Bài nói chuyện về Thiền và kinh nghiệm nhịn ăn của Thầy Hằng Lai

Thầy Hằng Lai nói chuyện tại tu viện Berkeley vào ngày 13/4/2013.

Trích dịch từ Nguyệt San Vajra Bodhi Sea số tháng 9, 2013, trang 23 -30

HayTha2

Kính thưa Chư Phật, Bồ Tát, Hòa Thượng và Đại chúng, A Di Đà Phật!

Mọi người tại tu viện Berkeley đã ngỏ ý muốn tôi nói chuyện trong buổi tối hôm nay. Tôi không giỏi về giảng kinh, thậm chí cũng không chắc chắn rằng bài nói chuyện của tôi có chút ít bổ ích gì cho quý vị hay không, nhưng dù sao thì tôi cũng ở đây và đang nói chuyện với quý vị tối nay. Vào mỗi thứ bảy, cho dù là ở gần đây hay ở khắp nơi trên thế giới, mọi người đều có cơ hội được nghe Phật Pháp trực tuyến từ tu viện Berkeley. Tôi không phải là người uyên bác, vì thế, tôi sẽ không nói về kinh điển. Trên thực tế, nếu tôi nói chuyện về chủ đề đó thì chắc hẳn sẽ rất nhàm chán hoặc thậm chí vô ích với quý vị. Tuy nhiên, với tôi, có lẽ sẽ tốt hơn nếu kể chuyện. Do vậy, tôi sẽ chia sẻ với quý vị một vài câu chuyện từ những kinh nghiệm của tôi với Hòa Thượng.

Thiền là đơn giản

Khi tôi vẫn còn là cư sĩ và ở tu viện Kim Sơn tại khu Mission, San Francisco, tôi đã tập thiền rất nhiều.

Trong những ngày này, mỗi lần có khóa Thiền, Sư Phụ cho chúng tôi ngồi 21 giờ mỗi ngày, nhưng không phải là ngồi 21 giờ liên tục. Sau mỗi tiếng đồng hồ tọa thiền, chúng tôi đứng dậy và thiền hành trong vòng hai mươi phút. Chúng tôi cứ ngồi một tiếng và lại thiền hành hai mươi phút. Sư Phụ thường đến hai hoặc ba lần trong ngày để khai thị – kaishi (開示), nói chuyện và như thế này Thiền quả thật đơn giản.

Tôi đã hết sức bám chấp vào Thiền. Tôi đã thường ngồi suốt cả ngày lẫn đêm, ở trong tĩnh lặng suốt 24 giờ liền mà không rời Phật điện. Một lần, khi tôi đang ngồi trên sàng Thiền, đối diện với bức tường, tôi đã cố gắng hết sức tập trung vào “tham thoại đầu” (話頭), Sư Phụ dừng lại, cúi xuống và hỏi “Đang làm gì thế?” Tôi trả lời, “Thưa Sư Phụ, con đang cố khai ngộ (giác ngộ).” Ngài liền nói, “Không, đừng ngốc như vậy. Con không khai ngộ theo cách này. Con càng bám chấp vào việc khai ngộ bao nhiêu thì nó sẽ càng ít đến với con. Và con cũng đừng bám chấp vào Thiền. Hành thiền chẳng có gì khác biệt so với bất kỳ các pháp thực hành nào khác, và con cũng không nên bám chấp vào một cách thực hành. Cũng giống như việc lễ lạy, con chỉ lễ lạy. Nếu niệm Phật A Di Đà, thì chỉ niệm Phật A Di Đà. Hành Thiền, thì chỉ Thiền. Mọi thứ đều “như vậy”, cơ bản thì không có những thứ như Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, cũng chẳng có Giáo Tông.” Tất cả những Pháp môn tách biệt này được lập nên bởi những Tông phái là do bám chấp. Khi đức Phật còn thị hiện trên thế gian, không có năm Tông phái. Mọi người chỉ nói Pháp và giảng Kinh điển. Tất cả các pháp môn khác đều là pháp môn phương tiện, vì thế, đừng nên bám chấp vào chúng.

