English | Vietnamese

TRĂNG KHUYẾT SẼ DẦN TRÒN

Thầy Hằng Lai Chia Sẻ về Căn Bản Tu Học Phật Pháp với các Sa Di

 Thầy Hằng Lai nói chuyện tại Khoá Tu Mùa Hè tại Buddha Root farm (Phật Căn Điền) vào ngày 12 tháng 8, 2012

Báo Vajra Bodhi Sea, số 508, tháng 9, 2012, trang 28-31

Báo Vajra Bodhi Sea, số 509, tháng 10, 2012, trang 30-34

 

Thầy Hằng Lai trả lời câu hỏi của những Sa Di mới xuất gia tại Phật Căn Điền (Trại Phật Căn) vào mùa hè 2012, tại tiểu bang Oregon.  Thầy Hằng Lai khiêm tốn tự gọi mình là “chú Sa Di tệ nhất” khi bàn về nhân duyên xuất gia tu học dưới sự hướng dẫn của Hoà Thượng.  Với hơn ba thập niên làm tu sĩ, Thầy Hằng Lai khuyến khích các chú Sa Di nên chuyên cần xây dựng nền móng tu hành bằng giới và định cho cuộc hành trình lâu dài đi tìm sự giác ngộ.  Chỉ có như vậy mới có thể đạt được đại  trí huệ của Phật quả.

 

Hỏi: Kinh nghiệm của Thầy khi còn là Sa Di dưới sự hướng dẫn của Hoà Thượng là như thế nào?

Đáp: Tôi được biết Sư Phụ vào năm 1969. Bấy giờ, phần đông ai cũng xin xuất gia trong vòng một hoặc hai năm sau khi gặp  Sư Phụ.  Tôi chẳng những đã không xin xuất gia trong vòng một hoặc hai  năm mà còn không quy y cho mãi đến ba hoặc bốn năm sau. Vì thế tôi thật sự là một người tệ nhất thế gian mà quý vị đang cùng nói chuyện.

Cuối cùng tôi cũng quy y với Sư Phụ và sau đó tôi hỏi ngài tôi có thể xuất gia được không.  Lúc đầu tôi tưởng Sư Phụ rất muốn tôi xuất gia.  Đây là sai lầm thứ nhất của tôi.  Thầy Hằng Quán lúc nào cũng thúc bảo tôi đi xuất gia, nhưng mà đó chỉ là ý kiến của riêng Thầy Hằng Quán mà thôi.  Thái độ củatôi lúc đó là  “Dạ, dạ.  Sư Phụ! Cuối cùng rồi con cũng sẽ hỏi ngài là con có xuất gia được không.”  Tuy rằng tôi không nói như vậy nhưng thái độ của tôilà như thế.

Lúc đó cũng có một bà rất lớn tuổi và cả hai chúng tôi chính thức xin Sư Phụ cho phép xuất gia.  Chúng tôi đảnh lễ Sư Phụ ba lạy.  Lúc đó chúng tôi ở bên ngoài phòng của Sư Phụ tại chùa Kim Sơn.  Cô Loni, lúc bấy giờ còn là Sư Cô Hằng Ẩn, cũng có mặt.  Cô vừa giúp thông dịch và vừa cười tôi.

Sau khi tôi xin xong, Sư Phụ nói: “Con đang làm gì ở trên này? Con muốn gì?”

“Bạch Sư Phụ con muốn xuất gia.”

“Thật vậy sao? Con muốn xuất gia? Là con sao?”

Lúc đó Sư Phụ mới kể cho tôi nghe về Đại Lão Hoà Thượng Hư Vân.  Ngài nói: “Con có biết không? Xuất gia không phải là chuyện dễ.  Con có chắc là con muốn như vậy hay không?  Có lần Hoà Thượng Hư Vân ngồi kiết già cả hai tuần lễ không động đậy. Ngài lúc đó chưa giác ngộ, và ngài chịu khổ rất nhiều.  Ngài làm như vậy là chỉ để mọi người kính ngưỡng Phật Pháp.  Đó là động cơ của Ngài. Chứ không phải vì muốn trở thành số một hay phô trương.  Như thế mọi người nhìn thấy vị sư đang ngồi đó và nghĩ rằng “Ồ, nhìn kìa! Đó thật sự là một điều gì đó!  Vị tu sĩ đó thật sự đang tu hành!”  Ngài đã làm như vậy chỉ để mọi người có lòng kính ngưỡng với Phật Pháp.

Sư Phụ nói: “Đó là tâm của một vị Bồ Tát.  Ngài thậm chí chưa có Định. Ngài thậm chí chưa khai ngộ, và Ngài đã làm vậy.  Đây là những việc mà con phải làm nếu như con muốn xuất gia.”

