ông không? Nếu ông chia cho anh ta một nửa cái lưỡi của ông thì chính bản thân ông cũng chẳng thể nói được nốt—thế là cả hai đều bị câm cả! Nếu ông cộng chung con mắt thì cả ông lẫn người mù nọ đều bị mù, ông cộng chung lỗ tai thì cả ông cùng người nhận đều bị điếc. Thậm chí, tay, chân, và năm giác quan của cơ thể đều như thế cả—ông có thể cộng chung với người khác được chăng?”

Nghe tôi nói như thế, ông ta không còn gì để nói nữa, bèn lẳng lặng bỏ đi. Hôm sau, ông ta đến rất sớm và nói với tôi: “Những điều Thầy nói hôm qua cũng khá hữu lý đấy! Người như Thầy cũng rất hiếm, Thầy nên ra làm việc để phục vụ quốc gia. Thầy nên đi theo cách mạng. Hãy tiếp tay với chúng tôi, chúng ta cùng nhau thành lập Đảng Cộng Sản.”

Ông ta muốn lôi kéo tôi tham gia Đảng Cộng Sản, nhưng tôi tự nghĩ: “Mình chẳng có tài sản gì để cộng với người ta, mà mình cũng không muốn cộng tài sản của người khác vô mình làm chi. Hơn nữa, cả đời tôi, tôi không hề muốn bất cứ thứ gì. Tôi không muốn cộng tài sản của người khác, người ta cũng chẳng muốn cộng tài sản của tôi. Mà tôi cũng chẳng có tài sản gì để cộng được cả!”

Tôi bèn nói với ông ta: “Để tôi suy nghĩ xem! Phục vụ quốc gia cũng là điều tốt, hãy để tôi nghĩ lại xem!”

Thế là ông ta ra về. Sang hôm sau thì tôi cũng ra đi; và kể từ đó, tôi từng bước từng bước đi đến Hoa Kỳ; song từ Hương Cảng đến Hoa Kỳ thì tôi đi bằng máy bay.

  1. IX) Phần kế tiếp là nói về Đài Loan. Nói gì về Đài Loan?

Nhị thất tung hoành,

 二   七    縱    橫,
Nhất ngưu song vĩ,
 一    牛     雙     尾, 
Vô phục nhân hình,
 無   復   人     形,
Nhật hành hằng quỹ,
 日     行     恆     匭,
Hải thượng kim ngao,
 海    上      金     鰲,
Huyền phục luật lữ,
 玄      服      律   呂, 
Thiết điểu lăng không,
 鐵     鳥     凌     空,
Đông nam tận hủy.
 東     南     盡    毀。

Nhị thất tung hoành (hai bảy dọc ngang). [Chữ “nhị” (二) ghép với chữ “thất” (七) thì thành chữ “mao” (毛) ám chỉ Mao Trạch Đông (毛 澤 東).] Câu này mô tả sự kiêu căng, ngang ngược của Mao Trạch Đông lúc mới bắt đầu nắm được chủ quyền tối cao ở Trung Hoa lục địa. Tại quảng trường Thiên An Môn, họ Mao hô hào quần chúng: “Nhân dân Trung Hoa hãy đứng dậy!” Ông ta lấy làm đắc ý, tự cho rằng trước đây chưa có ai được như mình và sau này cũng chẳng có ai bằng được mình; bởi ông ta ngạo mạn như thế cho nên nói “nhị thất tung hoành.”

Nhất ngưu song vĩ (một con trâu có hai đuôi). Quý vị đã có bao giờ trông thấy con trâu hai đuôi chưa? Quý vị thấy có kỳ lạ hay không chứ? Đó ắt hẳn là một con quái vật!? Song, ở đây không phải nói tới con trâu hai đuôi; mà ngụ ý là dưới chữ “ngưu” (牛) có thêm hai nét phẩy, và đó là chữ “chu” (朱).

