English|Vietnamese

 

Trưa Chủ Nhật, ngày 28 tháng Mười, năm 1973

Về những cách phiên dịch Kinh Văn khác nhau

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

 

Hòa Thượng: Còn ai có ý kiến gì không?

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ có, con thấy có chút mâu thuẫn trong phần vừa giải thích của thầy Hằng Thủ (1) [Chú thích: Pháp danh xuất gia của Quả Hộ]. Nếu con hiểu đúng, điều mà thầy ấy nói là “Ngài vào khắp tất cả không chấp trước.” (Nhập nhất thiết vô sở trước-) (2). Nhưng nếu vô chấp là nơi có thể nhập, vậy thì vẫn có một nơi để nhập. Tuy vậy, nếu có một nơi thì vẫn tồn tại cái chấp, và vì thế vô chấp trở thành một cái chấp. Thế nên con nghĩcâu này không nên giải thích theo cách đó, mà phải theo cách khác.

Sư phụ: Hãy nói cho mọi người nghe con giải thích thế nào? Cả hai con đều là sheng ren (thánh nhân 聖人), một người là Thánh nhân, còn người kia là thặng nhân (người dư thừa) [Chú thích: đây là cách chơi chữ, hai chữ Thánh 聖 và Thặng 剩 đồng âm trong Hoa ngữ]

Thầy Hằng Tĩnh: Phổ nhập vào tất cả (普入一切 phổ nhập nhất thiết) là ý nghĩa chỉ ra rằng không có chỗ nào mà Ngài không thể nhập. Vô chấp nghĩa là Ngài có thể vào mọi chỗ trụ, mọi nơi chốn, mọi địa phương – mặc dù Ngài phổ nhậpvào tất cả, Ngài không chấp vào năng lực ấy. Có một cách giải thích khác là Ngài không chấp vào bất cứ nơi nào mà Ngài nhập vào. Các từ ngữ “phước đức lực” được dịch nằm trước trong câu dịch sang tiếng Anh. Ngài có năng lực ấy và đó là vì Ngài có phước đức nhiều đến nỗi Ngài đã đạt được năng lực phổ nhập vào tất cả. Không những Ngài nhập vào tất cả mà Ngài còn làm thế mà không chấp trước. Điều đó không có nghĩa là nhập vào cái vô chấp. Nếu có nhập vào “cái vô chấp” thì “cái vô chấp” sẽ vẫn còn là cái chấp. Đó là một vấn đề nhỏ, nhưng dù sao vẫn là một vấn đề, mặc dù thầy ấy nói không phải là vấn đề.

Hòa Thượng: [nói với thầy Hằng Tĩnh] Con hãy giải thích bằng tiếng Anh [Đoạn trao đổi trước là bằng tiếng Hoa] và để họ đánh giá. [Nói với đại chúng] Tôi cho quý vị hay trước để chuẩn bị bình luận hai thầy ấy. Cách tốt nhất là khuất phục một người bằng nhận xét của quý vị. Bây giờ tôi cho quý vị cơ hội đứng lên để phản bác, hãy trình bày các phản biện của mình và nhận xét cách mà hai thầy diễn giải. Không thể cả hai đều đúng đâu. Chỉ một người đúng và người còn lại là sai.

Thầy Hằng Tĩnh: Thầy ấy nói là thầy ấy đã sai [Chú thích: Thầy Hằng Thủ ra hiệu muốn nói]

Hòa Thượng: Con nói đi, nhưng nhanh lên nhé.

Thầy Hằng Thủ: Dạ, con đã trình bày ý nghĩ của mình không được rõ lắm.

Hòa Thượng: Đừng lảng tránh như thế!

Thầy Hằng Thủ: Đối với câu “vào khắp tất cả phước-đức lực vô-sở-trước”, con đã giải thích “vào khắp tất cả mà không chấp trước”. Ở đây đang nói đến một loại sức mạnh của phước đức để phổ nhập vào cái không chấp vào gì cả. Vì không có chấp trước nên Ngài có cảnh giới vô chấp – loại phước như thế, loại công đức như thế thật thù thắng. Hơn nữa, loại sức mạnh mà Ngài có được chính là vô chướng ngại, vì vậy Ngài có phước đức lực vào khắp tất cả mà không chấptrước.

Thầy Hằng Tĩnh: Cách giải thích này có chút vấn đề.

Hòa Thượng: Con dựa vào đâu để phản đối?

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ trên căn bản ngữ pháp.

Hòa Thượng: Vậy con đã từng nghe về đạo lý này trước đây chưa?

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ, đó là đạo lý nào ?

Hòa Thượng: Những cửa giải thoát (giải thoát môn) mà tôi đang nói đến chính là những cửa giải thoát mà không có cửa (Ngã giảng giá cá giải thoát môn thị một hữu môn đích giải thoát môn (3)). Nếu không có gì cả, thì không thể có giải thoát. Đó là điều mà tôi đã từng giải thích trước đây. Con có nghe qua ý nghĩa này trước đây chưa?

Thầy Hằng Tĩnh: Chắc con đã nghe mà không nhớ về điều đó.

