Những lời dạy của Hòa Thượng Tuyên Hóa

TRÌ CHÚ TRƯỚC TIÊN PHẢI CHÁNH TÂM THÀNH Ý

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn,

Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.

Sở tác chư pháp tất cứu cánh,

Bất tăng bất giảm đáo Niết Bàn.”

Dịch là:

 

“Tụng trì, thầm niệm, ít nói năng,

Dạy dỗ, lợi vui, khắp nơi nơi.

Mọi việc làm ra đều cứu cánh,

Không tăng, không giảm, tới Niết Bàn.”

Học Chú thì trước tiên cần phải chánh tâm, thành ý; tâm không chánh thì học chú gì cũng thành tà. Tâm chánh, học Chú mới có cảm ứng. Chánh tâm cũng chưa đủ, cần phải thành ý. “Thành” tức là lúc nào mình cũng hết sức chuyên chú, chuyên tâm, không xao lãng, không làm những chuyện cẩu thả, tắc trách. Ðược vậy thì mới có cảm ứng.

Nếu không “chánh tâm, thành ý,” nếu trong lòng đầy dẫy tư tưởng sai lầm, làm hại kẻ khác, tức là mình làm chuyện của ma. Pháp của ma vương là hại người, không lợi ích cho ai cả.

Nếu thật sự muốn tu hành thì trong bất cứ trường hợp nào cũng không được làm hại kẻ khác. Phải nuôi tâm làm lợi chúng sinh; không được học Chú để hàng phục ma quỷ hoặc đi đấu với người khác.

Người theo Phật Giáo không có kẻ thù, không tìm người để trả thù. Ðối với kẻ cố ý hại mình, mình phải nhẫn nại, tu hạnh Nhẫn Nhục Ba-la-mật; không sinh tâm báo thù. Ðó là chỗ cao siêu, là ưu điểm của Phật Giáo mà các tôn giáo khác thiếu sót.

Tuy Cơ Ðốc Giáo có nói rằng “ái địch” (thương kẻ địch), nhưng đó chỉ là trên phương diện ngôn ngữ, thực sự họ có thể hiện được trong hành động không? Họ luôn luôn xem người Phật Giáo như kẻ địch, họ có thương yêu những người Phật Giáo không? Chắc chắn là không, vì họ gọi người Phật Giáo là nghịch đồ, là ma quỷ!

Tôn chỉ hết sức trọng yếu của Phật Giáo là: Nếu bạn là ma quỷ thì tôi tuyệt đối không làm tổn hại bạn, không sinh lòng đối kháng, mà ngược lại, sẽ tìm cách để nhiếp thọ bạn. Ðây là giáo nghĩa đặc biệt nhất của đạo Phật. Ðối với chúng sinh luôn phát tâm từ bi, không làm hại kẻ khác.

Chú Lăng Nghiêm là chú kinh thiên động địa, khiến quỷ thần phải run sợ, là linh văn hết sức hiệu nghiệm. Học Chú Lăng Nghiêm rồi thì phải luôn luôn phát tâm từ bi, cử tâm động niệm không được làm hại người khác. Nếu ai đối với mình không tốt cũng đừng khó chịu, đừng oán ghét. Tâm mình cần phải rộng lớn như ba ngàn thế giới vậy, vạn vật đều có thể chứa gọn trong tâm mình; đó chính là bản sắc của người Phật tử vậy!

“Tụng trì, mặc niệm, thiểu ý ngôn.” Câu chú “Yin two na” (Nhân đa la) dịch nghĩa là tụng trì, hoặc là mặc niệm, hoặc thiểu ý ngôn; tức là mình không cần nói nhiều, cũng không vọng tưởng nhiều, chuyên tâm thì linh, tán loạn thì không cảm ứng.

Thế nào là chuyên nhất? Tức là luôn luôn đừng sinh tâm làm hại chúng sinh. Nếu có tâm làm hại kẻ khác thì tương lai sẽ gặp chuyện hết sức nguy hiểm; bởi vì: “Ða hành bất nghĩa tất tự tệ.” (Nếu luôn làm chuyện bất nghĩa, thì mình sẽ tự tiêu diệt mình.)

Mình hại kẻ khác tức là mình đã hại chính mình. Mình giết cha người, thì có kẻ chắc chắc sẽ giết cha mình; mình giết anh người thì sẽ có kẻ giết anh mình; đó là luật nhân quả. Là Phật tử thì cần phải làm lành lánh dữ. Nếu không tạo nhân ác, thì sẽ tránh được quả ác trong tương lai.

“Thị giáo lợi hỷ hóa đại thiên.” Câu này nói rằng lấy Phật Pháp chỉ dẫn, giáo hóa chúng sinh, làm cho tất cả mọi người đạt được chỗ lợi ích, hoan hỷ. Khi thấy có chuyện gì lợi ích cho người khác thì mình làm ngay: 

“Tài bồi tâm thượng địa,

Trưởng dưỡng tánh trung thiên.”

Dịch là: 

“Vun bồi miếng đất tâm linh,

Nuôi lớn bầu trời bản tánh.”

Thường giúp kẻ khác thì lâu ngày tự nhiên sẽ có đức hạnh. Không phải chỉ kêu gọi người khác làm lợi ích cho mình, mà tự mình không làm lợi ích kẻ khác. Kẻ nuôi dưỡng tánh ỷ lại và chỉ muốn tận hưởng tiện nghi là kẻ không có khí phách.

Hãy xem trên đời này, những kẻ chuyên đi tìm tiện nghi cho mình kết quả đều thất bại; nếu các vị không tin thì hãy nghiên cứu cho kỹ lưỡng. Bất luận là ai, với lòng tham không đáy, chuyên đi tìm tiện nghi cho chính mình thì kết quả đều không tốt. Nếu mình đem lại lợi ích cho người khác, làm cho mọi người hoan hỷ, thì đi tới đâu ai ai cũng kính phục mình.

Khổng Tử nói rằng: “Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính, Tuy man mạch chi bang, hành hỹ.” (Lời nói chân thật, Hành động chắc thật, cung kính, thì dù ở nơi nguy hiểm cũng vẫn được an toàn.)

Một lời nói ra thì phải thành thật, không được gian trá, lừa dối kẻ khác. Hành vi thì phải hết sức thành thực, trung hậu, khiêm nhường, cung cẩn. Bất cứ làm việc gì cũng có lòng “khiêm cung hòa kiết”; không được cống cao ngã mạn, coi mình như ông trời, không ai sánh bằng. Như vậy thì không thể chấp nhận được!

(Vạn Phật Thành ngày 25 tháng 1 năm 1981)

p.63 – 71, “Talks on the Dharma, Vol. V”