Và tôi đã nói: “Ồ.”

Đó là kinh nghiệm của tôi với Sư Phụ.  Tôi đã có cảm tưởng sai lầm là Sư Phụ muốn tôi xuất gia.  Tôi đã hoàn toàn điên đảo.  Sau này thì tôi hiểu ra rằng Sư Phụ chẳng quan tâm là quý vị xuất gia hay không xuất gia.  Ngài chỉ quan tâm đến việc quý vị có trở thành Phật hay không, thế thôi. Quý vị làm bằng cách nào  điều đó không quan trọng.  Điều quan trọng hơn nhiều là giúp cho quý vị trở thành Phật – càng sớm càng tốt.  Sư Phụ không muốn lãng phí thời gian với chúng ta.

Một ngày nọ, Sư Phụ bảo tôi: “Con biết không, Ta gặp tất cả những người này.”  Sư Phụ nói những lời này ngay sau khi nói chuyện với người bán xe hơi -người này đang cố gắng bán chiếc xe hơi cho Sư Phụ. Câu chuyện rất khôi hài.  Ông ta cố gắng bán cho Sư Phụ một chiếc xe, và khi Sư Phụ gần như sẵn sàng ký tên mua xe thì ngài nói: “Hmm, tôi nghĩ giá hơi đắt.”  Ngài đã nói như vậy vào phút cuối.  Điều này khiến người bán xe nổi giận lên, cuối cùng không thể nào nhịn được nữa, ông ta chạy ra khỏi cửa và nói: “Tôi không thể nào làm việc này được nữa!” Sư Phụ chạy theo ông ta vẫy vẫy tờ giấy và nói: “OK. Tôi ký! Tôi ký!”

Sau đó Sư Phụ nói với tôi: “Khi Ta nhìn mọi người, ai cũng nghĩ rằng Ta đang nhìn người bán xe và nghĩ về chiếc xe.  Thật ra, Ta không quan tâm đến chiếc xe.  Khi Ta thấy ai đó, Ta không quan tâm họ là đàn ông hay đàn bà, trẻ con, chó hoặc mèo, Ta nhìn thẳng vào Phật tánh của họ trước, và sau đó, ýnghĩ kế tiếp của Ta là: ‘Làm thế nào có thể khiến họ khai mở trí huệ và nhận ra được tự tánh của họ ?'”

Đó là những việc mà Sư Phụ làm. Đó là chân tâm của mộ vị Bồ Tát.  Chỉ thế thôi.  Và nếu như con đường tốt nhất cho một người là trở thành Sa Di và rồi trở thành Tăng, và đó là con đường của quý vị, thì rất hay.  Còn nếu như con đường tốt nhất là làm Phật tử tại gia và hộ pháp thì cũng tốt.  Xuất gia làtuỳ tánh chất mỗi người.  Sư Phụ chỉ quan tâm tới cách tốt nhất cho quý vị để thấy được tự tánh chân thật của mình và thành Phật.

Ngài nói : “Ta là người thợ tạo Phật.”  Ngài đến đây để tạo ra những vị Phật.  Chỉ thế thôi.  Sư Phụ còn nói: “Chẳng những chỉ mình ta đến nơi này để tạo ra Phật mà tất cả chư Phật và Bồ Tát trong bao thiên niên kỷ quá khứ cũng đã và đang làm như vậy.  Tất cả đều đến đây vì lý do này.  Tất cả chỉ như thế – không gì khác.”  Rất là thẳng thắn.  Rất là khó chấp nhận nhưng sự thật là như vậy.

Tôi ít khi hỏi Sư Phụ về vấn đề tu tập của mình bởi vì tôi tin rằng Sư Phụ có trí huệ chân thật.  Tôi đã nếm được một chút trí huệ của Sư Phụ.  Ngài đã cho tôi nếm qua một ít.  Tôi rất sung sướng được ở bên cạnh Sư Phụ và không có chút nghi ngờ gì về ngài cả.  Tôi không cần hỏi : “Sư Phụ, con đang ở trình độ này.  Con đang có vọng tưởng kia. v.v….”  Quý vị luôn nghe nhiều người nói thế.  Nó rất vô nghĩa.  Sư Phụ quét sạch đi những chuyện đó vì tất cả đều không quan trọng.  Việc quan trọng nhất là tiếp tục nỗ lực tu hành.  Quý vị cần phải tiếp tục đi giống như phải kéo một chiếc thuyền xuyên qua khu rừng. (1)

Khi đúng thời điểm và lúc những việc thực sự quan trọng xảy ra, chư Bồ Tát sẽ hoá hiện.  Các vị Bồ Tát tập trung tâm trí như luồng tia sáng laser và biết ngay là khi nào quý vị sẵn sang khai ngộ. Các Ngài biết và đang chờ đợi, điều đó không cần thắc mắc.  Quý vị sẽ không bao giờ biết – có thể là Sư Phụ -cũng có thể là bất kỳ một hình tướng nào.  Chư Bồ Tát sẽ đến để giúp đỡ khi quý vị sẵn sàng.  Quý vị sẵn sàng khi quý vị sẵn sàng, và khi quý vị chưa sẵn sàng thì quý vị chưa sẵn sàng.

