Tu Hành Tại Vạn Phật Thánh Thành

(Chuyển dịch lời giới thiệu trong Video Tu Hành Tại Thánh Thành)

 

Tiếng bảng đều đặn vang lên từng hồi giữa đêm khuya tĩnh mịch, xua tan bóng tối âm u đang bao trùm vạn vật. Bây giờ là đúng ba giờ rưỡi sáng, ánh trăng dịu mát đang chiếu qua khe cửa. Vào giờ này, hầu hết mọi người vẫn còn đang say sưa trong giấc ngủ; riêng những người mang bổn nguyện và hoài bảo của kẻ xuất gia, phải là những người giác ngộ trước tiên trong vũ trụ, do đó họ cần phải thức dậy sớm nhất!

Theo Tỳ Ni Nhật Dụng Năm Mươi Ba Tiểu Chú, tập sách gắn liền với đời sống của người xuất gia, thì điều đầu tiên mà họ phải nghĩ tới sau khi thức dậy là “phải vì chúng sanh, không nên vì mình”:

“ Ngủ vừa tỉnh giấc, nên nguyện chúng sanh,
Tất cả tri giác, soi khắp mười phương.
(Thùy miên thử ngộ, đương nguyện chúng sanh,
Nhất thiết tri giác, chu cố thập phương.)

 

Nguyện rằng tất cả những chúng sanh còn đang đắm chìm trong cơn mộng mê sanh tử đều thức tỉnh và đều có được trí huệ soi chiếu khắp mười phương như Đức Phật.

 

Trời đêm mát rượi, trăng khuyết, sao thưa. Bây giờ mọi người tề tựu, yên lặng xếp hàng theo thứ tự, chuẩn bị tham gia buổi lễ Công Phu Khuya. Lúc này, họ lại thầm tụng Năm Mươi Ba Tiểu Chú, bởi trong sinh hoạt thường ngày của người xuất gia, từng giờ từng khắc đều phải thâu nhiếp thân tâm, hành Bồ Tát Đạo, mọi ý niệm đều không rời Năm Mươi Ba Tiểu Chú.

Chương trình một ngày bắt đầu từ sáng sớm, sự khởi đầu mà tốt đẹp thì kể như đã thành công được một nữa. Sáng sớm tinh mơ thức dậy, việc quan trọng nhất của người xuất gia là hành lễ Công Phu Khuya – một mặt là để thôi thúc bản thân tinh tấn, không lười biếng, đồng thời cũng để gìn giữ tình, khí, thần của chính mình; và mặt khác là mượn sức mạnh của sự tụng Kinh trì Chú để quét sạch mọi hắc ám và tà khí trước khi bình mình ló dạng, để hạo nhiên chánh khí được tồn tại trong trời đất trước lúc vạn vật sinh hoạt trở lại. Như thế suốt ngày yêu ma quỷ quái sẽ không dám hung hăng, lộng hành.Cho nên việc trì tụng Thần Chú Lăng Nghiêm là đặc biệt cần thiết. Thần Chú này là tiêu biểu của Chánh Pháp và cũng là khắc tinh của yêu ma quỷ quái; do đó Thần Chú Lăng Nghiêm vô cùng quan trọng. Chỉ cần trên thế giới có một người tụng Thần Chú Lăng Nghiêm thì yêu ma quỷ quái sẽ không dám công nhiên xuất hiện tác oai tác quái rồi, huống hồ là mọi người đều đồng tâm hiệp lực, cùng nhau tụng niệm! Sức mạnh này càng khó thể nghĩ bàn hơn nữa!

 

Nội dung của khóa lễ Công Phu Khuya chủ yếu là hỗ trợ việc duy trì hòa bình thế giới, cho nên có thể nói rằng đây cũng là vì chúng sanh mà hành lễ vậy.

