English|Vietnamese

 

Ngày 28 tháng Mười, năm 1973. Tối Chủ Nhật

Về việc xem xét Năm Thứ Ngăn Che (Ngũ Cái)

Hòa Thượng Tuyên Hóa

 

Hòa Thượng: Những thứ ngăn che (1) là gì? Có ai biết chúng không? Có phải tất cả quý vị đều đã không còn những thứ ngăn che đó?

Sư cô Hằng Ẩn: Đó là tham dục, sân nhuế, nghi hoặc, và thùy miên.

Thầy Hằng Thụ: Ngoài ra còn có trạo cử.

Sư Cô Hằng Ẩn: Những điều này đã được bàn luận trong Kinh Pháp Hoa.

Hòa Thượng: Ồ, vậy chính là Kinh Pháp Hoa à? Những thứ ngăn che là gì vậy?

Sư Cô Hằng Ẩn: Con nhớ phần dịch những thứ ngăn che bằng Anh ngữ.

Hòa Thượng: Vậy thứ ngăn che thứ nhất là gì? Chúng ta sẽ bàn từng loại một.

Sư Cô Hằng Ẩn:

Nhất tâm diệt tâm loạn trừ tham chướng

Xa lìa chúng ngu si trừ sân chướng

Gần gủi bậc trí thức trừ nghi chướng

Nhiếp tâm trong rừng núi trừ chướng hôn trầm

Xa lìa vui đùa trừ trạo cử chướng. (1)

Kệ của Đại Sư Ngẫu Ích

Hòa Thượng: Quý vị đang nói bằng tiếng Anh làm tôi không hiểu. Hãy dịch sang tiếng Hoa cho tôi nghe. Tôi không biết quý vị nói có đúng không. Chúng ta có thể xác định điều này vào ngày mai, nhớ cho tôi biết vào ngày mai. Hãy tra cứu những từ ngữ này và hiểu cho rõ nghĩa. Hãy nhờ người thầy của quý vị, đó là tự điển. Được chứ?

Các đệ tử:  Dạ.

Hòa Thượng: Con có biết những thứ ngăn che là gì không Quả Phổ?   

Sư Cô Hằng Hiền: Con nghĩ là con còn nhớ bốn trong năm thứ che đậy mà Sư phụ đã giải thích trong các buổi giảng Kinh  Lăng Nghiêm.

Hòa Thượng: Đó là Kinh gì không quan trọng. Bất luận quý vị nghe điều này ở nơi nào thì đó chính là nơi quý vị đã nghe nó. Tôi nói đó là Kinh Lăng Nghiêm nhưng cũng có thể là Kinh Pháp Hoa hay Kinh Kim Cang. Dù cho điều này ở đâu, tôi đã từng bàn về điều này rồi. Và có lẽ tôi cũng không tự mình nhớ đã giảng điều này ở chỗ nào. Đừng tin lời tôi. Quý vị nên tin vào chính mình và tin tưởng vào quyển tự điển.

Sư Cô Hằng Hiền: Sư phụ, thứ che đậy thứ nhất chính là sự thiếu niềm tin (nghĩa là hoài nghi). Con không nhớ thứ che đậy thứ hai. Thứ ba là dạng mê ngủ. Thứ tư đại loại là tâm dao động. Thứ năm là tâm si. Nhưng con không biết chính xác cách dùng những thuật ngữ này theo tiếng Hoa. Thứ che đậy thứ tư liên quan đến việc tâm dao động liên tục từ trầm cảm và kích động đến hưng cảm.

Hòa Thượng: Nghĩa của “che đậy” là gì vậy? Chúng ta không cần nói có bao nhiêu loại. “Che đậy” nghĩa là gì?

Sư Cô Hằng Hiền: Tiếng Phạn của từ ngữ này là “avarana”. [Chú thích: Thực sự avarana là từ ngữ chỉ “chướng ngại”, và  nivarana theo Phạn ngữ là Ngũ chướng (Ngũ Cái – Năm thứ ngăn che)]

Hòa Thượng: Avarana? (Chướng ngại?)