Vì thế cho nên chúng ta không phải lo lắng. Dù rằng nhục thân của Sư Phụ không còn đây, Ngài vẫn sẽ đến để cứu giúp.  Không những chỉ là Sư Phụ mà tất cả chư Phật và Bồ Tát cũng sẽ làm như vậy.  Lúc nào tôi cũng có cảm giác rằng Sư Phụ là một trong những nhân vật rất “tầm cỡ”; có rất nhiều thần lực và những vị có thần lực to lớn này đang có quanh chúng ta, chỉ là chúng ta không thể nhìn thấy họ được. Nhưng thỉnh thoảng quý vị nếm được một chút mùi vị này.  Và tôi luôn có một ý vị về Sư Phụ rằng  – Sư Phụ là một nhân vật lớn trong vũ trụ này.  Và những nhân vật ấy đang ở trong một ban đại hoà tấu, một dàn nhạc lớn.

Họ đều làm việc hoà hợp với nhau. Giống như một bản nhạc hay.  Họ đến và tuỳ nhân duyên mà biến thân hoá độ.  Họ hoà âm với nhau.  Đó là một loại hoà âm tuyệt vời. Chư vị Bồ Tát là như vậy đó.  Tất cả đều hoà âm.  Có nhiều mức độ khác nhau nhưng dưới cương vị của chúng ta thì làm sao dám bàn về các trình độ khác nhau của Bồ Tát.  Tôi không biết chút gì về việc này.  Quý vị nói với tôi về Thất Địa, Bát Địa, Thập Địa  – Tôi chẳng có chút ý niệm gìvề những điều quý vị nói.

Chúng ta giống như là cá dưới đáy biển. Chúng ta chưa từng được nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì làm sao có khả năng bàn về chuyện núi Everest (2) và về đỉnh núi đó.  Chúng ta rất vui mừng có được tia sáng nhỏ trong phút chốc hay một ánh lấp lánh.  Và cuối cùng, nếu nhân duyên đã chín mùi và quý vịsẵn sàng thì quý vị sẽ bắt đầu có những kinh nghiệm về việc đó và khai ngộ.

Tu hành là công việc xây dựng nền tảng.  Việc đó không vui nhưng là việc tạo nền tảng.  Ngồi kiết già, từ bỏ tất cả, và tất cả những gì chúng ta làm -đều là để tạo dựng nền tảng. Quý vị đang xây dựng nền móng. Việc xây dựng nền móng là việc kém vui nhất trong quá trình xây cất nhà vì nó thật sự rất buồn chán, tất cả chỉ là bê tông.  Quý vị đào đất, và chẳng thấy gì hết.  Ngoài nền móng ra thì chẳng thấy kết quả gì.  Nhưng chúng ta không thể nào có được một ngôi nhà trí tuệ trừ khi có nền móng.

Cũng giống như câu chuyện xảy ra với tôi.  Tôi kinh nghiệm được một hạt giống. Một chút mùi vị. Và đó là niềm vui thật sự.  Tôi quá vui được vài ngàyvà sau đó tâm tôi lại bị đóng trở lại.  Tôi không có một nền tảng nào cả.  Đó là lý do tại sao quý vị có giới, định và huệ.  Nếu quý vị không có ba điều nàythì không có cánh cửa nào sẽ mở rộng mãi. Cho dù quý vị thực sự mở và có kinh nghiệm thực sự về pháp vô vi.

Đó cũng là lý do tại sao Sư Phụ nhấn mạnh về việc xuất gia khi còn trẻ.  Tôi không hiểu được ý nghĩ của lời khuyên đó vì mọi người đều nghĩ rằng: “Ô, chúng ta nên đi tu khi đến tuổi về hưu dưỡng già.”  Sư Phụ nói: “Không, không, không, muốn thật sự có cơ hội phá thủng và có được kết quả thật sự thì cần phải xuất gia khi còn trẻ tuổi.”  Và lúc đó quý vị mới có được một nền tảng to lớn vì quý vị đã dụng công xây dựng  trong suốt bao nhiêu năm từ khi còn trẻ. Một khi tâm quý vị sẵn sàng khai mở thì quý vị sẽ sẵn sàng tiếp nhận và đủ khả năng giữ nó được mở.  Bằng không thì nó sẽ tự đóng lại.