Hòa Thượng: Con không nhớ về nó sao? Điều con nói hôm nay cũng không tệ lắm. Ba cách dịch trên đều có thể chấp nhận, nhưng những cách diễn dịch thì vẫn còn vô hạn. Nếu chúng ta cứ cố trình bày hết tất cả, chúng ta sẽ không bao giờ kết thúc được. Tuy nhiên, diễn dịch theo nghĩa đen như Quả Hộ vừa nói chính là cách nói tiếng Anh của người phương Tây. Đối với người nói tiếng Anh, có vẻ như cách diễn đạt có vấn đề, nhưng đối với người Hoa thì hiểu được. Ngoài ra, việc trước đây chưa từng nghe giảng về điều này mà giờ đây thầy ấy lại có thể giảng được như vậy thì cũng không tệ lắm. Nếu con chưa từng nghe điều đó đã được giảng trước đây, giờ đây đã có thể bắt đầu giảng, và có thể giải thích được như vậy, và để cho mọi người phê bình đó chính là thắng lợi của con, chiến thắng dành cho con. Và con, vị thánh nhân, từ đầu đến cuối chính là người còn-sót-lại.

Thầy Hằng Tĩnh: Đối với câu hỏi này, con có một…

Hòa Thượng: Một bình luận?

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ không. Trong tiếng Hoa, chúng ta biết rằng mỗi câu đều có thể được hiểu theo nhiều cách. Nhưng khi dịch, thật không dễ để chuyển những nghĩa đó trong một câu tiếng Anh đơn giản. Vì vậy, nếu như khi dịch, vài ý bị bỏ sót, ta làm thế nào? Đó là vì thỉnh thoảng khi lời văn thay đổi trong lúc phiên dịch, thì ý nghĩa cũng thay đổi theo.

Hòa Thượng: Khi con không hiểu, có những chỗ con không thể làm cho chúng có nghĩa, ta chỉ cho con một bí quyết. Nhưng con không được kể cho ai nghe. Bí quyết đó chính là đừng suy nghĩ.

Thầy Hằng Tĩnh: Đó là gì?

Hòa Thượng: Đừng nghĩ. Vạn vật khi được quán tưởng trong thiền tịnh sẽ tự chúng hiển hiện. Con có hiểu rằng tất cả đều tùy thuộc vào việc con có thể an tịnh được không? Con hiểu chứ?

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ, con hiểu.

Hòa Thượng: Những người còn lại hiểu không? Quả Hộ, con có hiểu không?

Thầy Hằng Thủ: “Tưởng” có phải nghĩa là suy nghĩ không? [Ghi chú: Hòa thượng nói ra bí mật của Ngài bằng tiếng Hoa; lúc này chưa có câu dịch tiếng Anh nào.]

Hòa Thượng: Đừng hỏi đó là gì! Con có hiểu hay là không?

Thầy Hằng Thủ: Dạ, con hiểu.

 Hòa Thượng: Thật không? Vậy nó là gì?

Thầy Hằng Thủ: Không dịch theo nghĩa đó.

Hòa Thượng: Con vẫn chưa hiểu. Tôi có thể nói vậy qua cách mà con trả lời. [Nói với thầy Hằng Tĩnh] Vậy là ta đã trực tiếp truyền pháp này cho con và con đã nhận nó trực tiếp rồi. Không ai trong số các con đã hiểu pháp đó.

Thầy Hằng Tĩnh: Dạ!

Hòa Thượng: Các con thật lười biếng. Mắt các con thật lười biếng và cả tay chân, thậm chí đầu óc cũng vậy. Chúng nghĩ rằng “Nếu chúng ta có ngủ cũng chẳng sao”. Máy thâu âm này [Chú thích: máy đang được sử dụng để ghi âm bài giảng kinh] là thứ tệ nhất. Máy thâu âm này khiến cho quý vị lười biếng. Nếu bài giảng kinh này không được ghi âm, thì tất cả các quý vị phải tự ghi chép. Bây giờ thì quý vị không ghi chép, vì thế quý vị không chú tâm nghe giảng mà chỉ muốn ngủ thôi. Vậy có đồng ý với ta là máy thu âm là thứ tệ nhất không? Chính vì nó mà cả mắt, tay và thậm chí đầu óc của các con càng lười biếng hơn.

Đệ tử: Nếu chúng con ghi chép và nghe băng ghi âm thì sao?

Hòa Thượng: Thế thì tốt. Nhưng theo cách bây giờ thì đầu óc các con trở nên lười biếng và nghĩ rằng “Nếu chúng ta có ngủ cũng chẳng sao”.

Dịch từ sách “Timely Teachings”, trang 334 – 338.

 

Ghi chú:

Hằng Thủ, Quả Hộ 恆守, 果護 http://www.drbachinese.org/vbs/publish/306/vbs306p002.htm

(2) Nguyên văn Hoa ngữ: 入一切無所著 Nhập nhất thiết vô sở trước– một phần của câu Kinh trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm 無礙勝力主空神,得普入一切無所著福德力解脫門。 vô ngại thắng lực chủ không thần,đắc phổ nhập nhất thiết vô sở trước phúc đức lực giải thoát mônhttp://www.drbachinese.org/online_reading/sutra_explanation/Ava/Ava_Vol1-3.htm

Câu trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh: Vô-Ngại-Thắng-Lực Thần được giải-thoát-môn vào khắp tất cả phước-đức lực vô-sở-trước. http://www.dharmasite.net/KinhHoaNghiem1.htm

(3) Nguyên văn Hoa ngữ: 我講這個解脫門是沒有門的解脫門 Ngã giảng giá cá giải thoát môn thị một hữu môn đích giải thoát môn http://www.drbachinese.org/vbs/publish/306/vbs306p002.htm