 

Trong thời khóa Công Phu Khuya, sau khi tụng Kinh và Chú xong, đại chúng tụng Mười Đại Hạnh Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Mười Đại Hạnh Nguyện nầy nhắc nhở kẻ tu hành phải noi gương phát tâm của Bồ Tát Phổ Hiền, học tập tinh thần của Bồ Tát, và đem mọi công đức hồi hướng cho tất cả chúng sanh. Đó cũng là tu hạnh Bồ Tát vậy.

Tiếp theo lễ Công Phu Khuya là lễ Bái Nguyện. Đây là thời điểm “cảm ứng Đạo giao” giữa chúng Phật tử với chư Phật và chư Bồ Tát, là lúc hào quang của chư Phật và sự thành tâm của chúng sanh giao tiếp nhau. Từng chuỗi Phạm âm Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thanh thoát, trầm bổng ngân vang chẳng khác nào từng đợt sóng biển nhịp nhàng kéo đến gột rửa những trái tim thành khẩn huớng thiện được thêm trong sách, sáng lạn và viên dung hơn nữa. Trong nhiều năm qua, âm điệu truyền thống cổ điển này đã thức tỉnh không biết bao nhiêu kẻ mê muội, lầm lạc và giúp họ tìm lại được quê nhà đích thực của mình. Bái Nguyện cũng là biểu hiện lòng thiết tha của người Phật tử, thành khẩn phát lồ sám hối và khẩn cầu chư Phật cùng chư Bồ Tát “từ bi nhiếp thọ, hào quang rạng ngời, soi chiếu thân con, mọi ác tiêu trừ, thân tâm thanh tịnh.” Qua sự sám hối, người Phật tử đạt được sự lợi lạc cho bản thân và cho cả người khác, nguyện cầu cho mình cũng như hết thảy chúng sanh đều sớm lìa khổ được vui, vãng sanh Tịnh Độ, đồng thành Phật Đạo.

 

Sau lễ Bái Nguyện là giờ Tọa Thiền. Lúc này người xuất gia:

Thân ngồi ngay thẳng, nên nguyện chúng sanh,
Ngồi tòa Bồ đề, tâm không tham trước.”
(Chánh thân đoan tọa, đương nguyện chúng sanh,
Tọa Bồ Đề tòa, tâm vô sở trước.)

Tại Vạn Phật Thánh Thành, thường thì mỗi ngày đều có hai tiếng đồng hồ Tọa Thiền ở Vạn Phật Điện, và được chia làm hai thời – sáng từ 6 giờ đến 7 giờ, và chiều từ 5 giờ đến 6 giờ. Đó là lúc mà các cư sĩ tại gia dùng điểm tâm và cơm chiều, còn các Tăng Ni và những cư sĩ chỉ ăn ngày một bữa thì lợi dụng khoảng thời gian này để tinh tấn, nỗ lực hành Đạo như lời nhắc nhở của Hòa Thượng Tuyên Hóa: “Đừng bỏ qua cơ hội có thể khai ngộ, dù chỉ một giây, một phút!”

Sau một tiếng đồng hồ Thiền Tọa buổi sáng là đến thời tụng Kinh Đại Phuơng Quảng Phật Hoa Nghiêm. Bộ Kinh Đại Thừa này còn được tôn xưng là vua của tất cả kinh điển – điều này cho thấy tánh cách thù thắng, tôn quý của Kinh Hoa Nghiêm. Vạn Phật Thánh Thành chính là “Lăng Nghiêm Đàn Tràng, Hoa Nghiêm Đạo Tràng”, do đó tụng kinh Hoa Nghiêm là việc không thể thiếu được trong thời khóa công phu hàng ngày của Vạn Phật Thánh Thành.

Cảnh giới Hoa Nghiêm, viên dung không ngại, trùng trùng vô tận,
Ánh sáng tuơng chiếu, chốn chốn tương thông
(Hoa Nghiêm cảnh giới, viên dung vô ngại, trùng trùng vô tận.
Quang quang tương chiếu, khổng khổng tương thông.)