Sau đây là một ví dụ từ một vị hành giả Ấn Giáo mà tôi nghĩ rất lý thú.  Nó giống như quý vị bước vào một dòng nước trong xanh đẹp đẽ.  Nhưng sau đó quý vị cảm nhận mình dơ bẩn và do tự ý của quý vị, quý vị nhảy trở lên trên bờ vì nhận ra mình quá dơ bẩn để ở trong đó.  Không ai ép quý vị phải bước ra, chính quý vị tự tạo lấy. Đơn giản là quý vị chưa sẵn sàng. Quý vị chưa làm sạch hành vi của mình để ở đó, và quý vị không thể ở lại, và không ai nói quý vị không thể ở lại.  Đó chỉ là chính quý vị nhận thức ra điều đó, và quý vị chỉ không thể nào ở lại.  Giống như câu : “Khi quý vị đoạ địa ngục không có ai kéo quý vị xuống đó ngoại trừ sức nặng của chính nghiệp báo của quý vị.”  Quý vị chính là người dìm quý vị xuống địa ngục.  Điều đó cũng giống như vậy.

Câu hỏi: Thầy có  tham thoại đầu (Chủ đề thiền) như “tôi là ai”  một cách trí thức không?

Trả lời: Khi quý vị nói chữ “mình” hay “tôi” hay “Tôi là ai?”, thì quý vị bắt đầu nghĩ về câu hỏi đó và nghe nó buồn cười làm sao. Ai vừa nêu ra câu hỏi đó? Tôi là ai? Ai  thế? Ai? Đó là những gì mà chúng có nghĩa là “trụ vào câu thoại đầu”. Có nghĩa là, Ai vừa mới nói thế?; Ai đang đặt ra câu hỏi? Đó là những gì mà quý vị nên trụ vào. Đó là một sự phân đôi. Đó là sự chạm điện. Hai dây điện chạm vào nhau. Tôi là ai? Ai vừa mới hỏi như thế? Tôi là ai? Ai nói Tôi? Đó là những gì mà quý vị nghĩ về. Quý vị không phải  tụng niệm câu hỏi này như là câu chú. Nó trở thành một điều luôn bám chặt trong đầu óc của quý vị. Nếu quý vị thực sự thành công trong Thiền, thì điều này sẽ trở thành một câu hỏi then chốt. Người ta gọi đó là Mối Đại Nghi.

Với tôi, điều này một lần đã xảy ra với tôi một cách tự nhiên ở trên biển (3). Tôi lúc đó không biết một chút gì về Đạo Phật, nhưng nó tự xảy ra. Đó là một mối Đại Nghi. Đúng hơn là nó dường như giống một đám mây lớn. Nó bao trùm lên tôi, và nó giống như một sức nặng. Đó là cách mà tôi có thể mô tả về nó.

Nó giống như là một sức nặng khổng lồ đè lên trên đôi vai tôi. “ Cái này thật sự là gì? Tại sao tôi lại ở  đây? Ai là người đang hỏi những câu hỏi này? Tôi là Ai?”

Tôi đã không biết rằng là mình đang tham Thoại đầu, nhưng tôi đã như thế. Nhưng sau đó, nó càng lúc càng trở nên mãnh liệt hơn và rồi ngay lập tức chấm dứt. Mọi người đều có kinh nghiệm khác nhau, nhưng trong trường hợp của tôi, tất cả những suy nghĩ của tôi dừng bặt trong một giây lát. Có lẽ giống như một phần triệu của giây, nhưng cảm giác nó lại giống như một khoảng thời gian dài hơn. Và tôi thấy tất cả mọi thứ thật sự là gì, mà không có một chút suy nghĩ gì xen vào.

Chúng ta bị khổ từ ý tưởng. Người ta gọi đó là vùng của niềm vui lìa xa cấu bẩn (Ly cấu hỷ lạc địa)  Và cấu bẩn là suy nghĩ của chúng ta, thậm chí cả những suy nghĩ thanh tịnh. Bất kỳ một loại suy nghĩ nào –  thiện, ác, xấu xa – đều là vọng tưởng. Và khi nó ngừng bặt, cho dù suy nghĩ của quý vị có tinh xảo đến như thế nào đi chăng nữa, thì không gì có thể so sánh được với việc nhìn thấy sự thuần khiết của mọi vật thật sự ra sao. Với tôi, không có pháo nổ hay ánh sáng chiếu nào, tôi cũng không nhìn thấy Quán Âm từ trên trời giáng xuống hay bất kỳ điều gì như thế.