Thiền Hành

Tu Viện Kim Sơn Thánh Tự (1974)

Từ Sư Phụ, tôi học được điều cần phải kiên nhẫn và nhận ra rằng “mọi thứ đều như thế (như thị)”. Sư Phụ thường nói: mọi việc đều tốt cả (rất tốt – henhao 很好) và mọi việc đều đúng đắn cả. Cho dù quý vị đang đi, ngồi hay nằm, mọi việc đều tốt cả, tự do và dễ dàng (tự tại). Nếu quý vị có thể giữ được thái độ trong tâm mình như vậy và trở nên không chấp trước vào việc tu hành theo bất kỳ một phương thức chuyên biệt nào thì quý vị sẽ tự nhiên thức tỉnh vào lúc mà thời điểm của quý vị tới. Đây là trí huệ, là một ví dụ tuyệt vời của Sư Phụ.

Điều này có tác dụng với tôi, nhưng tôi không muốn cho rằng những gì mà Sư Phụ chỉ dạy cho tôi thì đều có thể áp dụng tốt đẹp cho những người khác vì mỗi người đều có sự khác biệt dựa trên khả năng của từng người. Thỉnh thoảng, chúng ta thấy có những người dùng lời trong băng của Sư Phụ và dùng những lời dạy của Ngài để làm luận cứ tranh cãi nhưng bối cảnh lại quá khác xa. Tôi đã học được qua nhiều năm sống ở bên cạnh Sư Phụ rằng, Ngài có nhiều cách khác nhau để nói cùng một việc, tất cả dựa trên khả năng của từng người. Một vị thầy thực thụ không lập đại tuyên ngôn về mọi việc. Ngài tùy duyên và dạy dỗ từng người tùy theo nhân duyên của họ. Vì thế, nếu ai ưa thích việc lễ lạy, thì lễ lạy là phương pháp tốt để tu hành. Trên thực tế, luôn luôn có khóa thất niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc niệm Phật A Di Đà như thế chúng ta lễ lạy Phật trước khi tham gia vào các khóa thiền.

Sư Phụ nói rằng thực hành Thiền là phương pháp trực chỉ nhất để khai ngộ. Thiền là trường học về giác ngộ của các phi hành gia. Đơn giản là vì đây là phương pháp nhanh nhất, cũng là khó nhất. Có thể chỉ có một trong một trăm người có thể thực sự đạt được Giác ngộ thông qua thiền định, giống như Tổ Bồ Đề Đạt Ma hoặc Lục Tổ. Trong tu hành, quý vị không muốn bị bám chấp vào bất kỳ một tông phái nào, hãy đơn giản chấp nhận những khả năng của chính mình, xem khả năng của mình ở chỗ nào và dụng công với chúng, và cuối cùng chúng sẽ tăng trưởng. Sư Phụ cũng dạy một thực tế rằng khi quý vị đi đứng hay nằm, ngồi thì tất cả đó cũng đều là một phần của Thiền. Thiền Tông cũng như Luật Tông. Khi thiền, quý vị không phá bất cứ giới luật nào trừ khi tâm trí quý vị bắt đầu vọng tưởng. Cho đến các Tông còn lại như Thiền Tông, Giáo Tông, Luật Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông – theo Sư Phụ thì tất cả các Tông phái này đều hòa trộn và bổ túc lẫn nhau. Vì thế, nếu quý vị thực sự tu hành thì bất kỳ một Pháp môn nào cũng sẽ làm cho quý vị vui vẻ giống nhau. Sư Phụ thường dạy tất cả những pháp môn này, tất cả những Tông phái này và nói rằng chúng ta nên thực hành tất cả những phương pháp này dù của tông phái nào.

Tôi nói sơ lược như vậy. Tôi chỉ nói về những kinh nghiệm của bản thân về Đạo Phật. Triết học không phải là chủ đề tốt nhất của tôi.