 

Người Phật tử tụng Kinh Hoa Nghiêm còn cần phải noí theo cảnh giới tâm lượng rộng lớn như hư không, bao chứa hết thảy mà tiến lên và ứng dụng vào sinh hoạt hàng ngày. Mọi người đều nỗ lực phát huy trí huệ quang minh của mình, đem ngọn đèn trí huệ của từng cá nhân hỗ tương phối hợp với ngọn đèn trí huệ của người khác để cho thế giới này càng thêm sáng ngời, rạng rỡ.

Tụng xong một thời Kinh Hoa Nghiêm là vừa đúng 8 giờ sáng – vào giờ này, thông thường cũng là lúc mà người đời thức dậy, chuẩn bị đi làm.

Những người tu hành của Vạn Phật Thánh Thành sau bốn tiếng đồng hồ dụng công bây giờ phân tán để chấp tác, tiếp tục dụng công tu hành qua công việc.

Thời xưa, có nhiều bậc cao tăng, đại đức đã đạt được sự thành tựu trong lúc làm việc cực nhọc; do đó không phải chỉ khi ngồi tham Thiền, tụng Kinh, lạy Phật mới là tu hành, mà là ở mọi nơi mọi lúc đều là tu hành cả. Người tu hành thì phải “động không chướng ngại tĩnh, tĩnh không chướng ngại động, động tĩnh chẳng phải hai”; bất cứ lúc nào cũng phải như như bất động, an nhiên tự tại. Do vậy, chấp tác cũng là một phần của sự tu hành.

Người tu hành làm việc với tinh thần không mong cầu (vô sở cầu), tất cả đều vì lợi ích của chúng sanh mà nỗ lực; và làm với thái độ quên mình. Vì vậy, qua công việc có thể thấy được mức độ tu hành của mọi người – biết được họ có thật sự trì Giới một cách nghiêm túc hay không, trong lúc làm việc có giữ được tâm khí ôn hòa, không nổi nóng, không giận dữ hay không; có tinh thần phục vụ, sẵn sàng hy sinh, cống hiến hay không. Những điều nầy đồng thời cũng thể hiện sự ứng dụng thực tiễn của Giới. Học Giới, không phải chỉ chuyên dụng công về mặt văn tự, mà cần phải thực hành, phải áp dụng vào đời sống thực tế, như thế mới có thể rèn luyện nên một nhân cách cao thượng được.

Việc lấy tinh thần xuất thế làm sự nghiệp nhập thế cũng giống như mục tiêu tối cao của ngành quản trị – cần phải hợp nhất một cách hài hòa mục tiêu của cá nhân với mục tiêu của tập thể, không còn cái tôi riêng rẽ nữa; và cũng rất gần gũi với với chủ trương không ích kỷ, phải quên người mà cũng chẳng thấy mình luôn được nhấn mạnh trong Giới Luật. Dưới cái nhìn của người xuất gia thì sự làm việc là phương tiện để huấn luyện họ trở thành nơi nương tựa của chúng sanh. Chính vì lý tưởng này và cũng vì công cuộc “hoằng dương Phật Pháp, giáo hóa chúng sanh” mà chúng xuất gia và tại gia của Vạn Phật Thánh Thành đều cố gắng phát huy ưu điểm của mọi người và tận tụy với công việc.

Vạn Phật Thánh Thành trông rất yên tĩnh trang nghiêm. Có nhiều người cho rằng đời sống của những người ở nơi này rất thanh nhàn, rảnh rỗi. Thật ra, công việc trong Thánh Thành rất nhiều, cho nên sự tham gia đóng góp của mọi người là điều rất cần thiết. Bây giờ chúng ta hãy tham quan một vài hoạt động của Thánh Thành.

Trước hết, vì muốn cho Pháp Âm của Hòa Thượng Tuyên Hoá được truyền bá rộng rãi khắp bốn phương, các nhân viên phòng thu thanh đã hoàn chỉnh những băng ghi âm lời khai thị của Hòa Thượng trong nhiều năm qua, cũng như lời thuyết Pháp của các Pháp Sư được cung thỉnh đến giảng dạy, đồng thời ghi chép lại để bảo tồn. Ngoài ra, họ còn phụ trách việc quay phim để có thể lưu lại những tài liêu hoàn chỉnh, trung thực về các Pháp Hội có tầm quan trọng lớn cũng như các hoạt động Hoằng Pháp tại Thánh Thành.

