English | Vietnamese

 

Tối thứ Sáu, ngày 2 tháng Mười Một, năm 1973

Về các lý do yêu cầu đệ tử giải thích “Nhĩ thời” (Lúc bấy giờ)

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Tại sao chúng ta cứ nghiên cứu nhóm chữ “Nhĩ thời” (Lúc bấy giờ) ? Đó là do trước đây khi tôi giải thích “Nhĩ thời” (Lúc bấy giờ) theo cách rất đơn giản trong một lần gặp nhóm chữ này trước đây, thì vị khách Pháp Sư nói rằng cách giải thích của tôi là sai. Vì vậy, hôm nay tôi yêu cầu mọi người cùng giải thích để Thầy ấy nghe và xem cách giải thích nào đúng. Thầy ấy đã phê bình như thế vì Thầy còn khá trẻ và chưa thông hiểu nhiều lắm. Thầy ấy nói, “Tôi có một ý kiến về ‘Nhĩ thời’ (Lúc bấy giờ)”. Ý kiến của Thầy  ấy cơ bản là không đồng ý với cách giải thích của tôi. Nếu Thầy ấy có nhiều kinh nghiệm hơn, Thầy ấy sẽ không nói những điều như vậy. Thầy ấy sẽ không nói rằng, “Cách giải thích của Ngài là sai.” Có điều gì là đúng và sai không? Không có gì cả. Chỉ vì những bám chấp làm chúng ta nói về cái đúng sai. Nếu chúng ta không có bám chấp nào cả, chúng ta sẽ gọi cái gì là đúng hay sai? Nếu chúng ta có thể nhìn thấy rằng “mọi thứ đều sao cũng được” (everything is okay) thì làm thế nào còn có chỗ đúng hay sai? Quý vị có hiểu không?

Bất cứ khi nào quý vị đi đâu, cho dù quý vị có biết rõ người đó mắc lỗi gì, trừ khi họ yêu cầu quý vị bảo cho họ biết là đúng hay sai, quý vị không được làm như “Mao Toại tự tiến” (1). Quý vị đừng nói, “Tôi sẽ bảo cho anh biết anh sai như thế nào”. Việc đó sẽ không có tác dụng ở bất cứ nơi nào. Sau này, bất luận nơi nào quý vị đến, cẩn thận đừng tìm lỗi của người khác. Cho dù quý vị biết rõ họ sai, trừ khi họ yêu cầu quý vị chỉ bảo cho họ, quý vị không được phê bình họ. Điều này vô cùng quan trọng.

[Chú thích: Người dịch hỏi về nghĩa của thành ngữ “Mao Toại tự tiến”]. Có một vật nặng một tấn, không ai nhấc nổi. Mao Toại nói, “Tôi có thể nhấc được- Tôi sẽ làm được”. Sau đó ông ta bước đến và nhấc nó lên. Đó gọi là “Mao Toại tự tiến”. Mao Toại là tên một nhân vật sống thời xưa ở Trung Hoa. Bấy giờ vào thời Chiến Quốc, nước Triệu có một viên tướng quốc giàu có gọi là Bình Nguyên Quân (2) , người thường xuyên chiêu hiền đãi sĩ đến ba ngàn môn khách. Khi có việc cần kíp, Mao Toại nói, “Tôi có thể làm được việc này, để tôi nhận lãnh nó,” vì vậy có câu nói rằng “Trong ba ngàn người, chỉ có Mao Toại”. Mao Toại đã nói việc mà ông ấy có thể làm được, và vì vậy mới có thành ngữ “tự tiến như Mao Toại”. Việc này như thế nào? Nó cũng tương tự như việc Quả Tiền tự bầu cho thầy ấy trong cuộc bầu chọn Chủ tịch Tổng Hội Phật Giáo Trung Mỹ. Đó chính là ví dụ của “tự tiến như Mao Toại”. Quý vị hiểu chứ?

 

Sách Timely Teachings, trang 347 – 348.

 

Ghi chú:

(1) Nguyên văn Hoa ngữ http://www.drbachinese.org/vbs/publish/313/vbs313p002.htm

毛遂自薦 Mao Toại tự tiến

(2) Xin xem thêm https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%ACnh_Nguy%C3%AAn_qu%C3%A2n