“Nhị thất” thì ám chỉ Mao Trạch Đông, còn “nhất ngưu song vĩ” là ám chỉ Chu Đức (朱 德). Đương thời, hai nhân vật này thường được nhắc tới với danh xưng “Chu Mao, Chu Mao” (朱 毛!朱 毛!).

Vô phục nhân hình (không còn hình dạng con người). Hình dạng của họ trông không còn giống của con người nữa.

Nhật hành hằng quỹ (mặt trời đi theo một quỹ đạo không đổi). Lúc ấy, mặt trời và mặt trăng vẫn luân chuyển như thường lệ; và tình hình sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng cứ thế mà trôi qua, không có thay đổi gì mấy.

Hải thượng kim ngao (con rùa vàng trên biển). Đây là nói về Đài Loan. Địa thế của hòn đảo này trông giống như một con rùa vàng khổng lồ nằm giữa biển khơi vậy. Phật giáo ở nơi đây rất hưng thịnh—giống như Bồ Tát Quán Âm đặt chân trên lưng con rùa vàng này—và có rất nhiều người xuất gia rời lục địa Trung Hoa để sang Đài Loan. Vì thế, hòn đảo này được ví như “con rùa vàng trên biển.”

Huyền phục luật lữ (y phục màu đen và âm nhạc). “Huyền phục” tức là lễ phục màu đen. “Luật lữ” có nghĩa là hòa nhạc, ca hát. Câu này ngụ ý rằng mọi người reo mừng hòa bình, và ai nấy đều được trải qua những tháng ngày an lành, sung túc.

Thế rồi, thiết điểu lăng không, đông nam tận hủy (con chim sắt bay lượn trên trời cao, đông nam bị hủy sạch). “Thiết điểu” (chim sắt) tức là máy bay. “Thiết điểu lăng không” có nghĩa là máy bay vần vũ trên không trung. Còn nhớ vào năm bốn mươi mấy hoặc năm mươi mấy gì đó, Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã dùng máy bay để dọ thám tình hình quân sự của Đài Loan. Bấy giờ, Đài Loan đã có hỏa tiễn [rattlesnake missiles] nên đã bắn rơi được các máy bay dọ thám. Và kể từ đó, phía Cộng Sản không dám trở lại để đột kích nữa.

“Đông nam tận hủycó nghĩa là phía đông nam bị thiêu hủy toàn bộ. Câu này ám chỉ sự cắt đứt quan hệ giữa Đại Lục với Đài Loan—họ không còn giao thông, liên lạc với nhau nữa. Và trong suốt mấy thập niên, dân chúng của đôi bên vẫn sinh hoạt như thế, và Đài Loan được hưởng cảnh thái bình, phồn thịnh.

Hồng hạ uý, bạch vân chưng,
 紅    霞   蔚,白    雲    蒸,
Lạc hoa lưu thủy lưỡng vô tình ,
 落   花   流   水    兩      無   情,
Tứ hải thủy trung giai xích sắc,
 四  海   水    中     皆    赤    色,
Bạch cốt như khưu mãn cương lăng,
 白    骨   如    丘     滿      崗      陵,
Tương tướng ngọc thổ tiệm đông thăng.
 相       將      玉     兔    漸     東     升。

Những câu này có lẽ đề cập đến tình hình hiện tại.

Hồng hạ uý, bạch vân chưng (ráng mây đỏ thành xanh, mây trắng bốc hơi). Cộng sản vốn được tượng trưng bằng màu đỏ nhưng rồi sẽ đổi sang màu xanh lam, tức là Chủ Nghĩa Cộng Sản sẽ được đổi thành Chủ Nghĩa Tư Bản. Và, đó chính là tình hình hiện tại của Cộng Sản. Cửa ngõ được rộng mở. Chẳng phải bây giờ Trung Quốc cũng tự xưng là “kinh tế đại quốc (nước lớn mạnh về mặt kinh tế)” sao? Như vậy, màu đỏ biến thành xanh lơ và không còn đỏ nữa. Màu xanh lơ tiêu biểu việc con người chỉ lo nhậu nhẹt vui chơi, phung phí tiền bạc. Tương tự như ở Trung Quốc đại lục hiện nay, dân chúng ra sức ăn uống, hưởng thụ (bất kể đến ngày mai). Cộng Sản vốn là màu đỏ nhưng nay biến thành màu xanh lơ – phải thay đổi thì mới cải cách được.