  
Kế đến, những công việc như phiên dịch Kinh Điển, xuất bản sách báo và tạp chí, đều đòi hỏi một sự cống hiến lâu dài, bền bỉ của những người yêu chuộng văn hóa, mỹ thuật. Cho đến nay, có hơn một trăm bản kinh sách Phật Giáo đã được dịch sang tiếng Anh và phát hành. Bộ Kinh A Di Đà bằng tiếng Tây Ban Nha cũng đã được xuất bản. Công việc phiên dịch Kinh Phật sang tiếng Pháp, tiếng Việt … đều đang được xúc tiến một cách tích cực. Ngoài ra, nguyệt san Vạn Phật Thánh Thành Kim Cang Bồ Đề Hải đã phát hành được hơn ba trăm kỳ. Trước mặt, không những chỉ có Hoa Anh đối chiếu mà sẽ có thêm phần kinh văn và chú giải bằng tiếng Việt nữa. Trong tương lai có thể số lượng sách báo bằng những ngôn ngữ khác sẽ được gia tăng. Công việc xuất bản các sách lược giảng Kinh Phật và sách khai thị của Hòa Thượng Tuyên Hóa bằng tiếng Trung Hoa hiện đang không ngừng tiến hành.

Hòa Thượng dạy: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta.” Vì chưa tròn hiếu đạo nên chúng ta cần phải hết lòng hiếu thảo với người già trong thiên hạ.

Hạnh nguyện từ bi của Hòa Thượng rất thâm sâu, quảng đại. Ngài rất quan tâm đến những kẻ côi cút, khổ sở, không nơi nương tựa, và nhất là những kẻ không người trông nom, chăm sóc.

Việc giảng dạy tại các trường Tiểu Học Dục Lương, Trung Học Bồi Đức, Đại Học Pháp Giới cũng như việc soạn thảo khóa trình cho Lớp Huấn Luyện Tăng Già Cư Sĩ của Vạn Phật Thánh Thành, đều do những người có trình độ chuyên môn chủ trì và đảm trách công việc hành chánh.

 

 

 

Thư Viện Đại Học Pháp Giới

Thư Viện là một nhu cầu không thể thiếu được trong ngành giáo dục. Tòa nhà với vòm cửa kiến trúc theo kiểu Anh Quốc mà quý vị đang nhìn thấy chính là thư viện của trường Đại Học Pháp Giới Phật Giáo, tàng trữ khoảng hơn bốn mươi lăm ngàn quyển sách.

 

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Người xuất gia thì việc gì cũng phải học, và cần phải dùng tinh thần xuất thể để làm nên sự nghiệp nhập thế.” Do đó, người xuất gia tại Vạn Phật Thánh Thành đều ăn ngày một bữa vào lúc giữa trưa, và ăn uống hết sức thanh đạm, hoàn toàn không chú trong sự hưởng thụ về mặt ăn uống.

Tiệm chay Quân Khang

Nhằm đẩy mạnh việc truyền bá quan niệm bảo vệ sự sống, không giết hại (giới sát, hộ sanh) và cũng để giúp mọi người bớt tạo nghiệp chướng, tiệm ăn chay Quân Khang Tố Thực đã được thành lập. Mục đích của tiệm ăn chay này là khuyến khích mọi người ăn chay nhiều hơn, bớt tạo thêm ác nghiệp; nhờ đó có thể thanh lọc bầu không khí bạo lực của xã hội và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh cho thế giới. Công cuộc đẩy mạnh và mở rộng sự ăn chay có rất nhiều ưu điểm; và đó chính là “dùng tinh thần xuất thế để làm nên sự nghiệp nhập thế” vậy.