Thành thật mà nói, tôi thậm chí cũng chẳng bám chấp vào triết lý Phật giáo một chút nào. Tôi chẳng biết gì về Đạo Phật khi tôi gặp Sư Phụ ngoại trừ cuốn sách của nhà thơ Gary Snyder, khi tôi mới khoảng 23 tuổi. Lúc ấy tôi sống ở đảo San Juan, tiểu bang Washington và đọc tập thơ ‘Núi băng lạnh’ của ông ấy về ngài Hàn Sơn (寒山) ở Núi Lạnh – Cold Moutain. Ông ấy đã dịch khoảng 300 bài thơ trong tập thơ này. Ngay lúc tôi đọc những bài thơ ấy, tôi thốt lên, “Wow!” Sau này, Sư Phụ đã nói về ngài Hàn Sơn trong báo Kim Cang Bồ Đề Hải số 27 “Phật Tổ Đạo Ảnh”.

Hàn Sơn là một tu sĩ già luộm thuộm sống trong một cái động trên núi Thiên Thai. Ngài thường xuống núi tới các nhà cư sĩ để hóa duyên và quay trở lại động của mình. Một chuyến hành trình như vậy dài chừng 22km từ chùa. Ngài có một người bạn làm phụ bếp tên là Thập Đắc (Shih-te (shide) 拾 得 có nghĩa là lượm được). Họ thường hay cười đùa và có những thời gian vui vẻ bên nhau. Tôi thực sự thích thú khi đọc bản dịch của Gary Synder bởi ông đã khiến cho rất nhiều người Mỹ có thể tiếp cận và hiểu Đạo Phật một cách thật đơn giản. Tôi trở nên quan tâm đến Đạo Phật như thế đó.

Sư Phụ đã biết rõ về bám chấp của tôi thậm chí trước khi tôi tham gia vào tu viện Kim Sơn cũ. Ngài biết rằng tôi có xu hướng nảy rất nhiều vọng tưởng và thậm chí còn hiểu sai về Thiền thực sự là thế nào. Để hiểu thấu đáo một số kiến thức cơ bản về các phương pháp thiền Trung Hoa, tôi bắt đầu đọc một số cuốn sách về Thiền và đến thăm một số trung tâm dạy thiền nhằm hiểu thêm về các phương pháp của họ. Khi tôi đến chùa Kim Sơn, Sư Phụ nói, “Được rồi, mọi người ngồi thiền. Chúng ta ngồi trong một tiếng đồng hồ. Và rồi đi bộ trong vòng hai mươi phút. Nếu ai đó bên cạnh ngủ gật nhưng không làm phiền, thì cứ để mặc họ vậy. Nếu họ ngáy to hoặc làm ồn thì hãy đánh thức họ dậy.” Tôi nghĩ, “Thế này thì hết sức là bình thường.” Tôi đã không hiểu cho đến khi tôi bắt đầu ngồi và sâu sắc nhận ra rằng nó không dễ dàng như tôi nghĩ.

21 giờ ngồi thiền nghiêm túc và đó thực sự là những gì mà Sư Phụ muốn chúng tôi làm, để “thức tỉnh” hoặc khai ngộ qua thực hành như thế này. Nhưng không chỉ có thực hành mà thôi, mà vị thầy dạy thực hành có vai trò quan trọng tương đương. Trên thực tế, vị thầy dạy Thiền là quan trọng then chốt đối với việc thực hành của quý vị. Người đó là một vị thiện tri thức giỏi có thể hỗ trợ, hướng dẫn và dìu dắt quý vị xuyên suốt quá trình thực hành. Trong trường hợp của Sư Phụ, Ngài thỉnh thoảng dạy cho chúng tôi những hướng dẫn về việc chúng tôi nên tập trung vào đâu và khi nào thì chúng tôi nên tham thiền. Cái đó gọi là tham thoại đầu (huatou 話頭) hay suy nghĩ sâu sắc về một chủ đề nào đó.