“Bạch vân” tức là “thanh thiên bạch nhật kỳ” – lá cờ có hình mặt trời màu trắng nổi bật giữa nền trời màu xanh- cờ của Quốc Dân Đảng. Câu nầy ngụ ý rằng Quốc Dân Đảng ví như một áng mây trắng được chưng cất và bốc hơi hết vậy. Mây đã thành hơi nước và tan biến vào hư không – chẳng còn mây nữa!

Cho nên, Lạc hoa lưu thủy lưỡng vô tình (hoa rơi, nước chảy – cả hai đều vô tình). “Lạc hoa” ám chỉ Đảng Cộng Sản, còn “lưu thủy” là chỉ Quốc Dân Đảng. Hai đảng phái nầy xưa nay chẳng có thiện cảm với nhau. Đôi bên đều không thành thật và đều tìm cách lường gạt lẫn nhau. “Lưỡng vô tình” – cả hai bên đều không có cảm tình với nhau, không bên nào nể nang bên nào cả. Do đó thế lực của họ đều kiệt quệ, hầu như không còn nữa.

Bởi cả hai đảng phái đều không chịu nhượng bộ, chẳng ai chịu nhường ai cả, cho nên Tứ hải thủy trung giai xích sắc (nước trong bốn biển đều thành màu đỏ). Nước trong bốn biển đều biến thành màu đỏ – đây là cảnh “sông nhuộm máu đào”.

Bạch cốt như khưu mãn cương lăng (xương trắng chồng chất như gò khắp cả núi đồi). Xương người chết nhiều và chồng cao như gò núi. Khắp vùng núi non sơn dã, đâu đâu cũng toàn là hài cốt.

Tương tướng ngọc thố tiệm đông thăng (con thỏ ngọc sẽ từ từ nhô lên ở phương đông). Khi đất nước loạn lạc đến cực điểm, mọi người đều mơ ước cảnh thái bình thịnh trị. Cho nên vào lúc này, mọi việc dần dần khôi phục tốt đẹp hơn. “Thỏ ngọc” tức là mặt trăng. Trăng sẽ từ từ nhô lên ở phương đông và dần dần phát ra ánh sáng trở lại. Do đó, mọi người sẽ thấy lại được vầng trăng sáng tỏ.

Quan cái định, công tội phân,
 棺    蓋    定,功     罪    分,
Mang mang hải vũ kiến thừa bình,
 茫     茫      海   宇   見    承    平,
Bách niên đại sự hỗn như mộng,
 百    年    大   事   渾   如    夢,
Nam triều kim phân thái bình xuân,
 南    朝    金     粉    太    平     春,
Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh.
 萬  裡  山  河  處   處   青。

Lúc nầy vầng thái dương sẽ lại xuất hiện ở Trung Hoa – đất nước thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, trời đất mưa thuận gió hòa.

Quan cái định, công tội phân (nắp quan tài đóng lại, công tội được phán xét phân minh). Phải đến khi người ta chết rồi, nắp quan tài của họ đã đậy lại rồi, mới có thể luận định về họ được. Bấy giờ, ai có công, ai có tội đều được phân định công minh và được ghi chép rõ ràng trong sử sách.

Mang mang hải vũ kiến thừa bình (đất nước mênh mông chứng kiến cảnh thái bình). Bấy giờ là lúc thái bình. Có câu:

Vật cực tắc phản, bỉ cực thái lai.