Tôi đang canh gác, tôi nhìn vào tất những ngôi sao, và chúng chỉ là “như như”. Tất cả mọi thứ đúng như cách mà nó đã diễn ra. Và đó là một sự  giải thoát thâm sâu. Tôi bắt đầu khóc, nó thật là tuyệt đẹp. Nó giống như là, ai đó nhấc cái đe ra khỏi đôi vai của quý vị.  Quý vị chỉ thốt lên “ahhhh”. Thật sự rất sảng khoái. Tôi muốn chộp lấy những người đang cùng canh chừng với tôi, lắc họ và nói rằng: “Này, nhìn này, nhìn này!”.

Rồi tôi lần đầu tiên có cảm giác về sự thất vọng thực sự mà chư Phật, chư Bồ tát cảm thấy. Họ không thể khiến mọi người nhìn thấy điều đó. Họ phải dùng cách khiến mọi người nhìn thấy điều ấy. Quý vị phải sử dụng thiện xảo phương tiện. Mọi người, tự bản thân họ phải đạt được điều này.

Nhưng, trong trường hợp của tôi, do tôi không có một chút nền tảng gì cả, tâm trí tôi không dừng lại trong trạng thái đó quá lâu. Tôi nghĩ chỉ trong một tuần hoặc lâu hơn, tất cả những khía cạnh của kinh nghiệm đó gần như là bị chặn xuống trở lại. Điều này khiến tôi rơi vào trầm cảm sâu sắc bởi vì đây là niềm vui và sự giải thoát lớn lao và rồi đột nhiên nó lại thoái lui, tất cả những vọng tưởng này, tâm trí của tôi che phủ nó lại.

Tôi đã thậm chí không thể đứng thẳng lên được – tôi đã rất chán nản. Tôi ở Majorca, Tây Ban Nha – một hòn đảo ở xa  nước Tây Ban Nha. Và chúng tôi ở trên thuyền, nên chúng tôi tấp vào đó, và khi tôi vào bờ, có những chỗ bày bán những hàng hóa làm bằng da thuộc; vì ở Tây Ban Nha, họ bán những thứ đó. Họ bán tất cả những đồ làm bằng da, áo choàng da, da, da ở khắp mọi nơi. Vì thế, tất cả tôi có thể nhìn thấy là da của chúng sinh. Đó là tất cả những gì tôi có thể thấy.

Và cái mùi kinh khủng của da chúng sinh. Tôi nghĩ,  trời ơi, tôi đang ở trong địa ngục. Đây là cái gì vậy? Điều này thật khủng khiếp. Và rồi tôi tìm thấy một nhà thờ Công giáo. Đất nước Tây Ban Nha tín ngưỡng Công giáo. Công giáo đã có hàng nghìn năm ở đây. Đó là một nhà thờ rất cổ xưa, và tôi đi vào bên trong nhà thờ để trốn tránh khỏi tất cả những đồ thuộc da có ở khắp mọi nơi và tất cả những con người này. Khi tôi đi vào bên trong nhà thờ đó, thì quả thật là yên bình.

Tất cả những người tu hành ở trong đó. Họ là ai? Những phụ nữ cao tuổi. Tất cả những phụ nữ lớn tuổi này, họ đang niệm theo chuỗi hạt. Và bởi vì họ có tu hành, nên có sự thanh lọc. Họ không biết điều đó, nhưng họ đã đang tu hành một Pháp môn. Quả rất là yên bình ở nơi đây. Tôi liền ở lại nơi đó và quả là rất tuyệt.

Sau đó, tôi quyết định tìm ai đó để giúp vì tôi không biết phải làm gì. Tôi biết tôi không thể nói chuyện với Linh mục. Họ không thể trả lời những câu hỏi này. Đó là khi tôi bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm một vị đạo  sư hay cái gì đó. Một người nào đó để giải thích những điều đã xảy đến với tôi.

“Một khi quý vị có kinh nghiệm như vậy, thì mọi ưu tiên của quý vị sẽ thay đổi. Quý vị sẽ không còn ưa thích bất kỳ điều gì trên thế gian này. Tất cả mọi điều này, tất cả những thứ trên thế gian, đều là tầm thường. Tôi nhận ra rằng, tất cả mọi thứ ở đây, những thứ mà mọi người đều nghĩ là rất quan trọng, thì nó hoàn toàn vô giá trị! Và tôi biết rằng mình không quan tâm đến bất kỳ một điều gì ngoài việc tìm kiếm một ai đó có thể giúp tôi với câu hỏi lớn này, là điều lớn lao đã xảy ra với tôi. Đó là tình trạng của tôi.