Chúng ta tham câu “Ai?” “Ai là người đang ngồi đây?” Dường như đó có vẻ là một câu hỏi ngớ ngẩn để mà bắt đầu, nhưng đó lại chính là khởi đầu sự nghiên cứu đúng đắn về Thiền.

Sư Phụ cũng sẽ điều chỉnh chủ đề thiền dựa trên các yếu tố nhân duyên của mỗi cá nhân. Đây là lý do chính khiến cho quý vị cần phải có một vị Thiện tri thức tốt để giúp cho việc tham thiền của quý vị thực sự có ý nghĩa.

Thầy Hằng Lai (Quả Hồi) năm 1974

Thầy Hằng Lai (Quả Hồi) năm 1974

Hãy Biết Mình: Nhịn Ăn hay Không Nhịn Ăn

Thầy Cận Phạm:

Đây là lần đầu tôi ngồi cạnh thầy Hằng Lai. Tôi thấy mình rất may mắn và muốn đưa ra vài câu hỏi mà tôi đã nghĩ từ lâu. Tôi biết HT Tuyên Hóa đã chỉ dạy pháp nhịn ăn, và người nào thì nên nhịn ăn trong 18 ngày. Nếu việc đó có tác dụng, thì nên tiếp tục tiến lên mức cao hơn, đó là nhịn ăn trong 36 ngày. Thưa thầy Hằng Lai, thầy đã nhiều lần nhịn ăn trong 36 ngày. Thầy có thể chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm về việc thực hành nhịn ăn không?

Câu hỏi tiếp theo của tôi liên quan đến thức ăn. Thưa thầy Hằng Lai, thầy có thể cho vừa đủ thức ăn vào bát rồi kết thúc bữa ăn trong khi những người khác còn đang ăn bữa trưa của mình. Lượng thức ăn mà thầy tiêu thụ dường như ít hơn rất nhiều so với lượng thức ăn người khác tiêu thụ trong một bữa ăn. Về mặt logic, thầy có một cơ thể cao ráo và to lớn. Phải chăng thầy không cần ăn thêm để duy trì trọng lượng cơ thể? Xin hãy chia sẻ với chúng con và cho chúng con vài lời chỉ dạy về thức ăn và việc ăn uống.

Thầy Hằng Lai:

Tôi không nhớ mình bắt đầu như thế nào nhưng khóa nhịn ăn đầu tiên của tôi là vào thập niên 70. Những người đầu tiên tham gia khóa này là những vị đệ tử đầu tiên của Sư Phụ. Sư Phụ nói “Được rồi, những ai muốn nhịn ăn có thể bắt đầu nhịn ăn trong vòng 1 tuần đến 10 ngày.” 10 ngày là thời gian nhịn ăn ngắn và không cần chỉ dẫn đặc biệt. Tuy nhiên, nếu ai nhịn ăn hơn 10 ngày thì cần tuân thủ quy tắc. Những quy tắc này thật ra là của Mật tông. Và vì đó là Mật tông nên tôi không thể nói nhiều, nhưng những gì tôi có thể nói là chúng tôi không nhịn ăn vì những lý do thông thường. Quý vị cần thực hành nhịn ăn thật cẩn thận vì nếu làm sai thì có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, có một thiện tri thức là việc rất quan trọng. Quý vị cần có thiện tri thức chỉ bảo để hoàn thành đợt nhịn ăn.