Sư Cô Hằng Hiền: Chướng ngại che lấp sự thanh tịnh. Đó là cách mà Sư phụ đã giải thích.

Hòa Thượng: Cô ta nói đến Phạn ngữ. Trong số quý vị nói tiếng Anh ở đây có gì để bàn không? Nghĩa của “cái” (ngăn che) là gì? Chúng ta không phải bàn hết mọi thứ nhiều đến như vậy – chỉ cần xem xét nghĩa của một “ngăn che”. Khi chúng ta có thể hiểu khái niệm đơn giản của một thứ “ngăn che”, thì dù có bao nhiêu “ngăn che” đi nữa, chúng ta vẫn có thể hiểu được. Trước tiên, chúng ta hiểu một “ngăn che”. Một ngăn che là tất cả các ngăn che và tất cả các ngăn che chỉ là một ngăn che. Rồi thì quý vị sẽ biết ngăn che nào đang che lấp quý vị, ngăn che nào đang che lấp tôi. Các ngăn che của quý vị có thể sẽ khác các ngăn che của tôi.

Quả Du: Sư phụ, con nghĩ “ngăn che” đại khái như là chướng ngại. Tuy nhiên, cái ngăn che sẽ làm chúng ta không thấy rõ tự tánh của mình – như là cái dù. Nếu tự tánh của ta bị cái gì che lấp lên, thì ta sẽ không nhìn thấy tự tánh. Đó là nghĩa của “ngăn che”.

Hòa Thượng: Vì vậy con không thể nhìn thấy ma?

Quả Du: Không phải như vậy. Có lẽ ma là một loại ngăn che và sự vô minh cũng là một ngăn che.

Hòa Thượng: Theo Anh ngữ đây “cover” (nắp đậy)? Thì đó chính là cái này. [Chú thích: Hòa Thượng nhặt cái nắp tách trà trên bàn lên], phải không?

Đệ tử: Dạ.

Hòa Thượng: Vậy thì không có gì để nói. Nó chính như thế này [Chú thích: Hòa Thượng buông thả cái nắp rơi mạnh xuống tách trà.] Nếu hiểu điều này, quý vị sẽ hiểu được điều kia. Và nếu hiểu được điều kia, sẽ hiểu được điều này. Như vậy không đúng sao?

Đệ tử: Dạ đúng.

Hòa Thượng: Tuy nhiên, nó cũng không hẳn như vậy. Đây chỉ là một tỷ dụ. Ánh sáng trí tuệ của chúng ta khởi thủy chiếu ngập tràn trời đất, rọi chiếu khắp Pháp Giới. Nhưng vấn đề là có một cái thùng đen không có chút ánh sáng nào bên trong, vì nó bị cái nắp đậy kín, như cái tách trà này. Những điều tôi nói khi đang giảng kinh có những chỗ giảng không đúng, vì vậy nếu ai biết cách giải thích đúng, nhớ hướng dẫn cho tôi sau đó, vì tôi không biết là tôi đã nói đúng hay không. Tất cả quý vị đều là những Thiện tri thức. Quý vị có thể nói cho tôi biết vào tối mai. Hãy nói thẳng với tôi, đừng nói sau lưng tôi nhé.

 

Dịch từ sách “Timely Teachings”, trang 339 – 342.

 

Ghi chú:

(1) Ngăn che – 蓋 cái – http://www.drbachinese.org/vbs/publish/307/vbs307p002.htm

(2) Nguyên văn Hoa ngữ:

離戲笑是卻掉舉蓋,

離癡眷屬是除瞋蓋,

近智者是除疑蓋,

一心除亂是卻貪蓋,

攝念山林是除睡蓋。

   ––(摘自《蕅益大師全集》)

Ly hí tiếu thị khước điệu cử cái, 
Ly si quyến chúc thị trừ sân cái, 
Cận trí giả thị trừ nghi cái, 
Nhất tâm trừ loạn thị khước tham cái, 
Nhiếp niệm san lâm thị trừ thụy cái。 
   ( trích tự 《Ngẫu Ich đại sư toàn tập》)