Câu hỏi: Thầy có thể mô tả kinh nghiệm của thầy khi gặp Hòa Thượng lần đầu tiên không?

Trả lời: Lúc đó tôi còn trẻ, mới chỉ 22 hay 23 tuổi gì đó, tôi gặp Hòa Thượng vào năm 1969. Hòa thượng chỉ nhìn vào tôi, cười và nói, “Ồ, cuối cùng thì con cũng đến đây rồi”.

Tôi có một cô bạn gái tên là Beth, và bạn của cô ấy là Loni – tên lúc xưa của Sư cô Hằng Ẩn. Họ cùng đi học với nhau. Và Loni đã viết thư cho bạn gái tôi nói về đời sống xuất gia ra làm sao.

Tôi nói, hay quá, điều này có vẻ hay, tôi cần gặp người này. Nhưng tối hôm đó sau khi cô ấy (Beth) đọc cho tôi nghe bức thư đầu tiên, tôi đã có một giấc mơ. Hòa thượng và ba Tỳ kheo, hai Tỳ kheo ni ngồi thành một vòng tròn lớn. Tất cả họ quay lại nhìn về phía tôi, cười và nói “Ồ, anh à!”. Đó là giấc mơ của tôi.

Beth và tôi đã đi xuống San Francisco, và chúng tôi đã sắp xếp cuộc hẹn với sư cô Hằng Ẩn để gặp Hòa Thượng. Chúng tôi đã lái xe qua phố Tàu ngày hôm trước. Loni đã chỉ cho tôi biết chỗ ở của Hòa thượng,  chỗ con đường Waverly Place, và chỗ của ngôi chùa của họ (4). Và kìa Hòa thượng. Ngài ở bên ngoài đứng trên lề đường. Beth đã gặp Ngài trước đây rồi nên nói, “Ồ, Ngài kìa! Ngài ở ngay đó!”. Hòa thượng đang đứng ở ngay đó, trên lề đường, đang nhìn tôi và cười.

Giảng Đường Phật Giáo ở lầu ba Chùa Thiên Hậu, đường Waverly Place, San Francisco

 

Ngày hôm sau, tôi gặp Loni ở bên ngoài, Loni nói “Được rồi, tôi biết anh xuống đây để gặp thầy của chúng tôi, nhưng anh phải thực sự rất nghiêm túc về chuyện muốn thành Phật”.

Cái gì? Tôi đã thậm chí không biết cô ấy đang nói về cái gì. Tôi chẳng biết điều đó nghĩa là gì. Vì thế, tôi đã do dự về việc đi lên cầu thang bởi vì các cầu thang đi suốt lên đến chỗ ở đường Waverly Place rất ọp ẹp. Chỗ đó ở tầng ba. Đây là một tòa nhà rất cũ với những cái cầu thang nhỏ hẹp này. Vì thế, tôi càng trở nên căng thẳng hơn khi càng đi lên trên cầu thang và tôi nghĩ, “Không biết sẽ ra sao đây”.

Tôi đi lên trên cùng, ở đó Hòa thượng đang giảng. Lúc ấy, năm người xuất gia đầu tiên vẫn còn là Sa di và Sa di ni. Đó là Hằng Thọ, Hằng Tĩnh, Hằng Khiêm, Hằng Trì, và Hằng Ẩn. Và Hòa thượng thì đang giảng dạy cho họ. Hòa thượng đang dạy họ cách gấp tọa cụ. Sư cô Hằng Ẩn, người đã học đủ tiếng Hoa để nói chuyện với Hòa Thượng, liền nói: “Sư phụ, người này muốn đến đây để gặp Sư Phụ”. Hòa thượng chỉ nhìn lên và nói, “Ồ, cuối cùng con đã đến!” và Ngài quay trở lại việc chỉ cho họ cách gấp tọa cụ.

Teaching without weariness - Buddhist Lecture Hall, San Francisco, 1969.

Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng ngay khi tôi trông thấy Hòa thượng, tôi đã nhận ra Ngài là chân thật. Tôi chỉ biết thế. Đó là một trong những điều cảm nhận được ở đáy lòng. Quý vị không thể thực sự giải thích được tại sao, nhưng đơn giản nó là một điều cảm nhận trong thâm tâm. Tôi ngay lập tức biết rằng- người này thực sự hiểu biết mọi thứ. Ông ấy biết được vũ trụ này thực sự hoạt động thế nào.