Vì vậy, tất cả mọi người ở Tu viện Kim Sơn đã quyết định cố gắng nhịn ăn trong 10 ngày. Đó không phải là một việc dễ dàng nhưng chúng tôi đã làm được. Vài tháng sau, chúng tôi lại thử nhịn ăn và lần này là 18 ngày. Thời gian nhịn ăn gia tăng từ 10 ngày cho đến 18, 36, 72 ngày. Sau đó, một người có thể nhịn ăn trong 6 tháng và từ đó, quý vị có thể được chư thiên cung cấp thức ăn. Một Tỳ Kheo Ni ở Hồng Kông đã đạt đến mức độ này. Vị ấy đã thực hành nhịn ăn trong một hang động. Mọi người nói rằng vị ấy được các vị thiên nhân cung cấp thức ăn và Sư Phụ đã chứng nhận cho vị ấy. Tôi và người trước đây là Thầy Hằng Quán cùng với một vị nữa đã thử nhịn ăn trong 18 ngày. Thầy Hằng Thật thử nhịn ăn 10 ngày và cuối cùng Sư Phụ bảo thầy ấy hãy từ bỏ. Nhịn ăn không phải là pháp môn của thầy Hằng Thật.

Trở lại phương pháp nhịn ăn, 10 ngày nhịn ăn đầu tiên là khoảng thời gian khó khăn nhất. Cơn thèm thức ăn trở nên rất dữ dội vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 trong đợt nhịn ăn, nhưng chúng tôi đã giữ tâm bất động và tiếp tục thực hành. Ngoài ra, chúng tôi cũng được yêu cầu phải tuân theo thời khóa trong Phật điện. Khi tất cả mọi người đi thọ trai, chúng tôi cũng vào trai đường nhưng không ăn. Chúng tôi không những không ăn thức ăn mà chúng tôi còn phải kiểm soát sự cám dỗ của thức ăn. Vượt qua được sự cám dỗ ấy đòi hỏi chúng tôi phải thông thạo kỹ năng vào lúc ban đầu nhưng sau khoảng hai tuần thì cơ thể của chúng tôi bắt đầu đóng lại phần nào và trở nên dễ kiểm soát hơn. Mặc dù tôi mất cơn thèm muốn thức ăn sau hai tuần nhưng tôi vẫn có những giấc mơ kỳ lạ về việc ăn uống. Tôi mơ mình ăn món thịt bò bít tết dính máu đỏ tươi. Tôi kể lại cho Sư Phụ nghe và Ngài bảo “Đó là thịt mà con đã ăn trong những kiếp trước. Bây giờ chúng ra khỏi cơ thể con. Con biết con đang xả nghiệp ăn thịt. Con hãy loại nó ra, từ bỏ nó đi” Đó là lời giải thích của Sư Phụ về giấc mơ ăn uống của tôi.

Sư Phụ cũng hướng dẫn chúng tôi làm thể nào để trở lại việc ăn uống sau một thời gian nhịn ăn. Chúng tôi phải ra khỏi việc nhịn ăn rất từ từ. Đó không phải là vấn đề đối với chúng tôi vì lúc đó chúng tôi đã quen không ăn gì. Sư Phụ để chúng tôi ăn ít cháo hoặc cơm trộn với súp (canh). Không thêm muối hay nước tương, không hạt đậu, ngay cả gạo lứt cũng không. Chúng tôi chỉ cần ăn cơm bình thường lúc bấy giờ. Sau 3 ngày, chúng tôi cho thêm vài lát táo trong cháo của mình. Và sau ngày thứ 5, chúng tôi có thể ăn nhiều thêm thức ăn. Thật ra, tham gia đợt nhịn ăn không khó lắm, nhưng ra khỏi việc nhịn ăn lại là khó khăn lớn nhất đối với tôi. Khi ra khỏi việc nhịn ăn, cuộc sống của quý vị lại trở về như xưa, và quý vị lại bám chấp vào thức ăn. Quý vị có thể không kiểm soát được lượng thức ăn mình muốn. Điều đó rất nguy hiểm vì cơ thể tiêu hóa quá nhiều thực phẩm cùng một lúc. Thật không may, có một người trong chúng tôi bị rơi vào tình trạng đó. Vị ấy không thể chịu được sự chậm rãi, nên đã đột nhập vào tủ lạnh và bắt đầu ăn ngấu nghiến. Vị ấy bị bệnh nặng đến mức Sư Phụ phải đến cứu trước khi vị ấy gặp hậu quả chết người.

