English|Vietnamese

 

Ngày 19 tháng Chín năm 1973, tối thứ Tư

Về việc niệm và xướng tụng

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Khi Pháp Sư Huệ Tăng đang dạy quý vị, hãy để cho Thầy nói và lắng nghe những gì Thầy nói. Hãy chú ý cách Thầy giảng. Ngày hôm qua tất cả quý vị đã học Hoa Nghiêm Tự Mẫu (Avatamsaka Syllabary) và xướng niệm. Quý vị nghĩ như thế nào? Hãy nêu ý kiến của quý vị và chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu.

Mỗi ngày tôi nghe quý vị niệm Phật một cách khá gò bó cứng đơ, không sống động lắm. Âm thanh niệm Phật không nên bị gò bó, không nên bị chướng ngại; không nên như bị dây trói buộc không thoát ra được, hãy tháo mở nó ra. Âm thanh nên giống tiếng nước chảy không ngừng, như tiếng rì rào của gió thổi làm hoa cỏ cây lá bay bổng tự nhiên.

Niệm Phật cũng như thế; xướng tụng cũng như thế. Khi xướng tụng, người xướng tụng cảm thấy an lạc hơn như lên cõi tiên, như thành thần tiên. Niệm Phật giống như Đức Phật đang hiện thân ra trước mặt. Niệm Phật nên như thế, không nên cứng ngắc và vô hồn, âm thanh không có âm lượng. Niệm chậm một chút cũng được nhưng đừng quá đờ đẫn không có sức sống. Tôi muốn đề cập điều này từ lâu nhưng cho đến hôm nay mới nói. Quý vị niệm cũng không cùng một âm, anh có âm thanh của anh, tôi có âm thanh của tôi. Tuy mọi người có miệng khác nhau nhưng âm thanh nên hòa đồng với nhau.

Quý vị không nên niệm như không phát ra tiếng. Cách này rất gò bó. Trong lúc niệm Phật, dù cho quý vị là tu sĩ hay cư sĩ, quý vị nên niệm lớn và hòa chung niệm Phật. Không nên chỉ im lặng và nghe người khác niệm. Tất cả quý vị nên nhất tâm niệm Phật và âm thanh nghe như là một. Lúc đó thì sẽ dễ dàng đạt được niệm Phật Tam Muội.

Dịch từ sách “Timely Teachings”, trang 361.

 

Ghi chú:

Bài giảng trên là một phần trong buổi giảng Kinh Hoa Nghiêm ngày 19 tháng 9, 1973. Nguyên văn Hoa ngữ có thể xem tại http://www.drbachinese.org/vbs/publish/273/vbs273p001.htm