English | Vietnamese

 

Tối thứ Hai, ngày 29 tháng Mười năm 1973

Về việc cùng làm để khám phá sự thật

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Hòa Thượng: Năm thứ ngăn che (ngũ cái) tối hôm trước vẫn còn đang che lấp chúng ta. Hôm nay chúng ta cần phải vứt bỏ các thứ ngăn che đó. Bất cứ ai có thể vứt bỏ chúng, đều sẽ đạt được tự tại, những ai không sẵn lòng vứt bỏ chúng sẽ không đạt được tự tại. Nếu quý vị muốn vứt bỏ những thừ ngăn che đó, hãy nói nhanh lên.

Thầy Hằng Thủ: Thứ nhất là tham dục, thứ hai là sân nhuế, thứ ba thùy miên, thứ tư trạo hối  thứ năm nghi hoặc. Cách giải thích hôm qua chưa đúng lắm.

Hòa Thượng: Quý vị nghĩ sao về cách giải thích của thầy ấy? Nó có đúng không? [Chú thích: Một cuộc thảo luận diễn ra sau đó.] Cách giải thích từ tự điển phải không?

Thầy Hằng Thủ: Dạ từ quyển Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, không phải từ tự điển.

Hòa Thượng: Ồ, vậy không phải là tự điển à?

Thầy Hằng Thủ: Dạ không, chính là Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận.

Hòa Thượng: Đại sư Vĩnh Gia đã từng nói: “Sãi tôi đâu sính bàn nhân ngã, Sợ lạc đường tu hố đoạn thường (2).” Vì chúng ta đang giảng kinh, chúng ta phải làm cho Kinh được hiểu rõ và được xem xét thấu đáo. Nếu mọi người thực sự hiểu Kinh, chúng ta sẽ không lãng phí thời gian của mình. Tuy nhiên, nếu quý vị cứ giữ yên lặng khi quý vị không hiểu và lại tiếp tục giữ yên lặng khi đã hiểu, thì chỉ tự bản thân quý vị biết rõ là mình thực sự hiểu hay không, mà chẳng ai khác biết cả. Nếu như vậy, mắt cá rất dễ bị lầm là ngọc trai. Do vậy, có ít nhiều khác biệt giữa cách chúng ta giảng kinh ở đây và phương pháp giảng kinh tại Trung hoa. Ở đây, mọi người đều có quyền phát ngôn, đều có quyền nói, bất kỳ ai nói sai, chúng ta đều đều có thể đưa ra nghiên cứu. Đừng e ngại hay nói rằng quý vị không dám nói. Ngay cả khi tôi nói sai hoặc giảng lý luận không đúng, quý vị đều có thể nêu ra để thảo luận. Vì tất cả chúng ta đều bình đẳng, chúng ta không nên có quan niệm giai cấp. Đừng nên có cách nhìn rằng đây là một vị thầy và kia là các đệ tử.

Khi đó là vấn đề về lý luận, về đạo lý, không ai được phép cẩu thả tùy tiện thông qua theo cách của mình. Quý vị cần chân thật nghiên cứu. Do đó, Đại sư Vĩnh Giác cũng nói, “Mọi niềm ngờ vực”, nếu quý vị còn thắc mắc, còn hoài nghi, chưa hiểu rõ, quý vị có thể hỏi. “Mọi niềm ngờ vực quyết không vương” (2). Chúng ta cần phải tranh tìm, không tranh tìm không được. Tranh tìm cái gì? Tranh tìm chân lý. Chúng ta toàn thể phải cùng nhau phát huy. Cái thấy biết của tôi không nhất định là hoàn toàn đầy đủ. Chúng ta mọi người hợp lại là thánh nhân. Chúng ta nên cùng dùng trí tuệ tập thể. Quý vị nghĩ ra những điều mà tôi đã không nghĩ đến, và quý vị suy nghĩ không ra nhưng người khác lại suy nghĩ ra. Sau đó chúng ta hợp tất cả cùng nhau thành một. Đó gọi là tâm mọi người chính là Phật tâm, lý luận của mọi người chính là lý luận của Phật. Chúng ta mọi người nên nói ra mà không nên khách sáo, cùng nhau làm hiển lộ ánh sáng chân lý.

 

Sách Timely Teachings, trang 343 – 344

 

Ghi chú:

(1) Đoạn này nguyên văn Hoa ngữ trong bài giảng Kinh Hoa Nghiêm http://www.drbachinese.org/vbs/publish/308/vbs308p002.htm .

(2) http://www.dharmasite.net/ChungDaoCa.htm