Tối thứ tư, ngày 28 tháng 11, 1973

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Việc nói chuyện phiếm với hai tăng sĩ đang hành hương lễ lạy như vậy thật quá tệ hại. Thậm chí có thể họ đang bên bờ mé giác ngộ nhưng khi quý vị đến thì họ bị loạn tâm. Đó không phải là cách để khuyến khích họ tu hành. Nếu quý vị giúp họ bái lạy thêm một vài lần hoặc lạy cùng họ thì việc đó không sao, quý vị có thể bái lạy cùng họ 10 tiếng hay 20 tiếng đồng hồ cũng được. Thí dụ như Quả Hồi đã đến đó và bái lạy cùng họ. Nhưng nói chuyện phiếm với họ thì không được. Lúc bắt đầu họ đã rất thành tâm và tập trung cao độ, nhưng ngay khi quý vị nói chuyện với họ thì họ không còn định tâm được nữa.

Quý vị có hiểu đạo lý này không? Quý vị nên giúp họ bái lạy để khỏi lãng phí thời giờ. Mỗi ngày trôi qua, thời gian rất quý giá. Khi quý vị đến nói chuyện với họ, hãy nói những gì cần nói và đừng nói nhiều hơn. Quý vị không nên biến việc chuyện trò chuyện đó thành một việc to tát như thể đang tổ chức hội nghị. Quý vị đã nhiều lần cung cấp bữa ăn cho họ. Lần mà quý vị ở đó lâu nhất là khi nào? Quý vị không thấy mình đang cản trở họ tu Đạo sao?

Việc nói chuyện phiếm đó không chỉ gây phiền toái mà còn cản trở người khác tu đạo, cản trở họ phát tâm Bồ Đề. Quý vị cho rằng nói chuyện phiếm với họ là một việc tốt. Quý vị có biết mình đã làm họ mất đi bao nhiêu công đức trong cuộc chuyện trò đó không? Đúng, họ vẫn có thể lạy vào ngày mai, nhưng sẽ phải lạy nhiều hơn thường lệ. Họ có thể mất một ngày, mười ngày, hai mươi ngày hay một năm [để có lại công đức đó] – điều đó không thể chắc chắn. Nếu quý vị không cản trở, quấy nhiễu họ thì đó sẽ chỉ là việc của riêng họ và không can hệ gì đến quý vị cả. Bây giờ quý vị đã hiểu chưa?

Những gì xảy ra trước đây thì đã qua rồi, sau này mọi người nên thận trọng hơn. Quý vị không nên tới đó để ngồi lê đôi mách hay nói chuyện phiếm, hãy tránh kiểu nói chuyện đó. Khi quý vị nói những điều như thế với họ, ngay lập tức họ bắt đầu khởi vọng tưởng và khó biết được họ sẽ phải lạy bao nhiêu ngày nữa trước khi có thể định tâm trở lại. Họ cơ bản đã quên các chuyện thế tục, nhưng khi quý vị tới đó và làm cho họ nhớ lại thì quý vị đã phá hỏng sự tu hành của họ mà không hay biết.

Nếu quý vị muốn yêu cầu việc gì, thí dụ như lấy tài liệu cho một bài báo, thì cũng được. Nhưng đừng hỏi họ “Gia đình thầy có khỏe không? Ba của thầy có khỏe không? Còn mẹ thầy như thế nào?” Họ không có ý kiến gì về những vấn đề này đâu. Tôi không quan tâm việc mọi người nói chuyện với họ nhiều như thế nào trong quá khứ, nhưng trong tương lai tôi sẽ quan tâm, vì lúc này họ đang trải qua một thời điểm vô cùng căng thẳng.

Nguyên tắc này được lập ra kể từ hôm nay vì hôm nay khi Gou Hu đi, có thể ông ta đã có uống một ít Coca-cola với họ, và đó là lý do vì sao ông ta đã không trở lại. Còn những chuyện xảy ra trước đó thì không tính. Thí dụ như Quả Châu, khi ông ở cùng họ được 3 hay 5 giờ, ông đã không phạm luật bởi vì trước đó luật chưa được đặt ra.

Tôi muốn hỏi Quả Du về điều này, bởi vì tôi nghĩ ông ta hiểu ý tôi. Thí dụ nếu một người nhân viên ngừng làm việc và tán gẫu với khách, thì ông chủ chắc chắn sẽ không hài lòng. Trong trường hợp này, đức Phật vừa mới có được 2 đệ tử thành tâm, tinh tấn tu hành, nhưng khi ông tới đó thì họ ngừng lại và nghỉ ngơi. Khi những vị hộ pháp thấy mình không còn việc gì để làm ở đó cả thì họ sẽ bỏ đi. Sau khi các vị hộ pháp đi rồi, những hành giả kia chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn khi họ bắt đầu bái lạy trở lại. Các vị hộ pháp cứ từ tốn và rất uể oải như thể họ đã không ngủ đủ: “Được rồi, chúng ta sẽ quay lại và lại canh chừng các ngươi”. Quý vị thấy không, ngay cả các hộ pháp cũng lười biếng. Làm sao có thể để cho điều đó xảy ra được?

Không phải người ta có nói rằng các tu sĩ này đã nhận được cảm ứng của các vi hộ pháp đến để bảo vệ họ sao? Quý vị không cần thắc mắc các vị hộ pháp có cảm động hay không. Khi một trong những tu sĩ đang bái lạy bị rách quần thì lại tình cờ gặp được một cái quần tốt khác. Khi người ta nhắm ném những chai sô-đa vào đầu họ, những chai này lại chệch khỏi đầu họ cách chỉ có 2 phân. Những người kia lái xe rất gần nên có thể dễ dàng ném mạnh vào đầu họ, làm sao quý vị có thể chắc chắn rằng không phải là các vị hộ pháp đã bảo vệ họ qua khỏi tai họa đó. Qua tất cả những việc này, rõ ràng rằng họ đã nhận được rất nhiều cảm ứng. Vì thế quý vị không nên phá hỏng cơ hội để được cảm ứng đó của họ. Bây giờ thì quý vị hiểu rồi chứ?

Tôi hài lòng khi mọi người cung cấp thức ăn cho họ, nhưng quý vị không nên nán lại quá lâu. Để đi đến đó và trở về là đã mất rất nhiều thời gian, vì vậy việc ở lại đó lâu không có ý nghĩa gì cả!

 

Timely Teachings, page 92 – 94.

 

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:


Hai hành giả hành hương lễ lạy đề cập ở đây là hai thầy Hằng Cụ và Hằng Do. Quả Du là thầy Hằng Cụ, Quả Ðạo là thầy Hằng Do, hai thầy người Hoa Kỳ đã hành hương cầu nguyện Hòa Bình Thế Giới, đã đi Ba Bước Một Lạy hơn một ngàn dặm từ
Kim Sơn Thánh Tự tại San Francisco đến Marblemount tiểu bang Washington từ tháng 10 năm 1973 đến tháng 8 năm 1974. Xin xem http://www.dharmasite.net/Three_Steps_One_Bow_v.htm