Vài tháng nữa trôi qua, và chúng tôi đã cùng cố gắng nhịn ăn trong 36 ngày. Giai đoạn khó khăn nhất là tuần thứ ba và thứ tư vì chúng tôi trở nên rất yếu và mức năng lượng của chúng tôi quá thấp. Người ta có thể có nguy cơ mất mạng nếu không cẩn thận. Nhưng chúng tôi đã có thể hoàn thành đợt nhịn ăn. Chìa khóa để tồn tại trong đợt nhịn ăn đó là phải lắng tâm lại và làm chậm quá trình biến dưỡng của cơ thể, sau đó chúng tôi có thể đi vào chế độ ngủ đông giống như loài gấu vậy. Chúng tôi khác với những người phản đối trên đường phố ở chỗ họ thì không biết tu hành. Thay vào đó, họ lại nuôi dưỡng quá nhiều sân hận và năng lượng đến nỗi tâm trí họ tiêu thụ tất cả protein và cuối cùng họ nhịn ăn đến chết. Chúng tôi thì trái lại có Sư Phụ ở bên chỉ dạy làm thế nào để làm chậm hoạt động của cơ thể để chúng tôi có thể vượt qua sự nhịn đói.

Trong thời gian nhịn ăn, chúng tôi vẫn được yêu cầu theo thời khóa thiền của chúng tôi và 20 phút thiền hành là việc khó khăn nhất. Chúng tôi đã mất quá nhiều sức lực đến nỗi phải lê mình đến Phật điện. Thật khó khăn đến mức không tưởng tượng nỗi. Tôi nhớ mình luôn nói với Sư Phụ rằng “Bạch Sư Phụ, con cảm thấy mình như một ông cụ 90 tuổi vậy.” Nhưng Sư Phụ đáp rằng “Đúng. Nó là như vậy!” Nhưng phần tốt đẹp nhất là tôi được một tâm trí rất sáng suốt. Tâm sáng vì lúc đó đang ở dạng thức tồn tại căn bản, và não bộ hoàn toàn nhận thức được tất cả mọi thứ. Vào lúc cuối khóa nhịn ăn, chúng tôi đều thay đổi hình dáng, gầy giơ xương, như thể chúng tôi vừa ra khỏi trại tập trung vậy. Có lần trông thấy tôi, mẹ tôi đã rất hoảng sợ.

Một điều nữa mà tôi muốn nêu ra là lượng nước uống. Nếu quý vị uống quá nhiều, nước sẽ đi thẳng xuống chân quý vị và vùng xung quanh mắt cá chân của quý vị sẽ sưng lên. Tình trạng này rất xấu và có thể còn rất nguy hiểm. Sư Phụ rất nghiêm khắc trong việc chỉ dạy chúng tôi chỉ uống một ly nước mỗi ngày, chỉ vừa đủ để tái cung cấp nước cho cơ thể. Về cơ bản, chúng tôi ở trong trạng thái kềm giữ lại. Đó là lý do tại sao Sư Phụ muốn chúng tôi ngồi thiền để chúng tôi chỉ có thể tập trung vào đề mục thiền của mình. Lúc đó rất dễ để hành thiền vì cơ thể chúng tôi lúc bấy giờ nhẹ hơn và có thể ngồi thoải mái trong tư thế kiết già cả ngày mà không thấy đau nhức. Quý vị có thể ngồi niệm hoặc tập trung vào đề mục thiền cả ngày. Quan trọng là phải đối phó với những con quỷ bên trong. Ai cũng có quỷ bên trong mình. Con quỷ của tôi là con quỷ thức ăn hiển hiện ra. Nhưng với sự giảng giải của Sư Phụ về nguyên nhân, cuối cùng tôi đã không quan tâm nhiều đến nó. Đó là một bài học và một sự tu hành rất tốt đẹp. Và vị bạn đạo của chúng tôi, về sau đã hoàn thành đợt nhịn ăn 72 ngày. Tôi thì chưa bao giờ đạt đến mức đó.