(Hễ tới tột cùng thì sẽ trái ngược lại; xấu tới cực điểm thi tốt đến.)

Khi sự rối loạn lên đến cực điểm là đến lúc hòa bình được lập lại; lúc hòa bình đến cực điểm thì cũng là khi hỗn loạn xảy ra. Từ xưa đến nay, quốc vận của nước Trung Hoa đều là “hết hưng tới suy, hết yên tới loạn” nên nói:

Ngũ bách niên tất hữu vương giả hưng, kỳ gian tất hữu danh sĩ giả.

(năm trăm năm tất có vua chúa hưng khởi, trong thời gian đó ắt có bậc danh sĩ xuất hiện.)

Mang mang hải vũ là chỉ lãnh thổ Trung Hoa. Lúc bấy giờ có thể thấy được dải giang sơn mênh mông như chẳng có ranh giới nầy sắp được thái bình.

Bách niên đại sự hỗn như mộng (việc lớn trong một trăm năm rối ren mờ mịt như giấc mộng). Tính từ cuối đời nhà Thanh cho đến nay là ngót một trăm năm, những biến cố trọng đại xảy ra trong thời gian này giống như trong chiêm bao vậy.

Nam triều kim phân thái bình xuân (màu xanh thái bình rộn rã và phấn vàng tràn ngập vào thời Nam triều). Trong tương lai, kinh đô sẽ được đặt tại Nam Kinh. “Nam triều” ám chỉ Nam Kinh (kinh đô ở phương nam). Bấy giờ, đất nước như sống trở lại thời ca vũ thái bình, khắp nơi tưng bừng tiếng nhạc reo vui. Không khí hoan lạc lại trở về với Nam Kinh. Kinh thành này sẽ tràn ngập với niềm vui mừng cảnh thanh bình, dân chúng an hưởng cuộc sống sung túc, đất nước giàu mạnh, yên ổn, người người đều ấm no hạnh phúc.

“Thái bình xuân” tức là thời kỳ hết sức tốt đẹp huy hoàng. “Kim phân” là chỉ những người con gái sống trên thuyền chuyên hát xướng và uống rượu với khách ở Nam Kinh. Những cảnh sống giàu sang, xa hoa lộng lẫy lại tái diễn. Đó là điều chắc chắn.

Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh (non sông muôn dặm chốn chốn xanh tươi). Khắp nơi, đâu đâu cũng chú trọng đến trang phục màu xanh. Trong tương lai, lực lượng quân đội thay thế vai trò của Đảng Cộng sản đều chú trọng màu xanh. Màu xanh là tiêu biểu cho sự tang tóc, do đó ngụ ý là “thăm dân, trị tội” – tức là nhận thấy đối phương quá sức bạo ngược nên muốn thay mặt muôn dân mà sửa trị. “Xứ xứ thanh” tức là áo quần của mọi người và đồng phục của quân đội đều là màu xanh.

Khắp cả vạn dặm sơn hà đều có quân đội chiếm đóng, cho nên nói rằng “Vạn lý sơn hà xứ xứ thanh”. Lực lượng quân đội đề cập ở đây là đội quân mới và sẽ xuất hiện trong tương lai, chứ không phải của Đảng Cộng Sản hay Quốc Dân Đảng. Mặc dù vậy, nó vẫn là thoát thai từ hai đảng này. Định luật “hết trị tới loạn, hết hưng đến suy” chính là quốc vận của quốc gia vậy.

Đường Cao tổ, khởi nghĩa sư,
Trừ Tùy loạn, sáng quốc cơ.

 

(Đường Cao Tổ dấy binh khởi nghĩa,
Dẹp nhà Tùy, sáng lập quốc cơ.)

Đây là thời quật khởi, tương tự như buổi đầu của Trung Hoa Dân Quốc, lúc Lý Nguyên Hồng dấy binh khởi nghĩa và được toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng vậy.

