English|Vietnamese

Tối thứ hai ngày 15 tháng 1 năm 1973

Về việc chuẩn bị cho các bài giảng kinh

Hòa Thượng Tuyên Hóa  

[Nói sau khi các đệ tử giải thích đoạn kinh]. Quý vị diễn giải đoạn kinh rất giỏi. Dù bị bệnh, Quả Hộ vẫn làm việc và biết tên của tam luân (1), không tệ lắm. Quả Ninh thì có thể thảo luận tam luân một cách sâu sắc hơn. Mỗi người trong quý vị nên thực hành điều này. Trước khi tôi thuyết giảng, quý vị có thể chuẩn bị và biết các thuật ngữ sẽ xuất hiện trong bài giảng. Nếu tôi giảng đúng, quý vị có thể ghi nhớ lấy; nếu tôi giảng không đúng, quý vị có thể bỏ qua. Đây là một phương pháp hay.

 

Dịch từ sách “Timely Teachings”, trang 309.

Ghi chú:

(1) Tam luân: 三輪 thường được nói đến trong câu Tam luân không tịch 三輪空寂 hay Tam luân thể không 三輪體空 –

Trong Kinh Địa Tạng Lược Giảng, Hỏa Thượng Tuyên Hóa có giải thích về “tam luân thể không” http://www.dharmasite.net/KDTLGpham1a.htm

Bố thí mà không chấp trước ở tướng bố thí thì mới là sự bố thí chân chánh. Bố thí mà có sự chấp tướng thì quả báo sẽ là sanh về cõi trời; còn bố thí mà không chấp tướng thì được quả báo thuộc loại vô lậu. “Không chấp tướng” tức là tuy có hành động song trong lòng không so đo, nhớ nghĩ đến. Ví dụ như mình bố thí cho ai đó một số tiền, thâm tâm liền nghĩ: “A! Thế là phen này mình làm được một việc thiện, tương lai mình sẽ được hưởng phước báo!” Luôn suy nghĩ, tính toán như vậy thì rốt cuộc lại không được phước báo; cho dù có được phước báo đi chăng nữa thì cũng chỉ là sanh lên cõi trời mà thôi, chứ không thể hưởng được thứ phước báo vô lậu.

Phải như thế nào mới gọi là bố thí không chấp tướng? Phải đạt đến cảnh giới “tam luân thể không” – không có năng thí (người cho), không có sở thí (vật đem cho) và cũng không có thọ giả (người nhận).

Thế nào gọi là “năng thí”? Thế nào gọi là “sở thí”?” Năng thí” tức là bố thí mà còn có cái “ngã,” không quên được cái “tôi.” Ví dụ cứ nhớ rằng: “Mình đã cúng dường một số tiền để xây chùa, đúc tượng Phật, in kinh điển”; rồi sanh tâm chấp trước. Chấp trước như thế nào? Cứ nghĩ rằng mình là người có khả năng bố thí, cứ thấy mình là người đã dám xuất ra năm vạn đồng để cúng dường! Ðó là “năng thí.”

“Sở thí” tức là những thứ được mang ra bố thí. Như nghĩ rằng: “Mình đã bỏ ra năm vạn đồng để làm việc bố thí. Mình đã cúng dường tiền bạc để cất chùa, in kinh, tạc tượng. Mình đã làm công quả, tạo được công đức. Mình có góp phần bố thí. Mình là kẻ có công bố thí, có đem của cải ra bố thí.”

Có năng thí và sở thí rồi, tất phải có “thọ giả,” tức là người thọ nhận của đem cho, thì mới hoàn tất sự bố thí.

“Thọ giả” thì có năng thọ và sở thọ. Thế nào gọi là “năng thọ”? Chẳng hạn có một người xuất ra năm vạn đồng bố thí cho tôi, thì tôi chính là “năng thọ” – kẻ thọ nhận; còn số tiền mà tôi thọ nhận từ người ấy chính là “sở thọ.”

Không có năng thí thì cũng không có sở thí. Ðã không có năng thí, sở thí, thì cũng không có năng thọ, sở thọ – tức là không có thọ giả  – đó gọi là “tam luân thể không.” Cho nên, bố thí mà không chấp trước vào tướng bố thí thì mới gọi là sự bố thí “tam luân thể không.”