 

Trong sách giảng về Giới Luật có dạy rằng: “Chư thiên ăn vào buổi sáng. Chư Phật ăn vào buổi trưa. Loài vật ăn sau buổi trưa. Quỷ ăn vào buổi tối. Người xuất gia thì nên học theo gương của Phật – không ăn lúc quá ngọ.” Vì muốn gieo trồng hạt giống thành Phật và cũng vì thương xót những chúng sanh đang trong cảnh lầm than, đói khát, hầu hết người xuất gia ở Vạn Phật Thánh Thành đều chỉ ăn ngày một bữa. Thế nhưng, họ không vì chỉ ăn ngày một bữa mà xao lãng việc hiếu kính chư Phật, cứu độ chúng sanh. “Thời khóa Cúng Quá Đường” (tức là Cúng Ngọ hoặc Thượng Cúng) trước giờ thọ trai buổi trưa là gia phong đặc biệt của Vạn Phật Thánh Thành, để chúng Phật Tử không lúc nào lãng quên việc trì Giới.“Hiếu” cũng gọi là Giới; cho nên, hiếu kính tức là trì Giới. Vì thế, cần phải cúng dường tất cả những thức ăn có được cho Pháp Thân phụ mẫu (tức là chưPhật và chư Bồ Tát) trước. Lại nữa, lòng từ bi vốn phát xuất từ sự trì Giới, do đó không nỡ một mình ăn trước, mới muợn Pháp lực để đem bố thí cho tất cả chúng sanh đói khát trước. Trong khi hành lễ Cúng Quá Đường, tất cả đại chúng đều phải thu nhiếp thân tâm. Sau lễ Cúng Ngọ, mọi người chuẩn bị đến Trai Đường để thọ trai.


Nhìn cảnh những người xuất gia mình đắp áo Cà Sa  – Pháp y của Như Lai – tuần tự tiến ra khỏi Chánh Điện và khoan thai dẫn đầu hàng ngũ đại chúng đi đến Trai Đường, mọi người đều cảm nghĩ đó là một đội ngũ trang nghiêm ở cõi “ngũ trược ác thế” này.

 

Khi thọ trai, người tại gia thì như Pháp cúng dường; người xuất gia thì như Pháp thọ thực có gì thì ăn nấy. Trước khi thọ trai, người xuất gia cần thầm niệm:

 

Nếu thấy bát không, nên nguyện chúng sanh,
Rốt ráo thanh tịnh, trong sạch phiền não
(Nhược kiến không bát, đương nguyện chúng sanh
Cứu cánh thanh tịnh, không vô phiền não.)

Nếu thấy bát đầy, nên nguyện chúng sanh,
Đầy đủ trọn vẹn, tất cả thiện pháp.
(Nhược kiến mãn bát, đương nguyện chúng sanh,
Cụ túc thanh mãn, nhất thiết thiện Pháp.)

 

“Bát không” tiêu biểu sự không có phiền não. “Bát đầy” tiêu biểu sự tri túc, viên mãn – cần phải hồi hướng công đức để đền ơn chúng sanh thì việc tu hành mới được viên mãn, trọn vẹn.

Ni cô Hằng Nguyện thay mặt chúng Tỳ Khưu Ni phát biểu:

“Qua giới kỳ 108 ngày, chúng tôi học được từ Mười Giới Sa Di (Sa Di Thập Giới) cách dứt bỏ tập khí tham nhiễm, chấp trước; và từ 348 giới điều của Tỳ khưu ni, chúng tôi học được làm thế nào để luôn luôn giữ được chánh niệm trong nếp sinh hoạt thường ngày, những lúc đi đứng nằm ngồi, và hiểu được rằng mình cần phải thận trọng để đừng trồng lại cái nhân xấu ‘luân hồi Lục Đạo’ nữa. Ngoài ra, chúng tôi cũng học được rằng là người xuất gia thì chúng tôi cần phải có oai nghi của người xuất gia. Thêm vào đó, qua phần Giới Bồ Tát, chúng tôi hiểu được rằng mình cần phải có tinh thần ‘vô ngã’, và phàm việc gì cũng nên lấy ‘lợi ích chúng sanh’ làm tiền để thì mới thành tựu được Đạo Quả Bồ tát.