Đoạn thơ kế tiếp như sau:

Thế vũ tam phân, hữu thánh nhân xuất.
 世   宇   三    分,  有     聖     人     出, 
Huyền sắc kỳ quan, long chương kỳ phục.
 玄      色   其    冠, 龍      彰      其    服,  
Nhật nguyệt phục minh, xử trị vạn vật.
 日      月      復      明,  處  治  萬   物, 
Tứ hải âu ca, ấm thọ kỳ phúc.
 四  海  謳  歌,蔭  受  其   福。 


Thế vũ tam phân
(thế giới sẽ được chia làm ba). Đây không phải chỉ đơn thuần đề cập đến nước Trung-Hoa; mà ngụ ý rằng thế giới sẽ do ba nước lớn lãnh đạo. Ba đại quốc ấy là gồm những nước nào thì chưa thể khẳng định được. Có thể là nước Hoa Kỳ, Trung-Hoa và Nhật-Bản; hoặc nước Liên-Sô, Nhật-Bản và Trung-Hoa. Nói chung, Trung-Hoa sẽ là một trong ba nước làm bá chủ hoàn cầu. Ba đại quốc này sẽ như ba chân vạc, chia nhau trị vì và quản lý thiên hạ.

Hữu thánh nhân xuất (có bậc thánh nhân xuất hiện). Trong tương lai sẽ có bậc thánh nhân xuất hiện ở nước Trung-Hoa.

Huyền sắc kỳ quan (mũ màu đen). Vị thánh nhân ấy sẽ đội mũ màu đen.

Long chương kỳ phục (huy hiệu con rồng rực rỡ trên y phuc). “Chương” tức là “chương minh biểu trứ”–sáng rỡ, dễ thấy. “Long chương” nghĩa là phù hiệu hình con rồng gắn rõ ràng, lấp lánh trên áo. Phần lớn những người trong quân đội đều có đeo phù hiệu trên vai–như cấp bậc Thượng-tướng thì trên vai áo có đính quân hàm hình năm ngôi sao. Trong trường hợp này, huy hiệu gắn trên vai của bậc thánh nhân nọ sẽ có hình con rồng.

Nhật nguyệt phục minh (mặt trời và mặt trăng lại sáng tỏ). Trời đất sẽ bình thường trở lại–vầng thái dương sẽ xuất hiện. Lúc này, trời đất bắt đầu sáng sủa trở lại.

Xử trị vạn vật (coi sóc vạn vật). Lúc này, vị thánh nhân kia sẽ cai quản thế giới, ngày ngày giải quyết những việc quan trọng, vì nhân loại trên thế giới mà mưu cầu hạnh phúc.

Vì vị thánh nhân này lo nghĩ và mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân, cho nên, tứ hải âu ca (bốn biển âu ca), nơi nơi đều tưng bừng múa hát trong cảnh thái bình, người người đều được an cư lạc nghiệp, ai nấy đều sinh sống vui vẻ, không còn lo âu phiền não nữa.

Ấm thọ kỳ phúc (được che chở bởi phước đức ấy). Toàn thể nhân loại trên thế giới đều được hưởng sự che chở do phúc ấm của vị thánh nhân này mang lại. Có câu:

Nhất nhân hữu khánh, triệu dân lại chi.

(Một người có đức, triệu dân được nhờ.) 

Nếu người ấy thông minh thì hào quang từ phúc ấm của người ấy sẽ tỏa khắp tất cả bá tánh trên toàn thế giới.

Cho nên, nước Trung-Hoa sẽ lãnh đạo thế giới ở thế kỷ thứ hai mươi mốt. Thế nhưng, nếu người dân Trung-Hoa đều hướng thiện thì mới mong lãnh đạo được thế giới; còn nếu không hướng thiện thì Trung-Hoa khó có thể tồn tại được bởi các nước ngoài đều lăm le dòm ngó, rình chờ lúc Trung-Hoa suy yếu, hoặc trong nước có sự phân tán, chia rẽ. Có câu:

Cáp bạng tương tranh, ngư ông đắc lợi. 