Bên cạnh đó, tôi nhận ra đôi mắt của Ngài không gắn liền với cơ thể. Thật khó giải thích, nhưng gần giống như là chúng đang trôi lềnh bềnh trong cơ thể của Ngài. Giống như Ngài có cơ thể này  chỉ là một cái dụng cụ tạm thời để giảng dạy. Nó không thực sự là một con người. Đó là cảm giác của tôi về cơ thể của Ngài.  Đó là chuyện tôi đã gặp gỡ Hòa Thượng như thế nào. Nhưng những nhân duyên của tôi có chút khác biệt. Mọi người đều khác nhau. Mọi người có những nhân duyên khác nhau và đó đúng là những điều mà quý vị phải sống cùng với.

Tôi thực sự muốn có trạng thái đó một lần nữa, và bởi vì trạng thái đó thật tuyệt vời, nên ngay lập tức tôi đã nói với Hòa Thượng rằng tôi muốn trạng thái đó trở lại. Hòa thượng nói, “Anh đừng tham muốn cái trạng thái đó. Anh chưa sẵn sàng để lúc nào cũng có được trạng thái đó”.

Hơn nữa, nó là một gánh nặng lớn để có được điều đó, luôn luôn ở trong thiền định. Quý vị không nghĩ về điều đó, nhưng khi quý vị nhìn vào mọi vật mà thấy y như chúng vốn thực sự là, thì nó sẽ là một sức nặng lớn đấy. Ban đầu, nó khá lấn át cho đến khi có định lực hay cho đến khi Giới, Định và Huệ của quý vị đủ lớn để có thể đối phó với nó. Bởi vì, cơ bản thì quý vị được thấy theo cách mà mọi vật vẫn luôn như thế, quý  vị được thấy vũ trụ  thực sự ra sao, và đó là điều khó chấp nhận được. Dù rằng nó thật là tuyệt vời, nó vẫn rất khó để chấp nhận được…

Nó cũng không phải lúc nào cũng tuyệt vời, vì quý vị nhìn thấy sự khổ đau ở quanh ta. Quý vị nhìn thấy hết thảy chúng sinh đều đang khổ đau khắp nơi quanh ta. Thật khó chấp nhận được. Quý vị nhìn thấy mọi người với tâm bình thường của mình bị đè nén – họ bị che lấp. Đó là cách họ thường hay nói về nó , “che lấp”. Đặc biệt, con người trong thế giới thông thường, những người chỉ biết kiếm tiền. Tất cả những người này, họ chỉ chạy theo tất cả nhữngsuy nghĩ điên rồ mà họ có. Họ chỉ chạy theo danh vọng và giàu có, và ham muốn cái này, ham muốn cái kia. Họ quên mất một điều tuyệt vời; quên mất viên ngọc quý giá của mình. Họ chạy theo sự giàu có, nhưng tất cả sự giàu có lại ở ngay đó với họ. Họ không nhận ra. Nó khiến cho quý vị gần như muốn bật khóc. Thật là buồn.

Bồ Tát luôn luôn nhìn thấy điều đó. Đó là lý do tại sao Hòa Thượng phải thực sự đau khổ luôn nhìn thấy điều ấy. Và phải rất kiên nhẫn, để thấy, để chịu đựng điều ấy. Đó là lý do tại sao chúng ta làm việc trên nền tảng căn bản. Theo thời gian, tôi đã học được rằng không nên tham cầu giác ngộ. Nó sẽ đến khi quý vị sẵn sàng. Đừng cố gắng trở nên mất kiến nhẫn về nó. Đó là điều mà tôi đã học được. Mọi người có những kinh nghiệm khác nhau và nhữngnhân duyên khác nhau.

Một số người có thể mở “ngũ nhãn”, và tôi chẳng có chút ý tưởng về ý nghĩa của điều đó là gì nữa. Thậm chí đến bây giờ, tôi không thực sự rõ ràng về điều đó.

Nó giống như khi họ nói về đỉnh núi Everest, tôi biết nó ở đó. Tôi không cần phải được nói thêm nữa. Tôi không thể lên trên đó. Tôi không thể thực sự chạm vào nó; nhưng tôi biết nó ở đó. Tôi không có thắc mắc gì về điều ấy. Tôi không phải đối phó với vọng tưởng đó. Tôi không nghi ngờ về trí huệ và tất cả những điều đó, vì tôi biết nó thực sự tồn tại. Tôi biết rằng Hòa Thượng vĩnh viễn tồn tại, và rằng chúng ta cũng vĩnh viễn tồn tại. Chúng ta đã tồn tại qua hàng thiên niên vạn kiếp, trong một dạng này hay dạng khác. Và chúng ta cũng sẽ tiếp tục tồn tại thêm nhiều thiên niên vạn kiếp  nữa. Vì thế đó là một hình thức giải thoát khác.