Đồng thời, cũng trong thời kỳ huấn luyện này, chúng tôi thể hội được một cách sâu xa, thấm thía sự tồn tại của nghiệp lực cũng như sự mau chóng của lẽ Vô Thường.

Thân người khó được, thế mà nay chúng tôi đã được mang thân người, lại còn được xuất gia, được thọ Cụ Túc Giới, và được tu học tại một đạo tràng đúng như Chánh Pháp quả thật không phải là một điều đơn giản! Chúng ta đều biết Sư Phụ từ Trung Hoa mang Chánh Pháp sang phương Tây. Giờ đây, chúng ta được học tập Chánh Pháp Phật Giáo và cầu thọ Cụ Túc Giới ngay tại nước Mỹ này, đó là nhờ Sư Phụ cùng quý Thầy và Ni Sư đã vượt qua vô số gian nan vất vả mà chúng ta không thể nào mường tượng được. Vì thế, chúng ta nên biết ‘uống nước nhớ nguồn’ và quý trọng cơ duyên hiếm có này.

Bản thân chúng tôi đều có thể hiểu được một cách sâu xa lòng kỳ vọng tha thiết của quý Thầy và Ni Sư – kỳ vọng chúng tôi có thể trở thành những người xuất gia ‘danh bất hư truyền’ và vĩnh viễn không bao giờ thay đổi chí nguyện xuất gia. Đặc biệt hơn nữa, được xuất gia và thọ Giới dưới chân Sư Phụ thì chúng tôi không những có trách nhiệm tiếp tục duy trị gia phong ‘tinh tấn tu khổ hạnh và triệt để tuân theo Giới luật do Đức Phật chế định’ của Vạn Phật Thánh Thành, mà còn phải đem gia phong nầy truyền bá đến khắp nơi trên thế giới để Chánh Pháp mãi mãi được thường trụ ở thế gian.”

Từ 3 giờ rưỡi khuya theo hiệu lệnh của tiếng bảng thức dậy chuẩn bị hành lễ Công Phu Khuya cho đến chiều, những người xuất gia của Vạn Phật Thánh Thành thật sự không có thì giờ nghĩ ngơi.

Hòa Thượng Tuyên Hóa vốn rất chú trọng đến việc tu học của người xuất gia. Ở nước Trung Hoa, vào đời nhà Tùy, những người xuất gia tu hành đều phải trải qua cuộc thi, sau khi được chứng nhận là đạt yêu cầu thì mới được xuất gia. Nhờ vậy, phẩm hạnh của tăng sĩ thời ấy tương đối cao, và đó cũng là cơ duyên dẫn đến sự hưng thịnh của Đạo Phật đời nhà Đường. Về sau, phẩm cách người tăng sĩ không được đề cao, tiêu chuẩn ngày càng giảm thiểu, nên Đạo Phật cũng vì thế mà suy đồi dần. Do đó, muốn chấn hưng Phật Giáo thì không thể không đề cao phẩm hạnh của người tăng sĩ. Đặc biệt trong thời đại “Phật Giáo quốc tế hóa” hiện nay, càng cần phải có những tăng sĩ với phẩm hạnh cao thượng và học thức uyên thâm thì mới có thể làm cho Chánh Pháp trụ thế được. Hòa Thượng Tuyên Hóa đã xét thấy điều nầy nên đặc biệt quy định rằng: Phàm là đệ tử xuất gia của Ngài thì nhất định phải được hấp thu một nền giáo dục hoàn hảo, tốt đẹp.