(Nghêu sò đánh nhau, ngư ông được lợi.) 

Nếu người Trung-Hoa đàng hoàng, lương thiện, thì trong tương lai họ sẽ lãnh đạo thế giới; bằng không, nếu họ không hướng thiện, không đi theo con đường sáng sủa, quang minh chánh đại, e rằng họ sẽ bị người khác lãnh đạo, điều khiển!

Trên đây là lời thơ của Đại Sư Bộ-Hư. Tiếp đến, Ngài nói thêm bốn câu thơ như sau:

Mang mang thiên số bổn nan tri,
Duy tại thương sanh cảm thái hư,
Lão tăng bất cảm đa nhiễu thiệt,
Tiết lộ thiên cơ khủng bị tru.

Mang mang thiên số bổn nan tri (số trời mù mịt vốn khó biết). Ở đây lại đề cập đến thiên số (số phận do trời định sẵn)–một đạo lý bao la, không giới hạn. Thứ đạo lý vô cùng vô tận này vốn không dễ gì mà biết được.

Duy tại thương sanh cảm thái hư (chỉ có chúng sanh làm thái hư cảm động). Bất luận quý vị có biết hay không và bất kể đạo lý thiên số rộng lớn bao nhiêu, nếu quý vị đều có thể “sửa ác, theo thiện,” thì có thể làm cho trời đất cảm động, khiến cho nơi nơi đều thái bình an lạc, khí lành trùm khắp đất trời.

Lão tăng bất cảm đa nhiễu thiệt (Sư già này không dám lắm lời). Vị Đại Sư Bộ-Hư này nói rằng: “Lão tăng chẳng dám nói quá nhiều!”.

Tiết lộ thiên cơ khủng bị tru (ta sợ bị phạt vì dám tiết lộ thiên cơ). Nếu ta tiết lộ toàn bộ thiên cơ, ta sợ mình sẽ bị trời trừng phạt khiển trách, cho sét đánh chết.

Trên đây là sơ lược về các nhân vật thời sự của Trung-Hoa trong ngót một trăm năm cận đại. Tôi hy vọng chúng ta đều sẽ không lãng quên tổ quốc, không thờ ơ với gia đình, và cũng không lơ là đối với sức khỏe của bản thân. Chúng ta chẳng những chăm sóc sức khỏe bản thân, mà còn phải yêu tổ quốc, yêu gia đình. Đây là hy vọng của tôi đối với tất cả Thiện-tri-thức ở Đài Loan. Vì sao tôi lại nói những điều này với quí vị? Đó là để làm cho mọi người thức tỉnh và ý thức được rằng: tất cả đều là số trời, đều đã được quyết định. Con người chẳng qua chỉ như một cái máy — phải chịu sự chi phối, điều khiển của trời đất. Vì thế mà họ trở nên điên đảo, làm những việc tán tận lương tâm, chỉ biết tranh giành quyền lợi. Thật ra, quý vị tranh giành thì cũng vậy mà không tranh giành thì cũng vậy thôi. Mọi người nên học lấy gương của Đại Sư Bộ-Hư — đừng tranh quyền đoạt lợi nữa, mà hãy gấp rút lo tu hành!

 

Ghi chú: Nhà Tùy (581-618), Nhà Thanh (1644-1911), Đường (618-907), Ngũ Đại Tàn Đường (Hậu Lương 907-923, Hậu Đường 923-936, Hậu Tấn 936-946, Hậu Hán 947-950, Hậu Chu 951-960), Tống (Bắc Tống 960-1127, Nam Tống 1127-1279), Nguyên (1271-1368), Minh (1368-1644), Thanh (1644-1911).