ConTra2

Hòa Thượng cùng với Thầy Hằng Không (đứng), Hằng Quán (đứng) và cư sĩ Quả Hồi Weber (ngồi), những người thực hiện 36 ngày tuyệt thực để hồi hướng công đức cho hòa bình thế giới.

Theo Sư Phụ, chúng tôi chỉ nên ăn cháo và duy trì như vậy trong 3 hay 4 ngày trước khi có thể thêm vài lát táo nhỏ vào cháo. Sau đó dần dần trộn cháo trắng với các thực phẩm khác, nhưng chúng tôi phải cho vừa phải thôi. Chưa dùng thực phẩm đặc hoặc dầu như chả giò chiên. Chúng tôi chỉ có thể trở về chế độ ăn uống như bình thường sau vài tuần, nhưng người bạn đạo của chúng tôi thì không như vậy, đã ăn một lượng lớn thức ăn vào lúc kết thúc khóa nhịn ăn. Vì thế vị ấy đã tự chuốc lấy rắc rối nghiêm trọng nhiều lần và Sư Phụ phải can thiệp và kiểm soát vị ấy.

Khi quý vị đang nhịn ăn trong 10 ngày đầu tiên, ham muốn về thức ăn của quý vị vẫn còn rất mạnh, đặc biệt là với mùi thơm của thực phẩm được nấu chín trong phòng ăn, sẽ rất khó để quý vị giữ định lực. Tuy nhiên, Sư Phụ vẫn yêu cầu chúng tôi ngồi trong phòng ăn như là một phần của việc thực hành nhịn ăn. Bài học này không chỉ giúp chúng tôi ngăn chặn ham muốn về đồ ăn mà mục đích cao nhất của nó là phá vỡ dần chấp trước vào thân và tâm. Vì vậy, sau một thời gian, quý vị sẽ ít ham muốn thức ăn hơn. Thậm chí quý vị có thể không cần đến nó. Chẳng còn thật sự quan trọng là hôm nay quý vị có ăn trưa hay không.

Nhiều người nhịn ăn trong thời gian ở Tu viện Kim Sơn, trong đó có Sư Cô Hằng Trì, nếu tôi nhớ không lầm. Người ta đến với Sư Phụ để sám hối và phát nguyện. Tôi đã có một lời nguyện mà tôi cho là rất tuyệt vời và tôi kể Sư Phụ nghe về lời nguyện đó. “Con muốn phát nguyện chỉ ăn đồ sống mà không ăn đồ nấu chín.” Ngài đồng ý nhưng sau vài tuần, Ngài hỏi “Tại sao con ăn loại đồ ăn thế này?” Tôi đáp “Bạch Sư Phụ, con nghĩ đây là việc tu hành tốt.” “À, thật ngu si, tu hành ngu si. Con đã phát lời nguyện ngu si gì thế này?” Ngài vẫn để tôi làm theo nguyện, Ngài để tôi đi quá xa và đột nhiên quyết định rút ý kiến đó lại. Một vài người đã nói “Con sẽ chỉ ăn trái cây, giống như vị sư ăn trái cây nổi tiếng ở Đài Loan.”(*) Có lẽ quý vị biết vị sư này, cũng có thể là không. Đó là một hành giả ở Đài Loan. Tôi đã có cơ hội thăm vị ấy một lần cùng Sư Phụ và vị ấy chỉ ăn trái cây. Vị ấy ăn trái cây từ năm này qua năm nọ. Vài người cũng lập những nguyện như vậy một thời gian. Sư Phụ cũng làm như vậy trong những khoảng thời gian khác nhau. Đó là một việc thường khi mọi người cố gắng thử những pháp môn khác nhau để biết lối tu hành nào phù hợp với mình nhất vì mỗi người đều có nhân duyên khác nhau.