Chương Trình Huấn Luyện Tăng Già Cư Sĩ

Bản thân Vạn Phật Thánh Thành không phải chỉ là một tùng lâm với Đạo phong nghiêm ngặt mà còn là nền tảng của hai chương trình giáo dục Phật Giáo – Đó là trường Đại Học Phật Giáo Pháp Giới và chương trình Huấn Luyện Tăng Già và Cư Sĩ. Tất cả những người xuất gia của Vạn Phật Thánh Thành đều phải không ngừng trau giồi đạo đức và học hỏi để nâng cao trình độ học vấn. Mọi người đều phải định rõ chí hướng và phải rèn luyện để trở nên những người xuất gia ưu tú, oai nghiêm, đĩnh đạc. Do đó, có nhiều loại khóa trình được áp dụng trong việc giáo dục Phật tử, và hầu hết đều được tiến hành bằng song ngữ Hoa Anh. Như thế, vừa để mọi người có cơ hội trau giồi khả năng ngôn ngữ, lại vừa có thể đào tạo nhân tài về mặt phiên dịch và rèn luyện khả năng giảng Kinh thuyết Pháp – quả thật là “một công mà được nhiều việc” vậy.
Sáu giờ rưỡi chiều là giờ hành lễ Công Phu Tối. Nội dung Công Phu Tối cứ tuần tự một hôm tụng Kinh A Di Đà và một hôm tụng Lễ Phật Đại Sám Hối (Hồng danh 88 vị Phật). Thời khóa Công Phu Tối kết thúc vào lúc 7 giờ rưỡi tối, và tiếptheo đó là giờ giảng Kinh thuyết Pháp. Gia phong của Vạn Phật Thánh Thành là “một ngày không giảng Kinh thuyết Pháp là một ngày không ăn không uống.” Do đó, tại Vạn Phật Thánh Thành, mỗi ngày đều có thời chuyển Pháp Luân. Đây cũng là cơ hội để mọi người rèn luyện khả năng giảng Kinh thuyết Pháp và tự do đóng góp ý kiến; qua đó có thể đào tạo nên những nhân tài hoằng Pháp, hộ trì thánh giáo của Như Lai. Thời gian thuyết Pháp mỗi buổi tối là một tiếng rưỡi đồng hồ từ 7 giờ rưỡi đến 9 giờ. Kể đến là nữa tiếng đồng hồ tụng phần tâm chú của Chú Lãng Nghiêm. Nếp sinh hoạt hằng ngày tại Vạn Phật Thánh Thành được kết thúc với bài kệ Cảnh Tỉnh Đại Chúng của Bồ tát Phổ Hiền.

Mười giờ rưỡi tối, ai nấy đều tuân theo hiệu lệnh tiếng bảng mà tắt đèn. Tất cả lại trở về với tịch tĩnh. Mọi người về liêu phòng nghỉ ngơi. Riêng đối với những người tinh tấn tu hành thì đây cũng chính là thời gian để tiếp tục dụng công. “Ngủ mà không ngủ, luôn ngồi không nằm” là bản sắc của kẻ tu hành vậy.

Trên đây là một ngày tu hành tại Vạn Phật Thánh Thành. Tuy rằng rất bình thường, không có gì khác lạ, nhưng hết sức phong phú và trung thực. Đời sống người tu hành vốn dĩ rất bình thường, song nếu biết dụng tâm tu hành ngay trong sự bình thường, tất sẽ phát huy được tiềm năng cá nhân và bồi đắp được một nên tảng tu hành vững chắc.

Hòa Thượng Tuyên Hóa từng dạy chúng đệ tử: “Tôi với quý vị vốn chẳng có gì khác biệt; điểm không giống nhau duy nhất là tôi không thấy có chính mình mà thôi!”. Hòa Thượng Tuyên Hóa, người luôn luôn nhớ nghĩ tới chúng sanh, đã đặc biệt vì những Phật tử thành tâm, thiết tha tha tìm cầu Bồ tát Đại đạo mà sáng lập Vạn Phật Thánh Thành, một nơi vô cùng lý tưởng cho sự tu hành và trưởng dưỡng thiện căn. Chính tại nơi này, Ngài giáo hóa chưPhật tử nhận thức được rằng “Trì Giới là phải không có lòng ích kỷ”; và từ đó, vì chúng sanh mà bồi đắp một đại lộ “Thành Phật” thật thênh thang, sáng sủa.

 

http://www.chuavanphat.org/TuHanhTaiThanhThanh.htm