Bởi có rất nhiều người, họ suy nghĩ  theo tri thức rằng họ sẽ không tồn tại nữa khi họ chết. Cái đó gọi là gì? Sự đoạn diệt. Họ là những người theo thuyết đoạn diệt. Họ nghĩ rằng, “Khi tôi chết đi, thế là xong, chẳng còn gì khác nữa”. Những tín đồ Thiên Chúa Giáo, họ tin là có Thiên đường, Địa ngục, chỉ có thế, chẳng có gì khác. Quý vị đi xuống địa ngục, và thế là mãi mãi. Quý vị không bao giờ có thể thoát khỏi địa ngục được. Nhưng tôi biết, có một sự liên tục trong vũ trụ. Không có sự khởi đầu và không có kết thúc. Và cũng như Phật đã dạy, chẳng có khởi đầu và cũng chẳng có kết thúc. Điều đó không còn là một mối nghi vấn.

Câu hỏi: Về giới luật, Thầy nói, “Giới, định, huệ”. Con thắc mắc rằng liệu Thầy có những suy nghĩ gì về Giới luật với Hòa Thượng và về những Giới luật dành cho những Sa Di. Con biết là thầy thiết kế trang bìa sách Sa Di Luật Nghi do Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới xuất bản.

Trả lời: Có lẽ tôi là Sa Di tệ nhất trên thế giới. Tôi đã làm trang bìa. Chúng tôi đáng lẽ phải thuộc lòng tất cả những điều này, và tôi chẳng thể nhớ ra tên riêng của mình. Vào thời điểm chúng tôi xuất gia, thật là đơn giản. Hòa thượng dạy phải thuộc Chú Thủ Lăng Nghiêm, Sa Di Luật Nghi (Giới luật), và thuộc Chú Đại Bi.

Tôi không biết Ngài có nói là phải học thuộc Sa Di Luật Nghi hay không ngoài việc nói học Sa Di Luật Nghi, và học những quán tưởng mà bạn phải làm mọi khi thức dậy, đánh răng v.v…Sư phụ rất tuỳ nghi với chúng tôi trong những ngày đầu. Sau đó, chúng tôi dần trở nên hợp thức hơn. Vào lúc ấy, chúng tôi không trãi qua các sự huấn luyện này vì có Hòa thượng ở đó. Ngài chỉ nói là “Được rồi, con là Sa Di”.

Tôi nghĩ tôi làm Sa Di trong khoảng chừng một năm hay hơn gì đó. Vạn Phật Thánh Thành tổ chức lễ xuất gia đầu tiên tại đó vào tháng 8 năm 1976. Quyển Sa Di Luật Nghi – chúng tôi phát hành lần đầu tiên. Một mình tôi làm bìa sách, và tôi không biết là tôi đang làm gì. Chúng tôi chỉ sử dụng máy đánh chữ – đánh chữ ra và in. Chúng tôi tự làm bìa sách và in nó rất rẻ

wpe41.jpg (14607 bytes)

Anh Eric Weber

wpe3F.jpg (32138 bytes)

Hòa Thượng cùng với Thầy Hằng Không (đứng), Hằng Quán (đứng) và cư sĩ Quả Hồi Weber (ngồi), những người thực hiện 35 ngày tuyệt thực vào tháng 11 năm 1975 để hồi hướng công đức cho hòa bình thế giới.

wpe1.gif (135062 bytes)

Pháp sư Hằng Lai

img_2713.jpg (161971 bytes)

Thầy Hằng Lai và Thầy Hằng Thật trong chuyến Hoằng Pháp tại Trung Quốc (2007)

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:

(1) Trong Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Thập Địa đề cập việc tu hành Bồ Tát Đạo cần nỗ lực tu hành khi chưa đến biển Bồ Tát hạnh:

“Chư Phật tử ! ví nhu ngồi thuyền buồm muốn vào biển lớn. khi chưa đến thời phải dùng nhiều công lực. Nếu đã đến biển chỉ theo gió mà thuyền đi chẳng cần nhơn lực. Ðem sự thuyền đi khi chưa đến biển sánh sao kịp với lúc đã vào biển.

Cũng vậy, đại bồ tát chứa nhóm tư lương thiện căn rộng lớn, ngồi thuyền đại thừa đến biển Bồ Tát hạnh. Trong khoảng một niệm dùng trí vô công dụng nhập cảnh giới nhứt thiết chủng trí. Những hạnh hữu công dụng trước kia dầu trãi qua vô lượng trăm ngàn ức na do tha kiếp chẳng sánh kịp được.” http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem26-ThapDia.htm

(2) Núi Everest: Núi cao nhất thế giới, cao 8.848 mét (29,029 ft) http://en.wikipedia.org/wiki/Mount_Everest

(3) Xem thêm bài Con Trai Tôi Trở Thành Gì Vậy?