Cứ tu hành, Sư Phụ sẽ ở đó

HanSonThapDac

Thính giả:

Thầy có nhớ Sư Phụ không?

Thầy Hằng Lai:

Tôi chỉ nhớ Sư Phụ khi tôi không tu hành. Nếu quý vị đang tu hành, quý vị sẽ không nhớ đâu vì Sư Phụ ở ngay bên cạnh quý vị rồi. Sư Phụ là Bồ Tát và Ngài sẽ sống động ngay khi quý vị tu đạo. Họ là những bậc thiện tri thức, là những người bạn tốt của quý vị. Sư Phụ là người bạn tốt của quý vị và Ngài sẽ ở ngay đây. Một lần, Sư Phụ nói cho tôi biết rằng Ngài và tôi đã cùng nhau trong rất nhiều kiếp và chúng tôi đều là bạn. Trải qua nhiều năm, tôi nhận ra rằng Ngài không chỉ đã là bạn của tôi mà còn là bạn với tất cả những người mà Ngài gặp. Ngài đã là vị thiện tri thức của họ trong nhiều đời. Ngài là một vị Thiện tri thức không chỉ đối với con người mà còn cả với loài vật. Những con chim bồ câu và chim trĩ này được thả tự do trong buổi lễ phóng sinh, những con rùa, tất cả đều là những đệ tử của Sư Phụ, cả con lừa ở chùa Vạn Phật nữa.

Có một câu chuyện về hai ngài Hàn Sơn và Thập Đắc ở Núi Hàn danh tiếng. Một ngày nọ, các một số Thầy ở chùa Quốc Thanh đang giảng giới luật cho mấy Sa di. Trong khi đang học, chợt họ nghe thấy rất nhiều tiếng ồn ào ở gần. Hóa ra là ngài Hàn Sơn đang kéo một con trâu nước ương nghạnh bướng bỉnh đi đằng sau. Vị sư trưởng bắt đầu lên tiếng la mắng Hàn Sơn vì đã gây ồn ào. “Thằng ngốc! Tại sao lại gây ồn ào như thế? Không thấy chúng ta đang dạy giới luật hay sao?” Ngài Hàn Sơn liền trả lời, “Vậy thì Giới luật là không được nổi nóng đấy sao?”. Rồi quay trở lại với con trâu nước và quát con trâu rằng, “Thấy không, tại sao mày lại là trâu nước? Đó là vì trong những kiếp xa xưa, mày đã luôn luôn nổi nóng giận.” Con trâu nước bắt đầu khóc khi ngài Hàn Sơn dẫn nó đi. Hóa ra là ngài Thập Đắc chính là hóa thân của Đức Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát và ngài Hàn Sơn là hóa thân của đức Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Hòa Thượng Phong Can – người cũng ở ngôi chùa này là hóa thân của Đức Phật A Di Đà.

Như vậy, những chuyện như thế này xảy ra trong suốt những dòng chảy của Phật Pháp. Sư Phụ cũng vậy. Nếu quý vị nhớ Sư Phụ, có nghĩa là quý vị không tu hành. Quý vị đều buồn và khóc bởi vì Sư Phụ không ở đây. Hãy nhìn vào chính mình, thắp ánh sáng lên và nhìn vào tự tính của chính mình. Tại sao quý vị khóc và quý vị quá buồn lòng vì điều gì? Tất cả những gì quý vị cần làm là tu hành và Sư Phụ sẽ ở ngay bên cạnh quý vị.

Tôi nghĩ là mình đã khiến quý vị đủ chán rồi. Hãy nghỉ ngơi. Trong khi tôi chẳng nói được điều gì hay thì tôi có nhiều chuyện để kể. Quý vị có thể đến Tuyết Sơn, ở đó tôi sẽ kể cho quý vị nghe nhiều chuyện.

ConTra1

Ghi chú:

(*) Hòa Thượng Quảng Khâm, còn được gọi là Thủy Quả Hòa Thượng (Hòa Thượng Ăn Trái Cây).